Bài 2: Làm rõ khái niệm "Con Người" để thấy sai sót căn bản của luận án
Bài trước:
.
Quá trình soạn thảo Tuyên Ngôn phổ quát về Quyền Con Người
https://en.wikipedia.org/wiki/Universal_Declaration_of_Human_Rights
Tất cả 193 quốc gia thành viên của Liên Hợp Quốc đã phê chuẩn ít nhất một trong chín hiệp ước ràng buộc chịu ảnh hưởng của Tuyên bố, với đại đa số phê chuẩn bốn hiệp ước trở lên. Mặc dù có sự đồng thuận rộng rãi rằng bản thân tuyên bố này không có tính ràng buộc và không phải là một phần củaluật tập quán quốc tế, nhưng cũng có sự đồng thuận rằng nhiều điều khoản của nó có tính ràng buộc và đã được chuyển thành luật tập quán quốc tế, mặc dù tòa án ở một số quốc gia đã hạn chế hơn về hiệu lực pháp lý của nó.
Tuy nhiên, UDHR đã ảnh hưởng đến sự phát triển pháp lý, chính trị và xã hội ở cả cấp độ toàn cầu và quốc gia, với tầm quan trọng của nó được minh chứng một phần qua 530 bản dịch, nhiều nhất trong số các tài liệu trong lịch sử.
SƠ LƯỢC VỀ LUẬN ÁN
- Tên đầy đủ của luận án
“Nghĩa vụ con người trong Pháp luật Quốc tế và Pháp luật Việt Nam”.
Có thể download toàn văn (Việt và Anh) trên mạng internet.
- Tác giả luận án:
Nghiên cứu sinh Vương Tấn Việt, tức nhà sư Thích Chân Quang.
- Hai nhà khoa học hướng dẫn:
- GS. TS Nguyễn Minh Đoan,
- TS Thái Kim Liễu.
ĐIỀU SƠ ĐẲNG
Để thảo luận một đề tài, cần hiểu đúng những khái niệm và những định nghĩa liên quan. Trong luận án “Nghĩa vụ con người trong Pháp luật Quốc tế và Pháp luật Việt Nam” có ba từ được tác giả sử dụng rất nhiều lần: “con người”, “quyền con người” và “nghĩa vụ con người”, do vậy chúng cần được hiểu thống nhất.
- “Quyền Con Người” đã được khẳng định trong một văn bản quan trọng bậc nhất của nhân loại thời nay. Đó là bản Tuyên Ngôn Phổ Quát về Quyền Con Người(Universal Declaration of Human Rights (UDHR), từ năm 1948 đã được Đại Hội Đồng Liên Hợp Quốc thông qua và cho lưu hành rộng rãi toàn cầu (universal), nay vẫn giữ nguyên giá trị. Dễ hiểu: Chỉ có Đại Hội Đồng Liên Hợp Quốc mới đủ thẩm quyền sửa đổi lời văn, nội dung và ý nghĩa của văn bản này.
Cụ thể, "quyền con người” là quyền đương nhiên, bẩm sinh, dành cho mọi “con người“, mà “đối tượng thụ hưởng” không cần đền đáp bằng bất cứ nghĩa vụ nào khác.
- “Con người” (tiếng Việt) được dịch từ “human beings” (Anh) và êtres humains (Pháp) trong văn bản nói trên. Từ này được sử dụng ngay ở Điều 1 và chỉ cần được sử dụng một lần, để nói (một cách bao trùm) rằng: mọi con người đều được hưởng mọi quyền ghi trong Tuyên Ngôn. Vì sao như vậy? Vì khái niệm “con người” là mặt đối lập với khái niệm “con vật”. “Quyền con người” là từ ngữ dùng dể phân biệt địa vị con người so với địa vị con vật.
Do vậy, “con người” có định nghĩa và nội hàm rất xác định, phải được tôn trọng, nhất là khi sử dụng nó trong nghiên cứu khoa học và phát ngôn chính trị. Trong luận án nói trên, tác giả đã hàng trăm lần sử dụng từ “con người” lại càng phải ứng xử như vậy.
- Ngoài ra, ngay từ cấp II, học sinh nước ta khi học môn Giáo dục Công dân đã được thày giáo, cô giáo dạy về Quyền Con Người (nhân quyền). Bài này mong góp phần giúp các cháu nhận thức tốt hơn khái niệm này, thể hiện ở cách viết. Mong bạn đọc cùng chia sẻ với thế hệ trẻ nước ta, để họ trở thành những “CON NGƯỜI” đúng nghĩa, đặng thật sự làm chủ đất nước này.
Khối tem kỷ niệm chẵn 40 năm Tuyên ngôn quyền con người do Liên Hợp Quốc phát hành
I. KHÁI NIỆM “CON NGƯỜI”: BƯỚC TIẾN LỚN CỦA TƯ DUY
Điều 1 của Bản Tuyên Ngôn Phổ Quát về Quyền Con Người viết:
- All human beings are born free and equal in dignity and rights (tiếng Anh)
- Tous les êtres humains naissent libres et égaux en dignité et en droits (Pháp).
- Dịch sang tiếng Việt: Mọi con người sinh ra đều tự do và bình đẳng về nhân phẩm và các quyền (Việt).
1. Human Being (tiếng Pháp: Êtres Humain): hàm nghĩa rất rộng
a) Nghĩa trực tiếp của thuật ngữ này là những “thực thể” (beings - đang tồn tại)mang tính chất “người” (tính từ human). Nó hàm nghĩa rất rộng, không bỏ sót bất cứ ai: Đó là mọi con người đang sống, từ sơ sinh tời khi chết, mà không liên quan tới mọi chi tiết kèm theo (như: chủng tộc nào, quốc tịch nào, giới tính nào, tôn giáo nào)… đều là “con người”.
b) Do vậy, định nghĩa “con người” cũng phải phù hợp với khái niệm
Trên hành tinh này, từ nhiều triệu năm trước đã có nhiều loài người khác nhau xuất hiện, sau dó mất đi. Loài còn lại tới nay là Homo Sapiens (có mặt từ khoảng 200.000 năm trước). Dựa vào đây, từng có một trong những định nghĩa “con người”: Đó là mọi cá thể đang sống, thuộc loài Homo Sapiens.
Đây là khái niệm được hình thành khi phân biệt “con người” với “con vật”.
c) Điều 1, bản TNQCN sử dụng “human beings” là có chủ đích
- Từ Human Beings được sử dụng để nói lên đối tượng rộng rãi nhất được hưởng các quyền ghi trong Tuyên Ngôn: Mọi con người sinh ra đều tự do và bình đẳng về nhân phẩn và các quyền (All human beings are born free and equal in dignity and rights). Khác con vật, “con người” được ban lý trí và lương tâm, do vậy cần đối xử với nhau trong tinh thần huynh đệ.
- Điều 1 (nguyên văn tiếng Pháp): Tous les êtres humains naissent libres et égaux en dignité et en droits. Ils sont doués de raison et de conscience et doivent agir les uns envers les autres dans un esprit de fraternité.
Xin lưu ý: Từ điều thứ hai trở đi, khi nói về những quyền cụ thể, TNQCN không dùng human beingsnữa, mà dùng (ví dụ) everyone hoặc no one shall be…
Vài kết quả tra cứu: “Con người” là gì?
1) Human being means any member of the species homo sapiens from fertilization until death; Dịch: Con ngườilà bất kỳ thành viên nào của loài homo sapiens kể từ khi nó được thụ thai tới khi chết.
2) Human being: a man, woman, or child of the species Homo sapiens, distinguished from other animals by superior mental development, power of articulate speech, and upright stance (theo The Oxford Pocket Dictionary of Current English). Dịch: Con người: bất kể tuổi và giới, miễn là thuộc loài Homo sapiens, được phân biệt với các loài động vật khác nhờ sự phát triển trí tuệ vượt trội, khả năng nói rõ ràng và dáng đứng thẳng.
3) Muốn hiểu đầy đủ “Con người”, xin mời đọc bài rất dài: What a human being is. Link: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3814511/
4) Một bài tiếng Việt, dễ hiểu, thích hợp với trình độ học sinh cấp II.
Tên bài: HUMAN BEING LÀ GÌ. Xin mời các cháu tìm đọc.
2. “Con Người” tách khỏi giới động vật nói chung
- Từ cái thuở mọi loài động vật đều “ăn lông, ở lỗ”, chưa biết dùng lửa, chỉ có tiếng kêu thay vì tiếng nói… thì chưa thể xuất hiện khái niệm “con người”. Trong thế giới sống (sinh giới) lúc này chỉ có động vật và được phân biệt với thực vật.
Khái niệm “con người” chỉ ra đời khi một loài động vật có khả năng tự ý thức về sự tồn tại của bản thân nhờ tự so sánh địa vị của mình với địa vị con vật. Có lẽ đó là thời điểm từ 12 ngàn năm trước đây, khi con người bắt đầu biết trồng trọt và chăn nuôi nhờ khả năng chinh phục và thuần hóa các loài cây dại và thú hoang - mặc dù lúc này con người vẫn thua kém nhiều con vật khác về sức mạnh cơ bắp, độ tinh nhạy của các giác quan, khả năng tấn công và tự vệ...
Dẫu vậy, con người vẫn tự thấy mình có những ưu thế về trí tuệ, đủ để khuất phục các con vật khác mạnh mẽ hơn và dữ tợn hơn mình. Và tự ý thức rằng mình thuộc về một loài khác hẳn mọi loài.
Con người cổ xưa đã biết tổ chức săn hổ, làm bẫy hổ, đồng thời cũng biết rằng không khi nào có chuyện loài hổ bàn nhau cách… săn người. Thời đó, con người đã thuần hóa trâu bò... mà không có chuyện trâu bò thuần hóa con người. Qua đó, ta thấy vai trò quyết định nhất của trí tuệ khiến “con người” tách khỏi phần còn lại của giới động vật, trở thành chúa tể trong sinh giới.
Tóm lại, khái niệm “con người” ra đời là bước tiến lớn trong tư duy nhân loại.
3. “Con người” song tồn với “con vật”
Đây là sự song tồn biện chứng của hai khái niệm ngang hàng nhau và đối lập nhau. Như vậy, “con người” là khái niệm rất chung, rất rộng – gồm mọi cá thể trong nhân loại, mà chưa cần phân biệt sự khác nhau giữa các cá thể. Nói khác, khái niệm “con người” chỉ song tồn với khái niệm “con vật” (cũng rộng không kém) – và cùng tồn tại như hai mặt của một đồng xu (tiền kim loại). Đó là cách hiểu khái niệm trên bình diện triết học và khi bàn luận về “con người” cũng phải hiểu như vậy.
4. “Con người” không song tồn với “công dân” (như quan niệm trong luận án của tác giá Vương Tấn Việt)
Do vậy, rất khác nhau giữa “con người” và “công dân”, vì “công dân” chỉ song tồn với “nhà nước” – cả hai chỉ là những bộ phận trong nội bộ những “con người”. Ấy vậy mà, ở trang 38 luận án, tác giả nhầm lẫn con người với công dân. Thậm chí còn bàn tới nhiều loại công dân khác nhau… Đây là sai lầm từ gốc, khiến mọi cành, nhánh mọc ra đều sai.
Ở trang 38 luận án, tác giả viết(nguyên văn):
Trong thực tế cuộc sống, khái niệm "Con người" rất phức tạp.
Cùng là con người nhưng có rất nhiều hạng người khác nhau cùng tồn tại, có người nghèo - người giàu… có người tài - người bất tài, người đạo đức - người ác độc, người có năng lực hành vi dân sự - người mất năng lực hành vi dân sự, người tận tụy cống hiến - người lười biếng, thụ động… Và theo lẽ công bằng, người có công phải được khen thưởng, người có tội phải bị trừng phạt, còn người không làm gì sẽ bị quên lãng.
Đã tạm đủ để thấy tác giả luận án đã lẫn lộn “con người” với “công dân”
Xin ngừng trích
5. Trầy trật xác định vị thế “chúa tể” trong sinh giới
Con Người chính thức xuất hiện trong giới động vật từ rất lâu, ít nhất từ khi biết thuần hóa con vật, mở ra nền kinh tế chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Nhưng con người tự ý thức về địa vị chúa tể của mình trong sinh giới lại rất muộn. Và rất chật vật. Xin nêu một ví dụ. Thời xa xưa, tổ tiên chúng ta sợ hổ tới mức thờ con hổ (treo tranh hổ, phía trước đặt bát hương và khấn “Ông Ba Mươi”). Tiếp đó, thờ cả những người hy sinh do dám đánh hổ, bảo vệ dân làng. Rồi đề cao những anh hùng diệt hổ, thậm chí “tay không giết hổ”… Cứ thế, tới khi chủ động vào rừng săn hổ. Món “cao hổ cốt” trở thành nhu cầu cần đáp ứng. Và nay phải ra Luật “cấm giết hổ” để chúng khỏi bị tiệt chủng. Như vậy, sự nhận ra địa vị chúa tể của con người là một quá trình không hề ngắn.
II. “Quyền Con Người”: Bước tiến cực lớn về tư duy
Vâng, con người là chúa tể trong sinh giới, nhưng thể hiện bằng gì? Trả lời:
Thể hiện bằng các quyền, gọi là “quyền con người”. Dứt khoát, mọi động vật không bao giờ có những quyền này khi chúng đối diện với con người.
1. Đây là một trong những ý tưởng vĩ đại làm thay đổi thế giới
Cách nay ít năm, hãng CNN lấy ý kiến mọi người để chọn ra những ý tưởng vĩ đại có tác dụng “làm thay đổi thế giới”. Trong 10 ý tưởng được đa số đề nghị, ý tưởng về “quyền con người” được xếp ở vị trí thứ tư về tầm quan trọng.
Câu hỏi dưới đây tuy đơn giản, nhưng không dễ trả lời ngắn gọn. Vâng, con người là chúa tể trong sinh giới. Vậy (cụ thể) biểu hiện bằng gì?
Các cháu học sinh cấp II có thể đưa ra hàng trăm câu trả lời không trùng lắp: Con người có thể cưỡi voi, bắt khỉ làm xiếc, nuôi chó cảnh, mổ bò, xén lông cừu, săn hổ, diệt chuột, nuôi ong lấy mật… Nhưng câu trả lời ngắn gọn nhất là: Con người có mọi quyền khi đối diện con vật.
Quá trình để nhân loại nhận thức đầy đủ về “quyền con người” kéo dài tới… ngàn năm. Gần đây nhất, để khẳng định quyền tư hữu, cũng tốn tới 3 thế kỷ.
Đầu đuôi thế này… Cụ John Locke (1632–1704) đang được ca ngợi suốt 2 thế kỷ là người đầu tiên đề xuất tư hữu là quyền con người, bỗng dưng cụ Karl Marx hiện ra, nói ngược lại (cho rằng tư hữu là tai họa của con người) và đòi “xóa bỏ” nó (1848)… Chỉ riêng cuộc cọ sát tư tưởng (có cả đổ máu, xảy ra năm 1917) giữa các tín dồ của hai Cụ cũng kéo dài đúng 100 năm chẵn (1848-1948), kết thúc bằng sự kiện Đại hội đồng Liên Hợp Quốc chính thức coi tư hữu là “quyền con người”, ghi hẳn hoi ở điều 17 trong một văn bản lịch sử. Tính ra, nhân loại tiêu tốn tới 3 thế kỷ, chỉ để xác định một quyền cụ thể của “con người”.
Ấy thế mà sang thế kỷ XXI, người lớn vẫn cứ lơ tơ mơ giữa xóa bỏ tư hữu hay tôn trọng tư hữu (cái nào phù hợp quy luật), trách gì các cháu học sinh?
2. Khái niệm “ba Quyền Cơ Bản”: Bước tiến này còn xa hơn nữa
Ba quyền là: Quyền sống, quyền tự do và quyền tư hữu. Chưa kể các quyền nhánh khác.
- Quyền sống. Dù con người là chúa tể, nhưng con vật cũng muốn sống. Vì đó là bản năng. Vấn đề là bên nào có quyền sống (?) khi cần phân xử. Vậy thì, chỉ có con người có quyền phân xử, còn con vật chưa hề cãi lại. Vậy là xong.
Nhưng muốn sống thì trước tiên là phải ăn. Thức ăn của con người (và mọi con vật) chỉ có thể khai thác ở sinh giới. Như vậy, con vật đành phải “mất quyền sống” mỗi khi đối diện với con người, nhất là những con người đang cần ăn để sống. Trái đất đang có 8 tỷ con người mỗi ngày phải tước đoạt mạng sống của hàng triệu con vật, mà không phải do thù hằn gì hết.
- Trong sinh giới, chỉ con người mới có quyền sống. Còn chuyện “sống như thế nào” (ví dụ sống trong môi trường trong lành, hoặc sống hạnh phúc) là chuyện trong nội bộ những con người – liên quan quyền công dân. Nó liên quan tới quyền tư hữu (để cá nhân con người có điều kiện “tự mình mưu cầu hạnh phúc cho mình”). Nó thuộc đề tài khác, hẹp hơn.
- Hiến pháp nước ta (ghi ở chương Quyền Con Người) có câu: “Con người có quyền sống trong môi trường trong lành”… Có hai điều cần làm rõ:
a) Ghi như vậy nhưng Nhà Nước có thực hiện nổi không?
b) Câu ấy nghe nó cứ lạc đề thế nào ấy. Đang bàn chuyện quyền con người, lại nhầm lẫn sang quyền công dân. Đây là nhầm lẫn thật hay cố ý?.Trả lời câu hỏi này tùy thuộc dân trí...
Nếu con vật đã mất quyền sống, cũng mất luôn cả quyền tự do. Hãy nhìn đàn bò được chăn nuôi rất chu đáo, nhưng răm rắp tuân lệnh. Chúng sinh sôi, béo tốt, phởn phơ… nhưng để cung cấp sữa, thịt, da, lông… cho con người. Những thứ này vốn là tư hữu của con vật, nay mất nốt sau khi mất tự do.
- Khi quyền sống đã dược xác lập, đương nhiên con người (vị chúa đang sống) có thể… “muốn làm gì, cứ làm”. Đó là quyền tự do. Con người thời nguyên thủy hoàn toàn tự do. Nhưng đó chỉ là nói về nguyên tắc. Quả thật, khi xưa chẳng ai cấm con người giết con hổ. Khốn nỗi, cái thuở xa xưa ấy, con người rất nghèo tư hữu, do vậy không thể làm bất cứ điều gì theo ý muốn của mình. Muốn giết con hổ, ít nhất con người phải tư hữu thứ vũ khí nào đó thích hợp. Muốn chế tạo vũ khí, cần tư hữu trí tuệ, mà thời xưa con người chưa tích lũy đủ… Thiếu quyền tư hữu đồng nghĩa với thiếu quyền mưu cầu hạnh phúc.
- Té ra, quyền tư hữu (quyền thứ ba) có mối “liên quan ngược” với quyền tự do và quyền sống. Do vậy, chúng là một khối liên kết, liên hệ, bện vào nhau, không chia tách… Chỉ những bộ óc vĩ đại của nhân loại mới đề xuất được “ba quyền cơ bản” mà không phải hai, hay bốn, năm, sáu… quyền. Từ ba quyền cơ bản, hậu thế phát triển thêm những quyền nhánh khác.
III- “Bịa” chuyện để giúp hậu thế hiểu bản chất "Quyền Con Người”
Tác giả những chuyện (bịa) này quả là con người vĩ đại. Chính do vậy hàng tỷ người đang chắp tay kính cẩn, cúi đầu khâm phục và thành tâm cầu nguyện. Cứ cho rằng đó là chuyện tưởng tượng, nhưng óc tưởng tượng chính là bước tiến khổng lồ về khả năng tư duy của con người – mà không con vật nào có được. Chứ sao?
1. Đại khái, câu chuyện thế này…
- Đấng Tạo Hóa (Creator - God) với quyền năng vô biên đã dùng đất sét nặn ra muôn loài. Phải tạo ra thực vật trước để làm thức ăn cho động vật. Tới khi nặn giới động vật, Ngài vẫn rất sáng tạo, nhưng cũng không kém lơ đãng và tùy hứng. Do vậy, mặt đất có vô số loài động vật khác nhau. Loài cuối cùng, tuy cũng là động vật, nhưng được Ngài dùng chính hình mẫu của mình để tạo ra (có lẽ, vừa soi gương, vừa nặn?)… Đó chính là loài người – một loài động vật có ngoại hình giống như hình mẫu của đấng Tạo Hóa; do vậy, nó được Ngài ban thêm:
- trí tuệ: để ngày càng khôn ngoan, làm gì cũng có mục đích…
- lòng tin: để tin rằng đấng Sáng Tạo là có thật và từ đó có Tôn Giáo.
- quyền lực: để thống trị các loài khác.
Thế là một con vật biến thành Con Người, từ đó, tự biết viết hoa tên mình.
Do vậy, khi đứng trước mọi động vật, thì quyền lực Con Người là đương nhiên, là vốn có, bẩm sinh, do Đấng Tạo Hoa ban cho, chứ không phải do các động vật khác tự nguyện chuyển nhượng cho. Do vậy, Con Người không cần có bất cứ nghĩa vụ gì với các động vật khác - để đánh đổi lấy những quyền lực này.
Con người không mang ơn con vật, mà ơn Đấng Sáng Tạo. Xin hãy cân nhắc mỗi khi nói hoặc viết “nghĩa vụ con người”…
2. Nhưng... chuyện dưới đây không do tưởng tượng, mà có thật
- Một người Mỹ (có thật, thế giới đều biết: Thomas Jefferson) nói một câu “có thật” trong Tuyên Ngôn Độc Lập của nước mình năm 1776 (Lịch Sử còn lưu): “Chúng tôi khẳng định những sự thật này là đương nhiên: Mọi người sinh ra bình đẳng, đều được Tạo Hoá ban cho những quyền tất yếu, bất khả xâm phạm, trong đó có quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.
Thế là rõ: Cách mạng tư sản coi Quyền con người là tất yếu, hiển nhiên (mà không cần chứng minh), và không cần đánh đổi bằng bất cứ nghĩa vụ nào, với ai… Mạng sống của mỗi con người là tài sản (tư hữu) lớn nhất của người đó.
Đứa trẻ sinh ra, chỉ cần “oe oe” mà chưa cần thực hiện bất cứ “nghĩa vụ” gì… đã có quyền sống và các quyền khác, vì nó là “con người”. Nói “nghĩa vụ con người” với nó, không chừng nó mắng cho vài mắng!.
- Một người khác ở Việt Nam là Hồ Chí Minh, cũng có thật, cũng sử dụng ý tưởng của câu trên, cũng tuyên bố nhân ngày Độc Lập (02-9-1945) của nước mình: "Tất cả mọi người sinh ra bình đẳng. Tạo Hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc".
Hồ Chí Minh, dù chỉ ở Mỹ một năm (1912 - 1913) - so với ba chục năm bôn ba sau đó - và dù đã tiếp xúc biết bao chủ nghĩa đẹp đẽ, cùng các giá trị tinh thần cao cả khác, nhưng vẫn nhận ra những giá trị vĩ đại và vĩnh hằng mà toàn nhân loại sẽ mãi mãi theo đuổi. Đó là tôn trọng Quyền Con Người.
Hồ Chí Minh là đảng viên cộng sản sớm nhất của Việt Nam (năm 1920). Nhưng cũng sớm nhất ở Việt Nam, nhà cách mạng này đã nhập vào tim óc mình cái đặc trưng nhất của cách mạng tư sản và chỉ cần nói ra một lần cho mãi mãi mai sau. Đó là nói đúng vào ngày Tuyên Ngôn Độc Lập. Muốn học tập cụ Hồ, phải thực học những tư tưởng này!
IV. VĂN BẢN QUAN TRỌNG BẬC NHÂT CỦA NHÂN LOẠI
- Đó chính là Văn bản khẳng dịnh “Con Người có những quyển bẩm sinh”.
Nó chính thức ra đời lúc khuya ngày 10, rạng ngày 11 tháng 12-1948, với cái tên (tiếng Anh) Universal Declaration of Human Rights (UDHR), đến nay đã được dịch sang > 500 ngôn ngữ (over 500 languages). Chưa có văn bản nào được dịch sang nhiều thứ ngôn ngữ đến vậy – kể cả Kinh Thánh Cơ Đốc, Kinh Thánh Marx (Tuyên Ngôn CS), Kinh đạo Hồi của đức Ala, Kinh đạo Phật...
Liệu có nên coi Universal Declaration of Human Rights (UDHR) là kinh thánh của nhân loại, với số tín đồ tới 8 tỷ người? Nếu được vậy, sẽ không ai dám bóp méo, xuyên tạc và chần chừ thực thi nó. Nếu quyền sống được tuyệt đối tôn trọng, lập tức sẽ chấm dứt mọi cuộc chiến tranh…
- Văn bản dành cho từng con người
Nó tồn tại dưới dạng (đến nay là) 530 ngôn ngữ khác nhau, hẳn là phải có mục đích, thể hiện ở tính từ universal. Universal dịch sang tiếng Việt thành “quốc tế” là chưa lột tả được hết ý nghĩa mà tập thể soạn thảo mong muốn. Tôi dịch là “phổ quát” cũng tự thấy chưa vừa ý. Bởi vì, các tác giả soạn thảo dùng universal với kỳ vọng bản Tuyên Ngôn này sẽ len lỏi tới khắp mọi “hang cùng, ngõ hẻm” trong mọi quốc gia, mọi khu vực… để bất cứ ai, thuộc bất cứ nhóm nhỏ nào, sống ở bất cứ nơi hẻo lánh nào, nói bất cứ thứ ngôn ngữ thiểu số nào… đều biết rõ: Cá nhân mình đương nhiên có những quyền gì, để xứng đáng là một “CON NGƯỜI”.
Cách ngụy biện nào để thuyết phục “quyền con người” phải kèm “nghĩa vụ”?
Xin đưa hai cách của tác giả Vương Tấn Việt:
1- Dựa vào ý kiến củaJeremy Bentham – là người quyết liệt phản đối khái niệm “quyền tự nhiên”. Đây là nhân vật tiến bộ và lừng lẫy, nhưng… từ ba thế kỷ trước. Mọi người có thể bày tỏ quan điểm (tán thành hay không) với ý kiến của Jeremy Bentham. Tuy nhiên, cho tới nay vai trò quyết định về cách hiểu “quyền con người” và “quyền tự nhiên” vẫn thuộc về Đại Hội Đồng LHQ.
- Tác giả luận án tự ý đưa ra quan điểm cá nhân (nguyên văn):
Quyền tự nhiên xuất phát từ tiềm thức từ thời hồng hoang, khi mà dân số còn thưa thớt, tài nguyên còn dồi dào, rừng hoang còn mênh mông, con người được tự do chiếm hữu các lợi ích từ thiên nhiên mà vẫn không xung đột nhau.
Đến khi cộng đồng xã hội phát triển, dân số đông lên, con người không còn muốn lấy gì thì lấy, muốn làm gì thì làm theo ý riêng của mình nữa, mà phải theo quy định chung (pháp luật) để tránh xung đột với nhau. Lúc này, khái niệm Quyền con ngườiphải là do quy định của pháp luật chứ không còn là tự nhiên như ngày xưa nữa. Hết trích.
Đề nghị
1- Xin tác giả hiểu cách đơn giản, mà không cần lập luận vòng vèo, thiếu cơ sở, để cố ý đi đến mệnh đề cuối, rất sai, như ở đoạn văn trên (Lúc này, khái niệm Quyền con người phải là do quy định của pháp luật chứ không còn là tự nhiên như ngày xưa nữa).
.
2- Lập luận của tác giả về “quyền tự nhiên”. Thế này ạ. Mặt đối lập của “quyền tự nhiên” là “quyền hợp pháp” (hai mặt của đồng xu).
Vậy, “quyền tự nhiên” là quyền đương nhiên của con người khi tranh chấp với con vật. Ví dụ, Quyền sống là quyền tự nhiên (của con người).
Còn “quyền hợp pháp” do pháp luật quy định, đó là các quyền công dân, là chuyện nội bộ những con người với nhau. Ví dụ, quyền sống trong môi trường an toàn.
Nhận xét
Thật kỳ lạ! Tại sao các Thầy ở trường đại học Luật (Hà Nội) không giảng giải cho nghiên cứu sinh của mình, về những sai lầm rất dễ thấy?
Chỉ cần minh bạch hai mối quan hệ:
- Trường hợp con người đối diện con vật: Con người có toàn quyền. Gọi đó là “quyền tự nhiên” hay “quyền con người” tùy theo sự đồng thuận.
- Trường hợp quan hệ giữa những con người với nhau: Lúc này, con người cần đặt ra pháp luật để ứng xử phù hợp với nhau (ví dụ, công dân có quyền này, mà không có quyền kia; hoặc có nghĩa vụ này hay nghĩa vụ khác).
Không được để các cháu học sinh lẫn lộn hai mối quan hệ này.
(Còn nữa)
Nội dung khác
Hoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh Hanyi