Dịch giả Huỳnh Phan Anh trò chuyện về văn học hải ngoại
- Ông đánh giá thế nào về đời sống văn học Mỹ?
- Thị trường văn học dịch ở đây vô cùng đa dạng. Tôi có cảm tưởng bất cứ tác phẩm cổ kim đông tây nào cũng đều được dịch hết. Điều khiến tôi ngạc nhiên là nhiều người sống khá sung túc, đầy đủ tiện nghi, nhưng họ vẫn dịch văn học, một công việc rõ ràng là không hề được trả công cao. Cách lý giải duy nhất chỉ có thể là: họ có nhiều tiền và khi đó, việc dịch văn học không phải nhằm mục đích sinh nhai nữa mà chỉ để làm phong phú thêm cho nền văn học Mỹ. Trong khi đó, triết học ở nước Mỹ khá nghèo nàn, hay nói cho đúng hơn là thiếu một căn bản triết học. Bởi vậy sách triết không phong phú cho lắm.
- Thế còn dòng văn học của người Việt ở hải ngoại?
- Tôi đọc không nhiều, nhưng theo những gì tôi biết thì trong bộ phận văn học hải ngoại này, những cây bút nữ có vẻ "sáng" hơn. Những cây bút trẻ cũng viết hay hơn, có lẽ bởi họ không nợ nần gì quá khứ.
- Cách đây chưa lâu, có một nhà văn hải ngoại đã tự nhận là "văn học hải ngoại đang tự ăn thịt mình". Ông lý giải điều này như thế nào?
- Tôi hiểu nhà văn nọ muốn ngụ ý đến cái không gian khá chật hẹp của văn học hải ngoại. Đặc điểm lớn nhất của những cây bút hải ngoại, cụ thể ở Mỹ, là họ sống ở ngoại quốc nhưng lại viết về tâm trạng Việt Nam. Nhưng họ có hít thở bầu không khí Việt Nam đâu mà viết! Tôi vẫn nhớ lời nhà văn Boris Pasternak nói rằng "một nhà văn không thể xa rời tổ quốc mình". Chính vì thế mà khi phải lựa chọn giữa giải Nobel và việc phải sống lưu vong thì ông đã chọn sống chết với nước Nga. Nếu không nặng lòng với đất nước quê hương thì không thể nào hiểu được tâm trạng của những người cùng dòng máu.
- Trước đây, ông có nói đến con số "1.000 bản" cho mỗi tác phẩm in trên thị trường Việt Nam. Theo ông, làm cách nào để ngành xuất bản Việt Nam thoát khỏi tình trạng ít ỏi đó?
- Tôi nghĩ chủ yếu vẫn do cơ chế xuất bản, chỉ có lợi với người làm sách, còn tác giả viết hoặc dịch không bao giờ giàu được. Ở Pháp, nếu in được 50.000 bản thì người ta khoe nhắng cả lên, còn ở ta thì càng giấu đi được bao nhiêu càng tốt! Chính cái hiện trạng này dễ tạo ra ấn tượng rằng người Việt Nam không đọc sách, còn tác giả viết sách, dịch sách thì không sống nổi. Như cuốn Thế giới của Sophie tôi dịch trước đây, trên thế giới bán được hàng triệu bản, ở Việt Nam cũng chỉ đề in có 1.000 bản mà thôi. Hầu hết sách đều do đầu nậu làm, chỉ cần nhấc điện thoại lên điều đình 5 phút là xong...
- Ở nước ngoài, ông có theo dõi văn học trong nước không?
- Thành thực mà nói tôi đọc không nhiều. Đó là thiếu sót lớn nhất của tôi. Nhưng qua những gì tôi biết, tôi vẫn cảm thấy những cây bút trẻ đã thổi một luồng không khí mới vào đời sống văn học Việt Nam. Những người trẻ viết ít run tay và rất trong sáng. Tôi vẫn nhớ những tên tuổi như Phan Thị Vàng Anh, Châu Giang, Phan Triều Hải. Đọc Bảo Ninh tôi rất thích. Cuốn Nỗi buồn chiến tranh anh ấy viết như một công trình văn chương chứ không phải một sơ đồ tư tưởng.
Dịch giả Huỳnh Phan Anh vừa ký kết với NXB Văn Nghệ TP.HCM một hợp đồng chuyển nhượng quyền dịch giả 17 tác phẩm văn học của ông.
Đó là Ảo ảnh (Thomas Mann), Tình yêu và lý tưởng (Thomas Mann), Tình cuồng (Raymond Radiguet), Tình yêu và tuổi trẻ (Valery Larbaud), Thời gian của một tiếng thở dài (Anne Philipe), Hò hẹn trên đồi (Anne Philipe), Chừa yêu (Colette), Rimbaud (Yves Bonnefoy), Citadelle (Saint Exupéry), Aldolphe (Benjamin Constant), Thế giới của Sophie (J. Gaarder), Không gian và khỏanh khắc văn chương (tiểu luận phê bình – Huỳnh Phan Anh), Bí quyết thành công thời hiện đại (bản tiếng Pháp), Bãi hoang (J.R. Huguenin), Chàng chăn cừu (Coelho), Lạc lối về (H. Boll), Tình yêu bên vực thẳm (Remarque).
Các sách này đều đã xuất bản trước đây. Hiện tại NXB Văn Nghệ đang liên lạc thỏa thuận tác quyền đối với các tác phẩm này trước khi tái bản trở lại, theo tinh thần Công ước Berne.
Hợp đồng của NXB Văn Nghệ và dịch giả Huỳnh Phan Anh được thể hiện bằng một khoản tiền tượng trưng. Và khi NXB tái bản các sách này, nhuận bút sẽ được tính theo khung giá ưu tiên, đồng thời, mỗi lần tái bản NXB cũng sẽ trả nhuận bút cho dịch giả theo như luật định.
Ông Huỳnh Phan Anh cho biết 17 tác phẩm này là một phần nhỏ trong số các tác phẩm văn học nước ngòai mà ông đã dịch từ thập niên 70 thế kỷ trước đến nay. Ông định cư tại Mỹ từ 3 năm trước, và tác phẩm dịch mới nhất của ông là quyển Bí ẩn cuộc đời (tiểu sử Vitor Hugo của André Maurois) xuất bản tại VN năm trước.
Nội dung khác
Tìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc Hiếu“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngCon người hiểm độc
01/01/1900Phạm QuỳnhCơ hội thứ tư - toàn cầu hóa
18/04/2004Nguyễn Trần BạtThấy gì qua lối sống sinh viên thời nay?
21/10/2003Trương HiệuBa yếu tố làm nên thành công của doanh nhân
29/07/2005Nguyễn Trần Bạt