Biết mình biết người, tỉnh táo đi tới!
Bắt tay vào cuộc hội nhập là chấp nhận rằng chúng ta sẽ tham gia sân chơi lớn của thế giới. Điều cần thiết lúc này là soát xét lại mình, bàn bạc, học hỏi, rút kinh nghiệm, sẵn sàng làm lại mình nếu cần. Bởi mọi cơ hội chỉ có ý nghĩa khi người ta có một phương sách đúng, một chiến lược đúng để tận dụng được nó.
Học được theo người đâu có dễ
Hội nhập thường được hiểu theo nghĩa ban đầu là buôn bán làm ăn với nước ngoài. Trong quá khứ, việc này đã được làm thế nào? Bức tranh ngoại thương ở Đàng Trong các thế kỷ 17-18 trả lời cho câu hỏi này.
Mỗi lần nói đến Hội An, các nhà nghiên cứu đã say sưa xem như một dịp “xuất thần” chứng tỏ tinh thần cởi mở và năng động của dân ta. Chỉ một điều nhỏ bị “bỏ quên”: hoạt động lúc đó chủ yếu là từ ngoài vào, chứ không phải ta đi ra với người. Các cơ sở buôn bán ở Hội An phần lớn của người Nhật, người Trung Quốc. Sau khi họ rút đi, sự làm ăn cũng đình đốn luôn. Cả thế kỷ 19, nền ngoại thương VN lại gần như trở về với cái khung cảnh tầm thường tẻ nhạt, xứ ta quay lại vị thế một xứ biệt lập và ít hiểu biết về thế giới quanh mình.
Đọc sử tôi còn được biết thêm cái cách mà nhà nước bấy giờ quản lý ngoại thương. Một người Mỹ là John White kể về một chuyến đi khám tàu thu thuế của nhà đương cục hồi ấy. “Họ kéo nhau xuống hàng đoàn hàng lũ lính tráng quan lại, đi đầu là quan thanh tra và quan thu thuế, chật ních cả tàu. Nhưng trước khi bắt tay vào việc họ đòi mang rượu ra uống, và phải cung phụng cho mỗi người một số rượu lớn. Quát tháo cãi cọ om sòm. Không những đã mất cơm rượu cho bọn đó rồi trả thuế tàu vào, lại còn phải trả vài khoản bất ngờ nữa” (trích theo Nghiên cứu Huế, tập I.1999, trang 210).
Nhiều tài liệu lịch sử khác cũng kể quan lại được giao xuống tàu kiểm tra toàn lo nhòm ngó xin xỏ. Người ta không cho thì làm khó dễ. Người ta cho thì hi sinh cả lợi ích của nhà nước cũng không tiếc. Mọi thứ khôn khéo và hiệu quả do hội nhập lúc ấy chỉ mang lại một ít của cải cho các quan chức, chứ không phải là sự phồn thịnh của một nền ngoại thương và sự nảy nở một tư duy kinh tế.
Lỗi hệ thống
Tác giả Vương Trí Nhàn |
Chuyện ngoại thương chỉ là một bộ phận trong câu chuyện dân ta quan hệ với người nước ngoài. Với thiện chí an ủi mọi người yên lòng khi bước vào một chặng đường xa, một số nhà nghiên cứu gần đây thường đưa ra những khái quát đại loại: “Lịch sử đã chứng minh người Việt có khả năng hội nhập rất khôn khéo, tài ba và hiệu quả” hoặc: “Dân ta tiếp nhận và tiêu hóa được tất cả những tinh hoa của nền văn hóa đến từ nơi khác, chắt lọc và hòa nhập vào cái của mình”.
Tôi thì nghĩ khác. Từng hiện tượng thông minh sáng tạo không thiếu, song xét toàn cục thì trong quá khứ, xu thế chung sống với thiên hạ ở ta rất yếu. Các ảnh hưởng nước ngoài vẫn tràn vào, ta đã tiếp nhận không thiếu một thứ gì, nhưng đó là theo bản năng chứ không phải được sự chỉ đạo của lý trí. Có thể tạm dùng lại ở đây cái từ đang được sử dụng: lỗi hệ thống. Cả tin và dễ dãi thì không được.
Nhưng ý niệm về quan hệ bình thường phải có mà ở ta lại chưa nảy nở. Cả một nhận thức đúng lẫn một chiến lược thích hợp đều thiếu. Cho đến đầu thế kỷ 20, những thế lực bên ngoài vẫn chỉ được dân ta xem xét với nhiều ngần ngại. Nếu không coi họ là kẻ thù xâm lược thì cũng chỉ nghĩ họ đến với ta để kiếm lợi. Không đặt vấn đề học hỏi một cách nghiêm túc, càng không biết tiêu hóa kinh nghiệm của họ từ đó sáng tạo ra cái của mình.
Đọc lại thấy tình hình này là dễ hiểu, vì mãi đến gần đây nó vẫn còn được tiếp tục.
Trung thực với chính mình
Để hội nhập tốt, không chỉ cần biết người mà còn phải biết mình. Điều oái oăm ở chỗ thông thường kẻ không biết người thì cũng không biết mình. Chúng ta cũng không phải là ngoại lệ.
Đạo diễn điện ảnh F. Fellini từng nhận xét về trạng thái của dân tộc Ý những năm 1930: “Người ta bảo với chúng tôi rằng chúng tôi là một dân tộc vĩ đại và hạnh phúc nhất. Chúng tôi tin ở điều đó, kết cục không còn biết gì về các dân tộc khác, cũng như về bản thân mình”. Ta cũng vậy, dù biết là không nên vậy.
Cảnh giác ngay với chính mình không bao giờ thừa. Trên tạp chí Tia Sáng số 11-2006, ở Tuổi Trẻ Cuối Tuần số ra 17-12 vừa qua, mục bàn tròn, tôi đọc thấy các chuyên gia kinh tế bàn nhau mấy việc:
1/ Rất mừng là chỉ số GDP ở ta tăng đều, nhưng để phát triển bền vững cần phải nhìn vào nhiều chỉ số khác, mà nếu tính theo kiểu đó thì ở ta lại có nhiều điều để e ngại.
2/ Trong cách tính ở ta đang có xu hướng vơ vét để tính sao càng cao càng tốt. Có những sự tăng trưởng địa phương đã tính rồi, nhà nước lại tính lần nữa.
3/ Đã có những trường hợp chạy theo tăng trưởng bề rộng, như phong trào “mỗi ngày một công trình” ở Hà Giang, và lời cảnh tỉnh là đừng lặp lại bài học đó trên phạm vi toàn quốc.
Trong hoàn cảnh dư luận đang nao nức trước viễn tưởng đất nước “bay lên” với sự gia nhập WTO, những bài viết như trên cho thấy một sự tỉnh táo bắt đầu. Không phải cứ biết bệnh mình là đã chữa được. Song công khai minh bạch bệnh trạng đi đã, rồi thành thật tính chuyện chữa dần, có lẽ vẫn hơn.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị QuýBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà Đoá