Nhãn quan văn hóa của Phạm Quỳnh, qua du ký
Thời gian gần đây, một loạt tác phẩm của Phạm Quỳnh, từ Thượng Chi văn tập, Luận giải văn học và triết học, Mười ngày ở Huế, Pháp du hành trình nhật kí cho đến Tiểu luận viết bằng tiếng Pháp trong thời gian 1922 - 1932 đã “tái xuất”, đến tay độc giả. Tuy chưa phải đầy đủ, song chừng đó cũng cho thấy sự phong phú trong sự nghiệp trước tác của một học giả một thời lừng lẫy và cũng một thời từng chịu nhiều tai tiếng. Đánh giá một cách công bằng và thỏa đáng về Phạm Quỳnh, công việc đó đòi hỏi nỗ lực, thái độ công tâm và khoa học của nhiều người. Trong bài báo nhỏ này, chúng tôi chỉ phác dựng một vài nét cơ bản trong nhãn quan văn hóa của Phạm Quỳnh qua những tác phẩm du kí. Mảng sáng tác này của ông đã được tập hợp đầy đủ trong bộ Du kí Việt Nam tạp chí Nam phong 1917 - 1934, Nhà xuất bản Trẻ ấn hành năm 2007.
Phạm Quỳnh thuộc số những trí thức trưởng thành khi chế độ thực dân phong kiến do Pháp thiết lập ở Việt Nam đã khá ổn định. Trong con mắt của người đương thời, những Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Tường Tam, Nguyễn Tiến Lãng,… đích thị là những “ông Tây An Nam”. Tuy nhiên, Phạm Quỳnh vẫn giữ một lập trường riêng, khác hẳn một số người. Nghiên cứu văn nghiệp Phạm Quỳnh, nhà văn học sử Phạm Thế Ngũ lưu ý một cách đúng mực “hành trạng” của tác giả: “Giữa một xã hội náo nức duy tân, ông vẫn tự coi như di lưu của một gia đình Nho học quê mùa muốn giữ lấy nền nếp đạo đức của ông cha, cùng những đức tính chân thật, cần cù của anh đồ quê, trung thành với linh hồn của đồng quê, với tiếng gọi của xứ sở”(1). Nhưng đó mới là một mặt, ấy là mặt bảo thủ trong tư tưởng Phạm Quỳnh. Nhìn mặt khác, con người ấy hiện ra đầy đủ tư cách một nhà tân học, “có cái vốn Pháp học vững vàng, uyên bác, óc phán đoán sáng suốt của một người từng thú nhận bị chinh phục bởi bao nhiêu vẻ đẹp mĩ miều, tân tiến của nền văn minh Tây phương”(2). Hai mặt hoàn toàn trái ngược nhau, cùng tồn tại trong một con người, đã góp phần làm nên cái diện mạo tinh thần, tư tưởng, lối hành xử cũng như nhãn quan văn hóa của Phạm Quỳnh. Có thể xem Phạm Quỳnh như một người dung hòa những đối cực: cũ và mới, truyền thống và hiện đại, bảo thủ và cách tân. Trân trọng, giữ gìn những tinh hoa ngàn đời của dân tộc (mà ông gọi là quốc túy, quốc văn), nhưng cũng biết chắt lọc những giá trị văn minh Tây phương để bồi đắp, hiện đại hóa nền văn hóa nước nhà. Khát vọng đó, ông bộc lộ nhiệt thành trong những thiên tiểu luận, những bài diễn thuyết, những trang dịch thuật, du kí…
Giữa một thời đại đầy biến động, bao nhiêu yếu tố mới nảy sinh, thậm chí có những điều hoàn toàn nằm ngoài sự hình dung của người Việt lúc bấy giờ. Cái mới, cái khác bao giờ cũng có sức hấp dẫn đặc biệt. Và đó cũng là một trong những nguyên nhân tạo nên nhu cầu xê dịch của tầng lớp trí thức mới. Đi để “thay đổi thực đơn cho giác quan” như cách nói của Nguyễn Tuân. Đi để trải nghiệm, tìm tòi, khám phá những phương xa, xứ lạ. Chính những chuyến du lãm đã đẻ ra những trang du kí. Có thể thấy được phần nào chủ ý của ông chủ bút Nam Phong (cổ vũ, phát huy sự ghi chép của những người đi du lịch) khi mở ra chuyên mục riêng dành cho du kí, và ông cũng là một cây bút đóng góp bài thường xuyên. Phạm Thế Ngũ đã đánh giá xác đáng: “Phạm Quỳnh còn mở đường cho một loại văn sau này thành mốt thời ấy, là loại du kí”Những tác phẩm du kí của Phạm Quỳnh tuy chưa bao quát hết được bức tranh hiện thực của cuộc sống đương thời, nhưng đã giúp bạn đọc một cách nhìn, từ đó có những cảm nhận riêng về mỗi một miền đất mà tác giả đã đi qua. Và, dễ nhận thấy trong những trang ghi chép ấy, mọi đối tượng đều được ông quan sát, miêu tả dưới góc nhìn văn hóa. Cái ý vị riêng của du kí Phạm Quỳnh, phải chăng trước hết chính là chỗ đó?
Qua bảy bài du kí mà Phạm Quỳnh từng công bố trên Nam phong tạp chí, có thể nhận thấy tác giả đã lựa chọn địa chỉ du lịch một cách có chủ ý. Đó là chốn kinh kì - miền đất thiêng liêng trong tâm thức người Việt (Mười ngày ở Huế); là miền châu thổ mới bồi, đất đai phì nhiêu, sản vật phong phú, con người phóng túng, chân tình (Một tháng ở Nam Kì); là miền đất Phật linh thiêng (Trẩy chùa Hương); hay vùng biên giới hẻo lánh, xa xôi (Chơi Lạng Sơn, Cao Bằng),… Xa hơn nữa là nước Lào, dân cư thưa thớt, kinh tế lạc hậu; là Pa-ri, kinh đô ánh sáng của nước Pháp, trung tâm văn minh của châu Âu. Bằng sự quan sát tinh nhạy, nhận xét sắc sảo, lối ghi chép giản dị và súc tích, văn phong uyển chuyển, Phạm Quỳnh đã giúp độc giả nắm bắt rất nhanh cái “khí cốt”, cái “thần hồn” của mỗi vùng miền. Những thiên du kí của Phạm Quỳnh chẳng khác gì những “mảnh ghép”, tạo nên bức tranh nhiều màu, khá hỗn tạp và xô bồ của một xã hội Việt Nam với những thay đổi của đời sống vật chất và những rạn vỡ trong ý thức hệ. Tư tưởng Khổng Mạnh - một trong những điểm tựa tinh thần vững chãi của các thế hệ nhà nho - giờ đây đã tỏ ra thất thế trước sức mạnh của văn minh phương Tây. Nền văn hóa đầy mới mẻ ấy ùa vào, mang theo biết bao biến đổi trong đời sống thường nhật, thậm chí, đi tới những chỗ sâu kín nhất trong tâm hồn con người (nhận định của Hoài Thanh trong Thi nhân Việt Nam). Nó khiến cho một bộ phận nhà Nho rơi vào trạng thái hoài nghi, hoang mang tự vấn: “Đạo táng ngã an qui” (Nguyễn Khuyến). Vốn xuất thân từ dòng dõi Nho gia, hẳn Phạm Quỳnh cũng lây nhiễm nỗi hoang mang của thế hệ. Trong một tiểu luận viết bằng tiếng Pháp (vừa được dịch và xuất bản gần đây), Bàn về Nho giáo, ông viết: “Vậy mà nếu có một học thuyết cần phải được làm sống dậy mạnh mẽ trong thời kì bất an và hỗn loạn này, hỗn loạn trong tâm trí con người và hỗn loạn trong các thói tục, còn trầm trọng hơn nhiều so với các xáo động thoáng qua của chính trị hay các cuộc đảo lộn hời hợt của xã hội, thì đấy chính là học thuyết của bậc hiền triết cổ đại này, người duy trì trật tự vĩ đại nhất xưa nay”(3). Cho nên, ta nhận ra niềm tha thiết kín đáo qua mỗi chuyến đi để làm nên mỗi trang du kí chính là khát vọng tìm về với các giá trị truyền thống, và thấu hiểu những chuyển động của văn hóa nước nhà khi đứng giữa “giao điểm của những nền văn minh”. Ông đã đi với tâm thế của một nhà văn hóa. Đi, do vậy, không chỉ để thưởng lãm, mà là để thức nhận, thấm thía, từ đó rút ra những bài học cần thiết. Cho nên, trong những tác phẩm du kí của Phạm Quỳnh, kể và tả thì ít mà bình luận, suy ngẫm thì nhiều. Bình luận về một nghi thức chốn cung đình, bình luận về Phật giáo, Nho giáo, bình luận về chí nam nhi, về nghề làm báo, về nghệ thuật diễn kịch,… Mỗi lời bình luận đều có một điểm tựa văn hóa rất vững vàng.
Nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn đã có lí khi cho rằng, với Phạm Quỳnh, văn hóa là rất đa dạng, là gánh nặng, “thấm thía bao nhiêu mồ hôi nước mắt cả tiên tổ cha ông, lại in dấu bao vui buồn của mỗi kiếp người”(4). Cho nên, mỗi chuyến đi tới một miền đất, đồng thời với hành trình trải nghiệm của bản thân là công việc khám phá phong thổ và những nét văn hóa đặc sắc của vùng đất ấy. Chơi Lạng Sơn, Cao Bằng là để “nhiễm cái khí vị miền thượng du”, thấy được cái nghĩa lí của câu ca dao cổ: "Đồng Đăng có phố Kì Lừa / Có nàng Tô Thị có chùa Tam Thanh"; tới Nam Kì để hưởng cái nồng nàn của một miền đất mới; đi Chùa Hương để “khảo cứu cái lòng tôn giáo trong quốc dân”, hiểu thêm đời sống tâm linh của con người. Đặc biệt, chuyến đi Huế, tới miền đất kinh kì, đúng là một cuộc hành hương trở về cội nguồn thiêng liêng của cha ông, để “tinh thần được cảm cái hồn xưa của loài giống, thân thể gội cái khí thiêng của núi sông”. Đi và xem với tinh thần đó, trong những trang du kí của Phạm Quỳnh, thấp thoáng bóng dáng một nhà hiếu cổ, luận bàn, bênh vực về những giá trị truyền thống một cách say sưa. Viết về lễ tế Nam Giao, Phạm Quỳnh đã rất công phu trong việc diễn tả cái nghi thức thiêng liêng cũng như vẻ đẹp thoát tục của nó. Ông nhìn thấy ở lễ tế Nam Giao cái ý nghĩa thâm trầm, cái nét văn hóa lớn của dân tộc: “Phàm cái hình thức gì nó biểu được cái hồn xưa của Tổ quốc, dù phiền phức đến đâu cũng không nên bỏ. Bỏ một cái, bỏ mười cái là xóa mất cái hình ảnh nước nhà trong con mắt bọn hậu sinh vậy” (Mười ngày ở Huế). Trên quan điểm của một nhà nho, Phạm Quỳnh luận giải về cái hữu ích trong việc bảo tồn một nghi lễ thiêng liêng của dân tộc. Ông cho rằng: “Tế Giao là vua thay mặt con dân mà cầu trời giáng phúc cho dân; Vua Tế giao là biểu cái lòng tôn trọng với giời và biểu cái tình thân ái với dân; Giao tự cũng có quan hệ với chính trị, vì nhân đấy mà cái dây thân mật bó buộc Vua với dân, buộc người dân với nhau lại càng bền càng mạnh thêm ra”(Mười ngày ở Huế). Như vậy, Phạm Quỳnh đã nhận thấy nghi thức tế lễ kia có mối liên hệ với sự thịnh suy của non sông tiên tổ. Bằng mẫn cảm của một con người tha thiết với hồn thiêng sông núi, ông nhìn thấy cái quốc túy vẫn hằng sống qua bao hưng vong. Và, không chỉ quan sát nghi thức tế Giao bằng con mắt của một nhà hiếu cổ, Phạm Quỳnh còn thể hiện mĩ cảm của mình qua việc thưởng ngoạn cái “cảnh tượng rất đẹp, rất trang nghiêm của cái Việt Nam cổ quốc này”.Những câu văn trang nhã ghi lại lễ tế Nam Giao trong thiên du kí Mười ngày ở Huế là kết quả sự trùng phùng của nhiều nguồn cảm hứng.
Trong bài giới thiệu bộ Du kí Việt Nam - Tạp chí Nam phong 1917 - 1934, Nguyễn Hữu Sơn nhận xét: “Nhu cầu hiểu biết, khám phá, đổi thay không khí, nhu cầu xê dịch đi và xem chính là tâm trạng “nơi này yêu nơi kia”- cơ sở cội nguồn của những chuyến viễn du và hình thành nên những trang du kí (5). Đúng như vậy. Tuy nhiên, chúng tôi muốn nói thêm rằng, những trang du kí của Phạm Quỳnh còn cho thấy một nhu cầu rất bức bách, đó là muốn được chứng kiến tận mắt thực trạng đời sống văn hóa của dân tộc, muốn tìm những phương thế nhằm bảo tồn những gì tinh túy, tẩy rửa những cặn bã tồn tại trong nền văn hóa ấy. Với một tư duy ít nhiều có tính biện chứng, ông luôn luôn phát hiện ra hai mặt trong mỗi vấn đề. Đâu đó ở những trang viết của ông, bên cạnh những hoài nghi, thất vọng, thậm chí “thái độ tự tri, đôi khi tự sỉ một cách thành thật và đau đớn”(6) về trình độ dân trí nước nhà, còn có niềm cảm thông trước những cái thấp hèn, bạc nhược cũng như cái hồn nhiên mộc mạc, chân thật đến đáng thương của người dân An Nam. Trẩy Chùa Hương để tìm hiểu cái tín ngưỡng của dân gian, Phạm Quỳnh không có cái tâm thế của một ông Tây an Nam, “xem cảnh tượng lễ bái với con mắt khách quan diễu cợt của người ngoại quốc tân tiến trước một dân tộc bán khai”như Nguyễn Văn Vĩnh, nhưng không vì thế mà ông làm ngơ trước những nhếch nhác, bệ rạc của dân mình. Ông viết: “Ở những chốn thành thị phồn hoa, thời sự lễ bái đã nghiễm nhiên thành một cách hối lộ vô ngần; người ta đối với thần thánh chẳng khác gì lũ dân ngu xử với bọn quan tham, tưởng cứ lễ lót nhiều là được ơn huệ to”(Trẩy Chùa Hương). Khi về với đời sống dân gian, về với những người mà ông cho là thật thà mộc mạc, gần cái bản tính thiên nhiên, ông vẫn cảm thấy chua xót trước những hủ tục bày ra trước mắt. Đó là cảnh tượng hỗn tạp của người dân nơi cửa Phật, là lòng tin một cách mù quáng. Ông than thở: “Ôi cái lòng tín ngưỡng của người mình phát biểu ra một cách thật là thô bỉ sỗ sàng thay” (Trẩy Chùa Hương). Tuy nhiên, bằng cái nhãn quan văn hóa sắc sảo, Phạm Quỳnh vẫn nhận ra đằng sau việc cúng bái, cầu nguyện, đằng sau bức tranh lễ chùa hỗn tạp ấy là một đời sống tâm linh phong phú của người dân, là niềm tin bất di bất dịch vào một đấng tối cao cứu khổ cứu nạn cho đời. Theo ông, căn nguyên của sự sùng kính là ở cái đau khổ chung của cả loài người, “người ta có cực mới phải cầu, cầu mà đỡ cực thời chẳng phải là một sự hay ru?”(Trẩy Chùa Hương). Phạm Quỳnh đã truy nguyên cái gọi là tâm lý lễ bái, khảo cứu cái nguồn gốc tôn giáo trong hoạt động tinh thần của con người. Ông cho rằng, những hủ tục lạc hậu hay những tục mê tín dị đoan, buôn thần bán thánh tồn tại là bởi Phật giáo “ở đây không có thành giáo hội, không có thể thống, không có cơ quan gì”.Là người xem trọng nho học, song Phạm Quỳnh vẫn khách quan nhận ra rằng chính cái chủ nghĩa độc tôn nho giáo trong suốt thời kì lịch sử đã bó buộc con người trong những quy phạm, chuyên chế, hạn chế quyền tự do tín ngưỡng: “đối với Phật giáo Lão giáo thường nhất khái xem là tà thuyết, coi là những chuyện hoang đường quái đản” (Trẩy chùa Hương). Cho nên, “lòng tôn giáo không thịnh, các giáo hội không có, mới sinh ra vô số những sự thờ cúng lễ bái vô nghĩa lý, lắm khi hại cho phong tục luân thường”(Trẩy Chùa Hương). Ta nhận thấy trong chiều sâu suy tưởng của Phạm Quỳnh, nỗi đau đáu chân thành của một người tự thấy mình không thể trút bỏ trách nhiệm đối với cuộc đời.
Qua những trang du kí của Phạm Quỳnh, có thể hiểu thêm, một trong những nguyên nhân khiến một thời ông phải chịu sự phê phán nặng nề chính là thái độ của ông đối với thực dân Pháp và văn hóa Pháp. Những từ ngữ như “nước mẹ Pháp” xuất hiện không ít lần trong những trang viết của ông. Ông cũng nhiệt thành ca ngợi công khai hóa của Pháp đối với thuộc địa. Những chuyến đi đã giúp ông chủ bút Nam phong tạp chí có một cái nhìn bao quát về bức tranh hiện thực của xã hội Việt Nam đầu thế kỉ, từ đó, có điều kiện đối sánh, nhận ra sự khác biệt giữa văn hóa Pháp và văn hóa Việt Nam. Cho nên, nói về cuộc tiếp xúc giữa Việt Nam với phương Tây, ông nghiêng hẳn về phía khẳng định công lao khai hóa của Pháp. Chính điều này gây ra những phản ứng tức thời và gay gắt trong các sĩ phu yêu nước chống Pháp thời đó, và hệ quả kéo theo là sự đánh giá rất khắt khe của giới nghiên cứu suốt mấy thập kỉ qua về con người và di sản Phạm Quỳnh. Giờ đây, với độ lùi của thời gian, với sự bình tĩnh trong nhìn nhận những vấn đề lịch sử, có thể thấy một số quan điểm của Phạm Quỳnh là khả thủ. Quả thực, nếu không có ngọn gió phương Tây tràn tới, không biết quá trình hiện đại hóa nền văn hóa Việt Nam sẽ diễn ra thế nào. Về tác dụng tích cực của công cuộc Âu hóa, Vương Trí Nhàn cũng khẳng định: tuy Việt Nam đã làm "một cuộc thay máu hoàn toàn dưới ảnh hưởng của nền văn hóa Pháp, nhưng nền văn hóa Việt Nam nửa đầu thế kỉ vẫn đẻ ra được những đứa con bụ bẫm, như nền tiểu thuyết hiện đại, phong trào Thơ mới"(7). Bởi, có một quy luật tất yếu không một quốc gia nào tránh khỏi, đó là “lịch sử mọi nền văn hóa không chỉ là sự phát triển tự thân của nó mà còn là lịch sử của mối quan hệ giữa nó với các nền văn hóa khác”(8) . Cho nên, những chuyến viễn du, đặc biệt là những chuyến du lịch ra ngoài biên giới của Tổ quốc đã khiến Phạm Quỳnh luôn đối sánh giữa văn hóa Việt Nam và văn hóa phương Tây. Từ giáo dục, học thuật, ngôn ngữ, mĩ thuật, kịch nghệ, cho đến tôn giáo…, tất cả đều hiện lên những tương phản gay gắt. Chẳng hạn, về sự học, ông không khỏi chua xót vì sự khác biệt giữa Tây và ta. “Nhìn nét mặt các người sinh viên đó như có cái hào quang của sự học, trong lòng cảm phục cái chí cao của kẻ thanh niên nước Pháp, mà lại bùi ngùi cho cái công học hành dở dang của mình. Than ôi, mình không phải là không có cái lửa nhiệt thành về sự học nhưng mà sinh trưởng vào giữa buổi thanh hoàng, học không ra gì cả, Nho đã chẳng ra Nho, mà Tây cũng chẳng thành Tây… Dở dang, dở dang, thôi mình đã đành là một con người dở dang, - mà cả nước mình cũng là một nước dở dang”(Pháp du hành trình nhật kí). Bàn về trí thức, rường cột của nước nhà, ông thấm thía rằng: “Nhân nghĩ “nhà nho” Tây họ cũng có khác nhà nho mình: họ lanh lợi, hoạt bát, sắc sảo, khôn ngoan, biết đem cái cổ học mà điểm vào cuộc đời nay cho có phong vị nghĩa lý chứ không phải làm nô lệ cổ nhân; họ là “thông nho” không phải là “tục nho”, “hủ nho”. Nước ta bây giờ đương phải cần có những nhà nho như thế” (Pháp du hành trình nhật kí).
Với cái nhìn đối sánh triệt để, Phạm Quỳnh không khỏi có lúc rơi vào cực đoan. Chẳng hạn, bàn về nghệ thuật kịch, do đề cao kịch nói của phương Tây, ông đã hạ thấp kịch hát của nước nhà - một loại hình sân khấu vốn có những đặc sắc riêng: “Diễn kịch ta không phải là diễn theo nghĩa Tây. Diễn kịch ta chỉ là múa và hát mà thôi, người xem cũng chỉ chủ coi cái dáng múa, nghe cái điệu hát mà thôi, không ai chú ý đến cái kịch là cái phần hành động trong bài tuồng. Đến như tuồng Tây thì thuần là kịch cả… còn như nghề hát, nghề múa lại là hai nghề riêng, không lẫn với nghề diễn kịch… Ôi cái tư tưởng hàm hồ của người nước Nam nó phát hiện cả ra lời ăn tiếng nói; bao giờ phá tan được cái màn sương mờ ám nó bao bọc cái trí não người mình” (Một tháng ở Nam Kì). May sao, nhìn trên đại thể, sự so sánh đó không dẫn ông tới chỗ đề cao thái quá văn hóa ngoại bang và phủ nhận những giá trị truyền thống của nước nhà. Phạm Quỳnh có cái mặc cảm tự tôn rất đặc trưng của một nhà nho. Nói đúng ra, trong con người ông có sự đan xen những yếu tố đối nghịch: vừa có cái tự ti của một nhà nho nước Việt, lại phần nào ngấm ngầm tự hào về cái chất nhà nho của cha ông trong bản thân mình. Diễn thuyết ở đất khách quê người, Phạm Quỳnh vẫn vận khăn đóng, áo the ra dáng một anh đồ nho: “Gặp những cơ hội như lúc này mà nỡ bỏ quốc phục đeo tây phục, thì cũng tủi cái áo cái khăn anh đồ quá; thôi thì cứ mặc An Nam, cho dẫu đi ngoài phố thiên hạ chỉ trỏ nữa cũng chẳng hề gì” (Pháp du hành trình nhật kí). Trên đất người, ông vẫn lớn tiếng bênh vực tiếng An Nam, khẳng định rằng tiếng An Nam không phải là hèn mạt gì, cũng có cơ tiến hóa được.Trên tinh thần đó, ông phát hiện những mặt hạn chế của nền văn hóa phương Tây: “Duy cái văn minh Tây phương nó phồn tạp quá, các “phương diện” nhiều quá, muốn bao quát cho được hết mà thu gồm lấy cái toàn thể, toàn bức thật là khó lắm… Hiện nay thời nó làm vạ cho người đời cũng đã nhiều; vẫn biết rằng không phải tại nó, tại người đời hiểu nhầm mà thôi, nhưng cớ chi nó can thiệp đến người đời làm chi, mà làm cho lôi thôi đa sự như thế”(Pháp du hành trình nhật kí).
Từ những điều mắt thấy, tai nghe, từ sự đối sánh thường xuyên như một thao tác quen thuộc của nhận thức, Phạm Quỳnh hiểu rằng, nền văn hóa dân tộc không thể không thay đổi. Nhưng thay đổi bằng cách nào?
Trước hết, theo Phạm Quỳnh, hiện đại hóa phải gắn liền với quá trình bảo tồn những giá trị truyền thống quý báu của dân tộc. Hiện đại hóa không phải là du nhập ồ ạt những gì nền văn hóa ngoại bang có sẵn, mà biết tiếp thu chọn lọc những cái cần cho sự hưng thịnh của dân trí nước nhà, phù hợp với hiện trạng của một quốc gia có bề dày lịch sử. Với nhận thức như vậy, ông biết rằng, phổ biến tiếng Pháp cho người Việt là rất cần thiết, nhưng phải thực hiện một cách khoa học: “Nếu dân Việt Nam là một dân mới có, chưa có nền nếp, chưa có lịch sử gì thì quý quốc cứ việc hóa theo Tây cả, dạy cho học chữ Tây hết cả, đồng hóa được đến đâu hay đến đó. Nhưng ngặt thay, dân Việt Nam không phải là một tờ giấy trắng muốn vẽ gì vào cũng được; tức là một tập giấy đã có chữ sẵn từ đời nào đến giờ rồi. Nếu bây giờ viết lên thì e thành giấy lộn mất” (Pháp du hành trình nhật kí). Thật là một thái độ có trách nhiệm với đất nước, quê hương. Cũng từ những đề xuất trên, có thể thấy một đặc điểm rất rõ nét ở Phạm Quỳnh: tâm lí dung hòa. Dung hòa, theo ông là sự cứu vãn duy nhất cho nền văn hóa nước nhà, vừa đảm bảo không đồng hóa, lại vừa có cơ tiến bộ.
Đúng như một số người nhận xét, Phạm Quỳnh mang dáng dấp một nhà văn hóa, một học giả hơn là nhà văn. Viết văn, ghi chép những chuyến đi, ông không chọn lối văn thiên về cảm giác, tả những cảnh lạ, người lạ, chuyện lạ vốn là ưu thế của thể du kí. Trong văn ông, bề bộn những khảo luận, bàn bạc, suy tư. Chính lối viết này cho phép ông bộc lộ rõ nhất tầm tư tưởng, vốn tri thức và nhãn quan văn hóa của mình. Dĩ nhiên, muốn thâu tóm những vấn đề lớn lao ấy của học giả, kí giả, nhà văn hóa Phạm Quỳnh, cần tìm hiểu toàn diện trước tác mà ông để lại. Bởi vậy, những gì chúng tôi đề cập trên đây mới chỉ là vài khía cạnh của một vấn đề lớn. Hi vọng có dịp trở lại vấn đề này với phạm vi khảo sát rộng hơn.
Chú thích
(1) Phạm Thế Ngũ, Việt Nam văn học sử giản ước tân biên, tập 3, Văn học hiện đại 1862 – 1945, Nxb Đồng Tháp 1997, tr.153.
(2) Sách trên, tr.154.
(3) Phạm Quỳnh, Tiểu luận viết bằng tiếng Pháp trong thời gian 1922 - 1932, Nxb Tri thức 2007, tr.172.
(4) Vương Trí Nhàn, Vai trò của trí thức trong quá trình tiếp nhận văn hóa phương Tây ở Việt Nam đầu thế kỉ XX, Tạp chí Nghiên cứu văn học số 7 (401), tháng 7/2005, tr. 51.
(5)Du kí Việt Nam Tạp chí Nam phong 1917 - 1934, 3 tập, bài giới thiệu của Hữu Sơn, Nxb Trẻ 2007, tr.11.
(6) Phạm Thế Ngũ, Việt Nam văn học sử giản ước tân biên, tập 3, Văn học hiện đại 1862 – 1945, Nxb Đồng Tháp 1997, tr.154.
(7), (8) Vương Trí Nhàn, Vai trò của trí thức trong quá trình tiếp nhận văn hóa phương Tây ở Việt Nam đầu thế kỉ XX, Tạp chí Nghiên cứu văn học số 7 (401), tháng 7/2005, tr. 56.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí ThànhVề tật xấu của người Việt: Tre Việt Nam trong thế kỷ 21
09/05/2008Phong Doanh