Nghệ thuật cao siêu rất đời thường
Với nghiên cứu lý luận, lịch sử văn hóa nghệ thuật thì các công trình “hàn lâm”, dài hơi là phần lõi xác định tầm thâm cao của nghiên cứu. Với Phan Cẩm Thượng là các công trình uy tín nhưĐiêu khắc cổ Việt Nam, Đồ họa cổ Việt Nam, Điêu khắc Tây Nguyên, Chùa Dâu- Tứ Pháp, Chùa Bút Tháp…
Những công trình này có tính nền tảng để dạy, để học và nghiên cứu tiếp. Vùng đệm là những bài viết có tính nghiên cứu và các bài phê bình, là các sản phẩm báo chí chuyên đề, chuyên ngành. Vùng này hấp dẫn người đọc vì dễ đọc hơn, tác giả được tự do hơn trong việc đưa ra các nhận xét, bình giá, phản ứng tức thời có tính diễn đàn… Mảnh đất trù phú của đời thường nghệ thuật cho phép tác giả gieo những hạt mầm đơn lẻ, đưa ra những phác thảo để rồi chính mình hay thế hệ sau sẽ gieo cấy cả một cánh đồng, xây cất cả một cấu trúc mới. Vùng ngoại biên còn mênh mông hơn với một nhà nghiên cứu thực thụ bởi đôi khi chiều cao sâu của các công trình khoa học chỉ là sự xoay dọc ra một cách cô đúc dải kiến thức nền rộng rãi ở chiều ngang. Chủ đề, đề tài cứ miên man như phong cảnh vô bến bờ, người đi như du sơn, du thủy. Đi đâu, ngồi đâu, ngâm ngợi, phán xét gì tùy thích. Miễn là gặp tri âm. Phong cách viết lại càng được tự do, tùy hứng, người đọc cũng thích thú vì được gần gũi người viết hơn. Tôi đọc gần 600 trang cuốn Nghệ thuật ngày thường trong bốn ngày. Triết đi cái ưu ái vốn có dành cho tác giả vẫn phải nhận rằng “để đọc” thì cuốn sách rất lý thú.
Hai vùng đệm và ngoại biên của Phan Cẩm Thượng làm người ta bất ngờ vì bề rộng của chúng với những gợi ý sắc, những tranh biện thoải mái và những nhận xét đôi khi cực đoan cùng xúc cảm thẩm mỹ rất tinh tế. Cái không khí “yên ba giang thượng”- trên sông khói sóng, vây phủ không xóa nhòa những đường cong tư duy có sức lay động như viên sỏi ném xuống hồ lặng. Có lẽ tính cách nghệ sĩ xuất hiện ở câu văn ở đây cũng giống như trên tranh của ông, đặc biệt ở các đồ họa đen trắng mạch lạc mà bí ẩn. Tất nhiên thiên về nghệ thuật cổ, cả trong nghiên cứu và sáng tác nhưng tác giả cũng là một người đương thời, dấn thân, rất hữu trách với mọi thứ tân kỳ, mọi thế sự của nhân gian trước mắt.
Văn phong vượt qua tài làm văn. Văn phong cho thấy phong thái, chiều kích của học giả. Khi đó nó không còn là cái thuyền chở đạo nữa mà chính là hình dạng của đạo. Thỉnh thoảng đạt tới mức đó đã là hiền.
Nghệ thuật ngày thường
Phan Cẩm Thượng
Cuốn sách này tập hợp một số bài viết của tôi trên các báo chí từ năm 2000-2007. Đó là quãng thời gian tôi từ bỏ công việc chính là dạy học và sống ở nông thôn. Ở đây tôi nghiền ngẫm những gì đã và đang có trong văn hóa nghệ thuật hiện tại, trong đời sống kinh tế thị trường. Những đặc thù văn hóa dân tộc đang thu hẹp thay thế bằng một thứ văn hóa toàn cầu, nông thôn cổ bị phá vỡ thay thế bằng những đô thị mới, và khoảng cách giàu nghèo ngày một tăng lên. Làng quê cho tôi nhìn rõ hơn những chuyện đó và cả những triển lãm sắp đặt trình diễn mới mẻ, chưa thể quen thuộc với người Việt Nam cũng chứa đựng những lo âu về một thế giới phẳng và vị thế thụ động của mỗi con người. Tôi nhìn thấy những dòng sông đang cạn dần và chết, những cánh đồng chen lẫn nhà máy đổ nước thải tự do, những bãi bồi đầy lò gạch và những người nông dân bất đắc dĩ trở thành thị dân, cũng như những nghệ sỹ trẻ ngơ ngác muốn nhanh chóng có vị thế trong cái kim tự tháp nghệ thuật già cỗi.
Biết gì viết nấy là cách thành thật của người viết báo. Những nhận định có thể chưa nêu được bản chất sự việc, nhưng sau đó có thể đúc thành các khảo cứu chuyên sâu. Tôi cảm thấy, chỉ viết vê mỹ thuật hay nghệ thuật thôi không đủ, cần phải mở rộng ra và đặt nó trong các tương quan xã hội. Vai trò người nghệ sỹ hôm nay cũng khác, họ chuyên môn hơn, chuyên nghiệp hơn, nhưng xã hội hóa cũng mạnh hơn. Người nghệ sỹ có thể làm bất cứ bộ môn nghệ thuật nào mà họ muốn và có khả năng. Sự liên hệ của nhiều ngành là tất yếu, ví dụ nghệ thuật và vật lý, sân khấu và hội họa... cho thấy đời sống nghệ thuật hôm nay đã thay đổi hoàn toàn, khả năng can thiệp của nó vào xã hội là cực mạnh và trực tiếp, dẫn đến những ngôn ngữ đại chúng. Những bài viết nhỏ cho các triển lãm, những nghiên cứu quá dài, tôi không đưa vào tập sách này. Tập sách gồm bốn chủ đề: Suy nghĩ về nghệ thuật. Nghệ thuật ngày thường. Tản văn nhàn đàm. Nông thôn và kiến trúc. Mỗi lần viết tôi cố gắng tìm đến ý nghĩa thú vị của cuộc sống và vẻ đẹp của văn chương, để con đường mình đi được viễn vọng hơn.
Lời giới thiệu cuốn "Nghệ thuật ngày thường"
Nguyễn Anh Tuấn
Thuở nhỏ, tôi thích đọc Truyện ngụ ngôn La Fontaine, Ngụ ngôn Ê-dốp và Truyện cổ Andersen, lứa tuổi thiếu niên thích những câu chuyện phong phú, mơ mộng pha chút dí dỏm trí tuệ như vậy. Lớn lên, mới biết đó là những câu chuyện của thế giới người lớn được thuật lại bởi những con người đầy thông thái. Lớn chút nữa, thì thích đọc Đaghextan của tôi của Raxun Gamzatốp và Bông hồng vàng của Pautopxki, bởi văn phong giản dị mà truyền cảm, những câu đối thoại và phương ngôn thâm thúy, các câu chuyện về nhiều đại văn hào và nghệ sỹ được thuật lại như câu chuyện thường nhật, đọc văn mà như được nói chuyện với một người hàng xóm thân tình, trí tuệ và từng trải. Khi vào học trường Mỹ thuật, thấy các vấn đề nghệ thuật thật cao siêu, mơ hồ và trừu tượng, đứng trước một bức tranh hay pho tượng như trước một bức vách, vô cùng khó hiểu. Buồn chán, lại giở mấy quyền kia ra đọc, bẵng đi một thời gian, quay lại với nghệ thuật, dường như cảm thấy có sáng ra một chút. Mơ hồ, tôi cảm thấy có lẽ có con đường nào đó đến với tác phẩm nghệ thuật một cách giản đơn hơn những lý thuyết mà mình chưa nhận ra.
Những năm tháng sau đó, tôi có nhiều thời gian gần gũi với Phan Cẩm Thượng. Ngồi trên chiếc ghế đẩu của quán trà vặt vỉa hè đường, thả sức đàm đạo nhàn tản, những vấn đề nghệ thuật luôn đan xen trong câu chuyện vu vơ bất tận về cuộc sống xung quanh: thời sự, quần áo, đi lại, thể thao, bạn bè, gia đình, nhân tình thế thái... tự nhiên như một dòng sông. Từ những câu chuyện cuộc đời, quan sát lâu ngày, nhận ra một vài khía cạnh văn hóa trong đời sống vật chất và tinh thần của dân tộc, có tính chất nhân quả hoặc lặp đi lặp lại. Từ vài yếu tố văn hóa quay lại giải mã xã hội thực tại. Nghệ thuật là tinh chất chắt lọc từ đời sống thường nhật của con người, người ta có thể đi đến đấy bằng nhiều cánh cửa từ mọi vấn đề trong cuộc sống hay ngược lại. Ông Thái Bá Vân từng nói: "Học về Lịch sử nghệ thuật Hy Lạp cổ không bằng đọc sách về Đời sống của người Hy Lạp cổ",có lẽ là vậy.
Những bài viết trong quyển sách này, có lẽ được Phan Cẩm Thượng hình thành từ thời gian dài suy ngẫm về cuộc sống, đi lại từ nhiều góc độ, như một nhà nghiên cứu hay như một người trong cuộc. Khi trình bày, tôi có nói với ông nên dùng những hình ảnh có tính ngụ ngôn minh họa cho từng bài viết, coi đó là từng câu chuyện hơn là một nghiên cứu thuần túy hay lý luận chuyên môn. Họa sỹ Lê Trí Dũng, họa sỹ Lương Minh Giang và Phan sau đó đã vẽ những minh họa như thế. Trong những phần trống khác, sách đưa vào các bản vẽ điêu khắc Phật giáo do họa sỹ Nguyễn Trung Dũng thể hiện. Đạo Phật có hình tượng mười tám vị La hán với ý tưởng đa nhân cách, đa số phận trong thế tục đồng quy nguyên về một bản chất. Cũng như vậy, con người có thể đi bằng nhiều con đường đến với nghệ thuật, nhưng đó là con đường riêng của từng nghệ sỹ, từng cá nhân, không ai giống ai, và nghệ thuật do đó có nhiều cách biểu đạt. Tôn giáo giống như nhiều con đường chung về một đích, còn nghệ thuật dường như là cuộc hành trình bất tận mà mỗi người có thể đi xa mãi, xa mãi vào đời sống nội tâm của mình, càng đi càng phong phú và tự tại. Nhiều khi đàm đạo với Phan, tôi không nghĩ đây là cuộc nói chuyện giữa hai thầy trò, mà như đang ngồi nghe những câu chuyện của một người đi đường uyên bác và từng trải. Lại nhớ lúc đọc Đaghextan của tôi, cảm giác có thể đọc quyển sách từ đầu đến cuối, hoặc từ cuối lên trên, hoặc giở bất cứ trang sách nào ra đọc cũng được, mà vẫn nắm bắt được nội dung câu chuyện. Nếu có thể làm như thế với các tác phẩm nghệ thuật thì thật thú vị biết bao.
Phan Cẩm Thượng không có thói quen giữ bản thảo và cắt lại các bài viết trên báo chí. Từ năm 2000 thấy tôi sưu tập những bài viết về nghệ thuật, bèn giao cho tôi những bài đã viết, sau đó giúp ông xử lý ảnh và bài rồi gửi bằng email đến các tòa soạn. Từ đó đến nay, số lượng bài ngày một nhiều lên có thể tập hợp thành một cuốn sách, vì chủ đề và mối quan tâm của người viết đến nghệ thuật và xã hội rất tập trung. Những bài viết trước năm 2000 có lẽ phải mất một thời gian dài tìm kiếm nữa. Tôi và Phan cùng tuyển chọn lại trong số lượng các bài viết đã có của ông, thêm một số hình minh họa và hình thành nên cuốn sách này. Mong rằng các bạn đọc có thể tìm thấy trong sách một vài điều đồng cảm cùng tác giả đối với nghệ thuật và trong đời sống.
Nội dung khác
Review sách “Trí tuệ giả tạo – Internet đã làm gì chúng ta”
17/05/2019Tóm tắt nội dung 'Triết học Hội Tụ'
06/12/2021TS. Nguyễn Bá TrinhCố thủ tướng Lý Quang Diệu chỉ ra điều người Nhật vượt trội tất cả các quốc gia châu Á, riêng Singapore mất 10-15 năm mới gần bằng họ
31/12/2018L.TPhật giáo trong thời đại chúng ta
14/11/2018Nhiều tác giảNhững quy luật Tâm lý về Sự Tiến Hóa của các Dân tộc
28/05/2017Gustave Le BonDẫn nhập về hạnh phúc
08/06/2016Thế giới cong: Những hiểm nguy đang che giấu
29/11/2008Nguyễn Minh ThọMô thức mới cho thị trường tài chính
11/11/2008Ghi chú về nghệ thuật
25/10/2008Nguyễn QuânKhi những nỗi sợ hãi không còn... đáng sợ
16/10/2008Hương GiangNền đạo đức Tin Lành và tinh thần của chủ nghĩa tư bản
29/09/2008Minh Bùi tổng hợpSự sụp đổ của Northern Rock
26/09/2008