Quyết định luận kinh tế
Tuyệt đối hoá chân lý thì bao giờ cũng sai. Chân lý bao giờ cũng tương đối, phù hợp với khả năng khai thác của con người. Nhưng phê phán các nhà triết họe như là người nghiên cứu đi tìm kiếm các qui luật rồi trau chuốt hệ thống phương pháp luận của mình lại là cái sai khác. Cuộc sống là ngẫu nhiên nhưng nhiệm vụ của con người là nhận thức ra tính qui luật trong quá trình ngẫu nhiên. Nói cho cùng chính vì người ta đã tìm ra một số yếu tố tất nhiên trong sự hỗn mang ngẫu nhiên ấy nên con người mới phát triển, mới đưa ra được các dự báo, mới hoạch định được kế hoạch.
Tuyệt đối hoá những giá trị có thể lường được tức là biến con người thành cứng nhắc và định kiến. Trong lĩnh vực văn hoá, tình trạng này rõ rệt đến mức không cần bàn cãi. Trong một thời gian dài trước đây, do quan niệm văn hoá một cách chật hẹp, và còn do chủ nghĩa duy vật thô thiển, người ta vẫn cho rằng văn hoá là một cái gì đó phát sinh từ kinh tế, rằng văn hoá chỉ là kết quả, là sự phản ánh trình độ phát triển kinh tế mà thôi. Khi xem xét mối quan hệ giữa văn hoá và kinh tế, người ta xem văn hoá đứng ngoài kinh tế, do kinh tế làm nền tảng và tài trợ, nghĩa là chỉ thấy quan hệ một chiều, trong đó văn hoá giữ vai trò thụ động.
Tuy nhiên, thực tiễn và những kinh nghiệm, cả thành công lẫn thất bại trong quá trình phát triển của nhiều nước trên thế giới, đã chỉ ra rằng quan điểm đó là hết sức sai lầm. Thực ra, chưa bao giờ kinh tế là nền tảng của văn hoá cả. Kinh tế, hay cơ sở vật chất, chỉ là phương tiện giúp người ta nhận thức các giá trị văn hoá mà thôi. Đừng nhầm lẫn giữa văn hoá và các công trình về văn hoá, cũng đừng nhầm lẫn giữa văn hoá và các đền đài, miếu mạo. Các đền đài, miếu mạo chỉ là các phương tiện để giúp người ta thể hiện bản chất văn hoá và giúp đời sau nhận thức ra rằng trong quá khứ đã từng có những giá trị văn hoá nào đó mà thôi. Kinh tế chưa bao giờ là cơ sở của văn hoá, đó là quan điểm của tôi.
Văn hoá không phải là tất cả, nhưng văn hoá có mặt ở tất cả. Theo tôi, trước hết, cần phân biệt giữa các sản phẩm vật chất và nội dung tinh thần trong đó. Chỉ là nồi cơm thôi, nhưng người ta đã thổi vào đó chất lượng cả nhận thức lẫn phong thái, tức là văn hoá của con người. Tất cả các phạm trù nhận thức cũng như các yếu tố trong cuộc sống đều tương tác với tư duy con người. Nhận thức của con người cũng không thể phản ánh đầy đủ các tương tác ấy. Nhưng con người càng ngày càng nhận thức đầy đủ thêm thực tế tham gia của các yếu tố. Cho nên chúng ta phải phân biệt cái mà chúng ta có với những khái niệm, tức là cái mà chúng ta xây dựng trong nhận thức của chúng ta. Các yếu tố là các hiện tượng, các đối tượng bên ngoài ý nghĩ của chúng ta.
Mỗi một phạm trù, mỗi một khía cạnh khác nhau của hiện tượng sống đều có mặt ở trong nhau. Nó tương tác lên nhau, nó tác động và gây ảnh hưởng lẫn nhau. Bản thân con người là sự giao thoa của rất nhiều yếu tố sống. Cũng như thế, nhận thức của con người là sự giao thoa của rất nhiều khái niệm sống. Cái vĩ đại mà con người tạo ra chính là tính tương thích, tính chân thực của những ý nghĩ để phản ánh hiện thực. Trong phương thức tiếp cận với cuộc sống thực nó có dấu hiệu, hay nói cách khác là có mầu sắc văn hoá.
Trước đây, khi con người còn loay hoay về cơm ăn áo mặc thì con người nhìn nhận vai trò của những giá trị vật chất rất lớn và một khi đã thấy cái gì đó lớn quá rồi, sẽ để nó lấn át tất cả các yếu tố khác. Trong nhiều thập kỷ chúng ta rất ca ngợi các phương pháp biện chứng. Phương pháp biện chứng khác với các phương pháp khác về mặt hình thức là người ta nhận biết sự vật và hiện tượng dựa vào các mối quan hệ nội tại của nó và người ta cố gắng đưa vào trong các quá trình nhận thức hiện tượng càng nhiều yếu tố càng tốt. Văn hoá là một mặt của hiện tượng đời sống bên cạnh mặt kinh tế, mặt chính trị... Các mặt ấy tương tác với nhau, quan hệ biện chứng với nhau để tạo ra đời sống. Văn hoá và kinh tế là các mặt khác nhau của đời sống, những phạm trù khác nhau của đời sống.
Trong nhận thức của con người, những mặt khác nhau của cuộc sống trên thực tế được phản ánh qua những mối quan hệ nội tại, những quan hệ biện chứng. Lúc mà chúng ta nghèo đói, chúng ta thấy rằng kinh tế quyết định rất nhiều thứ. Khi đời sống vật chất được nâng lên đến một mức nào đó rồi và đã có khả năng thoả mãn các nhu cầu tối thiểu của con người, tức là khi con người đã bước sang trạng thái người thật sự về mặt vật chất, con người sẽ phát hiện ra nhiều khía cạnh khác có ảnh hưởng đến đời sống công cộng.
Văn hoá giống như một cái lồng, trong đó chứa đựng tất cả mọi thứ. Kinh tế là một nội dung khoa học, là trí tuệ của một dân tộc. Sinh hoạt kinh tế thể hiện sâu sắc bản sắc của một dân tộc trong những điều kiện không hội nhập về kinh tế. Có những người đặt câu hỏi "Kinh tế có phải là văn hoá hay không?'. Tôi cho rằng đó là một câu hỏi không đúng. Kinh tế dĩ nhiên không phải là văn hoá, nhưng trong kinh tế có dấu hiệu, có yếu tố, có sự thể hiện giá trị văn hoá một cách rõ ràng. Nói một cách khái quát hơn thì tất cả các hành vi xã hội đều chứa đựng yếu tố văn hoá. Chúng ta không nên cường điệu khái niệm văn hoá nhưng cũng không nên tách biệt nó ra khỏi đời sống. Câu hỏi ngược lại, "Trong văn hoá có kinh tế không?” cũng vậy. Tôi xin lưu ý rằng trong văn hoá có tất cả mọi thứ. Hay nói một cách khác, văn hoá có mặt trong tất cả mọi khía cạnh của đời sống.
Về tác động của văn hoá, chúng ta có thể nói vắn tắt như sau.
Thứ nhất, văn hoá không phải là cái ăn theo, cũng không phải là sự phản ánh thụ động sự phát triển kinh tế. Trái với những lời khẳng định rằng thành công về kinh tế sẽ dẫn đến việc mở mang văn hoá, chúng ta biết nhiều ví dụ hoàn toàn ngược lại. Những nước phát triển nhanh trong mấy thập kỷ vừa qua, kể cả Nhật Bản, hiện đang đau đầu với hiện tượng suy thoái đạo đức và giáo dục, với sự đổ vỡ của những giá trị truyền thống. Trong khi đó có những nước phát triển kinh tế chậm hơn lại làm được khá nhiều cho một môi trường văn hoá lành mạnh.
Thứ hai, văn hoá là một nhân tố tham gia trực tiếp vào quá trình phát triển kinh tế. Điều đó ngày nay mới được nhận thức đầy đủ nhưng thật ra không có gì mới, bởi lẽ trong bất kể thời kỳ nào, ở quốc gia nào và được chế độ nào, con người cũng đóng vai trò quyết định đối với quá trình sản xuất. Mà con người thì trước hết là một thực thể văn hoá, hay nói như Marx là tổng hoà của những quan hệ xã hội. Xem xét sự thành công của những nước NICs, nhiều nhà nghiên cứu phương Tây cho rằng bí quyết nằm ở ảnh hưởng sâu rộng của Khổng giáo, vốn buộc con người hy sinh những lợi ích cá nhân cho mục đích cộng đồng. Thậm chí có nhà lãnh đạo của một nước Châu Phi tuyên bố với dân chúng: "Hãy cho tôi toàn quyền của một vị hoàng đế, tôi sẽ mang lại sự thịnh vượng cho mọi người".
Chúng tôi không nghĩ rằng vấn đề có thể giải thích đơn giản như thế, nhưng rõ ràng truyền thống đóng một vai trò lớn lao đối với cung cách làm việc, và điều đó đến lượt mình sẽ ảnh hưởng đến năng suất lao động, nhất là trong giai đoạn tích luỹ ban đầu.
Dân trí gắn liền với sự phát triển. Đó là yếu tố cơ bản, là tiền đề của sự phát triển. Dân trí thấp thì phát triển thấp. Các nhà chính trị của nhiều quốc gia hiện vẫn còn chưa nhận thức rõ ràng về vấn đề này. Họ nói: "Chúng tôi là một dân tộc chậm phát triển về mặt kinh tế nhưng có dân trí cao và văn hoá phát triển. Chúng tôi biết làm thơ, chúng tôi có nhà thơ Y, nhà hoạ sĩ X...". Xin thưa, bất chấp tài năng không ai có thể chối cãi của Đỗ Phủ và Lý Bạch, Trung Quốc vẫn là một quốc gia đang phát triển. Bất chấp Truyện Kiều của Nguyễn Du, Việt Nam vẫn là quốc gia đói nghèo. Chúng ta không thể nhân danh sự phát triển của quá khứ để giải thích sự chậm phát triển của hiện tại. Chúng ta tự hào về quá khứ là quyền chính đáng nhưng chúng ta không thể gối đầu và ngủ ngon trên sự phát triển của quá khứ. Mỗi thời đại đều có nghĩa vụ tạo ra sự phát triển của chính mình.
Xin trở lại vấn đề quan hệ giữa văn hoá và kinh tế. Như vậy, liệu chúng ta có thể nói đến một sự năng động tương đối của văn hoá?
Câu trả lời của tôi là khẳng định. Văn hoá luôn luôn tồn tại song song với kinh tế nhưng văn hoá không phát triển đồng hành với kinh tế. Lấy trà đạo ở Nhật Bản làm ví dụ. Trà đạo là kết quả của sự phát triển kinh nghiệm uống trà của con người chứ không phải là kết quả của sự phát triển kinh tế. Có những dân tộc phát triển kinh tế nhanh hơn mà không có trà đạo. Nói như trên không có nghĩa là các phương thức hưởng thụ của con người phát triển cùng với kinh tế. Các phương thức hưởng thụ của con người phát triển cùng với kinh nghiệm hưởng thụ của con người chứ không phải là cùng với phát triển kinh tế. Văn hoá có tính độc lập tương đối với điều kiện vật chất của con người chứ không phải kinh tế. Kinh tế không đóng vai trò gì trong việc hình thành trà đạo, nếu có chăng thì chỉ với tư cách là người cung cấp cơ sở vật chất để người ta thực hiện, hay mở rộng, kinh nghiệm uống trà thành trà đạo, chứ hoàn toàn không quyết định sự xuất hiện hay phát triển của trà đạo.
Không nên đặt ra vấn đề kinh tế như là đòn bẩy để thúc đẩy sự phát triển văn hoá. Chúng ta đã nghiên cứu cấu trúc văn hoá và đã xem xét tri thức như một thành tố của văn hoá. Rõ ràng chúng ta thấy rằng kinh tế phát triển cùng với sự phát triển tri thức. Các hình thái, các phương thức hoạt động kinh tế là kết quả trực tiếp của quá trình phát triển tri thức. Nếu xét các công cụ sản xuất, chúng ta thấy nó là kết quả rất trực tiếp của tri thức: từ đồ đá cho đến đồ đồng, đồ sắt, rồi đến các máy móc hiện đại.
Cái sai của con người là chúng ta luôn cố gắng bênh vực yếu tố này hay yếu tố kia mà không nghiên cứu một cách thực tế rằng các yếu tố, thành tố tạo ra cuộc sống tồn tại một cách khách quan với ý thức của chúng ta, rằng nó tham gia hoàn toàn không phải với tư cách là đối tượng nhận thức. Cuộc sống dạy con người kinh nghiệm trong từng lĩnh vực, từng khía cạnh khác nhau của đời sống và khi con người có kinh nghiệm thì con người đùng kinh nghiệm ấy để tăng cường hiệu quả và sự hưởng thụ theo những bản tính tích luỹ khác nhau. Không nên nghĩ rằng có cái gì đó liên quan thực sự thành triết lý giữa phát triển kinh tế và những hoạt động được gọi là văn hoá. Thậm chí ngược lại. Rất có thể là sự chậm phát triển kinh tế gắn liền với trà đạo, bởi vì những dân tộc có thời kỳ nông nhàn mới uống trà. Cũng vậy, các dân tộc đang phát triển thường ăn theo cách quần tụ cả gia đình trong khi đó thì người phương Tây dùng fast food, hamberger ở ngoài đường. Họ tiết kiệm được thời gian cả trong hưởng thụ vì vậy họ đầu tư thời gian nhiều hơn cho phát triển kinh tế, do đó họ phát triển hơn.
Văn hoá cũng độc lập với chính trị. Ở trên chúng ta đã nói rằng không có một nhà lãnh đạo nào nên và có thể thay đổi lối sống cộng đồng một cách chủ quan. Hơn nữa, mọi âm mưu làm điều ấy đều không thể tránh khỏi thất bại. Cùng với sự phát triển của mức sống, trạng thái sống, và giao lưu giữa các cộng đồng người, lối sống sẽ dần thay đổi và phải để cho nó thay đổi một cách tự nhiên chứ không phải bằng cách gây áp lực lên nó. Gây áp lực chỉ làm nó biến dạng và như vậy không thể nhận được những thông điệp thông thường của đời sống nữa. Nó sẽ mất năng lực để nhận biết ngôn ngữ chung và trở nên dị dạng. Một xã hội dị dạng như thế, trong khi cố gắng theo đuổi nhận thức về một khía cạnh của cuộc sống, sẽ lãng quên những khía cạnh khác và vì thế nó rất ít tính cộng đồng. Những nhà lãnh đạo khôn ngoan là những nhà lãnh đạo không gây sức ép chủ quan lên sự biến đổi tự nhiên của cuộc sống và lối sống.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn TrọngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị Quý