Những lời tâm sự
>> Cùng một tác phẩm
- Một vấn đề ngôn ngữ học
- Cuộc tiến hóa của tiếng nước Nam
- Tâm lý ngày Tết
- Vấn đề phương Đông và phương Tây
- Tinh thần bất ổn
- Chủ nghĩa dân tộc
- Phương Đông và phương Tây
- Một nền văn hóa dân tộc
- Cải cách trí tuệ và luân lý
- Bài học của tổ tiên
Một hôm tôi nhận được những lời tâm sự của một người bạn trẻ. Quả rất bi thảm. Chúng bộc lộ sự rối loạn của một tâm hồn hoàn toàn hoang mang không còn tìm thấy các chuẩn mực cho cuộc sống của mình và buông mình như một cái xác mặc cho dòng nước cuốn trôi. Chúng rất tiêu biểu cho trạng thái bất ổn của phần đông giới trí thức tinh hoa của đất nước này.
Bởi anh bạn của tôi, không thể nghi ngờ gì nữa, là một người thuộc giới tinh hoa. Anh ta đã học rất tốt ở Pháp và đã ở đấy nhiều năm. Vốn xuất thân từ một gia đình ưu tú, anh đã được hưởng một nền giáo dục tuyệt hảo. Anh chẳng hề giống chút nào với kiểu anh chàng trí thức sa đoạ, do đã lang thang vài ba năm trên các vỉa hè Paris, tưởng mình đã tiếp thu được nền văn minh Phương Tây và trở về nước với một lòng khinh bỉ sâu sắc đồng bào của mình, lúc nào cũng sẵn sàng xem thường đức hiền minh lâu đời của cha ông.
Trái lại, đây là một con người điềm tĩnh và chín chắn, hoàn toàn cân bằng, hoàn thành một cách đầy đủ các trách nhiệm của mình. Nhìn bên ngoài, đó là một con người hạnh phúc. Anh giấu dưới vẻ hồn nhiên và hoài nghi của mình những căn nguyên âm thầm khiến anh đau đớn. Anh đã bộc lộ chúng cùng tôi trong một cuộc tâm sự thống thiết.
“Các ngài thường than thở rằng các ngài, lớp người hơn chúng tôi mười lăm hay hai mươi tuổi, là một thế hệ bị hy sinh. Còn chúng tôi thì sao? Có phải chúng tôi là thế hệ được ưu đãi, đã được uống tận nguồn nền khoa học Phương Tây, có thể tự coi mình là nhân tố chính của cuộc đổi mới và hiện đại hoá đất nước?
Chính chúng tôi cũng tin điều đó. Nhưng kinh nghiệm và thực tế đã khiến chúng tôi thất vọng. Để tác động đến một xã hội đang trong đà chuyển biến và tự mình giúp vào cuộc chuyển biến đó, thì phải được gắn liền với xã hội đó bằng những mối quan hệ trí tuệ và tâm hồn sâu sắc nhất. Nói cách khác, để mong tạo được một tác động đến đồng bào của mình, thì phải đồng cảm được với họ trên một lý tưởng sống và tư duy nhất định bắt rễ sâu xa ngay trong nền móng của quốc gia. Vậy mà nền giáo dục ngoại quốc của chúng tôi đã khiến chúng tôi hoàn toàn cách biệt với đất nước và nòi giống mình.
Tôi hổ thẹn mà thú nhận rằng đối với đồng bào của mình, tôi không còn cảm thấy mối đồng cảm dân tộc và nòi giống vốn gắn bó một con người với những người khác cùng chủng tộc với mình. Tôi thấy mình là một thứ người xa lạ ngay trên đất nước mình, chẳng hề có chút đồng cảm nào về tư tưởng và tình cảm đối với phần đông những người đồng chủng của mình.
Phạm Quỳnh - hiệu Thượng Chi, bút danh: Hoa Đường, Hồng Nhân - là một nhà văn hóa, nhà báo, nhà văn và quan đại thần triều Nguyễn (Việt Nam). Ông là người đi tiên phong trong việc quảng bá chữ Quốc ngữ và dùng tiếng Việt - thay vì chữ Nho hay tiếng Pháp - để viết lý luận, nghiên cứu. Ông chủ trương chiến đấu bất bạo động nhưng không khoan nhượng cho chủ quyền độc lập, tự trị của Việt Nam, cho việc khôi phục quyền hành của Triều đình Huế trên cả ba kỳ (Bắc, Trung, Nam), chống lại sự bảo hộ của Pháp và kiên trì chủ trương chủ nghĩa quốc gia với thuyết Quân chủ lập hiến. Các tác phẩm chính: - Thượng Chi văn tập (5 tập) (Bộ Quốc gia giáo dục, Sài Gòn, 1962) >> Trang tác giả: Phạm Quỳnh |
Ngay cả đối những người thân của mình, đôi lúc tôi cũng thấy xa lạ, rất xa lạ, nếu không phải là về tâm hồn, thì cũng là về trí tuệ. Tôi không phải là một đứa con bất hiếu và biến chất. Tôi hết sức biết ơn bố mẹ đã hy sinh rất nhiều để cho tôi có được nền học vấn mà tôi đã bắt đầu không còn thấy rất tự hào nữa khi tôi nhận ra nó đã đưa tôi đi đến đâu. Tôi yêu quý và kính trọng họ, nhưng tôi không còn có cùng những suy nghĩ và tình cảm giống họ; tôi không suy luận và cảm nhận giống họ; tôi thấy mình khác họ, chính tôi, giọt máu sinh ra của họ!
Thật kinh khủng khi nói ra điều này, nhưng đôi khi tôi tránh trò chuyện với bố tôi, bàn luận với ông về một số điều e sẽ xúc phạm những niềm tin sâu xa nhất của ông.
Nếu toàn bộ cuộc sống tinh thần của tôi đã khiến tôi xa cách với những người thân của mình như vậy, thì nó càng không thể làm cho tôi gần gũi được với các đồng bào của tôi, ngay cả những người thuộc thế hệ tôi và được đào tạo như tôi. Bởi, để cộng cảm được với nhau, cần phải cùng có một số nguyên tắc chung nào đó, một lý tưởng chung. Vậy mà giữa chúng tôi chẳng hề có được điều đó. Có thể giữa chúng tôi chỉ có một nỗi đau chung. Nhưng đấy là một sự cộng cảm tiêu cực khiến cho tâm hồn cay đắng chứ không làm cho nó mạnh mẽ lên.
Thoạt đầu dường như tấm gương của đôi người trong số những người chỉ tuổi hơn chúng tôi một ít có thể là hình mẫu và hướng dẫn cho chúng tôi. Nhưng xin lỗi cho tôi được nói thật, thế hệ ngay sát trước chúng tôi, tức là thế hệ của ngài, nhìn chung tạo một ấn tượng chông chênh, bấp bênh, và tôi dám nói là bất lực và không nhất quán.
Tôi sẽ nghiêm khắc, thậm chí có thể bất công, tôi đã tự hứa với mình là sẽ thẳng thắn và tôi sẽ nói to lên những gì chúng tôi vẫn nghĩ thầm:
Các ngài, lớp đàn anh của chúng tôi, các ngài đã làm gì trong suốt hai mươi năm qua? Lẽ ra các ngài phải là những người mở đầu, vậy mà các ngài chỉ giỏi lợi dụng. Các ngài nịnh bợ cái chế độ đã tạo cho các ngài danh vọng và lợi lộc. Đi đâu các ngài cũng ca vang bài ca dai dẳng về tình bạn và hợp tác mà có thể chính các ngài cũng chẳng hề tin. Các ngài không dám nói thẳng với những người lãnh đạo chúng ta những gì chúng ta đang đau khổ. Các ngài không đủ dũng khí, và cũng chẳng đủ sự thành thật. Vậy nên chúng tôi không hề tin tưởng các ngài. Và giữa chúng tôi với nhau, những vấn đề cá nhân và lợi ích lại còn chia rẽ chúng tôi. Những tranh chấp nhỏ nhen và ganh ghét cá nhân đối lập chúng tôi với nhau. Và trong các bàn cãi của chúng tôi lúc nào cũng có một cái gì đấy không trong sạch nó làm hỏng các ý tưởng lành mạnh và đúng đắn nhất.
Lợi ích duy nhất chúng tôi có được từ nền giáo dục nước ngoài, là một ít đầu óc phê phán mà chúng tôi đem ra thực hiện đối với tất cả mọi thứ ở quanh mình, nhất là đối với lớp đàn anh lẽ ra phải là những người mở đường và dắt dẫn chúng tôi.
Và bị tách biệt với mọi thứ và mọi người như vậy, không thích ứng được với một xã hội và một chế độ mà chúng tôi chẳng hề có gì là chung với mình cả, chúng tôi là những người ngoại quốc ngay trên đất nước của mình, sống qua ngày, chẳng nhiệt tình và cũng chẳng chút cao quý nào, tự thấy xấu hổ và không bằng lòng về mọi sự quanh mình.
Đối với riêng tôi, nếu tôi không có bố mẹ già, tôi sẽ bỏ đất nước này mà đi, tôi sẽ sang Pháp, sang Châu Âu, đến một nơi nào đó ở đấy tôi sẽ là người xa lạ ở một đất nước xa lạ. Tôi nghĩ có thể như vậy tôi sẽ hạnh phúc hơn ở đây. Tôi đi tìm cơ hội cho tôi trên khắp thế giới mênh mông này, như một kẻ lang thang vô tổ quốc. Tôi sẽ sống mãnh liệt, một cách hiểm nguy, như Nietzsche từng dạy, và niềm hứng khởi ấy sẽ khiến tôi tự quên mất mình đi.
Dẫu sao, tôi cũng độc thân, và tôi sẽ luôn độc thân. Tôi không đủ can đảm lập một tổ ấm, bởi rồi tôi sẽ dạy dỗ các con tôi theo một nền giáo dục nào đây, trong khi chính tôi cũng không biết hướng cuộc đời mình theo những nguyên tắc nào?..”
Tôi đã buồn rầu lắng nghe những lời tâm sự sầu não ấy. Và khi người bạn trẻ của tôi lên án những lớp đàn anh, tôi đã “chịu trận” phần mình trong những lời trách móc kịch liệt và có phần đúng của anh. Càng nói anh càng hăng lên, và con người hằng ngày rất dịu dàng và hiền lành ấy trở nên nồng cháy càng tỏ cho ta thấy rõ anh đang đau khổ dường nào. Nghe anh nói ta nhận ra tất cả nỗi bi tráng trong tình trạng không thể thích ứng được với ngay đời sống của đất nước và nòi giống mình ở một lớp trẻ hăng hái và thanh cao.
Khi anh đã có hơi nguôi, đến lượt mình tôi đã cố gắng góp lời:
- Tôi hiểu căn bệnh của anh. Đấy là một căn bệnh có thể nói là lãng mạn. Đấy là “căn bệnh thế kỷ”. Những người trí thức Pháp hồi những năm 1830 đã từng biết đến căn bệnh này; đến lượt mình những người trí thức hồi năm 1930 cũng từng biết đến nó, càng thêm nặng bởi vì được đào tạo bằng một nền giáo dục ngoại bang, không có những mối liên hệ sâu sắc với môi trường và nòi giống, càng ngày họ càng “mất gốc”, theo cách nói của Maurice Barrès. Và căn bệnh chúng ta mắc, nhà văn lớn của nước Pháp đã biết và miêu tả một cách cặn kẽ, bởi đó là một khủng hoảng gần như định kỳ luôn kèm theo các thời kỳ sa sút trong đời sống tinh thần của một dân tộc (ở Pháp đấy là thế hệ sau năm 1870).
Banès nói: “Tôi khoan khoái buông mình vào một nỗi u sầu cằn cỗi. Coi khinh tất cả, ham muốn tất cả. Cơn chán ngán toàn thể, kiểu mặc xác hết thảy, là hành động cuối cùng của chúng tôi. Tôi mệt mỏi, mệt mỏi chẳng còn muốn nỗ lực nào hết. Ôi, ai có thể làm cho tôi có được ham muốn đây!”.
Và nữa: “Tôi cảm thấy mình vô dụng, chẳng còn có chút động lực nào hết. Tôi sợ ngày mai; tôi sẽ có cách gì làm cho nó sống động lên được không? Tất cả năng lượng của tôi tiêu tan hết như chỉ còn ba giọt xăng trên lòng bàn tay”.
Như vậy là căn bệnh nhân cách và ý chí ấy, người ta đã gặp nó không phải chỉ ở đây, và ai cũng từng biết đến nó vào một lúc nào đó. Ở đây nó có kèm theo những hoàn cảnh địa phương khiến nó càng thêm nặng, chủ yếu là các nhược điểm của một hệ thống giáo dục bị áp đặt sai, nhưng về cơ bản đây cũng đúng là căn bệnh những người Pháp trẻ tuổi từng gặp sau năm 1870 và chính Banès đã miêu tả rất giỏi.
Chỉ ra căn bệnh, đồng thời ông cũng chỉ rõ phương thuốc: chống lại tình trạng mất gốc, ông dùng phương thuốc có thể gọi là cắm rễ, cắm rễ vào nền đất đã sinh ra ta và nòi giống khắc sâu dấu ấn lên ta. Hãy nghe vị thầy thuốc chữa trị tâm hồn Phương Tây, người thầy của năng lượng Pháp ấy:
“Cây người chỉ mọc khoẻ và cho hoa kết quả tốt khi nó ở trong những điều kiện đã hình thành và nuôi dưỡng nòi giống của nó qua nhiều thế kỷ...
“Mỗi một hành vi của chúng ta phủ nhận đất đai và các bậc tiền bối của chúng ta nhấn chìm chúng ta vào một cuộc nói dối làm cằn cỗi chúng ta đi...
“Hãy chấp nhận các điều kiện của chúng ta, đấy là cái xương sống. Khi có được cái đó rồi, chúng ta có thể sáng tạo cuộc sống của chúng ta... Đi ra khỏi mảnh đất của cha ông chúng ta không phải là những người mất gốc. Dẫu ta có đi đến đâu và lao mình vào những môi trường hung dữ nhất, chúng ta vẫn sẽ được hưởng những điều học được từ trong huyết quản của cha ông ngay từ khi chúng ta còn chưa sinh ra đời và trong khi các vị vẫn nhìn về chúng ta...”.
Chấp nhận những điều kiện của mình, đấy chính là phương thuốc chữa căn bệnh của chúng ta. Phương thuốc ấy tốt nhất, công hiệu nhất; chúng tôi đã từng thử nghiệm, nhờ nó chúng tôi đã tìm lại được sự bình tâm và sự cân bằng trong đầu óc.
Anh có thấy không: ở đời, quan trọng nhất là biết quyết định. Và bởi vì chúng ta không thể là gì khác với chính mình, vậy thì hãy mạnh mẽ quyết định là chính mình. Là người nước Nam, chúng ta đã được sinh ra là người nước Nam, chúng ta tất phải sống và... chết là người nước Nam. Đừng mơ tưởng thành ai khác; đừng tìm cách tự phủ nhận chính mình. Được sinh ra từ phù sa của châu thổ Bắc Kỳ, chúng ta phải biết yêu mến mảnh đất này đã sinh ra ta và các bậc tổ tiên đã phú cho ta linh hồn của chúng ta.
Vậy nên hãy chấp nhận các điều kiện của mình, như Banès đã khuyên; đấy là chọn lựa khôn ngoan nhất. Và khi chúng ta đã quyết định rõ ràng như vậy, chúng ta có thể “sáng tạo cuộc sống của chúng ta”, nghĩa là, trong hoàn cảnh nhất định, hiện đại hoá nó lên để thích ứng với những điều kiện của xã hội hiện nay. Công cuộc hiện đại hoá ấy chỉ có thể thực hiện trong điều kiện đó hay với cái giá đó.
Nhưng để được là chính mình, thì phải biết tự nhận ra được mình. Nền giáo dục, như chúng ta đang có đây, có giúp chúng ta nhận ra được mình, hay ngược lại, chỉ khiến chúng ta thêm xa rời đất nước và nòi giống mình? Đấy là một vấn đề nghiêm trọng mà những người lãnh đạo chúng ta phải giải quyết. Không phải không từng có những khuyến cáo. Và những lời tâm sự cảm động của anh, bạn thân mến, sẽ mang đến cho họ một bằng chứng mới về tầm nghiêm trọng đặc biệt của vấn đề này.
Còn về sự phán xét của anh đối với lớp đàn anh, có thể là hơi quá nghiêm khắc. Nhưng tôi không tìm cách bàn cãi. Tuy nhiên tôi nghĩ là chúng tôi đã cố gắng hết sức mình.
Nếu quả thật chúng tôi đã thất bại trong nhiệm vụ của chúng tôi xin hãy khoan dung với chúng tôi, bởi chính chúng tôi, chúng tôi cũng từng trải qua cuộc khủng hoảng như các anh, và chúng tôi vượt qua được chúng cũng mới chẳng bao lâu. Hãy khoan dung, và cố gắng làm tốt nhất, nếu anh có thể. Nhưng cần nhớ rằng tất cả những gì anh làm mà đi đến kết quả phủ nhận mảnh đất này sẽ là một sự xảo quyệt và lừa lọc, nó sẽ “nhấn chìm anh vào một vụ nói dối sẽ làm anh khô cằn đi”...
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015Bài học cuộc sống từ "Vua hề Sác-lô"
07/12/2015Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên Cẩn