Cải cách giáo dục vì một nền giáo dục hiện đại
Con người với tư cách vừa là mục đích, vừa là chủ nhân vừa là người tổ chức và thực hiện các quá trình phát triển đang ngày càng chứng minh là trung tâm của mọi sự phát triển. Để phát triển kinh tế, mỗi dân tộc, không chỉ các nước thế giới thứ ba, không còn con đường nào khác là bắt đầu từ chính con người. Một nền giáo dục tốt là một nền giáo dục phong phú, gần cuộc sống và luôn thích ứng với những đòi hỏi của cuộc sống. Môi trường giáo dục tốt phải là vườn ươm các nguyên chính trị và các nguyên nhận thức, nói cách khác, nó phải là vườn ươm các module phát triển của toàn xã hội và là kho chứa tính phong phú của nhận thức xã hội.
Có thể nói, hiện nay, nhiều quốc gia lạc hậu đang khủng hoảng về các tư duy triết học về cải cách giáo dục. Lâu lắm rồi các nhà triết học không bàn đến vấn đề đó nữa, hay con người không đạt đến tư duy triết học khi bàn đến vấn đề hệ trọng và thiêng liêng như giáo dục, thậm chí, người ta tư duy như một nhà công nghiệp. Người ta biến giáo dục thành một ngành công nghiệp dịch vụ và tầm thường hóa nó mà nhìn bề nổi có vẻ như đó là chuyên nghiệp hóa giáo dục; coi nó như một ngành kinh tế, một ngành công nghiệp nhưng thực chất đó là sự đơn điệu hoá, tầm thường hóa giáo dục, và cũng là sự tầm thường hóa con người. Đó là sự cải tiến để phát triển mặt thị trường của đời sống lao động chứ không phải là con người, giáo dục con người.
Cải cách giáo dục là quy hoạch xã hội tương lai, chuẩn bị phần quan trọng nhất cho tương lai của xã hội, người chủ xã hội tức là con người, cho nên phải được nghiên cứu rất nghiêm túc. Được biết, ở Trung Quốc người ta đã lập ra Viện Nghiên cứu cải cách giáo dục Trung Quốc. Trước cải cách và mở cửa, giáo dục, đặc biệt là giáo dục phổ thông, Trung Quốc chủ yếu theo mô hình giáo dục của Liên Xô cũ, học sinh phải học theo chương trình với các môn học do nhà nước quy định và yêu cầu thống nhất như nhau, không có các môn học tự chọn. Đến giữa những năm 90, Trung Quốc nhận thấy nhu cầu của xã hội về nhân lực và nhân tài là hết sức đa dạng; sự phát triển và khả năng của học sinh cũng rất đa dạng, do đó dùng một chương trình, một bộ sách giáo khoa thống nhất đối với mọi học sinh là không thích hợp. Yêu cầu của sự nghiệp cải cách, mở cửa, đi vào thế kỷ XXI đòi hỏi phải vừa thay đổi cơ cấu chương trình, sách giáo khoa đáp ứng các nhu cầu trên, nhưng vẫn phải giữ được tính chất nền tảng của giáo dục. Trung Quốc đặt ra mục tiêu của cải cách giáo dục là làm cho học sinh nắm được kiến thức, có lòng yêu nước và quý trọng văn hóa dân tộc, tinh thần trách nhiệm với xã hội, có tinh thần nhân văn, có tâm hồn và thể chất khỏe mạnh. Trung Quốc cho rằng, sự phát triển kinh tế xã hội của Trung Quốc hiện nay đã đến giai đoạn phải chuyển hướng đòi hỏi đối với giáo dục, từ chỗ trước đây đặt trọng tâm chú ý nhiều đến giáo dục nền tảng, đại chúng thì nay phải chuyển trọng tâm chú ý sang giáo dục đào tạo đội ngũ nhân tài cho mọi lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội của đất nước.
Hoạch định một chương trình cải cách giáo dục chi tiết là công việc của những nhà chính trị và những nhà giáo dục học chuyên nghiệp. Từ góc nhìn của một nhà nghiên cứu, chúng tôi chỉ đưa ra những giải pháp mang tính chất gợi ý cho một chương trình cải cách giáo dục. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, để thành công, điều quan trọng trước tiên là các nước thế giới thứ ba phải nhận thức đúng về mục tiêu của cải cách giáo dục. Giáo dục có nhiệm vụ chuẩn bị lực lượng tương lai cho xã hội, do đó, cải cách giáo dục phải xác định mô hình xã hội tương lai và hướng tới mô hình đó. Nếu không có nhận thức đầy đủ về cuộc sống, nếu không thay đổi những quan niệm cơ bản thì không có cải cách giáo dục vì giáo dục về bản chất là định hướng con người, định hướng các năng lực phẩm chất, các năng lực kinh tế, các năng lực sống của con người. Đó là các năng lực phát triển hay năng lực tự do. Phải bắt đầu từ đó thế giới thứ ba mới có thể hoạch định những lộ trình phát triển được.
Tự do, tự lập, tự trọng - Nguyên lý cơ bản của giáo dục hiện đại
Mục tiêu của giáo dục là trang bị cho nguồn nhân lực những kiến thức đáp ứng được đòi hỏi của thị trường lao động. Do đó, chúng tôi cho rằng, nguyên lý cơ bản của giáo dục hiện đại là tự do, tự lập và tự trọng. Đối với cuộc đời một con người, tự do là điểm khởi đầu, tự lập là điểm tiếp theo, và tự trọng là điểm cuối cùng. Nếu không tự do, chúng ta sẽ không thể tự lập, và nếu không tự lập, chúng ta sẽ không thể tự trọng. Linh hồn chính trị của đời sống giáo dục cũng là tự do. Tự do chính trị có nghĩa là không bị áp đặt và định kiến chính trị để có khả năng tiếp cận và xử lý uyển chuyển trước những khác biệt của đời sống. Tự do để tạo không gian sáng tạo cho tất cả những hạt nhân phát triển của cộng đồng. Do vậy, nếu thiếu cái không gian sáng tạo đó thì dẫu đọc nhiều, học nhiều, chúng ta vẫn mãi là những con mọt sách và không thể sáng tạo các giải pháp tiếp cận và phát triển xã hội.
Trong đời sống hiện đại, nhiệm vụ của giáo dục là rèn luyện tính sáng tạo, tính thực dụng và tính cạnh tranh cho cả cộng đồng. Nếu không tự do, giáo dục sẽ trở thành vỏ bọc của chủ nghĩa tuyên truyền, trong khi giáo dục không phải là tuyên truyền, mà nhằm giúp con người tìm thấy vùng tự do của mình trong hoạt động nhận thức, hướng dẫn công nghệ ban đầu của nhận thức, hay truyền dạy phương pháp luận nhận thức trên tất cả các khía cạnh khác nhau của đời sống xã hội.
Tư duy mở - Phương pháp luận giáo dục hiện đại
Một giải pháp nữa cho bài toán cải cách giáo dục ở các nước thế giới thứ ba là phải đổi mới và cải cách phương pháp luận giáo dục. Có thể nói, nếu nền giáo dục vừa lạc hậu vừa xa rời cuộc sống thì đầu ra của nó là người lao động sẽ vụng về trong ứng xử, thiếu hiểu biết về kỹ năng, thậm chí còn ngạo mạn về các giá trị văn hóa và tư tưởng. Do đó, chúng ta phải định hướng nội dung giáo dục đào tạo theo tư duy mở, nghĩa là hệ thống giáo dục đào tạo phải đổi mới từ chỗ chỉ giáo dục cái mà nhà nước muốn tới việc giáo dục cái mà thị trường cần.
Trước hết, phương pháp giáo dục hiện đại phải chú trọng giáo dục kỹ năng cho người lao động - đó là tiền đề để nâng cao chất lượng của lực lượng lao động. Chúng ta phải đào tạo những kỹ năng có thể bán được. Giáo dục phải là phương tiện cơ bản và ban đầu nhằm trang bị cho con người những kiến thức đủ để tham gia, và quan trọng hơn là để thích ứng với sự thay đổi thường xuyên của cuộc sống. Trong thời đại phát triển vũ bão như hiện nay, các kỹ năng bị lạc hậu rất nhanh, do đó, việc trang bị những kỹ năng hoàn chỉnh ngay tại nhà trường là việc làm vô ích và lãng phí. Chính vì vậy, giáo dục đào tạo chỉ cần trang bị tư duy nhận thức và phương pháp luận cho người lao động để họ có thể tự hoàn thiện và phát triển các kỹ năng trong thực tiễn.
Giáo dục ứng xử là nội dung quan trọng thứ hai của phương pháp giáo dục theo tư duy mở. Giáo dục ứng xử giúp người lao động thích ứng với nhiều nền văn hóa và điều kiện sống khác nhau. Trên thị trường, người lao động luôn phải cạnh tranh với nhau nên phần thắng sẽ thuộc về những người biết ứng xử khôn khéo hơn trong việc quảng bá các giá trị của mình. Mặt khác, giáo dục ứng xử nhằm giáo dục nội dung văn hóa của quá trình ứng xử, mà nguyên khí của quá trình ứng xử là tự do. Giáo dục tự do là giáo dục thái độ ứng xử cho phù hợp với môi trường sống. Nếu được giáo dục tự do, người lao động sẽ tự tin và hấp dẫn hơn trên thị trường lao động cả trong nước và thế giới.
Cuối cùng là giáo dục tư tưởng. Mỗi cộng đồng nhân loại có những kinh nghiệm sống khác nhau, và do vậy, hình thành các hệ tư tưởng khác nhau. Chính vì thế, giáo dục phải làm sao để con người không định kiến, con người phải cởi mở về văn hóa để có tâm hồn phong phú và cởi mở khi tiếp cận với thế giới. Tất cả là để nhằm phát triển năng lực đối thoại và hợp tác của con người ở thế giới thứ ba. Năng lực đối thoại và hợp tác là tiền đề để mỗi cộng đồng chủ động hợp tác với nhau và với các cộng đồng khác để cùng tham gia giải quyết các vấn đề chung của cộng đồng cũng như của cả nhân loại. Năng lực đối thoại và hợp tác đã trở thành vẻ đẹp, thành đạo đức, lối sống của con người trong xã hội hiện đại.
Xã hội hóa giáo dục - Lời giải cho bài toán đánh thức và huy động mọi tiềm năng trong xã hội
Xã hội hóa giáo dục có ý nghĩa là nhà nước phải tạo ra không gian xã hội, luật pháp và chính trị cho việc hình thành một khu vực giáo dục mà ở đấy ai cũng có quyền đóng góp vì sự nghiệp giáo dục thực hiện sự cạnh tranh về chất lượng giáo dục, tức là giáo dục phải thuộc về xã hội. Xã hội hóa giáo dục, do đó, cần phải chỉ ra vai trò của xã hội trong sự nghiệp xã hội hóa giáo dục. Nói cách khác, xã hội phải tham gia vào việc hình thành chương trình giáo dục thông qua chương trình xã hội hóa giáo dục. Không thể có những nhà sư phạm đủ năng lực toàn diện để lãnh đạo công cuộc xã hội hóa giáo dục, hay cải cách giáo dục. Hiện nay có nhiều nhà khoa học mang trong mình khát vọng vươn tới sự tiến bộ, điều này rất đáng quý nhưng chưa đủ để đảm bảo thành công của xã hội hóa giáo dục. Đã đến lúc chúng ta phải nhận ra rằng, không thể khoán gọn xã hội hóa giáo dục cho các nhà giáo hay hệ thống giáo dục, và xã hội hóa giáo dục sẽ không thể thành công chừng nào xã hội không thấy vai trò quan trọng của nó trong sự nghiệp vĩ đại này.
Một trong những nền tảng của xã hội hóa giáo dục là xã hội hóa nội dung giáo dục. Trong quan điểm của chúng tôi, xã hội hóa giáo dục không chỉ là đa dạng hóa hình thức và các nguồn đầu tư cho giáo dục đào tạo mà quan trọng nhất là đa dạng hóa nội dung hay đa dạng hoá, hiện đại hóa chương trình giáo dục thích ứng với những đòi hỏi của xã hội. Vì vậy, các chuyên gia, các nhà khoa học và tầng lớp trí thức phải nghiên cứu những vấn đề của xã hội, phải coi xã hội như một kho tư liệu sống luôn luôn phát triển và biến các vấn đề của xã hội thành nội dung giảng dạy. Hệ thống giáo dục đào tạo có chức năng cung ứng lao động cho xã hội, vì thế, nó cần phải hiểu rõ xã hội cần loại lao động nào và xây dựng những quy trình đào tạo phù hợp. Trong bối cảnh của thế giới thứ ba, hệ thống giáo dục đào tạo cần phải chuẩn bị lực lượng lao động có năng lực hội nhập, năng lực hợp tác, năng lực chung sống hòa bình với những nền văn hóa khác nhau. Nói cách khác, hệ thống giáo dục đào tạo cần phải hoàn thành hai sứ mệnh, đó là dạy người và dạy nghề; dạy nghề để người lao động có đủ kỹ năng làm việc và được thị trường chấp nhận còn dạy người để người lao động có thể làm chủ chính mình trên các thị trường lao động khác nhau. Mỗi ngôi trường phục vụ một nhu cầu tìm hiểu tri thức khác nhau và sự đa dạng của chương trình giảng dạy chính là một trong những yếu tố cạnh tranh quan trọng nhất. Nó cũng là một trong những tiêu chí xác định giá trị của ngôi trường. Trường nào nắm bắt đòi hỏi của xã hội tốt, trường đó sẽ xây dựng một chương trình giảng dạy hợp lý, cung cấp cho học viên những kiến thức hữu dụng. Một chương trình giảng dạy hợp lý đương nhiên phải bao gồm cả các môn học trang bị cho học sinh, sinh viên nhận thức chính trị và bản lĩnh chính trị với một tỷ lệ, thời lượng, học trình hợp lý. Phần còn lại làm nên yếu tố cạnh tranh của trường học là các kiến thức chuyên môn, kiến thức xã hội - các yếu tố cấu thành tư duy nhận thức toàn diện. Đó cũng là một trong số những cách thiết thực nhất để khắc phục tình trạng phân biệt đối xử giữa khu vực giáo dục nhà nước và khu vực giáo dục tư nhân.
Tóm lại, xã hội hóa giáo dục là một việc nên làm và phải làm bởi nó sẽ huy động và đánh thức tiềm năng của mọi thành phần kinh tế. Xã hội hóa giáo dục là giải pháp quan trọng để hệ thống giáo dục các nước chậm phát triển tiến kịp các nước phát triển.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị Quý