Lại bàn về WTO
Gần đây, dư luận nước ta lại nóng lên xung quanh việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Điều đó cũng dễ hiểu vì với việc kết thúc đàm phán song phương và tuần trước vừa ký thỏa thuận về việc này với Hoa Kỳ - đối tác cuối cùng trong số 28 đối tác yêu cầu đàm phán - khả năng Việt Nam gia nhập WTO không còn xa và nền kinh tế nước ta sắp hội nhập đầy đủ vào nền kinh tế thế giới.
Những lời bình luận xung quanh sự kiện này khá nhiều chiều, trong đó tiếc rằng có những cách nhìn có phần phiến diện như hồ hởi quá đỗi, xem sự kiện này như một “thắng lợi huy hoàng”, đem lại sự phồn vinh tức thời cho đất nước; hoặc bi quan quá mức, coi đây như một thách thức có thể nhận chìm nền kinh tế nước ta.
Để có cái nhìn thỏa đáng có lẽ nên trở lại một số vấn đề gốc gác như WTO là gì? Vì sao nước ta lại phải gia nhập WTO? Việc trở thành thành viên WTO sẽ đem lại lợi ích gì và sẽ làm nảy sinh những khó khăn gì? Làm thế nào để tận dụng được những cơ hội và ứng phó với những thách thức?
Một luật chơi đơn giản
Vì mục tiêu thúc đẩy tự do hóa thương mại, “luật chơi” cơ bản của WTO là: cắt giảm thuế quan, xóa bỏ các hàng rào phi thuế quan (hạn ngạch, cấp phép xuất-nhập khẩu), xóa bỏ trợ cấp, mở cửa thị trường, tạo “sân chơi” bình đẳng cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước (gọi là dành sự đối xử quốc gia), bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm, tài sản trí tuệ và bản quyền.
Những quy định ấy về lý thuyết tạo thuận lợi cho các nước thành viên mở rộng thị trường, thâm nhập thị trường các nước và tranh thủ vốn đầu tư, công nghệ và kỹ năng quản lý của nước ngoài; tham gia quá trình thiết lập các luật chơi mới, xử lý tranh chấp thương mại; thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước nâng cao khả năng cạnh tranh; đem lại lợi ích cho người tiêu dùng.
Nước ta phấn đấu để trở thành thành viên WTO cũng vì những lợi ích ấy. Hơn thế nữa, nền kinh tế nước ta còn tùy thuộc đáng kể vào nền kinh tế thế giới ở cả “đầu vào” lẫn “đầu ra”. Ở đầu vào, vốn nước ngoài (bao gồm cả ODA lẫn FDI) chiếm khoảng 30% tổng số vốn đầu tư của cả xã hội (dự kiến năm năm tới sẽ là 35%). Ở đầu ra, kim ngạch xuất khẩu bằng khoảng trên dưới 60% trị giá GDP, nếu tính cả kim ngạch xuất - nhập khẩu thì lên tới 132%! Vì vậy, muốn tăng trưởng cao, ta cần tranh thủ các nguồn vốn từ bên ngoài và thị trường để tiêu thụ sản phẩm, nhất là sức mua của thị trường trong nước đang còn hạn chế. Nói một cách khác, việc trở thành thành viên WTO là một tất yếu khách quan, vì lợi ích của chính chúng ta, song cũng chỉ là phương tiện để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế chứ không phải là mục đích tự thân.
Qua sông phải lụy đò
Nước nào muốn gia nhập WTO đều phải đàm phán đa phương với các thành viên thông qua cái gọi là “nhóm công tác” về việc đổi mới thể chế kinh tế trong nước cho phù hợp với các quy định của WTO và đàm phán song phương với các thành viên quan tâm về thuế suất cụ thể và mức độ mở cửa thị trường (đối với ta, chỉ có 28/150 thành viên yêu cầu đàm phán). Khác với các cuộc đàm phán bình thường dựa trên nguyên tắc có “đi có lại”, đàm phán về việc gia nhập WTO mang tính một chiều: các thành viên cũ có quyền đòi những điều họ muốn, còn nước muốn gia nhập nhất thiết phải chấp nhận các quy định chung; đàm phán chẳng qua chỉ nhằm tranh thủ các thành viên cũ nhẹ tay chút ít về lộ trình và mức độ cam kết mà thôi
Về lý thuyết, các nước đang phát triển và các nền kinh tế chuyển đổi từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung sang cơ chế thị trường được hưởng một sự “chiếu cố” như mức độ cam kết thấp hơn chút ít, lộ trình thực hiện dài hơn một chút, song trên thực tế họ chẳng được hưởng là bao, trái lại càng vào chậm càng chịu những đòi hỏi hà khắc hơn do WTO ngày càng có nhiều quy định mới.
Quá trình đàm phán về việc gia nhập WTO của nước ta trong 11 năm qua thể hiện rõ điều này, do đó không nên nghĩ là ta đã giành “thắng lợi”! Trên thực tế, chúng ta muốn “qua sông” thì phải “lụy đò”, nếu nói về thành công thì chẳng qua chỉ là tranh thủ được “tiền đò” rẻ hơn.
Chủ yếu là nỗ lực tự thân
Gia nhập được WTO có nghĩa là ta đã qua được sông. Vậy ở bờ bên kia cái gì đang chờ đón chúng ta? Điều ai cũng biết là có cả những cơ hội lẫn thách thức. Như đã đề cập ở trên, việc hội nhập kinh tế khu vực và thế giới đem lại lợi ích nhiều mặt. Còn thách thức thì cũng không ít và không nhỏ, trong đó đậm nét nhất là khả năng cạnh tranh yếu kém, không chống chọi được với hàng hóa, dịch vụ nước ngoài thâm nhập thị trường nước ta.
Có lẽ cũng không nên đặt vấn đề: cơ hội nhiều hơn hay thách thức nhiều hơn vì quả thực không dễ gì “cân, đong, đo, đếm” cụ thể được, cái “được”, cái “mất” nhiều khi đan xen nhau, khó bề tách bóc. Vả lại, nhiều hay ít còn tùy thuộc vào nhiều nhân tố chủ quan và khách quan, đồng thời phải xem xét cụ thể từng ngành, từng mặt hàng và dịch vụ.
Chỉ có điều cần nhấn mạnh rằng, cơ hội không tự động trở thành hiện thực mà chủ yếu vẫn tùy thuộc vào nỗ lực chủ quan của ta. Đành rằng thuế suất sẽ thấp hơn, hàng rào phi thuế quan sẽ đỡ hơn nhưng hàng của ta có thâm nhập được thị trường bên ngoài hay không chủ yếu vẫn tùy thuộc vào chất lượng và giá cả cũng như cách rao bán, sự bươn chải của doanh nghiệp. Đầu tư chảy vào nước ta nhiều hay ít còn tùy thuộc vào những tính toán của các nhà đầu tư cũng như môi trường kinh doanh ở nước ta.
Ta hãy xem vài ví dụ cụ thể. Thỏa thuận về khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA) với thuế suất 0-5% về khách quan tạo thuận lợi cho hàng hóa của ta thâm nhập mạnh hơn vào thị trường khu vực. Tuy nhiên, trên thực tế mức tăng trưởng xuất khẩu sang ASEAN trong năm năm qua cũng chỉ bằng mức tăng trưởng xuất khẩu nói chung (tức là khoảng 2,1 lần). Tuy EU dỡ bỏ hạn ngạch dệt may cho ta nhưng hàng dệt may của ta xuất sang thị trường này lại có phần giảm sút (một phần chuyển sang thị trường Hoa Kỳ). Điều đó cho thấy tự do hóa là điều kiện cần nhưng chưa đủ để mở rộng thị trường.
Những thách thức nảy sinh cũng không tự động trở thành mối đe dọa ghê gớm nếu thị trường ta không có nhu cầu, đối tác không có lợi ích và ta biết ứng phó. Trước khi thực hiện đầy đủ cam kết về AFTA và trước khi ký hiệp định thương mại song phương với Hoa Kỳ đã từng có sự lo ngại quá mức về những thách thức nảy sinh. Tuy nhiên, trên thực tế trong năm năm qua kinh tế nước ta không hề giảm sút mà còn tăng tiến, một phần nhờ ở việc mở rộng được thị trường bên ngoài. Kim ngạch nhập khẩu từ ASEAN vào Việt Nam chỉ tăng như mức gia tăng nhập khẩu nói chung và tỷ trọng của khối này vẫn loanh quanh trên dưới 30%, không xảy ra tình trạng hàng hóa của ASEAN ồ ạt chảy vào. Với Hoa Kỳ thì xuất khẩu tăng tới 5,5 lần (từ trên 1 tỉ lên gần 6 tỉ đô la), còn nhập khẩu chỉ tăng gấp đôi, thậm chí ta xuất siêu, riêng năm 2005 là 5 tỉ đô la. Dòng vốn đầu tư và sự hiện diện thương mại của Hoa Kỳ ở Việt Nam cũng không tăng đột biến. Nhìn rộng ra thế giới thì cũng chưa có nước nào, kể cả các nền kinh tế yếu hơn ta, bị phá sản chỉ vì gia nhập WTO.
Việc mở cửa thị trường tuy tạo thêm sức ép song điều đó cũng thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước vươn lên, người tiêu dùng, thực chất là toàn xã hội, có điều kiện tiếp cận hàng hóa, dịch vụ rẻ hơn, tốt hơn, tiện ích hơn. Trong những năm qua, không ít hàng hóa của Việt Nam đã thắng không chỉ trên sân nhà mà cả trên sân người, thậm chí một số nước vốn mạnh hơn ta về mặt hàng này hay mặt hàng khác đã tỏ ra lo ngại về sức cạnh tranh của ta.
Xem như vậy thì những sự đánh giá quá lạc quan hay quá bi quan đều không phù hợp. Nói như vậy hoàn toàn không có nghĩa là ta có thể bình chân như vại, cứ để mọi việc diễn ra một cách tự phát. Vấn đề cơ bản là có những biện pháp thiết thực để biến những thuận lợi về lý thuyết thành hiện thực, những thách thức khách quan không gây nguy hại lớn cho kinh tế-xã hội nước ta.
Vậy, chúng ta phải làm gì?
Những việc cần làm thì nhiều, sơ bộ xin đơn cử mấy việc như sau:
Về phần cơ quan nhà nước thì sau khi đã hoàn tất mọi thỏa thuận cần phổ biến rộng rãi trong hệ thống chính trị và nhân dân, nhất là trong các doanh nghiệp, nội dung các thỏa thuận để mọi người hiểu rõ, từ đó tận dụng các cơ hội mở ra, ứng phó với những thách thức nảy sinh. Quá trình xây dựng và hoàn thiện các văn bản pháp quy cần được đẩy mạnh, nhất là những nội dung liên quan tới các cam kết ghi trong thỏa thuận về gia nhập. Một công việc thiết yếu, có tầm quan trọng đặc biệt là cải thiện môi trường kinh doanh, trước mắt là cụ thể hóa các đạo luật đã được thông qua, nhất là Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư chung, đồng thời, đề ra các cơ chế, tiêu chuẩn quy phạm để bảo vệ lợi ích trong nước và lợi ích của người tiêu dùng phù hợp với các quy định của WTO. Đẩy mạnh công cuộc cải cách hành chính, chống quan liêu, tham nhũng không chỉ là yêu cầu nội tại của đất nước mà còn là đòi hỏi cấp bách cho quá trình hội nhập. Đào tạo nguồn nhân lực bao gồm cả bộ máy công quyền lẫn các doanh nghiệp, lực lượng cán bộ kỹ thuật và quản lý cũng như đội ngũ công nhân là điều kiện không thể thiếu được khi gia nhập WTO. Điều cần quan tâm nữa là chủ động đề ra các biện pháp phòng ngừa những sự đổ vỡ nào đó đối với mặt hàng này hay mặt hàng khác, thậm chí ngành này hay ngành khác.
Các doanh nghiệp càng cần phải tích cực, chủ động làm nhiều việc hơn vì nói cho cùng họ là nhân vật trung tâm trong hội nhập. Yêu cầu đầu tiên đối với các doanh nghiệp là chủ động tìm hiểu luật chơi của WTO, nghiên cứu kỹ những thỏa thuận về việc gia nhập WTO khi được phổ biến để hiểu rõ những thuận lợi và khó khăn, sắp xếp lại sản xuất và kinh doanh, nâng cao khả năng cạnh tranh. Ra khơi xa cần biết rõ quy luật của thời tiết; các doanh nghiệp nên chú trọng hơn nữa việc nắm bắt thông tin về những biến động trên thị trường thế giới chứ không nên chỉ chú tâm đẩy mạnh sản xuất đôi khi những thứ mà thị trường không cần. Đào tạo và nâng cao trình độ nguồn nhân lực không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước mà còn là lợi ích thiết thân của các doanh nghiệp.
Với tính năng động của nhân dân ta, có thể tin rằng sau khi gia nhập WTO, nước ta sẽ có thêm điều kiện để phát triển, sẽ tận dụng được thời cơ, vượt qua được những thách thức nảy sinh như đã từng chống chọi thắng lợi với những hiểm nguy trong lịch sử của mình.
Không nên nghĩ là ta đã giành “thắng lợi”! Trên thực tế, chúng ta muốn “qua sông” thì phải “lụy đò”, nếu nói về thành công thì chẳng qua chỉ là tranh thủ được “tiền đò” rẻ hơn.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất Thịnh"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngCon người hiểm độc
01/01/1900Phạm QuỳnhCơ hội thứ tư - toàn cầu hóa
18/04/2004Nguyễn Trần Bạt