Sự sống sau cái chết- Bí ẩn lớn nhất của sự sống
Sự sống sau cái chết (*) là cuốn sách quan trọng trong sự nghiệp của bác sĩ chuyên khoa thần kinh đồng thời là nhà tâm linh học Deepak Chopra, chọn chủ đề cái chết, nghiên cứu nó trên góc độ những năng lượng siêu tự nhiên để soi sáng lại mối quan hệ giữa con người và vũ trụ bao la, đồng thời tạo lập một chủ thuyết nhân sinh táo bạo và chấn động.
Cái nhìn “vô ngã”
Con người nhận thức và xét đoán về thế giới vạn vật chủ yếu thông qua lý tính, được hình thành từ một số cách luận giải, đúc kết nhất định về các sự vật, sự việc cụ thể tác động tới năm giác quan. Các cách luận giải về đời sống này tạo nên niềm tin bản ngã, con người dần dà tự giới hạn mình trong lãnh vực của những điều mà lý trí trực quan và hệ thống tư biện cho phép. Ngay cả niềm tin vào điều thần bí, điều khoa học chưa thể lý giải cũng được quan niệm một cách “tư biện”, được giải thích bằng hành động tạo tác của Thượng đế hay cõi thiên đàng, địa ngục, tĩnh ngục…
Deepak Chopra |
Chopra lại kể cho chúng ta một câu chuyện khác. Rằng người bạn của ông nói, anh ta nhìn thấy vốn hào quang tỏa ra trên trán mọi người. Chopra cật vấn theo lối nghĩ quen thuộc, liệu có phải anh tưởng tượng ra điều đó hay không, và người bạn trả lời: Rất có thể tôi đã nhìn thấy bằng vô ngã.
Đứng ra ngoài tri kiến của mình, từ chối vai trò chủ thể kiến giải vạn vật theo một thứ luật định sẵn có, là bước đầu tiên để con người trả lại vị thế bình đẳng của bản thân đối với thế giới, và mở tung cánh cửa của những điều chưa biết vốn mênh mông như dải thiên hà mà cũng có thể siêu nhỏ bé không thể ghi lại kích cỡ. “Vô ngã” không phải để rơi vào vô minh, mà đi tỉnh thức những tiềm năng vô hạn trong những gió hạn lớn-nhỏ, nặng-nhẹ, được-mất, tồn tại- không tồn tại, do con người đặt ra mà thực chất chỉ là tạm thời.
Cũng từ đó, Chopra “kể lại” về thế giới cho chúng ta bằng sự chắt lọc những truyền thuyết cổ xưa, bằng triết học Veda của nền văn minh Ấn Độ huyền diệu từ nhiều ngàn năm, theo “tri kiến”, mà cũng rất có thể là một con số khác, vốn không phải làn sương mù dị đoan mà cốt lõi của nó chính là giả thuyết khoa học.
Khi cơ học lượng tử phát minh ra hạt phản-vật chất thì cũng đồng nghĩa với việc thừa nhận về mặt khoa học sự tồn tại của thế giới phi vật chất. Thế giới ấy đã được người Ấn cổ đại biết đến thông qua khái niệm Brahman (Đại hồn của toàn thể vũ trụ, bao gồm cả thế giới vật chất và “tâm linh”, hay cõi ý thức thuần khiết). Sự tạo thành vạn vật mà ta có thể nhận thức bằng giác quan thực chất chỉ là một phần của xung động vô bờ bến, đa dạng, theo tần số khác nhau của Brahman. hay ý thức thuần khiết.
Như thế, Chopra dẫn ta đi xa hơn đến những trạng thái ý thức khác: “hồn ma” là hoàn toàn có thật nhưng nó vốn không phải là đại diện cho sức mạnh phi lý, quyền năng phù thuật như trong chuyện hoang đường, mà chính là sự tồn tại và mất đi của những xung động “ngày hôm qua”, là sự vật đã tự hủy hiện hữu vật chất của nó. Mỗi người đều có “bóng ma” ngày hôm qua của chính mình. “Luân hồi” hay “cõi Atula” đều là hiện thực, khi mỗi linh hồn trở về với Brahman và vẫn tiếp tục giấc mơ về những niềm tin trần thế của mình, trong một dạng thái xung động khác, tiến hóa hơn.
Điều lý thú nhất dành cho bạn đọc là những thực nghiệm khảo sát được tiến hành bởi chính Chopra và các nhà khoa học uy tín tại các trường đại học, để trả lời câu hỏi, hoạt động ý thức liệu có nhất thiết tồn tại chỉ nhờ vào não bộ hay không? Có thể “điều khiển” sinh vật khác thuần bằng ý thức hay không? Cùng các khảo sát kinh nghiệm cận tử cũng như hiện tượng trí nhớ về “kiếp trước”, tất cả là dẫn chứng sinh động cho khả năng lập luận và dẫn dắt tuyệt vời của Chopra về bản chất tâm linh của thế giới cũng như nguyên lý của mọi thể thức tồn tại.
“Thuyết tương đối” về nhân sinh
Cái chết, bí ẩn lớn nhất của sự sống.
Không phải ngẫu nhiên mà mọi tôn giáo, tức là thứ triết học sơ khai buổi đầu của loài người, đều lý giải về cái chết hợp quy luật, như sự “siêu thoát” khỏi cõi tạm, trở về hòa nhập với chốn mênh mông vĩnh hằng không thể đo đếm, bao hàm và lớn hơn toàn bộ đời sống vật chất.
Cái chết, theo những quan sát có tính chất hiện tượng, là sự chấm dứt mọi chu trình sinh học, sự tan rã của thân xác, và khép lại hoạt động ý thức. Nỗi sợ hãi trước cái chết là sợ hãi khi cuộc sống được hiển thị theo “tri kiến” của con người, với lạc thú và các cảm xúc ràng buộc, đột ngột có nguy cơ chấm dứt. Đó cũng đồng thời là nỗi sợ, điều gì sẽ xảy ra sau “cú shock” lớn nhất, có phải tất cả chỉ là sự biến mất đầy hoang mang của bản ngã và sự tan rữa khủng khiếp của thân xác? Địa ngục âm u của thần Hadest hay cõi thiên đàng vĩnh lạc?
Nếu như cuốn sách này được Chopra viết chỉ như một niềm an ủi đối với nỗi sợ chết thường
xuyên, ám ảnh của con người cũng như của mọi loài sinh vật, thì hẳn nó đã không được đón chào nồng nhiệt đến thế trên toàn thế giới; Nó cũng không phải một cuốn sách để trấn an người ta về những điều tự họ không thể kiểm chứng ngay lúc này, nói khác đi là “hoãn binh” bằng cách đưa ra những lý thuyết siêu hình không thể đong đếm bằng thực tại, do đó “không đáng tin cậy”.
Dựa trên cơ sở thực nghiệm và những suy luận khoa học, bác sĩ, đồng thời là nhà văn, nhà tâm linh học Chopra muốn đưa ra một thuyết “tương đối” về nhân sinh, có ý nghĩa không kém phần quan trọng như thuyết tương đối của Albert En-stein về vật lý vũ trụ. Đó là sự tồn tại tương đối của con người và nhận biết tương đối của con người trong từng trạng thái cụ thể ấy. Không ai, không điều gì có thể “giải mã” được thấu suốt hoàn toàn về sự sống (hay sự chết), nhất là chỉ trong phạm vi thế giới vật chất và điều kiện nhận thức khoa học hiện thời.
Nàng Savitri trẻ trung xinh đẹp trong truyền thuyết Ấn Độ xưa đi khẩn cầu thánh thần, những mong cứu thoát người chồng thân yêu khỏi cánh tay tử thần Yama. Nàng chưa hiểu, nhưng sẽ hiểu và chứng nghiệm, rằng trong cuộc đời ngắn ngủi mà nàng và chồng cùng chia sẻ, thực ra có rất nhiều cuộc đời khác, nhiều sự kiện và cảm xúc khác, rất nhiều hạnh phúc khác. Một tồn tại bao gồm nhiều tồn tại, trước, trong và sau nó, tới vô biên. Cũng như chàng Từ Thức trong truyện cổ Việt Nam, sau ba ngày trên tiên giới, chàng đã trải ba trăm năm hạ giới.
Thuyết “nhân sinh tương đối” có thể vẫn đang là một giả thuyết, nhưng nó từng bước được chứng minh và hiện lên trong vẻ đẹp chặt chẽ tuyệt vời cũng như chất thơ không thể phủ nhận của những quy luật tiến gần được tới chân lý của tự nhiên.
Sự sống sau cái chết, Deepak Chopra, Trần Quang Hưng dịch, NXB Văn hóa Sài Gòn ấn hành năm 2009.
Deepk Chopra sinh năm 1946 tại New Delhi, ấn Độ sau khi tốt nghiệp Y khoa ông di cư sang Mỹ năm 1970. Chopra cho biết, ông chịu ảnh hưởng từ trường phái triết họ Vedanta, văn bản cổ Bhagavad Gita viết bằng tiếng Phạn gồm 700 câu nằm trong bộ trường ca Mahabharata, từ triết gia Ấn Độ jiddu Krishna- murti - tác giả nhiều cuốn sách nổi tiếng về triết học và tâm linh, cũng như từ lý thuyết vật lý trường lượng tử. Những tác phẩm nổi tiếng nhất của ông như Life after death (sự sống sau cái chết), Quantum Healing (chữa bệnh bằng lượng tử), The seven spiritual laws of success (Bảy quy luật tinh thần của thành công), Timeless Mind (Tâm trí phi thời gian) và Creating Af- fluen (Tạo lập sự giàu có)..., đã được dịch ra hơn 50 ngôn ngữ. Deepak Chopra được tạp chí Time bình chọn là một trong một trăm nhân vật của thế kỷ XX. |
Nội dung khác
Review sách “Trí tuệ giả tạo – Internet đã làm gì chúng ta”
17/05/2019Tóm tắt nội dung 'Triết học Hội Tụ'
06/12/2021TS. Nguyễn Bá TrinhCố thủ tướng Lý Quang Diệu chỉ ra điều người Nhật vượt trội tất cả các quốc gia châu Á, riêng Singapore mất 10-15 năm mới gần bằng họ
31/12/2018L.TPhật giáo trong thời đại chúng ta
14/11/2018Nhiều tác giảNhững quy luật Tâm lý về Sự Tiến Hóa của các Dân tộc
28/05/2017Gustave Le BonDẫn nhập về hạnh phúc
08/06/2016Nhật Bản duy tân 30 năm: Gương cũ nên soi
06/08/2015Bạch DươngTheo vết chân những người khổng lồ & Sự đỏng đảnh của phương pháp
12/12/2014Đam mê quan sát cuộc sống
12/11/2014Minh ChâuKhoa học cơ bản thế kỷ XX đối với một số vấn đề lớn của Triết học
11/11/2014Lê Văn GiạngHạnh phúc là nhìn thấy điểm dừng
20/10/2014Đỗ Phương TiếnĐọc “Nguồn gốc người Việt - người Mường” của Tạ Đức
10/07/2014Trần Trọng Dương