Con đường dẫn đến sự thịnh vượng
Có thể nói, trên thế giới có bao nhiêu quốc gia, có bao nhiêu dân tộc và có bao nhiêu con người là có bằng ấy ước mơ, bằng ấy khát vọng. Mỗi một ước mơ, mỗi một khát vọng đều xuất phát từ những hoàn cảnh lịch sử riêng. Nhưng dường như mơ ước về sự thịnh vượng luôn là mục tiêu chung của con người. Nói cách khác, con người có nhiều khát vọng nhưng có một khát vọng giống nhau giữa các cộng đồng dân tộc là khát vọng về sự thịnh vượng. Mỗi một dân tộc lại được hình thành bằng một lịch sử riêng, do vậy, mỗi dân tộc lại có một con đường riêng đi tìm kiếm sự thịnh vượng nhưng trong bối cảnh quá trình toàn cầu hoá đang diễn ra mạnh mẽ thì có gì chung giữa các con đường đi đến sự thịnh vượng của các dân tộc? Và nếu có thì con đường ấy như thế nào?
Tôi cho rằng, chưa bao giờ thế giới đang xích lại gần nhau hơn thời đại này, do vậy, con đường đi đến sự thịnh vượng của các dân tộc đang có rất nhiều điểm tương đồng. Chưa thời điểm nào thuận lợi hơn thời điểm này để các dân tộc có thể cùng nhau hoạch định ra một lộ trình chung đi đến sự thịnh vượng. Tất nhiên, không thể hoạch định một cách máy móc từng bước của con đường ấy cũng như coi nó như là con đường duy nhất của mọi dân tộc, bởi cuộc sống là đa dạng. Nhưng nếu chúng ta có thể tiệm cận đến nó, tìm ra các nhân tố và các cách thức để vươn tới nó thì chúng ta sẽ vươn tới nó nhanh hơn. Và để làm được điều đó, trước hết, mỗi con người, mỗi dân tộc cần phải nắm rõ bản chất khái niệm thịnh vượng, tìm ra hệ tiêu chuẩn của sự thịnh vượng, tiếp nữa phải truy đến nguồn gốc cũng như con đường dẫn đến sự thịnh vượng để từ đó, nhận thức được và không bỏ lỡ các cơ hội thịnh vượng của mình.
I. KHÁI NIỆM SỰ THỊNH VƯỢNG
Nghiên cứu sự thịnh vượng, cũng như rất nhiều nghiên cứu những phạm trù khác, bao giờ cũng phải bắt đầu từ những đối tượng có thể xác lập một kích thước về nó. Về mặt ngữ nghĩa học, thịnh vượng là sự đầy đủ của cuộc sống. Nhưng vấn đề là cuộc sống của ai? Có một thời người ta cho rằng sự thịnh vượng của một quốc gia được thể hiện bằng sự hùng mạnh của nhà nước. Tuy nhiên, nếu coi sự thịnh vượng đồng nghĩa với sự hùng mạnh của nhà nước thì rõ ràng với lực lượng quân đội hơn một triệu người và những cuộc duyệt binh hùng hổ thì Bắc Triều Tiên có thể tuyên bố mình là một quốc gia thịnh vượng. Nhưng khi có gần hai triệu người chết đói trước ngưỡng cửa của thế kỷ XXI thì người ta buộc phải nhìn nhận lại đó có phải là một quốc gia thịnh vượng hay là một quốc gia nghèo đói và đầy rẫy mâu thuẫn, khủng hoảng? Và chúng ta buộc phải nhận thức rằng một quốc gia thịnh vượng không phải là quốc gia có một nhà nước hùng mạnh, gây e sợ cho các quốc gia lân cận, cũng không phải là nơi có lực lượng quân đội hùng mạnh mà là một xã hội giàu có, con người sung sướng và hạnh phúc. Thịnh vượng chính là từ để mô tảmột đất nước có nền kinh tế phát triển tốt, có đời sống chính trị lành mạnh và nhân dân có hạnh phúc.
Như vậy, thịnh vượng là khái niệm bao gồm trong nó sự đầy đủ cả về vật chất lẫn tinh thần. Phải nói như vậy là bởi ở rất nhiều nơi, đặc biệt là những quốc gia còn nghèo đói, lạc hậu người ta thường xem những thành tựu về kinh tế, về thu nhập, về tài sản như những dấu hiệu cơ bản để đánh giá sự thịnh vượng. Đã có thời, sự thịnh vượng về vật chất được coi là một biểu hiện quan trọng của sự thịnh vượng và quan niệm này phổ biến đến mức người ta cho rằng phải có sự giàu có về vật chất rồi mới có sự phong phú về mặt tinh thần, tức là vật chất quyết định tinh thần. Sở dĩ có những quan niệm như vậy là do, trong thời kì tốc độ tăng trưởng, tốc độ phát triển còn thấp, người ta nhận thức sự tăng trưởng vật chất một cách hạn hẹp. Hơn nữa, do sự cát cứ về mặt địa lý, con người chưa có cơ hội so sánh để nhận biết mình đang ở đâu trong tiến trình phát triển của thế giới. Do vậy, khi quan niệm như vậy thì người ta cũng đồng thời cho rằng sự thịnh vượng của một quốc gia là sự giàu có về kinh tế và do đó, tự do kinh tế là con đường dẫn đến sự thịnh vượng. Tất nhiên, điều đó là đúng nhưng chưa đủ vì rõ ràng là, người ta không thể nói đến sự thịnh vượng mà không có vật chất, người ta không thể nói đến sự giàu có phi vật chất. Thậm chí, tất cả những ai lờ đi sự thịnh vượng về mặt vật chất và cường điệu những mặt còn lại của sự thịnh vượng thì đấy là những người không dám nhìn vào sự thật. Nhưng sự giàu có chỉ là một biểu hiện của sự thịnh vượng chứ không phải là tất cả sự thịnh vượng, đôi khi nó còn là một biểu hiện hẹp, bởi xét cho cùng, giàu có để làm gì nếu con người không tìm thấy cảm giác hạnh phúc trong sâu thẳm tâm hồn mình? Và cảm giác hạnh phúc trong tâm hồn mỗi con người chỉ đến khi con người đạt đến sự thịnh vượng về đời sống tinh thần.
Và đây chính là một nửa còn lại, một nửa rất quan trọng của khái niệm thịnh vượng. Nó, thậm chí còn là khởi nguồn của mọi sự sáng tạo mang tính nhân văn, của mọi sự sáng tạo mang tính đột phá trong quá trình phát triển của nhân loại. Bởi nếu không có những động lực tinh thần thì con người không có đủ cảm hứng để tưởng tượng và sáng tạo. Sự thịnh vượng về đời sống tinh thần được thể hiện trên rất nhiều khía cạnh đa dạng của cuộc sống như khoa học kỹ thuật, hay trên các lĩnh vực như kiến trúc, âm nhạc, hội họa... Ở hầu hết các nước phát triển, con người có một lịch sử kiến trúc, một lịch sử âm nhạc, lịch sử hội họa rất rực rỡ. Nhưng ngay cả sự hoàn mỹ về mặt văn hóa nghệ thuật vẫn chưa phải là mức độ cuối cùng của khái niệm thịnh vượng. Con người còn muốn vươn tới những giới hạn cao hơn, những giới hạn cao hơn đấy liên quan đến các khái niệm, tôn giáo, triết học, tư tưởng, thậm chí cao hơn nữa là vươn tới các ảnh hưởng bên ngoài các quốc gia. Nói cách khác, sự thịnh vượng ấy tác động đến quá trình phát triển của thế giới. Như vậy, thịnh vượng là một khái niệm chứa đựng đầy đủ các yếu tố, đó là sự bùng nổ về mặt vật chất, sự hoàn mỹ nội tại về mặt tinh thần cộng với những ảnh hưởng của cả khối vật chất, tinh thần của mình đến những người xung quanh hay những cộng đồng lân cận.
Nói như thế không có nghĩa là sự thịnh vượng về tinh thần thay thế được sự thịnh vượng về vật chất hay quyết định sự thịnh vượng về vật chất mà sự thịnh vượng về vật chất và sự thịnh vượng về tinh thần là hai mặt của một khái niệm thịnh vượng đầy đủ, nó có mối liên hệ chặt chẽ với nhau bởi sự thịnh vượng là biểu hiện cho cái đẹp tổng hợp của cuộc đời. Nếu không tập hợp được những yếu tố hợp lý, những cái đẹp thì không có sự thịnh vượng. Thịnh vượng là một cơ cấu chặt chẽ của các yếu tố hợp lý, của những cái đẹp trong cuộc đời mà mỗi cá nhân phải tự tạo nên cho chính bản thân mình. Vậy, để xác định được các mục tiêu phát triển thì con người phải xác lập được những tiêu chuẩn của sự thịnh vượng.
II. HỆ TIÊU CHUẨN CỦA SỰ THỊNH VƯỢNG
Thịnh vượng là khái niệm được xây dựng trên một tập hợp chỉ tiêu của các lĩnh vực như kinh tế, văn hoá, chính trị, giáo dục... Mặc dù các nhóm chỉ tiêu này không phải lúc nào cũng phản ánh đầy đủ sự thịnh vượng của một quốc gia nhưng nó là cơ sở, là nền tảng để nhìn vào đó, người ta biết rằng quốc gia này có thịnh vượng không, ngày mai có thịnh vượng không và có thịnh vượng lâu dài không?
1. Những chỉ số phát triển
Sự thịnh vượng, trước hết, được thể hiện ở nhóm chỉ tiêu về kinh tế, bao gồm tốc độ tăng GDP, chỉ số tự do kinh tế, mức sống của con người, sự phân bố mức sống ấy trong cộng đồng dân tộc, tư nhân hóa thị trường... Nhưng tựu chung lại, sự thịnh vượng về mặt kinh tế thể hiện rõ rệt nhất ở sức mua của xã hội. Khi xã hội có sức mua tức là xã hội đã có nhu cầu về cung ứng. Một xã hội đã có nhu cầu về cung ứng thì người bán hàng sẽ tìm đến. Như vậy, sự thịnh vượng có được do sự trao đổi các hàng hóa và dịch vụ giữa các dân tộc với nhau. Muốn vậy, một dân tộc phải tự biến mình thành thị trường hay tự biến mình thành một cộng đồng có năng lực thị trường, thì người ta sẽ đến bán hàng hóa của người ta và đến để mua hàng hóa của mình, tức là một dân tộc có sức lưu thông. Một dân tộc có sức lưu thông thì tiền bạc mới được huy động. Tiền bạc được huy động thì năng lực xã hội mới được khai thác đầy đủ để phát triển. Như vậy, có thể thấy, một quốc gia thịnh vượng là một quốc gia phải có các chỉ số về phát triển và do đó, một xã hội bế quan tỏa cảng, một xã hội đóng cửa, một xã hội thiếu không khí kinh tế thì xã hội ấy không thể phát triển được, không thể thịnh vượng được.
Thứ hai, sự thịnh vượng được thể hiện ở nhóm chỉ tiêu vềxã hội. Nhóm này không chỉ bao gồm chỉ số về quyền lợi chính trị, giáo dục, tỷ lệ thất nghiệp, chế độ phúc lợi, y tế, bình đẳng giới, môi trường… mà càng ngày con người càng nhận ra là con người cần có những chỉ tiêu về tự do như tự do tôn giáo, tự do lập hội, số lượng tổ chức phi chính phủ (NGO) tính theo đầu người... Những chỉ tiêu này ngày càng trở nên quan trọng vì xã hội thịnh vượng phải là một xã hội có năng lực tổ chức. Các tổ chức phi chính phủ thường được coi như một thước đo đánh giá năng lực tổ chức của xã hội. Khi năng lực tổ chức của xã hội đạt đến một ngưỡng nhất định thì nó đồng thời cũng tạo ra một xã hội dân sự lành mạnh mà ở đó, con người biết tự quản, tự lo và tự giác.
Bên cạnh đó, sự thịnh vượng còn được đo đạc dựa trên một nhóm chỉ tiêu như chỉ số nhận thức về tham nhũng, sự phát triển trình độ khoa học của công dân, sự phát triển kinh nghiệm nghề nghiệp của nhân dân, chỉ tiêu về trao đổi thông tin, chỉ số tự do báo chí... Đây cũng là những nhóm chỉ tiêu quan trọng bởi là công cụ nó hỗ trợ cho các chỉ số phát triển khác. Tuy vậy, một xã hội thịnh vượng không phải chỉ cần đạt đến những chỉ tiêu nhất định này bởi những nhóm chỉ tiêu trên không phải là những chỉ tiêu cố định mà nó luôn phát triển, luôn mở rộng cùng với sự phát triển của xã hội. Do đó, mỗi xã hội phải không ngừng phấn đấu để đạt đến những ngưỡng phát triển mới và như thế, sự thịnh vượng được duy trì. Và để kiến tạo được những sự thịnh vượng như vậy cần đến chỉ số con người.
2. Những chỉ số con người
Chúng ta đều biết rằng, sự thịnh vượng không đơn thuần chỉ là thu nhập đầu người vì nếu tính đến thu nhập đầu người thì Arab còn cao hơn Mỹ. Nhưng người ta không ngưỡng mộ một sự thịnh vượng như thế bởi cuối cùng sự thịnh vượng ấy là của ai? Sự thịnh vượng ấy bắt nguồn từ đâu? Liệu nó có bền vững không? Có phải thực sự người dân làm chủ sự thịnh vượng ấy không? Và người ta nhận ra rằng, một quốc gia thịnh vượng là quốc gia không chỉ có đủ tiềm lực để ngồi nói chuyện bình đẳng với các quốc gia khác mà mỗi người dân của nó phải có được thái độ tự tin đối với các quan hệ mà họ đối thoại trong cuộc sống. Nói cách khác, sự thịnh vượng thực chất là sự thịnh vượng của mỗi người dân, và những người dân của các quốc gia khác nhau có tư thế bình đẳng với nhau. Bởi vì, suy ra cho cùng thì một con người được nhận ra, được đánh giá và được tôn trọng bởi những người khác là vì các giá trị của anh ta. Do vậy, con người chính là các giá trị của nó. Càng ngày chúng ta càng nhận ra rằng ưu thế về giá trị tinh thần của con người lấn át những giá trị khác. Cái gì làm cho con người có khả năng tạo ra sự thịnh vượng của mình và tại sao lại phải tạo ra năng lực ấy cho con người? Tại sao phải đo sự thịnh vượng ấy bằng các chỉ tiêu khác nhau mà không chỉ bằng sự giàu có? Giàu có chưa phải là thịnh vượng mà hạnh phúc và sự bền vững của nó mới là sự thịnh vượng. Hạnh phúc chỉ được tạo ra bằng năng lực của con người vì có thể cho con người sự giàu có nhưng không ai có thể cho con người hạnh phúc. Con người chỉ hạnh phúc khi con người tự kiến tạo ra sự thịnh vượng của chính mình. Vì vậy, chỉ số quan trọng nhất của sự thịnh vượng chính là chỉ số con người, đó là những con người xác định được tiêu chuẩn thịnh vượng, có năng lực tạo ra sự thịnh vượng và phát triển sự thịnh vượng ở chặng tiếp theo của cuộc sống.
Các chỉ số về con người theo những quan điểm quốc tế có rất nhiều loại: chỉ số thông minh, chỉ số giáo dục... nhưng một chỉ số rất quan trọng mà không phải ai cũng nhận ra đó là danh dự bởi suy cho cùng, con người dù thành đạt đến đâu cũng phải tìm thấy danh dự của mình. Danh dự là một chỉ tiêu mang chất lượng tinh thần. Không có danh dự thì con người ta không đủ tự tin để đối thoại với bất kỳ ai. Loài người đã sáng tạo ra văn minh rửa tội để hàng ngày, con người được tắm gội về mặt tinh thần, con người được tái tạo lại các phẩm hạnh, tức là khôi phục danh dự của con người để con người cảm thấy tự tin vào sự trong sáng, vào danh dự của tâm hồn mình. Không có sự nâng đỡ của sự tự tin trong tâm hồn thì con người không phát triển được. Phải khẳng định rằng, ở những quốc gia mà con người không có danh dự thì không có sự thịnh vượng bởi danh dự là chỉ tiêu để làm nguồn vốn phát triển các giá trị tinh thần của con người. Đó là con đường tiến tới những giá trị văn hoá cởi mở hơn, con người không có danh dự thì không đủ tự tin để đứng trước một ai và cũng không thể phát triển các năng lực được. Danh dự là một chỉ số quan trọng để tạo ra những giá trị con người và giá trị con người là năng lực quan trọng nhất để tạo ra sự thịnh vượng và sự ổn định của sự thịnh vượng. Hơn nữa, biểu hiện cộng đồng của danh dự là chủ nghĩa yêu nước. Không có cảm giác danh dự, chúng ta không thể xây dựng chủ nghĩa yêu nước. Không có chủ nghĩa yêu nước thì không thể tạo ra sự thịnh vượng cho toàn xã hội.
Bên cạnh đó, muốn có được sự thịnh vượng thì trước hết, mỗi con người phải tôn trọng cuộc đời của chính mình, tôn trọng cuộc sống của người khác. Mỗi con người phải trở thành một người hoàn thiện, cân đối về mặt tâm hồn và như thế, con người cần một số phẩm chất. Thứ nhất là phải lương thiện. Con người không bắt đầu từ sự lương thiện thì không thể có động lực làm cái gì tử tế được. Thứ hai, phải biết yêu con người. Nếu không bắt đầu từ những động lực thân thiện của mình đối với con người thì rất khó để bổ sung cho mình đủ lượng trí tuệ cần thiết. Vì yêu con người thì phải hiểu những thứ thuộc về con người, đấy là một động lực mang tính thân thiện.
Một con người hoàn thiện là một con người có năng lực. Năng lực của con người thì có rất nhiều như năng lực tổ chức cuộc sống, năng lực hiểu biết, năng lực cạnh tranh... nhưng ở đây tôi muốn đề cập đến hai loại năng lực có quan hệ chặt chẽ đến sự thịnh vượng đó là năng lực hướng dẫn chính trịvà năng lực hợp tác. Trước hết nói về năng lực hướng dẫn chính trịcủa con người. Đây là chỉ số căn bản để thể hiện tính chủ động chính trị của mỗi con người. Ở các nước phi dân chủ, nhà nước thường là tổ chức duy nhất hướng dẫn chính trị mà không biết rằng khi nhà nước là tổ chức duy nhất hướng dẫn chính trị thì con người trở nên thụ động. Vì nhà nước nào cũng có xu hướng hướng dẫn con người theo khuynh hướng nhận thức chủ quan của mình chứ không phải theo đòi hỏi khách quan của đời sống. Do vậy, hướng dẫn chính trị không chỉ là nhiệm vụ của nhà nước mà còn là nhiệm vụ của xã hội, là nhiệm vụ và trách nhiệm của mỗi con người để đảm bảo sự nhận thức toàn diện của cuộc sống.
Thứ hai, là chỉ số về năng lực hợp tác của con người, tôi cho rằng, chỉ số này ngày càng trở nên quan trọng. Để tồn tại và phát triển, từ bao đời nay, mỗi cá nhân, mỗi cộng đồng, dù muốn hay không, vẫn không ngừng hợp tác để chinh phục thiên nhiên hay giải quyết các vấn đề xã hội. Nhưng ngày nay hợp tác, không chỉ là nhu cầu tăng thêm sức lực hoặc trí lực để hoàn thành những mục tiêu chung, mà quan trọng hơn, trở thành nhu cầu tự thân của cuộc sống mỗi cá nhân, mỗi cộng đồng, do quá trình toàn cầu hoá đang làm con người xích lại gần nhau hơn bao giờ hết. Năng lực hợp tác đã trở thành vẻ đẹp, thành đạo đức, lối sống của con người trong xã hội hiện đại. Khả năng hợp tác được coi như thước đo phẩm chất văn hoá cá nhân và cộng đồng, và năng lực hợp tác là một chỉ số quan trọng của xã hội thịnh vượng.
III. NGUỒN GỐC SỰ THỊNH VƯỢNG
Đi tìm nguồn gốc sự thịnh vượng không phải là đi tìm một sự thịnh vượng cụ thể mà chính là đi tìm những động lực, những giá trị tạo ra sự thịnh vượng. Sự thịnh vượng nếu được tạo ra bằng sự di chuyển các đối tượng sở hữu từ nơi này đến nơi khác thì đó chỉ là sự thịnh vượng nhất thời chứ không phải sự thịnh vượng bền vững. Tuy nhiên, chính vì quan niệm đó là một trong những nguồn tạo ra sự thịnh vượng nên đã có một thời gian dài, con người giành giật các quyền sở hữu, thậm chí tổ chức các cuộc chiến tranh chia lại các quyền sở hữu nhưng rồi con người có gì? Sự tan rã các cộng đồng dân tộc cũng như những vết thương chiến tranh kéo dài mà con người phải mất rất nhiều thời gian để chữa lành.
Người ta thường nói đến sự thịnh vượng một cách chung chung và đánh giá nó thông qua sự thịnh vượng của toàn xã hội nhưng sẽ không có một xã hội thịnh vượng nếu mỗi con người chưa nhận thức và phấn đấu cho sự thịnh vượng của chính mình. Nói cách khác, nếu mỗi con người chưa tự giác phấn đấu để đạt được những tiêu chuẩn về sự thịnh vượng của mình thì không có một xã hội thịnh vượng. Một xã hội thịnh vượng là bao gồm nhiều sự thịnh vượng của các cá thể mà sự thịnh vượng cá thể lại bắt nguồn từ lý tưởng của các cá nhân về sự thịnh vượng. Một cách có ý thức, mỗi cá thể phải hoạch định ra lộ trình thịnh vượng của chính mình. Như vậy, nguồn gốc của sự thịnh vượng là con người. Con người vừa là tác giả về tư tưởng của khái niệm thịnh vượng vừa là người lao động tạo ra sự thịnh vượng trên thực tế. Phải hình dung tương lai của sự thịnh vượng vì thịnh vượng nếu không bao gồm lộ trình hoạch định tương lai của nó thì sự thịnh vượng đó chỉ là tạm thời. Một xã hội thịnh vượng là một xã hội no đủ được tạo ra bởi những con người ý thức sâu sắc, rành mạch về các tiêu chuẩn của sự thịnh vượng và con người có chương trình thực tế để tạo ra sự thịnh vượng trong cả những chặng tiếp theo của đời sống. Tuy nhiên, cần phải phân biệt rõ hai khái niệm con người và giá trị của con người, bởi vì, nếu nói nguồn gốc sự thịnh vượng là con người thì số lượng con người cũng là một yếu tố mang chất lượng ưu thế. Nhưng đại bộ phận các quốc gia đông người trên thế giới này là các quốc gia nghèo khổ, lạc hậu và không thịnh vượng. Điều này chứng minh, chất lượng con người tạo ra sự thịnh vượng chứ không phải con người tạo ra sự thịnh vượng. Nói cách khác, nguồn gốc sự thịnh vượng là giá trị của con người, là năng lực của con người, là vẻ đẹp từ sự phong phú về trí tuệ và khả năng của con người.
1. Tâm hồn con người - động lực cơ bản tạo ra sự thịnh vượng
Sự thịnh vượng của một xã hội bao giờ cũng bắt nguồn từ ý tưởng về sự thịnh vượng của mỗi cá thể và ý tưởng sự thịnh vượng của mỗi cá thể lại bắt nguồn từ tâm hồn của mỗi cá thể đó. Do vậy, nếu một dân tộc không khuyến khích sự phát triển của đời sống tâm hồn của mỗi cá thể, dân tộc ấy không có cách gì để phát triển và thịnh vượng được. Chúng ta đã được biết đến những Michelangelo, Leonardo de Vinci, Picasso, Haydon, Beethoven hay Bach... và thấy rằng, đó là những con người với những tâm hồn đã làm rạng rỡ đời sống tinh thần của cả một châu lục. Sự vĩ đại của châu Âu cũng bắt nguồn từ chính những tâm hồn như vậy. Những đỉnh cao vươn tới những giá trị tâm hồn của con người mách bảo rằng, dân tộc nào muốn phát triển thì mỗi con người phải biết trân trọng đời sống tâm hồn của mình, chăm sóc và hoàn thiện nó để đến lượt mình, những tâm hồn ấy lại trở thành sự mách bảo, sự hướng dẫn con người vượt qua những đầm lầy của nhận thức và vươn tới đỉnh cao của sự thịnh vượng.
Đã có một thời gian dài, con người sùng bái phương pháp luận logic biện chứng. Phải thừa nhận rằng, đó là phương pháp khoa học và minh bạch tuy nhiên dường như rất ít người bình thường nào có thể theo đuổi phép biện chứng. Lý do rất đơn giản là mọi con người đều có nguy cơ không trung thực, những khoảng không trung thực về mặt nhận thức do năng lực và đặc tính tự nhiên của con người. Vì thế, không phải lúc nào phương pháp luận logic biện chứng cũng mang lại kết quả trung thực nhất và nếu con người không vận dụng được công cụ quan trọng nhất của một con người là tâm hồn của mình vào quá trình nhận thức thì rất thiệt thòi! Đi tìm lẽ phải bằng tâm hồn và đi tìm lẽ phải bằng phương pháp luận logic đều chân chính nhưng cái gì có lợi hơn, cái gì nhanh hơn và cái gì có hiệu quả hơn? Nhận thức bằng lẽ phải tâm hồn là biểu hiện cao nhất của tự do. Không ai kiểm soát được tâm hồn con người, do đó ở chỗ sâu thẳm ấy con người tự do. Khi nhận thức bằng cái sâu thẳm của tự do thì con người trung thực nhất trong nhận thức, còn khi nhận thức bằng logic, con người vẫn chịu ảnh hưởng của phương pháp luận, của giáo dục. Nói như thế không có nghĩa là con người không cần đến phương pháp logic biện chứng mà con người cần đến logic để truyền bá nhận thức, để diễn đạt. Học tập logic là học tập một loại ngôn ngữ người chứ không phải là rèn luyện con người. Rèn luyện con người là tiệm cận đến tâm hồn, đến sự phát triển tự nhiên của đời sống tâm hồn con người. Sự phong phú về phương pháp luận tạo ra cho con người nhiều cách tiếp cận khác nhau đối với người khác. Còn khi con người tiếp cận với chính mình thì chỉ bằng một cách, đó là đời sống tâm hồn. Đời sống tâm hồn muốn không thui chột, muốn phong phú thì con người phải đa dạng về mặt văn hoá, đa dạng về mặt học thuật, đa dạng về mặt thưởng thức. Phải gắn bó mình với thiên nhiên, phải gắn bó mình với con người. Nếu không gắn bó với thiên nhiên thì tâm hồn khô héo, nếu không còn gắn bó với con người thì mất đi tính nhân hậu vốn có của con người. Nếu chỉ tư duy bằng logic thì con người không có trạng thái tự do về tinh thần và như vậy con người không tiếp cận, không nhận thức được. Sai lầm lớn nhất của con người về mặt triết học là tạo ra nhu cầu đòi hỏi phải xâu chuỗi mọi chuyện, không để cho tâm hồn tự nhiên làm việc ấy mà để cho ý thức làm việc ấy. Ý thức thuần túy bao giờ cũng tạo ra những chuỗi hạt thô kệch, còn đời sống tâm hồn thì tạo ra các chuỗi hạt cực kỳ duyên dáng. Chỉ có tâm hồn mỗi con người mới thuần tuý là của chính mỗi con người. Hãy để tâm hồn tự động tạo ra sự liên kết các trí khôn lại hơn là cố gắng bằng phương pháp luận logic để xâu nó lại. Con người liên kết tất cả các lẽ phải thông qua tình cảm của mình. Tình cảm của con người vươn đến đâu, tạo ra mối liên kết đến đâu thì giá trị của con người hình thành đến đấy.
Tâm hồn là công cụ vạn năng giúp con người vượt ra khỏi ranh giới tự nhiên thông thường để tiến tới những nhận thức hoàn chỉnh, để mường tượng và suy tưởng. Trí tưởng tượng, tình cảm, bản năng của con người chở con người đến những trạng thái nhận thức về những thứ mà con người chưa có kinh nghiệm. Chúng ta phải vận dụng phương pháp luận này để phá vỡ những giới hạn thông thường của nhận thức logic. Đây chính là mối liên hệ biện chứng giữa sự phát triển tâm hồn con người và sự thịnh vượng. Tâm hồn con người chính là động lực cơ bản để tạo ra sự thịnh vượng. Khái niệm thịnh vượng phải được hiểu là sự thịnh vượng của đời sống tâm hồn con người, của lòng tin của con người vào các giá trị của mình.
Một cách tự nhiên, cuộc sống luôn tạo ra những khó khăn, thử thách cho con người nhưng con người cần phải chân thành với chính mình, cần phải đủ dũng cảm để sống chân thật với chính mình thì sẽ nhận ra rằng không có cái gì trên đời này thực sự là thử thách cả. Thử thách hay khó khăn chỉ là cái một người quan sát một người khác thôi, còn đối với một người biết chịu đựng những thử thách của số phận thì thử thách ấy chính là nội dung cuộc sống của họ. Và tâm hồn như một đôi cánh để giúp con người đi qua các khó khăn mà nó không kịp nhận ra sự bất hạnh của nó trong khó khăn hay không ai thật nhận ra thử thách của cuộc đời mình cả nếu họ hoạt động như một con người dũng cảm. Nói cách khác, con người không cảm thấy khó khăn mà cảm thấy tính phải đạo, tính có lý, tính bắt buộc phải hành động vào những lúc khác nhau, những tình huống khác nhau, những trạng thái khác nhau của cuộc đời một con người. Đừng vì sự tỉnh táo, sự khôn ngoan mà đánh mất đi sự trong sáng của đời sống tâm hồn, vì nếu đánh mất nó thì con người sẽ trở thành một kẻ lữ hành bằng cách đi bộ trên mặt đất đầy chông gai. Nếu giữ được sự trong sáng của đời sống tâm hồn thì chúng ta sẽ thấy đôi lúc mình đang bay chứ không phải đi bộ. Vì thế, con người không bao giờ được quên nhiệm vụ chăm sóc sự phong phú, sự trọn vẹn của đời sống tinh thần. Phải không ngừng hoàn thiện mình, hoàn thiện lòng dũng cảm và ý chí của mình. Con người tìm kiếm sự yêu mến của người khác đối với mình bằng tâm hồn, bằng chính sự dịu dàng của đời sống tâm hồn. Con người chinh phục người khác bằng sức mạnh vô song của ý chí của mình. Con người thu hút người khác bằng sự phong phú và uyên thâm của đời sống trí tuệ của mình. Đi tất cả các tầng kiến thức là những bước cơ bản của sự hoàn thiện, tạo ra con người hoàn thiện.
2. Sự đa dạng tinh thần - Điều kiện quan trọng nhất tạo ra sự thịnh vượng
Ở phần trước, tôi đã nêu lên vấn đề chúng ta cần phải xác lập các tiêu chuẩn để tìm ra cấu trúc của sự thịnh vượng, trong đó tiêu chuẩn quan trọng nhất là các chỉ số con người. Bởi vì, thực chất, nghiên cứu cấu trúc của sự thịnh vượng chính là nghiên cứu cấu trúc phong phú của đời sống tinh thần con người, sự cao quý của tinh thần con người. Sự phong phú của đời sống tinh thần con người chính là vườn ươm các giải pháp để phát triển. Nếu con người không phong phú thì con người không có các kinh nghiệm tình huống, con người không ứng xử đủ linh hoạt để tạo ra các giải pháp phát triển và do đó con người luôn lỡ nhịp trước sự phát triển. Vậy cái gì làm cho con người không bỏ lỡ cơ hội của mình? Đó chính là sự đa dạng tinh thần - nguồn gốc tạo ra sự đa dạng các giải pháp để ứng phó với đời sống phát triển, hay giúp con người chớp được thời cơ phát triển. Sự phong phú và sự đa dạng ấy chính là nguồn gốc của sự thịnh vượng, nó đóng vai trò ban đầu trong việc tạo ra sự thịnh vượng.
Sự phát triển nào cũng tạo ra sự thịnh vượng và ngược lại, sự thịnh vượng luôn luôn là kết quả của sự phát triển. Sự phong phú, đa dạng của các phôi kinh nghiệm tạo ra các hạt giống của sự phát triển, tạo ra sự ứng phó với sự phát triển và giúp con người không bỏ lỡ các cơ hội phát triển. Vấn đề là phát triển cái gì? Nếu con người mải mê đi tìm cơ hội để giàu có về vật chất mà quên mất rằng sự phát triển đầu tiên được xét đến phải là sự phát triển con người, sự phát triển trí tuệ và các khả năng, thì con người cũng không thể có sự giàu có về vật chất. Do đó, trước hết, mỗi người phải hiểu biết, phải ham hiểu biết để ngày càng có tri thức rộng hơn nữa và không tự mãn. Khi con người hiểu biết con người rất đẹp, đời sống trí tuệ tạo ra một vẻ đẹp kỳ lạ cho con người. Không ai nói, không ai tự khoe sự hiểu biết, nhưng sự hiểu biết giống như một vi lượng làm bừng sáng khuôn mặt và làm cao quý hành vi của con người. Con người có thể thiếu kinh nghiệm nhưng không có cách nào để trở thành một con người hoàn chỉnh, một nhà quản lý hay một nhà lãnh đạo hoàn chỉnh nếu con người không lao động trí tuệ. Nói cách khác, để trở thành một người bình thường nhưng hoàn chỉnh thì trước hết con người phải lao động, đầu tiên là lao động trí tuệ. Không có năng lực lao động trí tuệ thì con người không thể nhận biết được các cơ hội. Nếu con người không có trí tuệ thì chẳng khác gì một kẻ mù loà gặp gỡ chân lý. Liệu chúng ta có thể chấp nhận thân phận của một kẻ mù loà đứng trước sự mênh mông của nhiệm vụ, của cơ hội? Chúng ta không biết chúng ta đang tiếp xúc với cái gì. Có bao giờ các bạn tự hỏi tại sao mình lại ngốc nghếch bỏ lỡ cơ hội không? Cái gì khiến chúng ta bỏ lỡ các cơ hội? Đó chính là sự mù loà nhận thức. Chúng ta không biết vì sao chúng ta phạm tội, chúng ta không biết tại sao chúng ta nghèo, thậm chí chúng ta không biết tại sao chúng ta may mắn, tại sao chúng ta lại có tiền trong túi? Tiền đến trong túi chúng ta bằng con đường nào? Bằng sự nhận biết của chúng ta, bằng sự cống hiến của chúng ta, bằng sự thông thái của chúng ta hay bằng sự may mắn của chúng ta? Không phải cứ trả lời các câu hỏi thì trở thành Socrate. Socrate như núi lửa, nếu ngày đêm không nung nấu ở bên trong mình những dòng nham thạch của trí tuệ thì khi bị chọc thủng, nó không thể chảy ra chân lý được. Chân lý là kết quả của sự hun đúc các dòng thông tin và sự lựa chọn các phương pháp tiếp cận đến những chặng khác nhau của khái niệm hay đến chân lý mới hơn, những khái niệm mới hơn. Nhưng con người có khả năng lao động trí tuệ không thì lại phụ thuộc vào sự đa dạng của đời sống tinh thần bởi sự đa dạng của đời sống tinh thần tạo ra cho con người sự phong phú của các ngã rẽ, của các phôi kinh nghiệm để con người có khả năng ứng phó được trước sự lắt léo của đời sống. Nói cách khác, trí tuệ của con người liên quan chặt chẽ đến sự đa dạng tinh thần của nó. Sự phong phú, giàu có của trí tuệ được nuôi dưỡng bởi sự đa dạng, đến lượt mình, mỗi trí tuệ phong phú lại làm tăng chất lượng của sự đa dạng.
Không có sự thịnh vượng cho những kẻ mù loà về trí tuệ và nhận thức, những kẻ đơn nguyên trong đời sống tinh thần. Sự thịnh vượng chính là hệ quả của trí tuệ con người và trí tuệ con người là nguồn gốc của trí tuệ dân tộc. Tuy nhiên, giống như trong một khóm hoa không phải mọi cái đều là hoa; còn có lá, có lá khô, lá sâu, và trong một khóm hoa như thế, không phải cái gì có tiềm năng hoa cũng trở thành hoa, có những cái chết trong khi những cái sống đang nở rộ bên cạnh; quy luật của sự phát triển cũng không đồng đều đối với các cộng đồng. Mỗi cá nhân có mức độ nhận thức khác nhau, nhưng nếu mật độ của con người có năng lực nhận biết cơ hội thấp thì không thể có các quốc gia thịnh vượng. Sự thịnh vượng của các quốc gia là kết quả của tỷ lệ hợp lý của những người có năng lực nhận biết cơ hội của mình. Song, nhận biết cơ hội vẫn chưa đủ, sự thông tuệ thuần tuý cũng chưa đủ, mà bên cạnh đó, con người còn phải có cả nghị lực. Mỗi con người cần phải vừa có trí tuệ phong phú, vừa có chương trình hành động thiết thực, vừa có ý chí nghị lực để theo đuổi các mục tiêu đã được thiết lập một cách đúng đắn và chủ động thông qua hoạt động trí tuệ của mình. Điều đó có nghĩa là, con người vừa phải có năng lực nhận biết, vừa có năng lực triển khai hay hiện thực hoá các năng lực của mình để đi đến sự thịnh vượng.
3. Cảm hứng và khát vọng vươn tới sự thịnh vượng
Để tạo ra sự thịnh vượng, con người không chỉ cần năng lực mà còn cần cả cảm hứng. Một dân tộc không có cảm hứng, một con người không có cảm hứng, rất nhiều người lười biếng bởi vì không đủ cảm hứng và không còn khát vọng để đi tìm cái gì hơn nữa (có người gọi đó là "hội chứng đủ") thì không thể phát triển được. Vậy làm như thế nào để cấu trúc tinh thần của con người phát triển một cách cân đối? Nếu không xác định được sự cân đối giữa cảm hứng và khả năng thì không thể có sự thịnh vượng đúng đắn bởi cảm hứng phải đi liền với khả năng phát triển. Vấn đề đặt ra là làm thế nào xác lập được sự cân đối giữa các giá trị có tính chất năng lực của con người với cảm hứng của con người, bởi vì nếu không có sự cân đối đó, cảm hứng sẽ không sinh ra sự sáng tạo mà thậm chí có thể dẫn tới sự phá hoại khi con người không ý thức được hành động của mình. Do đó, cảm hứng rất cần thiết nhưng chúng ta phải biết cách kiểm soát nó.
Làm thế nào để kiểm soát được cảm hứng? Chỉ có cảm hứng của trí tuệ là thứ cảm hứng được kiểm soát. Ai đó từng nói một câu rất hay: Chúng ta cần sự nổi giận của trí tuệ chứ không cần trí tuệ của sự nổi giận. Làm thế nào để điều chỉnh quá trình như vậy? Phải tạo ra được những thể chế mà ở đấy ngay cả cảm hứng cũng cần được điều chỉnh, con người không thể nào để cho cảm hứng của mình thể hiện tất cả mọi thứ một cách mù quáng. Nhưng ngược lại, cũng có một cực khác là tiêu diệt hết cảm hứng và làm cho con người khô khốc trong sự tỉnh táo. Liệu như thế thì còn phát triển nữa không? Trong một xã hội mà người ta không muốn làm gì cả, con người bằng lòng với sự nghèo khổ và tìm cách thiêng liêng hoá sự nghèo khổ của mình, lúc đó, cảm hứng bị dồn nén và biến thành hoài cổ. Chủ nghĩa hoài cổ hay lòng yêu chuộng quá khứ là một trong những biểu hiện chiều ngược lại của sự phát triển, đấy cũng là sự dồn nén các cảm hứng. Như vậy, cảm hứng là vô cùng quan trọng nhưng chỉ có cảm hứng được dẫn dắt bởi lẽ phải và được soi sáng bởi sự hiểu biết mới đem lại những hiệu quả tích cực.
Duy trì cảm hứng sáng tạo chính là khát vọng vươn tới sự hoàn thiện của con người. Sự thịnh vượng nằm trong chính khát vọng ấy. Con người hoàn thiện chính mình, hoàn thiện chính các sản phẩm của mình, các cách thức của mình và hoàn thiện các rung động của mình. Nguồn gốc của sự thịnh vượng không chỉ là trí tuệ. Trí tuệ cũng vẫn chưa đủ để tạo ra sự thịnh vượng, bởi nếu nói đến hội họa chẳng hạn thì trí tuệ trong hội họa là gì? Tất cả các trường hội họa nổi tiếng trên thế giới đều dạy về những tác phẩm mà những người sáng tạo ra chúng chưa được học ở một trường nào như thế. Nói cách khác, trường học chỉ là nơi nhân bản các kết quả sáng tạo vĩ đại mà con người ngẫu nhiên tìm thấy trên chặng đường vươn tới sự hoàn thiện. Vậy cái gì tạo ra những thứ ấy? Muốn đi tới sự thịnh vượng thì con người phải bay bằng trí tưởng tượng. Tôi luôn tự hỏi tại sao phương Tây trở nên vĩ đại? Tại sao châu Âu mặc dù về sự phát triển kinh tế thì không thể so sánh với Hoa Kỳ và mỗi nước thành viên châu Âu đều bé nhưng lại thảo luận một cách rất bình đẳng với Hoa Kỳ? Bởi vì sự thịnh vượng là trạng thái thăng hoa của con người, và do vậy, chúng ta không thể bê nguyên xi kinh nghiệm cùng với các công cụ đo đạc một cách vật chất và tầm thường để nghiên cứu sự thăng hoa của con người.
Con người phải giữ gìn khát vọng vươn tới sự phong phú trong đời sống trí tuệ của mình bởi vì nếu không có nó, con người không phát triển được. Và nói cho cùng, khi mất đi các phẩm chất tinh thần thì thật ra con người đã chết. Sự khô héo của tâm hồn, sự lỗi thời của trí tuệ, sự biến mất của xúc cảm làm con người chết dần chết mòn. Bởi vậy, con người phải biết giữ gìn, biết chăm sóc khát vọng vươn tới sự hợp lý và sự phong phú trong đời sống trí tuệ để duy trì sự ổn định của các giá trị tinh thần. Duy trì đời sống tinh thần tươi tắn và cao quý chính là nghệ thuật quan trọng nhất để giữ gìn các giá trị của mình trong thước đo của người khác.
4. Tầng lớp trí thức - Nơi khơi nguồn cho cảm hứng thịnh vượng
Nói đến nguồn gốc của sự thịnh vượng không thể không nói đến vai trò của một tầng lớp đặc biệt trong xã hội đó là tầng lớp trí thức. Ở những quốc gia đang phát triển, thật khó có thể nói đến sự thịnh vượng khi chưa có một tầng lớp trí thức thực thụ. Bởi nghiên cứu các nước thế giới thứ ba chúng ta thấy rằng, có ba sự khác biệt so với các nước phát triển, đó là sự khác biệt về văn hoá, khác biệt về sự phát triển, khác biệt về chính trị. Ba sự khác biệt này tạo ra tình trạng lạc hậu và đang trì níu sự phát triển của các chính các quốc gia này. Do đó, nếu không tái thiết lại được không gian tinh thần thì không thể hy vọng có được sự phát triển đúng đắn. Vậy, làm thế nào để thống nhất tất cả các sự khác biệt ấy để tạo ra sự thuận lợi cho con người ở các nước này tái thiết lại đời sống tinh thần của mình? Bí quyết sự thịnh vượng nằm trong chính mỗi con người, trong sự thịnh vượng của đời sống tinh thần, đời sống trí tuệ của mỗi con người. Một dân tộc muốn phát triển tức là muốn có tương lai thịnh vượng thì dân tộc ấy phải có năng lực trí tuệ và tâm hồn phong phú. Năng lực trí tuệ của một dân tộc được thể hiện dưới sự tập hợp đội ngũ trí thức.
Xã hội nào cũng cần đến tầng lớp trí thức vì họ là đại diện cho khuynh hướng tự nhiên của đời sống con người. Đó là tầng lớp cao nhất, là lý tưởng của đời sống cộng đồng. Về mặt thẩm mỹ, kinh tế, chính trị, văn hoá, đây là tầng lớp có tố chất đại diện. Tầng lớp trí thức của xã hội là tầng lớp mà ngay cả trong trường hợp tan rã của một nhà nước, họ vẫn có quyền đại diện một cách rực rỡ cho các khuynh hướng, cho các vấn đề khác nhau của xã hội. Tuy nhiên, tầng lớp trí thức chân chính phải là tầng lớp để nghĩ, tầng lớp có tinh thần trách nhiệm, có lòng yêu nước, yêu con người, biết khám phá, có trách nhiệm với nỗi bất hạnh của con người chứ không phải là tầng lớp a dua chính trị. Tầng lớp trí thức là bộ não của cấu trúc dân cư, thể hiện khuynh hướng sự phát triển, đó là bộ máy nghĩ, là nơi xác lập tính khuynh hướng phát triển. Do đó, tầng lớp trí thức là nơi khơi nguồn cho những ý tưởng về sự thịnh vượng. Tuy vậy, như thế không có nghĩa là tầng lớp trí thức là nguồn duy nhất cung cấp ý tưởng về sự phát triển, về sự thịnh vượng bởi một xã hội thịnh vượng phải bắt nguồn từ ý tưởng về sự thịnh vượng của tất cả mọi cá thể. Ý tưởng về sự thịnh vượng từ tầng lớp trí thức là một nguồn chứ không phải là tất cả nguồn. Và những ý tưởng của tầng lớp trí thức cũng chỉ được dùng để gợi ý, để hướng dẫn chứ không phải để áp đặt con người bởi con người là đa dạng. Tầng lớp trí thức cũng chứa đựng khuynh hướng lịch sử của cả một dân tộc, vì nếu không có quá khứ thì không đại diện được. Không có giới trí thức thì không có người đối thoại, vì người đối thoại phải mang chất lượng đại diện. Dân tộc nào cũng cần tầng lớp trí thức của mình vì con người cần người đại diện và đại diện cho nhiều khuynh hướng khác nhau. Do vậy, xây dựng đội ngũ trí thức lành mạnh chính là công việc thường xuyên để tái thiết lại không gian tinh thần cho một dân tộc, đó là không gian duy trì sự phát triển ổn định và thúc đẩy sự thịnh vượng của mỗi dân tộc, mỗi quốc gia.
Sự thịnh vượng của một cá nhân trong phạm vi cá thể là đời sống tâm hồn, nhằm tạo ra cảm hứng phát triển cá nhân, cảm hứng làm tiền đề để tái sinh các chức năng tự nhiên của con người. Mỗi cá nhân phải xác định được điều đó. Trong một cộng đồng xã hội, đội ngũ trí thức tạo ra cấu trúc còn văn hoá tạo ra miền cảm hứng, yếu tố cảm hứng, yếu tố tâm hồn trong đời sống của một dân tộc. Như vậy, đội ngũ trí thức trong xã hội hiện đại bao gồm hai tầng: tầng năng lực và tầng tài năng. Tầng năng lực tạo ra cấu trúc tri thức của xã hội còn tầng tài năng tạo ra toàn bộ khát vọng phát triển của xã hội, điều chỉnh nhịp điệu tâm hồn của đời sống.
IV. TỰ DO - CON ĐƯỜNG DẪN ĐẾN SỰ THỊNH VƯỢNG
Như trên đã nói, sự thịnh vượng của một quốc gia được quy định bởi nguồn gốc của nó, đó là giá trị con người. Ở nơi nào, sự thịnh vượng được tạo ra bởi sự đúng đắn của một số chính sách của nhà nước, bởi sự khai thác các nguồn tài nguyên tự nhiên thì đó chỉ là sự thịnh vượng tạm thời. Chỉ khi nào sự thịnh vượng được xác lập bằng sự sáng tạo của con người thì đó mới là sự thịnh vượng bền vững, sự thịnh vượng có giá trị xã hội. Vậy yếu tố nào tạo ra sự thịnh vượng bền vững hay sự thịnh vượng chân chính?
Thật khó có thể nói, sự thịnh vượng vật chất quan trọng hơn sự thịnh vượng tinh thần hay ngược lại nhưng có thể thấy rằng nếu không có những động lực tinh thần thì con người không vượt qua được sự ngăn cách về mặt địa lý để có thể thu về các giá trị vật chất, đấy là chưa nói đến chuyện sáng tạo ra chúng. Nếu không có sự dũng cảm của người châu Âu thì không thể có đế quốc Tây Ban Nha, đế quốc Pháp, đế quốc Anh, hay Khối Thịnh vượng Chung. Nước Mỹ cũng là một cường quốc lớn của thế giới, nhưng động lực tạo ra sự thịnh vượng của họ lại khác. Nước Mỹ trở thành một quốc gia thịnh vượng bởi động lực của họ là tự do, nghĩa là tổ chức hợp lý đời sống để cho mỗi người tự tạo ra các giá trị của bản thân. Vì thế, tôi cho rằng, điều kiện tiên quyết, quan trọng nhất tạo ra sự thịnh vượng chân chính là tự do. Bởi tự do sinh ra con người và con người tạo ra tất cả những cái còn lại cho mình. Trong rất nhiều nghiên cứu trước, chúng tôi đã kết luận rằng, tự do không còn là quyền chính trị mà là quyền phát triển, phát triển các năng lực cá nhân, năng lực con người, đến lượt nó, các năng lực con người đảm bảo tính ổn định của sự thịnh vượng. Năng lực con người sẽ xúc tiến tỷ lệ phần trăm mà con người tạo ra thịnh vượng trong toàn bộ quá trình sáng tạo của cả một dân tộc. Sự thịnh vượng của một dân tộc hay quốc gia có thể được tạo ra từ nhiều nguồn, tài nguyên, rừng vàng biển bạc là một nguồn, sự sáng suốt của các kế sách chính trị cũng là nguồn. Nhưng năng lực con người mới là nhân tố quan trọng nhất tạo ra sự thịnh vượng lành mạnh.
Khi đã tìm ra nguồn gốc của sự thịnh vượng thì chúng ta phải tiếp tục đi tìm con đường dẫn đến sự thịnh vượng. Sự thịnh vượng bắt đầu từ con người chính là sự thịnh vượng bền vững. Muốn sự thịnh vượng bền vững thì con người phải bền vững. Muốn con người bền vững thì không gian chính trị của nó phải bền vững và đó chính là không gian mà người dân làm chủ, là tự do được đảm bảo bằng các thể chế dân chủ. Nói cách khác, sự thịnh vượng có mối quan hệ gắn bó mật thiết với tự do. Nếu không có tự do thì con người không thể có đời sống tâm hồn phong phú, không thể có sự đa dạng tinh thần, không thể có cảm hứng và khát vọng vươn tới sự thịnh vượng, tức là không có cả nguồn gốc của sự thịnh vượng. Do vậy, nghiên cứu sự thịnh vượng mà không nghiên cứu phương tiện hay con đường dẫn đến nguồn gốc của nó thì chưa đủ.
1. Mối quan hệ giữa tự do và sự thịnh vượng
Tự do và thịnh vượng là cặp phạm trù vô cùng quan trọng. Tự do là nguồn gốc của sự phát triển của con người. Nếu không có tự do thì không có tiền đề, không có không gian ban đầu, không có sự sạch sẽ tâm hồn để con người tiếp nhận tất cả các khả năng tìm kiếm lối thoát phát triển. Do vậy, logic của sự thịnh vượng cũng phải bắt đầu từ tự do cộng với các giải pháp khác như dân chủ để đảm bảo thể chế hoá tự do, đảm bảo sự ổn định của tự do, giữ gìn các quyền tự do. Tiếp theo, con người cần phải tiến hành các cuộc cải cách theo đòi hỏi của cuộc sống nhằm tạo ra sự phát triển tự do của chính đời sống con người. Phát triển tự do trong đời sống con người chính là phát triển năng lực của con người. Phát triển năng lực của con người là cội nguồn của sự thịnh vượng. Tuy nhiên, trong mối quan hệ biện chứng với sự thịnh vượng, chúng ta không nói đến tự do một cách chung chung mà phải nói đến tự do một cách cụ thể. Vậy tự do là gì ? Tự do là một không gian mà ở đấy con người không bị áp đặt, con người tự mình cân bằng với chính mình và tự mình cân bằng với chính đời sống.Tự do là ở đấy mà tất cả các quyền cơ bản của con người được xác lập, được bảo vệ, được tôn trọng, nó tạo ra một không gian chính trị để con người có thể thực hiện các hành vi của mình song song với ý nghĩ. Nói cách khác, tự do được tập hợp dưới các quyền để tạo ra các không gian chính trị mà ở đấy con người có quyền hành động dựa trên nhận thức của mình về các tất yếu hay đó là không gian bên ngoài. Một cách cụ thể hơn thì đó là sự tự do đối với nhà cầm quyền, tự do đối với nhau, và tự do trong tương tác giữa các lực lượng xã hội. Nhưng tự do không chỉ có thế, tự do còn có nội hàm, có nội dung quan trọng đó chính là con người phải tự do với chính mình, con người không trói buộc mình, con người có thể tự giải phóng mình ra khỏi chính mình để đảm bảo rằng con người giữ được sự đa dạng tinh thần và lẽ phải tâm hồn của mình. Như thế, tự do gồm hai không gian rất rõ ràng, thứ nhất là không gian tự do bên ngoài là thể chế, là pháp luật để đảm bảo rằng con người có đầy đủ các quyền của nó… Thứ hai là không gian bên trong của đời sống tâm hồn con người chính là con người có quyền ra khỏi bản thân mình, có quyền dịch chuyển ý nghĩ của mình, có quyền thay đổi khuynh hướng của mình, tóm lại là con người linh hoạt, không bị giam hãm bởi chính mình.
2. Tự do bên ngoài và sự thịnh vượng
Chúng ta hãy cùng xem xét mối quan hệ giữa không gian tự do bên ngoài của con người và sự thịnh vượng. Một cách khái quát nhất, có thể hiểu không gian tự do bên ngoài là không gian được xây dựng từ sự nhượng bớt tự do của mỗi con người và không gian này được đảm bảo bằng thể chế, pháp luật... hay bằng tất cả những công cụ mà con người tự do thảo luận với nhau và xây dựng nên. Không gian tự do bên ngoài rất quan trọng bởi nó chính là không gian đảm bảo cho các quyền tự do của con người như quyền tự do kinh tế, tự do ngôn luận, tự do chính trị... Nói cách khác, các quyền tự do chính là nội dung của không gian tự do bên ngoài của con người và khi các quyền tự do của con người được tôn trọng thì con người mới có đủ điều kiện tìm kiếm sự thịnh vượng. Trong rất nhiều quyền tự do như thế trước hết nói về quyền tự do kinh tế. Chúng ta đều biết rằng, làm kinh tế là một trong những hoạt động bản năng nhất của con người vì thế, bản thân tự do kinh tế không chỉ là mục đích mà còn là cơ sở để đạt các quyền tự do khác. Khi con người không được tự do làm kinh tế thì rất khó để nói đến những quyền tự do khác. Hơn nữa, tự do kinh tế luôn đóng một vai trò quan trọng trên con đường vươn tới sự thịnh vượng bởi xét cho cùng, 3/4 nhân loại vẫn còn bị giày vò bởi sự thiếu thốn về vật chất, và tự do kinh tế có ý nghĩa như một cuộc giải phóng con người ra khỏi đói nghèo và lạc hậu.
Trước hết, chúng ta cần tìm hiểu thế nào là khái niệm tự do kinh tế. Tự do kinh tế nghĩa là con người được quyền tự do làm kinh tế theo trí tưởng tượng của mình. Nói một cách cụ thể hơn thì tự do kinh tế nghĩa là loại bỏ toàn bộ sự kiểm soát của chính trị đối với quyền làm kinh tế của công dân. Các yếu tố biểu hiện sự tự do kinh tế là sự lựa chọn cá nhân, trao đổi tự nguyện, tự do cạnh tranh và bảo vệ con người cùng sở hữu của nó. Các thể chế và chính sách phù hợp với sự tự do kinh tế khi nó cung cấp cơ sở cho sự trao đổi tự nguyện và bảo vệ các cá nhân và tài sản của con người. Nhà nước hay bất kỳ một tổ chức nào cũng không thể làm kinh tế thay con người được bởi thực tế đã chứng minh rằng ở đâu con người được tự do làm kinh tế thì ở dấy con người no đủ và giàu có. Con người phải tự làm ra kinh tế, con người tự chủ về kinh tế thì con người mới độc lập về suy nghĩ và hành động, con người mới có danh dự và tự trọng, những phẩm chất quan trọng để chứng minh rằng đó là con người phát triển. Do vậy, tự do kinh tế là môi trường cho các tài năng có cơ hội phát triển. Nhờ đó nhân lực, vật lực, tài lực và trí tuệ có cơ hội thuận lợi phát triển làm cho nền sản xuất quốc gia phong phú và đất nước trở nên thịnh vượng.
Không thể không nhận ra vai trò của tự do kinh tế đối với sự thịnh vượng của một quốc gia, đặc biệt, trước sức ép của quá trình toàn cầu hoá và sự cạnh tranh quyết liệt giữa các nhóm nước, các khu vực, các quốc gia chậm và đang phát triển đã dần phải công nhận khu vực kinh tế tư nhân. Nhưng chỉ công nhận quyền tự do kinh tế thì chưa đủ mà các quốc gia đang phát triển còn phải thừa nhận quyền sở hữu cá nhân. Quyền sở hữu là một trong những điều kiện cơ bản và cần thiết nhất của con người. Có sở hữu thì con người mới có nhu cầu lập ra các khế ước xã hội, nhà nước và pháp luật nhằm bảo vệ sở hữu của mình. Nếu không công nhận quyền quyền sở hữu hay ý thức sở hữu của con người đối với những đối tượng cụ thể thì con người đã bị tước bỏ một phần quan trọng để có thể có kinh nghiệm ban đầu về các quyền của mình và ý thức về một xã hội thịnh vượng cũng đồng thời bị tiêu diệt. Quyền sở hữu cá nhân còn là cảm hứng quan trọng nhất để khuyến khích mỗi cá nhân sáng tạo, mỗi cá nhân phát triển và do đó, nó là nền tảng của một xã hội thịnh vượng.
Khi nói đến không gian tự do bên ngoài của con người, không thể không nói đến quyền chính trị bởi trong tất cả những tác động lên cuộc sống mà con người tiến hành thì chính trị có tác động rõ rệt nhất. Sự thay đổi chất lượng của các không gian chính trị là tiền đề để thay đổi các yếu tố của đời sống tinh thần, đời sống vật chất của con người. Vì thế, sự thịnh vượng của một quốc gia còn được quyết định bởi hệ thống chính trị. Và vì hệ thống chính trị đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của một quốc gia nên hệ thống chính trị phải linh hoạt, phải tự do và từ đó, quyền tự do chính trị trở thành một đòi hỏi tất yếu của các quốc gia trên con đường tiến tới sự thịnh vượng.
Trong cuộc sống hàng ngày, con người không cảm nhận hết những tác động của chính trị lên đời sống kinh tế, đời sống văn hóa của mình nhưng thực ra chính trị có mặt trong tất cả các không gian sống của con người. Cũng giống như tự do kinh tế, tự do chính trị nghĩa là quyền con người tự do lựa chọn các khuynh hướng chính trị khác nhau. Con người không thể bị trói buộc vào một khuynh hướng chính trị nào cả bởi con người đi trong sự hướng dẫn của các tiêu chuẩn chính trị. Nếu chỉ có một khuynh hướng chính trị thì con người buộc phải theo khuynh hướng đó và khi bị trói vào một khuynh hướng duy nhất thì con người mất đi khả năng nhận thức các khuynh hướng khác.
Trả lại con người tự do để con người có cơ hội nhận thức nhiều khuynh hướng chính trị khác nhau của cuộc sống, để chuẩn bị và trang bị cho mình đủ kỹ năng bươn chải trong cuộc sống là một yêu cầu khẩn thiết ở các quốc gia kém và đang phát triển. Nếu không có tự do chính trị thì con người không thể có tự do kinh tế bởi chính trị là yếu tố bảo trợ, xúc tiến cho sự phát triển của kinh tế. Tự do chính trị là tạo ra không gian tinh thần để con người phát triển năng lực, không có sự phát triển năng lực của con người thì không thể tổ chức sự phát triển về kinh tế được, do vậy, tự do chính trị là đòi hỏi tất yếu của quá trình phát triển, là đòi hỏi khách quan của sự phát triển, thậm chí nó chính là không gian của sự phát triển. Tự do chính trị còn tạo ra môi trường lành mạnh thúc đẩy cảm hứng sáng tạo của con người. Không có tự do chính trị thì con người không yên ổn sáng tạo được bởi sáng tạo để làm gì nếu bỗng nhiên sáng tạo ấy của con người đi chệch hướng quỹ đạo chính trị đã được định sẵn? Và sự lo sợ về khả năng chệch khỏi quỹ đạo chính trị hay chỉ được sáng tạo trong một khuôn khổ định sẵn sẽ giết chết cảm hứng sáng tạo, khát vọng sáng tạo của con người và do đó, con người không còn cảm hứng vươn tới sự thịnh vượng.
Con người được sinh ra không chỉ là một thực thể sinh học thuần tuý mà còn là một thực thể văn hoá, triết học và chính trị. Do vậy, nói đến con người không thể không nói đến môi trường văn hoá của nó, nơi đó, nhân cách và phẩm chất của con người được hình thành và hoàn thiện. Văn hoá là kết quả của hình ảnh tự nhiên, kinh nghiệm hoặc thói quen của đời sống con người trong sự tương tác của cộng đồng nó với chính nó, và sự tương tác của cộng đồng nó với các cộng đồng khác, thậm chí còn là sự tương tác của các cộng đồng con người với thời gian. Do vậy, văn hoá là bức tranh phản ánh rõ rệt nhất đặc thù, lối sống cũng như đời sống tinh thần của một dân tộc. Chính vì văn hoá là một lĩnh vực rất quan trọng của đời sống nên hầu hết các nhà chính trị đều nhận ra rằng, không có sự hỗ trợ của văn hoá thì họ khó có thể cầm quyền một cách yên ổn được. Vì thế, xu hướng tác động vào văn hoá, biến văn hoá trở thành một công cụ hỗ trợ việc cầm quyền là một thực tế phổ biến ở nhiều quốc gia. Tuy nhiên, càng ngày người ta càng nhận ra những mặt trái của sự tác động này vì suy cho cùng, sự can thiệp của con người vào văn hoá sẽ khiến văn hoá không còn là sản phẩm tự nhiên nữa. Đến lượt mình, sự phi tự nhiên ấy sẽ tác động lên đời sống tinh thần của con người, làm biến dạng đời sống tinh thần, thậm chí làm mất đi tính đa dạng của đời sống tinh thần con người.
Như trên chúng tôi đã chỉ ra rằng, sự thịnh vượng chỉ đến khi mỗi con người có sự đa dạng tinh thần và sự đa dạng tinh thần chỉ được đảm bảo khi con người có tự do tinh thần. Do vậy, trả lại tự do cho văn hoá, tức là khôi phục lại trạng thái tự do và phi chủ quan của việc áp đặt các giá trị văn hoá là biện pháp để khôi phục lại sự đa dạng của đời sống tinh thần con người. Tự do văn hoá là không áp đặt các giá trị văn hóa, làm cho tự do trở thành công nghệ chủ yếu để hình thành các giá trị mang chất lượng văn hoá. Tự do văn hoá còn thể hiện ở việc con người có cơ hội tự do va đập, tự do tiếp nhận các giá trị văn hóa trong quá trình giao lưu giữa các cộng đồng. Cùng với sự phát triển của toàn cầu hoá, sự giao lưu kinh tế đã kéo theo sự giao lưu văn hoá bởi suy cho cùng, các giá trị văn hoá có động lực cấy ghép ở trong các giá trị vật chất cụ thể. Nhưng sự giao lưu văn hóa ấy, một số quốc gia đã cường điệu gọi là sự xâm lược văn hoá mà không biết rằng đó là sai bởi vì mỗi con người, trong thời đại toàn cầu hoá, cần phải sống, phải giao lưu, phải tiếp xúc với những cộng đồng khác ngoài cộng đồng của mình. Muốn vậy con người phải có kinh nghiệm của các nền văn hoá khác. Sự áp đặt chủ quan ngay từ đầu của các chính sách hay của sự hướng dẫn chính thống rằng đó là sự xâm lược văn hóa đã khiến con người mất đi cơ hội va đập hoặc nhận thức một cách tự nhiên. Tất nhiên, không phải yếu tố văn hóa nào khi du nhập vào một cộng đồng đều phù hợp với phong tục và thẩm mỹ của cộng đồng ấy nhưng tiêu chí để nhận thức và chọn lọc các yếu tố văn hóa phải được diễn ra một cách tự do. Mỗi con người phải mình làm việc ấy, nói cách khác, nhận thức đúng sai là công việc của mỗi người. Con người phải đi qua cái sai thì mới có kinh nghiệm của cái đúng và những người phát triển là những người biết học cái đúng từ cái sai. Nói tóm lại tự do cho con người trong việc lựa chọn những giá trị văn hoá mà mình yêu thích là một trong những khía cạnh quan trọng nhất trên con đường tiến tới sự thịnh vượng của mỗi quốc gia. Bởi đó là cách tạo ra sự phong phú của đời sống tinh thần – nguồn gốc tạo ra sự thịnh vượng.
3. Tự do bên trong và sự thịnh vượng
Phải thấy rằng, với mỗi con người, cái khó nhất không phải là tự do với nhà cầm quyền mà là tự do với chính bản thân mình. Bởi khi các điều kiện xã hội đủ tự do cho con người nhưng con người vẫn không phát triển, không dịch chuyển theo các khuynh hướng đã được xác định là tích cực thì làm sao con người đạt đến sự thịnh vượng? Do vậy, không gian tự do bên ngoài là quan trọng nhưng không gian tự do bên trong mỗi con người mới là không gian quyết định sự phát triển của nó. Nếu mỗi con người không tự do với chính mình, không ra khỏi định kiến và quá khứ của chính mình thì không thể có sự thịnh vượng. Nói cách khác, nếu không có những động lực tinh thần thì con người không có khát vọng đi tìm sự đúng đắn, nếu không có khát vọng sự phát triển thì con người sẽ không phát triển và không phát triển thì làm sao có sự thịnh vượng? Vì thế, chỉ khi miền tự do bên trong của con người chứa đựng đủ khát vọng phát triển, khát khao khẳng định năng lực của mình, khát vọng cống hiến của mình thì điều kiện tự do bên ngoài mới trở nên có ý nghĩa và quan trọng hơn, con người mới đòi hỏi không gian tự do bên ngoài đảm bảo cho quá trình dịch chuyển song song của miền tự do bên trong tâm hồn mình.
Một số người đặt câu hỏi rằng, điểm yếu của con người ở các nước chưa có sự thịnh vượng nói chung là gì? Tôi cho rằng, đó là con người chưa hiểu tự do là gì. Con người luôn luôn đi tìm kiếm tiêu chuẩn, tìm kiếm đòi hỏi của người khác để chiều theo mà không biết giá trị quan trọng nhất của con người chính là phải hình thành ra tiêu chuẩn tinh thần của mình. Con người phải tự do đi tìm giá trị của mình, phát hiện ra các giá trị của mình và tìm cách bán các giá trị mà mình cho là xuất sắc nhất trong tập hợp nội hàm giá trị mình có và chỉ có miền tự do bên trong con người mới có thể giúp con người làm được điều này. Cái quan trọng nhất đối với một con người là họ phải tự phát hiện ra mình là ai và mình có những thứ gì. Con người thường hay nghe người khác khen mình có giá trị nào đó và tưởng rằng mình có khả năng. Hầu hết con người đều có trạng thái tinh thần như vậy, tức là nghe về khả năng của mình chứ chưa biết cách đo đạc một cách chính xác khả năng thật của mình, chưa nghiên cứu về khả năng thật của mình một cách biện chứng. Ví dụ, có những người bỗng nhiên nghĩ rằng mình có khả năng âm nhạc nhưng nhà mình nghèo nên không mua nổi một cây đàn, như vậy có nghĩa là khả năng âm nhạc là khả năng tự nhiên của người đó nhưng không phù hợp với điều kiện khách quan của anh ta. Khi khả năng không phù hợp với điều kiện khách quan của mình thì nó nghiễm nhiên trở thành tiềm năng, mà tiềm năng thì không phải là khả năng. Cho nên, khi nghiên cứu về khả năng của mình, phải nghiên cứu khả năng bên trong trời cho mình và cả tập hợp các điều kiện khách quan để biến nó trở thành hiện thực, trở thành thứ dịch vụ bán được. Muốn thế thì con người phải có tự do bên trong và lắng nghe sự mách bảo của tâm hồn mình, hãy đo đạc mình và đo đạc các điều kiện khách quan của mình để tìm kiếm sự phù hợp. Tôi đã từng định nghĩa: Phát triển là sự gặp gỡ một cách thuận lợi giữa các tiềm năng bên trong của con người với các điều kiện khách quan. Khi con người có tự do và biết sử dụng công nghệ tự do thì tự nhiên con người sẽ hình thành một khả năng rất quan trọng đó là tự lập. Khi nào con người tự lập được thì con người mới trả lời được một cách chính xác mình là ai. Khi còn sống nhờ vào các mối quan hệ không phải là sản phẩm trực tiếp từ trí tuệ của mình thì chưa tự lập. Khi nào con người tự lập được thì sẽ xuất hiện một cái quan trọng hơn nhiều, đó là tự trọng. Tự do - Tự lập - Tự trọng là những đại lượng hết sức quan trọng để hình thành giá trị của con người. Các bạn đều biết rằng có những con người được đầu tư một chút thì giá của nó cao gấp mười lần so với giá tự nhiên, người ta gọi đó là lăng-xê. Rất nhiều người được lăng-xê, trông xa thì lấp lánh nhưng đến gần thì thấy rất thất vọng. Lăng-xê là một dịch vụ của nền kinh tế hiện đại để tạo ra vẻ lấp lánh của tất cả các đối tượng hàng hoá. Cần phải làm sao để mình được đầu tư để được lăng-xê, nhưng quan trọng hơn cả là làm sao sau khi được lăng-xê mình vẫn còn là mình. Khi nào con người hoàn tất được một vòng công nghệ như vậy thì không bao giờ con người sợ mất giá trị và cái đó được hình thành trong logic bộ ba Tự do - Tự lập - Tự trọng.
Không gian tự do bên trong con người tạo ra sự nhạy bén về tinh thần, sự cao thượng của đời sống tinh thần của con người. Và sự nhạy bén cộng với sự cao thượng sẽ tạo ra khả năng không thể dự báo được về sự phát triển. Một số người cho rằng sự phát triển phụ thuộc vào những ý tưởng của các thiên tài mà không biết rằng thực phẩm của những thiên tài là tự do vì chỉ khi miền tự do bên trong con người thai nghén đủ ý tưởng thì con người mới có cảm hứng sáng tạo. Như vậy, tự do mới chính là điểm xuất phát của mọi sự phát triển và sự phát triển đầy đủ các mặt của cuộc sống chính là sự thịnh vượng.
6. Thể chế hoá tự do: Con đường dẫn đến sự thịnh vượng bền vững
Có lẽ không cần phải nói thêm về mối quan hệ giữa tự do và sự thịnh vượng. Tuy nhiên, nếu tự do là con đường dẫn đến sự thịnh vượng thì thể chế hoá tự do lại là con đường dẫn đến sự thịnh vượng bền vững bởi khi đó, các không gian tự do của con người được đảm bảo. Nói cách khác, thể chế hoá tự do là để tạo ra sự ổn định của tự do và do đó, người ta mới nói đến tầm quan trọng của tự do dân chủ. Nhìn vào tự do dân chủ người ta biết các quyền tự do còn lại ở trạng thái nào. Như vậy, chúng ta không thể không nói đến yếu tố tổ chức xã hội hay tầm quan trọng của yếu tố chính phủ.
Cũng có thể nói rằng sự thịnh vượng bao giờ cũng bắt đầu từ sự đúng đắn của một chính phủ. Một chính phủ đúng đắn là một chính phủ đại diện cho các khuynh hướng tiến bộ của đời sống xã hội, tạo ra không gian tinh thần để con người trở nên tự do, phát triển một cách tự do các năng lực của mình hay làm cho nguồn lực con người trở thành nguồn lực chủ yếu tạo ra sự thịnh vượng. Nói cách khác, nghĩa vụ chính trị của nhà cầm quyền là bảo vệ tính đa dạng của cuộc sống xét trên cả lĩnh vực kinh tế, chính trị và văn hoá. Sự đa dạng của cuộc sống trong cả lĩnh vực kinh tế, chính trị và văn hoá tạo ra sự phát triển tự nhiên và bền vững của đời sống. Dân tộc nào mà chính phủ tôn trọng con người thì dân tộc ấy có tương lai. Không có gì cao quý và vĩ đại hơn con người, không có gì thay thế được con người. Chính phủ sáng suốt là chính phủ biết thể chế hoá những quyền tự do của con người để con người phát triển và trở thành nhân tố quan trọng nhất tạo ra sự thịnh vượng.
Trong bối cảnh các nước thế giới thứ ba thì chính phủ là nhân tố quan trọng nhất. Họ đã tạo nên cuộc giải phóng lần thứ nhất và trở thành những người cầm quyền, nhưng họ chưa thức tỉnh để làm cuộc giải phóng lần thứ hai, giải phóng năng lực con người và chính vì vậy, các xã hội của khu vực này lại rơi vào bế tắc. Hầu hết các nhà lãnh đạo thiển cận đều muốn mình là lãnh đạo duy nhất, quan trọng nhất mà không nhận ra rằng chừng nào còn tình trạng như vậy thì toàn bộ tổ chức xã hội còn rủi ro. Khi nhân dân làm ra sự thịnh vượng của chính họ thì nhân dân cần chính phủ như một người lãnh đạo, một người điều hoà sự tồn tại có tính chất cộng đồng của họ chứ không phải là người lãnh đạo duy nhất trong cộng đồng ấy. Đó là lý thuyết xây dựng cộng đồng lành mạnh. Một chính phủ, một nhà nước tài ba là nhà nước làm cho nhân dân mình trở nên thông thái. Khi nhân dân thông thái hơn chính phủ thì chính phủ nhiệm kỳ sau mới có triển vọng trở thành một chính phủ có giá trị thông thái hơn chính phủ nhiệm kỳ trước, vì sự hơn của chính phủ nhiệm kỳ sau so với chính phủ nhiệm kỳ trước nằm trong chính kho tàng của nhân dân. Ngược lại, một xã hội, một cộng đồng nhân dân yếu kém về năng lực tổ chức sẽ tạo ra một chính phủ tồi. Một chính phủ tồi không chỉ tố giác sự yếu kém về năng lực của chính phủ ấy mà còn tố giác sự trì trệ của cả dân tộc ấy. Tôi cho rằng, người lãnh đạo phải xuất sắc, đẹp đẽ, thông thái, lương thiện, cao thượng vì nếu không, sự suy thoái của người lãnh đạo sẽ chỉ gây cho nhân dân sự thất thiệt về mặt vật chất, thậm chí còn cản trở họ trên con đường tiến tới sự thịnh vượng.
Để không trở thành lực lượng cản trở con người đến với sự thịnh vượng và cũng để không gian tự do được thể chế hoá bền vững, chính phủ các nước thế giới thứ ba không còn cách nào khác là phải tổ chức và rèn luyện nền dân chủ. Tổ chức, xây dựng và rèn luyện nền dân chủ là một hoạt động nhằm mở rộng không gian tự do, là cách thức kéo tự do xuống các tầng hàng ngày của đời sống, để tự do trở thành nguồn sống của con người và dân chủ trở thành không gian sống của con người. Hơn nữa, thời đại mà chúng ta đang sống là thời đại hội nhập, thời đại toàn cầu hóa, các nước thế giới thứ ba đang đứng trước các cơ hội lớn nhưng cũng phải đối mặt với những thách thức cả từ bên trong lẫn bên ngoài. Trong bài viết về toàn cầu hoá tôi có nói đến cơ hội của các nước thứ ba. Sự cạnh tranh toàn cầu sẽ tố giác một thực tế quan trọng là năng lực cạnh tranh của các nước thứ ba rất kém. Con người đi tìm cách nâng cao sức cạnh tranh và chắc chắn người ta sẽ phát hiện ra nguồn gốc của sự thiếu năng lực cạnh tranh ở các nước thế giới thứ ba là thiếu tự do. Tự do là nguồn gốc của sự tăng trưởng các năng lực con người, là vốn liếng tự nhiên quan trọng nhất để con người nâng cao năng lực của mình và do đó nâng cao năng lực cạnh tranh của các dân tộc. Quá trình hội nhập tạo ra sự thức tỉnh của các nước thế giới thứ ba về việc thiếu tự do. Chính vì thế, quá trình dân chủ hoá là tất yếu trong thời đại toàn cầu hoá và các nước kém phát triển không thể không rèn luyện và tổ chức nền dân chủ.
Thật khó có thể nói hết những nguyên lý cũng như những lộ trình của quá trình tổ chức và rèn luyện nền dân chủ của một quốc gia trong khuôn khổ một bài viết nhưng một nguyên lý cực kỳ quan trọng mà các chính phủ các nước thứ ba phải làm là đưa ra lộ trình tạo ra sự hiểu biết về xã hội dân chủ của người dân. Nói cách khác, người dân phải được giáo dục để hiểu biết về tự do và dân chủ. Mà điểm mấu chốt của lộ trình giáo dục về tự do, dân chủ chính lại là tự do giáo dục. Tự do giáo dục là xác lập tinh thần tự do trong việc hình thành nhân cách ban đầu của con người. Có thể nói, ngoài môi trường gia đình, môi trường đầu tiên mà con người giao tiếp là môi trường giáo dục của nhà trường. Vì thế, nếu môi trường giáo dục bị áp đặt bởi hệ thống chính trị thì con người không có cách gì để tổ chức lực lượng cho tương lai và sẽ không đến được tương lai vì tương lai của con người là sự giác ngộ của chính nó. Mỗi một con người phải tự tìm thấy tương lai của mình và tự do giáo dục là để đảm bảo rằng chính trị hay bất cứ một lực lượng nào đều không được phép định ra tương lai cho con người. Nếu không thức tỉnh được điều đó thì không thể có thịnh vượng.
Thêm vào đó, tổ chức và rèn luyện nền dân chủ còn có nghĩa là nâng cao năng lực làm chủ con người tức là nâng cao sự hiểu biết của con người về các quyền cơ bản của mình. Nếu không thì cho dù có một không gian tự do đầy đủ nhưng con người vẫn không đủ năng lực để khai thác và con người vẫn sẽ chỉ bơi trong mỗi không gian nhỏ bé của mình. Tổ chức và rèn luyện nền dân chủ chính là tạo cho con người khả năng khai thác hết không gian của mình, từ đó họ có khát vọng đòi hỏi những không gian lớn hơn. Khi con người không có năng lực, không có khát vọng đòi hỏi những không gian lớn hơn thì không thể có khát vọng sáng tạo, khát vọng phát triển và sự thịnh vượng cũng chỉ là những mơ ước xa vời.
Đạt đến sự thịnh vượng đã khó nhưng gìn giữ sự thịnh vượng còn khó hơn bởi hiện nay, quá trình toàn cầu hoá đang tạo ra nguy cơ mất đi sự thịnh vượng ở ngay các nước phát triển. Đó là vì các dòng di dân thì từ phương Đông sang phương Tây nhưng các dòng tài chính lại dịch chuyển từ phương Tây sang phương Đông. Hơn nữa, tự do, trong thời đại mới cũng đang phát triển cùng với sự phát triển của con người. Vì thế, tổ chức và rèn luyện nền dân chủ không chỉ là đòi hỏi ở các nước đang phát triển mà còn là đòi hỏi ở những nước phát triển. Nói cách khác, rèn luyện và tổ chức nền dân chủ phải là một quá trình liên tục hay thể chế hoá tự do phải là một quá trình liên tục nhằm đạt đến sự thịnh vượng bền vững.
KẾT LUẬN
Sự thịnh vượng tạo ra các giá trị của con người và ngược lại, giá trị con người là nguồn gốc của sự thịnh vượng. Tuy nhiên, để con người có cơ hội tìm thấy, nhận ra những giá trị của chính mình thì con người phải được tự do. Do vậy, thịnh vượng cần phải được hiểu như là cơ hội của con người, tức là con người phải có khả năng nhận biết được thịnh vượng là mục tiêu, sau đó là nhận biết các cơ hội, tiếp nữa là giải phóng các năng lực của mình để vươn tới sự thịnh vượng. Như vậy, nghiên cứu sự thịnh vượng chính là nghiên cứu cơ hội của mỗi một con người chứ không phải đi tìm thành tích để động viên con người một cách chung chung. Điều này tạo ra một sự thức tỉnh tư duy rất lớn về sự thịnh vượng. Một xã hội thịnh vượng chính là một xã hội mà ở đấy con người với tư cách là các cá thể khoẻ mạnh, giàu có, thông thái và tự tìm thấy tương lai của mình. Trạng thái tinh thần hiện thực về sự thịnh vượng cộng với chương trình tương lai của sự thịnh vượng tạo ra khái niệm thịnh vượng ổn định. Và đó cũng là thông điệp mà bài viết muốn truyền tải.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn