Sex với những xúc cảm thiêng liêng

04:33 CH @ Thứ Bảy - 06 Tháng Sáu, 2009

Những ngày vừa qua, và hiện giờ vẫn chưa hẳn đã chấm dứt, báo giới rộ lên câu chuyện về vấn đề sex trong văn chương. Mỗi người luận giải một cách. Người khắt khe theo lập trường đạo đức truyền thống thì phê phán. Người cởi mở theo tinh thần tân tiến thì tung hô. Lại có người theo phái trung dung, không ra giọng cấm đoán hay ủng hộ, chỉ kêu gọi không lạm dụng sex, không phản lại đạo đức, thuần phong mỹ tục dân tộc... Đây là một vấn đề không dễ bàn. Là kẻ vào cuộc muộn, tôi xin góp thêm một vài suy nghĩ riêng.

1. Có một nền văn hóa đại chúng lạm dụng yếu tố sex

Kể từ những năm 90 của thế kỷ vừa qua trở lại đây, khi chúng ta mở cửa, hội nhập kinh tế, thì lập tức tinh thần văn hoá đại chúng phương Tây cũng tràn vào theo. Phương Tây ở đây được hiểu không chỉ từ phương Tây trực tiếp tràn sang, mà còn từ một số nước cận kề theo tinh thần phương Tây cũng ào ạt táp vào như Hồng Kông, Đài Loan, Hàn Quốc... chẳng hạn. Nền văn hoá đại chúng này có 3 điểm nổi bật: lối sống tiêu dùng tôn thờ tiện nghi, thời trang, và quảng cáo - cả ba thứ được coi trọng hàng đầu trong xã hội, nhất là giới trẻ. Tinh thần này như một dòng chủ lưu đã xâm nhập, chi phối hầu như toàn bộ đời sống nhân loại. Nó tấn công vào đạo đức, thói quen, cách cảm cách nghĩ truyền thống. Nó khước từ thần tượng. Nó đề cao công ăn việc làm, kiếm tiền, và hưởng thụ. Nó kích động con người tự quảng bá chính mình... Tinh thần chung của xã hội hiện đại thực sự là nơi ngự trị của con người cá nhân với tất cả sức mạnh tích cực cũng như hệ tuỵ của nó.

Điểm nổi bật nhất của bức tranh đời sống hiện đại là công nghệ quảng cáo. Và ở lĩnh vực quảng cáo này có sự tràn ngập của sex - tức các vấn đề về dục tính, và sinh lý của con người. Hoạt động quảng cáo có mặt trên TV, trên báo chí, các tờ rơi, phim ảnh, trên pa-nô áp-phích, trên xe Bus, ô tô, trên thời trang, bao bì các mặt hàng... Nó sử dụng các kênh âm thanh và thị giác để chuyển tải tới công chúng. Chưa bao giờ hình ảnh thân thể của phụ nữ (kể cả của nam giới) lại được khai thác triệt để và phong phú đến vậy vào công nghiệp quảng cáo. Họ sử dụng làn da, mái tóc mắt môi, mông ngực, lời nói, dáng điệu; hình ảnh các cảnh tắm, gội, cởi áo cởi quần, mời gọi mồi chài đàn ông, hôn nhau, mơn trớn nhau... Có một luồng ý kiến ở phương Tây từ những năm 70 của thế kỷ trước đã lên tiếng phản đối việc khai thác lạm dụng hình ảnh phụ nữ trên quảng cáo thương mại. Họ cho rằng hình ảnh phụ nữ trong quảng cáo đại đa số hiện ra mang tính chất như là "vật khêu gợi ".

Nhưng xem ra sự phản kháng yếu ớt đó không ăn nhằm gì đối với cái cỗ xe quảng cáo khổng lồ của thời kinh tế thị trường toàn cầu. Tinh thần quảng cáo này đã tấn công mạnh mẽ, ào ạt vào các lĩnh vực thời trang, sân khấu, dạ hội, điện ảnh, hội hoạ, nhiếp ảnh... và đặc biệt là lĩnh vực sáng tạo ngôn từ nghệ thuật. Có thể nói rằng cho đến giờ, trong lĩnh vực truyền thông rộng lớn và trong lĩnh vực văn chương, ngôn ngữ thân thể (body languge) của con người được/ bị sử dụng công khai, đầy rẫy, với nhiều cấp độ từ sex đến sexy, tức là từ dục tính, phái tính, hình thể đến khiêu dâm, thác loạn.

2. Sex từ chỗ thiêng liêng đến chỗ bị giải thiêng

Có thể dễ dàng nhất trí với nhau một luận đề: trong quan hệ tình dục nam nữ bao giờ cũng thống nhất hai mặt vừa thiêng liêng vừa phàm tục, vừa là những khải ngộ thiên đường vừa là những chất độc chết người. "Thiêng liêng" là một từ gợi nên ý niệm về một sự gìn giữ, dè dặt, thánh hoá; ngược lại với những sự thô bạo, trần tục, ô uế. Trong tình yêu, nếu chỉ có thiêng liêng không thôi sẽ là siêu hình, nhưng nếu chỉ có phàm tục không thôi cũng lại đẩy con người vào cấp hạ đẳng. Cái bí ẩn màu nhiệm và mê đắm nhất của sex chính là đi chênh vênh giữa lằn ranh của hai tính chất đó, nhưng rốt cuộc, bao giờ cũng hướng về những xúc cảm thiêng liêng.

Từ xưa tới nay, bất cứ một nhà văn chân chính nào khi miêu tả sex cũng đều có một khát vọng biểu đạt một trạng thái tinh thần đẹp đẽ cao quý nào đó. Sex không chỉ dừng lại ở sex, mà cùng với nó là những xúc cảm thiêng liêng, khi đó con người cảm thấy được nâng niu trân trọng. Các cây bút sử dụng chất liệu miêu tả sex với nhiều cấp độ khác nhau. Có khi chỉ là sự miêu tả vẻ đẹp hình thể bên ngoài nhằm đem lại một cảm xúc gợi tình. Có khi miêu tả những trạng thái tâm lý đang thèm khát dục tình nhưng bị tiết chế căng thẳng. Có khi là những cuộc mây mưa thẳng thừng, công khai, không che đậy, tràn đầy hoan lạc... Nhưng họ thống nhất ở một điểm: sau những cấp độ dục tính ấy là một chất lượng mới về toàn bộ con người hiện hữu theo nghĩa gồm cả tinh thần lẫn thân thể. Hai người trong cuộc lần đầu tiên phát hiện ra mình trong một trạng thái hoàn toàn mới, với một năng lượng mới, sung mãn, sáng láng. Họ đạt được những cảm xúc thiêng thiêng về sự sống mầu nhiệm và thăng hoa của con người. Không thiếu những ví dụ trong văn chương Đông Tây kim cổ có thể chứng minh hùng hồn về điều này. Có ý kiến cho rằng dưới góc nhìn văn hoá cần phân biệt hai hiện tượng của tính dục: hứng dục và khiêu dâm. Hứng dục là sự bộc lộ những ước muốn về tình đục hoặc là những ám ảnh tình dục. Hứng dục mang tính thẩm mỹ và đôi khi có ý nghĩa tượng trưng thần bí. Còn khiêu dâm thường hướng đến những hình ảnh tục tĩu, nhớp nháp, nhầy nhụa. Hứng dục vị tinh thần, vị nghệ thuật. Khiêu dâm chỉ để vị khiêu dâm mà thôi (1). Như vậy, hứng dục còn thuộc về phạm trù của cái thiêng liêng, khiêu dâm đã thuộc về sự giải thiêng. Nhìn vào văn học Việt Nam ngày hôm nay, yếu tố sex đang được các cây bút văn cũng như thơ sử dụng thoải mái, không còn bị coi là vùng cấm như trước nữa. Tuy nhiên phải thừa nhận rằng sex đang có nguy cơ bị giải thiêng. Nghĩa là dưới sự thể hiện của không ít các cây bút, nó đã trượt từ hứng dục sang khiêu dâm, từ sex đến sexy thuần tuý. Các bộ phận thân thể người, kể cả các sản phẩm của giao hợp, bài tiết của người được gọi bằng tên, thậm chí được miêu tả cặn kẽ đến mức mất vệ sinh, xúc phạm chính con người.

Tình hình đó phản ánh hai điều. Thứ nhất, cũng giống phương Tây những năm đầu thế kỷ XX (chứ bây giờ họ chẳng mấy khi bàn đến nữa), nó nhằm phản ứng lại một cách cực đoan với thói đạo đức giả trong cách luận bàn về vấn đề tính dục của một bộ phận người khá đông đảo trong xã hội, những người này thường giữa ý nghĩ và hành vi khác xa với lời nói. Thứ hai, nó cũng phản ánh một thực tế là một số cây bút này đã rơi vào tình trạng khánh kiệt về ngôn từ, không có khả năng biểu đạt các xúc cảm và ý tưởng về đời sống của/về chính anh ta và xã hội, ấy là chưa kể đến sự cằn cỗi đáng thương của tâm hồn. Có người muốn cố cắt nghĩa về hiện tượng văn chương kể trên, hay tìm đến các lý thuyết phương Tây đã thoái trào như Tân hình thức, Hậu hiện đại... Tôi thấy không phải. Theo được các trào lưu kể trên một cách đến nơi đến chốn thì đã làm sang cho văn học Việt Nam? Nhưng vấn đề chính là ở chỗ họ không có cái khát vọng nghiêm túc để làm mới nền văn học dân tộc, mà họ mưu cầu một cái gì đó ngoài văn học, mang tính vị kỷ, có trời mà biết.

3. Hoàn nguyên vẻ đẹp cổ điển của sex với cách làm mới của thời hiện đại

Những vẻ đẹp của sex trong văn chương đã ổn định trong hệ giá trị nhằm tôn vinh con người, đánh thức năng lực tiềm ẩn của con người, truyền cho con người năng lượng và ý nghĩa cuộc sống, và được bao bọc trong những cảm xúc thiêng liêng, nghĩa là một thứ sex mang giá trị mỹ học và nhân văn. Đó là những: "Rõ ràng trong ngọc trắng ngà- Rày rày sẵn đúc một toà thiên nhiên". Đó là cơn hứng dục của Chí Phèo - Thị Nở để rồi Chí Phèo có được khát vọng làm người lương thiện, còn Thị Nở trên thực tế đã được làm một người đàn bà hoàn hảo. Đó còn là những cảm xúc ái ân của Kiên và Phương trong Nỗi buồn chiến tranh, cái dục tính đàn bà của nàng Bua trong Những ngọn gió Hua Tát, là những cảnh làm tình giữa nhân vật Watanabe với hai thiếu nữ và một người đàn bà trong Rừng Na Uy mới đây... Tất cả, sau những cơn ân ái là một sự khai phóng tâm hồn và trí tuệ, con người trở nên cao quý hơn, có phẩm giá hơn, thiết tha với sự sống, với cuộc đời hơn. Nhà văn Tạ Duy Anh rất có lý khi cho rằng có hai thứ sex: thứ dục vọng tăm tối, mù quáng sẽ chỉ gây tai hoạ, thậm chí dẫn đến cái chết; và một thứ tình dục thăng hoa, nó là ánh sáng, nó tạo ra sự sống (2). Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư đã miêu tả sex rất thành công ở nhân vật ông bố theo hướng biến ông ta thành hiện thân của thứ dục vọng tăm tối có tính huỷ diệt.

Tuy nhiên, cách biểu đạt sex ngày nay không thể như xưa được nữa. Ngày xưa, ngôn ngữ mang đầy tính ẩn dụ, ước lệ mỹ hoá. Nói về sex mà trang trọng, thanh khiết (Ví dụ: Nàng là tuyết hay da nàng tuyết điểm - Nàng là hương hay nhan sắc nên hương...). Ngôn ngữ văn học ngày nay chân thực hơn, trực diện hơn, nhưng vẫn có thể phát lộ được những vẻ đẹp tinh tế, thiêng liêng, lấp lánh của sự sống siêu việt.

Càng được tự do thoải mái trong viết lách, trong biểu đạt ngôn từ, trên thực tế lại càng thấy khó viết hơn. Bởi lúc này chỉ còn tuỳ thuộc vào tài năng, bản lĩnh văn hoá của mỗi người cầm bút. Am hiểu sâu rộng văn hoá dân tộc và thế giới, thành thực với chính tâm hồn mình sẽ giúp cho mỗi người cầm bút làm chủ được chất liệu, đề tài, ngôn ngữ, tránh sa lầy vào những bế tắc cùng quẫn hoặc dễ dãi, tầm thường. Sex trong văn chương là một thứ thử thách rất cao đối với mỗi người cầm bút.

Hà Nội. ngày 22.9.2006

(1 ) Xem trong Từ điền biểu tượng văn hoá thế giới, của hai tác giả Jean Chevalier và Alain Gheerbrant, Nxb. Đà Nẵng - Trường Viết văn Nguyễn Du xuất bản, 2002 , tr.928-989.
(2) Xem bài phỏng vấn "Chỉ thân xác không thôi thì rất đáng sợ" trên Vietnamnet 20.9.2006. Trong Tạp chí Thơ số 4-2006 mới đây, khi trả lời về những câu hỏi chung quanh vấn đề dục tính, nhà thơ Lê Đạt cũng cho rằng: “Tính dục đơn thuần chỉ ở cấp thấp” (tr.115).

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Sách & Sex

    16/11/2017Phan AnKhi nghe phong phanh rằng người viết bài này sắp đi Hội chợ, ông bạn nằng nặc xin đi theo. Người viết bài này rất ngạc nhiên vì ông bạn vốn không bao giờ quan tâm đến đối tượng của Hội chợ mà nay lại cứ đòi đi. Hóa ra ông bạn nghe nhầm Hội chợ sách thành Hội chơi... sex....
  • Phát giác về ngôn ngữ thân xác

    05/06/2016Đoàn Ánh DươngNếu như văn học hiện đại thế giới có công phát hiện ra ngôn ngữ văn tự, thì văn học hậu hiện đại hôm nay lại đang dần tước mất vai trò thống trị của nó.
  • Lịch sử - văn hóa và sex trong văn chương

    26/11/2015Nguyễn HòaSự có mặt một cách bất thường của sex trong đời sống văn chương vài năm gần đây đã được lý giải qua những nguyên cớ khác nhau, nhưng tựu trung, những người tán thưởng đều vô tình (cố tình?) lẩn tránh việc còn cần phải xem xét sex từ các quy chiếu văn hóa...
  • Văn chương tính dục - adua hay tất yếu

    18/03/2009Vũ HuyềnSự xuất hiện bất thường của sex trong văn học gần đây đã làm tốn không ít giấymực của báo chí và gây khá nhiều tranh cãi trong công chúng, khiến người không muốn quan tâm cũng phải quan tâm.
  • Bóng đè của Đỗ Hoàng Diệu

    30/11/2005Nguyễn Thanh SơnSo sánh Đỗ Hoàng Diệu với Vệ Tuệ không chỉ là một sự khập khiễng - nó là cả một sự lố bịch. Chỉ có những ai chưa đọc Vệ Tuệ hay Đỗ Hoàng Diệu, hoặc chưa đọc cả hai, mới có thể đưa ra những nhận định như vậy. Hai nhà văn nữ này đi trên những con đường hoàn toàn khác nhau, cảm nhận thế giới bằng những giác quan khác nhau, dựa trên những phông văn hoá khác nhau, và sáng tạo ra những tác phẩm có những giá trị hoàn toàn khác nhau...
  • Sáng tác “Bóng đè”, phê bình “nói mớ”

    06/11/2005Nguyễn HoàTập truyện trình làng mang tên Bóng đè của nhà văn trẻ Đỗ Hoàng Diệu đã làm không ít nhà phê bình tốn giấy mực nhưng những ý kiến trái ngược nhau xem ra còn lâu mới đến hồi kết!
  • Phỏng vấn một nhà văn nữ trẻ

    22/10/2005Lê Thị Liên HoanPV: Thưa cô, có người kêu Bóng đổ là một tác phẩm nói nhiều đến tình dục?
    Nhà văn nữ: Rõ ràng.
    PV: Tại sao cô lại thản nhiên đến thế?
    Nhà văn nữ: Tại vì tôi hiểu rất nghiêm túc: không phải cứ tình dục là khiêu dâm...
  • Đỗ Hoàng Diệu: “Tôi viết đúng với những gì mình có”

    04/10/2005Thể thao văn hoáNhững người yêu văn học, những người sốt ruột chờ sự đổi mới của văn học Việt Nam thời gian gần đây hay kháo nhau về cái tên Đỗ Hoàng Diệu. "Viết lạ lắm, bạo lắm! Đọc đi!" là cái câu được nhắc đi nhắc lại ở nhiều nơi. Cũng có người đơn giản hơn, chỉ nói: Văn rất sếch-xy... thế là đủ gợi tò mò cho hàng trăm độc giả vốn thừa háo hức với đời sống văn chương không có nhiều cái mới lạ như hiện nay...
  • xem toàn bộ