''Phải tiến hành cuộc cách mạng giáo dục''
''Nền giáo dục của chúng ta đang thực sự xuống cấp'', ''phải nhìn những tiêu cực trong giáo dục hiện nay như là một khối u nguy hiểm để triệt bỏ tận gốc''; ''đã đến lúc phải tiến hành cuộc cách mạng giáo dục''... Đó là những ý kiến thẳng thắn của các giáo sư trong buổi làm việc lấy ý kiến về dự thảo đề án ''Triển khai, thực hiện cuộc vận động toàn dân xây dựng - cả nước trở thành một xã hội học tập'', do Trung ương Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tổ chức hôm qua (4/9/2003).
Việc tổ chức lấy ý kiến dự thảo này được thực hiện theo chủ trương và đề án của Chính phủ. Nội dung đề án nêu rõ: Cuộc vận động xây dựng xã hội học tập được tiến hành theo tinh thần xã hội hoá để tạo nên sự đổi mới căn bản về nội dung, phương pháp và hệ thống giáo dục, nhằm mở rộng quy mô đào tạo, nâng cao chất lượng và hiệu quả học tập. Dự thảo đã đề ra 5 nhiệm vụ cho các bộ, ban ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội và các cơ quan thông tấn, báo chí trong việc tuyên truyền, đẩy mạnh phong trào xây dựng xã hội học tập, tập trung đầu tư kinh phí cho các trường học vùng sâu, vùng xa, phát triển tổ chức khuyến học đến từng vùng cơ sở; phát triển và duy trì các trung tâm học tập cộng đồng...
''Nền giáo dục của chúng ta đang khủng hoảng!''
Nền giáo dục ta đang khủng hoảng, đang xuống cấp... những nhận định đó không còn quá bất ngờ đối với bất cứ ai, nhưng việc các giáo sư mạnh dạn nêu ra những suy nghĩ trên trong buổi họp đã biến những cái còn ''chung chung'' trong dự thảo đề án thành những vấn đề cụ thể.
Theo GS. Phạm Khiêm Ích, chính sách ''Toàn dân xây dựng cả nước trở thành một xã hội học tập'' là một quốc sách quan trọng, đáp ứng được nhu cầu tất yếu của một xã hội hiện đại - đó là nhu cầu phải nâng cao trình độ dân trí cho tất cả thành phần, tầng lớp nhân dân. Việc thực hiện chính sách toàn dân học tập rất có ý nghĩa đối với hoạt động xây dựng khối đại đoàn kết của Mặt trận Tổ quốc, bởi ''một xã hội dốt thì không thể đoàn kết được''. Khẳng định như vậy, nhưng theo GS, nền giáo dục Việt Nam hiện nay còn quá nhiều ''nghịch lý''.
Cụ thể, GS nói: ''việc dạy và học thêm chính là bằng chứng tố cáo sự xuống cấp của nền giáo dục. Điều sỉ nhục nhất hiện nay là xã hội ta đã trở thành một xã hội khát khao bằng cấp, để rồi xuất hiện hiện tượng đẫy rẫy bằng tiến sĩ, phó tiến sĩ rởm như một chuyện tiếu lâm, khôi hài..., gây tác hại nghiêm trọng đến thế hệ trẻ hôm nay''.
Người ta đã ''mượn'' sự học để tư lợi, ''Nếu ở cấp tiểu học nhiều người đứng trên bục giảng đã lợi dụng việc dạy thêm để kiếm tiền thì ở đại học, có những người thầy, người cô... bán điểm để lấy tiền'' - GS. Hoàng Xuân Sính (Hiệu trưởng trường ĐHDL Thăng Long) lại phát biểu như vậy.
Theo GS. Sính: ''Môi trường đào tạo phổ thông và đại học của chúng ta ngày càng xấu đi, học sinh, sinh viên không có được một môi trường đào tạo lành mạnh''. Bà Sính cho rằng: Trong khi đó, trẻ em ngày càng phải học nhiều hơn (có những đứa trẻ học tới 3 lần: học trên lớp, học thêm do cô giáo tổ chức dạy và thuê gia sư riêng...); sinh viên đại học thì phần đông đều thành thạo việc mua điểm, mua luận văn, mua bằng...; những người đứng trên bục giảng đại học thì cố gắng ''sắm'' cho mình những tấm bằng thạc sĩ, tiến sĩ rởm...
''Phải thấy được nền giáo dục của chúng ta đang như thế nào, phát triển tới đâu thì mới triển khai được chính sách toàn dân học tập này'' - GS. Hoàng Xuân Sính khẳng định.
Làm gì để ''toàn dân học tập''?
Nếu như sau những ngày Cách mạng tháng 8 thành công (1945), toàn dân tham gia học tập để xoá mù chữ theo lời dặn của Bác: ''Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu'', thì trong thời buổi ''ai cũng được học hành'' hiện nay, việc ''học'' đã được hiểu ở một mức cao hơn trước.
Theo TS. Phạm Khiêm Ích thì: ''Học là để biết, để làm, và để tồn tại, để chung sống với xã hội. Điều cần học bây giờ đó là tri thức hiện đại - là sự kết tinh của tri thức hiện đại trong nước và quốc tế''. Vấn đề đặt ra là làm sao để mỗi người dân tham gia học tập một cách tự nguyện và nhận thức được ''thiếu học'' là thiệt thòi cho chính bản thân mình thì Việt Nam mới đạt được một ''xã hội học tập''.
Để làm được điều này, trước tiên theo bà Sính: ''Phải nhìn nhận những tiêu cực trong nền giáo dục Việt Nam như những ung nhọt nguy hiểm đang hoành hành, ảnh hưởng rất xấu đến trẻ em và thanh niên và triệt bỏ được nó thì chúng ta mới triển khai được chính sách toàn dân học tập''.
Theo GS. Vũ Tuyên Hoàng (Chủ tịch Hội Việt - Nhật): ''Để thực hiện chính sách Toàn dân xây dựng cả nước trở thành một xã hội học tập thì trước hết phải cho người dân thấy việc học tập là xuất phát từ lợi ích kinh tế của họ''. Còn theo GS. Đoàn Trung Đôn, phải xác định được người dân sẽ học ở đâu, cụ thể, GS cho rằng đó là 5 môi trường: học trên đường phố, học trên phương tiện thông tin đại chúng, học bằng phát huy sở thích cá nhân, học qua giáo dục phổ cập và sau cùng mới là học bằng hệ thống giáo dục chính thống - môi trường tiêu biểu cho trí thức của quốc gia.
''Cần phải củng cố, khắc phục nhược điểm, tăng cường hệ thống giáo dục quốc dân hiện nay đồng thời phát triển mô hình trung tâm học cộng đồng ở địa phương...'' - GS. Phan Đình Diệu có ý kiến.
''Muốn toàn dân học tập, trước hết phải cho mọi người nhận thấy cần có một tri thức thực học và chỉ có tri thức thực học, con người mới tồn tại và phát triển trong xã hội hiện đại. Tri thức rởm, bằng cấp rởm là điều đáng sỉ nhục. Những người làm lãnh đạo dù bất kỳ ở đâu nếu chỉ có tri thức rởm sẽ đi ngược lại với sự phát triển, phá hoại khối đại đoàn kết.'' - GS. Ích phát biểu.
''Nếu thực hiện được toàn dân học tập, bộ mặt đất nước ta sẽ đổi khác, nhưng để làm được điều đó nhất thiết trước đó phải có một cuộc cách mạng nền giáo dục quốc gia'' - Đó là nhận định chung nhất của những giáo sư tham gia đóng góp ý kiến với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về việc triển khai thực hiện chính sách này.
Lan Anh
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu MaiHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn