Xây đắp một xã hội hiếu hạnh

08:25 CH @ Thứ Ba - 24 Tháng Tư, 2018

Hiếu là nền tảng đức hạnh của con người.

Từ ngàn xưa, ca dao của người Việt Nam vẫn có những câu nói về cách hành xử của con cái đối với cha mẹ: “Mẹ già ở túp lều tranh / Sớm thăm tối viếng mới đành dạ con” hay “Đêm đêm khấn nguyện Phật Trời / Cầu cho cha mẹ sống đời với con” cho thấy trong nhân cách của người Việt ta, lòng hiếu đối với cha mẹ là một điều rất căn bản. Hiếu chính là cách hành xử đúng mực đối với người mình đã thọ ơn. Người Việt tiếp thu cả học thuật Trung Hoa và tư tưởng Phật giáo từ hơn hai ngàn năm qua, hai nguồn văn hóa này đều đề cao hiếu đạo. Đặc biệt, hiếu đạo trong quan điểm Phật giáo hết sức thực tiễn, quan tâm đến con người với tư cách là một cá thể tự do có năng lực tự giải thoát khỏi mọi vướng mắc của tham sân si chứ không tìm cách gò con người vào trong khuôn khổ cứng nhắc của các định chế xã hội có giá trị tuyệt đối. Tiếc rằng trong quá trình tiếp xúc với văn minh phương Tây, có lúc những giá trị nền tảng của người Việt, trong đó có hiếu đạo, đã bị xã hội lơ là, dẫn đến tình trạng trên không ra trên dưới không ra dưới như hiện nay. Việc đề ra các chương trình phòng chống tội phạm lấy gia đình làm hạt nhân mang tính cách kỹ thuật mà không dựa vào nền tảng hiếu đạo có thể cũng có kết quả nhưng e rằng không bền vững và thiếu chiều sâu. Vì thế, việc xây dụng hiếu đạo trong quá trình hình thành nhân cách con người là điều cần được tính đến một cách căn bản. Ở đây, chúng ta nên tìm hiểu về hiếu đạo của người con Phật.

Kinh Tăng chi, chương Hai pháp, Đức Phật dạy, “Có hai hạng người, này các Tỳ-kheo, ta nói không thể trả ơn được. Thế nào là hai? Mẹ và Cha”. Theo đó, Mẹ và Cha là bậc không dễ gì có thể trả được ơn, vì ơn ấy rộng như trời biển, theo tinh thần câu ca dao của người Việt, “Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”. Cho nên, tiếp đó, cũng trong kinh Tăng chi, Đức Phật nói rõ hơn, “Nếu một bên vai cõng mẹ, một bên vai cõng cha, làm vậy suốt trăm năm cho đến trăm tuổi cũng chưa trả ơn đủ cho cha mẹ. Nếu có phụng dưỡng cha mẹ với mọi báu vật trên trái đất nầy cũng chưa trả ơn đủ. Vì sao thế? Vì rằng cha mẹ đã bỏ nhiều công sức cho con cái, nuôi dưỡng chúng cho đến lúc lớn khôn, và dẫn dắt chúng vào trong đời này”. Như vậy thì làm thế nào để có thể trả được ơn cha mẹ? Cũng trong kinh Tăng chi, chương Hai pháp, ở một đoạn khác, Đức Phật dạy, “Này các Tỳ- kheo, những ai đối với cha mẹ không có lòng tin thì khuyến khích, hướng dẫn, để cha mẹ an trú vào thiện pháp; đối với cha mẹ gian tham thì khuyến khích, hướng dẫn, để cha mẹ an trú vào hạnh bố thí; đối với cha mẹ theo ác trí thì khuyến khích, hướng dẫn, để cha mẹ an trú vào chánh trí; như vậy thì những người đó làm đủ và trả ơn đủ mẹ và cha”.

Ta cũng có thể tìm thấy trong các kinh điển khác những lời khuyên về hiếu đạo. Kinh Nhẫn nhục nói, “Cùng tột điều thiện không gì bằng hiếu. Cùng tột điều ác không gì bằng bất hiếu”. Kinh Tâm địa quán nói, “Cha mẹ tại tiền như Phật tại thế; gặp thời không có Phật, khéo thờ Cha Mẹ tức là thờ Phật vậy”. Kinh Tứ thập nhị chương nói, “Thờ trời đất quỷ thần không bằng có hiếu với Cha Mẹ, vì Cha Mẹ là hai vị thần minh cao nhất trong các vị thần minh”.

Xem thế ta thấy, hiếu chính là nền tảng đức hạnh của con người theo quan điểm nhà Phật.

Hiếu là nền tảng đức hạnh của xã hội

Xã hội không chỉ là một tập hợp những cá nhân riêng lẻ mà phải là một cộng đồng chia sẻ với nhau những giá trị văn hóa đạo đức chung. Có một sự nối kết giữa các chúng sinh theo lời Đức Phật nói trong kinh Tương ưng, “Này các Tỳ-kheo, sữa mẹ mà các thầy đã uống trong suốtquá trình luân hồi nhiều hơn nước trong bốn biển”. Nước ở trong bốn biển thì biết bao nhiêu mà kể, vậy mà sữa mẹ ta đã uống từ suốt đời này qua đời khác còn nhiều hơn; nghĩa là quá trình luân hồi của mọi chúng sinh là không thể tính đếm được và mọi chúng sinh đều đã từng là quyến thuộc của nhau; nhưng đặc biệt, những chúng sinh ở trong cùng một quốc độ thì có những căn bản giá trị chung. Mọi cá nhân trong một cộng đồng đều phải nương gá vào nhau mà tồn tại và phát triển. Các cộng đồng cũng phải tập hợp thành xã hội, quốc gia; tất cả đều hiện hữu nhờ vào đất đai, sông suối, lùm rừng, các hệ động vật thực vật, mặt trời, mặt trăng, tinh tú, khí quyển… do đó, mọi cá nhân hiện hữu tồn tại và phát triển đều phải biết đến ba ơn lớn là ơn cha mẹ, ơn quốc gia xã hội và ơn chúng sinh. Với người con Phật, chúng ta còn có ơn Tam bảo, gọi chung là Tứ trọng ân. Với tất cả những ơn trên, con người đều phải biết đền ơn, biết cách hành xử đúng mực, nghĩa là phải có lòng hiếu. Từ quan niệm đó, ngoài lòng hiếu đối với cha mẹ, người Phật tử còn nói đến hiếu với chúng sinh, với quốc gia xã hội, nghĩa là có thể nói đến hiếu với dân. Từ đây, người ta đã mở rộng quan niệm hiếu đạo. Do vậy mà có thể nói đến trung với nước và hiếu với dân như một nền tảng đức hạnh của xã hội.

Ở bình diện xã hội, tất nhiên mọi người đều phải hiếu với dân, nhưng đặc biệt, những kẻ là công bộc của dân, những người thay mặt dân hành xử quyền cai trị, chính là thành phần cần phải quan tâm đến lòng hiếu này hơn cả. Ở đây, người công bộc thể hiện lòng hiếu với dân phải gần dân, gắn bó với dân, kính trọng và học tập dân, lấy dân làm gốc, chăm lo đến việc hiểu rõ dân tâm, cải thiện dân sinh, nâng cao dân trí, nhờ đó mà có thể thực hành việc lãnh đạo dân, cai trị dân, phục vụ dân một cách sáng suốt và hữu hiệu.

Xây đắp một xã hội hiếu hạnh

Hiếu vốn là nền tảng đức hạnh của cá nhân và của xã hội. Với những con người có hiếu với cha mẹ, xã hội sẽ có được những con người có hiếu với dân. Khi ấy, việc xây đắp một xã hội hiếu hạnh không phải là điều khó. Một xã hội hiếu hạnh thì sẽ không có hiện tượng đối xử với nhau bằng bạo lực, sẽ không sợ tao loạn; thay vào đó là việc cùng nhau xây dựng các cộng đồng an lạc, hòa bình.

Xét trong lịch sử dân tộc, có thể thấy một xã hội hiếu hạnh rất gần với người Việt, nhưng nếu ngay từ bây giờ, chúng ta không chú tâm gieo rắc và ươm mầm hạnh hiếu theo quan kiến nhà Phật trong lòng giới trẻ thì có thể mãi mãi xã hội ấy đối với chúng ta chỉ là không tưởng.

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Lễ Vu Lan, chữ "hiếu" không nằm ở mâm cao, cỗ đầy

    21/08/2018Theo giáo lý Phật giáo, Vu Lan là lễ thường niên để tưởng nhớ, báo hiếu tổ tiên, ông bà, cha mẹ - những người đã khuất. Nhiều người đã thể hiện sự "hiếu thảo" của mình bằng cách mua nhà lầu, xe hơi, tiền vàng âm phủ để đốt "gửi" cho những người đã chết. Có những gia đình đã đầu tư hàng chục triệu đồng để mua sắm lễ vật, bày cỗ to, cỗ nhỏ, để cầu cúng và hy vọng "người âm" sẽ được hưởng…
  • Hiếu hạnh làm đầu

    05/09/2017Phụng dưỡng Mẹ và Cha, là vận may tối thượng (Kinh Hạnh Phúc)
  • “Người giàu có xu hướng thiếu đạo đức”?

    26/06/2017Đoan TrangTheo một kết quả nghiên cứu được công bố gần đây của các nhà nghiên cứu ĐH California và ĐH Toronto, thì những cá nhân ở tầng lớp thượng lưu - những người có nhiều tiền nhất, có thu nhập cao nhất, học vấn tốt nhất và công việc danh tiếng nhất - lại có xu hướng thể hiện hành vi thiếu đạo đức hơn. (VietNamNet, ngày 1-3)
  • Thiếu tình yêu thánh thiện

    13/03/2016Đỗ ĐứcCách đây mấy chục mùa trăng, có một tờ báo đăng truyện ngắn của một tác giả người Nga. Chuyện kể rằng có một ông già sáu mươi tuổi yêu một cô bé mười chín. Hai bên yêu nhau thắm thiết đến mức không gỡ ra được. Cuộc tình duyên đó bị cả làng phản đối vì độ tuổi chênh lệch hai người ở hàng ông cháu nếu tính theo lối tảo hôn ở nước ta
  • Chúng ta đang "thừa" văn minh, thiếu văn hóa?

    02/08/2014Bùi Đình PhongPhân biệt văn minh với văn hóa chỉ là tương đối, vì đây là những khái niệm, tuy không đồng nhất, nhưng gần gũi, có liên quan mật thiết với nhau. Ngày nay người ta nói tới văn minh vật chất và văn minh tinh thần. Còn thông thường, nói tới văn minh người ta thiên về giá trị vật chất, còn văn hóa chứa cả giá trị vật chất và tinh thần. Văn hóa là nói tới phương thức sử dụng và giàu tính nhân bản. Văn minh hướng tới kỹ thuật, sự tiện lợi trong cuộc sống...