Khoa học theo “mốt”
Mấy năm trước, nhìn những dãy nhà hộp đứng san sát như bãi chứa container, tôi liên tưởng tới câu tục ngữ ở bầu thì tròn ở ống thì dài và nghĩ, nếu nghĩa đen của câu tục ngữ trở thành hiện thực thì ngày nào đó người Việt mình sẽ có hình thể phát triển theo khối lập phương. Ít năm sau, chắc do nóng quá hoặc không có giải pháp hữu hiệu trong việc chống thấm (?), người ta lại đua nhau úp lên mái nhà những cái chóp nhọn hoắt, hoặc tròn tròn hoặc vuông vuông, lại nghĩ cứ đà này có ngày phố xá xứ ta sẽ từa tựa như phố xá vùng Vịnh Pecxich. Vài năm nay, mốt đã thay đổi, người ta trở về với mái chảy truyền thống nhưng đã qua một lần “phủ định” là lợp tôn Ausnamhoặc đổ bê tông gắn ngói. Hóa ra cái “mái chảy” có tuổi đời ngàn năm của tổ tiên cũng có lý đấy chứ. Trường hợp này cũng tương tự như ngày trước có bác thực hiện công trình khoa học là cải tiến chiếc đàn tứ. Bác lắp thêm bốn dây nữa để có tám dây và thay dây tơ bằng dây sắt. Xong xuôi, bác vác đàn ra trình tấu, tiếng đàn tứ cải tiến nghe y hệt tiếng đàn măngđôlin. Cử tọa ngồi nghe bình luận: lại mốt cải tiến đây, cải tiến đàn tứ thành đàn măngđôlin thì cải tiến làm gì, rách việc! Mà rách việc thật, vừa tốn công của vừa mất thời gian, ít lâu sau công trình khoa học “cải tiến đàn tứ” đã nhanh chóng mất hút trong sinh hoạt âm nhạc. Cứ ngỡ cuộc đời chỉ có mốt đầu tóc, mốt áo quần, mốt sơn móng tay móng chân, mốt nhà cửa..., mấy ai nghĩ lại có cả mốt nghiên cứu khoa học! Dễ nhận thấy trong vài chục năm qua, khi nghiên cứu kinh tế - chính trị - văn hóa thì nhiều vị chạy theo Léon Vandermersch ngó vào “thế giới Hán hóa ngày nay”, chưa đâu vào đâu lại đã thấy lại tí tởn chạy theo Alvin Toffler để ngắm nghía sự “thăng trầm quyền lực”; rồi trong nghiên cứu văn học thì hết tán dương M. Bakhtin lại tung hô Milan Kundera! Tôi đoan chắc trong các vị này, người hiểu thực chất vấn đề thì ít, người nói cho có vẻ uyên thâm, trưng diện như một món “đồ trang sức trí tuệ” thì nhiều!
Đầu những năm 80 của thế kỷ trước, trả lời câu hỏi: đâu là động lực cho sự cất cánh của những “con rồng” châu Á?, trong cuốn sách Thế giớiHán hóa ngày nay Léon Vandermersch đưa ra giả thuyết về vai trò của các giá trị châu Á, cụ thể theo ông là văn hóa Khổng giáo. Cùng thời gian này, lại có tác giả cho rằng nước Nhật phát triển được như ngày nay là nhờ vai trò của văn hóa Phật giáo. Quãng chục năm sau, đi tìm nguyên nhân của cuộc khủng hoảng tài chính, ở phương Tây lại có người đổ hết tội tình lên các giá trị châu Á... Điều này cho thấy thực chất vấn đề vẫn còn để ngỏ, người ta có thể đưa ra những kết luận khác nhau, mỗi kết luận đều mang ý nghĩa tham khảo, không thể là chân lý cuối cùng, chưa nói còn phải nhìn nhận trong tương quan với hệ thống quan điểm, với góc độ tiếp cận của mỗi (những) nhà nghiên cứu. Nhưng các vị yêu thích mốt trong khoa học không lấy đó làm điều, họ lũ lượt leo lên con tầu do Léon Vandermersch cầm lái để hành trình về phương Đông. Họ phê phán tư duy phân tích và tinh thần duy lý, họ cổ vũ tư duy tổng hợp của phương Đông cổ đại và các giá trị duy tình! Tựu trung theo các vị thì phương Đông mới là cái rốn của vũ trụ, là nơi mà phương Tây phải học tập mới có thể nên người. Ăn theo mốt tìm về phương Đông, các nhà xuất bản, các nhà biên khảo, các nhà biên soạn thi nhau tung ra thị trường những tác phẩm có chung tên gọi Cổ học phương Đông. Nào Lão Tử, Khổng Tử, nào Mạnh Tử, Chu Hy, nào Thích Ca, Long Thọ..., các cụ tái xuất trên các quầy sách như muốn nhắc nhở con cháu chớ loay hoay tìm tòi đâu xa, hãy tìm từ những gì chúng ta đây “ngộ” ra từ hàng ngàn năm trước. Thiển nghĩ, nghiên cứu và khẳng định các giá trị dân tộc, nghiên cứu và khẳng định bản sắc văn hóa dân tộc trước hết phải là một sự tự ý thức, là một nhu cầu tự thân chứ không phải nói theo người khác. Vả lại, phương Tây hay phương Đông cũng đều có những mạnh - yếu riêng. Và nghiên cứu văn hóa không phải để khẳng định sự hơn kém mà là đi tìm sự khác nhau, tìm ra chỗ mạnh chỗ yếu nhằm bổ sung cho nhau, đặc biệt không phải nghiên cứu để tự an ủi như một biến thái của “phép thắng lợi tinh thần”. Đua theo mốt trong sinh hoạt xã hội nếu không được trang bị một năng lực thẩm mỹ sẽ sinh ra những trò lố lăng, đua theo mốt trong khoa học nếu thiếu tri thức sẽ sinh ra những sản phẩm kỳ quặc. Tạm điểm qua sự “thông thái dỏm” của dăm ba vị. Một vị bàn về việc chọn hiền tài đã trình bày theo lối tân cổ giao duyên như thế này: “Thi Đình là thi tại triều được tiến hành ngay sau khi thi Hội với mục đích xếp hạng các tiến sĩ. Trong số này người nào đạt điểm tối đa là 10 thì được ban Huy chương và phong tước Trạng nguyên, người nào đạt điểm 9 thì được phong Bảng nhãn, người nào đạt điểm 8 thì được phong Thám hoa”(!) Xét đến cùng, chạy theo mốt trong khoa học, thực chất là thay thế thái độ cực đoan này bằng thái độ cực đoan khác, chính xác hơn, là thể hiện điều chúng ta thường gọi là phương pháp xem xét siêu hình, là cung cách biến tri thức thành một thứ mỹ phẩm dành cho trí tuệ!
Món ăn dẫu ngon, xơi nhiều cũng chán. Tới năm 1991, cuốn sách Thăng trầm quyền lực của Alvin Toffler được dịch và xuất bản. Ngay sau đó ở Việt
Giống như khi bài hát Ôi cuộc sống! của người Xiêm La với điệp khúc noy noy noy được du nhập rồi một số ban nhạc, ca sĩ xứ ta cũng ngoáy mông nhún nhảy “noi” theo, loại trừ những vấn đề khoa học thu hút sự chú ý của những nhà nghiên cứu nghiêm túc, khi mốt xâm nhập vào đời sống khoa học nó thường đưa tới sự xuất hiện của hàng loạt những công trình có đề tài, lý thuyết, phương pháp nghiên cứu..., thậm chí đối tượng nghiên cứu cũng mang dáng vẻ hao hao. Ở cơ sở đào tạo nọ, một nghiên cứu sinh bảo vệ thành công đề tài về “năng lực trí tuệ”, ngay sau đó người ta thấy nối tiếp nhau ra đời các luận án mang nhan đề đại loại như “Tăng cường năng lực trí tuệ của X...”, “Nâng cao năng lực trí tuệ của Y...”. Nghiên cứu văn học cũng không tránh khỏi tình trạng này, ví dụ khi Thi pháp học được giới thiệu, khẳng định và đạt một số thành quả trong nghiên cứu, ngay lập tức hàng loạt những luận án tiến sĩ được triển khai, mở bất kỳ luận án nào thuộc mốt này cũng sẽ thấy nếu không bàn về “không gian nghệ thuật”, “thời gian nghệ thuật” thì cũng bàn về “điểm nhìn tác giả”, “điểm nhìn nhân vật”...!
Sự du nhập Thi pháp học vào hoạt động nghiên cứu văn học ở Việt Nam là cần thiết và khả thủ, nó đáp ứng nhu cầu bổ sung các lý thuyết, vấn đề là người sử dụng có thông thạo đến mức làm chủ được Thi pháphọc hay không. Ứng dụng thành tựu của M.Bakhtin, của M.Kundera là việc làm đáng chân trọng, nhưng tuyệt đối hóa đến mức biến thao tác ứng dụng lý thuyết của các ông thành mốt M.Bakhtin, mốt M.Kundera lại là việc cần cân nhắc (xin nói thêm, căn cứ vào những gì đã đọc tôi lờ mờ nhận thấy dường như về mặt lý thuyết giữa hai ông có một mối quan hệ nào đó, ít nhất cũng ở sự khởi xướng một lý thuyết và sự vận dụng lý thuyết ấy?). Từ phương diện này, tôi thật sự nghi ngờ tính phát hiện, tính hiệu quả của một số luận án sử dụng Thi pháp học, bằng chứng là hầu như chúng “không một tiếng vang”. Rồi lại thấy không rõ vì sao mấy năm nay các luận án tập trung nghiên cứu văn học giai đoạn 1930 - 1945 lại chiếm tỷ lệ cao đến thế (vì cần thiết? vì nhiều tư liệu? vì khả năng của thầy hướng dẫn? vì năng lực của nghiên cứu sinh? vì...?). Trong số đó, những luận án có giá trị, có thể xuất bản để giới thiệu với bạn đọc, thật sự chỉ đếm trên đầu ngón tay và đặc biệt, chúng chủ yếu gồm luận án của các tác giả mà giới nghiên cứu văn học đã biết tới tên tuổi trước khi làm nghiên cứu sinh. Số còn lại (xin lỗi nếu quá lời!) có lẽ phần lớn chỉ mang ý nghĩa đối với vị tiến sĩ “khổ chủ”, và giúp cho thư mục của Thư viện Quốc gia, của cơ sở đào tạo dày thêm mà thôi! Được cái là phần nhiều các vị tiến sĩ này cũng kín tiếng, ít đăng đàn diễn thuyết, hoặc lập ngôn này nọ, chứ vài vị tiến sĩ thuộc thế hệ đi trước thì kiêu hãnh và tự tin hơn! Như một vị quả quyết: câu thơ Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông (Truyện Kiều) phải sửa lại Hoa đào năm ngoái còn cười gió xuân, bởi hoa đào nở vào mùa xuân nên không thể cười với gió đông!
Phải chăng đây là một trong những nguyên nhân đẩy tới nghịch lý: đất nước nhiều giáo sư tiến sĩ song vẫn thiếu các nhà khoa học đích thực, thiếu các chuyên gia đầu ngành?
Nói “khoa học chạy đua theo mốt” cũng cần kể tới loại mốt khoái sử dụng các thuật ngữ, các khái niệm xã hội đang quan tâm, được nhiều vị xem là phong cách thời thượng, như với khái niệm “kinh tế tri thức” chẳng hạn. Có thể nói, lâu nay hầu như không có tờ báo, tờ tạp chí nào lại không đề cập tới “kinh tế tri thức”. Do công việc có liên quan mà bàn về “kinh tế tri thức” còn ra một nhẽ, nhưng có những vị tôi chưa thấy nghiên cứu bao giờ cũng tỏ ra say sưa tuyên truyền cho “kinh tế tri thức”. Tôi từng may mắn được nghe một diễn giả hùng hồn phát biểu hơn nửa tiếng đồng hồ về vấn đề ông gọi là “kinh tế trí thức”(!). Ông thao thao bất tuyệt: “kinh tế trí thức” là thế này “kinh tế trí thức” là thế kia, chúng ta phải làm cho “kinh tế trí thức” trở thành thế này “kinh tế trí thức” trở thành thế kia. Người ngồi cạnh rỉ tai hỏi nhỏ: “kinh tế trí thức” là cái gì hả anh, tôi trả lời như một phỏng đoán: chắc là “kinh tế tri thức”! Lại nghĩ, đến cái khái niệm mà còn nhầm lẫn thì có thể tin tưởng vị “diễn giả” kia đã nắm bắt thấu đáo vấn đề mình say sưa trình bày hay không? Rồi tự răn mình nên thông cảm, bác đang nói theo mốt!
Mốt nào rồi cũng qua đi, mãi mãi còn lại là con người với khát vọng làm đẹp mình, làm đẹp xã hội. Tuy nhiên, khi khoa học chạy đua theo mốt thì câu chuyện không hoàn toàn như vậy. Liệu có phải là hồ đồ nếu xem chạy đua theomốt trong khoa học là biểu hiện của những tư duy lười nhác? Về phần mình, tôi luôn có thái độ hoài nghi đối các công trình khoa học, các bài tiểu luận, các sự lập ngôn... thiếu vắng tinh thần khám phá, không đưa tới những nội dung hữu dụng và mới mẻ, như cụ cố Hồng của Vũ Trọng Phụng ngày xưa thường nói “khổ lắm, biết rồi nói mãi”. Hoạt động khoa học là hoạt động là khám phá và sáng tạo, là trả lời những câu hỏi cấp thiết do thực tiễn đặt ra, là đề xuất và giải quyết một ý tưởng mang ý nghĩa tích cực đối với xã hội - con người... Chỉ với những điều sơ giản này cũng đủ để khẳng định mốt không có chỗ trong khoa học. Mong sao ai đó đã, đang và sắp làm khoa học hãy đi lên từ đôi chân của chính mình, đừng biến tri thức thành những hộp Pond’s, những chai Chanel thơm nức!
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Cơ hội thứ tư - toàn cầu hóa
18/04/2004Nguyễn Trần Bạt