Nàng Kiều đầu tiên của màn ảnh Việt

09:38 SA @ Chủ Nhật - 04 Tháng Năm, 2014

Làm báo, diễn viên, tham gia các phong trào yêu nước…đó là những nét chính của nữ nghệ sĩ Thu Trang, người hóa thân nàng Kiều đầu tiên của màn ảnh Việt...

Gốc người Hà nội, Thu Trang tên thật là Công Thị Nghĩa xuất thân từ gia đình công chức, là chị cả của một đàn em trai.Theo cha vào Sài gòn làm việc từ trước năm 1954. Học giỏi và thông minh. Thu Trang là một người phụ nữ năng động.

Từ năm 1950-1951, trưởng thành từ phong trào học sinh sinh viên, Công Thị Nghĩa đã ở trong tổ công tác của Ban Tình báo đặc khu Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định gồm bốn người do anh Năm Tú Trần Thanh Vân làm tổ trưởng, anh Hai Tắc Trần Kim Lang (hai anh là cán bộ chủ chốt ở TPHCM sau ngày giải phóng) và liên lạc viên là chị Tư Ngà. Nghĩa trẻ nhất trong bốn người nên được mang bí danh là Tư (tên thật và theo thứ tự trong gia đình là Ba Nghĩa). Thời gian đó, nhiều lần Nghĩa bí mật theo liên lạc viên lên vùng Bến Cát, Tân Uyên dự huấn luyện về công tác nội thành. Giữa năm 1952, Nghĩa bị bắt, bị tra tấn ở bót Catinat, và bị giam chung với nhiều chính trị phạm (trong đó có các đồng chí Nguyễn Thị Châu Sa tức Nguyễn Thị Bình và Đỗ Duy Liên) ở khám Gia Định và khám lớn Sài Gòn. Nhờ sự bào chữa và can thiệp của luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Công Thị Nghĩa được ra tù cuối năm 1953.

Thu Trang tham gia làng báo trong những năm 1953, làm thư ký tòa soạn và viết bài cho các báo như Công Dân, Phụ Nữ, Sài gòn mới, Lẽ sống…

Đầu năm 1955, Thu Trang được bầu chọn là người đẹp nhất trong cuộc thi Hoa hậu do Bộ xã hội thời bấy giờ tổ chức.

Cuộc thi Hoa hậu Lambeta được tổ chức vào ngày 20-2-1955 tại rạp Lido, rạp lớn nhất Sài Gòn-Chợ Lớn hồi đó, có sức chứa cả ngàn người.

Đây là lần đầu tiên Sài Gòn có cuộc thi sắc đẹp do Bộ Thông tin và Bộ Xã hội (chính quyền miền Nam cũ ) tổ chức nhân dịp lễ kỷ niệm Hai Bà Trưng. Ban tổ chức bao gồm cả một số nhân sĩ và nhà báo. Số tiền bán vé vào cửa được thông báo là ủng hộ Ủy ban Chẩn tế Xã hội, một cơ quan từ thiện hồi đó.

Kết quả cuộc thi: Á hậu thứ hai là sinh viên Ngô Yên Thu, người Cần Thơ; thứ nhất là Nguyễn Thị Ninh, sinh viên người Hà Nội mới vào Nam. Người vinh dự nhận vòng nguyệt quế là nhà báo Thu Trang, 23 tuổi, cao 1,61 m, nặng 53 kg, số đo ba vòng 86-62-88.

Khi tên Hoa hậu Thu Trang được tuyên đọc, hội trường vang dậy tiếng vỗ tay, sân khấu tràn ngập mấy chục nhiếp ảnh gia, quay phim và nhà báo. Ca sĩ đang rất nổi tiếng dạo đó là Tâm Vấn cũng đại diện khán giả nữ lên sân khấu chúc mừng. Ra khỏi rạp Lido, sau khi thỏa mãn rừng người xin chữ ký và xin chụp ảnh chung, Hoa hậu được mời lên xe hơi mui trần màu xanh bóng loáng nước sơn mới để đi diễu hành trong khoảng hai tiếng đồng hồ qua các đường phố chính của Sài Gòn.


Thu Trang trên bìa tạp chí Màn Ảnh số đầu tiên năm 1955

Bắt đầu từ đấy, Thu Trang được các nhà làm phim chú ý.Thu Trang được hãng phim Mỹ Phương mời tham gia vai chính trong phim “Lòng nhân đạo” nhưng Thu Trang từ chối vì bận việc riêng. Phim đầu tay mà Thu Trang đóng là ‘Chúng tôi muốn sống” vào năm 1956.

Sau phim này Thu Trang tham gia bộ phim ‘Lục Vân Tiên” của đạo diễn Tống Ngọc Hạp. Đây là một cuốn phim gây nhiều tranh cãi thời bấy giờ. Cũng từ phim này cuộc tình duyên của Thu Trang và Tống Ngọc Hạp đơm hoa và gặp nhiều bàn tán trong dư luận. Thu Trang, Tống Ngọc Hạp cùng phim “Lục Vân Tiên” đã từng chu du khắp các liên hoan phim tại Đức, Hồng Kông, Nhật Bản. Hình ảnh Thu Trang và diễn viên Lâm Đại nổi tiếng của Hồng Kông thời bấy giờ chụp chung được đăng trên các tạp chí Hồng Kông.

Thu Trang ngoài viết báo, đóng phim còn là tác giả một số truyện ngắn khá hay.

Năm 1960, với tư cách diễn viên điện ảnh, Thu Trang được Chánh văn phòng Bộ Thông tin chính quyền Sài Gòn giới thiệu làm việc với đoàn công tác của Đài Truyền hình Pháp và được họ mời sang Pháp tham gia diễn xuất trong một bộ phim dài đã có dự án cụ thể. Đầu tháng 11-1960, chị qua Pháp.

Số phận đưa đẩy, sau vài tháng, bộ phim được chờ đợi không triển khai được, Thu Trang xin vào học École pratique des Hautes Études: Section des Sciences historiques et philologiques -Trường Cao học về lịch sử và ngữ văn - thuộc trường Sorbonne lâu đời và rất nổi tiếng của nước Pháp.

Số tiền dành dụm mang theo từ Việt Nam ngày càng cạn kiệt, Thu Trang phải vừa đi học vừa tìm việc làm thêm. Nhờ đã học và biết rành cả Anh ngữ từ khi còn ở Sài Gòn, Thu Trang kiếm được lúc thì một chân thông dịch tiếng Anh và tiếp khách ở một mỹ viện sang trọng ngay trên đại lộ Champs Élysées, lúc theo một đoàn làm phim về vùng Camargue miền duyên hải phía Tây nước Pháp làm công việc phụ diễn, lúc lại làm gia sư dạy tiếng Anh cho hai đứa trẻ 11 và 13 tuổi, con một bà chủ tiệm bán hoa tươi trong khu la-tinh gần trường và chính tại đây, chị đã tiếp cận và sớm thân thiết với một nhóm sinh viên khuynh tả, rất quan tâm và ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ của VN. Và một sinh viên y khoa trong nhóm, sau này là giáo sư, tiến sĩ khoa học đã trở thành người bạn đời tâm đầu ý hợp của Thu Trang.

Kiên trì khắc phục khó khăn, thâm nhập cuộc sống với những nét văn minh và phong tục khác lạ, Thu Trang tốt nghiệp cao học năm 1967. Cũng từ những năm này, bà bắt đầu tham gia tích cực và trở thành hạt nhân trong phong trào Việt kiều.

Thu Trang đã gặp gỡ, quen biết rất nhiều người thuộc nhiều khuynh hướng chính trị, xã hội, nghệ thuật khác nhau. Bà đã có những lần gặp riêng Thủ tướng Phạm Văn Đồng, khi ở một căn phòng nhỏ trong Phủ Chủ tịch, khi đi dạo trong vườn cùng Thủ tướng và người con trai của ông. Bà có mối quan hệ khá thân tình từ đầu thập niên 1950 đến giữa thập niên 1980, với luật sư, sau này là Chủ tịch nước Nguyễn Hữu Thọ

Sinh sống tại Pháp, với những nỗ lực phi thường bên xứ lạ quê người, năm 1978, bà bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Đại học Paris VII với đề tài Những hoạt động của Phan Chu Trinh tại Pháp. Bà trở thành nhà sử học VN ở nước ngoài, với nhiều tác phẩm nổi tiếng như Những hoạt động của Nguyễn Ái Quốc tại Paris 1917-1923, NXB Chính trị Quốc Gia, Hà Nội, 2000 (Bản tiếng Pháp, NXB Harmattan, Paris, 1992) và những tác phẩm nghiên cứu và phổ biến kiến thức về du lịch... Bà làm Tổng thư ký Hội Khoa học Xã hội ba khóa liên tiếp và hiện là Ủy viên Đoàn Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Pháp.

Thu Trang vừa cho xuất bản tập hồi ký của mình có tựa là “Một thời để nhớ” – sách do nhà xuất bản Văn Học phát hành.

Bóng hồng bên danh nhân: 'Hoa hậu Lambretta' của Bùi Giáng

(Hà Đình Nguyên, Thanh Niên )

Cả đời thơ Bùi Giáng, ông có khá nhiều người yêu ảo và thật chiếm ngự trong tâm thức. “Ảo” là những Nam Phương hoàng hậu, Thích nữ Trí Hải, ca sĩ Hà Thanh, Marilyn Monroe, Brigitte Bardot… còn “thật” là kỳ nữ Kim Cương và một người ít ai biết: “Hoa hậu Lambretta”.

Từ điệp viên trở thành hoa hậu đầu tiên của Việt Nam


Thu Trang Công Thị Nghĩa - Ảnh: tư liệu

“Còn hai con mắt khóc người một con…” là câu cuối cùng trong bài thơ Mắt buồn của thi sĩ Bùi Giáng. Nhiều người đã lý giải “khóc người một con” không dính dáng gì đến cái… nhãn cầu, mà là xót thương người phụ nữ đã có một đứa con. Và nhân vật trong câu thơ này chính là “Hoa hậu đầu tiên của Việt Nam” - bà Thu Trang Công Thị Nghĩa.

Bà Công Thị Nghĩa sinh năm 1932, tại làng hoa Ngọc Hà (Hà Nội). 10 tuổi theo gia đình vào Nam. Năm 1950, tham gia biểu tình nhân đám tang Trần Văn Ơn rồi trở thành đội viên của tổ điệp báo nội thành Sài Gòn - Gia Định. Năm 1952, Công Thị Nghĩa bị Pháp bắt giam rồi đưa ra tòa. Chính luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã biện hộ cho bà và 2 bạn tù khác là Nguyễn Thị Châu Sa (tức nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình) và Đỗ Duy Liên (nguyên Phó chủ tịch UBND TP.HCM) được trắng án. Ra tù (1953), Công Thị Nghĩa theo nghề báo dưới bút danh Thu Trang (từ đây người ta quen gọi là Thu Trang). Năm 1955, chính quyền Sài Gòn tổ chức cuộc thi người đẹp nhân lễ kỷ niệm Hai Bà Trưng (đây được coi là cuộc thi hoa hậu đầu tiên ở Việt Nam). Rất nhiều nhà báo đã chú ý đến sự kiện này, ký giả Thu Trang cũng đã đến “moi tin” từ ban tổ chức, nhưng nhan sắc của cô đã làm những người ở đó “xiêu hồn lạc phách”. Họ thuyết phục gia đình cho cô dự thi. Vậy là chỉ trong vòng 24 tiếng đồng hồ, một chiếc áo dài viền đăng ten màu vàng rất đẹp đã được may gấp để làm trang phục dự thi. Và tối 20.2.1955 tại rạp Lido (Chợ Lớn) thí sinh Thu Trang Công Thị Nghĩa, cao 1m61 với các số đo 86 - 62 - 88 đã đăng quang ngôi hoa hậu. Phần thưởng gồm vương miện và một chiếc kiềng vàng, nước hoa và mỹ phẩm. Điểm nhấn của phần thưởng là chiếc xe máy hiệu Lambretta láng coóng. Dân miền Nam có máu hài hước nên gọi luôn Thu Trang là “Hoa hậu Lambretta”.

Giọt nước mắt sau ánh hào quang

Trở thành hoa hậu cũng là tâm điểm để các hãng phim săn đón, mời chào đóng phim. Trường hợp Thu Trang cũng không ngoại lệ. Chỉ trong năm 1956 cô đã đóng 2 phim Chúng tôi muốn sống (vai phụ, đạo diễn Vĩnh Noãn) và Lục Vân Tiên (vai chính, đạo diễn Tống Ngọc Hạp). Năm 1957, đạo diễn Tống Ngọc Hạp và Thu Trang đưa phim Lục Vân Tiên qua Nhật làm hậu kỳ và tham dự Đại hội điện ảnh châu Á. Chuyến đi chỉ có hai người nơi xứ lạ nên “việc gì đến, sẽ đến”. Thu Trang viết trong hồi ký: “Năm 1957, một năm vinh quang và đau đớn”. Một người đàn ông trẻ và một hoa hậu trẻ gần nhau trong một thời gian dài thì sẽ thế nào?(…) Tới tuổi 25 tôi mới thành đàn bà trong hoàn cảnh bi thảm. Bị dụ vào những tình huống mà tôi cảm nhận là mình đã không thể tránh. Khi người đàn ông đam mê, nên dễ bị say trong nỗi cuồng điên man dại? Hay chính tôi là một đối tượng có những nét gì khó gần, quá giữ gìn càng gây kích thích trong sự phải chiếm đoạt? Phải chinh phục do tự ái của đàn ông tính, pha lẫn với ít nhiều tưởng tượng là tình yêu? (...). Ngang trái thay, tôi đã không biết abc gì trên phương diện tình dục. Tôi có thai ngay trong tháng đầu tại Tokyo (...). Chúng tôi đã sống trong thảm cảnh kế tiếp khi về tới Sài Gòn cuối năm 1957. Thật là cả một cơn giông bão phũ phàng đổ ập xuống tôi khi vừa bắt đầu làm mẹ. Xã hội Việt Nam thời ấy chưa có chút vị tha nào cho những sự kiện như vậy” (trích Một thời để nhớ - NXB Văn học, 2010).

Vì đạo diễn Tống Ngọc Hạp đã có gia đình nên sự kiện một hoa hậu “dính” bầu ở Sài Gòn vào thời điểm gần 60 năm về trước đã tạo nên một scandal kinh khủng và gây áp lực rất lớn lên người phụ nữ đáng thương và cả gia đình của nàng. Tuy vậy, nàng kiên quyết giữ lại đứa con trai, đặt tên là Tống Ngọc Vân Tiên để kỷ niệm một mối tình ngang trái, phũ phàng…

Xin đôi dép người đẹp

Chính trong giai đoạn “gái một con trông mòn con mắt” này mà hình ảnh của Thu Trang đã “lạc” vào hồn thơ Bùi Giáng. Năm 1961, biết Thu Trang chuẩn bị rời Sài Gòn sang Pháp, nhà thơ đã đến thăm bà trong một ngày mưa. Tuy nhiên: “Tôi hơi ngạc nhiên để ý anh nhìn xuống nền nhà đá hoa. Cả hai im lặng, tôi muốn nói một câu gì đó để cho có chuyện. Chưa kịp thì anh cúi xuống nhặt đôi dép màu xanh lá mạ của tôi đi trong nhà cạnh đó. Anh nhặt lên và lẳng lặng mở tờ báo gói đôi dép, rồi đứng lên nói: Tôi về!” - bà Thu Trang viết trong hồi ký như thế. Sau này, họa sĩ Bửu Ý còn công bố một bài thơ mang tên Thu Trang của Bùi Giáng chưa từng xuất hiện ở đâu. Ông đã chép lại cho bà Thu Trang: “Trang của tờ giấy cũ/Của vầng tóc ban đầu/Trang của hồi vàng tụ/Về mệt mỏi mai sau/Anh nhớ em vô cùng/Đất sầu không xiết kể/Anh kêu gọi mông lung/Trang ồ Trang rất tệ”.

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • "Bùi Giáng điên vì ông quá tỉnh"

    22/01/2010Thanh HảiChàng "trung niên thi sĩ" ra đi đã lâu nhưng đây đó vẫn còn những giai thoại. Hình ảnh một "thi sĩ lập dị" vẫn không phai mờ trong lòng nhiều độc giả. Nhiếp ảnh gia Lâm Ngọc Duy kể về "niềm hạnh phúc nhất của cuộc đời" khi gặp Bùi Giáng.