Lãnh đạo phi cách mạng
Lịch sử phát triển của nhân loại đã trải qua những bước chuyển mình đầy ý nghĩa như là hệ quả của rất nhiều cuộc cách mạng vĩ đại và tất yếu. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, người ta đã buộc phải nhìn lại vai trò của những cuộc cách mạng bằng một đầu óc tỉnh táo và một con mắt khách quan hơn, toàn diện hơn. Điều này phản ánh những thay đổi về chất không chỉ của thế giới mà cả của tư duy lãnh đạo.
1. Đổi Mới, Cải Cách và Cách mạng
Đổi mới, cải cách và cách mạng là ba phạm trù khác nhau để miêu tả một sự thay đổi, mặc dù người ta rất hay nhầm lẫn trong việc sử dụng chúng. Nói đúng hơn, đổi mới, cải cách và cách mạng là ba phương thức để tạo ra sự thay đổi ở ba mức độ khác nhau và trên những phạm vi khác nhau.
Trước hết, cần phải hiểu đổi mới là quá trình mang tính chủ động, nằm trong quy luật vận động và phát triển tự thân của sự vật. Điều này có nghĩa đổi mới là một công việc diễn ra hằng ngày. Bất kỳ sự vật, hiện tượng, cá nhân, cộng đồng và dân tộc nào cũng luôn luôn trải qua quá trình đổi mới như là bản năng để tự thích nghi với những thay đổi của môi trường sống. Một câu nói rất nổi tiếng của Heraclite "Không ai tắm hai lần trên một dòng sông" đã nói lên tinh thần này. Vì thế, đổi mới ít nhiều hàm nghĩa vận động, tức là sự vật, hiện tượng, cá nhân, cộng đồng, dân tộc và thậm chí cả thế giới, để được coi là phát triển bình thường cần phải đổi mới thường xuyên và tự đổi mới. Một hệ thống đạt được tiêu chí này sẽ đảm bảo tiêu chuẩn đầu tiên và quan trọng nhất để được công nhận là hoàn thiện và tối ưu.
Trong khi đó, cải cáchlà một biện pháp được thực hiện để giải quyết những đòi hỏi của tình thê cùng với mục tiêu rõ ràng, chương trình cụ thể và yêu cầu phải hoàn tất trong một thời gian nhất định. Nó sẽ tạo ra những thay đổi mang tính hệ thống hơn, trên quy mô rộng lớn hơn và sâu sắc cũng như triệt để hơn về mức độ. Trong một số trường hợp, nó còn dẫn tới cả những thay đổi về tư duy hành động cũng như định hướng phát triển. Điểm giống nhau căn bản giữa đổi mới và cải cách là tính có kiểm soát, hay tính có thể kiểm soát được. Tuy nhiên, khác với đổi mới, cải cách có thể tạo ra ít nhiều xáo trộn cùng những hậu quả không mong đợi. Vì thế, nó chỉ được thực hiện dựa trên những nghiên cứu và cân nhắc thấu đáo về mục đích, hậu quả, và người ta cần phải đủ dũng cảm để chấp nhận cái giá phải trả cũng như đủ bản lĩnh, đủ lòng tin để khắc phục những hậu quả ấy.
Trong những năm gần đây, ở Việt Nam, mặc dù Đảng và Nhà nước đã thực hiện một số chương trình đổi mới với những thành công đáng kể, nhưng rõ ràng vẫn còn rất nhiều vấn đề chưa giải quyết được. Theo chúng tôi, nguyên nhân căn bản và mang tính quyết định là chúng ta vẫn chưa có một thái độ đổi mới quyết liệtđủ để tạo ra những cuộc cải cách hiệu quả, đủ để đưa đất nước vào thế tăng trưởng bền vững. Những thành công của chúng ta mới chỉ dừng lại ở những đợt tăng trưởng ngắn hạn, trong khi gốc rễ của vấn đề chưa được giải quyết hợp lý. Để khắc phục tình trạng này, các nhà chính trị Việt Nam đôi khi nghĩ đến cách mạng như một giải pháp triệt để và hữu hiệu, quên mất rằng mọi thứ đã thay đổivà người ta không thể áp dụng một phương thuốc chung để điều trị những căn bệnh khác nhau.
Cách mạng là chủ đề bài viết này, vì thế trước khi đi sâu vào nghiên cứu, chúng ta phải bàn về thuật ngữ cách mạng. Hiểu theo nghĩa căn bản nhất, cách mạng là sự thay thế cái cũ bằng một cái mới tiến bộ hơn. Nguyên nhân dẫn đến những cuộc cách mạng không phải là tính biệt lập, hay chậm phát triển của một quốc gia nào đó, mà luôn xuất phát từ một xã hội phi dân chủ, một xã hội đạo đức giả, một xã hội độc tài.Tại sao?Bởi tất cả những điều kể trên đã dẫn đến những tích tụ trong đời sống và trong xã hội cái được gọi là mâu thuẫn. Đến lượt mình, các mâu thuẫn ấy tạo ra sự bùng nổ. Sự bùng nổ của các mâu thuẫn được gọi là cách mạng. Do đó, hiểu theo một nghĩa khác, cách mạng là quét sạch cái cũ và tạo ra tiền đề cho cái mới xuất hiện và phát triển.
Tuy nhiên, dù cách mạng hay không, con người vẫn phải sống trên cùng một địa điểm, trong cùng một xã hội và giữa những cộng đồng với tính ổn định tương đối. Chính vì con người luôn có khuynh hướng lạm dụng tính ổn định tương đối nên đã không đổi mới kịp thời, và do đó, dẫn đến cách mạng. Vì thế, cách mạng là kết quả của sự khất lần lười biếng và hèn nhát của các yếu tố chính trị. Khi không còn chịu được sự lạc hậu về chính trị, người ta phải làm cách mạng xã hội. Khi không còn chịu được sự lạc hậu về mặt kinh tế, người ta làm cách mạng kinh tế, và khi không chịu được sự lạc hậu về khoa học kỹ thuật, người ta tiến hành cách mạng khoa học kỹ thuật. Trong bất kỳ trường hợp nào,cách mạng, luôn là kết quả của một quá trình khất lần sự đổi mới đời sống và các mặt của đời sống.
Hoàn toàn khác với đổi mới và cải cách,cách mạng là một quá trình mà các nhà chính trị đương quyền, thậm chí cả xã hội không còn kiểm soát được nữa. Bởi lẽ,cách mạngsẽ tạo ra những thay đổi, thậm chí còn toàn diện và sâu sắc hơn cả những thay đổi cộng hưởng màđổi mớivàcải cáchmang lại.
Cần phải nhấn mạnh rằng tác động của các cuộc cách mạng đối với xã hội sẽ rất nặng nề, biểu hiện qua sự đổ vỡ và triệt phá của các thành tựu không chỉ thuần túy về mặt vật chất mà cả trên phương diện tinh thần. Nói một cách khách quan, cách mạng, vào những thời điểm và hoàn cảnh lịch sử nhất định, chẳng hạn khi thế giới chưa đạt tới trình độ phát triển cao, vẫn đóng vai trò tích cực bởi nó thường giải quyết thành công những vấn đề mà đổi mới và cải cách thất bại. Cần phải nhấn mạnh rằng không có một cuộc cách mạng nào êm ái hay theo cách gọi của một số người là cách mạng “nhung". Những người kém hiểu biết, hoặc cố tình ngụy biện, thường cho rằng có những giải pháp mềm mại, thay vì các liệu pháp sốc để giải quyết hậu quả của các cuộc cách mạng, quên mất rằng bản thân các các cuộc cách mạng đã là các liệu pháp sốc để phát triển.
Theo chúng tôi, trong bối cảnh ngày nay, khi thế giới đang có những biến chuyển to lớn về chất, chúng ta nên và hoàn toàn có thể tìm ra một công nghệ mới để duy trì sự phát triển. Đó nên là một biện pháp hiệu quả mà không tạo ra những đổ vỡ quá nặng nề. Đó là phương pháp lãnh đạo phi cách mạng.
2. Tiến hoá như là quy luật phát triển của thế giới hiện đại.
Thế giới trải qua rất nhiều thay đổi và tiến hoá trên thực tế là quy luật phát triển đầu tiên, căn bản và chủ đạo nhất. Lý do là quy luật này phù hợp hơn cả với sự phát triển tự nhiên của các sự vật, hiện tượng, cộng đồng và dân tộc.
Điều đó đã diễn ra như thế nào?
Trước hết, thế giới đã đi từ đổi mới đến cải cách như một bước tiến dài về công cụ duy trì sự phát triển. Sở dĩ nói như vậy là bởi đổi mới là một phản ứng mang tính tự nhiên của xã hội để đảm bảo sự thích nghi của nó trước những biến chuyển của tình thế. Nó cũng giống như một số phản ứng sinh học của cơ thể trước những thay đổi của môi trường sống. Nếu xét theo quan điểm này, cải cách là một thành tựu để duy trì sự phát triển và hơn thế nữa, để tạo ra những tiến bộ của xã hội. Ý nghĩa quan trọng nhất của cải cách là nó tạo ra những thay đổi về mặt tư duy và hành động, và đó mới là cốt lõi để tạo ra sự phát triển và duy trì sự phát triển bền vững. Nhưng cải cách không còn là phản ứng tự nhiên nữa, nó thực sự là một liệu pháp điều trị những căn bệnh của đời sống. Nói một cách hình tượng, cải cách giống như một phác đồ điều trị các căn bệnh của một cơ thể sống. Và bất kỳ loại thuốc nào vào cơ thể sống cũng đem đến những hậu quả cả tích cực lẫn tiêu cực, hoặc trước mắt hoặc trong tương lai. Cải cách cũng vậy, mặc dù, nó tỏ ra giải quyết được một số vấn đề của đời sống, nhưng cuối cùng, người ta vẫn phải thừa nhận một số hậu quả tiêu cực của nó, như tác dụng phụ không mong muốn của các loại thuốc với cơ thể người.
Trước thực tế này, nhân loại đã sáng tạo ra một công cụ mới để phát triển, cái được gọi là cách mạng. Ban đầu, nhân loại bị loá mắt vì những kết quả ngắn hạn mà các cuộc cách mạng mang lại. Các cuộc cách mạng luôn luôn phát sinh từ những đòi hỏi bức xúc của đời sống, và vì thế, nó thường thỏa mãn mong muốn thay đổi nhanh chóng của một tầng lớp nào đó trong một xã hội cụ thể. Chỉ khi hào quang của chiến thắng qua đi, người ta mới ngỡ ngàng nhận ra công việc khắc phục hậu quả của các cuộc cách mạng cũng nặng nề không kém gì hoặc thậm chí còn ghê gớm hơn trước khi các cuộc cách mạng xảy ra.
Hãy thử nhìn lại một số cuộc cách mạng gần đây để thấy rằng hậu quả của các cuộc cách mạng luôn luôn khủng khiếp, dù trong bất kỳ lĩnh vực nào. Những thắng lợi trước mắt đang làm hồ hởi các nhà chính trị, khiến họ không nhận thức được vấn đề.
Để đáp ứng nhu cầu hợp lý và đầy chất nhân văn về phát triển, tiến hóa và chỉ có tiến hóa, mới là xu hướng đúng đắn. Cùng với nó, phương pháp lãnh đạo phi cách mạng ra đời. Nếu trước đây, người ta hoặc chủ động hoặc vô thức đổi mới và cải cách để tồn tại, thì ngày nay, bản thân sự đổi mới và cải cách đã hàm chứa trong nó mục đích và nội dung phát triển.
Một trong những lý do quan trọng nhất khiến chúng ta phải chấm dứt phương pháp lãnh đạo cách mạng, đó là trái đất không còn đủ nguồn năng lượng sống để lãng phí đến mức dùng cho những cuộc cách mạng. Trong khi đó, không phải cuộc cách mạng nào cũng tiến bộ, chỉ có những cuộc cách mạng lộng tưởng là tiến bộ, hay có nhiều cuộc cách mạng tưởng là nó có giá trị. Do những hạn chế của tầm nhìn, nên cách mạng trở thành hành vi hợp lý ngắn hạn và tạo một sự tiến bộ ngắn hạn. Phương pháp lãnh đạo phi cách mạng sẽ giúp con người từ bỏ ý nghĩ biến cách mạng trở thành một thói quen của loài người, và ảo tưởng rằng sau các cuộc cách mạng, người ta sẽ đến thiên đường. Đồng thời, nó khiến con người nhận thức được tầm quan trọng của đổi mới và tiến hóa, vì đổi mới giúp người ta tư duy liên tục, trong khi tư duy cách mạng làtư duy giật cục. Hơn nữa, tư duy đổi mới liên tục làm con người có trách nhiệm hơn với những hành vi của mình. Vì thế, chúng ta cần tránh việc tuyệt đối hóa ý nghĩa của các cuộc cách mạng như là giải pháp duy nhất để phát triển. Chúng tôi tin rằng không có những cuộc cách mạng, con người sẽ có các phương thức khác để phát triển hoặc tiệm cận đến sự phát triển mà không phải đổ vỡ và mất mát quá nhiều.
Việc đầu tiên và quan trọng nhất cán phải làm, đó là biến tiến hóa thành quy luật phát triển, thành một thứ phản ứng bản năng của một xã hội. Bản thân sự tiến hóa không có tính đặc thù như bấy lâu nay người ta vẫn ngụy biện để trì hoãn nó. Chừng nào các Đảng chính trị và Nhà nước còn lấy sự khác nhau giữa phương Đông và phương Tây, hay giữa các điều kiện chính trị làm lý do cho sự khác nhau của phương thức tiếp cận đổi mới, thì người ta còn khất lần và chờ đợi một cuộc cách mạng. Do đó, để tạo ra sự phát triển ổn định, chúng ta cần xây dựng hệ các tiêu chuẩn phổ quát của một xã hội mà ở đó đổi mới và cải cách được coi là công nghệ phát triển chủ yếu, gồm có các điều kiện về chính trị, con người và dân chủ hóa. Không có dân chủ thì tốc độ truyền bá thông tin, tốc độ truyền bá các tư tưởng và giải pháp hợp lý sẽ chậm lại, không gian cho sự lan tỏa ấy cũng trở nên chật hẹp và hạn chế. Không có một xã hội dân chủ thì không thể ứng dụng các phương pháp cải cách để tạo thành lý luận cơ bản cho sự phát triển của xã hội.
3. Đổi mới, Cải cách vì một thế giới phát triển bền vững
Lenin từng nói về các điều kiện để xảy ra một cuộc cách mạng, đó là, phương pháp lãnh đạo của giai cấp lãnh đạo không còn phù hợp nữa, giai cấp bị lãnh đạo không còn chấp nhận phương pháp lãnh đạo cũ nữavà trong xã hội xuất hiện một tầng lớp mới với một sự giác ngộ mới. Sự ra đời của phương pháp lãnh đạo phi cách mạng cũng không nằm ngoài ba điều kiện này.
Thứ nhất, do những biến chuyển nhất định về trình độ, nhận thức, cách thức và mức độ phụ thuộc trong một quốc gia và giữa những quốc gia với nhau, phương pháp lãnh đạo cũ theo kiểu phá bỏ và xây mới không còn phù hợp nữa.
Thứ hai, các quốc gia nói riêng và cả thế giới nói chung không còn đủ nguồn lực để dành cho những cuộc cách mạng và giải quyết hậu quả của nó.
Và cuối cùng, xét trên phạm vi toàn thế giới, những nhà lãnh đạo khôn ngoan dã bắt đầu tìm kiếm những phương thức lãnh đạo mềm dẻo hơn, ít phải trả giá hơn. phương pháp lãnh đạo phí cách mạng, mà bản chất chính là một cuộc cách mạng về mặt tư duy lãnh đạo. Tuy nhiên, nó là một cuộc cách mạng đặc biệt bởi nó không tạo ra những thay đổi quá đột ngột cũng như những hậu quả nặng nề như những cuộc cách mạng thông thường. Vì thế, nó thực sự là một trong những kiến giải mới mẻ, khả thi và phù hợp với những yêu cầu của bối cảnh này.
Lãnh đạo phi cách mạng là một quá trình sửa chữa một cách có trách nhiệm và nhạy bén hàng ngày các khuyết tật khácnhau trên những khía cạnh khác nhau của đời sống xã hội. Lẽ ra, từ rất lâu, người ta cần phải hiểu rằng đã qua rồi thời kỳ tuyên truyền trên khắp các phương tiện thông tín đại chúng về đổi mới và cải cách bởi lẽ, đó là công việc hàng ngày chứ không phải một thành tựu. Nếu các chính phủ không từ bỏ lối tư duy này, họ sẽ phải đương đầu với một cuộc cách mạng mới, bởi thất bại trong việc nhận ra rằng cách mạng, thực chất, là một nhược điểm của đời sống. Nó chỉ như giải pháp cuối cùng để khắc phục hậu quả của những khuyết điểm mang tính chồng chất của một hệ thống. Không chỉ những người điều hành trước cuộc cách mạng mà ngay cả những người điều hành sau cuộc cách mạng, đều phải chịu trách nhiệm liên đới về việc để cho tình trạng xã hội trì trệ đến mức buộc phải cách mạng. Một trong số những sự kiện gần đây là cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính Đông Á như là thể hiện của một cuộc cách mạng. Sẽ là thừa nếu chúng ta cùng nhau nhắc lại những ảnh hưởng, hậu quả và di chứng của cuộc cách mạng này.
Tuy nhiên, nó thêm một lần nữa khẳng định rằng, dã đến lúc chúng ta phải chấm dứt phương pháp lãnh đạo cách mạng, và rằng, các nhà chính trị khôn ngoan không nên chờ đón cách mạng như là liệu pháp điều trị cho đất nước mình. Để tránh một cuộc cách mạng, người ta phải phổ biến dân chủ như là tiền đề quan trọng nhất đưa tiến hóa thành công nghệ mới để không những duy trì sự tồn tại, mà còn tạo ra tiến bộ đối với xã hội loài người.
Tuy nhiên, đây không phải là một việc đơn giản, nhất là ở những nước lạc hậu và kém phát triển về trình độ nhận thức như các nước thế giới thứ ba. Đối với những quốc gia này, giải pháp hiệu quả nhất là tạo ra một sự thức tỉnh, thậm chí, là một sự thức tỉnh cưỡng bức. Các nhà chính trị luôn luôn là bộ phận tiên tiến ở bất kỳ một xã hội nào, ừ nhất về mặt nhận thức. Do đó, các nhà chính trị phải tự cưỡng bức mình, tạo ra tiền đề của dân chủ bởi nếu không, sẽ phải tiến hành cách mạng. Cần phải dũng cảm áp dụng các biện pháp để hết thảy mọi người đều nhận thức về dân chủ như là điều kiện tiên quyết để tạo ra sự phát triển, mà quan trọng nhất là sự phát triển các năng lực con người. Bởi nếu năng lực con người không được phát huy, chúng ta sẽ tiếp tục đắm chìm trong sự lạc hậu, sẽ lại thua kém trong cuộc cạnh tranh, và một bộ phận nào đó của xã hội sẽ phải tiến hành một cuộc cách mạng. Bằng mọi giá, các nhà chính trị hiện tại phải tránh làm những cuộc cách mạng, và để tránh mọi cuộc cách mạng, phải xây dựng một cách công phu nền dân chủ. Ở đây, xây dựng một cách công phu phải được hiểu là xây dựng mình, xây dựng xã tắc mình làm chủ, xây dựng xã hội mình, xây dựng nhận thức của nhân dân mình về dân chủ. Chúng ta phải làm điều này một cách uyển chuyển để tránh tình trạng biến dân chủ thành kết quả của một cuộc cách mạng. Bởi vì để phi cách mạng đời sống phát triển thì người ta phải dân chủ một cách có ý thức, chứ không phải dân chủ như quá trình xuất hiện tự nhiên của một cuộc cách mạng. Tựu trung lại, chúng ta phải chia nhỏ cuộc cách mạng tổng thể ấy, biến chúng thành các cuộc cải cách trên từng mảng khác nhau của đời sống: chính trị, kinh tế, văn hóa và giáo dục.
Hệ thống chính trị, các nhà chính trị phải tiên phong trong việc xây dựng một xã hội lấy đổi mới và cải cách làm công cụ cơ bản để duy trì sự phát triền và tồn tại của xã hội. Nếu các nhà chính trị còn lần lữa, họ sẽ phải nhận lấy một cuộc cách mạng thật sự. Trong một thế giới bắt đầu chuyển sang phi cách mạng như thế giới của chúng ta ngày hôm nay, cách mạng đã, đang và sẽ là điều không ai muốn. Vì thế, thật không quá lời nếu nói rằng chúng ta phải chôn vùi mọi khả năng xảy ra một cuộc cách mạng mới. Liều thuốc đặc trị để giải quyết hậu quả của cách mạng chính là đổi mới và cải cách.
Đã qua rồi cái thời một con người vĩ đại nghĩ ra mô hình phát triển cho cả một dân tộc, thậm chí, một phần của thế giới.
Chúng ta hãy để xã hội làm việc của mình, nó sẽ tự mình thay đổi và tìm ra con đường gần nhất và phù hợp hơn cả với thời đại. Mỗi một người dân, mỗi một gia đình đã, đang và sẽ thực hiện công việc đổi mới và cải cách như là giải pháp êm ái nhất để duy trì hạnh phúc bé nhỏ của mình. Bản thân sự phát triển bền vững phải dựa trên nhận thức của từng người và sự đồng thuận trong xã hội. Cơ sở hạ tầng cho một xã hội như vậy chính là dân chủ như một không gian tự do cơ bản và tối thiểu để nhân dân có thể nhận thức về sự hợp lý. Đây chính là triết học của sự phát triển hiện đại.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất Thịnh"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị QuýBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà Đoá