Nguyễn Văn Thạc - Tình yêu và hạnh phúc
Mở cửa trang sách đời
Cuối năm 1971, Thạc nhập ngũ, gác lại những bài học giảng đường khi là sinh viên năm thứ nhất… Bữa cơm cuối cùng với mẹ, Thạc bảo: “Mẹ chiều con thế này con sẽ hư mất”. Cô Lợi, em gái Thạc nhớ lại: “Anh Thạc đâu biết trước ngày anh nhập ngũ, mẹ dậy sớm cắt một gánh cỏ, hai em đem ra chân cột đồng hồ cách nhà (ở ngoại thành Hà Nội) đến 10km bán được 6 hào. Mẹ mua cua về nấu bún riêu cho buổi tiễn con”. Gia đình chính là điểm tựa, ươm mầm cho tình yêu của Nguyễn Văn Thạc vươn lên theo những lý tưởng sống cao đẹp.
Bước ra khỏi tổ ấm gia đình, Thạc chỉ còn có thể gửi về những dòng thư: “Các em có đi đâu, có làm gì đều phải đi ra từ gia đình và anh em mình lại gặp nhau ở gia đình. Anh còn đi lâu mới trở về nhà, anh còn đi xa gia đình hơn nữa. Cậu mợ chỉ còn có các em, các em phải làm gì cho cậu mợ đỡ buồn khổ, đỡ trống trải”.
Gia đình cũng là nơi đặt hy vọng lớn lao vào người con mang khát khao “muốn có nhiều thử thách, muốn như cánh chim đại bàng đứng trên đỉnh núi cao nhìn ra bốn phía, nơi nào có bão táp, có mưa gió” và mang ước mơ thầm kín “sẽ làm thơ viết văn bằng sự say mê của bản thân và bằng cả sự thôi thúc của những sự kiện nóng hổi mà đất nước và dân tộc tặng”.
Chị Nguyễn Kim Ngọc, bác sĩ Viện Răng - Hàm - Mặt Hà Nội, từng học cùng trường với Thạc, tình cờ có được lá thư Thạc viết cho bạn gái hơn 30 năm trước, nay có dịp trao lại, tâm sự: “Ngày đi học, tôi đã biết Thạc là một người học rất giỏi”. Cầm trên tay lá thư viết bằng mực tím, chị nói: “Lá thư hay vô vùng và tràn đầy cảm xúc yêu thương”.
Thầy dạy văn của Thạc ở trường Yên Hòa B Đỗ Quang Lưu, năm nay 82 tuổi, vẫn còn ấn tượng về trò Thạc đạt giải nhất cuộc thi học sinh giỏi Văn lớp 10 toàn miền Bắc năm học 1969-1970. Thầy run run: “Em Thạc người thấp đậm, học rất giỏi đúng không?”.
Vào bộ đội, Thạc mải miết sống, viết và cầm súng. “Mình thích đi bộ binh” vì “đánh nhau thế mới khoái và ít bị phụ thuộc vào máy móc, vả lại, đi bộ binh, gần dân hơn, biết nhiều điều thú vị hơn”. Suy tư về tình bạn bè, đồng chí, Thạc viết những điều thật gần gũi: “Những lúc hành quân nặng nhọc nhất chính là lúc người ta hay gắt gỏng với nhau nhất và chính là lúc người ta thương nhau nhất. Người ta thương nhau và san sẻ cho nhau chút nước trong bi đông, đeo hộ nhau một phần nặng nhọc, dành cho bạn một chiếc hầm đào dở, một khoảng trống khi đến trạm dừng chân… - không thể nói hết được và cái gì cũng rất tế nhị và mới đáng yêu làm sao”.
Đại tá Đặng Trực Ngôn, một người bạn cùng lớp đại học, cùng trung đoàn với Thạc, hiện công tác tại Quân chủng Hải quân, kể: “Với tư cách cán bộ Đoàn, Thạc luôn biết cách cuốn hút các bạn trong lớp, ngay cả khi vấn đề Thạc trình bày vốn khô khan. Ngày ở đại học hay vào quân ngũ, trong đội bóng, tôi là tiền vệ còn Thạc là tiền đạo rất cừ. Những lúc rảnh rỗi Thạc dành thời gian đọc sách, viết thơ. Tôi yêu văn chương hơn là nhờ có Thạc. Thạc đã chia sẻ với bạn bè những cảm nhận tinh tế trước mỗi bài thơ hay”.
Với tâm hồn nhạy cảm nên ở tuổi 19, 20, Thạc đã có nhiều suy tư trước cuộc sống. Với anh, “cuộc sống tuyệt vời biết bao, trong thực tế và trên trang sách. Nhưng cuộc sống cũng bi thảm biết bao. Cái đẹp còn trộn lẫn niềm sầu muộn. Cái nên thơ còn lóng lánh giọt nước mắt ở đời (trích Nhật ký “Chuyện đời”).
Thạc tâm niệm: “hãy bắt đầu từ cuộc sống và từ đó sẽ nảy ra thơ” và Thạc sớm tìm cho mình niềm yêu sống khi biết rằng: “Có thể ngày mai, cuộc đời sẽ trả lời mình bằng luồng gió lạnh ngắt, nhưng có hề chi, khi mình đã cống hiến cho cuộc đời một tâm hồn chính trực và cao cả - biết yêu và biết ghét - biết lăn lộn trong cái bình dị của cuộc sống mà cảm hiểu hạnh phúc không có gì so sánh nổi. Biết sống cao thượng, vươn lên trên tất cả những gì tính toán cá nhân mòn mỏi và cằn cỗi… Đây là ước mơ, là nguyện vọng, quyết tâm và cũng là trách nhiệm mình phải làm”.
Thức đêm, suy nghĩ nhiều, 20 tuổi, mái tóc Thạc đã nhiều sợi bạc. Cuốn nhật ký “Chuyện đời” Thạc ghi trong những năm tháng ấy nay đã in thành sách dưới tiêu đề “Mãi mãi tuổi 20” (NXB Thanh Niên, Đặng Vương Hưng sưu tầm, giới thiệu). 16 tập thơ Thạc viết, đã bị thất lạc nơi chiến trường, nhưng vẫn còn đó hàng trăm trang thư, trang nhật ký Thạc viết với nét chữ nhỏ, thẳng hàng, đều tăm tắp được người bạn gái Phạm Thị Như Anh và người thân trong gia đình lưu giữ như kỷ vật suốt hơn 30 năm nay.
"Mùa xuân về, sẽ đẹp tuyệt vời nhờ sức lực của chính mình"
Tình yêu đôi lứa của Nguyễn Văn Thạc và Phạm Thị Như Anh đẹp tuyệt vời, vượt qua mọi ngăn cách về không gian, thời gian và hoàn cảnh sống. Đôi bạn trẻ viết thư cho nhau, cũng là tâm sự với nhau những suy tư, trăn trở trước cuộc sống, cùng nhau đi kiếm tìm ý nghĩa cuộc đời.
Chính tình yêu với Như Anh, Thạc có thêm năng lượng sống để viết lên những trang đời đầy sắc màu, nhiều cung bậc. Trong 4 tháng, Thạc đã viết tới 500 trang thư, có thư dày tới 54 trang gửi bạn gái, nay là Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Quốc tế Đại Trí, chủ nhân công viên “Chín con rồng” nổi tiếng tại vùng Hannover của CHLB Đức.
Thạc nhớ từng phút gặp gỡ ngắn ngủi giữa hai người ở thư viện, trên sân trường, dưới hàng cây. Thạc nhớ từng ước mơ, nhớ màu áo xanh da trời của người mình thương mến. Bốn tháng quen nhau, với 5 lần gặp, tính ra khoảng 20 giờ đồng hồ, rồi Thạc vào chiến trường, Như Anh đi học nước ngoài, chỉ vậy thôi đã đủ để họ cùng nhau hướng về tương lai hạnh phúc của lứa đôi, sự sáng tươi của dân tộc để vượt qua những khó khăn, gian khổ.
Phải đeo trên vai 30kg quân trang, quân dụng hàng ngày, đi qua đủ các tỉnh trung du, đồng bằng, từ miền Bắc dần vào chiến trường Quảng Bình, Quảng Trị mù đặc khói bom, Thạc vẫn không đánh mất tâm hồn xao động với cuộc đời thực vốn còn nhiều khốn khó. Thạc dự cảm về tương lai bằng một sự thấu suốt đến kinh ngạc.
Lá thư đề ngày 18/9/1971 gửi Như Anh, Thạc viết: “Bất kỳ một vinh quang nào cũng cần phải trả bằng mọi giá. Và khó khăn gian khổ càng nhiều, thử thách càng nhiều, sự vinh quang đó càng trở nên rự rỡ. Chúng ta đừng đi tìm những chân lý sâu xa đơn thuần qua những áng văn và những bài thơ, bài toán. 30/4/1975 Thạc sẽ trả lời cho P. (tức Như Anh - NV) câu: hạnh phúc là gì?...”.
Nhiều lần sau đó Thạc nhắc đến 30/4/1975 dù Thạc không có mặt trong những ngày tháng của tương lai đó. Như Anh kể, khi còn đi học, trước một bài văn với câu hỏi về hạnh phúc, Như Anh đem hỏi Thạc, Thạc đã hẹn sẽ có ngày trả lời.
Nhắc lại chuyện xưa, Như Anh nói trong nước mắt: “Những dòng thư quen để nhiều dấu chấm lửng của Thạc đã trở thành một phần cuộc đời tôi. Tình cảm của tôi với Thạc bắt đầu từ sự cảm phục về một người bạn cùng học rất giỏi mà lại rất khiêm tốn, cương nghị. Tôi không ngờ một người như Thạc lại thích mình, vượt lên những cách biệt về hoàn cảnh gia đình.
Đối với tôi, Thạc giống như một thiên thần trên trái đất. Tôi không hiểu tại sao Thạc lại hẹn câu trả lời về hạnh phúc vào bốn năm sau, ngày 30/4/1975 mà không phải 3 năm sau Thạc tốt nghiệp hay 6 năm sau tôi tốt nghiệp. Qua những trang thư, nhật ký, Thạc đã giúp tôi hiểu, mỗi người có một hạnh phúc khác nhau, trong mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn là những hạnh phúc riêng. Hạnh phúc với Thạc có khi là được nghỉ chân 10 phút trên chặng đường dài, là biết chắc chắn một điều cuộc sống chỉ có một lần nên cần sống sao cho xứng đáng, làm cho cuộc đời tươi đẹp hơn.
Thạc luôn ấp ủ trong thời tuổi trẻ của mình hạnh phúc gắn liền với hoài bão về hạnh phúc của dân tộc, con người được sống trong hòa bình, tự do phát triển. Nhưng sức mình nhỏ nhoi, Thạc luôn cần sự chung sức của tập thể và cuộc sống quanh mình vì người ta rất dễ chán nản nếu không có ý chí... Khi tôi học ở nước ngoài còn Thạc trong quân ngũ, tình yêu của chúng tôi vẫn được nhân lên, tôi luôn thất bất an cả khi đang ngồi học: người ta có thể giết chết tình yêu của mình trong mưa bom, bão đạn!”.
Sáng ngày 30/7/1972, tại chiến trường Quảng Trị, Thạc trúng pháo kích của địch. Đến chiều anh Đặng Trực Ngôn mới biết tin và đến bên người bạn hy sinh khi vào tuổi hai mươi - lứa tuổi đẹp nhất đời người. Năm 1973, Như Anh hay tin dữ và gần như kiệt sức. Nhưng Như Anh tự nhủ mình phải sống. “Sống vì Thạc, sống để chăm sóc gia đình Thạc như Thạc. Làm việc gấp đối thay Thạc. Con tôi sau này sẽ tiếp tục cuộc sống của Thạc…”. Trong nước mắt, Như Anh đã xúc động nói.
Cầm trên tay cuốn nhật ký bìa xanh da trời hơn 30 năm trước đây Thạc đã ghi chép cuộc sống quanh mình, chúng tôi đọc được những dòng cuối cùng như là lời nhắn nhủ: “Nếu như tôi không trở lại - Ai sẽ thay tôi viết tiếp những dòng sau này? Tôi chỉ ao ước rằng, ngày mai, những trang giấy còn lại đằng sau sẽ toàn là những dòng vui vẻ và đông đúc. Đừng để trống trải và bí ấn như những trang giấy này”.
Nguyễn Văn Thạc gấp lại trang sách đời khi vừa chớm tuổi 20, khi câu trả lời về hạnh phúc còn để ngỏ. 30 năm đã qua sau ngày hẹn 30/4/1975, Nguyễn Văn Thạc vẫn hiện diện với những trang thư và những dòng nhật ký chân thực, đầy sức lay động lòng người. Đó là con đường của tình yêu và hạnh phúc anh chọn và ở đó cũng có gương mặt anh với nét hào hoa và bi tráng một thời.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc Hiếu“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Cơ hội thứ tư - toàn cầu hóa
18/04/2004Nguyễn Trần BạtThấy gì qua lối sống sinh viên thời nay?
21/10/2003Trương HiệuClip: Chúng ta luôn bên nhau
01/01/1900