Máy tính có giúp não người tư duy tốt hơn không?
Loài người đã sáng tạo ra và không ngừng hoàn thiện máy vi tính để cho nó có thể hỗ trợ con người đắc lực nhất. Bằng mọi thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến, giới tin học còn tìm cách làm cho máy tính hoàn hảo hơn bởi những loại phần mềm khác nhau, thậm chí cảmô phỏng lại lao động trí óc của con người. Vậy tất cả những điều tuyệt vời đó có giúp cho bộ não của con người hoạt động tốt lên không? Hay là làm cho nó tồi đi?
Đây là một câu hỏi rất khó trả lời vì xung quanh bộ não người còn bị che phủ bởi "tấm màn" bí ẩn mà bao thế hệ nay vẫn chưa "vén" nổi. Khi nhà tỉ phú tin học giàu nhất hành tinh Bill Gates được hỏi :"Điều gì ông mong muốn được biết nhất ?", ông đã trả lời:"Tôi muốn biết bộ óc con người làm việc như thế nào?". Câu hỏi đặt ra trong bài này lại càng khó hơn. Bộ não người trướckhi có máy tính hoạt động ra sao, sau khi có máy tính thì hoạt động thế nào? Chúng ta từng bước tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi đó.
1. Vai trò của các công cụ đối với Con người
Xin trích dẫn ra đây nhận xét hết sức sâu sắc của James Burke về vai trò của các công cụ mà con người đã tạo ra:"Giây phút con người lần đầu tiên nhặt lên một hòn đá hay một cành cây để sử dụng như là một công cụ, họ đã biến đổi thế cân bằng không thể thay đổi được giữa họ và môi trường... Trong khi số lượng những công cụ này còn nhỏ, hiệu quả của chúng cần một thời gian dài để lan truyền đi và tạo nên thay đổi. Nhưng một khi số lượng tăng lên, hiệu quả cũng tăng lên theo; càng nhiều công cụ, thì tỉ lệ thay đổi càng nhanh hơn".
Cũng như vô vàn các công cụ mà con người sáng tạo nên, máy tính - một công cụ ứng dụng xử lý thông tin chắc chắn sẽ góp phần to lớn cho hoạt động của trí não con người.
Tuy nhiên, không phải bao giờ chúng ta cũng nhìn ra ngay được ý nghĩa của từng thứ chúng ta đã tạo ra. Đa số những trường hợp người dùng máy tính còn lại đều cho rằng máy tính giúp ích cho họ khi họ làm việc với thông tin dễ dàng, nhanh chóng, chính xác và kịp thời hơn. Cũng còn có không ít người coi thường khả năng vạn năng phục vụ nhiều mục đích khác nhau của máy tính hoặc lại quá đề cao, thậm chí ngộ nhận rằng máy tính là một thứ thần dược có thể biến một người từ đần độn trở nên thông minh hơn. Đúng như Bill Gates từng viết "Nếu như chúng ta chậm chạp và để cho sự thay đổi lấn át chúng ta hay qua mặt chúng ta, chúng ta sẽ nhìn sự thay đổi với thái độ tiêu cực. Nếu chúng ta biết nhìn xa, tìm hiểu tương lai ngay lúc này và chấp nhận thay đổi, ý nghĩ của chúng ta về cái bất ngờ sẽ là tích cực và nâng chúng ta đi lên".
Chúng ta cần có cái nhìn đúng đắn về vai trò của máy tính. Tùy thuộc ở mỗi người mà não người hoạt động tốt hơn hay tồi đi khi dùng máy tính. Ai mà không biết dùng máy tính hoặc sử dụng mà không xác định rõ ràng mục tiêu, thiếu những hiểu biết cần đủ thì có lẽ bộ não không thể hoạt động tốt lên được. Trường hợp quá hao tốn thời giờ để chơi trò chơi thì máy tính sẽ là "gánh nặng" cho bộ não.
2. Bộ não & Hệ thống máy tính
Bộ não và cách chúng ta sử dụng nó luôn là một đối tượng rắc rối, phức tạp, to lớn nhất trong vũ trụ mà chúng ta được biết. Chính nhờ có bộ não huyền diệu, rất đặc biệt mà con người đã trở thành một loài sinh vật cao cấp nhất trong tự nhiên. Loài sinh vật này có khả năng sử dụng ngôn ngữ, chữ viết và sản sinh ra các công cụ lao động khác nhau (trong đó có máy tính) phục vụ cho sự tồn tại và phát triển giống nòi. Căn cứ theo các hoạt động mà con người tiến hành, có thể nói bộ não hoạt động ở 3 dạng chính như sau:
- Hoạt động nhận thức: hiểu biết về thế giới quanh mình (tự nhiên, xã hội, tư duy)
- Hoạt động trí tuệ: sáng tạo phát minh ra những điều mới phục vụ các hoạt động thực tiễn đa dạng
- Thái độ đối với thế giới: gồm có cảm xúc, tình cảm, ý chí. Cảm xúc phản ánh vui buồn, tức giận... với những gì liên quan tới thỏa mãn cá nhân. Tình cảm - thuộc tính phẩm chất ổn định phản ánh ý nghĩa của sự vật, hiện tượng qua các mối liên hệ tới động cơ thúc đẩy con người hành động. Còn ý chí thì biểu hiện năng lực thực hiện các hành động đạt mục đích.
Bộ não con người vận động dựa trên tri thức. Trong lý thuyết điều khiển, một hệ thống S được coi là có kiến thức tức là bên trong hệ thống S có một mô hình bộ phận của thực tế làm ngày một rõ hơn trong quá trình tiếp nhận kiến thức. Mô hình được hiểu theo nghĩa là cái để hệ thống biết về môi trường quanh mình hay phỏng đoán trước vềmôi trường trước khi thật sự xảy tới, từ đó hệ thống vận động theo các quá trình bắt trước lại hay mô phỏng chúng theo hướng có lợi cho hệ thống. Điều này cũng thống nhất với định nghĩa về Trí tuệ của từ điển Webster :"Trí tuệ là khả năng Phản ứng thích hợp lại những tình huống mới để đạt được mục đích thông qua hiệu chỉnh thích đáng hành vi nhờ hiểu rõ những mối liên hệ qua lại giữa các sự kiện của thế giới".
Thường thì khoa học nhận thức (cognitic) nghiên cứu và đưa ra cách thức thu nạp, tổ chức, lưu trữ, truy cập và xử lý tri thức con người. Để dễ thấy và so sánh với cách thức hoạt động của máy tính hiện nay, tạm thời ta chia bộ não thành các nhóm độc lập, mỗi nhóm dảm nhận chức năng nhất định. Khả năng hoạt động của các bộ phận được đo bởi tốc độ, dung lượng, cấp độ phức tạp.
- Bộ phận Nhận vào: đóng vai trò tiếp nhận, phản ánh những sự vật vận động ở bên ngoài qua các giác quan để hiểu sâu sắc hơn. Cùng với những cảm giác nhận biết được riêng rẽ qua các giác quan, con người còn dùng đến tri giác để hoàn chỉnh các cảm giác và đưa ra hình tượng thống nhất. Chúng cũng được nhớ lại bằng trí nhớ bản năng, nghĩa là dù muốn hay không nó vẫn choán chỗ trong bộ não.
- Bộ phận Điều khiển: Định hướng công việc, tiến hành điều chỉnh toàn bộ cơ thể, trong đó có não giao cho các bộ phận nhiệm vụ và kiểm soát kết quả chúng làm ra.
- Bộ phận Xử lý: Tiến hành suy nghĩ (còn gọi là tư duy), chỉnh lý và cải tạo lại những tư liệu nhận vào bằng các phép suy luận: so sánh, phân tích-tổng hợp, trừu tượng-khái quát hóa hoặc cả các phép tưởng tượng.
- Bộ phận Truyền ra: Sau khi suy nghĩ tác động lại thế giới xung quanh bằng ngôn ngữ hoặc cử động.
- Bộ phận Ghi nhớ: là bộ phận bao gồm cả trí nhớ bản năng và trí nhớ cố ý để lưu giữ trong não những gì đưa vào hay làm ra. Chính vì thế mà từ lúc con người được sinh ra, não bộ tích lũy dần kiến thức về những sự vật, hiện tượng khác nhau của thế giới khách quan
. Ta nói rằng qua quá trình nhận thức mà bộ não người có được hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan. Nó là chủ quan vì rằng nó phụ thuộc vào chính con người, ở mỗi người mỗi khác còn thế giới khách quan thì chỉ là một nhưng luôn hướng đến tính chân thực hay gần với khách quan nhất.
Hoạt động tư duy và sáng tạo gắn liền với lịch sử tồn tại và phát triển của xã hội loài người. Từ việc tìm ra lửa, chế tạo công cụ bằng đá thô sơ... đến việc sử dụng năng lượng nguyên tử, chinh phục vũ trụ... tư duy của con người đã không ngừng được thúc đẩy. Chính quá trình tư duy sáng tạo với chủ thể là con người đã tạo các giá trị vật chất, tinh thần, các thành tựu vĩ đại về mọi mặt trong cuộc sống và tạo ra nền văn minh nhân loại.
Cùng với cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật, số lượng bài toán phức tạp mà loài người cần giải quyết tăng nhanh đồng thời yêu cầu thời gian phải giải quyết chúng ngày một rút ngắn lại. Chính việc tăng nhanh số lượng và chất lượng các công cụ phương tiện hỗ trợ - công nghệ Tin học đã giúp mỗi người chúng ta tổ chức công việc hợp lý hơn, nâng cao được năng suất và hiệu quả của quá trình tư duy. Có lẽ ở đây chúng ta dùng thuật ngữ Tin học thì phù hợp hơn cả mà máy tính trong đó chỉ là một bộ phận quan trọng cấu thành. Theo định nghĩa Tin học do Viện hàn lâm khoa học Pháp đưa ra năm 1966 thì "Tin học là môn khoa họcvề xử lý hợp lý các thiết bị tự động, các thông tin đó chứa đựng kiến thức của loài người trong các lĩnh vực kĩ thuật, kinh tế và xã hội".
Bằng Tin học, các cá nhân, doanh nghiệp có cơ hội phát triển khả năng sáng tạo, diễn đạt và trao đổi tư tưởng, hợp tác để hành động dựa trên những tư tưởng đó. Và chúng ta luôn luôn kinh ngạc nhận ra tính năng động, chủ động trong tư duy của mình phát triển đến thế nào. Chúng ta đều được sự hưởng lợi từ liên tiếp các hệ thống máy tính và phần mềm mới nhưng những lời kêu ca, phàn nàn về điểm yếu của nó không phải là ít. Tuy nhiên điều không thể đảo ngược là lối sống Web hay phong cách sống, làm việc với Tin học lái cái mỗi người nên đi theo.
Chúng ta xem các chức năng của bộ não được thể hiện ở mỗi chiếc máy tính như thế nào:
- Bộ phận Đầu vào: Mọi dạng tín hiệu con người nhận được trước kia đều có thểsố hóa bằng những thiết bị số hóa như bàn phím, máy quét, máy ảnh số, máy quay video số... cùng các phần mềm giúp cho việc nhập thông tin dễ dàng, mềm dẻo hơn.
- Bộ phận Ghi nhớ: Bằng các dạng thiết bị lưu trữ như ổ cứng, đĩa từ, CD, DVD... con người tiến hành đưa các thông tin vào cất giữ, khai thác, chia sẻ, trao đổi hết sức nhanh chóng trên phạm vi toàn cầu. Thế giới hình thành nên một không gian thông tin chung với nhiều hình thức khai thác hiện đại: thư viện ảo, bảo tàng ảo, xuất bản điện tử, kinh doanh điện tử, ngân hàng điện tử...
- Bộ phận Truyền ra: Hệ thống máy tính giúp con người điều khiển, quản lý các thứ máy móc công cụ làm việc khác để chúng ta chinh phục thiên nhiên. Thông tin cung cấp cho con người theo yêu cầu cũng đều được trình bày dưới những dạng thức sinh động nhất phù hợp với quá trình nhận vào "trực quan sinh động" của não người. Phương thức truyền thông Internet do máy tính hỗ trợ cũng đã tích hợp mọi dạng giao tiếp khác nhau mà con người tạo từ trước đến nay. Nhờ đó, một người bất kỳ đều có thể từ bất cứ đâu, vào bất cứ lúc nào tiến hành việc giao tiếp với số đông những người khác với cách thức hiện đại.
- Bộ phận Điều khiển/Xử lý: Nhờ có máy tính mà con người có thể mô hình hóa được những suy nghĩ của mình thông qua phần mềm. Những thao tác tính toán, tìm kiếm, sắp xếp, chọn lọc... thông tin đã được tự động hóa. Các quá trình con người lao động trí óc như tính toán, tra cứu, lập lịch, viết vẽ, tư vấn đã được thay bằng những phần mềm công cụ hữu hiệu như bảng tính, quản trị, soạn thảo, đồ họa...
Thậm chí, những đặc trưng của não người đang là những mục tiêu mà công nghệ Trí tuệ nhân tạo thử nghiệm, áp dụng cho máy tính. Đó là:
- Khả năng tự học, tự điều chỉnh
- Khả năng mô phỏng hành vi sáng tạo con người khi giải quyết những bài toán.
- Khả năng trừu tượng hóa, tổng quát hóa và suy diễn
- Khả năng thích nghi với tình huống mới, trong đó có khả năng thu nạp tri thức và dữ liệu
- Khả năng xử lý các dạng biểu diễn bằng ký hiệu, ngôn ngữ tự nhiên.
- Khả năng sử dụng các tri thức và giải quyết bằng kinh nghiệm các vấn đề
- Khả năng xử lý các thông tin không đầy đủ và thiếu chính xác
- Khả năng phối hợp, cùng xử lý một bài toán một cách tập thể
Những điều đạt được đủ nói lên ưu việt của máy tính. Và máy tính đã thực sự giúp con người mọi nơi, mọi chỗ, mọi hoạt động thực tiễn: học tập, lao động, giải trí... Nhờ có máy tính mà tầm nhìn thực tiễn của con người được rộng mở thực sự, bất kỳ ai cũng có thể "vươn tới" được những kiến thức mới nhất, thậm chí chiêm ngưỡng, sử dụng thử những thứ vừa được sáng tạo ra. Máy tính giúp cho các bộ não trên toàn cầu trao đổi, kế thừa, phát huy lẫn nhau. Chúng ta có thể tìm hiểu cách đặt vấn đề, cách suy luận, trao đổi quan điểm, chia sẻ xúc cảm, tình cảm của mình tới những người khác tại chỗ và tức thì.
3. Phần mềm hỗ trợ tư duy (Computer Aided Thinking)
Trong một ý nghĩa rộng ra có thể coi các phần mềm đều là những công cụ gián tiếp giúp tăng năng suất làm việc cho trí não mỗi người, góp phần quan trọng trong phát triển nhận thức. Còn một xu thế nữa là góp phần trực tiếp hỗ trợ con người mỗi khi tư duy.
Thông thường khi tiến hành suy nghĩ, não người cần phải xử lý và quản lý số lượng lớn thông tin. Không may khả năng của não người có hạn trong nhớ lại, phân loại và quản lý các thông tin. Và những điều đó máy tính lại rất mạnh. Và chính thế, dùng các phần mềm phụ thêm con người trong quá trình suy nghĩ là một điều hiển nhiên ngày nay.
Không nên lẫn lộn Trí tuệ nhân tạo với máy tính giúp đỡ suy nghĩ.Mục tiêu của trí tuệ nhân tạo là dạy cho máy tính suy nghĩ như con người còn công việc của phần mềm trợ giúp nghĩ là sử dụng những sức mạnh trong xử lý thông tin của máy tính để phụ trợ, tăng cường việc con người suy nghĩ, hỗ trợ nhớ lại thông tin nhanh, chính xác hơn; phân loại, lọc thông tin, trình bày và mô tả các mối liên kết dễ dàng làm cho có thể tìm hiểu, làm rõ vấn đề và suy nghĩ nhanh hơn. Điều đó không có nghĩa là cung cấp sẵn giải pháp mà chúng ta tự mình tìm thấy, chọn giải pháp cho mình. Trí tuệ nhân tạo hội tụ đến việc máy tính phải tự đưa ra giải pháp.
Mặt khác, máy tính giúp đỡ suy nghĩ đáp ứng cả xu hướng hội tụ lẫn phân kỳ. Nó cho phép chúng ta thăm dò các không gian kiến thức và cùng lúc hội tụ ở bất kỳ chủ đề hay vấn đề đặc biệt nào. Đáng chú ý là khả năng cất giữ và quản lý thông tin. Chúng ta thường phải bắt đầu lại từ lần đầu mỗi khi gặp một vấn đề mới.
Những chức năng phong phú của các phần mềm soạn thảo, biên tập nội dung thường không trực tiếp giúp đỡ một nhà văn tạo ra một câu chuyện hay hơn mà chỉ là những thao tác thuận tiện cho trình bày, biên tập bài viết của mình về hình thức và cũng như những người lao động khác như những người công nhân ở các ngành nghề chúng ta cũng luôn mong muốn mình có những công cụ mạnh hơn để tốn ít thời gian cho sản xuất và tiết kiệm được năng lượng trong từng thao tác của mình.
Các phần mềm Sáng tạo (Creativity Software) hỗ trợ người dùng định nghĩa nhiệm vụ suy nghĩ, phát sinh những ý tưởng phù hợp khi người dùng suy nghĩ mới những khẩu hiệu quảng cáo, viết diễn văn hay tiểu thuyết hoặc những kế hoạch cho doanh nghiệp, hoặc nghĩvề cách sản phẩm công cụmới... thậm chí cả hỗ trợ phát minh như Invention Machine, Invention Workbench, CoBrain.
Phần mềm có thể hỗ trợ cho các bước của quá trình sáng tạo: phát sinh những ý tưởng, ghi những ý tưởng, trình bày ý tưởng và thao tác với những ý tưởng. Rất nhiều kỹ thuật suy nghĩ hiệu quả hơn như Topoi của Aristotle; Tagmemic của Young, Becker và Pike; Pentad của Kenneth Burke; C.P.S của Alex Osborn; CoRT, Six Hats của Edward de Bono; Mindmapping của Tony Buzan; TRIZ, ARIZ của Altshuller... đều có thể thực hiện và cài đặt trong các phần mềm. Lợi ích đem lại hết sức to lớn nhờ khối lượng lớn thông tin lưu trữ, truy cập hết sức nhanh chóng, xử lý tự động hoặc ngẫu nhiên, phân loại, cung cấp mau chóng những ý tưởng khác thường. Các phần mềm này áp dụng trong nhiều lĩnh vực đời sống khác nhau và có thể tư vấn ý tưởng cả trong tình huống đời thường như "Ngày mai tôi sẽ tặng mẹ mình sinh nhật món quà gì ?". Xin liệt kê các loại phần mềm cơ bản nhất:
Nháp Trực quan: Đó là những công cụ hỗ trợ viết nháp khi suy nghĩ, đặc biệt thao tác dễ dàng với các dạng sơ đồ phác thảo, bản đồ tâm trí và bản đồ khái niệm. Chúng gắn sơ đồ với văn bản vẽ nháp. Cá nhân tôi cho rằng chúng hết sức hữu ích và làm cho việc suy nghĩ hưu ích hơn rất nhiều. Những sản phẩm nổi tiếng có thể kể ra là:
- Inspiration
- MindManager, MindJet
- Idon for Thinking
- Mind Mapper
- Corkboard
Xử lý mô phỏng ý tưởng: Đây thực sự là chương trình giúp bạn xử lý các ý tưởng. Bộ xử lý ý tưởng Axon Idea Processor là môi trường trực quan với khá nhiều công cụ để ghi, xử lý và thao tác những ý tưởng. Bộ xử lý ý tưởng Axon chứa đựng nhiều danh sách giúp chúng ta trích dẫn, biến đổi hoặc biểu diễn ý tưởng của mình. Vận may cũng có thể đến khi phần mềm cung cấp các ý tưởng đã được hoán đổi ngẫu nhiên. Phần mềm cũng cho bạn tùy biến để thích nghi với cách suy nghĩ cá nhân.
Cung cấp vấn đề để suy nghĩ: Đó là những chương trình cung cấp một số lượng vấn đề đầu vào cho những người dùng suy nghĩ bằng cách và sử dụng tập hợp các câu hỏi hay chỉ là những khái niệm hay cả những câu chuyện tượng tự như là những bài tập để khích thích phát sinh những ý tưởng mới ở người dùng. Các phần mềm đặc trưng là:
- Creative Whack Pack
- Innovation Toolbox
- MindLink
- IdeaFisher.
- PlanMaker
Xây dựng các bài viết/câu chuyện: Những chương trình này giúp cho người sử dụng có thể sáng tạo trong hoạt động viết báo, tiểu thuyết, kịch bản phim hay lời quảng cáo, khẩu hiệu... Một vài chương trình như:
- StoryBuilder
- Drammatica
- Plots Unlimited
- StoryCraft
- ComedyWriter
Các phần mềm thường thức đào tạo, tra cứu tri thức, hướng dẫn các phương pháp tư duy hiệu quả:
- Creativity Machine
- Genious handbook
- Serious Creativity
- Simplex
- IDEAGEN++
- Ideation
Quản trị tri thức cá nhân:
- The Brain
- MindModel
- MultiCentrix
Kết luận
Theo ý kiến của nhà thiên văn Carl Sagan: "Lời tiên tri tôi có thể nói ra với đầy tự tin là: những khám phá kỳ diệu nhất sẽ là những khám phá mà ngày hôm nay chúng ta chưa thông minh đủ để thấy trước".
Sẽ còn có thời gian để chúng ta nhìn rõ hơn giá trị của máy tính và công nghệ tin học nhưng những điều nêu ra trong bài này có lẽ đủ giúp bạn hiểu được máy tính là rất hữu ích đối với tư duy của chúng ta. Vì thế mà mọi nền giáo dục hiện đại đang tăng cường ứng dụng máy tính để rèn luyện phát triển các khả năng tốt đẹp của thế hệ trẻ như tích cực, tự lực suy nghĩ, lao động có kế hoạch, khoa học và hiệu quả để sáng tạo nên những giá trị mới phục vụ cho tương lai của nhân loại.
Đến đây xin dành cho các bạn một câu hỏi khác để chúng ta cùng nhau suy ngẫm :"Nên sử dụng máy tính như thế nào để phát huy được tối đa khả năng của con người ?".
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc Hiếu“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngCon người hiểm độc
01/01/1900Phạm QuỳnhCơ hội thứ tư - toàn cầu hóa
18/04/2004Nguyễn Trần BạtThấy gì qua lối sống sinh viên thời nay?
21/10/2003Trương HiệuClip: Chúng ta luôn bên nhau
01/01/1900