Bàn thêm về sự học
Dầu vậy, câu hỏi "Học để làm gì?" nêu ra vào thời điểm sau khi công bố điểm thi vào các trường đại học (điểm thi của rất nhiều thí sinh rất thấp) và trước thềm năm học mới của chúng ta (năm học 2002-2003) là nghiêm túc và cần thiết.
Đã có không ít chuyện buồn trong thi cử. Vợ chồng người hàng xóm nơi tôi ở lo cho đứa con đầu thi đại học phải bán cả xe gắn máy để đầu tư vào các lò luyện thi và mỗi người sụt mất 5 kg. Rút cục con không thi đậu, mẹ buồn quá lâm bệnh phải vào bệnh viện. Tương tự, có ông bạn cùng thời vác cối 82 của tôi, kỳ vọng quá nhiều về đứa con trai trong kỳ thi đại học năm ngoái. Thất vọng vì con không đậu, ông bạn tôi nổi cơn thịnh nộ đánh mắng thằng nhỏ khiến nó sợ quá bỏ nhà đi bụi. Nó đi một lèo nửa năm. May nhờ có đồng đội cũ của bố cưu mang đùm bọc dạy cho nó nghề lái xe. Vì chuyện thi rớt đại học đã có những bạn trẻ đau khổ, buồn nản suy sụp tinh thần. Sức ép đại học quả thật khốc liệt. Vì sao lại thế? Mọi cái đều có hai mặt. Cái sự học cũng có hai sức ép. Sức ép tích cực của sự việc này là buộc mọi thành viên trong xã hội phải có một dung lượng kiến thức nhất định đáp ứng với yêu cầu công việc. Sức ép tiêu cực là bằng mọi giá phải có được bằng cấp để có được một vị trí, một công việc có danh có giá trong xã hội. Hai sức ép này đã dồn ép lượng người trẻ tuổi chen chúc trong khuôn cửa hẹp đại học.
Đại học không phải là một sân chơi có thể tuỳ tiện thay đổi kích cỡ. Do vậy, để cho chuẩn đại học được giữ vững các giá trị và để cho công việc thi đại học là một trường kiến thức, tri thức cần phải giảm đi (nếu triệt tiêu được thì tốt) cái áp lực tiêu cực: giành lấy bằng cấp để "ngồi mát ăn bát vàng".
Học là để nâng cao tri thức, văn hoá, để tiếp thu được cái mới, hội nhập với những tiến bộ tích cực của thời đại. Ai cũng biết sự học là một động lực quan trọng hàng đầu để xã hội phát triển, con người hoàn thiện. Giá trị của sự học thể hiện ở bằng cấp, nhưng quan trọng hơn cả là ở hàm lượng tri thức, ở hiệu quả công việc, ở nếp sống con người (các chuẩn đạo đức). Cho dù học để làm quan, làm nghề cho tinh thông thì cái tiêu chí đầu tiên và cũng là cái đích cuối cùng của sự học là: học để làm người có ích cho xã hội, gia đình và bản thân.
Người Trung Hoa có câu: Biển học vô bờ. Lênin nói: Học, học nữa, học mãi. Ấy là phần nối dài rất cần thiết để làm sáng tỏ ý nghĩa câu trả lời: Học để làm người có ích. Và, nếu như toàn xã hội đều nêu cao các chuẩn giá trị "người có ích" trong xã hội, trong gia đình thì lớp trẻ của chúng ta, các gia đình trong xã hội sẽ không bị sức ép nặng nề của cuộc thi đại học; sự học trở thành một động lực tích cực, giá trị đích thực của giáo dục được tôn vinh không bị thương mại hoá lấn át.
Học để làm người có ích, cần được xem là yêu cầu cũng là mục đích của sự học.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015