7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
Hiện tại ở Việt Nam, tác phẩm HÀNH TRÌNH VỀ PHƯƠNG ĐÔNG (xin viết tắt là HTVPĐ) của Baird T. Spalding có 2 phiên bản nổi tiếng:
Bản nguyên tác: gộp 6 tập sách nhỏ của Spalding lại thành một quyển khổ to, dày trên 900 trang. Sách do Huy Hoàng liên kết xuất bản, AnleBooks dịch từ nguyên bản tiếng Anh tựa đề là “Life and Teaching Of The Masters Of The Far East”. Quyển sách này sẽ là nội dung chính cho bài review của tôi. Từ đây đến hết bài viết, tôi sẽ gọi tắt nó là “bản nguyên tác”.
Bản phóng tác: sách do dịch giả Nguyên Phong phóng tác. Bản phóng tác mà tôi dùng để tham khảo, đối chiếu trong bài viết này là quyển HTVPĐ khổ bỏ túi (10 x 15 cm), dày 343 trang do Frist News liên kết xuất bản. Từ đây đến hết bài viết, tôi sẽ gọi tắt nó là “bản phóng tác”.
Ngoài 2 phiên bản trên, còn có một bản “rút gọn” ít nổi tiếng hơn do Văn Lang liên kết xuất bản, độ dày 320 trang. Tôi chưa có thời gian đọc qua bản này nên không có nhận xét gì về nó.
1. 99% nguyên tác nói về Thiên Chúa giáo
Khác với bản phóng tác của Nguyên Phong, gần như toàn bộ bản nguyên tác nói về giáo lý của Thiên Chúa, ngợi ca thượng đế, chúa Jesus, đấng Christ…
Phần 3 của nguyên tác kể về chuyến hành trình đến Tây Tạng – một đất nước Phật giáo. Phái đoàn được diện kiến Đức Đạt Lai Lạt Ma (không nói rõ đời thứ mấy), gặp gỡ nhiều vị tu sĩ, chân sư ở đó… Nhưng các bạn tin được không, nội dung các cuộc thảo luận giữa phái đoàn và các vị này cũng xoay quanh đề tài: thượng đế, đấng Christ, chúa Jesus và giáo lý của ngài! Ngạc nhiên chưa!
Phái đoàn khoa học đã không quản đường xá gập ghềnh hiểm trở, lặn lội đến Tây Tạng chỉ để bàn về một lãnh vực tôn giáo đã rất quen thuộc nơi xứ họ: đạo Thiên Chúa. Đáng lẽ họ nên đến Vatican.
2. Gặp lại “Ngôi đền im lặng”
Ở chương 4 của bản phóng tác có kể về chuyến tham quan Ngôi đền im lặng. Vì ngôi đền này không tôn thờ bất cứ vị thần nào nên vị đạo sư giữ đền đã thuyết minh về ngôi đền bằng ngôn ngữ phi tôn giáo, sâu sắc và dễ hiểu.
Ở trang 39 của nguyên tác cũng có kể về chuyến tham quan ngôi đền im lặng. Ngôi đền này không thờ bất cứ vị thần nào, nhưng vị đạo sư dẫn đường tên là Emil đã viện dẫn rất nhiều triết lý Thiên Chúa giáo để thuyết minh về ngôi đền. Chưa kể nội dung ông trình bày rất dài dòng, rối rắm, khó hiểu.
3. Rất mơ hồ về những cái tên
Trong bản nguyên tác, dường như tác giả cố ý muốn giấu danh tính của những vị giáo sư trong phái đoàn. Ngoài tên của tác giả, tôi chỉ tìm được một cái tên duy nhất: bà Grace G. Hahn (trang 628). Sách không nói bà này có phải giáo sư hay không và bà công tác ở đâu. Vậy nên có lẽ việc xác minh danh tính của bà là bất khả thi. Kể cả NXB DeVorss giữ bản quyền nguyên tác này cũng “bó tay” trong việc xác thực những thông tin được cung cấp trong nguyên tác.
Trang số 10 – Bản nguyên tác
Trong khi đó, bản phóng tác thì thoải mái kể tên các vị giáo sư trong phái đoàn (kể cả trường đại học nơi họ công tác): Oliver, Mortimer, Evans-Wentz, Allen…
Điều mơ hồ là bản nguyên tác nói rằng giáo sư Spalding (tác giả) công tác ở đại học Calcutta và chỉ là một thành viên bình thường trong phái đoàn (chứ không phải là trưởng đoàn). Còn bản phóng tác thì nói rằng giáo sư thuộc đại học Oxford và là trưởng phái đoàn (trang 330-331, phóng tác.) Tên của ông in trên 2 quyển sách cũng có chút khác biệt: Baird vs Bair.
4. Chúa Jesus xuất hiện và đồng hành cùng phái đoàn trong một thời gian
Trang 167 trong bản nguyên tác kể về sự kiện Chúa Jesus xuất hiện trước mặt cả phái đoàn. Theo lời một người địa phương thì chúa vẫn thường xuất hiện giảng đạo và chữa bệnh cho dân làng. Đến đây chắc có bạn sẽ thắc mắc: Chúa xuất hiện ở làng nào? Tôi không biết, vì tác giả cố tình không nói! Ở trang 156, tại lời tựa của phần II, tác giả giải thích:
“tôi cố ý bỏ đi tên của những con người và địa danh. Tôi cảm thấy rằng, tôi được tự do giấu tên của những nơi chốn và địa điểm, để độc giả có quyền chấp nhận nó là sự thật hay điều hư cấu, bởi họ cho rằng có những sự tính toán từ trước ở đây, cho rằng sự thật đôi khi còn đáng ngạc nhiên hơn những điều hư cấu.”
Cuối lời tựa, tác giả nhắc nhở:
“với tất cả sự tôn trọng, tôi chân thành nhắc nhở các bạn đọc rằng các bạn càng dễ tiếp nhận, các bạn càng lĩnh hội được nhiều hơn.”
Trong những khóa học làm giàu, tôi cũng bắt gặp những lời nhắc tương tự, mục đích là để học viên hạ hàng rào tâm lý xuống, hạ thấp tư duy phản biện để các diễn giả “nhồi sọ” học viên dễ hơn, thao túng hiệu quả hơn.
Dù đã đọc được “nhắc nhở” của tác giả, nhưng tôi vẫn không khỏi thắc mắc vài điều:
Khi Jesus xuất hiện, ngài không hề giới thiệu mình là ai. Tại sao mọi người trong phái đoàn lại nhận ra ngài là chúa Jesus?
Như mọi người đã biết thì ngoại hình của Chúa được vẽ mỗi nơi một kiểu, và khác nhau theo từng thời điểm lịch sử. Lần cuối người ta thấy Chúa cách đây chừng 2000 năm rồi. Hình ảnh của Chúa đã bị tam sao thất bản. Ai cũng từng thấy hình và tượng Chúa, nhưng chẳng ai được gặp trực tiếp Chúa để biết mặt ngài thật sự trông như nào. Làm sao bạn có thể nhận ra một người khi mà chỉ mới nghe danh? Vậy mà cả phái đoàn khoa học lại làm được chuyện này!
Hình tượng chúa Jesus qua các thế kỷ.
Theo các nhà nghiên cứu, ngày xưa Chúa nói tiếng Aramaic (có lẽ bây giờ chẳng ai nói được thứ tiếng này nữa). Nhưng theo nguyên tác HTVPĐ, tác giả Spalding đã kể rằng Chúa xuất hiện và giao tiếp với mọi người bằng tiếng Anh! Tuy nhiên điều này vẫn chưa gây sốc với tôi bằng việc Đức Phật xuất hiện!
5. Đức Phật xuất hiện
Nguyên tác kể rằng trong lúc cả phái đoàn ở nhà của một vị thống sứ, giữa họ và vị thống sứ đang rơi vào một tình huống mâu thuẫn căng thẳng thì Đức Phật xuất hiện. Phật đã dùng thần thông dọa cho vị thống sứ cùng bọn lính tráng của ông sợ chết khiếp. Phật quở trách vị thống sứ vì trước đó ông đã từ chối lời thỉnh cầu giúp đỡ của một đứa trẻ (trang 277 – 278 – 279, nguyên tác).
Bỏ qua những câu hỏi về mặt logic như làm thế nào mà cả phái đoàn toàn những ông Tây bà Tây lại nhận ra đó là Đức Phật, hay tại sao Phật lại nói tiếng Anh… thì tôi thấy cách hành xử của Đức Phật được kể trong nguyên tác lại không hề giống tinh thần Phật pháp. Nói trắng ra, tôi cho rằng tác giả Spalding đã bịa đặt.
Giúp đỡ người khác là một việc nên làm. Nhưng từ chối giúp đỡ một ai đó là quyền quyết định cá nhân của vị thống sứ. Cớ sao Phật lại muốn vị thống sứ phải hành động theo ý ngài? Tinh thần của đạo Phật không độc đoán như thế. Phật cũng chẳng bao giờ làm cho ai sợ. Nếu vị thống sứ là một phật tử đã thọ tam quy ngũ giới thì ông ấy đã phạm phải giới cấm nào dành cho phật tử tại gia?
Bây giờ tôi đã hiểu vì sao nguyên tác của Spalding viết rất ít về các đạo khác mà chỉ chăm chăm nói về Chúa. Thậm chí đặt chân đến Tây Tạng rồi mà vẫn cứ nói về Chúa! Bởi ông thấy khó “chém gió” về những điều không quen thuộc với ông, điển hình là đạo Phật. Vì thế ông mới bịa ra một ông Phật với lối hành xử khác xa triết lý nhà Phật.
6. Thiếu tinh thần khoa học và rất mơ hồ
Nguyên tác này được viết bởi một giáo sư, một nhà khoa học (danh tính của ông khá mập mờ, nên cứ tạm cho ông là nhà khoa học đi) nhưng nhiều điều ông viết trong nguyên tác rất thiếu tinh thần khoa học, nhất là thiếu tên người, địa danh, mốc thời gian, ảnh chụp, không có bản đồ, không có bản ghi chép nào khác bên ngoài…
Trang số 478 – Bản nguyên tác
Tác giả diễn đạt những thông điệp đạo lý theo cách rất mơ hồ; kể những câu chuyện huyền hoặc mà chẳng ai kiểm chứng được (các vị chân sư sống mấy trăm năm tuổi. Họ thi triển những phép thần thông lặp đi lặp lại nhiều lần đến mức tôi không xem đó là điều kỳ diệu nữa: biến ra đồ ăn để nuôi sống phái đoàn trong nhiều ngày, chữa bệnh, cứu sống người sắp chết, biến quần áo cũ thành mới, teleport…); trình bày những lý thuyết vô thưởng vô phạt và lặp đi lặp lại đến nhàm chán như: thượng đế bên trong bạn, hợp nhất với thượng đế, trí tuệ toàn năng… đọc một hồi tôi như bị lạc vào mê cung, chẳng biết mình đang đọc gì, chẳng nhớ mình vừa đọc gì, cứ mơ mơ hồ hồ…
Trang 727, một người hỏi Spalding rằng tuyến cận giáp được kích thích như thế nào? Ông trả lời:
“Yếu tố quan trọng trong quá trình kích thích chúng là sự tập trung vào tuyến giáp thông qua một tác động tinh thần, và đó chính xác là những gì chúng tôi đang nói tới.”
Trang 803, một người hỏi: “Chúng ta nên truyền đạt những suy nghĩ mang tính xây dựng đến những người đau khổ như thế nào?” Theo tôi, đây là một câu hỏi hay và rất thiết thực. Hãy nghe Spalding trả lời này:
“Hãy biểu thị thượng đế đến với những người này như một suy nghĩ lớn lao nhất. Sau đó chúng ta biểu thị một trạng thái giúp anh ta thoát khỏi sự đau khổ. Nếu chúng ta biểu thị thượng đế, chúng ta sẽ hiệu chỉnh được bất kỳ hoàn cảnh nào.”
Có ai hiểu ông ấy đang chỉ người ta làm cái gì không?
Trang 670-671-672, tác giả kể về chiếc camera của tiến sĩ Steinmetz có khả năng quay ngược thời gian về quá khứ trong phạm vi một triệu năm và mang về những hình ảnh lịch sử như buổi lễ nhậm chức của tổng thống George Washington, bài giảng trên núi của chúa Jesus…
Không khó để tìm ra nhiều đoạn “đầy tinh thần khoa học” tương tự được viết ra bởi một nhà… “tạm cho là khoa học”.
7. Bản phóng tác của Nguyên Phong kể những câu chuyện “bịa” chẳng liên quan đến những chuyện trong nguyên tác
Trang 341 bản phóng tác của Nguyên Phong (First News liên kết xuất bản) có ghi:
“Cuốn sách này là một phần trong bộ hồi ký nổi tiếng của giáo sư Bair T. Spalding (1857 – 1953). Nguyên tác ‘Life anh Teaching of the Masters of Far East’ (xuất bản năm 1935) có tất cả sáu quyển, ghi nhận đầy đủ về cuộc hành trình gay go nhưng lý thú và tràn đầy sự huyền bí ở Ấn Độ, Tây Tạng, Trung Hoa, Ba Tư.”
Trang 341 bản phóng tác của Nguyên Phong (First News liên kết xuất bản)
Tôi khẳng định thông tin trên là sai sự thật. Vì tôi đã đọc cả bản nguyên tác lẫn phóng tác rồi. Tôi thích bản phóng tác của Nguyên Phong, và đã cả tin vào thông tin trên. Cách đây mấy năm, khi Huy Hoàng vừa cho ra mắt bản nguyên tác, tôi đã giới thiệu cho nhiều bạn mua đọc, dù khi ấy tôi chưa kịp đọc qua nguyên tác. Sau đó, bạn tôi phản hồi rằng “Sách gì mà nói toàn giáo lý của đạo Thiên Chúa!” thì tôi mới tá hỏa vì biết mình đã tiếp tay cho bọn làm sách thiếu tâm!
Huy Hoàng đã “chiêu trò” khi dịch cái tựa “Life and Teaching Of The Masters Of The Far East” ra tiếng Việt là “Hành Trình Về Phương Đông”: cố ý đặt trùng tên với bản phóng tác để ăn theo sự nổi tiếng của một tác phẩm vốn đã đi vào lòng độc giả VN từ nhiều năm nay. Sự nhập nhằng này khiến nhiều độc giả hiểu lầm rằng bản nguyên tác là bản full.
Các tác phẩm phóng tác được liệt vào thể loại fiction (hư cấu). Và việc dẫn chứng thông tin từ một tác phẩm hư cấu để thuyết phục một điều gì đó là khoa học thì rất ngớ ngẩn và buồn cười, nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn bắt gặp. VD như đoạn dưới đây được chụp từ một quyển sách do Alphabooks biên tập và liên kết xuất bản.
Kết luận
Tôi nhận xét về bản phóng tác của Nguyên Phong: ngắn gọn, mạch lạc, sâu sắc, dễ hiểu. Góp ý với First News là hãy xóa đi phần thông tin sai sự thật về bản phóng tác nằm ở cuối sách để tránh gây hiểu lầm cho nhiều độc giả. Đây là một quyển sách hư cấu được viết dựa theo một quyển sách hư cấu khác, nhưng những “câu chuyện cổ tích” được Nguyên Phong kể trong đó hợp với trí tưởng tượng bay bổng của tôi. Tôi chấm bản phóng tác 4/5 sao cho thể loại cổ tích.
Còn về bản nguyên tác: đây là cuốn sách khiến tôi cảm thấy lãng phí tiền bạc và thời gian nhất sau khi đọc xong. Chấm 1/5 sao.
Hy vọng bài review này sẽ giúp bạn không mua phải quyển sách chẳng những viết láo mà còn viết dài, viết dở, đỡ tốn vài trăm ngàn.
Sau khi đọc được bài viết này trên blog của tôi, một bạn đọc cho rằng dịch giả Nguyên Phong đã dịch tác phẩm Hành Trình Về Phương Đông chứ không phải “phóng tác”. Bạn ấy gửi kèm thông tin về tác phẩm này từ website của First News:
Riêng với quyển “Hành trình về phương Đông”, có lẽ quyển sách này đã “tự tìm” đến ông khi ông vào thư viện của trường, ngang khu sách tôn giáo thì thấy một quyển sách rơi trên lối đi. Ông nhặt lên, không nhìn xem đó là quyển gì. Đi một vòng quay lại, lại thấy cuốn sách kia rơi trên lối đi, ông nhặt lên và có nhìn xem tên quyển sách trước khi xếp nó vào giá. Đến khi mọi người đã vãn, ông đi lại khu sách cũ, lại thấy quyển sách kia nằm giữa ngay lối đi. Và cuối cùng ông mượn về, đọc một mạch, đọc lại rồi đọc lại. Sau đó, dịch quyển sách ấy ra tiếng Việt với tên: “Hành trình về phương Đông” như bạn đọc thấy hiện nay.
Nguồn: https://firstnews.com.vn/vi/tac-pham/hanh-trinh-ve-phuong-dong-kho-nho-p1398.html
Thứ nhất: quan điểm cho rằng dịch giả Nguyên Phong đã “phóng tác” quyển Hành Trình Về Phương Đông không phải do tôi tự bịa, mà lấy thông tin này từ báo Lao Động.
Link: https://laodong.vn/archived/bi-an-dang-sau-hai-cuon-hanh-trinh-ve-phuong-dong-667311.ldo
Thứ hai: bản thân dịch giả Nguyên Phong và cả First News không thể cung cấp tác phẩm gốc để mọi người đối chiếu. Vậy căn cứ vào đâu để chứng minh Hành Trình Về Phương Đông là tác phẩm dịch? Sách dịch thì ghi rõ là dịch, phóng tác thì nên ghi rõ ra là phóng tác, không nên nhập nhằng đánh lận con đen. Đối với tôi, câu chuyện một quyển sách “tự tìm” đến dịch giả mà trang First News đã kể ở trên cũng chỉ là một bản “phóng tác” khác của ai đó mà thôi.
Không hiểu sao báo chí Việt Nam đăng thông tin về dịch giả Nguyên Phong cũng kèm theo vài yếu tố “phóng tác” kỳ lạ.
Nội dung khác
Hoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh Hanyi