Những bộ mặt của tham nhũng
I. Định nghĩa tham nhũng
Mặc dù "tham nhũng" là thuật ngữ được sử dụng rất nhiều và tham nhũng là vấn đề đau đầu của mọi quốc gia, ở mọi thời đại, cho đến nay người ta vẫn chưa có một định nghĩa thống nhất cho nó. Lý do là tham nhũng được tiếp cận từ nhiều quan điểm khác nhau, từ kinh tế, đạo đức, tôn giáo đến chính trị, xã hội và giai cấp, và các quan điểm này lại mang nặng dấu ấn lịch sử và cá nhân.
Công ước chống tham nhũng củaLiên hợp quốc (UN Convention Against Corruption), kết quả của nhiều nỗ lực đàm phán, không đưa ra một định nghĩa rõ ràng và đồng thuận, mà chỉ có một số điều khoản mô tả các loại tham nhũng khác nhau.
Theo World Bank, tham nhũng là sự "lạm dụng quyền lực công cộng nhằm lợi ích cá nhân" ("the abuse of public power for private benefit"). Đây là một định nghĩa khá "mở". Tuy nhiên, trên thực tế, định nghĩa này được diễn giải khá hẹp, thậm chí ngay chính trong các tài liệu của World Bank. Theo cách diễn giải đó, nó không bao gồm hành vi tham nhũng trong các công ty tư nhân và cũng bỏ sót hành vi tham nhũng trong đó lợi ích lại được dành cho một bên thứ ba, có thể là cá nhân, tổ chức hay thậm chí là một quốc gia.
Hội đồng châu Âu (The Council of Europe), trong Công ước 1999, tại điều 2, định nghĩa: "Tham nhũng là hành vi đòi hỏi, đề nghị, đưa hoặc nhận hối lộ hoặc một lợi ích khác hoặc hứa hẹn hối lộ hoặc lợi ích khác, trực tiếp hoặc gián tiếp, làm sai lệch sự thực hiện đúng đắn của bất kỳ chức trách hoặc hành vi theo nghĩa vụ nào của người nhận hối lộ, lợi ích khác hoặc hứa hẹn hối lộ và lợi ích khác đó"[1].
Định nghĩa này, theo tôi, lại có một nhược điểm khác. Trên thực tế, sự lạm dụng quyền lực công cộng nhằm mục đích cá nhân và làm sai lệch chức năng của các tổ chức, công cộng cũng như tư nhân, có thể diễn ra mà không hề có hành vi "đòi hỏi, đề nghị, đưa hoặc nhận hối lộ hoặc một lợi ích khác hoặc hứa hẹn hối lộ hoặc lợi ích khác".
Quan niệm về tham nhũng của Hội đồng Châu Âu thậm chí còn hẹp hơn quan niệm của các nhà làm luật Việt Nam. Bộ luật hình sự của nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, chẳng hạn, ở các điều 278-284, Mục A, Các tội về tham nhũng, liệt kê các tội: Tham ô tài sản; Nhận hối lộ; Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Lạm quyền trong khi thi hành công vụ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi; Giả mạo trong công tác.
Trên thực tế, đôi khi tham nhũng được hiểu thuần tuý theo khía cạnh pháp luật, như là hành vi kiếm lời trái phép. Tuy nhiên, trong một số thể chế, bản thân pháp luật đã không phải là sự thể hiện ý chí xã hội, mà chỉ là sản phẩm của một hay một nhóm người vì những mục đích khác nhau. Vì thế, bản thân luật có thể cũng đã là kết quả tham nhũng, không thể dùng làm tiêu chí để xác đinh tham nhũng được.
Để có một quan niệm đầy đủ về tham nhũng, cố gắng của một cá nhân hay một tổ chức là quá nhỏ bé. Tuy nhiên, sự so sánh, xem xét vấn đề dưới nhiều góc độ và quan điểm khác nhau chắc chắn sẽ bổ ích và giúp đi đến một định nghĩa đầy đủ và chính xác.
Với suy nghĩ như thế, sau khi nghiên cứu các định nghĩa nêu trên, và nhiều định nghĩa khác nữa mà tôi không có điều kiện liệt kê hết, tôi thấy chúng ta có thể sử dụng định nghĩa của World Bank với điều kiện mở rộng cách hiểu các thuật ngữ như "lạm dụng", "quyền lực", "công cộng", "lợi ích", và "cá nhân".
- "Quyền lực":bao gồm không chỉ quyền lực chính trị mà cả các quyền lực kinh tế, văn hoá, tôn giáo, công nghệ...
- "Công cộng":không chỉ có nghĩa "thuộc về nhà nước" hay "thuộc về xã hội" mà ở mọi cộng đồng người với quy mô và hình thức khác nhau: từ các tập thể, các tổ chức xã hội, các công ty, đến các quốc gia...
- "Lạm dụng": Mỗi cá nhân được cộng đồng giao một quyền lực nào đó đều có quyền và nghĩa vụ hành động, đồng thời được hưởng những lợi ích trong khuôn khổ nào đó. Sự lạm dụng có thể diễn ra trong hai trường hợp: hành động vượt ra ngoài khuôn khổ cho phép, hoặc thu lợi nhiều hơn mức được hưởng.
- "Lợi ích":dưới mọi hình thức, về vật chất cũng như về tinh thần.
- "Cá nhân":một hoặc một nhóm các cá nhân.
Những điểm trình bày trên đây cho phép chúng ta diễn giải định nghĩa tham nhũng của World Bank như sau: Tham nhũng là hành vi của một hay một nhóm người, sử dụng các quyền lực của cộng đồng, ở mọi quy mô, bất kể trong lĩnh vực đời sống kinh tế, chính trị, hành chính hay đời sống tinh thần, để chiếm các giá trị vật chất và tinh thần nhiều hơn những gì họ xứng đáng được hưởng.
█II. Tham nhũng hợp pháp và tham những phi pháp
Với một định quan niệm về tham nhũng như trên, chúng ta thấy rằng, trái với cách nghĩ thông thường, tham nhũng không phải khi nào cũng phi pháp. Còn hơn thế nữa, so với tham nhũng phi pháp, hình thức tham nhũng hợp pháp thậm chí còn phổ biến hơn và gây tác hại nặng nề hơn. Nhưng tham nhũng hợp pháp ít bị lên án, bởi lẽ khi thì nó được bảo trợ bởi nhà nước, tôn giáo và ý thức hệ, khi thì nó ẩn náu dưới lớp vỏ văn hoá và truyền thống dân tộc, kết quả là nhiều khi nó được nhìn nhận nhưng một cái gì đó tự nhiên hoặc đương nhiên.
Nếu xem lại lịch sử văn minh nhân loại, ta sẽ thấy rằng sự hình thành xã hội loài người cũng đồng nghĩa với sự xuất hiện các giai cấp và những quy định khác nhau có nhiệm vụ bảo vệ những ưu tiên về quyền lợi cho một nhóm người và ít nhiều làm tổn hại đến lợi ích của một nhóm người khác. Chẳng hạn, nó đảm bảo cho chủ nô có quyền sống bằng lao động của nô lệ, đảm bảo cho địa chủ sống bằng lao động của nông dân, hoặc đảm bảo cho ông vua có quyền chiếm đoạt tất cả mọi tài sản quốc gia, được định đoạt cuộc sống của mọi thần dân, thậm chí coi vợ của tất cả những người đàn ông khác là vợ mình. Trong một xã hội văn minh chúng ta thấy rằng tất cả những điều ấy thật vô lý, nhưng tất cả những đặc quyền đặc lợi đó đều là sự thật, đều đã tồn tại và ngay cả hôm nay vẫn chưa biến mất hoàn toàn trên trái đất. Vì lẽ gì mà những cá nhân đó được hưởng những đặc quyền đó? Về bản chất, đó là sự sử dụng quyền lực công cộng để chiếm đoạt các giá trị vật chất và tinh thần của xã hội, sự chiếm đoạt mà nhờ có nhưng luật lệ thích hợp đã trở thành chính đáng!
Chế độ gia trưởng là sự tham nhũng hợp pháp trong gia đình, hình ảnh thu nhỏ của sự tham nhũng hợp pháp trong một quốc gia. Trong gia đình, người đàn ông giống như một ông vua. Ông ta có quyền sinh quyền sát đối với vợ, con và thậm chí cả với mẹ. Ở rất nhiều nơi, thậm chí đến tận ngày nay, phụ nữ bị coi là nô lệ, là đồ trang súc hay tiêu khiển. Con cái đến tuổi lập gia đình được người ta đem mặc cả như những món hàng. Nhiều nước có tục chôn sống vợ theo chồng khi chồng chết. Ở Nigeria, ngay trước thềm cuộc thi hoa hậu thế giới 2002, hình phạt ném đá đến chết mà người ta áp dụng với những người đàn bà ngoại tình khiến cả thế giới phẫn nộ và cuối cùng ban tổ chức phải chuyển địa điểm đến London.
Như vậy, có thể nói, sự ra đời của pháp luật cũng là sự ra đời của một cơ chế bảo lãnh cho tham nhũng. Tất nhiên, pháp luật không chỉ có chức năng bảo trợ tham nhũng. Để duy trì một xã hội, con người luôn luôn cần có những thoả thuận, những khế ước xã hội, để định hướng hành vi của các cá nhân. Pháp luật có thể là những thoả thuận như thế. Tuy nhiên, vì pháp luật là ý chí của kẻ mạnh, nói như Socrates - hay nói cách khác, là ý chí của giai cấp thống trị, nói như Marx - nó luôn luôn dành ưu tiên cho việc bảo vệ hành vi chiếm đoạt của những kẻ nắm quyền lực. Trong những xã hội, vốn luôn luôn bị nhào nặn lâu dài theo ý muốn của những kẻ nắm quyền lực, các khuynh hướng chính trị và kinh tế, các tiêu chuẩn đạo đức và thậm mỹ, và thậm chí cả các ham muốn tưởng chừng cá nhân như ham muốn tình dục cũng ít nhiều biểu hiện của các quan hệ xã hội, vì thế luật pháp không chỉ bảo trợ cho tham nhũng mà về thực chất, chính việc làm luật đã là hành vi tham nhũng.
Bên cạnh tham nhũng hợp pháp, bao giờ cũng có tham nhũng bất hợp pháp. Đó là hành vi của các cá nhân lợi dụng quyền lực của mình trong bộ máy nhà nước để thu lợi trái với quy định của pháp luật, nói cách khác, đó là những tội được liệt kê trong các bộ luật hình sự. Những hành vi tham nhũng như thế luôn luôn là đối tượng của sự chỉ trích, phê phán, hay thậm chí căm phẫn. Tuy vậy, nếu so sánh một các tỉnh táo, chúng ta sẽ thấy rằng trong lịch sử phát triển của nhân loại thực ra tham nhũng hợp pháp vượt xa tham nhũng bất hợp pháp về quy mô và tác hại. Hành vi đòi hối lộ của của một viên quan đầu tỉnh dưới thời phong kiến, chẳng hạn, thực ra chỉ là con gà con vịt ông ta đòi người dân bổ sung thêm vào những nhà cửa ruộng vườn và vô số đặc quyền khác mà luật pháp quy định cho ông ta được hưởng.
Như vậy, trái với lập luận của Platon, rằng pháp luật ra đời là để chống lại các thói xấu của con người, trên thực tế, pháp luật ra đời chủ yếu là để bảo trợ tham nhũng, vốn có nguồn gốc là lòng tham, một thói xấu. Mặc dù sau hàng ngàn năm lịch sử phát triển, pháp luật đã có nhiều thay đổi về chất, cho đến tận ngày nay, vai trò bảo trợ tham nhũng của pháp luật vẫn còn tồn tại trong tất cả các hệ thống pháp luật của tất cả các quốc gia, tuy ở mức độ khác nhau.
Tham nhũng còn được sự bảo trợ của đạo đức. Sự bất bình đẳng nam nữ, m à tôi xin gọi là tham nhũng giới tính, chẳng hạn, là một thứ tham nhũng hợp pháp không chỉ từng được coi là phù hợp, còn được biến thành những nguyên lý đạo đức xã hội. Sự đề cao Tam tòng Tứ đức như là những tiêu chuẩn luân lý của phụ nữ ở các nước Viễn Đông theo Khổng Giáo thực chất là đạo đức hoá sự thống trị của nam giới đối với nữ giới, điều này dựa trên việc lợi dụng những quyền lực của nam giới trong một xã hội phụ quyền mang tính văn hoá và lịch sử. Tình trạng này tồn tại một cách phổ biến và lâu dài đến nỗi ở hầu hết các nước trên thế giới, cho đến đầu thế kỷ XX, việc phụ nữ không được tham gia phần lớn các hoạt động xã hội không khiến ai ngạc nhiên. Ngay cả ở Hoa Kỳ, phải đến năm 1919 quyền bầu cử của phụ nữ mới được Quốc hội công nhận bằng việc thông qua Tu chính số 19 của Hiến pháp Liên bang[2]. Bà Lady Borton, một nhà văn Hoa Kỳ, trong một bài trả lời phỏng vấn trên truyền hình Việt Nam, nhận xét rằng bản Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà là rất tiến bộ so với bản Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ khi trong đoạn trích dẫn, chủ tịch Hồ Chí Minh dịch từ "All men" thành "Mọi người", bởi lẽ trong văn bản nổi tiếng của Jefferson, "All men" chỉ có nghĩa là "Tất cả đàn ông", mà thực ra cũng chỉ là đàn ông da trắng.
Tham nhũng còn được bảo trợ bởi tôn giáo và các hệ tư tưởng. Công việc của chúng ta không phải là lên án hay đơn thuần là nhắc lại những luật lệ nghiêm ngặt ở châu Á phong kiến, ở châu Âu trung cổ dưới bóng Nhà thờ hay ở những quốc gia theo Hồi giáo cực đoan. Ở đây chúng tôi chỉ muốn nói rằng các tôn giáo, các ý thức hệ, trong khi rao giảng về việc tu thân tích thiện, đồng thời cũng thiết lập những quy tắc ràng buộc con người, bắt họ phải chấp nhận sự bất công, và hơn nữa, biến sự chấp nhận ấy thành tự giác, hay thậm chí là giá trị đạo đức. Cần lưu ý rằng lịch sử từng chứng kiến nhiều trường hợp tôn giáo và ý thức hệ liên kết với quyền lực chính trị, hay thậm chí đồng nhất với quyền lực chính trị, trở thành một bộ máy toàn năng. Thực chất, bộ máy đó có nhiệm vụ hợp thức hoá những hành vi tham nhũng của những kẻ có quyền lực dưới hình thức của đủ loại đặc quyền đặc lợi.
III. Tham nhũng vật chất và tham nhũng tinh thần
Đối tượng tham nhũng không phải chỉ là các giá trị vật chất mà cả các giá trị tinh thần. Điều này cũng không phải điều gì mới mẻ, tuy rằng ít khi người ta ý thức về nó, hoặc mới chỉ ý thức một cách phiến diện. Và tham nhũng tinh thần cũng không phải chỉ là "spiritual corruption" theo nghĩa của Nhà thờ. Nó rộng lớn hơn nhiều, thế tục hơn nhiều và cũng tinh vi hơn nhiều.
Tham nhũng tinh thần diễn ra thường xuyên và dễ nhận thấy trong lĩnh vực chính trị. Chẳng hạn, các nhà lãnh đạo Trung Quốc gần đây bắt đầu nói nhiều đến khái niệm "tham nhũng quyền lực", một khái niệm để mô tả hiện tượng các quan chức chính phủ lạm dụng công quyền để mở rộng hoặc duy trì quyền lực cá nhân trong bộ máy nhà nước. Thực ra cái mới ở đây chỉ thuần tuý về mặt thái độ: lần đầu tiên các nhà lãnh đạo Trung Quốc nói thẳng về những căn bệnh trong bộ máy nhà nước của họ. "Tham nhũng quyền lực" không phải là hiện tượng mới được phát hiện. Lịch sử nhân loại chẳng thiếu gì ví dụ về những bạo chúa mà cả sự chuyên quyền trọn đời của ông ta lẫn nỗi thống khổ của người dân đều hoàn toàn hợp pháp. Chúng ta cũng thiếu gì ví dụ về sự cha truyền con nối hợp pháp, như cha con họ Tưởng ở Đài Loan, như cha con họ Kim ở Bắc Hàn... Nhưng những ví dụ ấy rõ ràng chẳng thấm vào đâu so với các vương triều phong kiến. Một ví dụ đặc sắc là Nhật Bản, đất nước mà trong toàn bộ lịch sử của mình chỉ có một dòng họ duy nhất giữ ngôi hoàng đế. Hiện tượng sử dụng quyền lực công cộng dưới mọi hình thức, để thâu tóm và duy trì địa vị xã hội của mình và thân nhân mình bất chấp tài năng và nhân cách có phải là tham nhũng hay không?
Tham nhũng tinh thần cũng dễ nhận thấy ở lĩnh vực nghệ thuật. Chẳng hạn, chúng ta có thể coi là tham nhũng hành vi của một cá nhân lợi dụng những ưu thế xã hội để được hưởng lợi ích về vật chất hoặc tinh thần nhiều hơn những gì mà ông ta xứng đáng được hưởng nhờ tài năng và cống hiến thực của mình. Những ưu thế này có được bằng nhiều cách khác nhau, nhưng phổ biến nhất là dựa vào chính quyền. Vì thế, thời nào cũng có những nghệ sĩ phục vụ chính quyền và những nghệ sĩ độc lập. Xin lưu ý rằng, những nghệ sĩ phục vụ chính quyền không phải bao giờ cũng bất tài, và nghệ sĩ tự do không phải bao giờ cũng là những nghệ sĩ chân chính. Hơn nữa, chính quyền cũng khác nhau, cũng không bất biến và sẽ chỉ trở thành phản tiến bộ khi nó không còn đáp ứng được các đòi hỏi của cuộc sống. Nhưng đó là một đề tài khác. Ở đây, chúng tôi chỉ muốn nói rằng hành vi tham nhũng chỉ xảy ra khi một hay một số cá nhân sử dụng những ưu thế xã hội như địa vị, uy tín... để cố tình đánh giá sai lầm hoặc đánh lạc hướng xã hội về những giá trị khác, nhằm nâng cao hoặc duy trì một cách bất hợp lý địa vị và uy tín của mình. Việc lợi dụng ưu thế để truyền bá và duy trì quá lâu trong dân chúng những thước đo thẩm mỹ đã lỗi thời, việc tôn vinh những sản phẩm giả văn hoá, việc thóa mạ những tìm tòi nghệ thuật đích thực... nếu không phải vì ngu dốt, mà vì vụ lợi, thì đích thực là một thứ tham nhũng.
Nhưng tham nhũng trong đời sống trong lĩnh vực chính trị và nghệ thuật không thể sánh được với tham nhũng trong đời sống tư tưởng, thể hiện ở việc áp đặt các tín điều cho dân chúng. Điều này tôi đã có dịp bàn trong bài "Giáo dục, trí thức và nửa chặng đường còn lại", ở đây chỉ xin nói thêm răng trong toàn bộ lịch sử nhân loại, chưa bao giờ người dân có quyền tự do suy nghĩ. Các nhà nước khác nhau trong lịch sử có khi hoà nhập, có khi tách khỏi các tôn giáo và hệ tư tưởng, nhưng bao giờ cũng sử dụng chúng như những công cụ để áp đặt những tín điều có lợi cho sự cai trị của mình: Khổng giáo, Phật giáo, Thiên Chúa giáo đều từng được chọn, ở những thời điểm khác nhau, làm quốc giáo tại các nước Viễn Đông hay ở châu Âu; thời Chiến tranh lạnh, mâu thuẫn ý thức hệ đã chia đôi thế giới; còn đạo Hồi cực đoan thậm chí luôn hướng tới một thể chế, một nhà nước đạo Hồi rộng lớn. Thế rồi, nhân danh các tín điều người ta tiến hành các cuộc Thập tự chinh, phát động chiến tranh và tổ chức khủng bố - những hiện tượng lặp đi lặp lại hàng ngàn lần trong lịch sử và vẫn còn đang tiếp tục lặp lại.
Tất nhiên, việc lựa chọn các tôn giáo hay các hệ tư tưởng để tin theo không có gì là đáng trách. Điều đáng nói ở đây là cách thức người ta sử dụng để áp đặt chúng cho người dân. Có thể nói, ban đầu, do những đặc điểm tiến bộ của chúng, các tôn giáo hoặc hệ tư tưởng được lựa chọn như là công cụ lý luận hoặc tinh thần của một cộng đồng nào đó nhằm thiết lập một hình mẫu xã hội. Khi một hình mẫu được thiết lập xong, các tôn giáo hoặc hệ tư tưởng trở thành nền tảng tinh thần của xã hội. Các chính thể sẽ huy động toàn bộ các nguồn lực được để củng cố vị trí độc tôn của thứ công cụ ấy. Một nền giáo dục rộng khắp được mở ra để củng cố vị trí độc tôn ấy trong đầu óc con người từ tuổi nhỏ. Một loạt các ưu đãi về vật chất và tinh thần được thiết lập để khuyến khích người dân tiếp nhận và thấm nhuần các tín điều. Một hệ thống các giá trị đạo đức và thẩm mỹ được hình thành dựa trên các tín điều ấy.
Sự áp đặt các tín điều thường có vai trò tích cực trong một thời gian nhất định, nhưng dần dần sẽ làm nghèo và bóp méo đời sống tinh thần của nhân loại. Kết quả là các sự kiện và hiện tượng trong đời sống xã hội thường bị nhìn nhận phiến diện và đầy định kiến, có lợi cho những kẻ tham nhũng. Các hiện tượng tham nhũng cũng bị nhìn nhận một cách phiến diện như thế: người ta chỉ lên án những hành vi tham nhũng bất hợp pháp mà không biết hoặc không đánh giá được mức độ trầm trọng và tính chất vô liêm sỉ hơn nhiều của tham nhũng hợp pháp. Trong xã hội nào cũng hình thành một tầng lớp trí thức đông đảo suy nghĩ trên nền tảng các tín điều. Họ, với tư cách là tầng lớp tinh hoa của xã hội, đóng vai trò người truyền bá và cũng là chất xúc tác cho sự phổ biến và củng cố các tín điều trong đời sống xã hội. Đến một lúc nào đó, các tín điều - trong khi ngày càng trở nên lạc hậu với đời sống - sẽ thấm sâu vào phần lớn dân chúng, biến các chính thể thành con tin của nó. Bây giờ, thay vì sử dụng các tôn giáo hay hệ tư tưởng làm công cụ cai trị, các chính thể trở thành công cụ của các tôn giáo và hệ tư tưởng để duy trì sự thống trị của nó trong đời sống tinh thần.
Thật ra thì không phải không có nhà chính trị nào nhận thức được điều đó. Nhưng họ bất lực, bởi lẽ chính thể của họ được xây dựng trên nền tảng những giáo điều đó, thứ nền tảng bây giờ được gìn giữ bởi chính các lực lượng xã hội, với hệ thống các giá trị đạo đức, thẩm mỹ, kinh tế... mà họ xây dựng nên.
Vậy là khi áp đặt các tín điều - ta hãy học cách Marx nói về giai cấp tư sản - các chính thể đồng thời cũng xây dựng nhà tù cho chính nó. Nhà tù đó chỉ có thể bị phá vỡ bởi một hệ tư tưởng hay tôn giáo khác, được áp đặt bởi các cuộc cách mạng, bởi bạo lực hay những lý do lịch sử cụ thể khác.
█IV. Những quy mô cộng đồng của tham nhũng
Tham nhũng cá nhân thường dễ nhận thấy và cũng thường bị lên án nhất. Nhưng, như trên đã nói, cả tham nhũng vật chất và tham nhũng tinh thần, dưới hình thức hợp pháp hay phi pháp, đều có thể ở tất cả các quy mô cộng đồng: gia đình, tập thể, giới tính, giai cấp, chủng tộc, quốc gia hay một nhóm các quốc gia - điều này đã diễn ra trong quá khứ và vẫn không hề giảm bớt trong thế giới hiện đại.
Tham nhũng giới tính thể hiện tập trung ở xã hội phụ quyền đã được chúng ta nghiên cứu ở phần trên; tham nhũng giai cấp, đặc biệt trong chủ nghĩa tư bản, đã bị Marx và những người ủng hộ ông lên án mạnh mẽ thông qua khái niệm bóc lột; tham nhũng sắc tộc với hiện thân là chủng nghĩa phân biệt chủng tộc đang được thanh toán trên phạm vi toàn cầu. Dưới đây, chúng ta hãy thử khảo sát tham nhũng cấp độ diện quốc tế: tham nhũng giữa các quốc gia và nhóm quốc gia.
Tham nhũng quốc tế, nếu ta áp dụng cách hiểu định nghĩa của World Bank như đã nói ở trên, là hành vi của một hay một nhóm các quốc gia, sử dụng các quyền lực của cộng đồng quốc tế, ở mọi quy mô, bất kể trong lĩnh vực đời sống kinh tế, chính trị, hành chính hay đời sống tinh thần, để chiếm các giá trị vật chất và tinh thần nhiều hơn những gì họ xứng đáng được hưởng.
Cũng giống như tham nhũng nói chung, tham nhũng quốc tế là một hiện tượng muôn thửa, mặc dù có quy mô và tính chất khác nhau ở mỗi thời đại lịch sử, dưới tác động của những nhân tố kinh tế-chính trị -xã hội khác nhau. Những hình thức phổ biến nhất trong quá khứ là là Chủ nghĩa đế quốc và Chủ nghĩa thực dân. Trong cả hai hình thức này, sự bất bình đẳng về cả vật chất lẫn tinh thần được tạo nên nhờ một trật tự thế giới, cũng tức là một cơ chế quyền lực quốc tế mà các quốc gia yếu bắt buộc phải chấp nhận, để đảm bảo quyền lợi cho một hay một vài trung tâm. Trong phần lớn trường hợp, nếu như những quyền lợi ấy bị đe dọa, chiến tranh được coi là một biện pháp trừng phạt hữu hiệu. Những ví dụ cho thực tế này nhiều đến mức không cần thiết phải đưa ra, nhưng tôi cũng xin dẫn sự cống nạp của các nước chư hầu với Trung Quốc và sự bóc lột thuộc địa mà hàng chục quốc gia châu Á, châu Phi và châu Mỹ từng nếm trải.
Người ta có thể phản bác rằng chủ nghĩa đế quốc dựa trên sức mạnh, cái được tạo ra từ những thành tựu tri thức, đặc biệt là công nghệ và trình độ tổ chức xã hội, vì thế không có sự lạm dụng quyền lực và không thể coi là tham nhũng. Nhưng nếu xem xét thật kỹ vấn đề, chúng ta thấy không phải vậy. Những thành tựu về tri thức nói chung, về công nghệ và trình độ quản lý xã hội nói riêng, không phải một sớm một chiều mà có được. Bất kỳ thành tựu tri thức nào cũng bao hàm trong nó tinh hoa trí tuệ của nhân loại từ hàng ngàn năm trước. Vì thế, tri thức cần phải hiểu là một thứ quyền lực, thậm chí là thứ quyền lực quan trọng nhất: quyền lực tri thức. Do luôn luôn kết tinh trong nó các trí thức của cộng đồng, từ bản chất của nó, quyền lực tri thức đã là một quyền lực công công, và việc quyền lực công công này nằm trong sự kiểm soát của một trung tâm này hay trung tâm khác là do nhiều yếu tố khác nhau. Trong lịch sử, chúng ta đã được chứng kiến nhiều lần sự thay đổi trung tâm như thế. Việc lạm dụng thứ quyền lực tri thức để chiếm đoạt các lợi ích về vật chất và tinh thần, không nghi ngờ gì nữa, là một thứ tham nhũng. Những lý lẽ lấy trình độ công nghệ và quản lý xã hội để bào chữa cho thứ tham nhũng này thật ra chỉ là một thứ tàn dư của những xã hội dã man, trong đó cá lớn có thể nuốt cá bé mà không hề phải ăn năn về tính hợp lý của nó. Người ta đã dùng thứ lý lẽ ấy để bào chữa cho chế độ nô lệ, cho nạn phân biệt chủng tộc, cho tình trạng bất bình đẳng giới tính, cho sự bóc lột giai cấp (một sự thật hiển nhiên nhưng từ khi phe xã hội chủ nghĩa sụp đổ dường như đang bị các nhà nghiên cứu a dua coi như một khái niệm giả tạo).
Thế kỷ XX chứng kiến sự sụp đổ của những đế quốc hùng mạnh và hệ thống thuộc địa thế giới. Nhưng cả chủ nghĩa đế quốc lẫn chủ nghĩa thực dân đều không chết. Chúng chỉ chuyển hoá thành dạng khác, và sự tham nhũng quốc tế vẫn tiếp tục tồn tại. Luật pháp quốc tế, trong nhiều trường hợp, chỉ là cách thức để các cường quốc áp đặt ý chí của mình lên các nước nhỏ. Chẳng hạn, biết bình luận thế nào khác được về chuyện Hoa Kỳ - nước duy nhất đã từng có (hai) lần dùng vũ khí nguyên tử để sát hạt hàng trăm ngàn thường dân vô tội - có thể tiến hành hàng ngàn vụ nổ hạt nhân mà hoàn toàn hợp pháp, trong khi Ấn Độ và Pakistan mới tiến hành vài vụ nổ hạt nhân đã lập tức bị trừng phạt, còn Iraq thì thậm chí bị tấn công bằng vũ lực một cách ồ ạt chỉ vì "có khả năng sản xuất vũ khí giết người hàng loạt" - theo lời của tổng thống Bush trong một cuộc điều trần. Biết bình luận thế nào khác trước sự phân biệt đối xử của Hoa Kỳ với Palestine và Israel?
Chúng ta hãy thử so sánh việc Hoa Kỳ sử dụng bom nguyên tử hủy diệt hai thành phố của Nhật năm 1945 với việc Al Qaeda tấn công World Trade Center ở New York ngày 11 tháng 9 năm 2001. Những điểm giống nhau: đều là những tội ác giết người hàng loạt chống lại dân thường, đều là những kế hoạch được tính toán kỹ, đều được thực hiện bằng máy bay, ở một nước xa xôi. Những điểm khác nhau nhiều hơn: về quy mô, Al Qaeda phá hủy hai tòa nhà, giết ba ngàn người, trong khi Hoa Kỳ phá hủy hai thành phố giết hàng trăm ngàn người và khiến hàng trăm ngàn người khác tàn phế hoặc bị bệnh tật và đau đớn hành hạ suốt đời; về tiềm lực kẻ tấn công, Hoa Kỳ là cường quốc đứng đầu thế giới, còn Al Qaeda chỉ là một tổ chức phi pháp với tiềm lực kinh tế hạn chế, bị cả thế giới săn đuổi; về cách thức tấn công: Al Qaeda dùng hình thức tấn công cảm tử, kẻ tấn công dùng chính cuộc sống của mình và chiếc máy bay cướp được làm vũ khí, còn trong cuộc tấn công của Hoa Kỳ, phi công ném bom từ trên cao rồi ung dung trở về bình an vô sự; nhưng có lẽ khác biệt lớn nhất là số phận của những kẻ chủ mưu: Bin Laden cùng đồng bọn bị cả loài người có lương tri nguyền rủa. Dù sớm hay muộn chúng cũng sẽ bị tóm cổ và đưa ra tòa xét xử, còn Truman trước sau vẫn vô tội, trước sau vẫn là tổng thống Mỹ! Về quả bom nguyên tử thứ nhất, ném xuống Hiroshima, tôi có thể lý giải. Nhưng sau khi hàng trăm ngàn người dân vô tội bị giết hại thảm khốc mà vẫn có quả bom thứ hai cho Nagasaki sau đó thì thú thật tôi chịu không tài nào hiểu được.
Liên Hợp Quốc là một ví dụ khác. Vấn đề nằm ngay trong chính cấu trúc của nó. Sự tồn tại của Hội đồng bảo an với năm nước thành viên thường trực có quyền phủ quyết, chẳng hạn, là một sự bất hợp lý rất lớn có nguồn gốc từ sau chiến tranh Thế giới lần thứ hai mà ai cũng có thể nhìn thấy. Trong năm nước này có Pháp và Anh, với dân số chưa tới sáu mươi triệu và kinh tế từ lâu đã tụt lại sau cả Đức, trong khi đó lại không có Ấn Độ, quốc gia lớn thứ hai thế giới với hơn một tỷ dân, và Nhật Bản, nước có dân số 127 triệu và nền kinh tế đứng thứ hai thế giới.
Tuy nhiên, sự bất lực và mâu thuẫn của Liên Hợp Quốc còn đáng nói hơn nhiều. Từ nhiều năm nay, nó vật lộn để chống lại sự thao túng của Hoa Kỳ, nhưng đồng thời cũng vật lộn để giữ nguồn tài chính do Hoa Kỳ cung cấp, nghĩa là để được Hoa Kỳ thao túng! Chính phủ Hoa Kỳ dĩ nhiên không thể không biết điều đó. Vì thế, người ta đã quyết định qua mặt Liên Hợp Quốc. Người ta đã làm như vậy khi rút ra khỏi UNESCO. Người ta đã làm như vậy khi ném bom Nam Tư. Và người ta đã làm như vậy khi tấn công Iraq.
Cuối cùng, có lẽ cũng cần phải nhắc đến các khuôn khổ luật pháp quốc tế về môi trường. Thật trớ trêu, Hoa Kỳ, quốc gia giàu có nhất, có tiềm năng công nghệ lớn nhất và nhất là đốt nhiều ô xy nhất trên thế giới, đã không chịu ký công ước Tokyo. Hoa Kỳ không ký cũng có nghĩa là thất bại. Nhưng người ta có quyền ký hoặc không ký, nhất là khi người ta mạnh. Khi mạnh người ta có thể thải khí độc và bắt hàng xóm phải thở hít thứ khí độc mà người ta thải vào khí quyển chung.
Việc chống tham nhũng giữa các quốc gia trở nên khó khăn hơn kể từ khi chiến tranh lạnh kết thúc và trên thế giới chỉ còn lại một siêu cường duy nhất. Trật tự thế giới hiện đại hậu thuẫn cho tham nhũng. Giống như các thể chế độc tài tạo điều kiện cho tham nhũng ở các quốc gia, thế giới đơn cực hậu thuẫn cho tham nhũng quốc tế. Vì thế, chống tham nhũng, dù ở quy mô gia đình, công ty, quốc gia hay quốc tế, đều đồng nghĩa với việc đảm bảo để mọi thành viên gia đình, xã hội, và đời sống quốc tế đều có quyền phát biểu và được lắng nghe.
Chống tham nhũng, vì thế, không thể chỉ là những hoạt động riêng lẻ mang tính chất đối phó. Nó phải bắt đầu từ một sự thay đổi sâu sắc về quan niệm bình đẳng xã hội, về vai trò của nhà nước và về quan hệ quốc tế. Chống tham nhũng, dù trong một công ty, trong một quốc gia hay trên thế giới, suy cho cùng, chính là dân chủ hóa.
[1]Article 2 – Definition of corruption. For the purpose of this Convention, "corruption" means requesting, offering, giving or accepting, directly or indirectly, a bribe or any other undue advantage or prospect thereof, which distorts the proper performance of any duty or behaviour required of the recipient of the bribe, the undue advantage or the prospect thereof.”http://conventions.coe.int/Treaty/en/Treaties/Html/174.htm
[2]Quyền đi bầu cử quốc hội của phụ nữ được chấp nhận ở New Zealand năm 1893, Australia - 1902, Phần Lan - 1906, Na Uy - 1907, Đan Mạch - 1915, Anh - 1918, Ba Lan - 1918, Canada - 1918, Đức - 1919, Hà Lan - 1919, Úc - 1920, Pháp - 1945. Theo Hữu Ngọc, Hồ sơ văn hóa Mỹ, Thế Giới, Hà Nội, 1995, tr. 504.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc Hiếu“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngCơ hội thứ tư - toàn cầu hóa
18/04/2004Nguyễn Trần BạtThấy gì qua lối sống sinh viên thời nay?
21/10/2003Trương HiệuBa yếu tố làm nên thành công của doanh nhân
29/07/2005Nguyễn Trần Bạt