Góp vốn tự do

Chủ tịch, Tổng Giám đốc Tập đoàn Invest Consult
03:22 CH @ Thứ Bảy - 18 Tháng Mười, 2014

>> Xem thêm: Giới thiệu sách "Cội nguồn cảm hứng"

I. Khế ước xã hội

II. Tài sản tinh thần

III. Ngôi nhà của tự do

1. Thể chế bảo vệ tự do

2. Cơ chế của những thay đổi hoà bình


I. Khế ước xã hội

Con người ai cũng cần tự do, tự do là không gian mà ở đấy mỗi con người tồn tại và phát triển. Trong những lập luận ở trên, tôi đã chỉ ra tự do của mỗi cá nhân bao gồm cả không gian bên trong và không gian bên ngoài. Con người thường mặc nhiên thừa nhận không gian tự do bên trong và không gian tự do bên ngoài bản thân mình là rất trừu tượng, nhưng thực ra không phải vậy. Không gian tự do bên trong chính là đời sống tinh thần của mỗi con người. Còn không gian tự do bên ngoài phản ánh tự do của người dân đối với nhà cầm quyền, tự do của con người đối với nhau, và tự do trong sự tương tác giữa các lực lượng xã hội. Chúng ta biết rằng, nếu tự do chỉ là không gian tự nhiên thì không có gì đáng bàn. Một người sinh ra trên hoang đảo, anh ta sẽ không có nhu cầu phải nhận thức về tự do, mặc dù anh ta đang có tự do. Như thế, vấn đề trước tiên cần bàn bao giờ cũng là, tự do trong mối tương quan giữa người dân với nhà nước, và tự do giữa con người với nhau trong xã hội.

Hơn nữa, chúng ta phải thấy rằng, nhà nước là một chính thể, một tổ chức quyền lực, mối tương quan giữa công dân với nhà nước là một phạm trù, và mối tương quan giữa các công dân với nhau là một phạm trù khác. Nếu con người không có nhận thức đúng đắn về tự do giữa con người với nhau sẽ dẫn đến khuynh hướng kẻ mạnh đàn áp kẻ yếu hay con người chèn ép nhau để phát triển, và xã hội mất đi sự hài hoà tự nhiên. Còn nhận thức lệch lạc về tự do trong mối tương quan giữa người dân và nhà nước có thể dẫn đến hiện tượng con người bị nhà nước chà đạp hay con người có tự do cũng không biết cách sử dụng nó để sống và phát triển. Tự do là vốn tự có của con người chứ không phải là quà tặng của nhà nước hay của bất kỳ ai, bất kỳ thể chế nào. Vì thế, con người phải hiểu được những mối tương quan ấy để nhận thức được giá trị của bản thân, giá trị của tự do và từ đó, con người mới phát triển được.

Trong mối tương quan giữa con người với nhau, giữa người dân và nhà nước, không gian tự do bên ngoài là phần vốn chung mà con người thoả thuận và nhượng bớt dưới hình thức các khế ước xã hội hay các tiêu chuẩn sống dân sự. Nguyên lý căn bản này đã được nghiên cứu bởi J.J. Rousseau, nhà triết học Khai Sáng Pháp thế kỷ XVIII, ông đưa ra khái niệm "góp vốn tự do", tức là muốn có tự do cho xã hội thì mỗi người dân phải hy sinh một phần tự do của mình để “góp vốn” cho nhà nước. Trong quyển Bàn về khế ước xã hội,J.J. Rousseau viết: "Với khế ước xã hội, con người mất đi cái tự do thiên nhiên và cái quyền hạn chế được làm những điều muốn làm mà làm được, nhưng mặt khác, con người thu lại quyền tự do dân sự và quyền sở hữu những cái mà anh ta có. Trong trạng thái dân sự, con người còn có quyền tự do tinh thần khiến anh ta trở thành người chủ thật sự của chính mình; vì rằng làm theo kích thích của dục vọng là nô lệ, và tuân theo quy tắc tự mình đặt ra là tự do". Như vậy, thực chất của khế ước xã hội là mỗi người đặt mình và quyền lợi của mình dưới quyền lợi chung nhưng ngược lại, khế ước ấy đảm bảo quyền lợi của mỗi thành viên như tự do, bình đẳng, tư hữu. Mỗi người chỉ tự do khi tổ chức hành vi phù hợp với nguyên lý tự do của bản thân mà không ảnh hưởng đến tự do của người khác.

Nền dân chủ phương Tây là kết quả của sự tự nguyện nhượng bớt một phần tự do cá nhân cho chính phủ để chính phủ có vốn liếng điều hành xã hội. Đóng thuế chính là một biểu hiện của góp vốn. Nhưng phải nói rằng, cái mà người dân góp vốn ban đầu cho xã hội chính là quyền tự do của mình, tức là sự nhượng bớt một số phần tự do tự nhiên hay tự do bản năng để tạo ra nhà nước. Nhà nước hoạt động trên cơ sở nguồn vốn do người dân đóng góp, và tất cả mọi người đều phải thực hiện nghĩa vụ này. Đổi lại, nhà nước sử dụng số tiền đóng thuế đó để phục vụ cho quyền lợi của chính người dân. Nhà nước nào sử dụng một cách minh bạch các quyền tự do được chuyển nhượng của công dân thì nhà nước đó là hợp pháp. Những nhà nước không đi theo con đường ấy là không hợp pháp.

Tuy nhiên, nếu con người nhận ra rằng phần tự do mà họ đóng góp đã bị đánh cắp thì họ sẽ không còn tín nhiệm đối tượng được góp vốn. Chính vì thế, họ sẽ từ chối góp phần tự do của mình và tìm cách giữ lại phần tự do càng lớn càng tốt. Đó chính là khuynh hướng tiêu cực của sự phát triển tự do, con người không tin tưởng vào người đại diện là nhà nước và tạo ra tình trạng vô chính phủ. Vô chính phủ là sự không thừa nhận các giá trị minh bạch của chính phủ và ở đâu chính phủ càng xuất hiện như một công cụ cưỡng bức con người thì ở đó, mức độ vô chính phủ càng nghiêm trọng. Nhưng con người luôn luôn cần đến chính phủ như là đối tượng bảo vệ lợi ích, trong đó quan trọng nhất là bảo vệ các quyền tự do của mình. Nếu nhà nước, với tư cách là người quản trị nguồn vốn tự do của cộng đồng và xã hội, chiếm đoạt phần tự do mà các thành viên trong xã hội đóng góp thì sẽ tạo ra tình trạng độc tài; nói cách khác, bản chất của chế độ độc tài chính là sự chiếm đoạt các phần tự do được đóng góp bởi các thành viên trong xã hội. Những ai thiết lập và duy trì chế độ độc tài là những người không hiểu tự do. Bản thân sự chiếm đoạt tự do đã tự nói lên những hạn chế trong nhận thức về giá trị tự do của những người đi chiếm đoạt. Tự do là những giá trị có thật, mỗi người đều có đủ lượng tự do cho mình. Người biết sử dụng tự do là người biết khai thác tự do của mình và không phải chiếm đoạt của bất kỳ ai. Bi kịch của nhân loại là con người không hiểu giá trị của tự do và không có kinh nghiệm sử dụng tự do nên lầm tưởng mình cần nhiều hơn hoặc không cần đến nó. Những người tưởng mình không cần tự do đã dâng hiến trọn vẹn tự do của mình và trở thành đối tượng bị trị, còn những người tưởng mình cần nhiều tự do hơn thì đi chiếm đoạt tự do và trở thành kẻ cai trị, kẻ phá hoại đời sống xã hội. Thật ra, không chỉ những kẻ chiếm đoạt tự do của người khác mới không hiểu tự do mà ngay cả những người để cho người khác chiếm đoạt tự do của mình cũng không ý thức được cái tự do của mình. Đó chính là khuyết tật nghiêm trọng nhất trong nhận thức của con người và là cơ sở tồn tại của các nhà nước phi dân chủ.

Chúng ta phải nhận thức được giá trị cao quý của tự do chính là đảm bảo không gian sống của con người và tạo điều kiện cho hành vi của mỗi người phản ánh một cách trung thực nhận thức của mình. Vậy làm thế nào để đảm bảo các quyền tự do công dân? Hình thái nhà nước nào đảm bảo được tính ổn định hay giá trị bền vững của tự do công dân, tự do xã hội? Lịch sử hình thành và phát triển của nhân loại đã chứng minh rằng chế độ chính trị tiên tiến có thể đảm bảo quyền tự do công dân chính là chế độ dân chủ. Chế độ dân chủ đảm bảo cho con người là chủ sở hữu tự do của mình và tự do xã hội. Trong chế độ dân chủ, pháp luật không phải là một khuôn khổ vì nó được xây dựng trên sự đồng thuận xã hội. Điều hành đất nước bằng pháp luật, bằng các khế ước xã hội chính là điểm ưu việt của phương thức quản lý theo mô hình dân chủ, vì bản chất của nền dân chủ là tự do được pháp chế hoá, tự do là nguyên liệu quan trọng nhất để xây dựng nền dân chủ. Nhưng bên cạnh đó, điều quan trọng là mỗi người phải nhận thức được mình nên chuyển nhượng bộ phận nào của tự do, chuyển nhượng cho ai và vào thời điểm nào để phần tự do mình cống hiến không trở nên vô nghĩa.

Con người không được ngẫu hứng cống hiến tự do. Con người càng chín chắn khi cống hiến tự do bao nhiêu thì phát triển càng ổn định bấy nhiêu. Tự do chỉ có giá trị khi con người chín chắn chứ không phải khi con người ngẫu hứng. Con người phải đủ lương thiện để ứng xử với sự nổi hứng của tự do. Ở phương Tây, tự do của mỗi người được đảm bảo bởi chính người đó và bởi các khế ước. Phương Tây đi tiên phong trong việc pháp chế hoá tự do nên mới tạo ra khế ước. Khế ước chính là giới hạn tự do, luật pháp chính là công cụ giới hạn tự do chứ không phải là công cụ của tự do, bởi luật pháp là khế ước. Do vậy, trình độ văn minh của một xã hội thể hiện ở chỗ anh nhượng bớt bao nhiêu tự do là vừa đủ để tạo ra khế ước chung. Nếu con người nhượng toàn bộ tự do của mình thì xã hội đó không văn minh. Nếu con người tự nguyện dâng hiến toàn bộ tự do của mình cho cộng đồng thì đó là biểu hiện không văn minh nhất của một người bởi con người trước hết phải là chính nó. Vì thế, những nghiên cứu về tự do phải chỉ ra được đối tượng chiếm dụng vốn liếng của con người, hơn nữa, giúp con người đi tới một nhận thức rất quan trọng, đó là trạng thái không có tự do và không hiểu tự do của nhiều người sẽ tạo ra quyền tự do tuyệt đối của một hay một số người. Con người không có quyền vô trách nhiệm với đời sống của mình bằng cách nhượng bán toàn bộ sở hữu của mình cho người khác. Con người không được nhân danh bất kỳ điều gì để chuyển toàn bộ quyền tự do cá nhân của mình, vì chuyển nhượng toàn bộ các quyền tự do cá nhân chính là nô lệ. Trong xã hội hiện đại, có một số dân tộc nhượng bán toàn bộ quyền tự do cá nhân cho Chúa, đó chính là chế độ nô lệ tinh thần. Chế độ nô lệ về mặt vật thể đã bị tiêu diệt cách đây hàng trăm năm, nhưng chế độ nô lệ tinh thần vẫn còn phổ biến rộng rãi trên thế giới và tạo ra những khu vực chậm phát triển của nhân loại. Như vậy, tự do là tài sản quý giá nhất nên con người không được ngẫu hứng cống hiến tự do của mình trong bất kể tình huống nào. Xây dựng nhận thức đúng đắn về tự do chính là giúp con người biết cách tận hưởng hoa trái của tự do.

Tự do không phải là một đại lượng hữu hạn như nhiều người vẫn nghĩ. Bởi vì tự do không phải là một đối tượng tĩnh mà nó luôn luôn vận động, sự vận động đó đã mở rộng khái niệm tự do và tạo ra tự do với những trạng thái ngày càng gắn với sự phát triển của con người. Cùng với sự phát triển, con người có thêm tự do và con người phải tiếp tục nhượng bớt để cùng nhau đi đến những chặng phát triển cao hơn, điều đó có nghĩa, quá trình phát triển là quá trình nhượng thêm đồng thời nhận thêm tự do. Như vậy, con người nhượng bớt tự do của mình để mở rộng tự do hay mở rộng không gian phát triển của chính mình, và đấy chính là khía cạnh biện chứng quan trọng nhất của quá trình cống hiến tự do.

Tóm lại, khi bàn đến tự do, người ta mới nói dân chủ hóa là tất yếu, tức là xã hội không thể tiếp tục duy trì tình trạng độc tài. Xây dựng định nghĩa tự do chính là xây dựng tiêu chí để đánh giá mức độ hợp pháp của các nhà nước. Nhà nước không phải là đối tượng tự nhiên mà là đối tượng mang tính đại diện. Nếu người dân không được quyền tự do lựa chọn người đại diện cho mình thì nhà nước ấy sẽ không có chất lượng đại diện. Do đó, cơ sở lý luận để xây dựng một xã hội công dân chính là việc phân tích tự do. Nếu không phân tích tự do, chúng ta sẽ không thể phân tích nguồn vốn cấu tạo nên một quốc gia, và không có cấu trúc bên trong của một quốc gia thì không thể xây dựng nhà nước dựa trên sự thức tỉnh về vai trò làm chủ của người dân.

Như vậy, cần phải nói thêm rằng, sẽ là phiến diện nếu bàn về khế ước xã hội với ý nghĩa như là không gian tự do bên ngoài của con người mà không chỉ ra mối quan hệ biện chứng giữa không gian tự do bên ngoài với không gian tự do bên trong của mỗi người. Bởi lẽ, sự phát triển của bất cứ con người nào cũng lệ thuộc vào cả hai không gian ấy.

Không gian tự do bên ngoài được thể hiện tập trung bằng chính sách, thể chế và luật pháp. Những cái đó vừa kiểm soát, vừa hạn chế, vừa giúp con người phát triển. Quá trình con người đi tìm tự do hay tìm các quyền cơ bản của mình được tập hợp dưới danh nghĩa của tự do luôn chịu sự quy định của không gian tự do khách quan bên ngoài. Bởi vì, tự do, hiểu theo nghĩa thứ nhất, hiểu theo nghĩa khách quan, chính là không gian mà ở đó các quyền của con người được đảm bảo. Nếu trước kia tự do được xem là các quyền tự nhiên của con người thì ngày nay, tự do chính là các quyền chính trị, các quyền xã hội, các quyền văn hóa, các quyền kinh tế. Nói cách khác, đây là nhóm tự do phụ thuộc vào các điều kiện khách quan.

Thế nhưng con người muốn phát triển còn phụ thuộc vào cái tự do đối với chính bản thân họ. Chúng ta biết, mỗi một ngày, một giờ, thậm chí mỗi một phút, con người đi đến dần tương lai của mình. Những ai không tự trói buộc mình là những người có thể tạo ra tương lai, tạo ra triển vọng. Không gian tự do bên trong của đời sống tâm hồn con người chính là quyền con người được ra khỏi bản thân mình, quyền dịch chuyển ý nghĩ và quyền thay đổi khuynh hướng của mình, tóm lại là con người có quyền linh hoạt để không bị giam hãm bởi chính mình. Do vậy, nếu không có không gian tự do bên trong thì tức là con người không có nhu cầu tự do. Và con người sẽ không có, không cần không gian tự do bên ngoài nếu như không gian tự do bên trong của mình bằng không.

Như thế, hoàn thiện không gian bên trong là hoàn thiện năng lực của con người, là nuôi dưỡng cảm hứng để con người duy trì việc góp vốn tự do và tạo ra các khế ước. Ngược lại, ngay cả khi có đủ năng lực bên trong mà con người vẫn chịu nằm trong không gian bị bó hẹp thì tức là con người bị cầm tù. Hoàn thiện tự do bên ngoài chính là công việc giải phóng con người. Do đó, khi chúng ta phấn đấu vì tự do của con người thì chúng ta phải phấn đấu vì sự nới rộng và phát triển của cả hai không gian ấy. Lợi ích mà xã hội nhận được là sự phát triển, còn lợi ích mà con người nhận được chính là hạnh phúc.

II. Tài sản tinh thần

Nghiên cứu tự do chính là nghiên cứu bản chất của pháp luật. Bởi lẽ, nếu pháp luật không được xây dựng với tinh thần của tự do thì pháp luật không có nội dung. Nếu pháp luật không được tôn trọng, không được đặt đúng vị trí thì pháp luật không thể trở thành công cụ bảo vệ tự do của con người.

Bất kỳ sự thoả thuận nào cũng thể hiện quyền tự do của con người. Khi con người đối thoại với nhau, với nhà cầm quyền, thậm chí với thần thánh chính là lúc con người thể hiện tự do của mình. Chúng ta đều biết rằng, mọi thoả thuận, mọi khế ước của cuộc sống được thể hiện dưới hai hình thức: luật thành văn là luật pháp và luật bất thành văn là các quy tắc cộng đồng hay văn hoá. Thông qua hành động chính trị, con người sử dụng tự do trong quá trình đàm phán và tạo ra các khế ước văn hoá, khế ước pháp luật, khi nào những khế ước ấy là kết quả của sự đồng thuận thì khi đó, con người vẫn có tự do. Nếu không khẳng định được địa vị của mình, không cảm thấy giá trị của mình và không có tự do thì con người không thể đối thoại với ai mà chỉ biết lắng nghe. Tự do làm cho con người bình đẳng trong quá trình đàm phán, trưởng thành trong quá trình nhận thức và tương tác với xã hội để tạo ra con người hoàn chỉnh. Pháp luật là khế ước tinh thần của con người với nhau và với nhà cầm quyền, do đó, pháp luật là hình thức thể hiện một cách tập trung nhất toàn bộ giá trị tự do của con người.

Mối quan hệ giữa tự do và pháp luật là mối quan hệ nhân quả, nói cách khác pháp luật là hệ quả của tự do. Vấn đề này thực ra đã được thảo luận từ thế kỷ XVII, XVIII bởi những học giả lớn, Montesquieu nói về Tinh thần pháp luật, J.J Rousseau Bàn về khế ước xã hội. Pháp luật không phải là một đối tượng vật chất, pháp luật là sự thoả thuận giữa những tầng lớp khác nhau trong xã hội. Quá trình thoả thuận và đi đến sự đồng thuận là quá trình con người thực hiện các quyền tự do của mình. Tự do vừa là nội dung tinh thần vừa là nội dung đạo đức của pháp luật. Vì thế, Luật học chính là khoa học tổ chức hành vi cho phù hợp với nguyên lý tự do của người này không dẫm đạp lên tự do của người khác.Tuy nhiên, đến nay, không phải tất cả mọi người trên thế giới đều nhận ra mối quan hệ biện chứng, mối quan hệ nhân quả giữa tự do và pháp luật.

Không ít quốc gia vẫn tìm cách xây dựng một bộ máy nhà nước khổng lồchỉ để cưỡng bức con người tuân thủ pháp luật - cái mà đáng ra con người tuân thủ một cách tự nhiên. Sự cưỡng bức con người tuân thủ pháp luật không những không đem lại hiệu quả mà ngược lại, tình trạng vi phạm pháp luật còn diễn ra tràn lan và ngày càng khó kiểm soát, nhất là ở những nước kém phát triển. Tại sao lại như vậy? Trong quan điểm của chúng tôi, tất cả các tình trạng này đều bắt nguồn từ những hạn chế trong nhận thức của con người về tự do. Con người không có tự do, không được giáo dục đầy đủ để hiểu tự do nên không biết rằng pháp luật chính là công cụ bảo vệ tự do. Vì thế, con người không coi pháp luật là sở hữu của mình và ở những chỗ khuất nẻo của cuộc sống vẫn làm những điều phi pháp mà không cảm thấy áy náy. Khi nào con người nhận ra mình là chủ sở hữu của những quy tắc sống, là đồng sở hữu những khế ước xã hội thì con người sẽ nghiêm túc tuân thủ pháp luật. Còn nếu con người không chấm dứt việc chà đạp lên tự do thì chính con người sẽ mất tự do, cũng là đánh mất các giá trị người của mình. Do đó, xét về bản chất, nghiên cứu pháp luật chính là nghiên cứu tự do trên tất cả các phương diện của nó, hay nói đúng hơn, nghiên cứu pháp luật là nghiên cứu cấu trúc văn hoá của tự do.

Tự do là nguồn gốc của mọi trật tự mang tính tự giác, tự do hoàn toàn không gắn với sự hỗn loạn như bấy lâu nay các nhà nước phi dân chủ vẫn áp đặt lên nhận thức của người dân. Mọi trật tự không có tự do chỉ là trật tự cưỡng bức và con người sẽ chà đạp lên những trật tự cưỡng bức đó. Tự do làm cho con người nhận thức được cả lợi ích lẫn rủi ro trong mỗi hành động của mình, đồng thời giúp con người tự đánh giá tính hợp lý trong hành động và từ đó, con người sẽ hành động một cách tự giác, thận trọng. Pháp luật chân chính phải là kết quả của sự tự nguyện thoả thuận giữa con người với nhau. Chỉ khi nào pháp luật được xây dựng dựa trên lẽ phải và thói quen hay là những kinh nghiệm văn hoá của con người thì pháp luật mới có tính khả thi và con người mới có ý thức tôn trọng pháp luật. Ngược lại, nếu con người không biết quý trọng pháp luật như là tài sản tinh thần thì pháp luật sẽ bị chà đạp, cũng có nghĩa tự do bị đánh cắp đến mức con người có thể mất hết tự do.

Từ trước đến nay, chúng ta vẫn quan niệm mục tiêu của pháp luật là giữ gìn trật tự xã hội. Đó là một cách nghĩ quá đơn giản và đã tầm thường hoá vai trò của pháp luật. Về bản chất, sứ mệnh của pháp luật là đảm bảo tự do và phát triển quyền tự do của con người. Nếu pháp luật được định ra bởi ý chí của nhà cầm quyền thay vì là kết quả của quá trình thảo luận và đàm phán giữa các thành viên trong xã hội, thì pháp luật đó sẽ trái với ý chí xã hội và không thể hiện các giá trị tự do. Nếu duy trì tình trạng đơn nguyên trong nhận thức và hành động thì không bao giờ pháp luật trở thành tài sản tinh thần của nhân dân. Thể chế dân chủ là cơ cấu duy nhất để con người thực hiện quyền tự do của mình trong quá trình đàm phán, bởi tất cả các khế ước đều được thể hiện thông qua các quan điểm chính trị, và con người lựa chọn người đại diện cho mình thông qua việc đàm phán chính là lựa chọn ra cấu trúc của khế ước. Nói cách khác, dân chủ là cách thức duy nhất đảm bảo pháp luật được xây dựng trên tinh thần của tự do.

III. Ngôi nhà của tự do

1. Thể chế bảo vệ tự do

Tổng thống Mỹ Thomas Jefferson từng nói một câu nổi tiếng: “Tự do không thể được bảo vệ, trừ khi nó nằm trong tay của người dân”. Quả thực, như đã chứng minh, tự do là của con người, là tài sản của từng con người chứ không có tự do của nhà nước hay thể chế. Tuy nhiên, con người sống với nhau, con người phải thoả thuận về những quy tắc sống chung nên phải hy sinh một phần tự do để tạo nên nhà nước. Chỉ có nhà nước được xây dựng theo cách thức dân chủ mới có khả năng bảo vệ các quyền tự do của con người. Dân chủ là cơ chế hữu hiệu nhất để bảo vệ tự do, không những thế nó còn khống chế các khuynh hướng tiêu cực của tự do. Tất cả các căn bệnh xã hội trầm trọng đều có nguồn gốc từ những khuynh hướng thoái hoá tự do. Bất kỳ trạng thái tự do thái quá, thiếu tự do hay đầu cơ tự do đều tạo ra sự phát triển lệch lạc của cuộc sống và làm cuộc sống phát bệnh. Thể chế dân chủ với những cơ chế kiểm soát hợp lý của nó sẽ đảm bảo cho tự do được tồn tại trong tất cả các không gian của cuộc sống. Tự do như những kháng thể, giúp cho cuộc sống ngăn chặn sự xâm nhập của những căn bệnh và phát triển một cách lành mạnh.

Như vậy, tự do là nội dung, dân chủ là hình thức. Nếu không có dân chủ thì tự do không có ngôi nhà, không có vỏ vật chất của mình. Dân chủ là phương tiện để biến tự do thành hiện thực trong đời sống hàng ngày của con người, thông qua việc khẳng định các quyền tự do bằng pháp luật. Tự do là các quyền cá nhân mà dân chủ chính là thể chế đảm bảo các quyền cá nhân được tôn trọng. Ở nơi nào không có dân chủ thì các quyền cá nhân không được bảo vệ. Đó là mối quan hệ biện chứng giữa dân chủ và tự do.

Hơn nữa, thể chế dân chủ là tiền đề để xây dựng nhà nước pháp quyền, một cơ chế có khả năng ngăn chặn sự xâm phạm tự do của con người. Bởi vì dân chủ là sự bình đẳng trước các quy tắc chung của đời sống mà con người thoả thuận với nhau. Nhà nước dân chủ là nhà nước duy nhất có pháp luật như là các khế ước xã hội bởi ở đó, con người có quyền thảo luận một cách bình đẳng về các quy tắc điều phối cuộc sống của mình. Đó là nhà nước mà pháp luật là các quy tắc tối cao chi phối toàn bộ đời sống xã hội, xã hội tôn thờ pháp luật; không có bất kỳ cá nhân hoặc tổ chức nào có thể đứng trên pháp luật. Có thể nói, nhà nước pháp quyền là nhà nước duy nhất không bị lợi dụng, nhà nước duy nhất có năng lực tự cân bằng, cho nên phải xây dựng nhà nước pháp quyền. Để làm được như vậy, mọi hệ thống pháp luật phải là kết quả của thể chế hóa và pháp chế hoá tự do. Ở chỗ nào tự do không được pháp chế hoá thì pháp luật không có nội dung.

Từ những lập luận này, rõ ràng, chúng ta không được phép giải thích sự trì hoãn việc xây dựng một nhà nước dân chủ bằng trình độ dân trí thấp, bởi trình độ dân trí của nhân dân không phải là tiền đề xây dựng nhà nước pháp quyền. Chính ý chí và tình yêu tự do bản năng của con người mới tạo ra nhu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền. Càng ngày, con người càng yêu tự do vì càng ngày, năng lực nhận thức của con người về tự do càng mở rộng hơn, càng cụ thể hơn. Trước đây, con người hiểu tự do thông qua thơ văn nhưng dần dần con người trưởng thành và hiểu tự do chính là quyền được phát triển, được học hành, quyền được nói, được làm những điều mình cảm thấy đúng. Pháp luật phải bảo vệ được các quyền đó. Luật pháp càng gần với bản năng ứng xử, hành động của con người bao nhiêu thì càng có khả năng thực thi bấy nhiêu. Tuy nhiên, thay vì thừa nhận sự vô lý và xa rời cuộc sống của pháp luật, một số nhà nước lại ngụy biện rằng do trình độ dân trí thấp nên người dân không hiểu và không tuân thủ luật pháp. Thậm chí, họ cho rằng chừng nào trình độ dân trí còn thấp thì chừng ấy dân chủ chưa thực sự cần thiết hay nó là một thứ xa xỉ. Đó là những lập luận sai, thậm chí là những nỗi sợ không có căn cứ. Bởi vì, ý thức về sự phong phú của khái niệm dân chủ sẽ tăng lên cùng với thời gian. Hiện nay, ở châu Âu, nền dân chủ đã trở thành đạo đức chứ không phải là lý thuyết đơn thuần. Dân chủ là trạng thái phát triển của một chuỗi kinh nghiệm sống giữa con người với nhau. Nếu con người không có kinh nghiệm về dân chủ thì không thể cung cấp các cơ sở để từ đó xây dựng nền dân chủ được.

Đời sống dân chủ là đời sống lành mạnh và phù hợp với quy luật tự nhiên. Một xã hội được xem là dân chủ hay không trước hết là ở chỗ, trong xã hội ấy, con người có những quyền gì, và con người có được thực thi các quyền ấy hay không? Một đất nước nằm trên một mỏ dầu thì người dân có thể giầu, nhưng nếu các quyền con người không được đảm bảo, không được thực thi trên thực tế thì họ cũng không hạnh phúc. Vì con người, ở bất kỳ nơi nào trên thế giới, luôn đòi hỏi những giá trị cả về vật chất lẫn tinh thần của mình phải được tôn trọng. Bởi vậy, đòi hỏi dân chủ không chỉ là những bức xúc bởi nhu cầu đời sống kinh tế, đời sống vật chất mà còn là kết quả của sự bức xúc về đời sống tinh thần. Chỉ trong xã hội dân chủ, các quyền tự do của con người mới được đảm bảo và hiện thực hoá, khi đó, con người mới có cơ hội phát huy hết năng lực của mình.

2. Cơ chế của những thay đổi hoà bình

Ưu điểm cơ bản của thể chế dân chủ là nó cho phép khẳng định quyền lực của người dân. Một trong các quyền cơ bản của con người là quyền lựa chọn. Trong tập hợp các quyền lựa chọn thì quyền lựa chọn khuynh hướng chính trị là quyền biểu kiến, quyền quan trọng nhất. Quyền lựa chọn khuynh hướng chính trị là quyền đầu tiên của con người để khẳng định con người có tự do hay không có tự do. Dân chủ chính là một thể chế chính trị để đảm bảo các quyền con người, đặc biệt là quyền lựa chọn khuynh hướng chính trị. Dân tộc nào, xã hội nào cũng cần nhà nước để dàn xếp và điều hành các quyền lợi xã hội, nhưng đó phải là một nhà nước hợp pháp, là kết quả sự lựa chọn của người dân. Nhà nước là người đại diện, là người thay mặt người dân điều hành xã hội thông qua các khế ước xã hội. Sự lãnh đạo thông qua các khế ước xã hội là cách thức điều hành, điều chỉnh đời sống. Khi người dân làm ra sự thịnh vượng của chính mình thì họ cần chính phủ như một người điều hoà sự tồn tại có tính chất cộng đồng của họ chứ không phải điều hoà sự tồn tại mang tính cá nhân của họ trong cộng đồng ấy. Đó là lý thuyết xây dựng cộng đồng lành mạnh, mà muốn làm được như vậy, con người phải có tự do.

Quyền tự do lựa chọn khuynh hướng chính trị của người dân là thước đo chính xác nhất tính hợp lý chính trị của nhà cầm quyền. Các đảng cầm quyền phải là những người thực hiện các chính sách để điều chỉnh xã hội theo khuynh hướng mà người dân đã lựa chọn. Một sự lựa chọn đúng đắn tạo ra một chính phủ đúng đắn, một chính phủ bao gồm những người đại diện chân chính và đảm bảo quyền tự do cho người dân. Nhưng con người cũng có thể lựa chọn sai, trong trường hợp này, họ có thể tiến hành một sự lựa chọn khác. Hoặc khi những người cầm quyền hết nhiệm kỳ, họ phải chấp nhận rời bỏ vị trí để sự lựa chọn tiếp theo thuộc về người dân. Trong những trường hợp đó, thể chế dân chủ sẽ tạo ra công nghệ thay thế theo ý muốn bằng cách chấm dứt các nhiệm kỳ một cách bình thường hoặc bất thường, đấy là sự thay thế của các giai đoạn, các trạng thái nhà nước. Như vậy, nhiệm kỳ chính là cách thức chấm dứt một cách hoà bình nhất của các chính phủ. Đấy chính là một công cụ chuyên nghiệp của nền dân chủ để giải phóng các cộng đồng ra khỏi trạng thái bế tắc mang tính nhà nước. Tất nhiên, cơ chế dân chủ không phải lúc nào cũng đem lại kết quả đúng, hay nếu nói dân chủ là những giải pháp đúng, là những hiện tượng đúng thì hoàn toàn sai. Dân chủ là một công nghệ giúp con người nhận ra cái sai của mình và sửa sai nhanh nhất. Dân chủ là một thể chế mà ở đó, quyền lực được luân chuyển một cách tự do để nó luôn luôn rơi đúng vào tay những người mà xã hội cần, trong những thời điểm quan trọng, và để giải quyết những vấn đề còn vướng mắc của xã hội. Nhờ tính chất chuyên nghiệp này của nền dân chủ, các sai lầm chính trị không bị kéo dài, quyền lực được kiểm soát, rủi ro được kiểm soát và xã hội không phải trả giá cho những sai lầm của cá nhân hoặc một lực lượng. Chính vì thế, xây dựng xã hội dân chủ là xây dựng một cơ chế để con người có thể sửa sai một cách dân sự nhất.

Dân chủ là một phương thức quan hệ, phương thức sử dụng và tổ chức quyền lực công cộng trong nội bộ một quốc gia. Quyền lực của một quốc gia có tính chất sinh lợi nên nếu không có dân chủ để cấu tạo nên quyền lực ấy thì quyền lực ấy sẽ bị chiếm dụng, và khi quyền lực bị chiếm dụng bởi ai đó thì nó sẽ động chạm đến người khác, gây ra sự phản ứng và hỗn loạn. Do vậy, dân chủ trong nội bộ quốc gia là dân chủ giữa con người với nhau, giữa các cá nhân với nhau. Đó là phương thức để các cá nhân có quyền cấu trúc ra đời sống của mình và cấu trúc ra đời sống chính trị của mình. Còn dân chủ giữa các quốc gia thì khác, đó là trong sinh hoạt quốc tế, các quốc gia có những quyền cơ bản của mình.

Nguyên tắc tập trung dân chủ là nguyên tắc tự nhiên của đời sống dân chủ, nhưng phải có dân chủ thì mới có tập trung. Tập trung dân chủ là quá trình tập trung các quyền dân chủ từ các bộ phận của xã hội. Đó là một quá trình chính trị rất phổ biến trong xã hội phương Tây, trong các xã hội dân chủ. Kết quả của tập trung dân chủ là một tổng thống sẽ được lựa chọn. Tập trung dân chủ là một quá trình chính trị chứ không phải là một nguyên lý tổ chức của xã hội. Trong xã hội xã hội chủ nghĩa, người ta coi đó là nguyên lý về mặt tổ chức, nhưng thực tế hoàn toàn không phải như vậy. Tính tập trung của dân chủ thể hiện ở những bước tiến hành bầu cử của nền dân chủ, thể hiện ở quá trình bỏ phiếu của quốc hội đối với các dự án, dự luật. Các dự luật chính là kết quả của tập trung dân chủ. Chất lượng của quá trình dân chủ thể hiện chất lượng của sự tập trung. Dân chủ ở những trạng thái không chuyên nghiệp là dân chủ phi trí tuệ. Chính vì thế, cơ cấu nhà nước phải cấu tạo sao cho nền dân chủ đại diện cho các khuynh hướng trí tuệ cao nhất, và do đó, chất lượng của các nghị sĩ là rất quan trọng, nó thể hiện sự cẩn trọng của xã hội trong việc đưa ra các quyết định đối với vận mệnh của cả một quốc gia.

Từ những phân tích về tự do, dân chủ, tôi cho rằng nghĩa vụ của người phương Đông là phải tự đặt ra câu hỏi, tại sao phương Tây phát triển mà phương Đông không phát triển? Phương Đông thiếu cái gì mà không phát triển được? Cái mà phương Đông thiếu chính là tự do, thiếu tự do chứ không phải là không có tự do. Sự thiếu tự do có thể định nghĩa là sự hiện diện của các yếu tố ngăn cản sự phát triển của không gian tinh thần con người. Cho đến bây giờ, phương Đông vẫn không hiểu tự do và vẫn nhận thức không đầy đủ về các giá trị phương Tây. Nói như thế không có nghĩa là người phương Đông không yêu tự do. Người phương Đông có khát vọng tự do, nhưng trạng thái đi theo tiếng gọi của tự do dường như không thường trực và không mãnh liệt. Những thứ tự do mà con người không cần thì ở phương Đông rất nhiều, còn tự do như thành tố của sự tiến bộ, của sự phát triển thì phương Đông lại thiếu.

Tóm lại, con người không tự do với nhà nước và không tự do với chính mình, đó là cội rễ của tình trạng lạc hậu và chậm phát triển ở phương Đông.

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Không gian tinh thần - Đối thoại

    09/01/2021Nguyễn Trần BạtKhi nghiên cứu về sự phát triển của con người, tôi đã rút ra kết luận rằng sự phát triển của con người lệ thuộc vào hai yếu tố: Yếu tố thứ nhất là hoàn cảnh khách quan, được thể hiện tập trung bằng thể chế và luật pháp. Yếu tố thứ hai là trạng thái tự do bên trong của mỗi con người...
  • Tự do và trách nhiệm cá nhân trong “Tồn tại và hư vô” của J. -P. Sartre.

    19/03/2017Đỗ Minh Hợp“Tồn tại và hư vô” của J.-P.Sartre được công bố lần đầu tiên vào năm 1943 tại Paris. Đây là tác phẩm không chỉ đánh dấu cột mốc quan trọng trong dòng chảy của triết học hiện sinh, mà còn cho thấy rõ tư tưởng triết học hiện sinh độc đáo của J.-P.Sartre. Trong bài viết này, tác giả tập trung luận giải quan niệm của J. -P. Sartre về tự do với tư cách phương thức hiện hữu của tồn tại người và duy nhất phù hợp với tồn tại người trong mối quan hệ không thể tách rời với trách nhiệm - trách nhiệm đối với thế giới và đối với bản thân mình của con người.
  • Khái niệm tự do

    06/04/2016Nguyễn Trần BạtTừ xưa đến nay, tự do luôn là một khái niệm bí ẩn và trừu tượng đối với con người. Đúng như tên gọi, tự do không chịu khuôn mình vào bất kỳ chiếc khung nào, ngay cả trong những nỗ lực của các nhà triết học, các nhà khoa học ở mọi thời đại nhằm mô tả và lý giải khái niệm tự do. Có lẽ vì thế, cho đến nay, tự do là cái gì đó quen thuộc mà vẫn xa lạ đối với con người...
  • Ý nghĩa của tự do

    04/12/2013Dr. Mortimer J. AdlerTrước khi tôi thử trình bày những gì làm cho ý niệm tự do có ý nghĩa sâu xa trong đời sống con người, hãy cho tôi thử truyền đạt một số cảm tưởng về phạm vi của ý niệm này. Trong lịch sử tư tưởng phương Tây, tự do có một số ý nghĩa rõ rệt. Tôi sẽ cố trình bày những ý nghĩa này cho bạn một cách ngắn gọn nhất. ...
  • Bàn về Tự do

    09/01/2011Bùi Văn Nam SơnCuốn sách đề cập đến một trong những vấn đề được rất nhiều người quan tâm, đó là quyền của các cá nhân trong mối quan hệ của họ với cộng đồng và với xã hội. Toàn bộ nội dung tác phẩm Bàn về tự do toát lên quan niệm chủ đạo của tác giả cho rằng, tự do của mỗi người tìm thấy giới hạn của mình trong tự do của người khác; rằng, tự do xã hội là ranh giới giữa sự kiểm soát xã hội và sự độc lập của cá nhân...
  • Cội nguồn cảm hứng là tự do

    29/06/2009Lê Khánh DuyTôi đọc những trang đầu tiên của cuốn “Cội nguồn cảm hứng” ở một quán cà phê trên đường Lò Đúc. Những thanh âm huyên náo của phố phường ngoài kia và những trang suy tưởng trong im lặng của ông Nguyễn Trần Bạt có cái gì đó hơi tương phản.
  • Cội nguồn cảm hứng

    17/06/2009Bùi Quang MinhĐến nay, còn rất nhiều người chưa đạt tới trình độ nhận thức rằng tự do là nền móng để họ trở thành Con Người, là trình độ làm người ở mức cao nhất. Do truyền thống, do mức muộn mằn tiếp cận khái niệm tự do, do tư duy ấu trĩ chưa được tự do soi rọi vào cuộc đời mình, mà số đông chúng ta không tự trau dồi về tự do, không phát hiện ra hiện tượng nào quanh ta tự do không được coi trọng, thiếu tự do. Cũng không thiếu người bị chà đạp lên tự do, mất quyền cơ bản của mình mà không mảy may nhận ra, phản ứng lại...
  • Tự do văn hóa và phát triển

    28/09/2007TS. Phan Công KhanhBài viết đề cập đến mối quan hệ giữa 3 phạm trù: tự do, văn hoá và phát triển. Sự gặp gỡ giữa ba phạm trù này là ở chỗ, chúng phát triển những năng lực của con người. Chúng như là sự hiện thực hoá khát vọng hướng tới các giá trị chân, thiện, mỹ của con người...
  • Tự do sinh ra con người

    21/04/2007Nguyễn Trần Bạt- Chủ tịch/ Tổng Giám đốc InvestConsult GroupKhái niệm tự do gắn với khái niệm con người. Trong suốt chiều dài lịch sử của nhân loại, hai khái niệm này tạo thành một mối quan hệ cực kỳ mật thiết, quan hệ biện chứng và phát triển. Thế nhưng không chỉ khái niệm tự do mà khái niệm con người từ trước đến nay vẫn chưa được nhận thức một cách đầy đủ và chưa được hiểu một cách nhất quán.
  • Triết lý của tự do

    05/09/2006Nguyễn Minh Tuấn, Khoa Luật Đại học quốc gia Hà NộiMontesquieu trong cuốn Tinh thần pháp luật đã định nghĩa “Tự do là quyền được làm tất cả những điều mà luật cho phép”. Vậy tự do là gì? Đối với mỗi cá nhân, tự do là sự nhận thức được qui luật và thực hiện theo qui luật. Không thể và không bao giờ con người có tự do tuyệt đối bởi lẽ về mặt khách quan, con người không thể sống không phụ thuộc vào tự nhiên và không trong mối liên hệ với cá nhân khác, về mặt chủ quan, con người cũng không ai có khả năng nhận thức được tất cả...
  • Khái niệm Tự do trong triết học Hegen.

    28/11/2005TS. Đỗ Duy HợpNếu đề tài về con người là đề tài trung tâm của triết học, thì tự do là hạt nhân, là trung tâm tạo ra nguồn cảm hứng chủ yếu cho những tìm tòi triết học. Đề cập tới đề tài này, chúng ta không thể không trở lại với Hêgen, với quan niệm của ông về tự do. Bởi lẽ, quan niệm về tự do của ông đã để lại một dấu ấn quá sâu rộng trong những tìm tòi lời giải đáp cho vấn đề tự do...
  • Tự do - Điểm khởi đầu của mọi sự phát triển

    30/09/2005Nguyễn Trần BạtKhi nói tự do là linh hồn của mọi cuộc cải cách chính là nói đến tinh thần xuyên suốt các cuộc cải cách. Cải cách kinh tế nhằm tạo ra tự do kinh tế. Tự do kinh tế đi trước để con người được nếm các thành quả sự phát triển. Chừng nào cảm nhận được vị ngọt, cảm nhận được các thành quả thu được từ tự do kinh tế, con người sẽ nhận thức được giá trị của tự do chính trị, tức là cải cách kinh tế giúp con người nhận ra lợi ích của tự do chính trị...
  • Ý chí tự do và thuyết tất định

    31/08/2005Những người phủ nhận ý chí tự do thường làm thế vì họ giải thích mọi hiện tượng tự nhiên bằng một chuỗinhững nguyên nhân. Họ cho rằng bởi vì con người là một phần của tự nhiên, hắn không thể được miễn trừ khỏi chuỗi các nguyên nhân phổ quát này. Những người ủng hộ ý chí tự do thì thường phân biệt giữa hành vi con người và mọi hiện tượng tự nhiên khác. ...
  • Biện chứng của tự do

    21/07/2005Nguyễn Trần BạtTự do không phải là thuật ngữ xa lạ, càng không phải một phát hiện bởi nó gắn liền với con người như một công cụ để tồn tại, để sống và để phát triển. Tuy nhiên, đối với con người, tự do vẫn phần nào bí ẩn; chúng ta, dường như, chưa nhận thức trọn vẹn về nó, càng chưa biết khai thác và sử dụng nó như một công nghệ phát triển...
  • xem toàn bộ