Báo chí cần làm gì cho nền kinh tế?
Trong những năm đổi mới vừa qua, nền kinh tế Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể với tốc độ tăng trưởng khá cao, vào khoảng 7% trong vòng 15 năm, giúp Việt Nam tăng gấp đôi thu nhập bình quân. Nhưng chúng ta cần phải phân biệt giữa những thành tích của nền kinh tế với những thành tích của các doanh nghiệp, giữa những thành tích về lượng và những thành tích về chất.
Nếu nền kinh tế Việt Nam đã tiến bộ vượt bậc, thoát ra khỏi khủng hoảng để bắt đầu có tăng trưởng, thì về nhiều mặt, có thể nói rằng các doanh nghiệp Việt Nam còn chưa tiến được bao nhiêu. Trong khu vực Nhà nước, chưa nhiều doanh nghiệp làm ăn có lãi, còn trong khu vực tư nhân, phần lớn các doanh nghiệp làm ăn manh mún, tập trung vào những lĩnh vực sinh lời trước mắt, chưa nói đến khá nhiều doanh nghiệp làm ăn chụp giật, phi pháp.
Nếu chúng ta muốn nâng cao tính hiệu quả của các doanh nghiệp và của cả nền kinh tế nói chung, cách thức kinh doanh của chúng ta buộc phải thay đổi về chất. Trong đó vai trò của báo chí được thể hiện trên những khía cạnh sau đây:
1. Đối với nhà doanh nghiệp:
Trong hoạt động kinh doanh, những biến động của thị trường là thách thức vô cùng nghiệt ngã. Thị trường là một cơ cấu hết sức phức tạp, hết sức tinh tế, luôn luôn thay đổi và cũng đầy bất trắc. Đối mặt với thị trường, nhà doanh nghiệp không chỉ hy vong những cơ hội thật và giả, mà còn phải sẵn sàng ứng phó với những rủi ro đủ loại. Vì thế, để thành công, nhà doanh nghiệp phải có chiến lược và sách lược kinh doanh đúng đắn và kịp thời. Nhưng muốn có chiến lược và sách lược đúng đắn và kịp thời, các doanh nghiệp phải hiểu rõ thị trường. Đây chính là lúc thông tin trên báo chí phát huy tác động của mình. Nếu hoạt động kinh doanh được điều chỉnh dựa trên những số liệu mang mục đích cổ động, tuyên truyền theo kiểu "bện thành tích" thì sự thua lỗ là điều không thể nào tránh khỏi.
2. Đối với các nhà đầu tư và đối tác nước ngoài:
Có một sự nhầm lẫn đã tồn tại khá lâu và cho đến nay vẫn chưa mất hẳn, đó là: vì mục đích tạo dựng lòng tin cho đối tác nước ngoài, trong những thông tin đối ngoại, chúng ta thường tìm cách tô hồng thực tế, theo cái cách mà dân gian thường nói: "Tốt đẹp phô ra, xấu xa đậy lại". Tôi không nghĩ rằng đó là cách tốt nhất để thu hút đầu tư. Chúng ta chớ quên rằng các nhà đầu tư nước ngoài là những nhà kinh doanh dày dạn kinh nghiệm và có rất nhiều nguồn thông tin. Hơn nữa, nếu vì những thông tin tô hồng mà họ đến thì rồi thực tế không thuận sẽ lại khiến họ ra đi, mang theo sự thất vọng đến cộng đồng kinh doanh thế giới. Khi đó, liệu những nhà kinh doanh khác có dại dột đến với chúng ta nữa hay không? Điều này là hiển nhiên, bởi đối với các nhà kinh doanh, đích cao nhất chính là lợi nhuận. Vì thế, theo chúng tôi, nhiệm vụ của báo chí là phải cung cấp cho các nhà đầu tư những thông tin đầy đủ, đáng tin cậy để họ lựa chọn lĩnh vực đầu tư có hiệu quả. Khi đó cả các nhà đầu tư lẫn nền kinh tế Việt Nam đều được hưởng lợi.
3. Đối với môi trường kinh doanh:
Hoạt động kinh doanh chỉ có thể thuận lợi và hiệu quả trong một môi trường kinh doanh tốt. Vì thế, báo chí có một vai trò vô cùng quan trọng trong việc đấu tranh làm lành mạnh đời sống kinh tế, nhất là trong việc xây dựng một hệ thống tài chính, ngân hàng minh bạch. Một môi trường kinh doanh thiếu dân chủ, bị xói mòn bởi tham nhũng và tệ quan liêu sẽ làm nản lòng những ai có ý định làm ăn lâu dài và đứng đắn. Chúng ta nghe nói nhiều về sự bình đẳng trong kinh doanh của các thành phần kinh tế. Sự bình đẳng đó bao gồm cả bình đẳng về thông tin, nhất là khi thông tin đã trở thành một lực lượng sản xuất trực tiếp.
4. Đối với Đảng và nhà nước:
Chúng ta đều biết rằng sự nghiệp đổi mới cũng như thành công của nó phụ thuộc vào sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam. Những kinh nghiệm cải cách ở nước ta trong thời gian qua và cả ở nước láng giềng của chúng ta là Trung Quốc, cho thấy rằng thành công của nền kinh tế lệ thuộc vào đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước hơn nhiều so với chính sách cụ thể. Đến lượt mình, mọi đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước lại phụ thuộc vào độ tin cậy của các nguồn thông tin đóng vai trò cơ sở cho những phân tích vĩ mô và vi mô. Chính vì thế, nhiệm vụ của giới truyền thông là sinh động hoá các kênh thông tin, phấn đấu trở thành người trợ lý nhạy bén của Đảng và Nhà nước về thông tin. Chỉ có dựa trên cơ sở phân tích một cách khoa học các nguồn thông tin nhiều chiều, khách quan và toàn diện, việc hoạch định đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước mới có thể mang tính dự báo dài hạn, đảm bảo cho đất nước phát triển ổn định và nhanh chóng.
Tóm lại, báo chí có một vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển đất nước nói chúng và đối với hoạt động kinh doanh nói riêng. Nó không chỉ tác động đến cả giới kinh doanh trong và ngoài nước, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành và cải thiện môi trường kinh doanh, đồng thời là một nguồn thông tin chủ chốt của Nhà nước trong quản lý xã hội và hoạch định chính sách.
Trong bối cảnh đất nước thực sự hoà bình, ổn định nền kinh tế đang ở giai đoạn chuyển mình sang nền kinh tế thị trường, các lực lượng báo chí cần phải đổi mới về tư duy và phương pháp làm việc, phấn đấu trở thành nguồn thông tin chính xác, đầy đủ, mang tính trách nhiệm cao, nhanh chóng và dễ tiếp cận. Đó cũng chính là một đóng góp vào công cuộc dân chủ hoá đời sống xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng.
(Báo Công nghiêp Việt Nam, Số 25+26, ngày 17/6/02)
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu MaiTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCách đây một thế kỷ, những người khổng lồ
12/05/2009Nguyên NgọcTiền... bạc
25/06/2009Linh Linh