Về sự nhẹ dạ

08:43 CH @ Thứ Bảy - 08 Tháng Giêng, 2011
1. Nhẹ dạ cả tin là trạng thái tâm lý của một số người sẵn sàng tin vào một hay nhiều người khác hoặc một hay nhiều sự kiện chỉ được nghe nói mà không dựa vào bất kỳ một chứng cớ hay một sự hiểu biết hợp lý nào. Tính nhẹ dạ cả tin không chỉ là việc tin vào một điều gì đó không thật. Đối tượng của sự cả tin có thể là một điều đúng đắn, nhưng vấn đề nằm ở chỗ một người có tính nhẹ dạ cả tin thì họ sẽ không cần quan tâm đến bất kỳ một bằng chứng xác thực nào làm cơ sở cho niềm tin của họ. Vì sẵn sàng tin mà không cần kiểm chứng, người có tính nhẹ dạ cả tin dễ dàng trở thành nạn nhân của các trò lừa đảo. Thời gian gần đây, người ta được biết vô số những chuyện tưởng chừng không thể xảy ra mà vẫn xuất hiện nhan nhản trên mặt báo về các trường hợp kẻ lừa đảo dựng ra những chuyện hết sức vô lý mà vẫn đưa được nhiều người vào tròng. Có thể thấy vụ vòng đeo tay Phật Quan Âm làm bằng titan mới bị phát hiện trong khoảng tháng 11 năm nay là một trường hợp điển hình mà nạn nhân là nhiều người nhẹ dạ cả tin.

Một cô sinh viên mới học năm thứ ba khoa tiếng Trung Quốc thuộc Trường Đại Học Ngoại Ngữ Hà Nội đã nắm trong tay một công ty trách nhiệm hữu hạn có tên là Special TV Shopping được chính quyền Thủ đô Hà Nội cấp phép. Sau khi mua của Công ty Đồ Trang Sức Thẩm Quyến (Trung Quốc) một số vòng đeo tay với giá chỉ là nhân dân tệ cho bộ sản phẩm, tính ra chỉ bằng 4.000 đồng VN một bộ, cô sinh viên này đã thuê quảng cáo trên các phương tiện truyền thông đại chúng để giới thiệu rằng sản phẩm trên đã được tổ chức kiểm định uy tín nhất thế giới là SGS của Thuỵ Sỹ công nhận có nhiều khả năng cải thiện sức khoẻ cho người đeo chúng. Và cô ấn định giá bán sản phẩm ấy với mức 990.000 đồng VN một bộ. Theo tin của các báo, số khách hàng đã bỏ tiền ra mua những vòng đeo tay Phật Quan Âm có thể lên đến hàng vạn người, không chỉ là người ở tỉnh lẻ hay nông thôn mà ngay cả những người dân Hà Nội cũng bị cô sinh viên năm thứ ba này cho vào xiếc.



Trong những vụ lừa đảo này, có người đã quy trách nhiệm cho sự đồng loã của một số phương tiện thông tin đại chúng khi quảng cáo sản phẩm mà không dựa trên những kết quả kiểm nghiệm nghiêm túc. Ở đây, chúng ta không bàn đến vấn đề đó mà chỉ muốn giải thích nguyên nhân của thái độ nhẹ dạ ở những người sẵn sàng tin vào một điều gì đó mà không nghĩ đến việc kiểm chứng, không cần đến những chứng cớ xác thực, không dựa vào nhận thức thông thường, bỏ qua mọi sự thận trọng cần thiết trước khi can dự vào một hành động.

2. Trong vòng vài chục năm trở lại đây, đã có không ít những vụ lừa đảo có thể thu hoạch bạc tỷ từ những người nhẹ dạ với số nạn nhân lên đến con số hàng vạn hay hàng chục vạn. Những vụ như giật hụi, góp vốn làm ăn để được hưởng lãi suất cao, góp vốn tín dụng với những khoản khuyến mại hấp dẫn, lao vào nhắn tin trên các mạng điện thoại di động với hy vọng trúng số… bên cạnh đó, cũng có những vụ kéo nhau đến những nơi được cho là có năng lực trị bệnh để được lành bệnh như trường hợp khu vườn kỳ lại ở huyện Đức Hoà tỉnh Long An, rủ nhau đến tham quan những nơi được đồn đại là có Chúa hiện ra, thi nhau hứng nước được cho là rằng chảy ra từ mắt của Đức Bà Maria khóc thương con chiên, kháo nhau có hào quang hiện ra ở nơi có tượng Đức Phật bà Quan Âm… có vẻ ngày càng được mùa.

Không phải tất cả những kẻ gieo rắc niềm tin mù quáng đều nhắm tới mục đích lợi nhuận. Bên cạnh những vụ lợi dụng để kiếm tiền, còn có những vụ có những vụ có mục tiêu gây xáo trộn xã hội, hư trương thanh thế hoặc lôi kéo tín đồ. Nhưng dù với mục tiêu nào đi nữa, những kẻ gieo rắc niềm tin mù quáng đều dựa vào cùng một nguyên lý, đó là, tỏng xã hội luôn luôn có những con người nhẹ dạ cả tin; và sau khi đã biết mình bị lừa, những người nhẹ dạ cả tin ấy lại không dám công nhận sự khờ khạo của mình mà còn ra sức bênh vực nguồn lừa đảo để chứng tỏ rằng mình đúng. Chính những kẻ bị lừa đầu tiên lại trở thành cái loa tuyên truyền cho kẻ lừa đảo, lôi cuốn tiếp những người sẽ bị lừa đảo khác. Như vậy, nhân tố quan trọng tạo nên sự thành công cho những kẻ gieo rắc niềm tin mù quáng chính là những người nhẹ dạ cả tin.

3. Trước hết, có thể khẳng định rằng sự nhẹ dạ dẫn xuất từ sự thiếu hiểu biết mà thuật ngữ Phật giao gọi là si, một trong ba tâm sở bất thiện căn bản đã được phân tích bởi Duy thức học. Vì thiếu hiểu biết nên con người sẵn sàng tin tưởng một cách mù quáng mà không cần kiểm chứng. Hơn nữa, vì thiếu hiểu biết nên nếu có muốn kiểm chứng kẻ nhẹ dạ cũng không biết cần phải bắt đầu từ chỗ nào. CHẳng hạn, khi được nghe nói một loại thực phẩm nào đó cố công năng chữa bệnh ung thư, nếu lào một người có hiểu biết, chắc chắn người ấy phải kiếm chứng xem loại thực phẩm ấy có chứa những dược chất đã được công nhận có khả năng chữa bệnh ung thư hay không. Khi phân chất thấy rằng trong loại thực phẩm nói trên không chứa những dược chất ấy thì người có hiểu biết không tin. Hoặc nếu có nói rằng loại thực phẩm ấy chứa những dược chất mới được phát hiện là có khả năng chữa bệnh ung thư thì người có hiểu hiết cũng chờ sự việc được kiểm chứng qua thực tế, được các tạp chí khoa học chuyên ngành y học xác định, công bố. Ngược lại, với những người thiếu hiểu biết, chỉ cần kẻ tuyên truyền đưa ra những chứng cớ mơ hồ rằng ông A, bà B đã sử dụng loại thực phẩm đó và đã lành bệnh là đủ để thuyết phục cho họ tin mà không đòi hỏi nhiều hơn.

Thứ hai, cũng trên cái nền của tâm sở si, kẻ có lòng tham càng dễ bị dẫn dắt để trở thành nhẹ dạ cả tin và là nạn nhân của mọi trò lừa đảo. Những người kiên nhẫn gửi vô số tin nhắn qua mạng điện thoại di động để mong cầu trúng số hay được nhận quà khuyến mãi, những người góp vốn cho các cơ sở kinh doanh để hưởng các khoản lãi suất cao vượt khung… đều bị lòng tham làm mờ mắt, nhưng cũng vì không đủ hiểu biết để nhận định những yếu tố lừa gạt đằng sau các lời mời gọi hấp dẫn nên mới trở thành nạn nhân. Lòng tham không chỉ hạn định ở việc tham cầu vật chất hay tiền bạc. Trường hợp những người bị lừa trong vụ vòng đeo tay Phật bà Quan Âm bằng titan nêu trên, thực ra họ cũng bị kích thích bởi lòng tham cầu về phương diện sức khoẻ, bên cạnh đó còn có những người chịu tác động của lòng tham cầu về tiếng tăm, muốn tỏ ra mình cũng có khả năng mua sắm những thứ hàng đắt tiền. Ngay cả việc mù quáng tin vào sự cứu rỗi của các thế lực siêu nhiên rồi thực hiện những hành vi theo sự chỉ định của các hàng giáo phẩm các tôn giáo cũng là một hình thái nhẹ dạ cả tin, thoạt đầu tưởng như không bị tác động bởi lòng tham nhưng thật ra trong đó cũng có yếu tố tham, ở chỗ có sự mong cầu về một chỗ ở trên cõi thiên đường, nơi được cho là con người sẽ có được cuộc sống đời đời với hy vọng muốn gì được nấy. Thái độ nhẹ dạ cả tin trong trường hợp này có vẻ như vô hại nhưng lại là trường hợp khó thoát ra nhất. Thật vậy, niềm tin ấy đã được gieo rắc suốt nhiều ngàn năm, được trao truyền từ đời này sang đời nọ, mang tính di truyền mạnh mẽ nhất, không dễ gì một người có thể trực nhận được rằng tin như vật cũng là nhẹ dạ.

Thứ ba, ngoài tâm sở si đóng vai trò chủ đạo, kẻ nhẹ dạ cả tin còn bị tác động bởi tâm sở sân. Thí dụ, do có sẵn căm giận hoặc ghét bỏ đối với một người nào đó, ngay khi nghe có người khác nói xấu về người ấy hoặc nhận được tin đồn về việc người ấy gặp một hoàn cảnh không may mắn nào đó, kẻ nhẹ dạ liền tin ngay lời nói xấu hay tin đồn kia là đúng sự thật và có thể giúp loan truyền lời nói xấu hay tin đồn, hoặc vì tin ngay lời nói xấu hay tin đồn mà kẻ nhẹ dạ thực hiện các hành vi gây hại cho người bị ghét bỏ. Tóm lại, chính vè thiếu hiểu biết nên con người mới nhẹ dạ cả tin. Nói khác đi, yếu tố chính dẫn dắt con người đến chỗ nhẹ dạ cả tin chính là tâm sở si.

4. Để gột rửa tâm sở si, con người phải tu tập sao cho đạt tới tuệ giác.

Theo giáo pháp nhà Phật, để đạt tới tuệ giác, con người phải có niềm tin chân chính. Thật vậy, trong ngũ căn và ngũ lực thì tín đứng đầu và tuệ đứng sau cùng, cho thấy tín chính là cơ sở để đạt tới tuệ. Tuy nhiên, khác với tất cả những tổ chức tôn giáo hay xã hội khác, thường đòi hỏi các thành viên của họ phải tuân phục tuyệt đối những quy định, những lý thuyết, những giáo điều…do các bậc sáng lập và các viên chứ của những tổ chức ấy thiết định, Phật giáo không khuyên người ta tin tưởng một cách mù quáng. Kinh Kalama trong Tăng Chi Bộ, chương Ba Pháp, cho biết, khi Đức Phật thấy những người thuộc bộ tộc Kalama sống trong thị trấn Kesaputta hoang mang vì tiếp xúc với nhiều hạng đạo sư khác nhau tìm đến với họ đều là những người đề cao giáo pháp của mình và bôi bác giáo pháp của người khác, Ngài đã nói với họ, “ Này quý vị Kalama, đừng tin vì nghe truyền khẩu, đừng tin vì nó là truyền thống, đừng tin vì nghe đồn đại, đừng tin vì được ghi trong kinh điển, đừng tin vì lý luận, đừng tin vì suy diễn, đừng tin vì đã tư duy trên mọi lý lẽ, đừng tin vì dựa theo ý kiến đã được cân nhắc, đừng tin vì vị ấy có vẻ uy quyền, đừng tin vì nghĩ rằng vị ấy là thầy của mình”. Tiếp theo, Ngài giảng giải thêm, “ Khi nào quý vị tự mình biết rõ:” Các pháp này là bất thiện; các pháp này là đáng chê; các pháp này bị người trí chỉ trích; các pháp này nếu được thực hiện và chấp nhận, sẽ đưa đến bất hạnh khổ đau, quý vị hãy từ bỏ chúng… Khi nào quý vị tự mình biết rõ: “Các pháp này là thiện; các pháp này là đáng khen; các pháp này được người trí ca ngợi; các pháp này nếu được thực hiện và chấp nhận sẽ đưa đến lợi lạc hạnh phúc, quý vị hãy đạt đến và an trú”. Rõ ràng, ngay sau khi khuyên những người Kalama không nên tin một cách cảm tính, Đức phật nhấn mạnh đến việc khi một người biết rõ một pháp nào đó là bất thiện thì hãy nên từ bỏ và khi biết rõ pháp nào đó là thiện thì nên cố gắng đạt đến và an trú trong đó. Kinh cũng cho biết thêm là ngay sau đó, Đức Phật đã giảng giải để những người Kalama hiểu được lẽ nhân quả và luật duyên sinh, khiến những người Kalama ấy một lòng tin theo Phật.

Đoạn kinh trên cho thấy con người cần phải có niềm tin, nhưng niềm tin đó phải là niềm tin chân chính, dựa trên sự suy xét tận cùng vấn đề, rằng hành vi nào khi thực hiện thì có thể đem lại an lạc. Điều quan trọng là con người phải được truy vấn tới cùng về mọi sự kiện trước khi người ấy xác lập một niềm tin.

Tóm lại, chỉ khi được giảng dạy để xác lập một chánh tin thì con người mới thoát khỏi mọi nguỵ tin và tà tín, một đìeu mà Phật giáo có thể cung cấp cho xã hội loài người để xoá bỏ trạng thái tâm lý nhẹ nhàng cả tin nơi con người.
Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc: