Việc bé, đừng xé ra to

05:08 CH @ Thứ Ba - 26 Tháng Năm, 2009

Chúng ta đang sống trong những tháng ngày mà cuộc đại suy thoái kinh tế toàn cầu có thể ảnh hưởng tới đời sống của rất nhiều gia đình. Kèm đó là bao thứ thiên tai, dịch bệnh. Thì đó, người dân còn đang hoang mang lo lắng trước việc cúm gia cầm tái phát ở một số tỉnh miền Trung, đã lại phải lo đối phó với dịch cúm heo có nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam qua giao lưu quốc tế.

Nói vậy để thấy, trong cuộc sống, con người phải đối mặt với trăm ngàn mối lo. Cho nên, với những sự việc vốn dĩ chỉ cỏn con, ai đó đừng nên - nói như các cụ là "bé xé ra to", gây thêm cho cuộc sống những áp lực không cần thiết.

Tiếc rằng, thời gian qua, đã có một số vụ việc như vậy xảy ra trong giới văn nghệ, làm "bận lòng" công luận và những người liên quan.

Chúng ta đều biết, việc hợp nhất tỉnh Hà Tây với thành phố Hà Nội đã được thực hiện từ mùa thu 2008. Có những cơ quan quy mô tổ chức rất phức tạp, vừa đông cán bộ lại vừa nhiều đầu mối, vậy mà từ nhiều tháng nay, họ đã thực hiện xong việc sáp nhập và đi vào vận hành một cách êm ả.

Trong khi đó, một Hội như Hội Nhà văn Hà Nội, nói như ông Chủ tịch Hội thì ngân sách được phân bổ hàng năm chỉ "trên dưới 50 triệu đồng", "các ủy viên Ban Chấp hành đều làm việc kiêm nhiệm, không có ai ăn lương hoặc nhận bất cứ một khoản phụ cấp nào của Hội", và các hội viên thì hầu như không được hưởng quyền lợi vật chất gì, vậy mà việc hợp nhất với Chi hội Văn học Hà Tây theo chủ trương chung lại diễn ra hết sức ậm ạch.

Suốt nhiều tháng ròng, việc bổ sung thêm một, hai vị ủy viên Ban Chấp hành Chi hội Văn học Hà Tây vào Ban Chấp hành Hội Nhà văn Hà Nội vẫn không thông. Và việc ra quyết định công nhận các hội viên Chi hội Văn học Hà Tây là Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội cũng bị bỏ lửng. Sự việc chỉ tiến triển kể từ cuộc họp giữa lãnh đạo hai Hội ngày 24/4 vừa qua, sau trận "công kích" dồn dập cả trên báo giấy lẫn báo mạng

Giá như cuộc hợp nhất giữa Hội Nhà văn Hà Nội và Chi hội Văn học Hà Tây diễn ra suôn sẻ như thế này (trong ảnh: Các đại biểu bỏ phiếu bầu Ban chấp hành Hội Nhà văn Hà Nội, 2006).

Để dẫn đến tình trạng chậm trễ này, nếu đúng như lời ông Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội trả lời trên báo Gia đình & xã hội (sở dĩ phải nói "nếu đúng" vì sau đó, trả lời trên báo Người Hà Nội ông lại có ý khác, mặc dù, theo báo Gia đình & xã hội cho biết, họ không thấy ông phản ứng trực tiếp với báo của họ) thì là do ông Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội không muốn để các hội viên Chi hội Văn học Hà Tây xếp ngang bằng với các hội viên của Hội Nhà văn Hà Nội.

Theo ông Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội thì ý kiến của ông Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội là "Theo tôi thì cứ lập riêng một Chi hội Nhà văn Hà Tây trong Hội Nhà văn Hà Nội, tôi cũng không cần kết nạp họ nữa vì họ cũng chưa đủ tiêu chuẩn nhà văn".

Sau bài báo nói trên, ông Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội đã có phản ứng, cho rằng nói vậy không đúng với tinh thần của ông. Và ông Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội cũng có ý kiến mà ông cho là "chính thức" trên tờ Người Hà Nội, theo đó, có vẻ như là ông không muốn nhận những lời phát biểu trên tờ Gia đình & xã hội là của mình. Ông còn nói: "Đừng nghiêm trọng hóa những việc trên thực chất không có gì đáng phải đao to búa lớn".

Dù sự thật thế nào chăng nữa, ta cũng phải nhìn nhận một cách sòng phẳng là việc hợp nhất giữa Hội Nhà văn Hà Nội và Chi hội Nhà văn Hà Tây diễn ra hết sức chậm trễ. Tất nhiên, ta có thể hiểu được khát vọng không phải không chính đáng của ông Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, song thiết nghĩ cũng cần tôn trọng những gì lịch sử để lại.

Còn nói như ông Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội "Đừng nghiêm trọng hóa những việc trên thực chất không có gì phải đao to búa lớn", nếu quả ông nhận thức như vậy, sao không cùng các cộng sự giải quyết cho nó êm gọn, mà phải bươi ra để báo chí nhảy vào can thiệp?

Nhìn sang lĩnh vực biên soạn sách giáo khoa. Vừa qua, báo chí cũng rộ lên những đợt phản hồi với một số "hạt sạn" mà họ bắt gặp trong một vài cuốn sách, trong đó có sách ngữ văn. Còn nhớ, dịp hè năm ngoái, khi NXB Giáo dục quyết định tăng giá sách giáo khoa, trong đó có bộ sách chỉ tăng hơn chục ngàn, vậy mà đã có ý kiến phát biểu tại một diễn đàn lớn, rằng tăng như thế có thể khiến trẻ em nghèo bỏ học. Trong khi hiện nay, mặc dù chỉ phát hiện được trong sách những "hạt sạn" nhỏ, tỉ như chỗ này đáng lý phải thêm cái dấu phẩy, chỗ nọ cần phải viết hoa, có vị đã đùng đùng nổi đóa, đề nghị phải... hủy sách đi, làm lại!

Chao ôi, cứ cái kiểu ý kiến ý kiếc thế này thì cuộc sống chỉ có thêm nặng nề, thêm "rách việc" mà thôi.

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Cơ chế nào sửa sai lỗi hệ thống?

    06/11/2019Nguyễn Chinh Tâm...tham nhũng ở nước ta đã trở thành quốc nạn. Không phải chỉ một, hai cá nhân hay một vài đơn vị tha hóa mà căn bệnh đang lan rộng khắp guồng máy. Thừa nhận hay đến lúc bắt buộc phải thừa nhận: tham nhũng xuất phát từ cơ chế mà trong đó mỗi sai phạm của cá nhân chỉ đóng vai trò hệ quả. Cái nhân của nó nằm tận bên trong, vì bộ máy đang tồn tại những khuyết điểm mang tính hệ thống.
  • Chính trị, quản lý và cơ chế của sự lựa chọn

    09/06/2014Nguyễn Trần BạtViệc sử dụng và lạm dụng thuật ngữ "chính trị" khiến nó thường bị hiểu sai và bị tầm thường hoá. Một trong những sai lầm phổ biến nhất và cũng căn bản nhất, là sự nhầm lẫn giữa chính trị và quản lý, giữa nhà chính trị và nhà quản lý...
  • Phiếm luận về khuyết tật hệ thống

    22/01/2009GS. Hoàng TụyMột năm mới lại đến, với những dự báo không mấy lạc quan cho những tháng sắp tới và xa hơn nữa. Không khí lo lắng đang bao trùm xã hội. Nổi lên là lo lắng về khả năng ứng phó của từng người, từng ngành hoạt động trước những biến động khôn lường sắp tới. Chính lúc này là một dịp nên tạm dừng lại suy ngẫm sâu hơn một chút về lẽ đời, lẽ trời, về những cái thường ngày ta ít quan tâm.
  • Kết hợp ba cơ chế đối với trách nhiệm thực thi Công vụ

    31/12/2008Nguyễn Tất ThịnhNhững tiêu cực trong lĩnh vực quản lí kinh tế xã hội ở mức độ khác nhau xảy ra ở nước ta trong những năm gần đây cho thấy sự suy đồi về tinh thần thực thi công vụ, thoái hóa về nhân cách của nhiều Quan chức và Công chức có nguyên nhân nằm sâu trong cơ chế...