Muốn có lối sống đẹp phải có nêu gương
"Trong những điều kiện nhất định thì cái tốt sẽ áp đảo, nhưng ngược lại trong những điều kiện khác thì cái xấu lại trỗi dậy. Vấn đề là phải tạo ra các điều kiện để cái tốt lấn át được cái xấu. Vậy thì, nguyên nhân đầu tiên ở đây là chúng ta chưa ý thức và chưa thành công trong việc tạo dựng những điều kiện cần thiết để cái tốt có thể ngự trị trong đời sống xã hội".
Hãy học tôn giáo
PV: - Rất nhiều người yêu Hà Nội lo lắng vì những ứng xử không đẹp liên tiếp diễn ra tại Thủ đô ngàn năm văn hiến trong năm qua, đi ngược lại với ứng xử của người Việt như: con đuổi mẹ ra khỏi nhà, đẩy cha đang ốm nằm ở vỉa hè lạnh, giương mắt nhìn và bỏ mặc đồng loại đang kêu cứu thảm thiết trong vũng máu... Là một người sống lâu năm ở Hà Nội, TS bình luận như thế nào về những hiện tượng ấy?
TS Nguyễn Sĩ Dũng: - Những hiện tượng ấy quả thực sự gây sốc. Bất hiếu với cha mẹ, vô cảm với đồng loại như những ví dụ bạn nêu ở trên là sự tha hóa thê thảm về đạo đức.
Mặc dù, đó không phải là những hiện tượng phổ biến, chúng ảnh hưởng khá tiêu cực đến hình ảnh của Hà Nội. Thế nhưng, tôi vẫn tin rằng những người tốt, những người có cách cư xử có lý, có tình ở Hà Nội vẫn nhiều hơn. Nếu không thì chúng ta đã không tồn tại và phát triển được.
Những hiện tượng bạn nêu ra là không nhiều, nhưng chúng lại dễ gây sự chú ý, nên các phương tiện truyền thông thường tìm cách khai thác. Tôi không muốn khẳng định là các phương tiện truyền thông chỉ thích khai thác mặt trái của cuộc sống, tôi chỉ muốn nói các phương tiện truyền thông khó viết về những thứ mà không tạo ra được câu chuyện.
PV: - Bằng kinh nghiệm của mình, ông có thể lý giải vì sao lại có những hiện tượng đáng buồn đến như vậy?
TS Nguyễn Sĩ Dũng: - Trước hết, những hiện tượng đáng buồn như vậy cho thấy con người chúng ta nói chung thật sự là chưa hoàn thiện. Cái tốt, cái xấu luôn luôn đan xen nhau trong mỗi con người.
Trong những điều kiện nhất định thì cái tốt sẽ áp đảo, nhưng ngược lại trong những điều kiện khác thì cái xấu lại trỗi dậy. Vấn đề là phải tạo ra các điều kiện để cái tốt lấn át được cái xấu. Vậy thì, nguyên nhân đầu tiên ở đây là chúng ta chưa ý thức và chưa thành công trong việc tạo dựng những điều kiện cần thiết để cái tốt có thể ngự trị trong đời sống xã hội.
Bạn sẽ hỏi vậy đó là những điều kiện gì. Tất nhiên, đó là việc một hành vi tốt đẹp sẽ được khen ngợi, sẽ được tôn vinh; là việc người có đạo đức sẽ được tôn trọng hơn thậm chí hơn cả người có chức quyền; là việc người có hành vi xấu xa sẽ bị lên án, bị tẩy chay.
Những nguyên nhân dễ nhận thấy khác là ảnh hưởng của ma túy, của rượu, của phim ảnh và game bạo lực. Cũng có thể tìm nguyên nhân ở những hạn chế trong việc giáo dục ở gia đình và nhà trường.
Giáo dục bắt đầu từ tấm gương của bố mẹ, của thầy cô. Nếu bố mẹ có phong cách sống tốt đẹp, con cái sẽ học được cái hay, cái tốt từ khi còn nhỏ. Ở nhà trường cũng vậy, khi thầy cô là mẫu mực, là thần tượng, thì họ có khả năng tác động mạnh mẽ lên nhân cách và lối sống của học sinh. Ngoài ra, có lẽ, phải đổi mới cách giáo dục về đạo đức. Hãy học các tôn giáo trong công việc này.
Các tôn giáo cung cấp cho chúng ta một loạt các tiền đề về đạo đức. Tất cả các giá trị đạo đức khác lại chỉ có thể xây dựng được trên các tiền đề này.
Một nguyên nhân khác, người Việt trước đây thường sống trong làng xã. Ở đó những quy ước của làng xã áp đặt những chuẩn mực rất khắt khe về đạo đức. Bây giờ với tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, con người sống độc lập với nhau hơn, các chuẩn mực đạo đức của cộng đồng cũng ít phát huy tác dụng hơn.
Mất thanh lịch 100%
PV: - Thưa TS, ứng xử với người thân, với đồng loại của mình đã kỳ dị như vậy, người ta cũng thấy những công dân Thủ đô có những hành động lạ đời với môi trường sống của mình: vứt rác bừa bãi, nói tục, chửi bậy, nhổ nước bọt thôi rồi, đến nỗi nhiều người nước ngoài đến Hà Nội thấy xót cho một Thủ đô văn hiến mà không quản ngại khó khăn để đến nhặt rác hồ Gươm. Chúng ta phải hiểu điều này như thế nào, thưa ông?
TS Nguyễn Sĩ Dũng: - Tôi cũng có xem trên truyền hình về việc một người Nhật hàng ngày tìm cách nhặt rác ở xung quanh Hồ Hoàn Kiếm. Quả thật, ông Nhật này làm chúng ta cảm thấy ngượng về cách cư xử của mình. Tuy nhiên, nhiều bạn trẻ đã noi gương ông trong công việc này. Tôi nghĩ, một hành vi tốt và thực tâm sẽ có sức lan tỏa rất lớn. Một người nước ngoài chỉ đứng ra phê phán hoặc chê trách chắc gì đã có được tác động mạnh như ông Nhật nói trên.
Theo tôi, xung quanh hồ Hoàn Kiếm nên có một hệ thống camera như ở Anh. Nếu anh vứt rác ra đường sẽ có loa bên cạnh nhắc nhở, đề nghị nhặt. Nếu chưa làm được cả Hà Nội thì nên làm ở Hồ Hoàn Kiếm.
Rồi công luận, truyền thông phải lên tiếng mới có thể giảm được tình trạng này.
PV:- TS có cho rằng người Hà Nội hiện nay đã văn minh, thanh lịch được…1/2 rồi không? Bởi lẽ, người Hà Nội rất chăm lo giữ sạch sẽ trong ngôi nhà của họ, nhưng chỉ cần bước qua ngưỡng cửa ngôi nhà riêng của họ là… mặc kệ, thấy người bị nạn không cứu, cứ như câu mắng ngày xưa “cháy nhà hàng xóm bình chân như vại”?
TS Nguyễn Sĩ Dũng: - Đó không phải là đạt được 50% thanh lịch mà mất thanh lịch 100%. Tuy nhiên, không phải người Hà Nội nào cũng vất rác từ nhà ra đường như thế. Chí ít, ai cũng thấy đó cũng là hành vi bất hợp lý, vì rác bụi sẽ từ ngoài đường trào vào nhà ngay thôi.
Theo tôi, cũng có thể thông cảm với việc người ta ngại tham gia vào những chuyện đánh nhau vì có rất nhiều rủi ro. Những người can thiệp không chỉ cần có đủ dũng khí, mà còn cần có đủ sức mạnh và võ nghệ mới có thể can thiệp được, đặc biệt là trường hợp các loại hung khí được sử dụng trong quá trình đánh nhau. Thành thử cũng không nên quá khắt khe với những trường hợp như vậy.
PV: - Hà Nội đang xây dựng “Quy tắc ứng xử trong cơ quan, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư và nơi công cộng, nhằm thay đổi hình ảnh người Hà Nội thanh lịch, văn minh”. Thưa TS, việc xây dựng bộ quy tắc ứng xử có phải do những hành vi ứng xử của người Hà Nội hiện nay đã trở nên méo mó, kỳ dị?
TS Nguyễn Sĩ Dũng: - Có thể đó cũng là một nguyên nhân. Tuy nhiên, tôi cho rằng Hà Nội muốn tạo ra “một thương hiệu”, một sự khác biệt, một cái gì đấy mà người Hà Nội có thể tự hào. Phát huy bản sắc của người Hà nội là cần thiết, nếu nó bị mai một, thì nên củng cố lại. Tất nhiên, xây dựng bộ quy tắc là phần dễ, còn làm thế nào để nó có thể đi vào cuộc sống mới là phần khó.
Đầu tiên cần phải có sự nêu gương. Những người Hà Nội gốc với thuần phong mĩ tục của người Hà Nội phải được nhận biết và tuyên truyền. Phải có được những con người cụ thể. Còn nói chung chung thì rất khó.
Và để bộ quy tắc ứng xử đi vào cuộc sống thì cũng cần truyền thông, báo chí nêu gương những người tốt, lên án người làm xấu văn hóa Hà Nội. Đồng thời phải bắt đầu từ cách giáo dục những chuẩn mực xã hội cho trẻ nhỏ.
Có còn hơn không?
PV:- Mấy năm trước, Hà Nội đã biểu dương em Tuấn ở Thường Tín đã có hành vi tốt dẫn một cụ già sang đường và dự luận khi đó cũng dấy lên làn sóng băn khoăn, phản ứng: Chỉ có thế mà đã khen thưởng biểu dương cấp thành phố sao được? Và từ đó đến nay, những hành vi nhỏ mà không nhỏ như thế đã không còn thấy ai nói nữa. Ông có cho rằng, sự thay đổi nào cũng phải bắt đầu từ những điều tưởng như rất nhỏ như thế không? Bộ quy tắc ứng xử lần này có bắt đầu như thế không hay cũng chỉ là hô hào phong trào lấy thành tích?
TS Nguyễn Sĩ Dũng: - Sự thay đổi thường bắt đầu như thế. Mọi chuyện đều bắt đầu từ những hành vi, bởi vì văn hóa chỉ có thể thể hiện bên ngoài bằng các hành vi. Hành vi của em Tuấn là sự thể hiện ra bên ngoài sự kính trọng người già, sự sẵn sàng trợ giúp những người khác trong xã hội.
Cái tốt đẹp nằm ở nền tảng đạo đức của hành vi đó. Nên nó rất đáng được tôn vinh. Một em bé được tuyên dương khi dắt một bà cụ qua đường nhận được sự hài lòng về mặt tinh thần rất cao. Điều này thôi thúc em làm như vậy mọi lần trong cuộc sống. Đó cũng chính là một cách giáo dục.
Về Bộ quy tắc ứng xử, tôi không muốn có bình luận gì ở đây. Bởi vì đó là một cố gắng đáng được ủng hộ. Hãy để cho các cơ quan chức năng của Hà Nội có thời gian đưa nó vào cuộc sống.
PV: - Hà Nội đã từng có rất nhiều cuộc phát động và xây dựng TP Xanh, Sạch, Đẹp, văn minh nhưng thực tế ai cũng xả rác ra ngoài đường, nơi công cộng, viết bậy, vẽ bậy và nói bậy rất nhiều, rồi ‘cháo chửi’ lừng danh cả nước nữa. Nghĩa là chúng ta biết rõ về sự tồi tệ trong cách ứng xử và cũng đã có những biện pháp nhằm vãn hồi giá trị ứng xử cao đẹp, thanh lịch của Hà Nội xưa nhưng kết quả thì cứ như ‘bắt cóc bỏ đĩa’. Ông có tin Bộ quy tắc ứng xử này sẽ tránh được vết xe đổ trước đây?
TS Nguyễn Sĩ Dũng: - Theo tôi, có bộ quy tắc còn hơn không có. Còn việc có tránh được vết xe đổ hay không thì phải chờ xem nó sẽ được triển khai trong cuộc sống thế nào. Và cũng cần hiểu rằng đây là công việc phải mất nhiều thời gian mới tạo ra được các chuyển biến.
- Xin cảm ơn TS!
Nội dung khác
Tìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất Thịnh"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiNếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn Quân