Đối thoại văn hóa hay đụng độ văn minh
1. Tháng 10 năm 2004, Hội nghị thượng đỉnh Á - Âu (ASEM5) được tổ chức long trọng và hoành tráng tại Hà Nội. Các vị đứng đầu nhà nước và chính phủ của 13 nước châu Á và 25 nước châu Âu đã ký Tuyên bố về đối thoại giữa các nền văn hóa và văn minh. Tuyên bố “công nhận rằng, ASEM là tổng hòa các nền văn hóa và văn minh phương Đông và phương Tây”. Và, “đa dạng văn hóa là di sản chung của nhân loại, là nguồn sáng tạo, cổ vũ và là động lực quan trọng của phát triển kinh tế và tiến bộ của xã hội loài người. Đa dạng văn hóa là cơ hội to lớn để xây dựng một thế giới hoà bình và ổn định hơn bởi đa dạng văn hóa không loại bỏ mà đem lại sự hòa hợp, khoan dung, đối thoại và hợp tác” .
Hàm ý của Tuyên bố này khá rõ. Đa dạng văn hóa không dẫn đến đụng độ hay đối đầu mà đem lại sự hòa hợp, khoan dung, đối thoại và hợp tác. Cái gọi là “sự đụng độ của các nền văn minh”, trong bối cảnh biến động của nền chính trị thế giới mấy năm gần đây, đã vô tình (và không loại trừ, có cả cố ý) làm nảy sinh những suy diễn nguy hiểm. Đã đến lúc loài người cần phải bày tỏ định hướng giá trị sáng suốt của mình đối với thái độ kỳ thị, chia rẽ, đối đầu và xung đột giữa các nền văn hoá, văn minh - thái độ mới chỉ công khai lộ diện khoảng mươi năm nay.
Cũng với tinh thần như vậy nhưng gay gắt hơn, tại cuộc họp Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 27/9/2004, Abdullah Badawi, Thủ tướng Malaysia tuyên bố, cuộc chiến Iraq và tình hình nóng bỏng ở Trung Đông đã làm nảy sinh tâm lý chống Hồi giáo "một cách mù quáng". "Yêu cầu khẩn thiết lúc này là phải chấm dứt bôi nhọ thế giới Hồi giáo. Đã đến lúc phải vạch trần học thuyết cho rằng có sự đụng độ của các nền văn minh" .
Có thể dễ dàng nhận ra tính hợp lý chứa đựng trong những lo lắng của Malaysia và 38 quốc gia thành viên cộng đồng ASEM5. Cuộc chiến tranh Iraq sau hai năm diễn ra khốc liệt với không ít những hành động tàn bạo và phi nhân tính đã thổi bùng lên ngọn lửa của sự thù hận. Không biết tương lai nhân loại sẽ đi về đâu nếu loài người không sớm chặn lại dòng tư duy gắn chiến tranh với sự khác biệt về văn hóa, văn minh.
2. Quan điểm không tán thành luận thuyết xung đột văn hoá, văn minh và tư duy kích động kỳ thị dẫn đến chiến tranh không chỉ diễn ra bên ngoài nước Mỹ. Đã có một vài quan chức trong chính giới Mỹ và một số học giả tỏ thái độ bất bình với chính phủ vì tin rằng học thuyết xung đột văn minh đang dẫn nhân loại đến một tương lai mù mịt. Một quan chức sau 22 năm làm việc cho CIA đã giấu tên để viết cuốn "Sự ngạo mạn của Đế chế" phân tích rằng, loài người, gồm cả những trí thức uyên bác, các chức sắc tôn giáo xa lánh trần tục, giới thượng lưu chính trị sáng suốt, và cả các vị đang ngự trong Nhà trắng... đã rơi vào cái bẫy của chủ nghĩa khủng bố. Chiến tranh, hận thù, chia rẽ... ngày càng sâu sắc - Bin Laden và Al Qaeda chỉ mong có thế . Nhận xét này cũng không quá cường điệu nếu nhớ rằng, ngay cả Elie Wiesel, nhà khoa học nổi tiếng người Mỹ gốc Romania, từng là nạn nhân của Phát xít Đức, giải Nobel 1986 cũng tán thành việc Mỹ tiến hành chiến tranh ở Iraq: “Tôi tin cuộc chiến này là cần thiết” .
Rất tiếc là tình huống lại xảy ra như vậy, mặc dù, chính Tổng thống George Bush đã hơn một lần nói rằng “Không hề có xung đột giữa các nền văn minh” , và mặc dù, Samuel P. Huntington với học thuyết của mình, trong nguyên bản tác phẩm “Sự đụng độ của các nền văn minh”, công bằng mà nói, không chủ tâm kích động các nền văn hoá hay văn minh xung đột với nhau.
Vậy, Samuel P. Huntington là ai và học thuyết của ông có nội dung thế nào mà tình huống lại phức tạp đến vậy?
Samuel P. Huntington, lấy bằng tiến sỹ tại Đại học Harvard năm 1951, hiện là Giáo sư của trường Đại học Weatherhead III (Mỹ), Chủ tịch Viện Hàn lâm Harvard nghiên cứu về quốc tế và khu vực, Giám đốc Trung tâm Quan hệ quốc tế và Chủ tịch Khoa nghiên cứu về chính phủ . |
3. Những năm 1977 và 1978 Huntington làm việc ở Nhà trắng với tư cách là điều phối viên của Dự án an ninh cho Hội đồng An ninh Quốc gia. Trong hai năm 1986-1987 ông là Chủ tịch Hội Khoa học Chính trị Mỹ. Ông còn là người sáng lập và là Tổng biên tập trong bảy năm liền của tờ Tạp chí Foreign Policy. Là nhà nghiên cứu chính trị và chiến lược, Huntington quan tâm nhiều đến các lĩnh vực an ninh quốc gia, dân chủ và sự phát triển ở những nước kém phát triển, văn hoá trong chính trị và bản sắc dân tộc của nước Mỹ…
Samuel P. Huntington viết khá nhiều. Ngoài các bài đăng trên tạp chí, những cuốn sách của ông thường được nhắc tới là: Quân nhân và nhà nước: Lý thuyết và quan điểm chính trị của quan hệ dân sự - quân đội (1957), Phòng thủ chung: Chương trình chiến lược trong chính trị quốc gia (1961), Trật tự chính trị trong xã hội thay đổi (1968), Chính trị Mỹ: hứa hẹn sự không hoà hợp (1981), Làn sóng thứ ba: Dân chủ hoá cuối thế kỷ XX (1991), Sự đụng độ của các nền văn minh và trật tự thế giới (1996), Chúng ta là ai? Những thách thức đối với bản sắc dân tộc của nước Mỹ (2004)…
4. Trong số những cuốn sách vừa kể, Sự đụng độ của các nền văn minh và trật tự thế giới là chuyên luận được nhắc tới nhiều nhất và chính cuốn sách này đã mang lại tiếng tăm cho Huntington đồng thời đang gây ra những suy diễn phức tạp trên khắp thế giới. Cuốn sách được xuất bản năm 1996. Nhưng tư tưởng cốt lõi của nó thì đã được công bố trước đó ba năm trên tờ Tạp chí Foreign Affairs, số 3 năm 1993, dưới tiêu đề “Sự đụng độ của các nền văn minh”.
Ở Việt Nam, cuốn sách của Huntignton được Nhà xuất bản Lao động dịch ra tiếng Việt và ấn hành năm 2003 dưới cái tên “Sự va chạm của các nền văn minh”. Trước đó, đầu năm 1995, bài tạp chí của Huntignton cũng đã được dịch dưới dạng tài liệu tham khảo. Nghĩa là nhiều độc giả Việt Nam đã đọc nguyên bản và bản dịch của Huntignton, và do vậy hiểu khá rõ giá trị thực của bài báo trước khi sự kiện 11/9/2001 làm cho tư tưởng của Huntington trở thành “hiện tượng”. Việc các dịch giả chuyển thuật ngữ clash thành “va chạm” để thay cho chữ “đụng độ” đã quen dùng trước đó cũng là một sự cân nhắc có ý nghĩa. Đúng là trong tiếng Việt, chữ “đụng độ” có thể gây cho người đọc ấn tượng tiêu cực. Tuy vậy, thuật ngữ không thay được nội dung. Những gì Huntington định truyền đạt thì đều được thể hiện khá tường minh trên “giấy trắng mực đen”.
5. Trên thực tế, sau khi được công bố, bài báo không gây dư luận ồn ào như sau này. Bình luận của những người quan tâm tới vấn đề ở Mỹ cũng như ở các nước khác cho thấy, Huntignton được ghi nhận ở cách trình bày giản lược và tương đối dễ hiểu về những điều tế nhị trong các nền văn hóa (ở đoạn sau chúng tôi sẽ trình bày những nét chính trong quan điểm của Huntington). Thông điệp cốt lõi của bài báo có lẽ là nhằm đến mặt tích cực của vấn đề : cần phải cảnh giác với những nét đặc thù và khác biệt về mặt văn hóa trong quan hệ quốc tế, đừng để cho sự cách biệt văn hóa giữa các nền văn minh dẫn loài người đến xung đột và chiến tranh. Nhưng điều cảnh báo của Huntington đã làm cho những người sáng suốt cảm thấy lo ngại khi bài báo gắn sự khác biệt về văn hóa với chiến tranh, với tương lai của loài người.
Sự phản hồi đã khiến Huntington phải trình bày chi tiết quan điểm của mình thành cuốn sách in năm 1996. Cách nói trong cuốn sách đôi chỗ có mềm đi so với bài báo năm 1993. Nhưng tư tưởng thì vẫn thế, thậm chí cay nghiệt hơn khi viết về thế giới Hồi giáo. Dư luận nghi ngờ, tại sao các chính khách và các nhà ngoại giao chịu ảnh hưởng Huntington nhiều đến thế, phải chăng ông cố tình muốn hướng nhân loại đi theo định kiến sai lầm của ai đó? Nhưng ý kiến phản bác thì lại cho rằng, Huntington thành tâm với lý lẽ của mình: sự không hiểu nhau giữa các cộng đồng văn hoá và văn minh có thể là nguyên nhân thật sự của xung đột và chiến tranh.
II.
1. Ngay từ những dòng đầu trong bài báo của mình “Sự đụng độ của các nền văn minh”, Hungtington đã khẳng định, nguồn gốc cơ bản của các xung đột trên thế giới này, từ khi chiến tranh lạnh kết thúc, sẽ không còn là hệ tư tưởng hay kinh tế nữa. Ranh giới quan trọng nhất chia rẽ loài người và là nguồn gốc của các xung đột sẽ là văn hoá. “Sự đụng độ giữa các nền văn minh sẽ trở thành nhân tố chi phối chính trị thế giới. Ranh giới giữa các nền văn minh sẽ là chiến tuyến tương lai” . Theo Huntington, trước Cách mạng Pháp 1789, thực chất xung đột thế giới là xung đột giữa “những ông Vua”, tức là giữa những người cầm quyền. Từ năm 1789 đến hết Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, xung đột thế giới diễn ra giữa các dân tộc. Sau Cách mạng tháng Mười Nga 1917 và trong suốt thời kỳ chiến tranh lạnh, hệ tư tưởng là nguồn gốc của các mâu thuẫn. Chiến tranh Lạnh kết thúc, xung đột thế giới bắt đầu diễn ra giữa phương Tây và các nền văn minh phi phương Tây.
Cách phân chia lịch sử của Huntington lạ và có vẻ quá đơn giản. Một số học giả đã phê phán lối phân chia này là võ đoán vì nó lược bỏ tất cả những nét phức tạp và phong phú khác của lịch sử thế giới . Tuy nhiên, điều trớ trêu là ở chỗ, ai đã đọc Huntington thì ngay sau đó đều ghi vào trong đầu mấy giai đoạn lịch sử thế giới theo cách phân loại của ông.
2. Văn minh, Huntington định nghĩa: “Là cộng đồng văn hoá cao nhất, là trình độ cao nhất của tính đồng nhất văn hoá của con người... Các nền văn minh được xác định bởi sự hiện hữu những nhân tố chung khách quan như ngôn ngữ, lịch sử, tôn giáo, phong tục, thể chế và cả bởi những đặc tính chủ thể của con người”. Huntington lấy thí dụ, Phương Tây, Arap hoặc Trung Hoa, đó không phải là những bộ phận của một nền văn hóa nào lớn hơn. Đó là các nền văn minh. Cấp độ tiếp theo sẽ là những gì phân biệt loài người với các loài động vật khác. Huntington xác định, hiện nhân loại có khoảng bảy hoặc tám nền văn minh lớn: phương Tây, Khổng giáo, Nhật Bản, Hồi giáo, ấn Độ giáo, Slave Đông chính giáo, Mỹ latinh và có thể cả Phi châu nữa. “Những xung đột quan trọng nhất trong tương lai sẽ nổ ra dọc theo các đường ranh giới phân cách các nền văn minh này” .
Vậy là một khái niệm mới về văn minh xuất hiện. Theo chúng tôi, trước đây chưa ai hiểu văn minh theo kiểu này. Hungtington có quyền quy ước khái niệm làm việc, thao tác dành riêng cho công trình của mình. Nhưng rất tiếc từ sau bài báo 1993 của mình, nói đến văn minh, người ta buộc phải phân biệt văn minh theo cách hiểu của ông với văn minh theo cách hiểu được định nghĩa trong các từ điển. Thực ra, khái niệm văn minh của Huntignton chính là khái niệm văn hóa - nền văn hóa, những nền văn hóa lớn nhất của nhân loại.
3. Tại sao các nền văn minh không tránh khỏi sẽ xung đột với nhau, Huntington giải thích bằng 6 lý do:
- Thứ nhất, sự khác biệt giữa các nền văn minh không những hiện thực mà còn cơ bản.
- Thứ hai, thế giới ngày càng nhỏ bé đi, làm sâu thêm ý thức về những khác biệt cũng như những điểm tương đồng giữa các nền văn minh.
- Thứ ba, quá trình hiện đại hoá kinh tế và biến đổi xã hội trên toàn thế giới đang phá vỡ tính đồng nhất truyền thống của con người, đồng thời làm suy giảm vai trò của nhà nước dân tộc. Những khoảng trống như vậy được lấp đầy bởi tôn giáo.
- Thứ tư, tự ý thức văn minh trong giới thượng lưu ở nhiều nước phi phương Tây tăng lên, họ quay trở về với cội nguồn văn hoá riêng của mình, dù rằng họ thường là những người được đào tạo ở phương Tây.
- Thứ năm, sự khác biệt văn hoá ít thay đổi hơn so với khác biệt về kinh tế và chính trị. Tôn giáo chia rẽ con người còn khắt khe hơn cả tính dân tộc.
- Thứ sáu, chủ nghĩa khu vực trong kinh tế đang tăng lên. Với sự kết thúc của Chiến tranh lạnh, tính cộng đồng văn hoá lấn át những bất đồng về hệ tư tưởng. Trung Hoa Lục địa và Đài Loan đang ngày càng xích lại gần nhau .
Huntington gần như không chứng minh gì mà chỉ nêu một cách áp đặt các nhận định trên. Sau đó ông kết luận: “Bởi vậy, sự đụng độ giữa các nền văn minh diễn ra ở hai cấp độ. ở cấp vi mô, các nhóm nước lân cận dọc đường ranh giới giữa các nền văn minh đấu tranh, thường là đổ máu, để giành quyền kiểm soát đất đai và kiểm soát lẫn nhau. ở cấp vĩ mô, các nước thuộc những nền văn minh khác nhau cạnh tranh giành ảnh hưởng trong lĩnh vực kinh tế và quân sự, tranh giành quyền kiểm soát các thể chế quốc tế và các nước thứ ba, đồng thời ra sức khẳng định các giá trị tôn giáo và chính trị của mình” .
Khi bị phê phán là không chỉ ra nguyên nhân của sự mâu thuẫn giữa các nền văn minh, Huntington viện dẫn rằng trong bài báo, ông có hẳn một phần mang tiêu đề tại sao các nền văn minh lại không tránh khỏi đụng độ với nhau. Đúng vậy, song trong phần đó ông chỉ đưa ra các phán đoán thậm xưng (tuyên bố rất áp đặt) với 6 nguyên nhân vừa nêu. Chẳng hạn, khi Huntington đinh ninh rằng, “tôn giáo chia rẽ con người còn khắt khe hơn cả tính chất dân tộc” thì ông lại không lý giải, tại sao lợi ích dân tộc đã từng và đang cố kết rất mạnh mẽ các tôn giáo với nhau, trong khi đó các dân tộc khác nhau lại rất khó chia sẻ quyền lợi vì lý do tôn giáo. Điều này đúng cho mọi trường hợp, nhất là trong lĩnh vực kinh tế.
4. Về ranh giới hiện thời giữa các nền văn minh, Huntington xác định:
1/ Giữa Kito giáo phương Tây với Đông chính giáo và Hồi giáo.
2/ Giữa các nền văn minh phương Tây với Hồi giáo.
3/ Giữa người Hồi giáo với người Hindu ở Tiểu lục địa Ấn Độ.
4/ Giữa Mỹ với Trung Quốc: khía cạnh văn hóa trong các lĩnh vực như nhân quyền, thương mại và phổ biến vũ khí giết người hàng loạt.
5/ Giữa Nhật Bản với Mỹ: hai xã hội cách xa nhau về các giá trị.
6/ Giữa Mỹ với châu Âu: những bất đồng nghiêm trọng về kinh tế, nhưng văn hoá Mỹ và văn hóa châu Âu không mâu thuẫn gay gắt như giữa Nhật Bản với Mỹ.
Huntington kết luận: “Các đường biên giới của thế giới Hồi giáo khắp nơi đều đẫm máu... Trong tương lai gần, các cuộc xung đột địa phương, giống như các cuộc xung đột ở Bosnia và Kavkaz, xảy ra dọc theo ranh giới giữa các nền văn minh sẽ có nhiều nguy cơ gay gắt chuyển thành các cuộc chiến tranh quy mô lớn. Cuộc chiến tranh thế giới tới đây, nếu nó xảy ra, sẽ là cuộc chiến tranh giữa các nền văn minh” .
Huntington viết những dòng này năm 1993. Ba năm sau, ông tự nhận xét, không một tuyên bố nào của ông bị chỉ trích nhiều bằng nhận định trên. Tuy thế, chẳng những vẫn giữ nguyên quan điểm của mình “các đường biên giới của thế giới Hồi giáo khắp nơi đều đẫm máu”, mà ông còn viết thêm: “cả những phần bên trong lãnh thổ thế giới Hồi giáo cũng vậy” . Khi viết những câu đó, Huntington chưa thể tưởng tượng ra tình huống đối với ông và đối với thế giới lại bi đát đến mức: bước sang đầu thế kỷ XXI, tháp đôi Mahattan bị tấn công và sau đó là chiến tranh. Dĩ nhiên, chiến tranh thế giới thì chưa xảy ra, nhưng chiến tranh ở Apghanistan và Iraq thì lại do chính người Mỹ đã chủ động “thánh chiến” . Đến nay, đầu năm 2005, cái gọi là giá trị Mỹ, rõ ràng, đang bị chôn vùi ở Iraq.
5. Loài người tiến bộ đang cố gắng tìm mọi cách để ngăn ngừa một cuộc chiến tranh thế giới theo hình dung của Huntington, mà trước mắt là lấy lại hoà bình và yên ổn cho Iraq. Chắc là, từ trong tâm tưởng của mình, bản thân Huntington cũng nghĩ như vậy, vì quả thực, trong một vài bài báo ông đã trực diện chỉ trích thái độ của nhà cầm quyền nước Mỹ. Nhưng nếu thế thì tư tưởng của Huntington đã sai lầm ở chỗ nào.
Thực ra các học giả Nga, Trung Quốc, Đài Loan, châu Âu và các nước phương Tây khác đã nhiều lần chỉ ra những bất hợp lý và tâm lý tiêu cực trong cách hiểu của Huntington. Nhưng một bộ phận dân chúng Mỹ, và cả ở những nước khác, chẳng những không chú ý đến lời phê phán đó, mà ngược lại, còn thấy sự kiện 11/9/2001 như một xác nhận cho “tiên đoán” của Huntington . Tại Hội thảo Toàn cầu hóa và sự đối thoại giữa các nền văn hóa ở Mátxcơva tháng 6/2002, William L. McBryde, Giáo sư Đại học Perdu, Mỹ, thành viên Đoàn chủ tịch Liên đoàn quốc tế các hội triết học (FISP) đã phê phán, cách cảm thụ thế giới của Hungtington là “dung tục và kém tinh tế”. Ông nhận xét: “Rất tiếc là Huntington, một nhà tư tưởng theo nghĩa xấu của từ này, như người ta đã nói, lại có ảnh hưởng lớn như thế đến lối suy nghĩ của các nhà ngoại giao và những người tham gia vào tương tác toàn cầu. Tác phẩm của ông ta là thí dụ điển hình cho sự thu hút của lối suy nghĩ giản đơn (hay tầm thường), nhưng bề ngoài có vẻ như sáng sủa” . ở Việt Nam, ngoài dư luận xã hội phổ thông ít nhiều lên tiếng trên báo chí, hầu như giới học thuật và các nhà bình luận chính trị - xã hội không đả động gì đến Huntington. Lý do? Theo chúng tôi, có lẽ giới lý luận Việt Nam không quen và không thích tranh cãi với các học giả nước ngoài, mặc dù, với Huntington, cái hay cái dở của ông nhiều người hiểu khá rõ.
█III.
Là người theo dõi khá sát những luận bàn về văn hóa và về Huntington, chúng tôi cảm thấy mình không có quyền lảng tránh vấn đề. Bởi vậy xin được có ý kiến không ngoài “đất múa võ” (phạm vi chuyên môn) của chúng tôi - triết học giá trị. Những gì không thuộc lĩnh vực này, xin được nhường lời để học hỏi các học giả khác có thẩm quyền hơn.
1. Theo chúng tôi, điều đáng nói nhất về Huntington chính là thế giới quan của ông. Thế giới quan của Huntington có những điểm rất khó chấp nhận sau đây:
Nhìn vào bức tranh sinh động và đa dạng của văn hóa thế giới đương đại, Huntington quá chú ý tới những nét khác biệt và mâu thuẫn, thổi phồng ý nghĩa và vai trò tiêu cực của chúng, lãng quên hay cố tình lãng quên những giá trị khác của văn hóa và văn minh.
Không ai phủ nhận, các nền (và các types) văn hóa thế giới hiện đang có những điểm khác biệt, đặc thù và mâu thuẫn. Xưa nay văn hóa vẫn thế. Mà sự khác biệt và đặc thù trong văn hóa là khác biệt về mặt giá trị nên trong nhiều trường hợp không thể nói nét văn hóa nào tốt hơn hay ưu việt hơn, trưởng thành hơn hay non nớt hơn. Bảng giá trị của Kito giáo, Slave Đông chính giáo, hay Tin lành... về đại thể, là bình đẳng với bảng giá trị của Nho giáo, Hồi giáo hay Phật giáo... Điều thiêng liêng đối với cộng đồng văn hóa này, mặc dù có thể không phải là thiêng liêng đối với cộng đồng văn hóa khác, nhưng là bình đẳng đối với điều thiêng liêng của cộng đồng văn hóa khác. Điều đó xưa nay vẫn là bình thường (và trên thực tế còn là sự quyến rũ đối với ngành công nghiệp du lịch). Nghĩa là, tuyệt nhiên sự khác biệt văn hóa không tất yếu dẫn đến chia rẽ, xung đột hay mâu thuẫn. Văn hóa đi theo logic khác, căn bản hơn, phổ biến hơn và tất yếu hơn (đến mức ngay cả những mưu đồ chiến tranh tội lỗi nhất cũng phải mượn nó làm nước sơn nhân đạo để che giấu tâm địa thật của mình) - đó là sự đa dạng, đối thoại, tiếp biến và bao dung (Pluralism, Dialogue, Acculturation, Tolerance). Đây cũng là con đường chủ đạo để phát triển văn hóa, văn minh nhân loại. Về điều này, từ các nhà tư tưởng của những thế kỷ trước như J. Herder, J. Rousseau, I. Kant, C. Marx... đến các học giả của thế kỷ XX và XXI như J. Nerhu, Teilhard de Chardin, J. Sartre, J. Habermark... đều đã từng nói rất hay và rất thuyết phục nên không cần thiết phải nhắc lại ở đây. Vượt lên trên tất cả những tàn bạo của chiến tranh và thù hận, văn hóa theo dòng chảy của nó từ Ai cập, Hy Lạp, La Mã thời Cổ đại đến Phục Hưng, Khai sáng và Hiện đại - tất cả đều đi theo logic của sự nhân nhượng, tiếp thu, hoà hợp, và học hỏi lẫn nhau. Không phải vì bản tính của con người là tử tế hay nhân đạo (vì đến nay vẫn có những học thuyết không thừa nhận bản tính nhân đạo của con người). Mà logic của văn hóa là thế. Nói đơn giản, bánh bao Trung Hoa, phở Việt Nam và bánh Hambeger của Đức... không phải là nguyên nhân của xung đột; cũng khó nói loại nào kém ngon hơn loại nào; còn người dùng bữa với mấy món đó, nếu có mâu thuẫn với nhau thì nguyên nhân là ở chỗ khác. Văn hóa không phải là động lực của chia rẽ. Văn hóa là động lực của thân thiện và bao dung.
2. Nhưng Hungtington nghĩ khác. ông lý giải sự khác biệt văn hóa sẽ là nguyên nhân của xung đột và chiến tranh như sau: Nếu trước kia người ta hỏi nhau, anh là người theo lập trường nào, hay thuộc dân tộc nào? thì ngày nay người ta hỏi, anh là ai, người Hồi giáo, Kitô giáo hay Phật giáo? Theo lập trường nào, cũng có thể thay đổi. Là người thuộc dân tộc nào cũng chưa thật quan trọng vì có thể mang hai hay ba quốc tịch. Nhưng anh là ai thì không thay đổi được và bất hạnh nảy sinh từ đây. Có lẽ cần phải trích nguyên văn Huntington để tránh suy diễn. Ông viết: “ở Liên Xô trước đây, những người cộng sản có thể trở thành người giàu, nhưng người Nga dù muốn bao nhiêu cũng không thể trở thành người Estonia, và người Azerbaizan cũng không thể trở thành người Armenia. Trong những cuộc xung đột về giai cấp và hệ tư tưởng, câu hỏi mấu chốt là “Anh theo phe phái nào?” và người ta có thể lựa chọn đứng về phe nào, hoặc thay đổi lập trường đã chọn. Trong đụng độ giữa các nền văn minh, câu hỏi đặt ra theo nhiều cách khác nhau: “Anh là ai?”. Đấy là điều đã định và không ai có thể thay đổi. Như chúng ta đã trải qua kinh nghiệm Bosnia, Kavkaz, Sudan, nếu trả lời sai câu hỏi này, anh có thể lập tức ăn một viên đạn vào đầu. Tôn giáo chia rẽ con người còn khắt khe hơn cả tính quy thuộc dân tộc. Một con người có thể lai nửa Pháp, nửa Arap và thậm chí có thể là công dân của cả hai dân tộc này, nhưng sẽ phức tạp hơn nhiều nếu một nửa là tín đồ Thiên chúa giáo, một nửa là tín đồ Hồi giáo” . Chúng tôi xin trích thêm đoạn Huntington viết về chính tư tưởng này trong cuốn sách năm 1996 của ông để bạn đọc tiện so sánh: “Các dân tộc và quốc gia đang cố trả lời câu hỏi cơ bản nhất của nhân loại: Chúng ta là ai? Và họ đã trả lời câu hỏi đó theo cách mà nhân loại từng trả lời - bằng sự liên hệ với những gì ý nghĩa nhất đối với họ. Con người tự xác định mình bằng dòng dõi tổ tiên, tôn giáo, ngôn ngữ, lịch sử, hệ giá trị, phong tục và giáo thuyết. Họ xác định danh phận mình bằng cộng đồng văn hóa: bộ lạc, bộ tộc, cộng đồng tôn giáo, quốc gia và ở mức độ rộng rãi nhất là nền văn minh. Con người không sử dụng chính trị chỉ để tằng cường lợi ích mà còn để xác định danh phận mình. Chúng ta chỉ biết mình là ai khi chúng ta xác định được mình không phải là ai và nhất là khi chúng ta biết mình chống lại ai” .
Xin không phân tích thêm điều Huntington đã viết. Vì những gì sai, đúng đã thể hiện khá rõ trên mặt giấy. Thực ra, lối viết của Huntington cho người đọc cảm giác có vẻ như là đúng, gần giống với sự thật, chứ chưa hẳn đã đúng. Tuy nhiên, vấn đề là ở chỗ, thế giới quan của Huntington bị che khuất sau câu chữ mới là điều đáng nói. Thế giới quan của ông lạ lùng đến mức, bất cứ kết luận nào hoặc định hướng nào được rút ra từ đó cũng hàm chứa những nguy cơ. Ngay cả khi điều ông viết là hoàn toàn đúng, thì hệ quả được đúc kết cũng vẫn cứ dẫn đến điều bất an. Rõ ràng, tiền đề xuất phát cho mọi suy luận của ông ngay từ đầu đã có vấn đề: thế giới này phân biệt với nhau bằng văn hóa; văn hóa là “ranh giới quan trọng nhất chia rẽ loài người và là nguồn gốc bao trùm của các xung đột”; sự khác biệt này là cơ bản, là tuyệt đối và không thể nhân nhượng được.
3. Không phải chúng tôi muốn bênh vực thói nhắm mắt làm ngơ trước sự thật. Hiện tượng đặc thù, khác biệt dẫn đến đố kỵ, kỳ thị trong văn hóa và văn minh là có thật và lịch sử loài người từ rất sớm đã không lạ gì với hiểm hoạ này. Song đó không phải là toàn bộ sự thật như Huntington hình dung mà chỉ là một trong muôn vàn sự thật tồn tại trong đời sống văn hóa. Cái cơ bản trong văn hóa là đối thoại, hoà hợp, đoàn kết và thân thiện, trên cơ sở các giá trị chân - thiện - mỹ, chứ không phải là chia rẽ, đố kỵ và hận thù. Điều này không phải chỉ là lời hoa mỹ hay là sản phẩm của sự tưởng tượng. Như mọi người đều biết, xưa nay chân lý này luôn là động lực của mọi đối thoại và giao lưu; nó cũng hiển nhiên đến mức, đã được viết đủ nhiều và đủ thuyết phục trong hầu như mọi sách giáo khoa về văn hóa.
“Người cộng sản có thể trở thành người giàu, nhưng người Nga dù muốn bao nhiêu cũng không thể trở thành người Estonia, và người Azerbaizan cũng không thể trở thành người Armenia” - lời Huntington, và “Chúng ta chỉ biết mình là ai khi chúng ta xác định được mình không phải là ai và nhất là khi chúng ta biết mình chống lại ai”. Với những chữ in nghiêng nhấn mạnh này, chúng tôi muốn nói rằng, cách phân tích của Hungtington rất tai ác. Nó chọc vào tâm lý đố kỵ của con người như những lời xúc xiểm. Trong giao tiếp quốc tế hiện đại nếu ai cũng nghĩ như Huntington, luôn chăm chăm phân biệt mình là người Hồi giáo, Khổng giáo hay Kito giáo..., mình là ai và đang chống lại ai... thì thói kỳ thị sẽ mỗi ngày một lớn, và xung đột, hận thù dẫu không tất yếu cũng sẽ xảy ra.
Sẽ nguy hiểm biết bao nhiêu nếu các chính khách có vai trò dẫn dắt các quốc gia và dư luận quốc tế suy nghĩ theo kiểu này.
4. Xuất phát từ tiền đề đã nói ở trên, Hungtington gắn những khác biệt và đặc thù về văn hóa với chiến tranh. Ông cho rằng từ sau Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917 đến kết thúc Chiến tranh Lạnh là thời kỳ xung đột giữa các hệ tư tưởng. Chiến tranh xảy ra ở giai đoạn đó là chiến tranh giữa các hệ tư tưởng. Còn từ nay, Hungtington viết trong cuốn sách năm 1996: “Trong thế giới mới này, các cuộc xung đột dữ dội, quan trọng và nguy hiểm nhất không phải là giữa các tầng lớp xã hội, giữa giàu và nghèo mà giữa các dân tộc thuộc về các chỉnh thể văn hóa khác nhau... Trong thế giới mới này, chính trị địa phương là chính trị của sắc tộc, chính trị thế giới là chính trị của các nền văn minh. Tình trạng đối địch giữa các siêu cường sẽ được thay thế bằng sự va chạm (clash) của các nền văn minh” .
Chỉ cần ngẫm nghĩ đôi chút, cũng có thể thấy rất khó chấp nhận, các cuộc chiến tranh đã xảy ra trong thế kỷ XX là chiến tranh giữa các hệ tư tưởng như Huntington áp đặt. Chiến tranh thế giới lần thứ II 1939-1945 là sự đối đầu sống còn giữa chủ nghĩa Phátxít với Liên Xô và phe đồng minh vì hòa bình và tiến bộ xã hội (không thể gọi bằng thuật ngữ nào khác chính xác hơn). Chiến tranh ở Việt Nam cả hai thời kỳ 1946-1954 và 1954-1975, trước hết và về bản chất, là chiến tranh giải phóng dân tộc theo đúng nghĩa của nó; đó cũng chính là lý do để toàn thế giới tin tưởng và đứng về phía Việt Nam. (Dĩ nhiên, yếu tố hệ tư tưởng trong chiến tranh Việt Nam là rõ hơn cả so với các cuộc chiến khác ở thế kỷ XX, nhưng còn xa mới là sự đối đầu giữa hai hệ tư tưởng ). Chiến tranh ở Campuchia 1975-1979 là cuộc diệt chủng của Polpot -một thế lực chính trị cực đoan đội lốt cộng sản. Chiến tranh ở Apghanistan 1974-1990 là cuộc nội chiến giành quyền lực có sự can thiệp của nhân tố bên ngoài (đến nay, tài liệu được công bố từ phía Mỹ đã chứng tỏ rằng, sự can thiệp của Mỹ không ít hơn, không kém trực tiếp hơn so với sự can thiệp của Liên Xô). Chiến tranh ở Malvinas (Falkland) 1974 là cuộc chiến phân định lãnh thổ giữa Anh và Achentina... Tất cả đều không phải là cuộc đối đầu giữa hệ tư tưởng cộng sản và hệ tư tưởng tư bản chủ nghĩa, mặc dù yếu tố hệ tư tưởng có ảnh hưởng, chi phối hoặc tìm cách tham gia để khẳng định vai trò của mình.
Còn “trong thế giới mới” ngày nay (chữ dùng của Huntington), nếu tính từ đầu thập niên 90 (thế kỷ XX), khi bóng ma của Chiến tranh Lạnh đã mờ nhạt, thì cuộc chiến ở Nam Tư cũ, ở Nagornyi - Karabak (Azerbaizan -Armenia), ở Bắc Kavkaz, ở Chesnia, ở Kasmia (ấn Độ - Pakistan), ở Apghanistan, hay ở Iraq 1991 và mới đây 2003, v.v... tất cả, liệu có phải là cuộc chiến “giữa các nền văn minh”? “giữa các dân tộc thuộc về các chỉnh thể văn hóa khác nhau” như Huntington đã viết? Chẳng những với các nhà chính trị, mà ngay cả với những người bình thường, không quá khó để nhận biết ở những nơi đó người ta “đánh nhau” vì cái gì. Thanh trừng sắc tộc, đúng là có thật. Kỳ thị với người Hồi giáo, cũng đúng là có thật. Nhưng thanh trừng sắc tộc đâu phải vì văn hóa, và kỳ thị người Hồi giáo cũng đâu phải vì văn hóa.
Cần nói thêm rằng, phân tích quan hệ nhân - quả để cắt nghĩa nguyên nhân thực sự của chiến tranh khác xa với cảm nhận giản đơn về nó. Thông thường, bất kỳ cuộc chiến tranh nào cũng xuất hiện bởi nhiều nguyên nhân. Có nguyên nhân trực tiếp, có nguyên nhân gián tiếp và có cả những cái giống như nguyên nhân nhưng không phải là nguyên nhân (điều kiện, nguyên cớ...). Mahathir Mohamad, nguyên Thủ tướng Malaysia khi bàn về chủ nghĩa khủng bố tại Hội nghị Châu á - Thái Bình Dương, Kuala Lumpur, 13/1/2003 đã thẳng thắn khẳng định, động cơ của khủng bố chắc chắn không phải là tôn giáo; mà có thể là lãnh thổ. Tình hình thế giới hiện không quá xấu, nhưng thế giới đã xử lý sai tình hình . Các nhà khoa học lịch sử về chiến tranh bao giờ cũng thận trọng. Nhưng Huntington, nếu có thẩm quyền trong lĩnh vực khoa học về chiến tranh, thì có lẽ là ngoại lệ.
Quả thực, W. McBryde nói không quá, trong thời đại của toàn cầu hóa, các nhà tư tưởng sáng suốt và vị tha có lẽ vì quá khiêm tốn nên đã không lên tiếng. Người có tiếng nói khả dĩ làm thay đổi được thế giới như Habermas thì lại “duy tâm thái quá đến mức đề ra một thứ đạo đức vừa không thể có được lại vừa đi quá xa khỏi thế giới hiện thực sang thế giới trừu tượng” . Những lý thuyết “dung tục” vì thế có cơ hội để nảy nở.
IV.
1. Rốt cuộc cái mà chúng tôi muốn bàn đến ở Huntington chính là thế giới quan của ông. Trong cuốn sách viết năm 1996, Huntington đã vô tình để lộ ra giá trị định hướng đối với toàn bộ suy nghĩ của mình mà ông thích gọi bằng một thuật ngữ tiếng Đức là Weltanschauung, nghĩa là thế giới quan về văn minh, vũ trụ và các mối quan hệ của con người. Khi nói về chủ đề cuốn sách (năm 1996) của mình là “văn hóa, bản sắc văn hóa mà ở mức độ rộng nhất là bản sắc văn minh”, Huntington viết: “Một Weltanschauung ảm đạm cho kỷ nguyên hiện đại này được thể hiện sinh động bằng triết lý của nhân vật theo chủ nghĩa dân tộc người Venesie trong tiểu thuyết Vũng biển chết của Michael Dibdin: Người ta chẳng bao giờ có bạn mà lại không có kẻ thù, người ta ghét cái không giống mình, nghĩa là người ta yêu cái giống mình. đây chỉ là những chân lý cũ mà chúng ta đang cố gắng khám phá lại sau một thế kỷ loanh quanh lảng tránh. Cái chân lý đáng buồn trong những chân lý cổ xưa này, các chính khách và học giả không thể bỏ qua. Đối với những dân tộc đang tìm lại bản sắc của mình và đang tái sáng tạo sắc tộc, thì xác định bạn thù là vấn đề quan trọng. Và kẻ thù tiềm tàng nguy hiểm nhất nằm ở những đường phân chia ranh giới không hợp lý giữa các nền văn minh thế giới” .
Chúng tôi có cảm giác giật mình và đáng sợ khi thấy Huntington tâm đắc trích Michael Dibdin và coi tư tưởng đó là thế giới quan chỉ đạo toàn bộ lý thuyết về chính trị thế giới của ông. “Người ta chẳng bao giờ có bạn mà lại không có kẻ thù, người ta ghét cái không giống mình, nghĩa là người ta yêu cái giống mình”. Có đúng là nhân loại cư xử với nhau như vậy hay không? Thật khó tin. Những cá nhân cụ thể thì có thể cư xử với nhau như vậy. Thậm chí, có thể có những chính khách nào đó vì đầu óc cuồng tín mà cũng cư xử như vậy. Nhưng chẳng lẽ các dân tộc và toàn nhân loại lại cũng thiếu sáng suốt như thế. Thật điên rồ nếu sự đụng độ thực tế của các nền văn minh lại bắt đầu từ đây (Ai dám bảo rằng những kẻ cướp máy bay trên bầu trời nước Mỹ ngày 11/9/2001 lại chưa đọc sách của Huntington).
2. Huân tước Bertrand Russel, một vĩ nhân với gần trọn thế kỷ có mặt trên đời và đấu tranh không mệt mỏi cho tự do của nhân loại , đã viết về chủ nghĩa cuồng tín (điều mà ông hiểu rất rõ qua thực tế chống lại những kẻ chủ chiến phi nghĩa trong tất cả các cuộc chiến tranh lớn ở thế kỷ XX) như sau: “Khi một người nào coi một cái gì đó là quan trọng cực kỳ, hơn hẳn những cái khác, còn mọi cái khác đều không đáng kể, thì người đó là cuồng tín. Người lương thiện nào cũng chê thái độ tàn nhẫn với loài chó. Nhưng khi ta coi sự tàn nhẫn với loài chó là thái độ hung ác nhất trần đời thì ta rơi vào thái độ cuồng tín... Chẳng hạn chủ nghĩa bài Do Thái. Trường hợp đó đặc biệt ghê tởm; ghê tởm đến nỗi chỉ nghĩ tới nó thôi người ta cũng khó mà chịu nổi. Tiếc rằng, tôi biết điều tôi sắp nói đây không nên nói ra, hoặc ít nhất cũng là điều không ai muốn nghe: sự bài xích Do Thái xuất hiện cùng với Kito giáo. Trước đó không có. Từ ngày quyền hành ở Lamã thuộc về Kito giáo thì thì quyền hành đó sinh ra bài xích Do Thái. Người ta bảo rằng, người Do Thái đã giết Chúa Kito, thế là có lý do để căm thù. Thực ra thì lý do là kinh tế, chắc chắn vậy. Nhưng người ta cứ viện ra cái lẽ đó” . Trích dẫn B. Russel, chúng tôi muốn gợi ý cho sự liên hệ với việc coi ranh giới giữa các nền văn hóa là nguồn gốc của xung đột và chiến tranh. Nói theo cách nói của B. Russel, có lẽ tất cả những người lương thiện trên trái đất này đều không tán thành thái độ kỳ thị với những dị biệt về mặt văn hóa, mặc dù bất kỳ ai cũng có thể không ưa một vài nét khác biệt nào đấy của các nền văn hóa khác; ghét cái không giống mình, yêu cái giống mình (Michael Dibdin). Nhưng coi thái độ kỳ thị với những dị biệt về mặt văn hóa là nguồn gốc của mọi xung đột, là nguyên nhân cơ bản của chiến tranh thì chỉ có Michael Dibdin và Samuel P. Huntington, hay trước hết là Michael Dibdin và Samuel P. Huntington. Điều khẳng định này không phải là kết quả của sự suy diễn, mà như vừa nêu, chính Huntington đã tự thừa nhận.
3. Dễ thấy là, những người như Huntington không nhiều. Số đông các nhà văn hóa đều khẳng định ngược lại: xã hội loài người đi lên nhờ đối thoại chứ không phải đối đầu. Và ngay cả trường hợp đã xảy ra đối đầu thì cái còn lại vẫn là sản phẩm của sự đối thoại, học hỏi và bao dung.
Blaga Dimitrova, nguyên Phó Chủ tịch nước Cộng hoà Bulgaria, nữ văn sỹ có mặt ở Việt Nam trong những ngày gian khổ nhất của chiến tranh và nổi tiếng với tác phẩm “Ngày phán xử cuối cùng” được dịch ra hơn 20 thứ tiếng, đã phát hiện một “ẩn dụ” rất hay về đối thoại văn hóa ở Việt Nam và ở Bulgaria. Blaga Dimitrova nhận ra rằng, trong lịch sử, Đế quốc Ottoman đã xâm lược Bulgaria và Thực dân Pháp đã đưa lính viễn chinh mang theo bom đạn đến Việt Nam. Có biết bao hành vi đáng phải ghi nhớ và thù hận. Nhưng ý thức con người không đi theo hướng đó. Bài học lịch sử thì vẫn còn, nhưng ở Việt Nam, người nghiện cà phê lại thích uống cà phê phin theo kiểu Pháp, còn ở Bulgaria, người ta cũng thích uống cà phê trong túi vải lọc theo kiểu Thổ Nhĩ Kỳ. Nghĩa là, người Bugaria cư xử với người Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như người Việt Nam cư xử với người Pháp, trước hết, là đại diện của những nền văn hóa đã từng đối thoại và giao lưu. Blaga nhận xét, dẫu không còn gì dễ chịu hơn, thì lối uống cà phê phin chí ít cũng là “điều duy nhất tốt lành mà bọn thống trị Thổ Nhĩ Kỳ và Pháp đã để lại cho hai dân tộc này” .
Dĩ nhiên, có thể chê Blaga Dimitrova là hơi cường điệu. Nhưng qua con mắt nhà văn, sự cường điệu này đâu phải chỉ là bịa đặt. Điều bà chiêm nghiệm thuộc về linh hồn của sự đối thoại giữa các nền văn hóa.
Kết luận
Ngay từ các thế kỷ trước con người đã tin rằng đời sống xã hội có quy luật của nó và vì thế bất chấp các lý thuyết cực đoan, bất chấp các hành vi vô nhân tính, xã hội vẫn đi về phía trước theo hướng sáng suốt hơn, tiến bộ hơn và nhân đạo hơn, mặc dù trên con đường này đôi khi nhân loại vẫn gặp phải những tình huống dường như phi đạo đức hơn hoặc tàn nhẫn hơn. Tiến bộ xã hội là một lộ trình khúc khuỷu, quanh co chứ không bằng phẳng hay êm ái. Buộc phải chấp nhận, trong xã hội hiện đại, cái hợp lý vẫn có thể phải chịu thiệt thòi, giá trị chân - thiện - mỹ vẫn có thể sẽ bị đối xử bất công. Trong cuộc đấu tranh phức tạp giữa cái thiện - nhân đạo với cái ác - phi nhân đạo, giữa tâm lý hận thù với thái độ bao dung, giữa bạo lực cuồng tín với lòng vị tha nhân ái... rốt cuộc, xã hội trong xu thế khách quan của nó vẫn đi theo logic của sự đối thoại giữa các nền văn hóa chứ không lạc lối vì sự mách bảo tai ác của sự kỳ thị giữa các nền văn minh. Lúc này, xã hội loài người có thể rơi vào những bước thụt lùi, thậm chí, hôm nay những lực lượng đại diện cho tiến bộ có thể bị hiểu lầm, ngã ngựa hoặc thất bại. Nhưng may thay, tiến bộ xã hội vẫn là điều có thật và càng đi về tương lai, con người càng cảm thấy quá khứ dù tốt đẹp đến mấy vẫn là cái cần phải vượt qua.
Sự đối thoại giữa các nền văn hóa là phương thức tối ưu cho sự lựa chọn của con người, là quy luật khách quan của sự phát triển bền vững.
Sự đối thoại giữa các nền văn hóa là giá trị định hướng an toàn đối với tiến bộ xã hội.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu MaiToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngCon người hiểm độc
01/01/1900Phạm Quỳnh