Sống có trách nhiệm
“Sống có trách nhiệm” là chủ đề sinh hoạt, học tập của ngành giáo dục TP.HCM năm 2007 này. Đây là một chủ đề rất hay vì tinh thần trách nhiệm cá nhân đã phai mờ nhiều sau nhiều thập kỷ bao cấp.
Đối với học sinh, đó là trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng. Mỗi trường tự chọn lựa hình thức sinh hoạt. Trường Nguyễn Thị Minh Khai đã làm khá chu đáo với hai cuộc hội thảo toàn trường, một dành cho học sinh, một dành cho giáo viên. Hai cuộc hội thảo được chuẩn bị bởi hai cuộc khảo sát xã hội học trên 2.334 học sinh ba khối 10-11-12 và 115 giáo viên. Nội dung các câu hỏi đề cập việc dạy và học, chuyện nghỉ ngơi thư giãn, kỷ cương nhà trường và mối quan hệ thầy trò.
Ở đây chúng tôi chỉ xem xét câu hỏi về mối quan hệ thầy trò trong khía cạnh dạy người mà thôi. Nội dung câu hỏi giống nhau cho học sinh và giáo viên: “Khi gặp khó khăn trong học tập hay trong cuộc sống, các em có tìm đến thầy/cô để tâm sự hay xin lời khuyên không?”. Câu trả lời khiến chúng ta phải suy nghĩ.
Nếu đặt trọng tâm ở dạy người thì sự dẫn dắt học sinh ngoài giờ học thuộc về trách nhiệm của giáo viên. Đối với thanh thiếu niên, ngoài cha mẹ, thầy cô là chỗ dựa tinh thần lớn nhất. Có thể ở nước ta nhiệm vụ này chưa được qui định một cách chính thức trên giấy trắng mực đen và vai trò người thầy bị bó hẹp trong nhiệm vụ “đứng lớp”. Nhưng dù sao con số cũng làm ta giật mình. Sự đánh giá của giáo viên lạc quan hơn nhận xét của học sinh rất nhiều.
Con số áp đảo trên 60% học sinh “không bao giờ” tìm đến thầy cô có nghĩa gì đây?
Trong khi chỉ 12% giáo viên cho rằng học sinh không bao giờ tìm tới họ.
Lý do vì sao? Lẽ ra nếu cả đôi bên được trả lời thêm câu hỏi mở này thì ta sẽ khám phá nhiều điều lý thú. Nhưng dù sao tình hình cũng khá báo động.
Chắc các trường khác cũng không khác mấy với Trường Minh Khai. Trong buổi hội thảo tổ chức ngày 24-3 vừa qua, thầy cô có nêu lên một số ý kiến như học sinh thích hỏi bạn đồng trang lứa hơn, trường đã có phòng tham vấn tâm lý...
Nhưng ý kiến được đưa ra nhiều nhất là thầy cô không có giờ. Dạy xong một lớp phải nhanh chóng chạy qua lớp khác hay đi làm nhiệm vụ khác...
Và câu trả lời về nghỉ ngơi giải trí của thầy cô cũng làm ta giật mình. Giáo viên không có thời gian hay chỉ có dưới một giờ để nghỉ ngơi giải trí chiếm tới 67,8%! Có mặt tại buổi hội thảo, ông Huỳnh Công Minh, giám đốc Sở GD-ĐT, đã nhấn mạnh khía cạnh dạy người cho học sinh. Vì theo ông, giáo viên đã hoàn thành tốt trách nhiệm của mình. Nhưng chỉ về mặt thời gian vật chất thôi, giáo viên cũng đã không hoàn thành nổi nhiệm vụ dạy người của mình. Và ai chịu trách nhiệm về đời sống tinh thần của giáo viên trong tình trạng họ làm việc không kịp thở đây?
Chỉ một cuộc điều tra bỏ túi tại một trường học đã cho ta nhiều ý tưởng khác để nghiên cứu tiếp. Rất cần biết tại sao học sinh không tìm đến giáo viên khi chúng có vấn đề. Cũng cần đặt câu hỏi tại sao cho giáo viên. Có thể trong các câu trả lời ta phát hiện về mặt kỹ năng, giáo viên chưa được trang bị đủ để tiếp cận và tham vấn cho học sinh.
Kết quả chắc chắn sẽ gợi lên nhiều đề tài tập huấn, bồi dưỡng lý thú và cần thiết. Nó cũng sẽ bắt ta nghiên cứu kỹ hơn về trách nhiệm của ngành giáo dục đối với giáo viên.
HỌC SINH | THẦY CÔ | |
Rất thường xuyên | 1,32% | 3% |
Thường xuyên | 4,4% | 13% |
Thỉnh thoảng | 29% | 73% |
Không bao giờ | 60,49% | 12% |
ghi chú: phần trả lời của giáo viên nhiều hơn 100% vì có người đánh dấu ở nhiều câu trả lời |
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu MaiBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan Đăng