Từ quốc khánh Mỹ nghĩ về sức mạnh Việt Nam
- "Giá trị mà người ta đi tìm cho chính bản thân mới quan trọng. Cộng hưởng những giá trị ấy làm nên sức mạnh quốc gia".
Trong đời, tôi chưa bao giờ trực tiếp dự lễ mừng quốc khánh Mỹ chính thức dù đã ở Washington DC hơn sáu năm nay. Có chăng là giống như nhiều người khác, ngày 4-7 hàng năm, cả nhà tôi đi tầu điện ngầm đến ga Rosslyn bên Virginia, ngồi dưới chân tượng đài Iwo Jima, nhìn sang tháp bút (Đài tưởng niệm George Washington) và đợi xem bắn pháo hoa vào 9 giờ tối. Trời mưa cũng không ngăn được hàng triệu người Mỹ tự nguyện tới National Mall để mừng ngày lễ trang trọng này.
Sức mạnh Mỹ: Sự cộng hưởng những giá trị
Dân tộc nào trên thế giới cũng có niềm tự hào về lịch sử, đất nước và con người của chính họ. Màn pháo hoa mừng độc lập ở Việt Nam, tại Mỹ, hay một đảo hẻo lánh như Solomon nghèo đói, nơi tôi đang công tác, đều được những dân tộc ấy đón chào với niềm tự hào vô bờ.
Con người của mỗi xứ sở đều có những đặc điểm tâm lý dân tộc khác nhau. Nhưng trong lòng họ, trong lòng mỗi con người- da đen, da trắng, da màu khi đã đến đến đây hẳn đều bỗng nhớ đến những lời bất hủ trong Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ năm ấy, ngày 4/7/1776: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.
Người ta tin rằng, tuyên bố của 13 bang thành quốc gia Hoa Kỳ gần 3 thế kỷ trước là niềm vui của hàng chục triệu người Mỹ thời đó.
Mỗi lần đứng bên bờ sông Potomac, nhìn sang National Mall phía DC với pháo hoa rợp trời và hàng triệu người hò reo như sấm, nhiều người sẽ tự hỏi, tại sao nước Mỹ có sức mạnh hơn người, dù đây là quốc gia đa sắc tộc nhất thế giới và gồm 50 bang ghép lại.
Đứng cạnh một anh da đen to béo phục phịch, trước mặt một bà da trắng mảnh mai, sau lưng là mấy anh Latin mồm miệng liến thoắng bên mấy người gốc Hoa đứng tư lự. Không thể nói mầu da này hơn mầu da kia về IQ và không ai nói rằng họ thông minh hơn một người đến từ Việt Nam. Nhưng các dân tộc ấy đã làm nên nước Mỹ với 305 triệu người.
Khi đi xin việc, ứng viên rất hay được hỏi: “Anh/chị thấy giá trị nào là quan trọng nhất trong cuộc đời”. Giá trị mà người ta đi tìm cho chính bản thân mới quan trọng. Cộng hưởng những giá trị ấy làm nên sức mạnh quốc gia.
Không ai ở đây được dạy rằng, giá trị con người anh/chị phải như thế nào mới là đúng. Rất tối kỵ khi khuyên bảo người khác làm người, vì bản thân người dạy dỗ chắc gì đã đúng và đủ đạo đức để răn dạy ai.
Người Mỹ luôn tự hào về American Value (giá trị Mỹ) được gói gọn trong mấy từ: Cá nhân, giáo dục, gia đình và riêng tư (individualism, education, the family and privacy). Ngoài ra phải kể đến tự do cá nhân, tự lực cánh sinh, cần cù, cơ hội bình đẳng, vật chất, thời gian là tiền bạc hay kể cả sự cạnh tranh không khoan nhượng.
Thể chế tam quyền phân lập dưới sự giám sát của quyền lực thứ tư- báo chí, đã đảm bảo những điều trong tuyên ngôn năm 1776 được thực thi trong cuộc sống với luật pháp thượng tôn, tôn trọng dân chủ và quyền con người. Đó là sợi chỉ xuyên suốt trong lịch sử Hoa Kỳ, làm nên sức mạnh giúp quốc gia này phát triển mấy trăm năm qua.
Người viết bài này từng đứng trong cái lạnh -10oC trên National Mall để dự lễ nhậm chức Tổng thống của Barack Obama ngày 20/1/2009. Mấy triệu người Mỹ từ khắp 50 bang đổ về trong cơn gió lạnh thấu xương chỉ để nghe 20 phút phát biểu ngắn ngủi của Obama. Chẳng ai bắt họ phải ra Mall vào ngày đó.
Sức mạnh của nước Mỹ chính là có những vị tổng thống với khả năng dẫn dắt một dân tộc. Tổng thống được nhân dân chọn ra với những giá trị thực, tài năng thực.Và chính họ sẽ hạ bệ vị lãnh đạo bằng những lá phiếu dân chủ khi cần thiết.
Sức mạnh Việt Nam ở đâu?
Cụ Hồ mở đầu Tuyên ngôn thành lập nước Việt nam Dân chủ Cộng hòa vào ngày 2-9-1945 trên Lễ đài tại Quảng trường Ba đình bằng câu: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng…Lời bất hủ ấy trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là tất cả các dân tộc trên thế giới sinh ra đều bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do.
Theo cố nhà văn Phùng Quán, ông Nguyễn Hữu Đang đã “tổ chức xây lễ đài bằng gỗ, ván, đinh, vải trong vòng 48 tiếng và biến mất khỏi mặt đất như một lâu đài trong cổ tích sau lễ tuyên ngôn”. Ông Nguyễn Hữu Đang, khi đó là một thanh niên, được chính Cụ Hồ giao phó nhiệm vụ trọng trách này.
Nhà văn già từng rơi lệ vì những cảm xúc dâng trào khi nhớ đến lễ đài mong manh, nhưng tầm vóc, hình dáng và kiến trúc đã tạc sâu vào ký ức của dân tộc. Chính ngày 2-9 đó, đất nước bước ra khỏi trăm năm nô lệ.
Sau đó là Tuần lễ Vàng, người dân Việt Nam tự nguyện đóng góp sức người, sức của, “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Có người nộp hàng chục cân vàng mà không cần bất kỳ một thứ hóa đơn nào vì họ tin Cụ Hồ. Hàng triệu người con ưu tú của dân tộc đã ngã xuống sau mấy cuộc chiến tranh. Vì sao cả dân tộc có một niềm tin mãnh liệt như thế?
Khi cả hai đã gác kiếm, tướng McNamara tới thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Hà Nội đã nói, theo thống kê của Mỹ, quân đội Việt Nam đã thương vong quá lớn, khó mà đương đầu với quân đội Mỹ, tại sao các anh vẫn tiếp tục chiến tranh.
Đại tướng đã cười và nói, chính người Mỹ các ông đã lầm, không hiểu hết dân tộc này. Họ có thể chiến đấu đến người cuối cùng để bảo vệ đất nước.
Mấy năm trước, tôi có dịp xem cuốn phim tài liệu “Fog of War” do chính McManara giới thiệu tại Washington DC. Trong phim, có đoạn Đại tướng Võ Nguyên Giáp phát biểu, giọng sang sảng giữa âm thanh của súng đạn, máy bay gầm rú, người xem chợt hiểu vì sao dân tộc Việt Nam bé nhỏ dám đương đầu với một đế quốc to lớn.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Robert McNamara, đưa ra 11 bài học cho cuộc đời mình. Nhưng ông quên bài học thứ 12 về Việt Nam, rằng, kẻ nào dòm ngó biên giới nên nhớ hộ, người dân nơi đây sẵn sang "đốt cả dãy Trường Sơn" để bảo vệ Tổ quốc.
Sức mạnh ấy có được vì ai ra trận cũng biết rằng, ngày mai đất nước hòa bình, chính họ hay con cháu có “quyền bình đẳng, quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” như tạo hóa đã dành cho. Hàng triệu người đổ máu vì niềm tin như thế. Đó cũng là một nguồn sức mạnh làm nên Việt Nam 30 năm trước.
Hòa bình đã qua mấy thập kỷ. Đã lúc nào chúng ta tự hỏi, sức mạnh năm xưa có còn không? Và giá trị thời đại của Việt Nam bây giờ là gì trong thế giới toàn cầu hóa này? Sức mạnh đoàn kết ấy ở đâu. Mấy chục năm qua, có ai dám đặt lên vai trọng trách quốc gia cho tuổi trẻ như Cụ Hồ đã từng tin chàng trai Nguyễn Hữu Đang khi xây dựng lễ đài Ba Đình.
Cần tìm lại sức mạnh ấy của Việt Nam bây giờ ở đâu?
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)Bài học cuộc sống từ "Vua hề Sác-lô"
07/12/2015Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên Cẩn