Giáo dục như thế nào để phát huy tiềm năng con người Việt Nam?

03:51 CH @ Thứ Sáu - 06 Tháng Hai, 2004

Cái gốc của hệ thống giáo dục mỗi quốc gia là giáo dục phổ thông (từ các lớp mầm non đến hết trung học phổ thông), nơi mà những kiến thức cơ bản cần thiết về khoa học tự nhiên và xã hội được giới thiệu cho mỗi con người mới lớn lên tiếp xúc với thế giới. Cái gốc này có vững thì con người mới tự lập trong suốt cuộc đời. Không may là hiện nay ở nước ta cái gốc này, theo nhiều nhà giáo dục lão thành, không được vững. Vì thế mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX đã sáng suốt nhận thấy, và đã ghi trong Nghị quyết IX “phải đổi mới giáo dục một cách cơ bản và toàn diện.” Rất tiếc, nhiệm kỳ của Đại hội IX đã hết phân nữa nhưng chúng ta vẫn chưa dám mạnh dạn chỉ ra thế nào là đổi mới một cách cơ bản và thế nào là toàn diện. Những nhận xét của em Lương Thế Vinh rất trùng hợp với nhận xét của Trịnh Thanh Tâm, một nữ sinh trường Thoại Ngọc Hầu (Long xuyên) được học bổng đi học lớp 10, 11 và 12 tại trường Trung học Anh - Hoa tại Singapore, đã tốt nghiệp xuất sắc cùng với 19 học sinh Việt nam khác, và nay đang học tại Mỹ bằng học bổng toàn phần của Đại học Cornell (Mỹ). Từ Cornell, Tâm viết thư về kể rằng “Học trường trung hoc ở Singapore, học sinh có cái lợi lớn nhất là thông thạo tiếng Anh và vi tính, chương trình đào tạo cân đối giữa các môn khoa học tối thiểu và các hoạt động ngoại khoá. Vào các buổi học các môn khoa học, học sinh được thầy cô giới thiệu những kiến thức mới và hướng dẫn học sinh cách tự tìm ra kiến thức mới trong bài học bằng cách tự đến thư viện tìm tòi tài liệu liên quan, hoặc qua Internet, rồi được thầy cô kiểm tra qua các bài tóm lược báo cáo trước lớp. Do đó người học sinh được đối xử như một người trưởng thành, được tạo điều kiện phát huy tính năng động sáng tạo và tư duy của mình, tự mình khám phá những cái mới.

Còn ở Việt Nam thì dường như các thầy cô ráng đọc trước sách giáo khoa và các tài liệu, rồi tóm tắt sẵn cho học sinh chép lại một cách rất thụ động, sau đó học sinh chỉ trả bài theo các trang ấy mà không biết gì khác. Một đặc điểm nổi bật của hệ thống giáo dục trung học Singapore là các học sinh được tham gia rất nhiều hoạt động ngoại khoá như các môn thể thao, ca hát, học các loại đàn từ ghi-ta đến dương cầm, học hùng biện, cách hội họp, và được hướng dẫn cách tổ chức những buổi hội nghị, trình diễn, v.v.

Tự học sinh phải tham gia từ đầu đến cuối.” Khoá học của em Tâm tại Singapore có 10 học sinh được học bổng tiếp tục học lên đại học tại Singapore, 2 người đi Hà Lan và 1 người đi Anh quốc học tự túc, 6 người được học bổng du học tại những trường danh tiếng của Mỹ như Harvard (1 người), Princeton (1 người), Stanford (1 người), Weslayan (1 người), Middlebury (1 người) và Cornell (em Tâm). Như thế chúng ta thấy rõ cũng những học sinh Việt Nam, nhưng khi học theo chương trình và các phương tiện đào tạo bậc trung học của Singapore đã phát huy tiềm năng con người Việt Nam xuất chúng hơn cả học sinh các nước khác. Nếu cũng chính các học sinh đó học tại Việt Nam, có bao nhiêu người phát triển được tài năng để giành được học bổng của trường nước ngoài cho đi học tiếp liền như thế? Đây là điều đáng suy gẫm.

Nhiều nhà giáo dục khi phát biểu ý kiến về thực hiện Nghị quyết Đại hội IX cho rằng trước khi nói đến việc toàn cầu hoá đào tạo đại học, chúng ta phải bắt đầu từ cái cơ bản: đổi mới chiến thuật đào tạo sư phạm, tức là đào tạo những máy cái cho các trường hệ phổ thông, từ đó mới đi đến đổi mới chương trình và phương pháp giảng dạy trong hệ giáo dục phổ thông. Trong khi các nước trong khu vực đang cải tiến giáo dục phổ thông của họ, đặc biệt là Thái Lan vào năm 2005 sẽ chỉ giữ lại các cô thầy có bằng cấp thạc sĩ giáo dục mới cho dạy các lớp tiểu học, chúng ta cần nâng cấp đầu vào đại học sư phạm, không bắt đầu bằng học sinh tốt nghiệp lớp 12 nữa mà cần lấy người tốt nghiệp đại học chuyên ngành và đào tạo thêm 1 hoặc 2 năm nữa về phương pháp sư phạm. Đó là đổi mới cơ bản, mọi sửa đổi, cải tiến khác chỉ là vá víu. (GSTS Võ Tòng Xuân)

Chúng ta đang muốn chuẩn bị cho con người Việt Nam có khả năng hội nhập toàn cầu, nhưng từ giáo dục phổ thông lên đến đại học của chúng ta nếu không có gì đổi mới một cách cơ bản và toàn diện thì làm sao ta thực hiện được mục tiêu đã đề ra? Ngày nay các học sinh THPT ở ta phải học với một chương trình quá nặng, quá cao, thuần lý thuyết và ít thực tiễn như Lương Thế Vinh đã phân tích trong bài trên báo Thanh Niên ngày 13/01/04. Nguyễn Tiến Anh, thuộc nhóm của Trịnh Thanh Tâm hiện có học bổng đang học tại Đại học Harvard phân tích rõ hơn: “Học sinh rất thích các môn học trong chương trình trung học ở Singapore vì mỗi bài học thường được thầy cô liên hệ với cuộc sống trong thế giới, chứ không phải chỉ thuần lý thuyết mà học sinh không biết áp dụng thế nào trong thực tế. Thí dụ môn học Địa lý nhân văn có bài về phát triển đô thị văn minh ở nhiều nước hiệà nội nay; các bài hoá học và vật lý thường có bài thực tập trong phòng thí nghiệm cho dễ hiểu bài. Các hoạt động ngoại khoá đều có cơ sở vật chất và trang thiết bị để cho học sinh tham gia. Nhiều trường trung học Singapore do tư nhân đầu tư đầy đủ để cạnh tranh nhau về chất lượng đào tạo, để khi càng có nhiều học sinh được vào đại học, họ càng có thể tranh thủ thêm kinh phí từ các mạnh thường quân tặng để phát triển tốt hơn nữa.”

Nguyễn Minh Khang (đang học tại Đại học Princeton, Mỹ) đã nhận xét: “Những trường THPT của Singapore thực chất là trường dự bị đại học vì họ chỉ nhằm vào sự mở rộng và rèn luyện trí óc, tinh thần và tinh cách của một người để họ tự làm chủ sức mạnh lý trí của mình, bất kể họ theo một nhiệm vụ hoặc một nghề nghiệp nào.” Đây là một khác biệt rất cơ bản: chương trình giáo dục phổ thông của bạn nhấn mạnh các môn xã hội nhân văn (văn học thế giới, ngôn ngữ thế giới, lịch sử địa lý nhân văn, triết học thế giới, âm nhạc, nghệ thuật...) giúp cho mỗi học sinh có thể phát triển sự hiểu biết tổng quát của mình để có kỹ năng biết suy luận, phán đoán, và sáng tạo thay vì chỉ biết bắt chước làm theo như trong thực hành chuyên nghiệp. Khi lên bậc đại học, sinh viên sẽ đi vào các môn này một cách sâu hơn nữa. Vì thế, khi so sánh với chương trình trung học của Việt Nam, Khang đã nhận xét: “Chúng cháu chỉ biết học thuộc làu các bài đã chép trong lớp để thi cho xong, sau đó lại quên gần hết những gì đã học. Cháu rất chán cách học chỉ một chiều theo bài của thầy cô dạy theo chương trình không được thay đổi, học sinh không thể tự suy nghĩ, phán đoán; chương trình không bao gồm nền giáo dục khoa học nhân văn nên đã giới hạn kiến thức thế giới quan của học sinh; không khuyến khích học sinh tự tìm tòi nghiên cứu”. Trong khi đó ở THPT của ta, các môn toán, lý, hóa, sinh thì lại dạy quá sâu như là dạy cho cho chuyên gia.

Theo kinh nghiệm của các em, chương trình học THPT Việt Nam cần được đổi mới, quan trọng nhất là chuẩn bị cho học sinh có một kỹ năng sử dụng hữu hiệu một ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh.


Thực tế trong phần lớn trường trung học Việt Nam, học sinh chỉ học vài tiết tiếng Anh mỗi tuần, mà ngay trong giờ học tiếng Anh người ta vẫn nói tiếng Việt với nhau; ít có trường phổ thông nào có thư viện lớn để học sinh tham khảo, hoặc có đủ phòng thí nghiệm cho học sinh thực tập. Và quan trọng hơn hết là các thầy cô chưa quen cách dạy mới như thế nào để phát huy tư duy và tính sáng tạo của học sinh (mặc dù “đổi mới phương pháp giảng dạy” là một điều quan trọng trong Luật Giáo dục 1998). Ngoài những nhược điểm đó, có thể nói nổi khổ tâm lớn nhất của hệ các trường phổ thông hiện nay là chạy theo chỉ tiêu thành tích trong khi rất nhiều học sinh không theo nổi chương trình. Kết quả điểm thi tuyển sinh đại học 2002 và 2003 đã cho thấy tình hình giáo dục rất đáng báo động, nhất là giáo dục tại các nông thôn vùng cao, vùng sâu và vùng xa, cụ thể là các tỉnh miền núi và đồng bằng sông Cửu long. Và phương pháp đào tạo sư phạm vừa qua của chúng ta đã tỏ ra không hữu hiệu nên các thầy cô tốt nghiệp cũng luôn gặp khó khăn khi về các trường trong hệ phổ thông.

GS TS Võ Tòng Xuân

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc: