Mạn đàm về sách và thế hệ trẻ

04:25 CH @ Thứ Hai - 07 Tháng Tư, 2008

Đầu tiên tôi phải xin các bạn bỏ qua cho sự vơ đũa cả nắm của tôi. Nhưng thật sự nhiều lúc tôi giật mình nhận ra thế hệ trẻ và thế hệ nhi đồng thời nay lười đọc sách chứ không nói là không thèm đọc.

Ngày xưa, khi mà không có games, internet... trẻ con ngoài những thú vui dân dã như diều, khăng, đáo, ô ăn quan, thì đa số thời gian tiêu khiển là để cho đọc sách. Tôi nhớ ngay từ cấp 1, bọn trẻ con chúng tôi đã truyền tay nhau đọc rất nhiều sách truyện, từ truyện Việt Nam như Dế mèn phiêu lưu kí, Thập đại tướng quân Lê Hoàn, Lá cờ thêu 6 chữ vàng,... cho đến truyện Tàu như Thuỷ Hử, Tam Quốc, Tây Du... rồi truyện Tây như Cuộc phiêu lưu của Tom, Mít đặc và Biết tuốt, Chát xình chát bùm.... chưa kể mớ truyện dân gian cổ tích mà bất kì cô bé cậu bé thò lò mũi xanh nào cũng có thời mê mẩn... Hồi đấy, tôi nhớ đã từng bị bố đánh đòn nhớ đời vì tội dăm lần bảy lượt bị mắng vẫn không chừa, khi cho mượn một quyển sách quý của ông rồi cuối cùng bị mất, để đổi lại một việc là thoải mái mượn truyện và sách trong cái thư viện gia đình của một anh trong xóm...

Nhiều người khi đọc bài viết này chắc cũng đều trải qua cái thời ấy, cái thời mà TV cũng chưa có gì hấp dẫn ngoài việc thi thoảng đón xem Hãy đợi đấy trên Bông hoa nhỏ hay chương trình phim 17 khoảnh khắc mùa xuân vào tối thứ 4... Có lẽ vì thế mà cái lớp người được coi là sinh ra trước cái thập kỉ 80 (để khi bắt đầu nhận thức được thế giới ít ra vẫn còn được hưởng đôi chút không khí của thời Bao cấp) đều có một thói quen và sở thích chung là đọc, tất nhiên, hồi ấy có khi chỉ đơn thuần tương đương với thú đánh ki đánh đáo thôi...

Thế còn thế hệ trẻ bấy giờ thì sao, cái thế hệ văn minh hiện đại của thập niên 80 và 90 rồi sẽ là 00, nếu châm trước chuyện vơ đũa cả nắm, thì có lẽ đã không còn màng đến sách vở nữa. Phải công nhận là lũ trẻ con bây giờ "khôn" sớm hơn bậc đàn anh rất nhiều nếu so lúc cùng tuổi. Chẳng thế mà bậc phụ huynh nào bây giờ khi khách đến nhà đều khoe con họ thông minh ghê lắm, cứ như là thần đồng ý. "Con cái chúng ta giỏi thật", công nhận thế, nó khôn hơn mình ngày xưa là phải, vì chỉ cần suốt ngày ngồi dán mắt vào màn hình TV và nhại theo, là đã đủ cho các cụ giật mình rồi, thời đại thông tin mà.

Thế nhưng các "thần đồng" trong gia đình ấy lớn lên rồi đi học, chúng nó tự cho mình là thế hệ mới, nên không thèm chơi các trò cổ lỗ nữa, không khăng không đáo, không diều vì sao hấp dẫn và mạo hiểm bằng đua xe, không sách không truyện vì sao lôi cuốn bằng chating, porno, games...

Giới trẻ ngày nay quả thực nhanh nhạy ghê lắm, nhưng sao đáng buồn vì tri thức của nhiều người trong số họ, không khéo lại như anh Mẽo giàu thì giàu nhưng mà đầu trọc hết cả phía trong nên gọi là trọc phú. Phải chăng đấy là lí do để mà bỉ các em chã nhiều rồi nhưng vô ích... Chao ôi mà chán...

Nhưng nói đi rồi nói lại, lỗi cũng chưa chắc phải lũ trẻ vì chúng vô tư có biết gì đâu, nguồn cơn biết đâu tại những người đi trước. Có lẽ các bậc phụ huynh cũng hùa theo thời hiện đại, học cái phong cách Tây, để mà để con cái tự do "quá". Chúng mày muốn làm gì thì làm, cứ chọn theo con đường mình thích... Chời ơi, nghe mà phát hoảng, trẻ con mới nứt mắt ra đã biết gì mà chọn với cả thích. Ngay cả nhớn đùng như lớp 12, sắp thi ĐH, vậy mà việc chọn trường cứ loạn cả lên, năm nay nghe Luật hay thì hùa vào Luật, năm sau thì Kinh tế... đâu có định hướng gì đâu. Vậy mà các bậc phụ huynh (đa số nhé) vẫn tôn trọng con cái kiểu thế, mà đâu biết rằng cha truyền con nối nếu khả thi thì tuyệt vời lắm, cái lẽ có vẻ hủ Nho ấy cũng có cái lý của nó...

Quay lại chuyện đọc sách vậy, tôi ít thấy bậc cha mẹ nào chịu khó hướng con mình đọc sách cả, như bố mẹ tôi đã là xịn lắm, cứ mua một đống sách về để đấy rồi sẽ có ngày không có gì làm tôi sẽ phải đọc; nếu chưa tính hồi 3 tuổi, tôi đã nghe mẹ tôi đọc rất nhiều tiểu thuyết như Không gia đình, Những tấm lòng cao cả, để rồi cho đến lúc trưởng thành, thình thoảng vẫn rơi nước mắt khi xem một bộ phim xúc động...

Nhưng tôi cảm thấy thế vẫn chưa đủ, vì dù rằng mỗi người có một con đường riêng không ai giống ai (xét một cách tương đối), nhưng nếu có sự định hướng chung (chứ không phải áp đặt) thì con đường tiếp cận với sách vở hay sự học nó sẽ hiệu quả hơn. Các bậc phụ huynh hay suy rộng ra các người đi trước nên khuyên con cái hay người đi sau nên đọc thế nào, đơn cử là theo trình tự nào, từ những loại sách nào đến loại sách nào, tránh tình trạng lớp 8 đã bị đọc Triết Mác như lứa chúng tôi, để rồi kêu ầm lên là như dở hơi và mãi đến bây giờ tôi cũng không cách nào cầm lại một quyển để đọc cho nghiêm chỉnh...

Vậy mà, đáng buồn là các bậc cha mẹ trẻ bây giờ, dường như có vẻ muốn quên đi cái thời mông muội ấy, nên không để ý đến chuyện mua sách cho con mình càng không để ý đến chuyện nó đọc thế nào, chắc họ lấy làm may vì không mất tiền mua sách, hay họ lấy làm mừng vì con cái họ nay chỉ thích tiếp cận với nên khoa học tiên tiến thông qua game, computer...

Ôi thôi, đời sống hiện đại sao mà phong phú, đọc thì có truyện tranh Nhật Bổn, nghe thì có nhạc Teen-bands, xem thì có phim Hàn Quốc, chơi thì có game, giao tiếp thì có chatting, thử sức thì có đua xe...dẫu sướng cũng đến thế thôi nhỉ...

Hãy nhìn lại trong số đó, có những con người không hay ít tham gia vào những trò tiêu khiển kể trên (hay đã chấm dứt sau một giai đoạn như thế), số này cũng không phải là ít, cũng đáng mừng, thì họ làm gì, hoá ra, toàn người ham đọc sách cả...Đây để thay lời kết cho bài này...

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Việc làm có ý nghĩa quan trọng với thế hệ trẻ

    03/06/2006Vũ Đình Khôi ([email protected])Trước tiên, tôi gởi lời cảm ơn chân thành đến GS Chu Hảo về việc thành lập NXB Tri Thức. Thật tình, thế hệ trẻ chúng tôi bị thiếu thốn về các tri thức kinh điển của thế giới vì nhiều lý do khách quan và chủ quan. Nhưng theo tôi chủ yếu là chủ quan...
  • Người trẻ: Lười đọc hay không biết chọn sách?

    07/01/2006Nguyễn HàTố Tâm, giá 2.000 đồng/cuốn; Lão Tử, 6.000 đồng/cuốn... Những cuốn sách rất có giá trị được “đại hạ giá” vẫn không được các bạn trẻ ngó ngàng...