Nghiên cứu phức hợp về con người
Hình tượng con người bị vỡ ra hàng nghìn mảnh, cần phải được tập hợp sắp xếp lại(M. Scheler).
I. Diogene chế nhạo Platon và đốt đuốc giữa ban ngày đi tìm con người
1. Tiếp cận phức hợp về con người không phải là phương thức nghiên cứu hoàn toàn mới. Người ta biết tới lối nhận thức này ngay từ thời cổ đại. Vào thời đó, Diogene, Socrate, và đặc biệt là Democrite đã nhìn con người như một thực thể toàn vẹn và chủ trương khám phá con người trong tính không chia cắt được của nó.
Nguyên nhân? Có lẽ đúng như nhiều tài liệu vẫn thường giải thích: dù cho giải phẫu học về cơ thể người ở Hypocrate và các học trò của ông đã đạt tới trình độ khá sâu, dù cho logic học ở Aristote đã phản ánh rất chính xác mặt hình thức của tư duy người, song tất cả những thành tựu tương tự mà nền triết học cổ đại đạt tới vẫn chưa đủ để phân ngành thành các khoa học độc lập, trong đó có khoa học về con người. Lúc đó, nền triết học cổ đại buộc phải chứa đựng trong nó tất cả kiến thức bách khoa về vũ trụ và cơ thể sinh học người, về luân lý học và thế giới tinh thần của con người, về toán học và những bí ẩn tâm linh của con người… Con người, cho đến trước khi thuyết nhật tâm của Copernic xuất hiện, được mặc nhiên xem là trung tâm của vũ trụ, cả về phương diện bản thể luận . Hình tượng Diogene chế nhạo Platon và đốt đuốc giữa ban ngày đi tìm con người phản ánh rất rõ thái độ không thoả mãn với những kiến thức riêng lẻ về con người: Khi Platon đưa ra định nghĩa "con người là động vật biết đứng bằng hai chân và không có lông", Diogiene đã vặt trụi lông một con gà và chế nhạo: "Hỡi nhà thông thái Platon, con người của ông đây" .
Kể từ ngày đó, cuộc thảo luận con người là gì ? dai dẳng kéo dài tới tận hôm nay. Và, đi liền với cuộc thảo luận đó là một sự lựa chọn cũng hết sức khó khăn - phải dùng phương thức nào để khám phá con người, đối tượng nhận thức phức tạp nhất trong số các đối tượng mà con người cần phải nhận thức?
2. Điều chúng tôi muốn lưu ý là, hiện có không ít tác giả ngỡ rằng tiếp cận phức hợp về con người chỉ là sản phẩm của khoa học hiện đại, khi các khoa học chuyên ngành về con người đã đạt tới trình độ rất cao. Sự thực không hẳn thế. Lịch sử nhận thức cho thấy rằng, nhận thức ban đầu về con người là nhận thức tổng thể. Đâu phải võ đoán mà C. Mác nhận định rằng, trong triết học Hy La cổ đại chứa đựng mầm mống của tất cả các thế giới quan về sau.
Nhưng suốt từ thời cổ đại cho tới tận giữa thế kỷ XX, khoa học chưa khi nào thỏa mãn với những hiểu biết tổng thể đã có về con người, nên đã đi theo hướng nghiêng hẳn về phía phân ngành ngày càng sâu để khám phá con người.
II. Hình tượng con người bị nát vụn thành những mẩu nhỏ
1. Tình trạng nhận thức nghiêng về phía phân ngành có lý do của nó. Khoa học, theo V.A. Lektorski, là sản phẩm của một trạng thái văn hoá - lịch sử xác định. Vào thời cổ đại, lý thuyết được hiểu như là những tiên đề, được cho ngay từ đầu, không chứng minh được nhưng có thể trực giác được, nắm bắt được một cách trực quan. Con người, bởi vậy cũng được nhận biết một cách cảm tính là đối tượng không thể cô lập hoặc chia cắt đế nghiên cứu. Với khoa học tự nhiên thực nghiệm thời cận đại, nơi thực sự bắt đầu của quá trình phân ngành các khoa học, thực nghiệm được coi là phương thức can thiệp có hiệu quả vào các quá trình tự nhiên nhằm hiểu rõ hơn cơ chế bên trong của các quá trình đó. Khoa học cận đại có khuynh hướng cho rằng, về nguyên tắc, con người có thể dự báo chính xác các quá trình khách quan, có thể kiểm soát và điều khiển chúng, và do đó trở thành kẻ thống trị giới tự nhiên . Với cách hiểu như thế, việc khoa học đi sâu khám phá ngày càng chi tiết "cỗ máy tự nhiên", mô hình hoá cơ chế vận hành của cỗ máy đó… đã trở thành khuynh hướng tin cậy trong sự tiến triển của khoa học. Đến khoa học hiện đại, xu hướng phân ngành có gắn kết hơn với xu hướng hợp ngành. Tuy thế, khi dựa vào những thành tựu của toán học hiện đại, công nghệ thông tin và những công cụ nghiên cứu siêu việt khác… phân ngành vẫn chiếm ưu thế và ngày càng trở nên tinh vi hơn, đồng thời cũng hữu hiệu hơn. Trên thực tế, quá trình phân ngành đã phát hiện ra nhiều chuyên ngành thực sự khách quan, cho phép khoa học thu nhận được những kết quả hết sức vĩ đại, mà thành công trong việc giải mã bộ gen người cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI là một trong những kết quả như vậy - với bản đồ gen, con người “đã học được thứ ngôn ngữ mà Thượng đế đã tạo ra cuộc sống” (lời Francis Collins, giám đốc Human Genome Project ).
2. Đi liền với quá trình phân ngành là việc ứng dụng toán học hiện đại, các phương pháp nghiên cứu định lượng, các thiết bị hỗ trợ nghiên cứu, đặc biệt là những thành tựu của công nghệ thông tin... Từ nửa sau thế kỷ XX, trong hầu hết các khoa học xã hội và nhân văn đều có hiện tượng "vay mượn" phương pháp từ các khoa học khác bên cạnh việc sử dụng những phương pháp liên ngành, đa ngành. Điều đó góp phần làm cho khoa học xã hội và nhân văn có vị trí khắc hẳn trong đời sống xã hội. Khái niệm các khoa học xã hội và nhân văn cũng đã được giới hạn hơn và chặt chẽ hơn (ngày nay, không ai coi giải phẫu học, sinh lý người, y học... là thuộc hệ thống các khoa học xã hội và nhân văn, mặc dù đó chính là các khoa học về con người). Một loạt khoa học mới về xã hội đã lần lượt xuất hiện. Chẳng hạn, kinh tế học phát triển, khoa học đạo đức môi sinh (environmental ethics), khoa học sự sống (life sciences), lý thuyết sáng tạo (creativity),v.v... Cũng có những chuyên ngành đã có mầm mống từ trước, nhưng thực ra chỉ trưởng thành và định hình trong những thập niên gần đây như văn hoá học, tuơng lai học, các chuyên ngành nhân học (anthropology), quản lý xã hội, hoạch định xã hội (social planning), một số chuyên ngành tâm lý học, giáo dục học, nghệ thuật học, v.v...
3. Vấn đề là ở chỗ, do cần thiết phải đi theo xu hướng phân ngành, các khoa học hiện đại đã được chuyên biệt hoá ở mức quá sâu, thậm chí, có những chuyên ngành đến nay chỉ có một vài người thực sự hiểu được bản chất của nó. Ngày nay, không hiếm trường hợp có những chuyên gia nổi tiếng mà cũng không nắm chắc trong khoa học mà mình nghiên cứu có những chuyên ngành nào. S. Hawking, nhà vật lý lý thuyết nổi tiếng người Anh nhận xét: “Thời Newton, một người có giáo dục rất có thể nắm bắt được toàn bộ kiến thức của nhân loại, ít nhất là trong những nét cơ bản. Song sau đó nhịp độ phát triển của khoa học làm cho khả năng trên không còn nữa... Ngày nay, bạn phải là một chuyên gia, và dẫu là một chuyên gia bạn cũng chỉ hy vọng nắm bắt được một phần các lý thuyết khoa học” . Điều đó về đại thể cũng là xu hướng tích cực, song khi các khoa học đã phân ngành quá sâu, đến mức “quá kỹ thuật và quá toán học” (chữ dùng của S. Hawking), thì mặt trái của nó đối với tư duy khoa học cũng rất đáng ngại, đặc biệt trong lĩnh vực nghiên cứu con người.
4. Trong nghiên cứu con người, khi cô lập những mặt, những khía cạnh nào đấy ở con người thành những đối tượng nghiên cứu chuyên biệt, thì con người hiện thực với tất cả tính đa dạng và phong phú trần thế của nó vô tình đã bị tước đi tính thống nhất, toàn vẹn vốn có. Việc đề cao các khoa học đi vào chuyên biệt, theo E. Morin, “một trong những gương mặt hàng đầu của tư tưởng châu Âu" , sẽ không tránh khỏi làm cho "bản sắc con người, tức là tính thống nhất, đa dạng phức hợp của loài người ... bị chuyên môn hoá và bị phân cách thành từng ngăn riêng khi triển khai hoạt động" (E. Morin không phải là đơn độc với những than phiền như vậy). Trong cuốn sách Trái đất - tổ quốc chung: Tuyên ngôn cho thiên niên kỷ mới, xuất bản 1993, E. Morin viết: "Các đặc trưng sinh học của loài người bị cắt rời từng mảng cho các khoa sinh học và y học. Các đặc trưng tâm lý, văn hoá và xã hội bị phân chia thành nhiều mảng bố trí trong nhiều bộ môn riêng biệt của của khoa học nhân văn và xã hội, đến nỗi xã hội hoá mất hết khả năng nhìn vào xã hội, sử học tự thu mình lại trong bản thân, và kinh tế học thì cố khai thác từ Homo sapien demens (người khôn/điên rồ) cái phần cặn bã đã vắt kiệt máu của con "người kinh tế" (homo economicus). Tồi tệ hơn thế, ý tưởng về loài người, tình người đã bị đập nát vụn thành những mẩu nhỏ... triết học thì khoá kín trong các trừu tượng hóa của mình, chỉ còn đủ sức để liên kết nhân loại qua những thể nghiệm thực tiễn và những căng thẳng hiện sinh của những học giả tầm cỡ như Pascal, Kierkegaard và Heideger, nhưng chưa một lần thành công trong việc nối liền thể nghiệm chủ quan với tri thức nhân học" .
Có cơ sở để nói rằng, chính những thành tựu mới của khoa học hiện đại, đặc biệt những thành tựu của các khoa học chuyên sâu, nhất là trong trường hợp các khoa học chuyên sâu không cùng đạt tới trình độ ngang nhau, đã làm hình ảnh về con người trong nhận thức bị “nát vụn thành những mẩu nhỏ”. Nếu các khoa học về con người tiếp tục đi sâu nghiên cứu theo hướng ngày càng chuyên biệt hơn, và điều này cho đến nay là vẫn chưa thể khác, thì để tránh tình trạng nhận thức về con người ngày càng bị chia cắt một cách quá biệt lập, trong khoa học đã nảy sinh nhu cầu cần phải có một cái nhìn toàn vẹn hơn về con người.
III. M. Scheler và tư tưởng về sự nối kết các tri thức về con người
1. Cái nhìn toàn vẹn về con người trong khoa học thế kỷ XX chính là một trình độ mới của xu hướng nghiên cứu toàn diện về con người; không phải toàn diện theo nghĩa mà Democrite và một số nhà thông thái cổ đại đã đòi hỏi (toàn diện theo những thuộc tính chung, trừu tượng, gạt bỏ nhưng biểu hiện đặc thù ), mà là toàn diện ở trình độ cao hơn: hợp ngành (integration) các khoa học và các phương thức nhận thức, trong đó có các phương thức nhận thức ngoài khoa học về con người.
2. Điều chúng tôi muốn lưu ý ở đây là, quan niệm về tình trạng nát vụn của các tri thức về con người và cần phải sắp xếp lại những tri thức ấy trong một khoa học thống nhất, đã có từ trước E. Morin. Chúng tôi không rõ có phải vì E. Morin bàn đến vấn đề một cách chi tiết hơn hay sâu sắc hơn mà người ta thường nhắc tới ông. Còn trên thực tế, M. Scheler, nhà triết học người Đức, người khởi xướng ngành nhân học (anthropology) hiện đại, trong tác phẩm nổi tiếng Địa vị của con người trong vũ trụ (1928) đã trăn trở rất sâu sắc và có những phát biểu rất ý nghĩa về điều này.
Kế thừa và phát triển những quan điểm về triết học cuộc sống của A. Schopenhauer, H. Bergson và F. W. Nietzsche, và những quan điểm về tâm - sinh lý học của Teilhard de Chardin và S. Freud, M. Scheler đã xem xét con người và xã hội loài người xuất phát từ ba bản năng sống đầu tiên - bản năng ăn uống, bản năng tình dục và bản năng quyền lực. Theo M. Scheler, những bản năng sống cơ bản đó đã quy định sâu xa sự vận động của đời sống con người dưới các hình thức xã hội phức tạp như nền kinh tế, thể chế hôn nhân, thiết chế nhà nước… M. Scheler chủ trương nghiên cứu con người phải chỉ ra được những bản năng sống và những khát vọng sống của con người đã được kết tụ như thế nào trong các hiện tượng, các thể chế xã hội phức tạp đó. Là người theo lập trường nhị nguyên, M. Scheler coi đời sống con người cũng là biểu hiện của bản nguyên tinh thần, cái có ý nghĩa nguyên tắc tối cao quy định bản chất con người. Toàn bộ thế giới đa dạng của cảm xúc con người như tình yêu, sự sám hối, mối thiện tâm, nỗi thất vọng, ý chí tự do... đều là biểu hiện phong phú của bản nguyên tinh thần. Với M. Scheler, tinh thần luôn là cái đối lập với bản năng sống và khát vọng sống. Con người càng lớn mạnh về tinh thần bao nhiêu thì càng yếu đuối về bản năng sống bấy nhiêu. Con người trong quan niệm của M. Scheler là một thực thể phức tạp. Cái thần thánh và cái bản năng ẩn giấu trong chính con người. Nhận thức được con người là điều không đơn giản và không thể chỉ bằng một phương thức duy nhất nào đó. Theo M. Scheler, “Nhân học triết học cần phải nối kết lại những thành tựu của các khoa học cụ thể, của triết học và của tôn giáo về con người. Hình tượng con người đã bị vỡ ra hàng nghìn mảnh, cần phải được tập hợp sắp xếp lại” . Như vậy, ở M. Scheler tư tưởng về sự cần thiết phải thống nhất các phuơng thức nhận thức để khám phá con người là rất rõ. Khoa học đảm đương nhiệm vụ này, theo ông, là nhân học mà trước hết là nhân học triết học (philosophical anthropology - do khuôn khổ có hạn của một bài báo, chúng tôi xin không trình bày những tư tưởng cũng rất độc đáo của M. Scheler về nhân học ở đây).
3. Nhưng nếu nói cho thật công bằng, thì không phải M. Scheler, mà chính I. Kant, người sáng lập nền triết học cổ điển Đức mới là người đầu tiên tỏ rõ thái độ không thoả mãn với cách thức nghiên cứu truyền thống về con người và đặt vấn đề cần phải có phương thức mới, phương thức đặc biệt để nghiên cứu con người. Theo P.S. Gurevich, “nhà nghiên cứu sâu sắc hơn cả trong tư tưởng Nga hiện đại về vấn đề con người” , thì "I. Kant là người đầu tiên của nền triết học châu Âu khẳng định rằng, con người là một thực thể độc nhất vô nhị có khả năng suy tư một cách riêng biệt và độc đáo. Con người - là khách thể bí ẩn và hấp dẫn tột cùng của sự tư biện triết học. Để khám phá bí ẩn của con người, cần phải có những công cụ không tầm thường và độc lập. Trong ý nghĩa đó, nhân học triết học đối lập với khu vực tri thức triết học truyền thống - bản thể luận (học thuyết về tồn tại), logic học, lý luận nhận thức, lịch sử triết học, đạo đức học, thẩm mỹ học, triết học tự nhiên, triết học xã hội, triết học lịch sử” .
Như vậy, xu hướng nghiên cứu phức hợp - liên ngành về con người được nảy sinh từ thực tiễn và sâu xa hơn, từ bản thân đối tượng nghiên cứu. Tính độc đáo, tính bí ẩn và tính phong phú của con người, một thực thể vừa tự nhiên, vừa xã hội, vừa tinh thần là điều kiện lý tưởng cho các nhà khoa học triển khai tư tưởng của mình về cách tiếp cận phức hợp - liên ngành. Vậy các nhà khoa học đã quan niệm thế nào về cách tiếp cận phức hợp - liên ngành trong nghiên cứu con người.
IV. Tư duy phức hợp về con người
1. Gắn liền với nghiên cứu hợp ngành là phương pháp nghiên cứu phức hợp và người ta còn nói đến một trình độ tư duy phức hợp về con người. Theo E. Morin, từ những năm 70 (thế kỷ XX), khoa học đã chuyển sang nỗ lực tìm kiếm một xu hướng mới nhằm hiểu được homo sapiens demens với bộ óc gồm "hàng trăm tỷ tế bào thần kinh và nhiều triệu triệu liên kết giữa các tiếp điểm tế bào thần kinh (synaptic connection) "
Trong số các xu hướng tìm kiếm này, E. Morin nhắc tới các lý thuyết về tự tổ chức của Foerster & Zopf, 1962; các lý thuyết về tính phức hợp của Bronowski, 1969; Von Newmann, 1966; và các lý thuyết về phép biện chứng phổ quát liên quan đến entropi và tính tổ chức (nên chú ý rằng, E. Morin đánh giá cao một số nhà khoa học Xô viết thời Liên Xô).
Rõ ràng, gương mặt điển hình cần phải kể đến trong số những người thiết tha với cách tiếp cận phức hợp - liên ngành nói chung và với tư duy phức hợp về con người nói riêng, theo chúng tôi, phải là E. Morin, Chủ tịch Hiệp hội tư duy phức hợp (Association for Complex Thought), người đã viết một công trình đồ sộ gồm 4 tập về phương pháp (La méthode. Paris, 1981, 1985, 1991, 1992) trong đó có bàn đến tư duy phức hợp và một chuyên luận riêng về tư duy phức hợp (Introduction à la penssée complexe. Paris, 1990). E. Morin cho rằng, cần phải "tái cấu trúc" lại các khoa học nhằm "xây dựng nhân học với tính cách là khoa học đa chiều (liên kết trong nội bộ bản thân những chiều cạnh sinh học, xã hội hoá, kinh tế sử học và tâm lý) tìm kiếm cách thức phơi bày tính thống nhất và đa dạng phức hợp của loài người... Việc tái cấu tạo đó sẽ phải tiến hành trong sự quá độ đi từ tư duy đơn giản, què quặt, biệt lập, liệt kê và trừu tượng để vươn tới các nguyên lý của tư duy phức hợp" (pensée complexe-người trích nhấn mạnh). Nội dung của tư duy phức hợp về con người được E. Morin hình dung là: “Con người phải dành vị trí cho thần thoại, cảm thức, tình thương, nỗi niềm nhớ tiếc và cần xem xét những nội dung ấy bằng lý tính. Lý tính đích thực cần biết rõ những giới hạn của logic, của tất định luận và cơ giới luận; nó cũng phải thấu hiểu rằng tâm trí người ta chẳng phải là hiểu biết đủ mọi chuyện và cũng công nhận điều bí hiểm của thực tại” .
2. Với các học giả Nga đương đại, nghiên cứu phức hợp - liên ngành về con người không có nghĩa là đồng thời nghiên cứu tất cả các mặt về con người. Hầu hết đều hiểu một tham vọng như thế sẽ không tránh khỏi rơi vào không tưởng. Trong nghiên cứu phức hợp - liên ngành, điều khác biệt trước tiên là nhiệm vụ nghiên cứu sẽ rộng hơn so với mỗi chuyên ngành và có sự tác động của các phương pháp vay mượn từ các ngành khác, làm đối tượng lộ ra những thuộc tính mà trong khuôn khổ nghiên cứu chuyên ngành không thể có được. Nghiên cứu phức hợp - liên ngành không phải là các ngành được đặt bên cạnh nhau, mà là các ngành tích hợp với nhau, làm con người thể hiện ra như là nó trong thực tế…
Cần lưu ý rằng, kế thừa và tham khảo M. Scheler, nhưng tương đối độc lập với E. Morin, ở Nga đã có một dòng tư tưởng tương tự như E. Morin, nhưng còn quyết liệt hơn trong việc đi theo hướng tiếp cận phức hợp - liên ngành để nghiên cứu con người và xây dựng một khoa học thống nhất về con người . Người nhiệt thành với cách tiếp cận phức hợp - liên ngành trong nghiên cứu con người và có công đầu trong việc xây dựng các tổ chức nghiên cứu con người ở Nga là I.T. Frolov (1929-1999), Viện sỹ VHLKH Nga, nguyên Chủ tịch Hội triết học Nga và Viện trưởng đầu tiên của Viện Con người, Nga. Ông chính là người triệt để nhất và quyết liệt nhất với chủ trương xây dựng một khoa học thống nhất về con người.
3. Theo I.T. Frolov, những ý tưởng về sự cần thiết phải thống nhất khoa học, nghệ thuật với các tri thức ngoài khoa học để khám phá con người đã được hai nhà văn vĩ đại L.N. Tolstoi, A.M. Gorki và Viện sỹ N. Bekhterev đề xuất từ rất sớm. I.T. Frolov cho biết, “Tolstoi là người đã từng phát biểu gay gắt về một khoa học mang tính khoa học. Ông nguyện hiến mình phụng sự khoa học đó - khoa học về sự chung sống của con người với con người” . Vào đầu những năm 30 (thế kỷ XX), tại ngôi nhà của mình ở Ribusinski, A.M. Gorki đã cùng với một nhóm các nhà sinh học, bác sỹ và một số nhà hoạt động xã hội theo những nghề nghiệp rất khác nhau, trực tiếp phác thảo xây dựng một thiết chế hoạt động khoa học phức hợp để nhận thức con người. Lúc đầu, thiết chế này được gọi là “liên hợp khoa học, nghệ thuật và lao động”. Sau đó A.M. Gorki gọi là Viện con người. Cương lĩnh của A.M. Gorki về Viện con người được soạn thảo khá chi tiết gồm 6 phần, trong đó phần thứ 5 là xây dựng “một khoa học phức hợp thống nhất về con người” với những nội dung mà bây giờ xem lại có lẽ vẫn chưa lạc hậu - khoa học ấy được A. M. Gorki gọi bằng một thuật ngữ ghép “tri thức về con người”.
Được khích lệ to lớn bởi tư tưởng của L.N. Tolstoi và A.M. Gorki, cùng với điều đó là việc nhận ra tính hợp lý của cách tiếp cận phức hợp được tiến hành trong những nghiên cứu Ưu sinh học ở Nga những năm 30, I.T. Frolov chủ trương phải nghiên cứu "con người trong tính toàn vẹn của nó". Ông cho rằng, các kiến thức sinh học, y học, não học, triết học, xã hội học, đạo dức học.. và cả lối phản ánh con người một cách đặc thù của nghệ thuật, của tôn giáo và của ý thức thường ngày... cũng phải được sử dụng để khám phá con người. Sự liên kết giữa các khoa học với các phương thức đặc thù trong nhận thức con người sẽ cho phép giải mã những chỗ giáp ranh bí ẩn về con người. I.T. Frolov viết: "Chúng ta có thể nói như sách mọi chuyện về con người - chẳng hạn như tim, gan, và các cơ quan khác của nó hoạt động như thế nào; nhưng các cơ quan đó liên kết với nhau như thế nào và chúng hợp nhất với các phẩm chất người ra sao để tạo thành những nhân cách thì chúng ta hầu như không biết. Chúng ta có thể công nhận những nhân tố nào đấy đóng vai trò là quan trọng và đôi khi là quyết định. Song điều đó tuyệt nhiên không đủ. Chính ở chỗ giáp ranh giữa các vấn đề y, sinh, tâm lý, đạo đức, xã hội... đã xuất hiện những điều chủ yếu, cái chưa được nghiên cứu trong khoa học của chúng ta. Điều đó bắt buộc khoa học của chúng ta phải đặt ra những nhiệm vụ hoàn toàn mới. Chúng ta có thể nghiên cứu, chẳng hạn, những dạng khác nhau của hiện tượng chảy máu; nhưng liệu nhà sinh lý học, nhà tâm lý học, hay nhà y học có thể nói gì về việc có kẻ giết người chỉ bằng lời nói" .
Xin nói thêm rằng, dưới sự chỉ đạo của Viện sỹ I.T. Frolov, nghiên cứu phức hợp về con người ở Nga không chỉ được tiến hành trong các công trình khoa học, mà còn được đảm bảo bằng việc thành lập một thiết chế xã hội cụ thể. Viện Con người thuộc VHLKH Nga chính thức được khai sinh năm 1992. Nhưng trước đó, năm 1990, tổ chức tiền thân của nó là Trung tâm khoa học về con người cùng tờ tạp chí Con người đã ra mắt tại Nga. Theo ý đồ đã được phê duyệt, Trung tâm khoa học về con người là một tổ chức khoa học rất lớn, có lẽ là một kiểu tổ chức độc nhất vô nhị trên thế giới. Trụ sở của nó cũng đã được khởi công xây dựng tại một địa điểm đẹp và sang trọng ở Mátxcơva. Tiếc rằng, các sự kiện năm 1991 tại Nga đã làm tan vỡ ý đồ này. Hiện nay, Viện Con người ở Nga cũng là một tổ chức nghiên cứu khoa học tương đương như các viện khác tại Viện Hàn lâm, song chỉ bằng một phần nhỏ của đồ án Trung tâm khoa học về con người.
Có thể thấy rất rõ ý tưởng của I.T. Frolov là sự tiếp tục quan niệm của Mác năm 1844 về sự thống nhất giữa khoa học tự nhiên với các khoa học về con người. Và dường như, I.T. Frolov có phần nghiêng về phía lập trường của anthropocentrism.
4. Như vậy, trải qua hơn nửa thế kỷ nếu tính từ M. Scheler, hoặc trải qua hơn 30 năm nếu tính từ E. Morin và I.T. Frolov, nhu cầu nghiên cứu phức hợp về con người và sự triển khai cách tiếp cận phức hợp - liên ngành trong nghiên cứu con người đã tỏ rõ là một đòi hỏi khách quan của sự tiến triển khoa học. Theo hiểu biết của chúng tôi, hiện nay, bên cạnh các chuyên gia nhẫn nại triển khai phương thức nghiên cứu này trong các công trình cụ thể của mình, đã có một số trung tâm khoa học trực tiếp điều phối và khuyến khích người nghiên cứu đi vào theo cách tiếp cận này, chẳng hạn, Institute for Humane Studies, Hoa Kỳ; Maison des sciences de l' Home, Pháp.
Tuy nhiên, những kết quả cụ thể của khoa học sau một số năm triển khai nghiên cứu theo xu hướng này, có thể nói, vẫn còn rất khiêm tốn. Cho đến nay, theo đánh giá của giới khoa học Nga, cách tiếp cận phức hợp - liên ngành cũng vẫn chưa vượt ra khỏi khuôn khổ của ý đồ có tính chất lý thuyết. Sự bổ sung của các phương thức nghiên cứu ngoài khoa học lấy từ nghệ thuật, tôn giáo, trực giác và các thủ pháp tâm linh… tuy rất phong phú song vẫn chưa thực sự gắn kết hữu cơ với các phương pháp khoa học để nghiên cứu con người. Trong thực tế tiến hành những nghiên cứu phức hợp cụ thể về con người, các tác giả Nga vẫn khá lúng túng và vẫn một lần nữa sa vào những hạn chế, thậm chí cả những hạn chế đã được lường trước. Về tình trạng này, B.G. Yudin, Viện trưởng Viện Con người, VHLKH Nga nhận xét: “Mặc dù đến nay, đã có những kinh nghiệm hay được đưa ra làm công cụ cơ bản để xác định lĩnh vực đối tượng cho thỏa đáng, song khái niệm con người với tính cách là “thực thể sinh học-xã hội”, là “tiểu vũ trụ”, thậm chí, là thực thể “vũ trụ-tâm-sinh lí-xã hội” - tất cả, hoặc là, vẫn mới chỉ dừng lại ở trình độ những kiến giải cực kỳ chung chung, hoặc là, một lần nữa, lại được nghiên cứu theo những hướng quá chuyên biệt” .
Có lý do để nói rằng, một trình độ sâu sắc hơn và thiết thực hơn trong việc sử dụng cách tiếp cận phức hợp - liên ngành để nghiên cứu con người, vẫn còn phải chờ ở những bước đi tiếp theo của khoa học.
V. Tạm kết
Điều vừa nói ở trên dường như trái với tư tưởng chung của toàn bài này - chúng tôi đã nêu ra những kết quả còn hạn chế làm hoài nghi sức mạnh của phương thức nghiên cứu phức hợp - liên ngành về con người. Vâng, đó là ý đồ của người viết nhằm tránh cái nhìn một chiều về phương pháp tư duy hiện đại mà bất cứ ai có ý định nghiên cứu con người cũng đều phải học để sử dụng. Chúng tôi đề cao E. Morin, trân trọng những đóng góp đáng kể của ông trong suốt mấy chục năm trăn trở với tư duy phức hợp về con người. Song chúng tôi cũng cảm thấy không thỏa đáng chút nào khi E. Morin nhận định về Pascal, Kierkegaard và Heideger (đoạn trích ở giữa bài này) rằng, "Pascal, Kierkegaard và Heideger chưa một lần thành công trong việc nối liền thể nghiệm chủ quan với tri thức nhân học". Chúng tôi muốn so sánh trường hợp của Pascal, Kierkegaard và Heideger về cái gọi là "căng thẳng hiện sinh" với trường hợp của E. Morin về "phương thức tư duy phức hợp - liên ngành". Nếu coi là thành công thì hai trường hợp này thành công tương tự như nhau (dĩ nhiên, tầm cỡ của Pascal, Kierkegaard và Heideger cao hơn E. Morin rất nhiều). Còn nếu coi là thất bại hay thì hai trường hợp này cũng thất bại tương tự như nhau. Vấn đề là ở chỗ, sức lay động của những chiêm nghiệm theo kiểu "căng thẳng hiện sinh" đã góp phần làm cho Pascal, Kierkegaard và Heideger mãi mãi ghi danh vào lịch sử triết học, mặc dù E. Morin coi đó là những tư tưởng chưa một lần thành công. Thật khó đo đếm sự thành công của một tư tưởng. Trường hợp E. Morin và phương thức tư duy phức hợp cũng na ná như thế. ít nhất thì cũng đã có một B.G. Yudin chưa coi việc ứng dụng tư duy phức hợp là thành công trong thực tế. Song E. Morin và những người có công nghiên cứu tư duy phức hợp vẫn cứ có vị trí của mình trong vương quốc học thuật. Điều này quả thật là thú vị - cái thú vị có liên quan đến sự bí ẩn của con người - dù thành công hay thất bại thì Pascal, Kierkegaard và Heideger vẫn cứ nổi tiếng là những nhà triết học hàng đầu của nhân loại.
Chúng tôi xin kết thúc bài này bằng lời bàn về sự bí ẩn sang trọng và quyến rũ ấy. Con người là một bí ẩn (F. M. Dostoievski) - Đó chính là lý do sâu xa khiến con người vẫn còn phải đi tìm phương pháp để nghiên cứu con người. Giả dụ, có một ngày nào đó con người sẽ tìm ra phương pháp hoàn hảo để nghiên cứu chính mình. Vậy ngày đó mọi bí ẩn của con người sẽ được khám phá và con người sẽ hết bí ẩn? Không, hết bí ẩn con người không còn là con người. Với suy nghĩ như thế chúng tôi xin đồng tình với ý kiến của V.E. Đaviđôvich, một học giả Nga nổi tiếng: "Ngay cả khi tất cả các vấn đề khoa học đã được giải đáp thì bí ẩn của con người vẫn chưa được đụng đến" .
Tại sao lại chưa được đụng đến? Xin mời các nhà nghiên cứu gần xa bàn luận và người viết bài này cũng sẽ cố gắng nêu ý kiến của mình trong một dịp khác.
Nội dung khác
Tìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn