Xây danh dự cho dân tộc Việt

07:50 CH @ Thứ Ba - 12 Tháng Sáu, 2018

LTS: Cũng trong mạch Định vị Việt Nam trong thế giới của thập kỷ mới, Nguyễn Lương Hải Khôi, nghiên cứu sinh văn học tại Nhật Bản có sự so sánh thú vị sự nghiệp Đổi Mới của Việt Nam và Duy Tân Minh trị của Nhật Bản, từ đó đưa ra kết luận: Để Việt Nam có chỗ đứng trong thế giới toàn cầu hóa này, đất nước cần một cuộc khai hóa văn minh tinh thần quyết liệt như Nhật Bản đã từng thực hiện, trong đó nền văn hóa cần được tái cấu trúc theo hướng tìm đường khai mở cho dân tộc "những chân trời có người bay", nơi "những người bay" luôn tìm thấy mọi loại "chân trời".

Bài viết dưới đây thể hiện quan điểm riêng của tác giả, trong đó có thể có những vấn đề cần được bàn bạc để làm sáng tỏ thêm. Mời độc giả tham gia tranh luận.

Nghiên cứu so sánh sự nghiệp Đổi mới của Việt Nam từ 1986 đến nay với Duy tân của Nhật Bản thời Minh Trị (1868 - 1912), sẽ giúp nước ta có một điểm nhìn tham chiếu để nhìn lại chặng đường hôm qua và hoạch định chiến lược ngày mai tốt hơn.

Quyền tự do cho mỗi người: Từ Fukuzawa Yukichi đến Karl Marx

Một số sách sử về Nhật Bản ở Việt Nam thường nói về cuộc canh tân Minh Trị chỉ đơn giản như là một chiến lược "mở cửa", nhập khẩu các kỹ thuật hiện đại của các nước tiên tiến. Không phải vậy! Sự nghiệp Duy tân Minh Trị trong bản chất là một sự nghiệp tự khai hóa văn minh của dân tộc Nhật Bản. Chuyện "mở cửa giao thương" và "nhập khẩu kỹ thuật mới" chỉ là bề nổi của sự nghiệp vĩ đại đó.

Hầu hết các nghiên cứu về lịch sử tinh thần Nhật Bản thời Minh Trị đều khẳng định rằng, bản chất của 30 năm Duy tân Minh Trị là quá trình dân tộc Nhật Bản nhìn văn minh châu Âu để tự khai sáng tinh thần cho chính mình. Họ có cả một dòng "văn học khai sáng", ở đó các nhà văn viết hàng loạt "tiểu thuyết chính trị" để giải thích, không phải chỉ cho quốc dân mà trước hết là cho chính những người lãnh đạo đất nước, hiểu về những giá trị của con người cá nhân, về bản chất của "Tinh thần luật pháp", về dân chủ như một "giá trị đạo đức" và "phương thức quan hệ" trong xã hội, về con đường để rèn luyện văn hóa dân chủ trong mỗi cá nhân, những lợi ích của Nhà nước khi được giáo dục và tuân thủ giá trị đạo đức đó...

Chúng ta thường chỉ nghĩ đến một Nhật Bản chỉ trong vòng 30 năm mà đuổi kịp Phương Tây về kinh tế và kỹ thuật, nhưng chúng ta gần như không nghĩ đến một Nhật Bản khác, một Nhật Bản của "khai hóa tinh thần", cũng chỉ trong vòng 30 năm, các lãnh chúa của họ từ chỗ là những tên chúa đất sống ăn bám vào nông dân, đã tự mình học tập kinh doanh để trở thành tư sản; người nông dân của họ từ chỗ chỉ là "tá điền" của một lãnh chúa nào đó, tiến hóa đến chỗ trở thành "quốc dân".

Và ngày nay, quan chức nhà nước của họ từ chỗ nghĩ rằng giá trị của bản thân nằm ở sự phục tùng của nhân dân, tiến hóa đến chỗ coi sự lễ phép của mình với mỗi người dân là giá trị đạo đức bình thường trong công việc. Thời Minh Trị kết thúc vào năm 1912, đến nay là 2009, chưa đầy 100 năm!

Hội nhập với thế giới có nghĩa là đi tìm cơ hội cho dân tộc mình ở phạm vi toàn cầu, thông qua việc tự mình cũng trở thành một cơ hội cho kẻ khác. Để làm được điều đó, Việt Nam không cần đến nỗi sợ hãi, mà cần một "tinh thần toàn cầu" - không phải là vong bản để trở thành "thế giới" - mà là ý thức xây dựng danh dự cho dân tộc.

Đầu thế kỷ XIX, khi các nước thực dân châu Âu bắt đầu đánh lan đến châu Á, "làm thế nào để bảo vệ tự do của Nhật Bản?" trở thành nỗi đau đáu của trí thức Nhật đương thời. Fukuzawa Yukichi[1] đã đề xuất trả lời của mình bằng một câu ngắn gọn. Câu trả lời cho bài toán thời đại đặt ra, đã được ông viết lên lên một tấm lụa trắng bằng lối chữ thảo cực đẹp, và tôi đã được chiêm ngưỡng nó trong Bảo tàng Mỹ thuật Tokyo. Câu trả lời không phải là sức mạnh quân sự, bởi điều đó là hiển nhiên - mà là: "Bảo vệ tự do của Nhật Bản thông qua bảo vệ tự do của mỗi người dân Nhật Bản"

Trong lịch sử cận đại Nhật Bản, ngành xuất bản và báo chí hiện đại ra đời và phát triển trong ánh sáng của tư duy minh triết đó. Sự nghiệp khai hóa văn minh của họ năm 1868, khác với cuộc Đổi mới của ta năm 1986, bắt đầu không phải bằng mở cửa kêu gọi đầu tư hay nhập khẩu máy móc, mà bắt đầu bằng báo chí và sách vở. Trong trường hợp Nhật Bản, việc khai sáng những tư tưởng và năng lực tư duy sao cho thích ứng với tính hiện đại đã được tiến hành trước và trở thành tiền đề văn hóa cho sự nghiệp canh tân về kỹ thuật và kinh tế.

Mặt khác, sự nghiệp Duy tân của Nhật Bản không chỉ được bắt đầu bằng khai sáng văn minh, mà còn được thúc đẩy mạnh mẽ bởi một triết học về "tái cấu trúc quốc gia".

Đọc quyển "Khuyến học" (Gakumon no Susume")[2], tập hợp các bài diễn thuyết của Fukuzawa Yukichi, ta hiểu rõ một điều mà với đất nước ta đang là một bài học nhãn tiền. Tinh thần cốt tủy của sách này, theo như tôi hiểu, là nếu Nhật Bản bắt đầu bằng nhập khẩu phương tiện kỹ thuật và mở cửa buôn bán, và chỉ dừng lại ở đó, thì sẽ chỉ phát triển đến một mức nào đó rồi dừng lại, bởi lẽ, một dân tộc cắm rễ trong những thiết chế văn hóa và xã hội đối lập với văn minh hiện đại, không thể xây dựng được một nền văn minh hiện đại đích thực.

Cũng với cái nhìn triết học này, sau khi Nhật canh tân được 17 năm, Fukuzawa Yukichi đề xướng thuyết "Thoát Á luận". Ông cho rằng, để hiện đại hóa thành công, Nhật Bản cần thoát khỏi hệ thống tín điều, hệ thống giáo dục, chính trị và xã hội... theo mô hình lạc hậu của Trung Quốc đương thời, tái cấu trúc thành một hệ thống mà các giá trị hiện đại có thể vận hành."Thoát Á luận", do đó, có thể coi là "con đường thoát khỏi Trung Quốc" của Nhật Bản thời Minh Trị. [3]

Chẳng phải Fukuzawa vẫn đang nói về tất cả các quốc gia đang phát triển ở thế kỷ XXI này đó sao? Đương thời, Thái Lan cũng "mở cửa" nhưng không "khai sáng tinh thần" và "tái cấu trúc" như Nhật Bản, nên dù không bị mất nước nhưng đến bây giờ, sau một thế kỷ rưỡi "mở cửa" trong hòa bình, nước này vẫn đứng chung hàng ngũ các nước đang phát triển.

Còn Trung Quốc ngày nay, cũng vì lý do tương tự mà sau 30 năm cải cách của Đặng Tiểu Bình, dù có "tăng trưởng" (đến ngoạn mục) nhưng vẫn không có "phát triển". Những gì mà người Trung Quốc đóng góp vào nền kinh tế của chính họ hầu như vẫn chỉ là những gì thuộc về nền công nghiệp cũ. [4]

Trường hợp Việt Nam cũng không khác. Các trường đại học và doanh nghiệp của chúng ta, với một hệ thống tương tự mô hình của các cơ quan hành chính, đã giúp đất nước xây dựng được nền công nghiệp kiểu cũ, nhưng khó có thể xây dựng được nền kinh tế dựa trên tri thức. Bởi dòng chảy sáng tạo không thể khơi nguồn trong một cấu trúc như vậy.

Nếu Nhật Bản bắt đầu bằng nhập khẩu phương tiện kỹ thuật và mở cửa buôn bán, và chỉ dừng lại ở đó, thì sẽ chỉ phát triển đến một mức nào đó rồi dừng lại, bởi lẽ, một dân tộc cắm rễ trong những thiết chế văn hóa và xã hội đối lập với văn minh hiện đại, không thể xây dựng được một nền văn minh hiện đại đích thực.

Đứng trước bức lụa của Fukuzawa Yukichi, là "quốc dân" của một nước Xã hội chủ nghĩa, tôi nhớ đến Karl Marx:

"... Sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người!"

Marx nói vậy ở đoạn cuối chương 2 trong "Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản"[5] năm 1848, trước Fukuzawa Yukichi 30 năm. Quả có những trùng hợp thú vị giữa Karl Marx và... tinh thần Nhật Bản thời khai sáng.

Về tư tưởng, có lẽ nhiều người Việt Nam sẽ phải trăn trở về sự tương đồng giữa tuyên ngôn của K. Marx và câu trả lời của Fukuzawa. Về cái năm 1848, ở Nhật Bản cũng là năm ra đời cuốn sách "Keihatsu Roku" (Luận văn về Khai sáng) của Hashimoto Sanai[6]. Trong lịch sử tinh thần Nhật Bản, cuốn sách này được coi là điểm khởi đầu của một hành trình tinh thần dẫn đến cuộc Duy tân 30 năm sau đó.

Dân chủ là một giá trị văn hóa có tính toàn nhân loại mà Châu Âu đã xây dựng từ thời Hi Lạp cổ đại và phát triển không ngừng từ thời Phục Hưng đến nay. Ngày nay, trí thức Châu Âu vẫn nói về Karl Marx như là con người thuộc về nền văn hóa của chính họ. "... Sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người!" là hình ảnh lý tưởng của thế giới Cộng sản mà K. Marx mơ ước cho nhân loại và ông đặt cho các Đảng Cộng sản nhiệm vụ kiến thiết thế giới ấy.

Hồ Chủ tịch, sau những ngày đất nước vừa độc lập, đã nói: Đất nước độc lập nhưng nếu nhân dân không tự do, hạnh phúc, thì độc lập ấy không có ý nghĩa gì. Tư tưởng ấy của Bác hoàn toàn tương đồng với K. Marx và Fukuzawa Yukichi. Tự do của mỗi quốc dân tạo nên tự do của cả đất nước, và tự do của mỗi con người tạo nên tự do của cả cộng đồng nhân loại. Độc lập trước ngoại bang chỉ là tiền đề, không phải là đích cuối cùng!

Có sự tương đồng giữa Karl Marx, Hồ Chủ tịch và Fukuzawa Yukichi, nhưng tại sao có thể nhìn thấy trong tinh thần Nhật Bản hiện đại và các nước Châu Âu tư tưởng cao đẹp của K. Marx, nhưng điều cao đẹp ấy vẫn là một cái gì xa lạ trong nền văn hoá, trong cách tư duy của đất nước chúng ta?

Câu trả lời nằm ở chỗ lịch sử cận hiện đại của chúng ta chưa từng có một công cuộc khai hóa văn minh tinh thần quyết liệt và rực rỡ như xứ họ. Chúng ta từng có một Đông Kinh nghĩa thục của Lương Văn Can năm 1908, học tập theo mô hình Khánh Ứng nghĩa thục của Fukuzawa Yukichi ở Nhật Bản, từng có một Phan Chu Trinh, nhưng tiếc thay, dù hết sức sâu sắc về tư duy nhưng tất cả đều ngắn ngủi và chưa triển khai đến tận cùng những giá trị tinh thần mà mình ấp ủ.

Trong lịch sử hiện đại, trên toàn cõi Phương Đông, trừ Nhật Bản, chưa từng có một quốc gia nào thực sự nghiêm túc tiến hành một cuộc khai hóa tinh thần đúng với bản chất của văn minh hiện đại: xây dựng và bảo vệ tự do của quốc gia thông qua xây dựng và bảo vệ tự do của mỗi công dân!

Điểm yếu của văn hóa dân tộc trước thời đại mới

Đầu thế kỷ XXI, dân tộc Việt Nam đối đầu với những thử thách khó khăn hơn Nhật Bản một trăm năm trước. Thế giới ngày nay khi chúng ta mở cửa ra và nhìn thấy đã khác xa thế giới mà một thế kỷ trước người Nhật đã đối mặt. Chúng ta đang cần gấp một công cuộc khai sáng văn minh, và công cuộc ấy không giống với những gì người Nhật đã làm.

Họ canh tân trong thời đại của máy dệt và xe lửa chạy bằng than. Trước mắt chúng ta ngày nay là thời đại của chip điện tử, một thế giới toàn cầu hóa, và một nền kinh tế - khoa học mà sự phát triển đích thực phụ thuộc trực tiếp vào khả năng sáng tạo của con người.

Cuối thế kỷ XIX, Cao Thắng đã dùng khả năng bắt chước tuyệt vời của mình để chế tạo những khẩu súng kíp, chính xác đến mức giặc Pháp phải khâm phục. Nhưng chip điện tử của thế kỷ XXI không phải là cái có thể bắt chước. Từ điểm nhìn này, chúng ta có thể thấy được điểm yếu của văn hóa dân tộc trước thời đại mới.

Marx cho rằng "lực lượng sản xuất" không bao giờ đứng yên, vì con người luôn có "nhu cầu" phát triển, và do đó, việc cải tiến và sáng tạo trong lao động là "tất yếu", thế nhưng, cái điều "tất yếu" kỳ diệu ấy ở Châu Âu không phải là "tất yếu" ở nước ta.

Đến tận đầu thế kỷ XX, các cô thôn nữ Việt vẫn dệt vải theo cách mà các cung nữ nhà Lý đã dệt bên hồ Trúc Bạch. Ngày nay, phần đông người Việt đã có thể dễ dàng bỏ tiền ra mua một chiếc xe máy. Nhưng giữa việc biết đi xe máy và việc có thể sản xuất xe máy là cả một khoảng cách về văn hóa.

Giữa việc sản xuất xe máy và việc cải tiến nó theo hướng tốt hơn cho thế giới lại là một khoảng cách khác, bởi cần đến một năng lực văn hóa cao hơn. Còn khi cái xe máy chưa ra đời mà đầu óc có thể sáng rực rỡ toàn bộ hình ảnh kỹ thuật của nó, lại cần đến một nền tảng văn hóa cao hơn gấp bội.

Nền tảng ấy là năng lực của tư duy lý tính hướng vào sáng tạo, những phương thức tổ chức khai phóng cho tư duy, và một môi trường xã hội lấy dân chủ làm nguyên tắc quan hệ giữa người với người. Hầu hết những phát minh và sáng tạo quan trọng trong lịch sử hiện đại đều được cống hiến từ các dân tộc mà tính dân chủ của nền văn hóa đạt đến trình độ cao. Mối quan hệ ấy không hề ngẫu nhiên.

Tất cả những điều trên đã và đang là một cái gì xa lạ với văn hóa của chúng ta. Do đó, nền văn hóa của chúng ta cần được tái cấu trúc theo hướng tìm đường khai mở cho dân tộc "những chân trời có người bay", nơi "những người bay" [7] luôn tìm thấy mọi loại "chân trời".

Khai phá để phát triển trong kỷ nguyên sáng tạo

Động lực phát triển của lịch sử nhân loại nói chung và của mỗi dân tộc nói riêng, không chỉ là đấu tranh giai cấp, mà là năng lực sáng tạo của nó. Hay nói như chính K. Marx, trong lịch sử châu Âu, giữa việc sáng tạo ra nền văn minh cơ khí và các cuộc cách mạng tư sản có một mối quan hệ gián tiếp nhưng tất yếu.

Ngày nay, trong thời đại "toàn cầu hóa", các dân tộc có sức sáng tạo phong phú tìm kiếm con đường sinh tồn bằng cách truyền bá các thành quả sáng tạo của mình đến phần còn lại của thế giới. Lực lượng xung kích của các dân tộc này là các cơ sở R&D ("Nghiên cứu và Phát triển"), các tập đoàn đa quốc gia với hệ thống cải tiến và sáng tạo toàn cầu.[8]

Trước đây, những sáng tạo, phát minh, cải tiến đôi khi xuất hiện như là những ngẫu nhiên trong dòng chảy lịch sử, nhưng ngày nay, ở bộ phận tiên phong của thế giới, con người đã tiến đến trình độ có thể vạch kế hoạch kiến tạo những "thời đại mới" trong từng mảng khác nhau của cuộc sống, chủ động như thực hiện một "dự án".

Do đó, sự chệnh lệch giữa chúng ta và bộ phận tiên phong của thế giới không chỉ là sự chênh lệch về GDP hay những thứ tương tự, mà trước tiên là chênh lệch về thời đại. Để hội nhập vào thời đại này, chúng ta cần một trái tim đập cùng nhịp đập với thế giới, một ý thức về sáng tạo như là danh dự và trách nhiệm của dân tộc trước nhân loại chung, và một cấu trúc mà các giá trị hiện đại có thể vận hành.

Đầu thế kỷ XX, Rabindranath Tagore, trong một lần thỉnh giảng tại Đại học Keio Gijutsu, Tokyo, đã phát biểu rằng mỗi một dân tộc trên trái đất này đều mang gánh nặng một nghĩa vụ với toàn nhân loại, đó là nghĩa vụ cống hiến những sáng tạo của riêng mình cho tiến trình tiến hoá chung của loài người. Thi thánh của Ấn Độ còn tán dương Nhật Bản một cách cường điệu rằng với việc cống hiến quyển tiểu thuyết trường thiên đầu tiên cho nhân loại, kiệt tác "Truyện Genji", dân tộc Nhật đã hoàn thành nghĩa vụ của mình.[9]

Nhưng, "Truyện Genji" ra đời từ nghìn năm trước, mà nhân loại thì tiến hoá không ngừng. Cho nên, nghĩa vụ ấy của mỗi dân tộc không phải chỉ thực hiện một lần là hoàn tất. Ứng với mỗi thời đại, các dân tộc lại phải mang một nghĩa vụ sáng tạo mới đối với giống loài. Đó là một nghĩa vụ vĩnh viễn!

Danh dự của Dân tộc được tính bằng những sáng tạo

Và bởi vì cống hiến những sáng tạo cho lịch sử tiến hoá của nhân loại là trách nhiệm của mỗi dân tộc, nên sáng tạo cũng đồng thời là danh dự! Danh dự của mỗi quốc gia được tính bằng những sáng tạo mà nó cống hiến cho thế giới. Trong kỷ nguyên của văn minh sáng tạo, còn gì đáng buồn hơn cho một dân tộc, khi nó chỉ biết ăn sẵn những gì mà trí tuệ của kẻ khác đã tạo ra, còn mình thì không cống hiến được gì hết, dù chỉ là cải tiến một chiếc bút bi?

Trong lịch sử văn hóa Việt Nam, có lẽ Nguyễn Huy Tưởng là người đầu tiên đặt vấn đề về năng lực sáng tạo của dân tộc, trong vở bi kịch "Vũ Như Tô" (năm 1941). Nguồn lực vật chất eo hẹp của đất nước, sự giản đơn trong tư duy của nhân dân, sự bạo ngược và ngu dốt của kẻ cầm quyền không phải là một "chân trời" để nhà nghệ sỹ sáng tạo nên kiệt tác "Cửu trùng đài". Thông điệp của Nguyễn Huy Tưởng thôi thúc ta suy nghĩ về cái chết của năng lực sáng tạo ở rất nhiều dân tộc trong thế giới hiện đại ngày nay, ví dụ ở một số nước châu Phi, và, quay trở lại, nhìn vào chính mình.

Năm 1831, Lý Văn Phức đi sứ Trung Quốc, đã tranh cãi kịch liệt với các trí thức Trung Quốc về việc Việt Nam là một vùng đất "man di" hay có "văn hóa", ta có "bản sắc" hay chỉ là "mô phỏng" Trung Quốc. Câu chuyện này cho thấy đầu thế kỷ XIX trí thức Việt Nam vẫn đang chìm vào những chuyện vớ vẩn, trong khi đương thời, năm 1848, Nhật Bản đã có một Hashimoto Sanai bất cần bận tâm đến thái độ của Trung Quốc với mình, ở độ tuổi 15, đã vạch cho dân tộc mình những giá trị tinh thần của thời đại mới.[10]

Mười năm sau "Luận văn về khai sáng" của ông, Fukuzawa Yukichi thành lập Đại học Khánh ứng Nghĩa thục (Keio Gijutsu Daigaku), sau khi đại học này thành lập 10 năm, Nhật Bản canh tân (1868). Từ sau Canh tân, xứ Phù Tang, vốn cũng nhỏ bé như chúng ta, nền văn minh cũng sinh sau đẻ muộn như chúng ta, đã tiến hóa từ chỗ là học trò của Trung Quốc thành người thầy của nó.

Thế kỷ XIX, với một trái tim... đập lạc nhịp với thế giới, cha ông ta đã thất bại khi đối đầu với làn sóng thực dân hóa. Ngày nay, chúng ta đối đầu với làn sóng toàn cầu hóa, và sẽ ra sao? Việt Nam và Nhật Bản đang tham gia vào tiến trình toàn cầu hóa với hai tâm thế khác nhau. Người Nhật đang là một trong những lực lượng kiến thiết quá trình ấy, còn Việt Nam, phải chăng chúng ta đang nhìn làn sóng khách quan này của lịch sử bằng đôi mắt sợ hãi và tư thế phòng thủ? "Hội nhập" trong nỗi lo "đánh mất", chúng ta không in hình ảnh của dân tộc mình lên diện mạo của nó, lại càng không thể làm cho nhịp sống có một không hai trong lịch sử này mang một phần hơi thở của chúng ta.

Hội nhập với thế giới có nghĩa là đi tìm cơ hội cho dân tộc mình ở phạm vi toàn cầu, thông qua việc tự mình cũng trở thành một cơ hội cho kẻ khác. Để làm được điều đó, Việt Nam không cần đến nỗi sợ hãi, mà cần một "tinh thần toàn cầu" - không phải là vong bản để trở thành "thế giới" - mà là ý thức xây dựng danh dự cho dân tộc thông qua những đóng góp của mình cho nhân loại chung.

Là một hệ thống nhỏ tiến vào một hệ thống lớn hơn để phát triển chính mình, và do đó, thay đổi chính hệ thống bên ngoài, Việt Nam cần một triết học về hội nhập, tìm ra con đường tái cấu trúc chính mình thành một hệ thống thích ứng với tính hiện đại. Việc này tuy khó, nhưng không khó bằng những thử thách mà Đảng đã từng vượt qua trong lịch sử.

Trong triết học cận hiện đại, có triết học về khai sáng (Philosophies of Englightment). Ngày nay, cùng với thời đại của sáng tạo, sự ra đời của "Triết học về Sáng tạo" sẽ là tất yếu. Chúng ta cần du nhập triết học về khai sáng đã có, và không được bỏ lỡ dòng triết học về sáng tạo sẽ đến, hơn thế, cần góp phần định hình diện mạo của dòng triết học ấy, xóa bỏ nỗi buồn của một dân tộc chưa từng cống hiến cho nhân loại một tư duy triết học nào.


Ghi chú:

[1] Fukuzawa Yukichi (1835 - 1901), nhà khai sáng Nhật Bản. Là nhà tư tưởng vạch hướng đi cho đất nước đến thành công, tinh thông nhiều ngoại ngữ châu Âu (Anh, Pháp, Đức, Hà Lan...) và góp phần chủ yếu quảng bá văn minh phương Tây vào Nhật, thành lập Đại học Khánh Ứng nghĩa thục (Keio Gijutsu Daigaku) năm 1858 để khai sáng tinh thần cho dân tộc. Ông được người dân Nhật ngày nay tôn xưng là "Người đàn ông tạo nên Nhật Bản hiện đại". Hình của ông được in trên tờ 10.000 Yên (mệnh giá cao nhất). Trường tư Keio Gijutsu hiện vẫn là nơi xuất thân của các chính khách chủ chốt của Nhật.

[2] Fukuzawa Yukichi, Khuyến học, Nhà xuất bản Tri thức, 2008

[3] Xem thêm 福沢諭吉、脱亜論 (Fukuzawa Yukichi, "Thoát Á luận") http://www.jca.apc.org/kyoukasyo_saiban/datua2.html Thực ra, "Thoát Á luận" có cũng phần tiêu cực không thể quên. Nó gợi ý Nhật cần "đối xử" với Trung Quốc, Triều Tiên và các nước châu Á khác "như người châu Âu đã đối xử", tức chiếm làm thuộc địa. Tuy vậy, phần tích cực của nó, tức triết lý về tái cấu trúc để quốc gia thích ứng với các giá trị hiện đại, thì vẫn còn nguyên giá trị.

[4] Andre Chieng cho rằng Trung Quốc "thành công" là nhờ vào truyền thống tư duy nương theo "thế" của "Đạo". (Xem: Andre Chieng, Bàn về thực tiễn Trung Hoa cùng với Francois Jullien, NXB Đà Nẵng, 2007). A. Chieng đã "quên" một phê phán nghiêm khắc của F. Jullien với văn hóa Trung Hoa. Tư duy "nương theo thế" có thể giúp con người đạt đến hiệu quả, nhưng đó không phải là con đường đi đến tự do, nền tảng của sáng tạo. Tư duy sáng tạo, cơ sở cốt tử của kinh tế tri thức, là đối lập với tư duy nương theo "thế". Bắt chước, mô phỏng và ăn cắp bản quyền không phải là con đường xây dựng được nền kinh tế này.

[5] K. Marx, Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản http://www.marxists.org/vietnamese/marx-engels/1840s/tuyen/index.htm

[6] Xin xem: 橋本左内, 啓発録(Hashimoto Sanai, "Luận văn về Khai sáng") http://www.konan-wu.ac.jp/~kikuchi/jpn/sanai/keihatu.html

[7] Chữ của Trần Dần

[8] Ví dụ, xin xem C.K.Prahalad và M.S.Krishnan, "The new age of Innovation: Driving Cocreated Value Through Global Networks", Tata Mgraw Hill, 2008

[9] Xem trong: 川端康成、美の存在と発見、一草一花、講座社、2007, p. 44 (Kawabata Yasunari, Tồn tại của cái đẹp và sự khám phá, in trong "Nhất thảo nhất hoa", Kouza-sha, 2007, tr. 44)

[10] Hashimoto Sanai sinh năm 1833, tinh thông 3 ngoại ngữ (Anh, Đức và Hà Lan), viết "Luận văn về khai sáng" năm 1848, khi tròn 15 tuổi. Cuốn sách này lần đầu tiên trong lịch sử tư tưởng phương Đông luận về giá trị của tính độc lập trong tư tưởng ở mỗi cá nhân. Về khoa học, năm 1856, ở tuổi 22, ông tham gia dịch các sách kỹ thuật, ví dụ như kỹ thuật tinh chế sắt, của châu Âu sang tiếng Nhật. Về giáo dục, năm 1857 khi 23 tuổi, ông đề xướng chủ trương hiện đại hoá nền giáo dục Nhật, du nhập giáo dục toán học của châu Âu vào Nhật, và làm hiệu trưởng trường Meikokan, một trường theo mô hình châu Âu đương thời. Về kinh tế và ngoại giao, năm 24 tuổi, ông đề xướng mở rộng giao thương với Mỹ và cải tổ hệ thống quốc nội làm nền tảng khai phóng cho cuộc phát triển kinh tế. Phái bảo thủ chống đối ông kịch liệt và ép ông tự sát năm 25 tuổi. Cái chết của ông đã thúc đẩy tinh thần canh tân của trí thức Nhật mạnh mẽ hơn. Năm đó, Đại học Keio Gijutsu ra đời.

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Thoát Á luận

    08/06/2019Fukuzawa Yukichi - Hải Âu, Kuriki Seiichi dịchTừ thế kỷ 19, Fukuzawa Yukichi (Nhật Bản) đã viết: "Đường giao thông trên thế giới là phương tiện để làn gió của văn minh phương Tây thổi vào phương Đông. Khắp mọi nơi, không có cỏ cây nào có thể ngăn được làn gió văn minh này".
  • Từ Fukuzawa Yukichi nhìn về Nguyễn Trường Tộ

    14/08/2018Nguyễn Cảnh BìnhCó thể nói, ở hai ông Nguyễn Trường Tộ và Fukuzawa Yukichi (Phúc-Trạch Dụ-Cát). Có rất nhiều sự tương đồng về thời đại, về đất nước, về tình hình thế giới bởi cả hai sống cùng trong một giai đoạn lịch sử. Từ thực tế trên, việc so sánh hai nhân vật lịch sử này, đồng thời cũng là những nhà tư tưởng về cải cách, mở cửa có thể mang lại cho chúng ta nhiều điều thú vị...
  • Đông Kinh Nghĩa thục: Học Nhật Bản chấn hưng đất nước

    26/07/2017Mai ThụcNhân ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay, Trung tâm Văn Miếu Quốc tử Giám và Trung tâm Minh Triết Việt đã Tưởng niệm 100 năm các nhà giáo Đông Kinh Nghĩa thục. Họ là những sĩ phu yêu nước thắp sáng tư tưởng Chấn hưng - Duy Tân - Dân tộc, là những bậc thầy góp sức đặt nền móng xây dựng một triết lý giáo dục Tự lập, tự nguyện, học Tinh Hoa dân tộc và thế giới để dạy nên những con người Việt Nam hiện đại...
  • Nhật Bản khác ta những gì ?

    11/06/2016GS Nguyễn Lân DũngNước ta có 85 triệu người, đứng thứ 13 trong 200 nước trên thế giới, nếu kể cả Việt kiều là 88 triệu người. Chúng ta có một lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, đã đánh bại chiến tranh xâm lược của hầu hết các cường quốc trên thế giới. Chắc chắn trí tuệ dân mình chẳng chịu thua ai khi có điều kiện phát huy...
  • Một cách nhìn mới về văn hoá Việt Nam thông qua việc so sánh với văn hoá Nhật Bản

    18/10/2013Vương Trí NhànQua người hiểu mình là một trong những con đường nhận thức được nhiều người công nhận là cần thiết và “có triển vọng”, tức có khả năng tạo nên hiệu ứng có giá trị đích thực đối với những chủ thể đang muốn tự hiểu về mình .
  • Nhật hoàng Hirohito và công cuộc kiến thiết nước Nhật Bản hiện đại

    15/12/2011Cuộc đời Hirohito gắn liền với sự phát triển và biến chuyển của Nhật Bản là một câu chuyện hấp dẫn, lôi cuốn nhưng hầu như không được biết đến nhiều. Ở Việt Nam, chúng ta biết nhiều về sự Thần kỳ Nhật Bản...
  • Nhân đọc "Việt Nam và Nhật Bản: Giao lưu văn hoá" của Vĩnh Sính

    14/12/2011Ngày nay Nhật Bản là một cường quốc, và cũng là nơi tập trung nhiều tinh hoa, nghệ thuật thuộc hàng bậc nhất của thế giới. Thế thì tại sao Nhật Bản lại phát triển mạnh mẽ như vậy? Những bài tiểu luận trong cuốn sách "Việt Nam và Nhật Bản: Giao lưu văn hoá" của Giáo sư Vĩnh Sính đã trả lời được phần nào câu hỏi đó.
  • Ông Fukuzawa Yukichi sẽ nói gì với Việt Nam?

    06/12/2011Nguyễn Quang ThạchGiả định rằng nếu có kiếp luân hồi, được tái sinh ở nước ta hiện nay và đang ở độ tuổi 30, ông Fukuzawa Yukichi sẽ nói với chúng ta những gì? Với lòng ngưỡng mộ và tôn kính nhà tư tưởng Nhật Bản, tôi xin giả định một số điều mà ông sẽ tâm sự với thế hệ thanh niên chúng tôi...
  • Hội trí thức Meirokusha và tư tưởng Khai sáng ở Nhật bản

    19/06/2011Vĩnh SínhVì Meirokusha quy tụ những nhà Tây học có tư tưởng khai sáng tiêu biểu ở Nhật lúc bấy giờ, có thể xem tư tưởng khai sáng của họ cũng chính là tư tưởng khai sáng của nước Nhật nói chung. Đối với những thành viên Meirokusha, họ tự giác về nhiệm vụ phải cung cấp cho dân chúng những kiến thức mới, nhưng đồng thời họ cũng ý thức việc đổi mới tư duy dựa theo lối mòn của Nho giáo nói chung mới chính là nhiệm vụ cơ bản...
  • Khi kinh tế Trung Quốc vượt qua Nhật Bản

    30/08/2010Thái Bình (Tổng hợp)Sau ba thập niên tăng trưởng ngoạn mục, đến quý 2 năm nay kinh tế Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản trở thành nền kinh tế nhất ở châu Á, thứ hai thế giới, sau Mỹ. Sự kiện này sẽ có ảnh hưởng như thế nào đến kinh tế toàn cầu, đến các quan hệ trong vùng Đông Á và Đông Nam Á?
  • xem toàn bộ