Bàn về "những giá trị sống"
Xem bài liên quan:
... Con người có thể đánh mất các khía cạnh chính trị, nhưng bản sắc, chất lượng văn hóa thì không đánh mất được. Có thể một người yêu nước trở thành một kẻ bán nước, một người tích cực trở thành một kẻ tiêu cực trong con mắt của một số các nhà chính trị, nhưng cái đặc trưng văn hóa cá nhân thì không mất được, không thay đổi được.
Bởi vì chúng ta luôn có khuynh hướng đồng nhất văn hóa với chính trị cho nên chúng ta sợ, những nhà quản lý sợ mất cái yếu tố chính trị mà mình cần ở trong một con người, và vì không dám nói điều ấy nên họ kêu toáng lên về sự đánh mất bản sắc. Bản sắc là cái cớ để họ kêu la chứ bản sắc không mất được. Đây là một phát hiện rất quan trọng.
Hỏi: Ông có đề cập nhiều đến quản lý vĩ mô, đến vai trò của nhà nước. Vậy theo ông người làm chính trị của chúng ta thiếu nhất cái gì?
Trả lời: Họ thiếu nhất cái hiểu biết về con người, họ thiếu nhất cái ý chí về việc bảo vệ các quyền cơ bản của con người.Chúng ta biết rằng ở Trung Quốc có chuyện cho Melamine vào trong sữa, bây giờ người ta phát hiện ra melamine dùng để sản xuất các bát đĩa nhựa. Rất nhiều người lên án đó là đạo đức, nhưng tôi thì nhìn sự việc ấy như một biểu hiện của sự thiếu hụt tính tự giác về quyền con người. Khi người ta dân sự hóa, đời thường hóa các tiêu chuẩn, các nguyên lý của quyền con người thì người ta không làm hay người ta bị bó buộc để không làm những việc giết người một cách phổ biến như vậy bằng cách cho chất độc vào trong thực phẩm hoặc các dụng cụ ăn uống. Tôi nghĩ rằng sự thiếu hụt nhất của một số lượng lớn các nhà chính trị ở các nước lạc hậu về chính trị chính là thiếu ý thức về quyền con người. Khi người ta đã lấy cái đó làm một trong những giá trị căn bản của các phẩm chất của một nhà chính trị thì người ta sẽ tìm ra được một phương thức.
Chúng ta đôi lúc nhầm lẫn sự thiếu hụt của một nhà chính trị với sự vụng về của nhà chính trị. Sự vụng về của một nhà chính trị là một biểu hiện như tôi vừa phân tích lúc nãy, đó là sự dịch chuyển từ một nền văn hóa chính trị này đến nền văn hóa chính trị khác.
Tức là sự làm quen của một nhà chính trị thuộc nền văn hóa này với một nền văn hóa khác thì nó tạo ra sự vụng về. Tôi không lên án sự vụng về của một nhà chính trị, nhưng sự thiếu hụt những đặc trưng cơ bản để hình thành phẩm chất của một nhà chính trị là nghĩ đến con người, giải phóng con người, chăm sóc con người, bảo vệ các quyền của con người đã tạo ra rất nhiều hiện tượng tiêu cực: sự coi thường nhân dân, tham nhũng rồi tất cả sự quấy nhiễu này khác, đấy là biểu hiện cơ bản của việc không tôn trọng quyền con người. Bây giờ nếu như người ta nhìn bạn là một cá nhân thì không lý gì một anh văn thư ở một phường lại có thể hống hách, hạnh họe bạn được, đấy là biểu hiện của việc không có con người. Không có cá nhân là không có con người, trước mặt là những đối tượng mà mình quản lý, mình cho chứ không phải là con người. Thiếu hụt cơ bản của hầu hết các nhà chính trị ở các nước lạc hậu là ở điểm ấy, còn khuyết tật thì nhiều lắm, chúng ta phải biết phân loại cái gì là căn bản. Trong quyển sách "Cội nguồn cảm hứng" tôi có nói rằng Tự do sinh ra con người, không có tự do thì không có con người và tôi đưa ra cả khái niệm tiền con người.
Tôi thảo luận với rất nhiều giáo sư ở trên thế giới về khái niệm tiền con người và rất nhiều ông tá hỏa lên hỏi tôi rằng "Liệu ông có xúc phạm đến một số quá đông không? Bởi vì theo tiêu chuẩn của ông thì thế giới này chưa được 1/3 loài người là con người?".
Hỏi: Ông có kỷ niệm nào trong đời sống cá nhân khi giá trị của mình bị chà đạp?
Trả lời: Tôi là một người tự do, hay là người có ý chí tự do từ khi còn bé cho nên phải nói rằng, tôi tránh một cách rất xuất sắc những tình huống để người ta đẩy mình vào thế mất tự do hay mất các giá trị cá nhân. Tôi từ chối những quyền lợi mà tôi phải đổi bằng tự do cá nhân. Cho nên kinh nghiệm lớn nhất của tôi là kinh nghiệm tránh được những tình huống bị người ta chà đạp lên những giá trị cá nhân của mình.
Sau khi đi bộ đội về tôi học lại phổ thông một vài năm. Vì là bộ đội về nên tôi nhận được khá nhiều ưu tiên, nhiều đề xuất có lợi. Tôi có được đề nghị đi học ở nước ngoài, đề nghị kết nạp Đảng, và tôi có một người bạn gái. Ông bí thư chi bộ của cái trường tôi học bảo tôi rằng: Cậu có hai quyết định thế này nhưng cậu có khuyết điểm là cậu có quan hệ luyến ái khi cậu còn là học sinh, vì thế nếu cậu chấm dứt chuyện yêu đương thì sẽ có được hai quyết định này. Tôi cười và bảo "Những cái này không cùng thứ nguyên. Thầy là người dạy vật lý, thầy hiểu rất rõ rằng những cái không cùng thứ nguyên thì không đổi cho nhau được, và nếu thầy ép một sự đổi chác không cùng thứ nguyên thì thầy cứ giữ lấy cái của thầy". Đấy là kỷ niệm của tôi về việc phải bảo vệ các quyền cá nhân của mình bất chấp mọi sức ép. Không thể hình thành nổi các giá trị cá nhân nếu cái đuôi của mình ngoe nguẩy trước bất kỳ thế lực nào và quyền lợi nào. Tuy nhiên, tôi cũng không lên án sự ngoe nguẩy ấy, bởi sự ngoe nguẩy cũng là tự do, tự do ngoe nguẩy. Có những người không ngoe nguẩy được mà quỳ mọp xuống, run sợ, tái người đi, chứ còn đã chủ động đến mức ngoe nguẩy để đánh đổi sự ngoe nguẩy của mình lấy một quyền lợi nào đó thì tức là đã bao hàm trong đó có cả ý nghĩa tự do, tất nhiên là tiêu cực và giới hạn.
Tôi nghĩ rằng trong quá trình con người dịch chuyển đến tự do có cả những chặng ngoe nguẩy. Tôi không lên án sự ngoe nguẩy ấy. Các trạng thái hay các phong cách ngoe nguẩy càng phong phú bao nhiêu thì nền văn hóa dịch chuyển ấy càng phong phú bấy nhiêu. Và nếu quan sát với tư cách là một nhà khoa học hay một nhà hàn lâm nhân văn thì bạn sẽ thấy rằng thương con người thông qua sự ngoe nguẩy của nó chứ không phải coi thường nó, bởi vì ngoe nguẩy chính là bản năng sống. Có một thời kỳ chúng ta tái mặt đi chứ không ngoe nguẩy. Từ ngoe nguẩy, đánh đổi những giá trị bằng mồm miệng đến mua bán quyền lực, đấy là những chặng phát triển như là một khuynh hướng được gọi là tha hóa. Tha hóa cũng là biểu hiện của tự do, nhưng là tự do chết.
Hỏi: Theo ông, bây giờ tự do chết có nhiều không?
Trả lời: Nhiều. Bởi vì sai thì chết. Con người, nhất là người Việt chúng ta, trong nửa thế kỷ không được trang bị bất kỳ kiến thức gì để sống một cách độc lập và chủ động cả. Khi anh không đủ trí tuệ để độc lập và chủ động thì anh sẽ sai. Anh sai mà anh lại tự do thì anh đi đến chỗ chết nhanh hơn, và chính vì thế nên có một kẻ thứ ba đứng ngoài bảo "ta phải lãnh đạo nó". Chính sự dốt nát, sự sai lầm, sự thiếu hụt trí tuệ làm xuất hiện một đối tượng có nhu cầu cung cấp các dịch vụ lãnh đạo.
Hỏi: Nghệ thuật lãnh đạo của ông có gì khác so với số đông doanh nhân hiện nay?
Trả lời: Tôi khác. Thứ nhất là tôi rất khắt khe và nếu nhìn ngoài thì tôi khắt khe như một kẻ độc tài. Nhưng tôi khắt khe trong việc cần phải xây dựng một tiêu chuẩn để tất cả những người cộng tác với tôi trở thành những con người hoàn chỉnh, phải có hiểu biết, phải đọc, phải nắm bắt được tình thế, phải biết quan tâm đến cấp dưới, bởi vì chúng tôi làm một nghề bắt buộc phải sáng tạo, bắt buộc phải hiểu biết, bắc buộc phải tiếp cận với khoa học hàng ngày. Tôi quản lý rất khắt khe thái độ của các cán bộ của tôi đối với các cấp dưới của họ và tôi cũng khắt khe với chính họ. Tôi là người chia sẻ lợi ích, tôi không phải là một nhà kinh doanh với quan niệm ngoài lương thì cái còn lại là của tôi. Tôi biết chia sẻ các lợi ích mà công ty này mang lại cho các đồng nghiệp gần gũi của mình.
Tôi không biết có khác không vì tôi cũng không quan tâm lắm đến các doanh nghiệp khác. Con trai tôi đi học ở nước ngoài 10 năm trở về, khi quan sát sinh hoạt ở công ty của tôi nó nói rằng "Cái mà bố tạo ra được là một tập thể rất đầm ấm". Chúng tôi ở đây càng hiểu biết càng tốt, cấp dưới càng giỏi thì tôi càng thích. Rất nhiều nhà lãnh đạo rất sợ khi cấp dưới giỏi, cấp dưới mà bắt vở được cái ngốc nghếch hay cái ngu dốt của lãnh đạo thì chỉ có nước đi, nhưng ở chỗ chúng tôi thì chỉ có sự dốt nát về mặt trí tuệ bị lên án thôi, còn sự giỏi giang được biểu dương. Trong công ty chúng tôi có một số tạp chí nội bộ do anh em viết và mỗi một số đều có bình bầu bài viết xuất sắc nhất và có tiền thưởng. Tôi khuyến khích mọi người đọc và viết. Trong vòng mấy năm, anh em đã viết được một bộ tổng tập hơn 4000 trang. Chúng tôi xây dựng được một thư viện, có lẽ là một trong những thư viện tư nhân khá lớn khoảng gần 10 nghìn đầu sách có lựa chọn. Chúng tôi có những tủ sách về kinh tế, về luật học, khoa học xã hội, văn học, triết học để phục vụ anh em đọc, thư giãn và nâng cao sự hiểu biết. Nếu là một nhà kinh doanh ích kỷ thì đấy là lợi ích của tôi và tôi sẽ không mua sách mà chuyển nó thành tiền.
Hỏi: Trong các tiêu chuẩn đánh giá doanh nhân hiện nay có quá nhiều danh hiệu, nhiều chuẩn mực chạy theo các con số như lợi nhuận, doanh thu v.v. Theo ông, chuẩn mực nào để đánh giá doanh nhân một cách đầy đủ nhất?
Trả lời: Chỉ nguyên chúng ta có ý đồ đánh giá doanh nhân là đã sai rồi. Bởi vì ý đồ sai cho nên việc tổ chức ra nó cũng sẽ sai thôi. Tại sao người ta lại phải đánh giá doanh nhân? Đã bao giờ người ta đánh giá các nhà chính trị chưa? Khi đưa ra ý đồ đánh giá ấy thì người ta phải tổ chức nó bằng trăm cách, nghìn cách và người ta buộc phải bịa ra những tiêu chuẩn.
Tôi nghĩ rằng thế giới người ta cũng đánh giá nhưng họ đánh giá tài sản, đánh giá các công nghệ được sáng tạo ra trong một xí nghiệp, trong một tập đoàn xí nghiệp chứ không đánh giá, phân loại doanh nhân trên qui mô toàn xã hội như chúng ta. Và phải nói thật rằng các doanh nhân cũng rất thông minh, họ tận dụng điều ấy để quảng cáo cho chính mình. Và để quảng cáo cho chính mình thì họ phải đưa ra những chỉ tiêu, những khía cạnh có giá trị quảng cáo. Thực ra đấy là một sự hợp tác có chất lượng nhạy cảm của doanh nhân đối với các hoạt động chính trị của nhà nước, cái đấy hoàn toàn không phản ánh gì cả và tôi thấy không nên mất thì giờ nghĩ về những chuyện ấy.
Gần đây người ta còn nói rằng phải xây dựng văn hoá kinh doanh, văn hóa doanh nhân, tôi nói rằng văn hóa giống như phù sa sông Hồng, anh không thể lên kế hoạch để xây dựng những lớp phù sa ấy được. Văn hoá là cái còn lại sau một chu trình vận hành của cuộc sống. Văn hóa là cái vết của những hành động của con người trên cuộc sống. Chúng ta thấy vết trườn của con rắn trên mặt đất khác với vết bò của con kỳ đà, và vết bò của con kỳ đà thì khác với vết chân đi của con hổ. Văn hoá là vết của các sự vật, các đối tượng để lại trong đời sống, vì thế không thể xây dựng văn hoá được.
Hiện nay chúng ta có rất nhiều biển hiệu gia đình văn hoá, khu phố văn hoá, công ty văn hoá v.v, đâu đâu cũng thấy. Tôi thấy rằng việc tiêu tốn bao nhiêu tiền cho những chuyện như vậy không quan trọng, cái quan trọng chính là nó tố cáo trên qui mô xã hội sự ngốc nghếch của những người đề ra chuyện ấy. Đấy mới là nỗi đau. Bây giờ sáng dậy người ta cởi trần, mặc quần xà lỏn, vừa đi vừa khạc nhổ từ trong những con phố mà bên trên treo biển hiệu khu phố văn hoá, rất kỳ quặc. Phải nói thật là chúng ta có rất nhiều chuyện kỳ quặc và rất nhiều người lên án về sự tốn kém của nó, nhưng tôi không quan tâm đến chuyện tiền mà quan tâm đến chuyện nó thể hiện một cách đại trà trên qui mô xã hội về sự ngốc nghếch.
Hỏi:Là một người phản biện những quan niệm thuộc về số đông như vậy, ông có cảm thấy cô đơn không?
Trả lời: Không. Tôi phản biện chính mình thì làm sao lại cô đơn được? Tôi không tách mình ra khỏi sự sai sót vốn có của cuộc sống nói chung. Và nếu như cá nhân tôi không sai thì tôi vẫn có trách nhiệm với sự sai sót của những người bên cạnh. Tôi không phải là kẻ đứng bên ngoài, không phải là kẻ đối lập, cũng không phải là kẻ tự nhấc mình ra khỏi bầy đàn của mình, cho nên tôi không thấy cô đơn gì cả. Và cách nhìn của tôi là cách nhìn lạc quan, cho nên tôi mới nói rằng sự vụng về, sự ngượng ngùng của một bầy người đang dịch chuyển dần đến sự phát triển, đến văn minh như một tất yếu.
Hỏi: Theo ông, văn minh có gì khác so với văn hoá không?
Trả lời: Văn minh là trình độ phát triển, còn văn hoá là đặc trưng hay còn gọi là bản sắc của cá nhân, của cộng đồng. Bản sắc cá nhân được gọi là cá tính, còn bản sắc cộng đồng được gọi là văn hoá.
Hỏi:Vậy văn minh và văn hoá có phát triển thuận chiều với nhau không?
Trả lời: Không, nó không liên quan gì đến nhau mà nói rằng thuận chiều hay trái chiều. Ví dụ như ở Tây Nguyên, người Ba Na, người Ê Đê, người Gia Rai chưa văn minh, nhưng chất lượng văn hoá của họ đậm đặc đến mức người ta thấy ngay từ đầu làng. Những người thiểu số là một ví dụ để mô tả một cách xuất sắc, rõ rệt sự khác biệt giữa văn hoá và văn minh. Văn hoá giúp phân biệt dân tộc này với dân tộc khác, tính cách con người này với con người khác. Còn văn minh giúp phân biệt mức độ phát triển này với mức độ phát triển khác.
Hỏi: Nhiều người lo ngại rằng sự phát triển của văn minh sẽ làm huỷ diệt hoặc tổn hại bản sắc. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
Trả lời: Bản sắc không phải là một đại lượng cố định. Bản sắc là những giá trị còn lại trong quá trình phát triển và vì thế bản sắc thay đổi cùng với sự phát triển.
Tôi lấy ví dụ, bạn đi trên biển, đi qua đảo Sơn Trà và con tàu càng ngày càng xa đảo Sơn Trà, nghĩ rằng thôi thế là mất đảo Sơn Trà rồi vì mình không nhìn thấy nó nữa. Thế thì chúng ta nhảy xuống để leo lên ngồi trên đảo Sơn Trà hay là tiếp tục du hành cùng với con tàu? Con người là quá trình dịch chuyển và phát triển, nó đi qua các kỷ niệm được gọi là văn hoá và nó sinh ra một cảm giác luyến tiếc những bản sắc mình đã có trong giai đoạn cũ mà quên mất những bản sắc mới đang hình thành trong chính quá trình dịch chuyển ấy. Phát triển càng nhanh thì cái cảm giác mất mát bản sắc càng lớn và khi nào hiểu được nguyên lý như vậy thì chúng ta sẽ thấy rằng cái sự rối loạn bản sắc là một chỉ tiêu để đo tốc độ phát triển. Vậy chúng ta cần phát triển hay cần bản sắc? Chúng ta mất cái bản sắc này thì chúng ta có bản sắc khác. Bản sắc là gì? Bản sắc là lớp cặn của đời sống, mỗi một giai đoạn phát triển người ta có những lớp cặn mới và cái đó là những trạng thái khác nhau của sự phát triển mang chất lượng văn hóa.
Hỏi: Nếu chia sẻ với thế hệ trẻ khi họ muốn tìm lý luận triết học để giải mã được con đường mình tìm kiếm thì ông sẽ nói điều gì?
Trả lời: Tôi nghĩ rằng họ hãy sống một cách tự nhiên. Tất cả mọi người hãy sống một cách tự nhiên, hãy sống một cách thư thái, một cách bình lặng và tích cực. Sự yên tâm và bình lặng về mặt tinh thần sẽ tạo điều kiện tốt cho sự lắng đọng các chất lượng mang tính bản sắc của mỗi một thời đại khác nhau lên việc hình thành các giá trị văn hoá của một cá nhân.
Hỏi: Hiện nay các loại sách triết học cũng như sách về mặt tâm linh tự nhiên được giới trẻ quan tâm rất nhiều. Ngay cả các cuốn sách của ông tôi cũng thấy có rất nhiều người trẻ đọc và chia sẻ với ông. Vậy có phải giới trẻ hiện nay thiếu tư duy triết học nền tảng?
Trả lời: Tất cả các cộng đồng dân tộc nói chung đều thiếu triết học cả, vì triết học là một đối tượng rất khó đối với bất kỳ người đọc hay người nghiên cứu nào.
Chúng ta có cả tỷ con người theo đạo Phật, nhưng để thuộc kinh sách của Phật giáo thì số ấy chỉ được 1% thôi. Chúng ta có hàng dăm bảy trăm triệu người theo Thiên chúa giáo, nhưng cũng chỉ khoảng 10% số ấy thuộc kinh thánh thôi. Nhưng tôn giáo không lệ thuộc vào kinh sách mà lệ thuộc vào lòng tin của con người và những lợi ích tinh thần mà con người nhận được từ tôn giáo. Vì thế cho nên việc đi tìm chất lượng hợp lý trong hành vi của mình dẫn con người đến triết học chứ không phải triết học dẫn con người đến sự hợp lý. Hegel nói một câu rất hay mà tôi đưa vào làm đề tựa trong quyển sách xuất bản gần đây của tôi, đó là "Triết học là thời đại của nó đã phát triển đến trình độ tư tưởng".
Cho nên con người đi tìm sự hợp lý của các hành động thì đến với triết học chứ không phải triết học dẫn người ta đến sự hợp lý, nhưng vì sốt ruột nên mới có hiện tượng người ta dùng triết học để dẫn con người đến sự hợp lý. Việc truyền bá chủ nghĩa Marx ở một loạt quốc gia là một biểu hiện rực rỡ nhất để chứng minh việc người ta sử dụng triết học để hướng dẫn con người, và kết quả là gì thì chúng ta biết rồi. Cho nên tôi xin nhắc lại là phát triển lành mạnh là đi tìm sự hợp lý của các hành động dẫn con người đến triết học chứ không phải triết học dẫn con người đến sự hợp lý của các hành động.
Con người phải sống một cách tự nhiên chứ không phải là sống đúng theo các tiêu chuẩn triết học. Chúng ta biết rằng Khổng giáo đã làm ngu muội hàng tỷ con người ở khu vực của chúng ta, đấy là một ví dụ nữa về việc sử dụng triết học để hướng dẫn hành vi con người và nó làm xuất hiện hiện tượng các cá nhân biến mất. Các cá nhân đi tìm lẽ phải, đi tìm chân lý, đi tìm sự hợp lý thì quá trình đi tìm ấy dẫn người ta đến triết học, và các triết học ấy khác nhau và phù hợp với nhận thức, thói quen hoặc trình độ văn hoá của mỗi cá thể chứ người ta không dùng triết học để hướng dẫn con người, nhất là hướng dẫn bằng công cụ nhà nước thì càng sai.
Hỏi: Ông có thể kể về quá trình sống, chia sẻ và đi tìm con đường triết học của mình?
Trả lời: Có lẽ tôi là một trường hợp không phổ biến lắm, trong thiên tư của tôi triết học hay khoa học nhân văn trở thành một khát vọng từ tấm bé. Khi tôi bắt đầu nhận ra tôi là một con người thì tôi đã có cảm giác là tôi để ý đến chuyện này. Tôi thích nghe ngóng về chuyện này khi cha tôi trò chuyện với bạn hữu hoặc nghe các thầy trò chuyện với nhau khi đi học. Bài giảng có khi tôi không nghe chăm chú bằng những chuyện các thày nói với nhau liên quan đến chính trị hoặc triết học. Đấy là một bản năng.
Đến bây giờ, ở tuổi này tôi vẫn đọc những chuyện ấy một cách hứng thú như người ta làm thơ hay đọc thơ vậy. Đấy là đặc điểm riêng của tôi về chuyện ấy. Tôi đi tìm nó, nghiên cứu nó một cách rất kiên nhẫn từ năm tôi 15-16 tuổi cho đến bây giờ ngoài 60 rồi. Tôi không đếm được, không thống kê được, nhưng phải nói rằng tôi đọc và suy nghĩ hàng ngày rất kiên nhẫn. Khi đọc một bài trên báo Nhân Dân tôi cũng có thể rút ra được một kết luận triết học. Tôi không biết kể lịch sử tìm đến triết học của tôi như thế nào bởi vì nó là cuộc sống của tôi hàng ngày, tôi không thể thiếu nó được. Do sự tự giác như vậy và cũng có kinh nghiệm về phương diện này cho nên tôi nhìn thấy các khuyết tật của các chính sách, của các nhà chính trị, của các cán bộ của tôi rất nhanh, có thể tính từng giây.
Hỏi: Tôi có quen biết anh Bùi Văn Nam Sơn, tôi thấy lớp của anh ấy có rất nhiều bạn trẻ đi học lại những kiến thức triết học nền tảng. Tôi thấy rằng ở đây đặt ra vấn đề là dường như người ta quá khủng hoảng về tìm kiếm con đường tương lai của mình?
Trả lời: Chưa đến mức ấy đâu chị. Nếu vì sự khủng hoảng trong việc tìm kiếm con đường của mình mà người ta phải đi học triết học thì phải nói thật rằng đất nước mình may rồi. Anh Bùi Văn Nam Sơn là một người khá nổi tiếng. Tôi rất nể anh ấy và xem đấy là dịch giả triết học tốt nhất Việt Nam hiện nay và nói một cách đứng đắn thì nhất khu vực Đông Nam châu Á. Tôi có tất cả các tác phẩm dịch của anh Bùi Văn Nam Sơn.
Tôi không tin là ở Việt Nam có một phong trào mê mải triết học đến mức người ta học nó một cách chăm chú để giải thoát mình ra khỏi sự bế tắc. Trong lịch sử Việt Nam cũng chưa có điều ấy chứ không phải chỉ bây giờ. Phải cảnh giác với những câu chuyện như vậy. Và nếu như có những lớp học mà người ta mê mải đi tìm chân lý bằng Kant thì chúng ta sẽ không tìm được gì cả. Có một sai lầm cơ bản như thế này, trong khi hầu hết các nhà triết học kinh điển khi viết các tác phẩm là họ giải quyết các vấn đề của thời đại của họ thì chúng ta biến các tác phẩm ấy thành các giáo trình để học thuộc nó. Người ta chỉ có thể trở thành nhà triết học thật khi tự giao cho mình nhiệm vụ giải quyết các vấn đề ở thời đại của mình chứ không phải thuộc sách của thời đại trước. Người Việt không có triết học vì chúng ta chưa xem triết học là công cụ để giải quyết những đòi hỏi của đời sống. Nếu các nhà triết học mà không đặt ra nhiệm vụ giải quyết các bài toán thật của cuộc sống thì không thể trở thành nhà triết học thật được, chỉ trở thành người học triết mà thôi.
Hỏi:Theo ông sống tự nhiên có khó không?
Trả lời: Sống tự nhiên khó. Sống tự nhiên chính là cách sống có chất lượng triết học cao nhất, bởi vì mọi triết học có cao đến mấy cũng chỉ hội tụ đến tự nhiên mà thôi. Đi học triết không phải con đường trở thành nhà triết học. Triết học chỉ là nắm cơm ăn đường của người hành hương đến chân lý chứ nó không phải là chân lý.
Hỏi:Ông có thể nói một chút về gia đình không? Đối với những người con của mình, ông muốn dành cho họ điều gì?
Trả lời: Tôi nghĩ rằng là một người cha tôi có ba nhiệm vụ đối với con cái, trong đó quan trọng nhất là bảo tồn được sự nguyên vẹn của gia đình, đấy như là một ngôi nhà, một cái vỏ, một cái tổ, một cái hang để con người trong những lúc khó khăn nhất có nơi cư ngụ cả về vật chất lẫn tinh thần. Đấy là nhiệm vụ số một của người cha. Thứ hai là xây dựng kho lương thực dự trữ để phục vụ quá trình phát triển của các con tôi. Thứ ba là xây dựng một kho kinh nghiệm có chất lượng tinh thần để trang bị cho con ở những bước đầu chập chững.
Đấy là nghĩa vụ của một người cha, một người chồng. Và tôi không để cho các con tôi nương tựa vào các giá trị của tôi mà chúng phải tự tạo ra các giá trị của mình. Tôi không bao giờ cô các giá trị của mình trở thành ra một tấm, một món để con tôi đút túi, tôi không bao giờ giới thiệu nó làm quen với ai để nó có thể kiếm việc. Tôi tự cấm mình làm những việc như vậy đối với con cái. Tôi có thể tài trợ cho con cái trong quá trình học hành, nghiên cứu, trưởng thành bao lâu cũng được, tôi đủ điều kiện để làm chuyện ấy và nếu như chúng xem quá trình học tập là đến 50 tuổi thì tôi cũng sẵn sàng cung cấp. Nhưng sự nghiệp của con tôi là do nó hoàn toàn, không một lời giới thiệu, không một cuộc làm quen, không có sự đảm bảo nào của tôi đối với sự nghiệp riêng của chúng. Đấy là quan niệm của tôi.
Cách đây nhiều năm, khi tôi còn là một nhân viên quèn thì vợ tôi được cử làm Trưởng ban Bạn đọc của báo Phụ nữ Việt Nam. Cô ấy rất áy náy khi chồng là nhân viên quèn còn vợ là trưởng phòng, vì vào thời ấy trưởng phòng là có bìa C và ra ngoài đường là vênh vang lắm rồi. Cô ấy hỏi tôi xem ý tôi thế nào. Tôi bảo "Tại sao phải hỏi ý kiến? Đấy là việc của em". Phải nói thật là với tư cách là một con người, tôi không thấy thua kém ai nên tôi chẳng bao giờ tự ái lặt vặt. Vợ tôi có là trưởng phòng hay là Phó chủ tịch nước thì đối với tôi vẫn vậy thôi. Ví dụ anh Bùi Văn Nam Sơn là một người nghiên cứu triết học có chất lượng hàng đầu ở Việt Nam hiện nay, thử hỏi anh ấy xem khi đã đọc Kant, đối thoại với Kant ở trong đầu rồi thì anh ấy thấy những địa vị, kể cả địa vị cao nhất về mặt nhà nước có giá trị gì? Tôi chắc chắn là anh ấy cũng sẽ có câu trả lời giống tôi. Khi đã trở thành nhà tư tưởng rồi thì mọi địa vị đều bé bằng cái kẹo. Chưa có một người thầy nào cảm thấy mình bé hơn học trò, dù người học trò ấy là Chủ tịch nước, chỉ trừ những người không làm thầy thật được cho nên vừa làm thầy vừa run thì có cảm giác ấy. Tôi thì không, tôi chưa bao giờ làm thầy ai cả, nhưng tôi cũng chẳng thấy tôi bé hơn so với bất kỳ cái gì cả, tôi không có nhu cầu so sánh kiểu ấy.
Hỏi:Trong tình yêu ông là một người thế nào?
Trả lời: Tôi có 2 quỹ tình yêu. Cái phần tình yêu dành cho gia đình của tôi thì đấy là đại lượng bất di bất dịch và không ai bớt xén được một xu nào ở đấy, nó chỉ có thể chuyển từ dạng này sang dạng khác hay từ cảm giác này sang cảm giác khác. Một lần trả lời phỏng vấn của đài truyền hình, tôi có nói rằng khi người ta đã ở một độ tuổi nào đó rồi thì phải biết cái công nghệ chuyển hoá từ tình yêu đối với một người đàn bà trở thành sự kính trọng mẹ của các con mình. Đấy là một cái quỹ rất minh bạch và tôi không bớt xén. Phần còn lại là một cái quỹ thanh khoản để tôi có thể biểu lộ cảm xúc của mình trước những vẻ đẹp tôi gặp được ở trong đời. Nếu bao nhiêu tình yêu tôi dồn hết cho vợ rồi, ra đường tôi không biết thưởng thức cái gì nữa thì tôi cũng không có cả tình yêu của vợ.
Những người chồng đưa lương cho vợ nhưng thỉnh thoảng vẫn mở tủ rút tiền ra tiêu đấy chứ. Tôi thì không rút từ trong cái quỹ ấy và tôi tiến bộ hơn nhiều người khác là ở chỗ ấy.
Hỏi:Viết cũng là một tình yêu lớn của ông?
Trả lời: Đúng thế. Nghĩ về những vấn đề của thân phận và đời sống con người là tình yêu lớn nhất của tôi.
Hỏi: Ông có thể nói một chút về các con của mình?
Trả lời: Phải nói rằng, các con tôi là những cậu bé con nhà giàu, đấy là một thực tế. Nhưng chúng rất khiêm tốn, nhân hậu với mọi người và với mọi quan hệ, sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ với bạn bè, ham hiểu biết và hiểu biết nhiều hơn cái nó cần trả bài cho cuộc sống, và yêu nghệ thuật. Tôi hài lòng về chúng.
Hai cậu con trai của tôi đều đang đi học cả. Đứa lớn đã tốt nghiệp hai đại học rồi, hiện đang ở nhà để chuẩn bị đi Mỹ làm tiến sĩ, đứa thứ hai đang học dở đại học thứ hai ở Anh. Một cậu 25 tuổi, một cậu 22 tuổi. Chúng đều dễ thương, khiêm tốn, không ăn chơi theo nghĩa thông thường nhưng tất cả những trò chơi sang trọng thì chúng đều biết cả, đánh golf, làm thơ, đọc Shakespeare như một chuyên gia, sống vui vẻ và phải nói rằng rất sợ bố mẹ quấy rầy, rất sợ được chăm sóc. Cái duy nhất chúng cần lúc này là bố mẹ đưa tiền, đưa xong rồi thì tức là bố mẹ đã hoàn thành nhiệm vụ, khỏi cần lo gì.
Hỏi: Tức là ông đã chuẩn bị cho con một nền tảng để chúng có thể sử dụng đồng tiền một cách chủ động?
Trả lời: Có lẽ là như thế. Tôi nghĩ là không bao giờ các cháu tiêu pha bên ngoài quy định của mẹ chúng. Việc tài chính quy định thế nào là của mẹ chúng, tôi không can thiệp và tôi không tước bỏ quyền lãnh đạo của mẹ chúng đối với chúng. Bây giờ bố có tiền, bố cho nhiều tiền và mẹ chẳng là gì cả là không được.
(Còn tiếp)
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất Thịnh"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCách đây một thế kỷ, những người khổng lồ
12/05/2009Nguyên NgọcTiền... bạc
25/06/2009Linh Linh