Nhà trường trong cuộc cạnh tranh với các phương tiện thông tin đại chúng

03:51 CH @ Thứ Hai - 10 Tháng Hai, 2003

PTS. Nguyễn Chí Thuật, GD&TĐ Chủ nhật

Những năm gần đây, nhiều nước đã coi giáo dục, đào tạo là “quốc sách hàng đầu”. Điều đó thật dễ hiểu. Nhưng làm thế nào để nhà trường thực sự phát huy tác dụng và đem lại hiệu quả thiết thực, xứng đáng với sự đầu tư của Nhà nước và đáp ứng mong mỏi của toàn xã hội?

Hệ thống nhà trường trên toàn thế giới hiện nay đang đứng trước một thử thách vô cùng lớn lao. Bởi vì gần với người học hơn cả trường học là truyền hình, Internet, video và các tạp chí chuyên ngành, các báo xã hội... Vậy nhà trường phải dạy cái gì, chương trình đào tạo nên như thế nào, trình độ của người thầy phải cao đến đâu để có thể hấp dẫn người học hơn các phương tiện nghe nhìn đang càng ngày càng hoàn hảo trong thế giới chúng ta đang sống?
Để có thể sống và làm việc bình thường trong một xã hội như xã hội ngày nay, con người buộc phải có một vốn tri thức rất lớn. Đã qua rồi cái thời người ta chỉ biết và làm theo những gì các bậc tiền bối đã làm. Ngày nay quá trình đào tạo chủ yếu dựa trên việc hiểu rõ chứ không phải tích lũy kiến thức. Có thật nhiều thông tin trong đầu chẳng giải quyết được gì. Chưa kể là, như kết quả thống kê cho thấy, đối với khoa học tự nhiên và công nghệ, lượng thông tin tăng gấp đôi trong vòng từ 10 đến 12 năm, ở một số lĩnh vực khác sự gia tăng này còn nhanh hơn nữa, chẳng hạn như trong sinh học và y học, chỉ cần sau 8 năm, trong tin học chỉ sau 5 năm, con người không thể thắng trong cuộc chạy đua để nắm bắt thông tin. Vì vậy, quan trọng nhất bây giờ là khả năng tìm ra và lựa chọn thông tin. Cách đây hai thế kỷ, một người có thể vừa là bác sĩ vừa là nhà thiên văn học lỗi lạc. Nhưng bây giờ không thể có cái đầu biết tất cả về mọi thứ trên đời. Cũng khó xác định nhưữn thông tin cơ bản mà một con người của thế kỷ 21 cần phải có.

Thời đại hiện nay đòi hỏi khả năng ứng dụng và tính độc lập cao trong tư duy hơn bao giờ hết. Bởi vì nhờ áp dụng tin học, một lượng thông tin lớn có thể được cung cấp trong nhát mắt. Cho nên thay cho việc đòi hỏi học sinh học thuộc các thông tin, là dạy cho chúng cách xác định giá trị của mỗi thông tin đó.
Hệ thống giáo dục, đào tạo của tất cả các quốc gia trên thế giới đang phải chịu sự cạnh tranh quyết liệt với các phương tiện thông tin đại chúng. Thế bất lợi thuộc về hệ thống giáo dục, bởi vì nó già cỗi, lạc hậu và kém hiệu quả, đặc biệt là về phương pháp cung cấp tri thức. Tình hình này đòi hỏi một cuộc cải cách giáo dục theo những mục tiêu không khó xác định: tập trung vào các kỹ năng chứ không phải vào các tri thức mang tính bách khoa.
Không chỉ riêng ở Việt Nam chúng ta mới nghe thấy những lời phàn nàn về sự xuống cấp của giáo dục, về nỗi thất vọng trước trình độ hiểu biết xã hội nói chung của thế hệ trẻ hiện nay. Nhưng có thể chứng minh cho 1 nhận định ngược lại là trình độ văiệt nam hoá của chúng ta ngày một cao hơn, số người tham gia các loại hình đào tạo ngày một đông và kiến thức xã hội của thế hệ trẻ chắc chắn không thể bị coi là thấp kém. Tại nhiều quốc gia, chẳng hạn như Pháp và Ba Lan, các cuộc điều tra nhằm chứng minh cho thành tựu của giáo dục, đào tạo và cho nhận định về sự “hậu sinh khả uý” đã được tiến hành. Nếu như ở thế kỷ 19, những cậu bế sau 12 tuổi tiếp tục học lên được coi là tinh hoa của toàn xã hội thì ngay trong thế kỷ 20,  các em nhỏ cứ đến tuổi cứ đương nhiên trở thành học sinh phổ thông, là đại diện của thế hệ mình.

Nhưng chương trình học trong hệ thống nhà trường thì ở đâu cũng bị coi là quá nặng và mang tính  chất nhồi nhét. Thế giới biến đổi nhanh chóng và sâu sắc, song nhà trường thì hình như không theo kịp với những thay đổi từng ngày như vậy.

Trong một hoàn cảnh khác, lẽ ra phải dạy cho học sinh cách suy nghĩ thì nhà trường chủ yếu vẫn dạy học sinh cách thu nhập thông tin nhằm biến cái đầu của các em thành một thứ bách khoa thư. Hàng ngàn khái niệm về các lĩnh vực khác nhau cũng được bọn trẻ nhồi vào đầu, nhưng chúng ta lại không giúp các em giải thích nguyên nhân những thay đổi trong thế giới các em đang sống. Một học sinh lớp 6 của trường phổ thông cơ sở, mặc dù được điểm tối ưu khi kiểm tra về hệ thống hô hấp, nhưng cuối cùng vẫn không hiểu thở để làm gì. Việc phân chia môn học trong các trường hiện nay vẫn mang nặng tính nệ cổ và phản ánh cách phân chia hàn lâm. Thời đại mới đòi hỏi một con người bình thường nếu muốn có một cuộc sống bình thường, phải biết kết hợp những tri thức khác nhau của nhiều lĩnh vực khác nhau. Dựa vào thực tế này, lẽ ra nhà trường trước hết phải tự hỏi xem mình nên dạy những môn gì, và để dạy được những  môn đó thì việc đào tạo giáo viên sẽ được tiến hành ra sao, nhưng mọi việc hình như diễn ra theo chiều ngược lại, nghĩa là quyết định môn học trên cơ sở đội ngũ giáo viên hiện có.

Đã qua rồi cái thời ông thầy là người duy nhất ban phát kiến thức. Thầy lên lớp, thầy nói, thầy giải thích, chứng minh còn trò chỉ có 1 nhiệm vụ là ngồi nghe. Nhưng ngày nay, muốn dạy tốt, người thầy phải bằng mọi cách hấp dẫn được học sinh, trực tiếp đối thoại, đáp ứng nhu cầu hiểu biết của chúng, chứ không chỉ là tìm mọi cách để chúng nghe cho chăm chú.

Thời đại và môi trường giáo dục thay đổi, dạy trẻ bây giờ là cả một nghệ thuật. Trước đây, bọn trẻ luôn mơ ước trở thành người lớn, cụ thể là thành những người như bố, mẹ, thầy cô giáo của mình. Giờ đây thì khác. Ngay khi ngồi trên ghế nhà trường, bọn trẻ đã có trong đầu đủ loại thông tin về thế giới quanh ta. Vì vậy chúng ngồi nghe nhưng chưa hẳn tin khi thấy bố mẹ hay một người lớn nào đang giáo dục chúng chưa bao giờ nhìn thấy tận mắt Internet, chưa biết CD-ROM hay MTV. Chúng không tin một người như thế lại có thể dẫn dắt chúng đi vào cuộc sống hiện đại.

Môi trường giáo dục bao gồm gia đình, nhà trường và xã hội, cho đến nay vẫn là một điều mong ước. Nhiều giáo viên phàn nàn là họ phải dạy học sinh những thứ lẽ ra thuộc trách nhiệm cơ bản của cha mẹ chúng. Trong thực tế, hệ thống giáo dục ở đâu cũng nhằm vươiệt nam tới ba mục tiêu song song: truyền thụ kiến thức, giáo dục cuộc sống cộng đồng và đào tạo nghề nghiệp. Nhưng không thể đối lập vai trò của gia đình với trách nhiệm của nhà trường và phân chia rành rẽ rằng gia đình dạy trẻ làm người, còn nhà trường dạy chúng kiến thức. Tuy vậy, có một thực tế không thể phủ nhận là những gì tạo nên phần không nhỏ trong tính cách và lối sống ở bọn trẻ lại nằm ngoài gia đình và nhà trường, tức là trên truyền hình và ngoài đường phố.

Giáo dục hiện nay không chỉ là nhà trường. Sau thế kỷ 19, thế kỷ cách mạng công nghiệp, là thế kỷ 20, kỷ nguyên của cách mạng tin học. Tại nhiều nơi trên hành tinh, nhờ sự hoàn hảo của các phương tiện thông tin đại chúng, ngay cả những vùng quê xa xôi hẻo lánh nhất cũng không bị tách biệt với thế giới bên ngoài. Trong một tương lai gần, khi hệ thống Internet trở thành phổ biến, các chương trình khoa học giáo dục được tăng cường, việc truyền thụ kiến thức không còn là trách nhiệm của giáo làng. Bọn trẻ có thể tiếp thu kiến thức ở khắp mọi nơi, trong thư viện, trên đường phố và nhất là qua truyền hình. Sứ mệnh của người thầy khi đó không phải là truyền thụ kiến thức nữa mà là hướng người học vào những gì cần thiết. Bởi vì muốn tích lũy kiến thức từ các chương trình truyền hình, nhất thiết phải biết cách làm, tức là biết cách lựa chọn thông tin. Và trách nhiệm này thuộc về nhà trường.

Truyền hình còn lâu mới thay thế được hệ thống nhà trường, song sự kết hợp đúng đắn giữa màn ảnh nhỏ và tấm bảng đen bao giờ cũng mang lại những lợi ích thiết thực. Kết quả các cuộc nghiên cứu được tiến hành ở Mỹ và nhiều nước khác đã khẳng định kết luận trên. Có điều là các chương trình khoa học giáo dục của truyền hình phải được nhà trường hưởng ứng bằng cách tổ chức cho học sinh xem. Tại nhiều quốc gia trên thế giới, người ta đã sử dụng khái niệm học không cần trường“. Hình thức giáo dục từ xa trở thành phổ biến ở các nước đất rộng người thưa. Sinh viên nhận tài liệu học tập, băng hình, CD-ROM bài tập. Họ liên hệ với thầy qua điện thoại hay Internet. Về mặt kinh tế, người ta đã tính được rằng đào tạo theo hình thức này tiết kiệm 2/3 chi phí so với đào tạo chính quy. Trong thời đại mà thế giới thì luôn tiến lên phía trước còn con người lại không cho phép tụt hậu, khi nhu cầu không ngừng hoàn thiện tri thức của mình chủ yếu thông qua con đường tự đào tạo “học không cần trường”  quả là một hình thức phù hợp.

Nhà trường phải đào tạo học sinh thành những người có đầy đủ năng lực đáp ứng mọi điều kiện của nền kinh tế hiện đại, biết cách thích nghi với nó trong mọi hoàn cảnh. Một người khi tốt nghiệp trường đại học nào đó phải có vốn hiểu biết nhất định và có trong hành trang của mình những năng lực cần thiết phục vụ cho một nhóm nghề nghiệp cụ thể, Ngoài ra, điều tối cần thiết là anh ta phải có năng lực không ngừng tự hoàn thiện mình. Đó cũng là lời giải đáp cho câu hỏi: một nhà trường phải như thế nào trong tương lai khi các phương tiện thông tin đang ngày càng được phát huy mạnh mẽ.

LinkedInPinterestCập nhật lúc: