Giao lưu giữa ông Nguyễn Trần Bạt với các nhà lãnh đạo và doanh nhân Nghệ An (phần 2)
Ông Nguyễn Trần Bạt: Kính thưa các anh các chị, giáo sư Trần Ngọc Hiên đã trình bày tất cả một cách ngắn gọn về một quá trình không chỉ vất vả để lao động thông thường, mà còn vất vả để tồn tại. Những quan điểm mới, những ý nghĩ mới, thậm chí những hơi thở mới, những tiếng kêu khe khẽ trong thơ ca nhiều khi để tồn tại được ở một giai đoạn lịch sử nào đó cũng buộc phải rất vất vả. Bây giờ đã qua rồi nên giáo sư nói một cách nhẹ nhàng như vậy, nhưng lịch sử tồn tại của sự phát triển những ý nghĩ là cả một thời kỳ gay go. Thưa các anh, các chị doanh nhân, đặc biệt là doanh nhân trẻ, chúng tôi đã ở thế hệ ngoài 60, 70, chúng tôi đã kết thúc sứ mệnh gợi ý và tiếp quản nền kinh tế tập trung quan liêu để biến nó thành một nền kinh tế khó gọi tên, tuy nhiên có màu sắc thị trường. Đấy là thành tựu của 20 năm đổi mới của thế hệ chúng tôi. Gọi tên là gì bây giờ là rất khó. Giáo sư Nguyễn Đức Bình trong một hội thảo có nói là ra đường chỉ thấy thị trường, không thấy định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhưng chúng ta có thấy xã hội chủ nghĩa ở đâu đâu mà thấy định hướng xã hội chủ nghĩa? Có lẽ giáo sư Bình quên mất một thực tế là sự lo toan và tinh thần trách nhiệm của những người tạo ra doanh nghiệp đối với đời sống người lao động chính là định hướng xã hội chủ nghĩa. Chúng ta đi tìm cách lý luận hoá khái niệm định hướng xã hội chủ nghĩa cho nên chúng ta bế tắc trong việc gọi tên nội dung của nó. Tôi đã nói từ lâu và với rất nhiều người rằng, sự quan tâm một cách sâu sắc đến đời sống của người lao động trong mỗi một xí nghiệp, trong mỗi một vùng lãnh thổ, trong mỗi một tổ chức chính là định hướng xã hội chủ nghĩa. Tạm thời chúng ta chấp nhận nội dung thô sơ như vậy để gọi tên hiện tượng có chất lượng lịch sử là định hướng xã hội chủ nghĩa. Rất nhiều người trong các góp ý trên báo chí đề nghị bỏ cái này đi, bỏ cái kia đi. Với tư cách là một người nghiên cứu, tôi cho rằng chưa đến giai đoạn ấy, chưa đến lúc làm như vậy. Bởi sự tồn tại một vài khái niệm có nguyên do lịch sử của nó, chứ không phải tự nhiên nó mọc ra ở xã hội của chúng ta.
Ở đây không phải vì ở trong Trường Chính trị Nghệ An mà tôi nói một cách chiếu lệ để tìm kiếm sự an toàn ở bên ngoài hoặc an toàn ở các anh các chị, mà tôi nói từ trong suy nghĩ, từ trong phân tích của tôi. Tại sao tôi nói chuyện này với các nhà doanh nghiệp? Các anh các chị có thể có ý nghĩ tôi thiên về chính trị, nhưng không phải như vậy. Bản chất của sự đòi hỏi của người lao động về sự quan tâm phải có của lãnh đạo hoặc của những người chủ doanh nghiệp là một đòi hỏi có chất lượng hậu quả của nền văn hoá vô sản mà chúng ta đã gieo ra hơn nửa thế kỷ trên đất nước của chúng ta. Cho nên, nếu anh không có ý thức quan tâm và có một thiết chế đầy đủ, có một cách thức hợp lý để có thể chăm sóc đời sống, chăm sóc tương lai của người lao động, thì những người lao động sẽ trở thành kẻ thù của anh trong chính công ty hoặc xí nghiệp của anh. Đấy là một kinh nghiệm sống còn. Không phải cứ chăm sóc thì người ta sẽ ở lại một cách trung thành. Tất cả những chủ công ty nào chăm sóc người lao động để tìm kiếm sự trung thành như giáo sư nào đó đòi hỏi thì đấy là hàng xén về mặt khoa học. Sự chăm sóc con người tạo ra độ hấp dẫn của người chủ, của người lãnh đạo và chỉ có sự hấp dẫn ấy mới thu hút được những yếu tố tích cực, phù hợp với đòi hỏi của anh trong mỗi một giai đoạn phát triển. Nếu không còn thích hợp thì người ta đi. Tôi có một phương châm là không ai nghèo đi khi đến làm việc cho tôi, hay tôi cố gắng chứng minh là không một ai không giầu lên sau một thời gian 3- 5 năm làm việc cho tôi. Nguyên lý ấy là vô cùng quan trọng trong thực tiễn điều hành và xây dựng các doanh nghiệp.
Bây giờ tôi sẽ chuyển qua nói về những kinh nghiệm xây dựng doanh nghiệp. Kinh nghiệm thứ nhất tôi muốn nói với các anh chị về xây dựng doanh nghiệp hay quản lý doanh nghiệp là vấn đề quản trị đời sống người lao động. Tiền đề để ứng xử với người lao động là chúng ta phải xác lập được, phải thừa nhận một cách khách quan rằng chúng ta đã có một nền văn hoá, nền văn hoá đó được xây bởi những người cộng sản, và tôi gọi đó là nền văn hoá vô sản. Nền văn hoá vô sản tồn tại trong thực tế đời sống nhân dân, đời sống tâm lý của người lao động, nhất là ở miền Bắc. Cho nên, nếu không tự giác về điều ấy chúng ta sẽ không xây dựng được doanh nghiệp. Trong buổi nói chuyện sáng nay tôi đã nói, nó rủi ro lắm. Ví dụ, một thứ thuốc bậy bạ được nhét vào trong sản phẩm, hoặc một băng ghi hình những phút rửng mỡ của ông giám đốc. Hàng chục, hàng trăm các rủi ro diễn ra đối với một người phải chịu trách nhiệm trước một doanh nghiệp hoặc một đơn vị nếu anh không giải quyết tốt vấn đề nhân tâm, vấn đề con người trong xí nghiệp của anh. Ở chỗ tôi có những người lương cao đến cả trăm triệu một tháng vẫn ra đi. 20 năm rồi tôi rút ra kết luận rằng, không có một đồng tiền nào hấp dẫn người lao động no đủ, đồng tiền chỉ hấp dẫn những người lao động đói kém và thiếu việc. Người lao động đã no đủ là họ bắt đầu tự do, khi họ bắt đầu tự do thì họ đi tìm cái họ thích chứ họ không đi tìm tiền nữa, đấy là kinh nghiệm sống còn trong việc điều hành nhân sự của xí nghiệp. Về chuyện này rất nhiều anh em ở trường Đảng ngoài kia đề nghị tôi nói, giáo sư Hiên cũng đề nghị tôi nói nhưng tôi không nói. Lý do là mới nói thì có vẻ hay nhưng để làm thì không thực tế, bởi vì không phải ai cũng đủ điều kiện, thậm chí cả điều kiện trí tuệ để làm được những việc như vậy. Đôi khi thương người ta quá, cho người ta nhiều quá là thành giết chết người ta. Muốn nâng đỡ con người quá một cách không có cơ sở khoa học cũng là giết chết người ta, bởi nó sẽ nuôi dưỡng tính tự mãn một cách vô lý.
Tôi thí nghiệm chuyện này một cách kiên nhẫn 20 năm nay. Muốn ai ra đi sớm thì bơm, bơm đến mức họ không còn là họ nữa. Bỗng nhiên họ thấy rằng chỉ một bước nữa là họ đến gần Tổng bí thư, thế là họ đi. Đấy chính là độ rủi ro, độ dễ nhầm lẫn của con người về sự đo đạc các giá trị của mình.
Có một lần Viện Kiểm sát thành phố Hà Nội vào kiểm tra, thanh tra xem tôi tiêu tiền như thế nào. Tôi không hiểu tại sao lúc bấy giờ lại có những quyền kỳ quặc như vậy. Họ thấy tất cả các lái xe của tôi (có 5- 7 người) đều được đi nước ngoài, lễ tân cũng được đi học đại học kinh tế, và tôi còn hợp tác với các trường tổ chức các lớp học tại cơ quan. Các anh ấy cho rằng những chi phí ấy không phù hợp, bởi trong danh mục các chi phí để khấu trừ trước khi tính thuế không có loại chi phí ấy. Không ai cho lái xe ra nước ngoài chơi, đi nước ngoài là để công tác. Người ta chất vấn tôi, tôi bảo “Tôi hỏi các anh lái xe có phải là người không? Nếu là người thì họ có niềm tự hào riêng của họ. Sau 3-5 năm làm việc mà không biết nước ngoài, không biết Thái Lan ở đâu, không biết Lào ở đâu thì tội nghiệp quá. Họ lấy cái gì để khoe với vợ họ, để họ giữ được sự cân bằng tình cảm của một cô vợ sau 10 năm chung sống với anh chồng cứ luẩn quẩn?” Tất cả những điều như vậy là chúng tôi phải làm. Tôi lấy ví dụ, công ty tôi trên thực tế có từ năm 1987, nhưng khi chính thức thành lập công ty là tôi lập ngay Chi bộ Đảng Cộng sản. Tôi không phải là Đảng viên Đảng Cộng sản, nhưng tôi lập chi bộ ở trong công ty. Rất nhiều người, kể cả các nhà lãnh đạo của Đảng hỏi tại sao tôi lại làm như vậy. Tôi trả lời rằng “Tôi làm như vậy vì sự tôn nghiêm về chính trị và sự tôn trọng của tôi đối với người lao động đã là Đảng viên Đảng Cộng sản”. Ở bên Mỹ người ta có cấm những người cộng sản hoạt động đâu. Công ty của tôi không phải là công ty Mỹ, nhưng chúng tôi cũng không cấm những người cộng sản hoạt động. Mà công ty của tôi lại còn tồn tại trên lãnh thổ nước CHXHCN Việt Nam thì tôi phải tạo điều kiện ưu tiên cho những người cộng sản hoạt động. Lúc đầu có những người là đảng viên đến chỗ tôi xin việc giấu chuyện mình là đảng viên. Đến ngày chủ nhật về quê đi họp chi bộ thì lấm la lấm lét và đến tối chủ nhật phải vội về để sáng thứ hai đi làm. Tôi hỏi “Hôm qua anh đi đâu để tôi phải đi tìm?”. Cuối cùng cậu ấy mới gãi đầu, gãi tai nói rằng “Em về quê họp chi bộ”. Tôi bảo “Thế thì không được”. Chính từ ví dụ như vậy mà tôi buộc phải thành lập chi bộ, bởi đấy cũng là một khía cạnh chăm sóc đời sống tinh thần của những người lao động, những người lao động trong một xã hội tồn tại sự lãnh đạo của đảng này hơn nửa thế kỷ. Đấy là vấn đề thứ nhất mà tôi muốn nói, vấn đề con người.
Vấn đề thứ hai tôi muốn nói với các anh các chị trong việc quản trị kinh doanh là quản trị quan hệ. Thường thường chúng ta sử dụng ngôn ngữ nói, nói cho hay, thuyết phục chớp nhoáng tất cả những ai dại dột nghe mình trong một lúc để đạt được một thoả hiệp cho một mục đích. Tôi có nói với nhiều anh em doanh nghiệp rằng những ai lợi dụng sự ngu ngốc của người khác để làm lợi thế trong kinh doanh thì bao giờ cũng có sự nghiệp rất ngắn. Trong tư duy hàng ngày, trong báo chí của chúng ta, rất nhiều người nói về lợi thế, về ưu thế mà quên mất ưu thế không phải là một vũ khí bền vững. Ai sử dụng ưu thế trong quan hệ con người kẻ đó không có quan hệ bền vững. Muốn xây dựng một sự nghiệp bền vững thì phải biết hoà hợp, trộn lẫn, phân công, kết hợp một cách tự nhiên các năng lực khác nhau, chứ không sử dụng năng lực như một ưu thế. Đôi khi chúng ta không hiểu quy luật cạnh tranh. Quy luật cạnh tranh không phải là giết kẻ này thì kẻ kia tồn tại. Quy luật cạnh tranh cũng không phải là chặt chân kẻ này thì kẻ kia cao lên. Quy luật cạnh tranh là một quy luật mang chất lượng tinh thần. Những biểu hiện dễ thấy của quy luật cạnh tranh mà các anh chị quan sát thấy ngoài đường là những biểu hiện tiêu cực của việc hiểu biết quy luật cạnh tranh chứ không phải là chính nó. Tại sao đầu thế kỷ XX chúng ta lại hình thành những phố, những phường ở Hà Nội? Anh Trần Bình Minh là người ở Hà Nội nên anh biết rõ là những phố, phường buôn bán cùng chung một mặt hàng như vậy đã tồn tại không biết bao nhiêu năm nay. Quy luật cạnh tranh hiện đại của cái gọi là chủ nghĩa tư bản như các anh nói (tôi không đồng ý về cái thuật ngữ được gọi là chủ nghĩa tư bản vì chỉ có mỗi chúng ta gọi nó là chủ nghĩa tư bản chứ nó không tự gọi là chủ nghĩa tư bản) đã len lỏi vào những phố, phường như vậy. Nhưng các nhà sản xuất cùng mặt hàng và những người buôn bán cùng mặt hàng vẫn tập hợp với nhau thành phố và thành phường, đấy là mặt hợp tác của quy luật cạnh tranh. Cho nên, trong một bài viết tôi có nói hợp tác là triết học của giai đoạn hiện đại. Không tìm cách để hợp tác thì không có sức mạnh, nhất là trong cùng một cộng đồng dân tộc như thế này. Chúng ta mạnh bởi chúng ta có nhau, chứ không phải chúng ta mạnh vì chúng ta hơn anh hàng xóm.
Có một câu chuyện cười thế này: Có ba người nông dân có bò chết, một người Pháp, một người Mỹ và một người Việt. Người Pháp bảo “Tôi nằm mơ gặp Chúa và Chúa cho tôi xin một con bò và 100 đô la để mua cỏ”. Người nông dân Pháp hay được tài trợ, hỗ trợ, còn người nông dân Mỹ thì không được như vậy, họ bảo: “Con lạy Chúa cho con xin lại con bò thôi còn cỏ thì con tự kiếm lấy”. Còn người Việt thì bảo “Chúa thế là không công bằng. Tại sao con bò của con thì chết mà con bò của thằng hàng xóm thì không làm sao cả?” Nếu không tìm ra được, nếu không giáo dục được, nếu không truyền bá được tâm lý cần hợp tác với nhau thì chúng ta không mạnh. Người Việt chúng ta sở dĩ mạnh là vì chúng ta có nhau. Trong chiến tranh chúng ta có nhau, bởi nếu không có nhau thì chúng ta chết. Trong hoà bình, có vẻ như không có nhau thì chúng ta chưa chết, nhưng tôi cho rằng chúng ta chưa chết chứ không phải không chết. Do đó, chúng ta phải tìm cách hợp tác với nhau, mà phải tìm bằng khoa học. Quy luật hợp tác trong nền kinh tế hiện đại là một vấn đề mà bộ phận nghiên cứu của trường đảng Nguyễn Ái Quốc cũng như trường đảng các tỉnh cần phải nghiên cứu, bởi họ vừa có thời gian, vừa có ngân sách để nghiên cứu. Đấy chính là một trong những yếu tố có chất lượng động lực để phát triển. Cho nên kinh nghiệm thứ hai tôi muốn nói với các anh, các chị là phải tạo ra sự hợp tác. Công ty của tôi không có cái gọi là tiền thưởng. Tôi tuyệt đối không thưởng bởi vì tôi không muốn xây dựng một nền kinh tế thành tích chủ nghĩa trong công ty của tôi. Công ty tôi có hai loại lương. Thứ nhất là lương cứng như một bộ phận đảm bảo tối thiểu để duy trì trạng thái ổn định của toàn bộ nền tâm lý lao động. Thứ hai, không phải thưởng mà là phần chia lợi ích, phần chia lợi ích ấy được chia làm hai mảng: trong bộ máy lãnh đạo cao cấp thì tôi quyết định; trong các bộ phận cơ sở thì thủ trưởng của họ quyết định, nhưng thủ trưởng của họ không được quyết định phần cứng, tức phần tối thiểu của tiền lương. Xây dựng như thế tức là chúng ta xây dựng bằng bản năng một thể chế. Tất cả mọi thể chế chỉ có một giá trị là duy trì trạng thái tâm lý ổn định cho con người ở cơ sở để tiến hành các hành vi hàng ngày. Còn chúng ta cứ thổi thêm hương, thêm hoa, chúng ta thắp nhang, thắp đèn lên, chúng ta khấn, chúng ta xem thể chế như là một cái gì siêu hình, một cái gì khó hiểu, một cái gì giống như bụt là chúng ta sai. Thể chế là công cụ để duy trì sự ổn định tâm lý của con người trong khi nó tồn tại và hợp tác với nhau. Cho nên người ta mới cần tam quyền phân lập để con người không lạm dụng thể chế để ứng xử một cách không công bằng giữa người nọ với người kia. Thực ra động cơ để xây dựng những chuyện như vậy rất đơn giản.
Vấn đề thứ ba tôi muốn nói đến là quản lý thương hiệu. Ngày mai sẽ có một bài nói chuyện của chị Hà, phó tổng giám đốc của công ty tôi về quản lý thương hiệu. Tôi là Phó Chủ tịch Hội sở hữu trí tuệ Việt Nam, một tổ chức xã hội dân sự quan tâm đến vấn đề về sở hữu trí tuệ hay thương hiệu, nhưng về kinh nghiệm ứng xử hàng ngày thì chị Hà đã xử lý rất nhiều tình huống, chị ấy có kinh nghiệm hơn, chị ấy sẽ nói về vấn đề này. Về phần tôi, tôi cho rằng phải biết giữ uy tín lâu dài. Thương hiệu là một đầu tư. Hiện nay tôi không hiểu tại sao trong xã hội chúng ta, người ta xem quảng bá thương hiệu là một hoạt động quảng cáo, bởi như thế tức là lừa đảo. Trên nền tảng của những chất lượng hàng hoá đã được xã hội thẩm định, anh truyền bá hàng hoá ấy, anh phổ biến hình ảnh của hàng hoá ấy để mở rộng thị trường tiêu thụ nó khác với việc anh tung ra những lời quảng cáo, những giá trị không có thật. Hiện nay, pháp luật của chúng ta, hệ thống quản lý nhà nước của chúng ta trong lĩnh vực này rất không chặt chẽ, do đó nó tạo ra một trạng thái không bảo vệ được người tiêu dùng, hay nói cách khác là làm cho doanh nhân Việt Nam mất ngay thị trường trong nước của mình. Hiện nay chúng ta thua trên sân nhà là vì như vậy. Mọi người cứ nói một cách hay ho là thua trên sân nhà, nhưng tôi cho rằng chưa đánh nên không có chuyện thua. Anh bỏ trống sân nhà của anh bởi vì anh vội vã muốn kiếm lợi lớn hơn. Trong một bài viết cách đây khoảng 6 tháng, tôi có viết về lý thuyết hai nền kinh tế. Tôi rất muốn nói với các anh chị, nhất là các anh chị lãnh đạo tỉnh rằng Nghệ An phải có nền kinh tế của mình. Nền kinh tế của mình là gì? Là nền kinh tế mà bất chấp ngoài trời mưa gió bão bùng như thế nào dân chúng ta không đói, trẻ em chúng ta không quá khổ, tức là nền kinh tế tối thiểu. Nền kinh tế này thường được hợp thành bởi sự tồn tại và phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Còn các công ty lớn, tập đoàn nọ, tập đoàn kia thì đóng vai trò phát triển, tôi gọi là nền kinh tế phát triển. Chúng ta muốn có những tập đoàn để đối phó hoặc để vươn tới những thị trường lớn hơn, nhưng ngoảnh đi ngoảnh lại thì thấy là những con voi đó đang ăn mía nhà, ăn cỏ nhà. Và như vậy là những con vật khổng lồ được chúng ta nuôi dưỡng béo tốt đang cạnh tranh với những con vật nhỏ nhoi còm cõi không được quyền ưu tiên nào, tạo ra nền kinh tế bất bình đẳng. Bất bình đẳng bởi chúng ta xếp những con vật lớn bên cạnh con vật bé, chứ nếu con vật lớn đi ra đồng lớn bên ngoài, nếu nó viễn dương thì người ta không thấy sự bất bình đẳng. Tôi xin mở đầu buổi trao đổi chiều nay như thế và tóm tắt phần của giáo sư Trần Ngọc Hiên. Bây giờ chúng ta vẫn còn thời gian, tôi vẫn thích kéo dài phần hỏi và đáp. Tôi rất muốn nhận được những chất vấn của các anh chị, nếu là các anh chị lãnh đạo thì càng tốt.
Doanh nhân: Kính thưa ông Nguyễn Trần Bạt, từ sáng tôi nghe rất chăm chú và cảm nhận được rất nhiều điều, tôi muốn ông bộc bạch ba vấn đề. Thứ nhất, đang là một trí thức, một công chức nhà nước tại sao ông lại có lối rẽ ngang vào những năm người ta cho rằng doanh nhân không đẹp, doanh nhân là đi buôn. Đáng lẽ trí thức lúc đó phải đi con đường đẹp, vậy tại sao ông lại rẽ ngang đi con đường không đẹp và bây giờ lại thành công. Thứ hai, trong xã hội chúng ta bây giờ có hai nhà, nhà chính trị và nhà doanh nghiệp, theo ông, trong hai nhà này thì làm nhà nào khó nhất? Theo tôi hiểu làm nhà chính trị dễ hơn, bởi vì ông sai thì người khác chịu, còn nhà doanh nghiệp sai thì bị phá sản và chết. Thứ ba, theo tôi biết, ông cùng với nước ngoài đầu tư vào đây 1.200 dự án, không biết là trong 1.200 dự án này có Nghệ An không. Tôi biết rằng ông là người Nghệ An, 9 tuổi đã đi ra Hà Nội, liệu tới đây ông có dự án nào đầu tư cho Nghệ An, và tại sao trong một quá trình rất dài thành đạt như thế ông lại không đầu tư vào Nghệ An?
Ông Nguyễn Trần Bạt: Tôi thích trả lời cả ba câu hỏi của anh. Thứ nhất, tại sao tôi lại rẽ ngang con đường của anh trí thức đẹp thế. Con đường trí thức nó đẹp như thế là bởi người đứng ngoài trí thức nhìn thấy như thế, còn chúng tôi, những người đứng ở trong đấy thì biết rất rõ nó là gì. Dài lưng tốn vải, ăn nói cũng lèm bèm, nói thì có vẻ logic vậy thôi nhưng không có chất lượng. Lúc tôi là người trí thức đẹp đẽ mà anh nói thì vợ tôi bảo “anh là một người nếu không có thì thiếu, có thì thừa”, vì tôi không đóng vai trò gì trong cơ cấu đời sống cả vật chất lẫn tinh thần của gia đình tôi. Người trí thức chỉ đẹp thật khi các giá trị trí tuệ của anh ta tạo ra sự có ích. Tôi là một trong các phó chủ nhiệm của đồ án cầu treo Chương Dương ở Hà Nội, một đồ án rất nổi tiếng. Chủ nhiệm đồ án ấy là anh Bùi Danh Lưu, sau này là bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải. Tôi là phó chủ nhiệm phụ trách phần móng. Tôi đi vào Sài Gòn tính toán rất cẩn thận để tiết kiệm và cuối cùng ra một thiết kế khoảng 20 cái cọc (việc này xảy ra khoảng 40 - 50 năm rồi tôi cũng không nhớ chính xác lắm về mặt con số). Nhưng trong cuộc họp để trình bày với Hội đồng Bộ trưởng thì Thứ trưởng thường trực phụ trách chuyện ấy bảo tôi: “trông ghê quá cậu ạ, tôi không yên tâm để trình bày với các cụ, cậu thêm vào đi”. Tôi bảo “theo anh thì thêm bao nhiêu?”. Anh ấy bảo “cậu cứ cho gấp đôi đi”. Tôi bảo “gấp đôi là nhân với hai, tức là sử dụng hệ số hai, hệ số thì phải có cơ sở pháp luật của hệ số, vậy tôi đặt tên cho hệ số này là gì?” Anh ấy bảo “cậu cứ nghĩ đi, đặt tên gì thì đặt, đặt tên tớ”. Khi anh ấy nói như vậy thì tôi làm đúng như vậy, và sau buổi trình bày ấy tôi tìm cách ra khỏi cái gọi là con đường đẹp đẽ ấy để đi tìm một con đường khác. Bây giờ tôi vẫn là một trí thức, vẫn là một nhà khoa học. Tôi không làm cái khoa học mà tôi đã làm 20 - 30 năm trước đây mà tôi làm khoa học khác, khoa học nghiên cứu về con người, về thể chế, về nhà nước, về chính trị, bởi bản năng trí thức của tôi không mất đi được. Bản năng trí thức là một cái tâm nhãn, một con mắt từ bên trong tâm hồn của mình nhìn vào các sự vật, và mình chiếu đôi mắt ấy vào vật gì thì vật ấy trở thành đối tượng của khoa học. Mười năm nay tôi vẫn làm khoa học và chính điều đó tạo cho tôi cơ hội để đối thoại với các anh chị, chứ không phải sự thành đạt trong kinh doanh để tôi có cơ hội ấy. Chị Lệ Thanh và một số người khác sở dĩ biết tên tôi vì đọc bài của tôi ở trên mạng, chứ có nhìn thấy cái dự án nào của tôi ở Nghệ An đâu. Nếu lấy quyền lợi của Nghệ An để đo đạc tính tích cực chính trị của tôi đối với Nghệ An thì điểm của tôi là âm, chị Thanh chắc là 10. Tôi không rẽ ngang, tôi vẫn đi thẳng đến cái lợi ích có thật mà một con người có lương tri buộc phải tạo ra cho xã hội. Các sự vật rẽ ngang trước mặt tôi chứ tôi không rẽ trước mặt nó. Cái này những ai chưa có thì phải rèn luyện. Chúng ta đi thẳng, các sự vật nó sợ ta thì nó rẽ chứ ta không rẽ. Tôi không quay một độ nào đối với sự nghiệp của đất nước. Tôi yêu đất nước của tôi, tôi đi tìm lợi ích mà tôi có thể tạo ra cho đất nước của tôi, chứ tôi không rẽ. Các hình thức công ty hay cái này, cái khác chỉ là những bộ áo khoác tôi mặc đi dọc con đường hành hương để tìm kiếm sự có ích của cá nhân mình đối với đời sống.
Về câu hỏi thứ hai của anh, tôi không đồng ý với anh nhà chính trị ít rủi ro hơn nhà kinh doanh. Chỉ có rủi ro mà nhà chính trị đem lại khó đo đạc hơn nhà kinh doanh thôi. Bởi cái rủi ro của nhà chính trị đem lại nó không đo đạc được cho nên nó nguy hiểm cho nhà chính trị hơn nhà kinh doanh. Giả sử nếu anh gây ra thiệt hại một đồng thì dư luận có thể biến nó thành một triệu. Vì tác hại do sự sai lầm chính trị không đo đạc được, cho nên, tùy thuộc vào năng lực ứng xử của nhà chính trị mà cái ba lô trách nhiệm nó nặng bao nhiêu ký trên vai của nhà chính trị ấy. Mặc dù thế, nếu cho tôi quyền lựa chọn, tôi vẫn thích chọn địa vị một nhà chính trị. Bởi vì phải nói rằng, làm một nhà chính trị thông thái thì đem đến một sự cống hiến vĩ đại hơn, nhanh hơn, và trực diện hơn đối với sự phát triển của đời sống xã hội. Tóm lại, làm nhà chính trị khó hơn và tác động nhanh hơn đến đời sống. Chỉ cần một lượng gió chính trị có thể thổi thành bão kinh tế, sáng nay tôi đã nói với anh em như thế. Để tạo thành bão kinh tế thì phải thổi phù phù, nhưng để tạo thành bão chính trị thì chỉ cần một ít sai lầm nho nhỏ của nhà chính trị thôi, bởi hậu quả nó đến chậm hơn, đến một cách kín đáo hơn, nhất là chính trị ở xã hội chúng ta. Chúng ta không có nguyên nào ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam, cho nên không có người phán xét chính trị đối với các sai lầm chính trị, và đấy chính là rủi ro cơ bản của những nhà chính trị trong thể chế của chúng ta. Làm nhà chính trị khó và phải rất cẩn thận, làm nhà chính trị Việt Nam càng khó và càng phải cẩn thận hơn. Đấy là tôi trả lời câu hỏi thứ hai của anh.
Câu hỏi thứ ba của anh là tại sao không đưa dự án về Nghệ An. Nếu trả lời một cách thẳng thắn câu hỏi của anh thì sẽ làm mất lòng các nhà lãnh đạo không chỉ ở nhiệm kỳ này, mà cả ở nhiệm kỳ trước. Sáng nay tôi đã nói một gợi ý rồi. Nếu không có một nền chính trị hấp dẫn thì không có một tương lai đẹp có thật và có tiền. Nhà chính trị là người thông minh nhất, sau nhà chính trị đến nhà kinh doanh. Đã là người thông minh rồi thì chỉ nói xa xa thôi. “Người khôn ăn nói nửa chừng…”, tôi chỉ nói đến thế thôi.
Cán bộ Tỉnh ủy: Kính thưa doanh nhân Nguyễn Trần Bạt, tôi có hai câu hỏi. Thứ nhất, phải chăng có thời kỳ dài chúng ta có định kiến mặc cảm với doanh nhân, thậm chí có lẽ nói là thương gia phải trả giá. Ngày nay thương nhân được định vị cao hơn, ngày xưa là thứ dân, bây giờ là chính dân, thậm chí hơn thế nữa có ngày tôn vinh. Vậy ở đây có lý do truyền thống, lý do thời đại hay lý do gì khác? Thứ hai, khái niệm doanh nhân đúng nghĩa là thế nào? Hiện nay người ta nói nhà điều hành quản trị kinh doanh được tuyển dụng hoặc thuê, vậy các giám đốc ở quốc doanh trước đây có phải là doanh nhân đúng nghĩa của nó không?
Trả lời: Tôi thích cả hai câu hỏi của anh, thực ra đó là câu hỏi kinh điển. Tôi không thích lắm những hoạt động tôn vinh doanh nhân đang thực hiện hiện nay trên đất nước của chúng ta. Tôi là một doanh nhân, tôi không hề chờ đợi và không thấy sung sướng gì khi được tôn vinh như thế. Bởi vì sự tôn trọng chân thật đối với một đối tượng được thể hiện trong sự im lặng. Ở đây rất nhiều chị phụ nữ đã qua giai đoạn được tán tỉnh, chắc chắn các chị đồng ý với tôi rằng chân thật nhất là những anh vụng về, ngọng nghịu và nói rất thầm đối với các chị. Cho nên nếu ai đó điều khiển được quá trình tôn vinh này thì nên khuyên những người tổ chức làm khẽ thôi, bởi vì chỉ có những cái hơi rẻ, hơi nhẹ ký thì người ta mới cần đến sự ầm ĩ. Những người vì sự nghiệp thật họ không cần sự ầm ĩ ấy, càng im lặng càng đi xa. Câu trả lời của tôi về ý thứ nhất là như vậy.
Quan niệm xã hội về doanh nhân hiện nay chưa được thay đổi thật lòng. Các anh chị thử trả lời xem có bao nhiêu doanh nhân được ứng cử vào quốc hội nước CHXHCN Việt Nam? Có bao nhiêu doanh nhân là ủy viên Ban chấp hành Trung ương ĐCS Việt Nam? Có bao nhiêu doanh nhân là ủy viên đoàn chủ tịch Mặt trận tổ quốc Việt Nam? Trong tất cả các phong tặng hiện nay có hai loại, có loại do nhà nước và có loại do các tổ chức xã hội. Phần lớn các phong trào của một số tổ chức xã hội là không ra đầu mà cũng chẳng ra cuối. Họ cũng vận động để kiếm ít tiền, kiếm sự ủng hộ của mấy cụ về hưu, cũng in, cũng phát. Những người nhận không phải không biết, nhưng để tạo ra được một tiếng động, một tiếng vang thì thôi chúng ta chấp nhận với nhau cùng đóng trò. Các anh chị nên dành thời giờ nghiên cứu kỹ hiện tượng này thì mới biết được sự thật là như thế nào, và mới có cách thức tốt nhất để tiếp cận đến những giá trị chân chính của nhà kinh doanh Việt Nam. Đấy là ý kiến của tôi về câu chuyện này.
Thế còn, làm thế nào để Đảng và Nhà nước có thể làm cảm động giới kinh doanh, làm thế nào để nó trở thành đồng minh chính trị, tôi có hỏi nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu là “thưa anh, trong thời đại mà kinh tế trở thành nhiệm vụ chính trị quan trọng nhất, thì thương nhân có phải là đồng minh chính trị của anh không?”. Tôi đặt câu hỏi ấy vào thời kỳ Đại hội IX. Nguyên văn câu trả lời của anh Phiêu là như thế này “về chuyện đồng minh như anh Bạt hỏi thì chưa phải là đồng minh, nhưng chúng ta cùng hội cùng thuyền”. Đấy là câu trả lời của nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu vào thời điểm ấy. Và các anh chị thấy ở Đại hội X người ta thừa nhận Đảng viên được quyền làm kinh tế tư bản tư nhân. Như vậy tức là nếu không thừa nhận anh là đồng chí thì tôi cho đồng chí của tôi làm anh vậy. Các anh chị thấy rằng đấy là một sự hội nhập của các khái niệm, và sự hội nhập ấy xét theo quan điểm lịch sử thì không rõ ràng lắm. Bởi vì, khi người ta kiểm nghiệm chất lượng của những kết luận khoa học là người ta kiểm nghiệm diễn biến lịch sử của nó chứ không phải chỉ kiểm nghiệm nó tại một thời điểm. Vì thế cho nên, để làm cho mọi người cảm động, mọi người nhìn mình một cách ngay thẳng, thì khi mình phải trả lời các câu hỏi có chất lượng lịch sử, tức là câu trả lời phải được kiểm nghiệm theo thời gian. Đấy là câu trả lời của tôi đối với câu hỏi của anh.
Doanh nhân: Tôi có đọc một số bài viết của ông và xin hỏi ông hai câu. Thứ nhất, tôi theo dõi phần trình bày và trả lời của ông thì tôi thấy ông đã chỉ ra được một số vấn đề liên quan đến các câu chuyện trong những bài viết của ông. Ví dụ như ông có nói đến cá nhân và hiệp hội. Việc hình thành ra những hiệp hội bây giờ là để phục vụ một số người hoặc một số người lợi dụng nó chứ không đúng bản chất của nó. Ông có đề cao vai trò cá nhân, nhưng phần cuối thì chưa giải quyết được giữa cái cá nhân và hiệp hội. Lúc nãy ông có nói câu mà tôi cũng thấy được "Người khôn thì nói nửa chừng…". Đề nghị ông có thể nói rõ hơn lý do tại sao chưa làm rõ như thế hoặc ông có thể làm rõ cho chúng tôi thấy phần này?
Câu hỏi thứ hai là như ông nói ở phần mở đầu là ở Nghệ An ta không thiếu cái gì, ông có nói đến vấn đề giáo dục, tôi lại quan tâm về vấn đề đầu tư. Ông có đau lòng trước số liệu thống kê về thu hút đầu tư cũng như giá trị được tính toán, thống kê lại trong thời gian vừa qua là rất ít ỏi? Ông có biện pháp gì để giúp tỉnh nhà, cũng như thu hút những người đứng đầu ở các ngành như ông đánh giá, ví dụ như các giáo sư ở các trường, các hiệu trưởng, các cán bộ có nhiều kinh nghiệm, nhiều khả năng để làm cho kinh tế tỉnh nhà phát triển như chúng ta mong muốn?
Ông Nguyễn Trần Bạt: Câu hỏi thứ nhất, tôi đã viết một chương dành riêng để luận giải mối quan hệ biện chứng giữa khái niệm cá nhân, khái niệm tôi và khái niệm chúng ta trong quyển sách "Cội nguồn cảm hứng" tôi có mang theo để tặng các anh, các chị ở đây. Đây là một vấn đề khoa học, không phải là vấn đề quan niệm, tôi không đề cao bất kỳ cái gì cả. Khoa học không đề cao, khoa học nói rõ sự thật, khoa học cố gắng mô tả sự thật. Có thể cơ quan tuyên huấn thì cần phải đề cao cái này hoặc cái kia, nhưng khoa học thì không đề cao cái gì cả. Khi không có điều kiện để đưa một đối tượng vào nghiên cứu thì mình chịu, nhưng khi đã có điều kiện để đưa nó vào nghiên cứu thì buộc phải vạch ra bản chất của nó chứ không vòng vo, không tuyên truyền được. Tôi xin nói lại rằng: Cá nhân là căn bản, tập thể được hình thành trên cơ sở những cá nhân căn bản ấy. Cái tôi là nguồn gốc, cái chúng ta là trạng thái phát triển của cái tôi, là tinh thần trách nhiệm của cái tôi đối với cộng đồng sống.
Câu thứ hai về vấn đề thu hút đầu tư, câu ấy tôi không trả lời được. Câu ấy sáng nay tôi mạnh dạn hỏi các nhà lãnh đạo tỉnh, chứ tôi không trả lời được là tại sao, bởi vì không ai đặt câu hỏi cho người khác rằng "tại sao vợ tớ lại không yêu tớ?". Nếu nó chưa yêu Nghệ An thì người đầu tiên là người Nghệ An phải đặt ra câu hỏi này và đi tìm nó, và trong quá trình đi tìm ấy là anh giải quyết luôn vấn đề. Vấn đề mà anh đề nghị tôi giúp đỡ là làm thế nào để lôi kéo đầu tư thì khi các anh chị lãnh đạo đi tìm điều ấy, các anh chị sẽ thấy ngay cách và có ngay hiệu quả. Hữu xạ tự nhiên hương thôi. Chúng ta không để ý ở Hà Nội và TP. HCM, và rất nhiều tỉnh đã tổ chức nhiều hội thảo thu hút đầu tư. Tôi đã từng dự một cuộc kêu gọi đầu tư vào Nghệ An được chủ trì bởi anh Lê Doãn Hợp, nhưng anh ấy lại làm ở Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Tôi rất ngạc nhiên vì ở trong phòng họp không có nhà đầu tư nào cả. Kêu gọi đầu tư ở một cuộc họp không có các nhà đầu tư thì làm sao kêu gọi được? Tôi nghĩ rằng, đây là một việc rất khó. Nếu như bây giờ các anh lãnh đạo tỉnh nói rằng “Ông Bạt, chúng tôi đi tổ chức kêu gọi đầu tư đây, chúng tôi rất muốn ông đi theo chúng tôi. Ông có đi không?” thì tôi đi ngay. Nếu anh Trần Bình Minh nói rằng “Chúng tôi định tổ chức kêu gọi đầu tư ở Mỹ đấy, ông có đi không?” thì tôi cũng nói luôn là các anh phải cho phép tôi tự chi tiền của tôi chứ tôi không tiêu tiền của nhân dân Nghệ An để đi làm chuyện ấy. Tôi sẵn sàng làm những chuyện như vậy. Kêu gọi đầu tư là một việc rất khó. Anh phải xác định được đối tượng, nhưng khó nhất là anh phải xác định anh. Cỡ mình thì lấy ai? Bây giờ tôi 64 tuổi rồi, tôi lại ngồi mơ tưởng đến hoa hậu, đòi lấy hoa hậu thì người ta bảo tôi thần kinh. Cho nên phải xác định mình, sửa mình, nhuộm tóc, nhổ tóc sâu, căng da, phải làm cái gì đó với tuổi sáu mấy của mình. Tôi không nói chúng ta làm như thế để bịp ai, mà tôi muốn nói rằng, để làm một việc chúng ta buộc phải chuẩn bị rất cẩn thận. Cần phải hiểu mình, hiểu người và có một bà mối, có một kẻ môi giới thông thạo đường đi nước bước. Kẻ đó có thể là tôi. Nhưng tôi chỉ sẵn sàng phục vụ các anh chị chứ tôi không thể chủ động tổ chức chuyện ấy được.
Doanh nhân: Tôi xin hỏi ông tiếp hai ý. Ý thứ nhất, về mặt lý thuyết, xây dựng CHXH thì phải có một nền kinh tế XHCN, tức là có thành phần kinh tế XHCN. Tôi thấy các thành phần kinh tế XHCN này không bứt phá được, không trở thành chủ đạo được. Vì sao? Bởi vì người của Đảng tự giám sát, vốn của nhà nước, của dân ném vào, ông loay hoay trong cái đó và không xong thì ông cũng hạ cánh an toàn. Tôi thấy rất bứt dứt lâu nay. Bây giờ, với tư cách là một trí thức, một doanh nhân thành đạt, vừa nghiên cứu, vừa trải nghiệm trong thực tiễn, ông có thể lý giải vấn đề đó?
Vấn đề thứ hai là ông là một doanh nhân thành đạt, bây giờ ông ngoảnh lại nhìn mình, nhìn xung quanh. Theo ông, ông thấy một nhà doanh nhân thành đạt cần phải có những tố chất gì?
Ông Nguyễn Trần Bạt: Tôi biết anh băn khoăn, anh đau khổ, về những điều mà rất nhiều người khác cũng đến tâm sự với tôi. Có những điều không có nội dung, những điều không nhìn thấy đâu cả và chúng ta buộc phải tụng niệm với những điều như vậy. Nhưng có ai dám đứng trước bàn thờ phật mà nói là “ông không đem lại cho tôi cái gì cả, tại sao hằng ngày tôi phải thắp hương cho ông”? Cho nên, không phải vì chúng ta e sợ nhà cầm quyền mà chúng ta e sợ cái lịch sử tâm lý tồn tại trong suốt chiều dài hơn nửa thế kỷ. Đấy là chúng ta kính trọng lịch sử chứ không phải khiếp sợ một số người cầm quyền nào đó. Nếu anh thích tôi nói thẳng, thì tôi nói thẳng như vậy. Tôi rất vì nể lịch sử của đất nước chúng ta, bởi vì nói gì thì nói, trong lịch sử lâu dài ấy có những yếu tố mà nếu không có nó thì chúng ta không thành người. Còn đương nhiên uống thuốc gì cũng có phản ứng phụ, bây giờ chúng ta ngồi nghĩ cách tìm loại thuốc để xử lý phản ứng phụ của toa thuốc chính mà chúng ta đã trót sử dụng trong nửa thế kỷ lịch sử của chúng ta. Tôi không nói gì cụ thể cả, nhưng tôi nói cái khung logic của câu chuyện như vậy để nói với anh là đừng đau khổ vô ích, thế nào cũng có người nghĩ ra cái gì đó, hoặc thế nào một ngày đẹp trời cũng có người đến nói với anh điều đó. Và tôi nói trước với anh là đừng đau khổ, thế nào cũng có cách giải quyết.
Còn doanh nhân thành đạt thì tôi phải nói rằng đấy là một trong những thành tố tạo ra chiến dịch tôn vinh doanh nhân mà tôi vừa trả lời người phụ trách kinh tế của Tỉnh uỷ. Cái chữ đấy khi nghe người khác nói thì tôi mặc kệ, nhưng khi nghe đồng hương nói thì tôi thấy ngượng. Tôi không phải doanh nhân thành đạt gì đâu. Tôi là một doanh nhân có một số kinh nghiệm xuất phát từ sự thành công cá nhân của mình đủ để mình tự tin chứ không đủ để cho người ta khen mình. Vì thế cho nên tôi có được trao tặng gì đâu, và xin lỗi, nếu có trao tặng tôi cũng không nhận. Tôi không phải là doanh nhân thành đạt, tôi không có kinh nghiệm của doanh nhân thành đạt. Tôi có kinh nghiệm của một người biết tạo ra những kinh doanh đứng đắn để xây dựng cho cuộc đời của mình một cơ sở tài chính bền vững. Nếu các anh chị hỏi tôi rằng làm thế nào để có được một cơ sở tài chính bền vững cho cuộc sống của mình, tôi sẵn sàng trả lời. Chứ còn làm thế nào để trở thành một doanh nhân thành đạt thì tôi không trả lời được, bởi vì tôi không thích là một doanh nhân thành đạt theo bất kỳ một định nghĩa nào ngoài quan niệm của tôi.
Tôi xem đây là đồng hương, là người nhà, tôi nói với các anh chị tâm tình thật của một người có nhiều va chạm. Nhà báo, Trợ lý Tổng bí thư Hữu Thọ đã từng nói nhà kinh doanh là thế này, nhà chính trị là thế kia, nhà báo là thế nọ. Tôi nói thẳng là “Thưa anh, tôi không xem có nhà báo, nhà kinh doanh hay nhà chính trị. Mỗi một con người trong cuộc đời của mình làm những việc khác nhau trong những giai đoạn khác nhau. Và cái quán xuyến những giai đoạn khác nhau của cuộc đời con người chính là lẽ phải tâm hồn”. Tôi tôn trọng cái lẽ phải mà tôi xác nhận trong quan hệ của tôi với những người, những đối tượng, những cá nhân cụ thể tức là tôi xác lập sự đúng đắn của tôi bằng các quan hệ. Và khi mật độ của những sự đúng đắn ấy nó dày đến mực độ nào đấy thì tôi tin rằng mình là người được người khác chấp nhận và có lẽ mình là người tốt. Tôi không đòi hỏi hơn về mình, cho mình những cái khác. Nếu kể ra những cuộc đối thoại với ông nọ bà kia thì nhiều lắm, nhưng cũng chẳng để làm gì. Họ cũng nói về mình như thế và mình cũng nói về họ như thế và chúng ta trở thành những kẻ đưa đẩy. Những kẻ đưa đẩy đến lúc nào đó đi quá một bước sẽ trở thành trò cười cho con người. Tôi thì không định làm như thế.
Trưởng ban tuyên giáo thành ủy: Hôm nay anh có nói một ý Nghệ An là một con hổ rất khó cưỡi, chắc rằng anh cũng có rất nhiều ý nghĩ trong đó khi khái quát thành nội dung này. Chúng tôi ở Nghệ An hoạt động thì thấy rằng, cũng có người nói rằng Nghệ An đầy tiềm năng, 16.000km2, có đầy đủ các vùng miền, 83km đường biển, Nghệ An nhiều người có tài, nhưng tại sao người Nghệ An đi ra lại làm được còn ở trong tỉnh không làm được? Có thật không? Tôi nghĩ có lẽ anh có rất nhiều thông tin về con hổ rất khó cưỡi của Nghệ An. Chúng tôi cũng không thích con hổ dễ cưỡi. Nghệ An là một con hổ rất khó cưỡi, mà một ông bí thư tỉnh uỷ, hoặc một ông chủ tịch tỉnh thì phải biết cái đó. Tôi muốn anh nói rõ thêm bởi vì có khi anh ở bên ngoài anh nhìn dễ hơn chúng tôi ở bên trong?
Ông Nguyễn Trần Bạt: Sáng nay khi nói chuyện với các anh chị, tôi có nói rằng, bây giờ lấy mẫu một cặp xe ôm ở chợ Vinh nói chuyện chính trị đem so với cán bộ ở ngoài Hà nội có cương vị nào đó, thì tôi cá với các anh chị là độ chính xác về suy luận chính trị của cặp xe ôm ở đây tốt hơn. Cái này không phải tôi nói chơi chơi đâu, tôi nói với anh Trần Việt Phương, nguyên Trợ lý Thủ tướng, tôi nói với anh Trần Đức Nguyên, tôi nói với ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó ban Tổ chức Trung ương Đảng và nhiều người khác nữa. Người Nghệ là những người rất sắc sảo về chính trị. cho nên, để làm thủ lĩnh chính trị của một tập hợp người như vậy vô cùng khó. Đấy là một khía cạnh. Cái thứ hai là Nghệ An nhiều tiềm năng, nhưng lại nghèo thực tế, giải quyết bài toán ấy không dễ gì, hay để thoả mãn con mắt quan trắc chính trị của xã hội này không dễ gì. Tôi cảm thấy rằng rất ít nhà lãnh đạo thành công trong việc tạo ra sự giải thích tích cực về vai trò của mình trong lịch sử chính trị lâu dài của người Nghệ An. Tôi theo dõi từ thời anh Trương Kiện chứ không phải chỉ bây giờ. Đó là thực tế. Có những thực tế đôi khi gọi tên nó thì nó ngượng nên mình không gọi. Cho nên trí thức là những người biết nghĩ ra những cách nói xa xôi để cho người khác hiểu, và tôi cũng lạm dụng cơ hội để nói thôi.
Trưởng ban tuyên giáo thành ủy: Nếu như thế thì có lẽ thế hệ trẻ, 35- 45 mà tỉnh Nghệ An đang muốn đào tạo thành cán bộ có lẽ họ sợ, mà chúng tôi mời người ngoài vào thì có lẽ không được?
Ông Nguyễn Trần Bạt: Không, tôi nói khó là làm Bí thư Tỉnh uỷ chứ tôi có nói làm những việc khác đâu. Hơn nữa, tôi nghĩ rằng thế hệ sắp tới sẽ khác. Muốn nó không trở thành con hổ khó cưỡi thì phải có thuốc, phải đơn giản hoá đời sống chính trị, còn nếu phức tạp như thế này thì nó càng ngày càng khó cưỡi. Phải đơn giản hoá đi, phải ít để tâm đến các mẹo chính trị, phải để tâm đến phát triển nền kinh tế, phải nghĩ đến người dân nghèo khổ, phải nghĩ đến sĩ diện của một vùng đất đẻ ra không biết bao nhiêu nhân tài mà dân của nó vẫn còn nghèo và đói. Đấy là một lời kêu gọi của một người đồng hương. Tôi nghĩ là ở chỗ nào mà các nhà chính trị đầy bản lĩnh, khôn khéo một cách nổi tiếng thì thường ở đấy dân nghèo. Tôi lấy ví dụ, ở Albania, quê hương của Enver Hoxha là vùng Gjirokastër rất nghèo. Ở Rumani, vùng Timisoara quê hương của Nicolae Ceauşescu cũng là một vùng rất nghèo. Vì thế cho nên các nhà chính trị ít võ đi thì nhân dân sẽ béo tốt dần ra. Đấy là tôi nói với tư cách là một người dân, và tôi nghĩ rằng cái giới hạn này không đụng trần, không chạm đến tự ái của bất kỳ ai cả. Trong quyển sách đầu tiên của tôi, tôi viết một chương về văn hoá chính trị. Nền văn hoá chính trị hợp lý là một nền văn hoá mà ở đấy tất cả mọi con người đều có thể cảm nhận được, còn nếu đến khi mà số đông không cảm nhận được nó thì đấy không phải là văn hoá chính trị. Tôi có đọc một mẩu chuyện là trong một buổi trà dư tửu hậu trong đó có Lenin, có Zdanov là trưởng ban tuyên huấn Trung ương ĐCS Liên Xô, có Kalenin, có Stalin, Zdanov nói một câu “chính trị là một con điếm”. Lenin quắc mắt và nói với Zdanov như thế này “đồng chí nõi khẽ thôi, nếu các cô ở ngoài đường mà nghe thấy là các cô ấy tự ái chết”. Đấy là một câu chuyện có thật, câu chuyện ấy được viết trong lịch sử ĐCS Liên Xô chứ không phải chuyện bịa. Tôi là người đọc lịch sử ĐCS Liên Xô, tôi không hề giấu giếm các anh chị là trước khi định nói cái gì thì tôi phải đọc thật kỹ. Thưa các anh chị là khi nào chúng ta tạo ra được một nền chính trị còn độ rỗng, độ xốp, độ khoáng để cho các yếu tố khác đến chung sống với, thì lúc ấy xã hội chúng ta sẽ lành mạnh, dân chúng ta sẽ đỡ khổ.
Doanh nhân: Tôi thay mặt một số anh em bạn bè biểu lộ lòng khâm phục và ngưỡng mộ ông. Vừa rồi chúng ta có những thay đổi tổng công ty thành các tập đoàn, xin ông cho biết rõ thêm về bản chất và hình thức về việc đổi từ tổng công ty sang các tập đoàn có những khác nhau như thế nào và có đem lại lợi ích gì cụ thể không?
Câu hỏi thứ hai là Việt Nam vừa rồi có gia nhập WTO, đấy là ý chí hay là lợi ích thiết thực, và nếu như chúng ta không gia nhập thì sao? Ông đánh giá từ khi gia nhập đến giờ thì WTO có đem lại những lợi ích phát triển hơn cho Việt Nam hay không?
Ông Nguyễn Trần Bạt: Đây là hai câu hỏi sống còn và có rất nhiều quan điểm khác nhau, tôi sẽ trả lời bằng cách phân tích những quan điểm khác nhau về vấn đề này. Câu hỏi thứ nhất về tập đoàn, trên thế giới này không có cái gì được gọi là tập đoàn. Bởi vì, các đơn vị kinh doanh là kết quả của kinh tế học vi mô. Công ty loại này, loại kia không phải là ngẫu nhiên, nó là phát hiện, là kết quả của nghiên cứu khoa học vi mô. Các anh chị không tin cứ giở quyển sách kinh tế học của giáo sư Samuelson sẽ thấy. Tôi chưa thấy có cái gọi là tập đoàn trong các nghiên cứu khoa học về việc xây dựng các đơn vị kinh doanh. Tuy nhiên, thế giới người ta gọi là “Group”, tức là các nhóm. Các nhóm ấy cũng là tổ chức xã hội dân sự trong lĩnh vực kinh tế, nó không bị ràng buộc, hoặc nếu có thì ràng buộc bởi một chủ sở hữu cụ thể mà người ta gọi là các công ty Holding. Cho nên hiện nay quá trình chuyển đổi từ tổng công ty 90-91 sang tập đoàn kinh tế đang vướng phải cơ sở luật học và triển khai. Phải nói rằng cái ban chịu trách nhiệm thực hiện chuyện này đang rất lúng túng. Còn về lợi ích, với tư cách là một người hiểu biết rất rõ các khái niệm kinh doanh và các loại hình công ty ở trên thế giới, tôi không tìm thấy lợi ích gì ngoài sự sĩ diện. Tuy nhiên, một khi sự sĩ diện trở thành một thứ thuốc kích thích để động viên, để tạo cảm hứng của người ta để làm thì nó lại không có hại nữa. Thế thì hãy để cho người ta uống thuốc kích thích ấy. May ra, sau khi uống thuốc kích thích thì họ sẽ tích cực hơn hoặc có hiệu quả hơn chăng? Điều đó chúng ta phải đợi. Nói tóm lại, về mặt kinh tế học là không cần phải có khái niệm tập đoàn, nhưng có lẽ về mặt chính trị thì cần cái đấy như một thứ thuốc kích thích.
Câu thứ hai là về WTO, gia nhập WTO không phải là một cuộc mặc cả, mặc dù chúng ta phải mặc cả mãi mới vào được. Gia nhập WTO là việc không thể không làm. Nó giống như trường hợp anh có người nhà bị H1N1, bây giờ nếu anh muốn đi làm thì anh phải đi xét nghiệm và người ta chứng nhận rằng kết quả xét nghiệm của anh âm tính thì anh mới đến cơ quan được. Đấy là một chứng chỉ có chất lượng xét nghiệm về chất lượng kinh tế và xã hội Việt Nam, cái đấy buộc phải có, không thể từ chối được. Rất nhiều người nói rằng thế là dại, tự dưng lại nổi hứng lên, rửng mỡ đi tham gia WTO, thế nào cũng chết. Tôi nói rằng chúng ta có thể lép vế khi chúng ta vào cái vòng ấy, nhưng nếu chúng ta có đứng ngoài vòng thì chúng ta cũng vẫn lép vế. Chúng ta dễ thấy sự lép vế của mình hơn khi chúng ta tham gia vào WTO và sự cảm thấy rõ ràng hơn sự lép vế của mình là một liều thuốc kích thích hoặc là một phác đồ chỉ dẫn quá trình tự sửa mình của nền kinh tế Việt Nam. Không thể không vào được, bởi vì nếu không vào đó là từ chối văn minh hiện đại. Tiêu chuẩn văn minh của thời kỳ hiện đại hiện nay chính là anh thừa nhận vai trò điều chỉnh của các tổ chức quốc tế, nếu anh từ chối là anh sống ngoài vòng pháp luật quốc tế. Cho nên cả nước Nga vĩ đại lẫn nước Trung Quốc khổng lồ cũng đều phải phấn đấu gia nhập. Việt Nam nằm mơ cũng không có giá hơn Nga hoặc mạnh hơn Trung Quốc được, cho nên họ vào thì ta cũng vào. Tôi rất tiếc là chúng ta vào WTO chậm hơn Trung Quốc. Tôi có khoảng 20 năm để tìm hiểu quan hệ giữa Việt Nam và phương Tây, tôi biết có rất nhiều nhà ngoại giao ủng hộ chuyện Việt Nam có mặt ở WTO trước Trung Quốc. Nhưng chúng ta dường như nghĩ rằng nhảy xuống ao thì để người ta nhảy trước, nếu người ta làm sao thì mình đỡ phải nhảy. Tôi không biết cân nhắc của các nhà lãnh đạo của chúng ta vào thời điểm ấy là như thế nào, nhưng với tư cách là một người hiểu biết về chuyện này thì tôi nói với các anh chị là không được phép bàn lại câu chuyện chúng ta có gia nhập hay không gia nhập WTO. Bởi vì đấy là giấy chứng nhận rằng chúng ta thừa nhận nền văn minh nhân loại. Còn nếu không thì càng ngày càng khó, và khi chỉ còn lơ ngơ mỗi mình là mình chết. Hơn nữa, nhìn xung quanh cả thế giới có hơn 200 nước thì một trăm chín mấy nước vào rồi, chúng ta việc gì phải phân vân nữa.
Doanh nhân: Xin hỏi ông một câu hỏi vui, đó là câu chuyện về con hổ Nghệ An. Nếu vận dụng câu chuyện "Trí khôn của ta đây" thì con hổ Nghệ An đấy có cần phải cột vào gốc cây để đốt cho nó khôn ra hay không? Và vấn đề thứ hai là các nhà lãnh đạo có nên nhìn vào thực trạng kinh tế của chúng ta bằng con mắt của nhà hài kịch Chu Lập Ba ở Trung Quốc, vốn là một hiện tượng rất nổi bật hiện nay. Ví dụ khi ông ấy nói rằng thuyết ba đại diện ở Trung Quốc thì nên nhìn nhận đó là ba cái đồng hồ, một là đồng hồ nước, hai là cái đồng hồ ga, và ba là cái đồng hồ điện hay không?
Ông Nguyễn Trần Bạt: Tôi không nghĩ rằng phải cột bất kỳ cái gì vào gốc cây để đốt cho nó khôn ra. Không phải tôi nói cải lương đâu mà thời kỳ đó qua rồi. Đây là thời đại trí khôn con người phát triển theo một phương thức khác, chứ không phải là phương thức áp đặt bằng cách trói nó vào gốc cây và đốt nó lên. Sự mất mát quyền lợi, sự thua kém so với các tỉnh bạn, sự nghèo đói một cách công khai trong tương quan so sánh với xã hội hiện đại làm cho con hổ ấy tự khôn ra mà không cần phải trói và đốt. Tôi nghĩ rằng anh nào làm Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An khóa tới thì nên loại bỏ phương án trói và đốt đi.
Còn về thuyết ba đại diện, tôi có một trí khôn như thế này, khi mình chưa làm xong việc của mình thì xem xét việc của thiên hạ là không cần thiết. Chưa bao giờ tôi để ý đến câu chuyện này, vì nó cũng không có tiếng vang gì ghê gớm trong quan sát của tôi. Đấy là câu trả lời của tôi cho sự chú ý có chất lượng chính trị trong câu hỏi của anh. Tuy nhiên, định nghĩa truyền thống của những người cộng sản và chủ nghĩa cộng sản là người đại diện cho quyền lợi của giai cấp vô sản, của những người nghèo khổ. Bây giờ thay nội dung đại diện cho một thực thể bằng đại diện cho một giá trị thì phải nói rằng đấy là một trí khôn rất thương mại.
Doanh nhân: Hiện nay trên thế giới có đặt ra vấn đề giải quyết mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường, đây là vấn đề rất phức tạp, xin ông trao đổi thêm về vấn đề này? Thứ hai, là ông Micheal Porter có sang Việt Nam, rất nhiều nhà doanh nghiệp, nhà hoạch định chính sách chúng ta hỏi là hiện nay Việt Nam có lợi thế gì. Ông ấy nói Việt Nam có hai lợi thế, lợi thế thứ nhất là nông nghiệp, và lợi thế thứ hai là nguồn nhân lực. Và ông ấy cũng nhắc nhở rằng chúng ta không nên phụ thuộc vào nền kinh tế gia công. Quan điểm của ông dưới góc độ của người trong cuộc thì Việt Nam hiện nay có lợi thế gì? Thứ hai, nhìn về góc độ của tỉnh Nghệ An thì phát triển kinh tế trong thời kỳ hội nhập này chúng ta nên phát huy những lợi thế nào của Nghệ An?
Ông Nguyễn Trần Bạt: Tôi rất ngạc nhiên trước việc người ta luôn luôn đặt ra vấn đề mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường. Nhà nước và thị trường là hai đại lượng khác thứ nguyên, không có tương quan ấy để so sánh. Thị trường là thị trường, nhà nước là nhà nước, không thể biến nhà nước trở thành ban quản lý thị trường được, đây là một nhầm lẫn của một loạt các cơ quan truyền thông Việt Nam. Nhà nước điều hành xã hội, nhà nước không chỉ điều hành thị trường. Thị trường chỉ là một yếu tố, và không phải là yếu tố khống chế đời sống xã hội. Tôi rất ngạc nhiên khi người ta biến Thủ tướng trở thành ông trưởng ban quản lý thị trường. Vô lý. Nhà nước không có quan hệ bình đẳng cùng thứ nguyên với thị trường.
Câu thứ hai là lợi thế của Việt Nam, tôi nghĩ lợi thế lớn nhất hiện nay của Việt Nam là nó không còn lợi thế gì để ỷ lại nữa. Người Việt Nam bây giờ không còn lợi thế gì để ỷ lại, để lười biếng và để không thay đổi một cách triệt để, một cách có cơ sở khoa học và một cách quyết liệt. Tôi biết tất cả những trò bỏ tiền tới 10 triệu để đi nghe một ông giáo sư nước ngoài nào đấy nói. Tôi quan hệ với những người như vậy và tôi biết họ. Họ sẵn sàng nói vì anh trả tiền, nhưng họ có nghiên cứu Việt Nam đâu mà họ biết Việt Nam cần cái gì và thiếu cái gì. Tôi với anh nằm ngủ trên mảnh đất khốn khổ của chúng ta, chúng ta rớt nước mắt, chúng ta cười vỡ bụng về tất cả về những thành công và thất bại của đất nước chúng ta, chẳng lẽ chúng ta không hiểu được nó mà lại phải chạy sang Mỹ để mời một người sang nói với mình Việt Nam như thế nào? Nếu mời sang để hỏi là với tình trạng hiện nay, làm sao mà chúng tôi xuất khẩu sang Mỹ được thì nên mời người ta. Còn mời người ta đến đánh giá xem mình như thế nào thì chẳng khác nào mời một ông hàng xóm đánh giá chất lượng của vợ mình.
Trước đây chúng ta bảo chúng ta có nhân dân anh hùng cho nên cứ từ từ, không sao cả. Sau đó chúng ta bảo là chúng ta có đội ngũ trung kiên, chúng ta có làm sai một tí cũng không sao. Rồi chúng ta bảo xuất khẩu lao động rồi cho nên thị trường trong nước chúng ta có bỏ trống một tí cũng không sao. Tất cả những con bài được gọi là lợi thế đã được sử dụng trong suốt 20 năm đổi mới và nó đã bắt đầu hết hiệu lực. Cho nên ưu thế lớn nhất của Việt Nam tại thời điểm chúng ta ngồi đây, đang thảo luận các vấn đề để chuẩn bị cho một sự kiện chính trị rất quan trọng của đất nước chúng ta là đại hội Đảng XI, là chúng ta không có lợi thế gì để ỷ lại nữa. Chúng ta buộc phải thay đổi, phải nghĩ ngợi, phải lao động thật sự từ trên xuống dưới để cứu đất nước của chúng ta, để giải thoát cho nền kinh tế của chúng ta. Những cái gì có thể có chúng ta dùng hết rồi, tài nguyên chúng ta bán rồi, rừng chúng ta chặt hết rồi, bao nhiêu sông có thể làm nhà máy thuỷ điện chúng ta đã làm cả rồi, bao nhiêu vùng có biển nước sâu chúng ta làm cảng hết rồi. Cái gì được gọi là lợi thế chúng ta dùng hết rồi, nhân dân chúng ta cũng đã dùng xuất khẩu lao động rồi, bây giờ chúng ta buộc phải quay lại những bài toán thực sự của những người chịu trách nhiệm về đất nước của mình, mà trong đó các nhà lãnh đạo chỉ là một phần, phần còn lại là xã hội, là tất cả các anh, các chị. Tôi nói như vậy không biết các nhà lãnh đạo có tự ái không, nhưng tôi xem xã hội là những người có cùng trách nhiệm với các anh trong việc phát triển đất nước. Và chúng ta phải tìm cách gửi ý kiến của mình một cách thân thiện đến những người lãnh đạo, đừng gây gổ, đừng phê phán, đừng chọc giận, tôi nghĩ là những cách ấy sẽ không có ích.
Doanh nhân: Tôi được đọc các bài viết của ông trên mạng và cũng nghe tiếng ông rất nhiều, hôm nay mới được gặp ông. Tôi nghĩ rằng mỗi năm lãnh đạo tỉnh Nghệ An và anh em doanh nhân mời ông về để trao đổi như thế này thì rất bổ ích, một năm nên làm một hai lần. Tôi thấy ông không dám nhận mình là nhà doanh nhân thành đạt, nhưng tôi nghĩ ông là một người kinh doanh giỏi. Ông có thể truyền lại cho anh chị em doanh nhân một số kinh nghiệm để ông trở thành một người doanh nhân giỏi, trong cách đối nhân xử thế cũng như trong mẹo kinh doanh của bản thân ông?
Ông Nguyễn Trần Bạt: Anh vừa nói rằng đề nghị các anh chị ở đây gọi tôi về một năm một hai lần, tôi nhận lời. Lúc nào các anh các chị cần thì tôi sẵn sàng làm. Chỉ sợ là tôi về nhiều quá thì các anh chị chán. Còn câu hỏi về kinh nghiệm kinh doanh thì tôi nói rằng, sai lầm lớn nhất khi chúng ta mở đầu cuộc đời kinh doanh của mình là cố gắng học theo kinh nghiệm của ai đó. Tôi kể anh nghe là con trai của tỷ phú Kerry Packer, một trong những người giàu có nhất nước Úc đến TP. HCM gặp một số nhà kinh doanh tài chính Việt Nam tìm cách hợp tác. Ông ấy cũng là một nhà tài chính lớn, ông ấy hỏi: “đã có ai trong các anh kinh doanh thua lỗ chưa?”. Tất cả mọi người ở đấy đều chứng minh mình chưa bao giờ thua lỗ cả, mà chỉ có thắng trở lên. Đến lúc mọi người đề nghị ông ấy phát biểu thì ông ấy bảo “thế thì tôi không chơi với các anh, bởi vì trong kinh doanh người nào chưa thua lỗ thì sẽ thua lỗ, chỉ có những người đã thua lỗ thì sẽ không thua lỗ nữa”. Thưa các anh chị, kinh nghiệm của tôi là các anh chị nếu mở đầu sự nghiệp kinh doanh của mình thì phải bằng chính ý nghĩ của mình, phải bằng chính sự hiểu biết của mình, phải xác nhận chính công nghệ của mình. Không cần thắng, thua càng tốt. Những kinh nghiệm học được trong sự thua của mình có giá trị gấp 100 lần so với các kinh nghiệm tôi nói với các anh chị. Kinh nghiệm lớn nhất tôi nói với các anh chị là hãy tìm lấy kinh nghiệm của mình, đừng đi học kinh nghiệm của người khác trong buổi đầu kinh doanh. Sau này, khi chúng ta đã trở thành những đối tượng kinh doanh bình đẳng với nhau chúng ta có thể trao đổi kinh nghiệm. Trao đổi kinh nghiệm và đi học kinh nghiệm đối một nhà kinh doanh là khác nhau. Không có một nhà chính trị nào đi học kinh nghiệm của một nhà chính trị khác để điều hành đất nước của mình. Không có một nhà kinh doanh chân chính nào đi học kinh nghiệm của một nhà kinh doanh khác để điều hành doanh nghiệp của mình. Không có một người chồng chân chính nào đi học kinh nghiệm của hàng xóm để về điều hành vợ mình. Đấy là kết luận trong buổi chiều hôm nay.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị QuýBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà Đoá