Về hay ở phải là kết quả thoả thuận tự nguyện

07:41 SA @ Thứ Năm - 24 Tháng Mười Hai, 2009

Cần có thời gian để thu hẹp, đi đến xoá bỏ sự chênh lệch về mức độ hấp dẫn của Việt Nam, như là một địa chỉ nghề nghiệp của trí thức trẻ, so với các nước tiên tiến.

Dự thảo quy chế quản lý du học sinh, do bộ Giáo dục và đào tạo soạn thảo và được công bố để lấy ý kiến rộng rãi, được xã hội tiếp nhận với rất nhiều phản ứng trái chiều. Một số người cho rằng nội dung quy chế là tích cực, đặc biệt về phương diện quản lý đối với nguồn nhân lực chất lượng cao, và tạo điều kiện thuận lợi cho việc hỗ trợ, bảo vệ các quyền lợi chính đáng của du học sinh ở nước ngoài; số khác, hình như đông hơn nhiều, lại chỉ nhận thấy ở quy chế sự siết chặt đến gò bó và cả sự bất hợp lý trong việc giải quyết bài toán về sự cân xứng giữa quyền và nghĩa vụ công dân.

Có thể cảm thông với nỗi lo lắng của nhà chức trách công trước hiện tượng chảy máu chất xám từ việc mở cánh cửa du học cho giới trẻ. Tuy nhiên, bảo vệ nguồn chất xám bằng cách thiết lập chế độ quản lý du học sinh theo mô hình giám hộ đối với người chưa thành niên, như trong bản dự thảo quy chế ấy, thì không hay, nếu không muốn nói là trái với các nguyên tắc tôn trọng quyền chủ thể được thiết lập trong luật cơ bản.

Kinh nghiệm cho thấy chẳng nước nào giữ được tinh hoa của quốc gia bằng các biện pháp mang ý nghĩa trói buộc con người vào những bổn phận pháp lý. Mục tiêu sống của các cá thể, suy cho cùng, là thoả mãn các lợi ích của bản thân; theo sự thôi thúc của bản năng sống, cá thể luôn có xu hướng di chuyển đến nơi nào mà việc thoả mãn các lợi ích đó có thể được thực hiện trong những điều kiện thuận lợi nhất. Bởi vậy, tài năng chỉ có phát huy và từ đó nở rộ thành những hoa quả tươi đẹp trong môi trường làm việc thoáng đạt cả về vật chất và tinh thần. Nhiều du học sinh không về nước sau khi tốt nghiệp cũng từ sự lựa chọn nơi định cư để xây dựng sự nghiệp theo tiêu chí đó, sau khi so đo các điều kiện làm việc ở nước sở tại và ở nước nhà.

Cần có thời gian để thu hẹp, đi đến xoá bỏ sự chênh lệch về mức độ hấp dẫn của Việt Nam, như là một địa chỉ nghề nghiệp của trí thức trẻ, so với các nước tiên tiến. Trước mắt, cách tốt nhất để giữ người tài hẳn chỉ có thể là để họ xác lập nghĩa vụ hồi hương của mình trên căn bản tự nguyện, chứ không phải bằng cách áp dụng các quy phạm mệnh lệnh của luật pháp.

Rõ hơn, trước khi cho phép một thanh niên đi du học, nhà chức trách đặt trước mặt họ một bản hợp đồng, trong đó ghi rõ những cam kết mà người đi học phải chấp nhận, như: phải lấy được bằng cấp gì, sau khi học xong thì phải về làm việc tại đâu, trong thời gian bao lâu, nếu không về đúng hạn thì sẽ bị chế tài như thế nào,…

Chấp nhận các điều khoản của hợp đồng và ký vào đó với ý thức đầy đủ về việc mình làm, người đi học chẳng có gì để phàn nàn về những ràng buộc phát sinh. Đặc biệt, giao kết một hợp đồng như thế giúp người đi học biết mình sẽ làm gì, cho cơ quan nào, trong bao nhiêu năm, từ trước khi đi học. Quy định như trong bản dự thảo quy chế, việc hồi hương dễ trở thành nỗi ám ảnh, hơn là kích thích sự háo hức, đối với du học sinh.

Cách làm này còn cho phép nhà chức trách, trong trường hợp người đi học không tự giác thực hiện nghĩa vụ của mình, tiến hành cưỡng chế thông qua vai trò của toà án, nghĩa là theo đúng cách thức người ta bắt buộc thi hành một nghĩa vụ pháp lý kết ước bình thường trong cuộc sống dân sự.

Cần nhấn mạnh rằng trong xã hội có tổ chức, ngoài nghĩa vụ thuế và nghĩa vụ quân sự, tất cả các bổn phận của công dân đối với Nhà nước đều phải được bù trừ bằng những quyền lợi tương ứng. Theo logic mang tính nguyên tắc đó, thì chỉ khi nào cấp kinh phí, trực tiếp hay gián tiếp, cho du học sinh để trang trải chi phí học tập và ăn ở tại xứ người, Nhà nước mới có quyền đòi hỏi ở du học sinh các nghĩa vụ đối với mình. Nói cách khác, việc dùng hợp đồng để ràng buộc người đi học chỉ hợp lý trong các trường hợp đi học bằng ngân sách công.

Đưa cả người đi du học tự túc vào cùng một diện quản lý với người hưởng học bổng của Nhà nước, người soạn thảo quy chế dễ khiến người ta nghĩ rằng dường như nhận thức của người quản lý về chức năng xã hội của nhà chức trách công còn chưa theo kịp đà xã hội hoá nền giáo dục quốc dân.

Cần có thời gian để thu hẹp, đi đến xoá bỏ sự chênh lệch về mức độ hấp dẫn của Việt Nam, như là một địa chỉ nghề nghiệp của trí thức trẻ, so với các nước tiên tiến.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Hiền tài là nguyên khí quốc gia

    29/08/2008Phạm BìnhChuyển động của mỗi đất nước phụ thuộc chủ yếu vào trí tuệ và bản lĩnh của những cá nhân xuất sắc ở đất nước đó. Để hướng tới một nền kinh tế phát triển, một xã hội dân chủ và tích lũy được những giá trị tốt đẹp cho cuộc sống – sự tìm kiếm, đào tạo và trọng dụng nhân tài cần được coi là một trong những nhân tố tích cực nhất...
  • "Tự đóng cửa là tự hại mình"

    23/09/2007Nhật Lệ thực hiệnNhiều năm qua, dịch giả Bùi Văn Nam Sơn dày công dịch và chú giải ba quyển Phê phán nổi tiếng của nhà triết học Đức I. Kant: "Phê phán lý tính thuần túy" (2004, tái bản 2007), "Phê phán năng lực phán đoán", "Phê phán lý tính thực hành" (2007) và "Hiện tượng học Tinh thần" của G.W.F. Hegel (2006)...
  • Phát triển giáo dục trong xu hướng toàn cầu

    23/07/2007Phạm ThắngHầu hết các quốc gia trên thế giới đều lấy giáo dục phổ thông làm nền tảng và coi giáo dục Đạihọc là yếu tố quyết định chất lượng nguồn nhân lực. Trong bối cảnh toàn cầu hoá, tùy thuộc vào điều kiệnkinh tế- xã hội của mình, mỗi quốc giacó thể nhấn mạnh các khía cạnh khác nhau trong chiến lược phát triểngiáo dục Đại học...
  • Lập chiến lược cuộc đời

    25/02/2007Trâm Anh KenNhiều người trong chúng ta, hằng ngày đang sống, làm việc đôi khi như quán tính, thói quen và vì các mục tiêu trước mắt, mà rất ít khi dừng lại xác định "mình là ai", "mình thực sự muốn gì" và "mình phải làm gì". Bạn có bao giờ nghĩ rằng sẽ phải lập một "chiến lược" cho chính cuộc đời mình?
  • Dân ta cần Đại học đạt chuẩn thế giới

    15/07/2006Hữu NguyênChất lượng giáo dục đại học hiện đang là một trong những nguy cơ có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển bền vững trong tương lai. Nhiều phụ huynh lo xa và có điều kiện đã tìm mọi cách cho con mình đi du học nước ngoài...
  • Tản mạn về mảnh bằng Ph.D

    06/12/2003Ngô Quang Hưng"Những năm gần đây có khá nhiều sinh viên Việt Nam du học ở Mỹ và nhiều nước khác, bằng nhiều con đường khác nhau. Người có học bổng, chức trợ giảng (teaching assistant - TA), hoặc trợ nghiên cứu (research assistant - RA), người thì du học tự túc. Tôi không nhớ chính xác là đã đọc ở đâu đó rằng có hơn nghìn du học sinh mỗi năm sang Mỹ. Nhiều người trong số họ theo học tiến sĩ (Ph.D)." ChúngTa.com xin đăng tải vài viết của anh Ngô Quang Hưng viết trên mailling list [email protected] về vấn đề này.
  • xem toàn bộ