Tết tự quán chiếu

11:03 SA @ Thứ Bảy - 04 Tháng Hai, 2023

Tự quán chiếu (self-reflection) là một trong những đề tài lớn nhất của triết học, với những người ủng hộ ở cả phương Đông và phương Tây.

Nếu như với Khổng Tử ở Trung Hoa vào thế kỷ 5 trước Công nguyên, “người quân tử cầu ở mình, kẻ tiểu nhân cầu ở người”, thì với Socrates ở Athens vào thế kỷ 4 trước Công nguyên“đời sống không tự tìm tòi là đời không đáng sống”.


Vậy tự quán chiếu mà các triết gia nói tới là gì? Và không phải là gì? Và quan trọng nhất: giá trị của tự quán chiếu vào thời đại này ở Việt Nam đương đại là gì?

Những kiểu tự quán chiếu

Dưới đây là một danh sách, ắt là không đầy đủ, về “những khả năng tự quán chiếu” hay “những kiểu tự quán chiếu”, và về cách chúng ta có thể diễn giải ý tưởng đấy và đưa vào thực hành với đời sống thực.

Trước hết, tự quán chiếu là điểm giữa của hai quan điểm cực đoan. Ở một phía là những nguy cơ (mà ngày nay được nói tới rất nhiều) của “suy nghĩ quá mức” (over-thinking), một dạng tự quán chiếu tiêu cực. Ở cực bên kia là sự tôn thờ hành động, hoạt động, hay tình trạng bận rộn: cảm nhận được hiểu ngầm trong đời sống của nhiều người ngày nay cho rằng liên tục mưu cầu điều gì đấy mà không cần suy nghĩ quá nhiều về những giá trị sâu sắc hơn, là lối sống vừa hiệu quả, vừa thỏa mãn.

Theo diễn giải này, chúng ta có thể coi tự quán chiếu là điểm trung dung hạnh phúc của hai thái cực: tức suy nghĩ thấu đáo về những sắc thái của bản ngã mà không mắc kẹt trong những ám ảnh luẩn quẩn như khi ‘suy nghĩ quá mức”, cũng không đơn giản hóa hay đè nén những nhu cầu của bản ngã - cạm bẫy mà những người mắc kẹt trong nỗi ám ảnh bận rộn thường rơi vào.

Một kiểu tự quán chiếu thứ hai cũng là trung điểm của hai thái cực.Vì suy nghĩ thái quá không phải là dạng “tự quán chiếu tiêu cực” duy nhất; xu hướng hoài cổ thái quá cũng thế. Đấy là khi ta nhớ lại quá khứ, thường là của chính mình, như một cách tự nuông chiều cảm xúc, để đắm mình trong quá khứ đấy, hay một phiên bản đã được tô hồng của nó.

Còn ở cực đối lập, tôi muốn nói tới điều chúng ta có thể gọi là “tự quán chiếu mang tính công cụ”, tức kiểu phân tích một chiều về những ưu nhược điểm của bản thân trong cuộc tìm kiếm thành công. Lối “kiểm toán phẩm chất cá nhân” này, vốn đã trở thành cốt lõi của ngành công nghiệp huấn luyện kỹ năng sống và tự cải thiện bản thân (self-help), là tự quán chiếu thiếu chiều sâu.

Ta có thể, và thực ra cần phải, coi tự quán chiếu bản thân nó chính là mục đích, chứ không phải một phép tính thực dụng: “đích đến” của quá trình đó, nếu có một đích đến, thường là nhận ra những nhu cầu, khát khao hay tổn thương vốn là một phần không thể tách rời của bản thể chúng ta, chứ không phải là trở ngại cần phải loại bỏ để phục vụ cho những lợi ích hữu hình ngắn hạn. 

Kiểu tự quán chiếu thứ ba, theo tôi thấy, không phải là trung điểm của hai thái cực, mà là một ý tưởng có tính bổ sung: tự quán chiếu là trạng thái thiền định kiểu tôn giáo, được mở rộng và thế tục hóa.

Thực hành thiền hay phản tư là trọng tâm với hoạt động hành đạo của nhiều tôn giáo, trong Phật giáo (hành thiền) hay Thiên Chúa giáo (tìm kiếm sự giao cảm với Chúa trời khi cầu nguyện). Trong trường hợp Phật giáo, nguyên tắc dẫn đường là loại bỏ những ảo ảnh của cái ngã chấp. Trong Thiên Chúa giáo là gây dựng mối quan hệ giữa bản ngã tội lỗi nhỏ bé với một vị Chúa nhân từ.

Những người không tin đạo cũng có thể thấy kiểu tự phản nội quan đấy phù hợp với họ. Như nhiều tác phẩm của Thích Nhất Hạnh đã cho thấy một bộ hướng dẫn thực hành Phật giáo cơ bản có thể áp dụng cho bất kỳ ai muốn tư nghiệm về những cảm xúc ngầm ẩn khó khăn của cuộc đời (đau khổ hay giận dữ chẳng hạn). Tương tự, thực hành cầu nguyện và suy ngẫm trong Thiên Chúa giáo có thể là hình mẫu để những người không theo tôn giáo vẫn tìm thấy một góc để nhìn vào những khó nhọc của bản ngã và vị trí của nó trong vũ trụ rộng lớn hơn.

Ảnh: Pinterest

Tự quán chiếu và Tự phóng chiếu

Cách diễn giải thứ tư về tự quán chiếu, tôi xin gọi là “khái niệm tương phản”: một đối lập giữa tự quán chiếu (nhìn lại và nhìn vào trong bản ngã một cách sâu sắc) và tự phóng chiếu(ném ta ra bên ngoài và vào trong thế giới hành động, ngôn luận, và các dạng tự khẳng định bản thân khác).

Tự phóng chiếu, vốn khác hẳn tự quán chiếu, rất phổ biến trong đời sống hiện đại.

Chúng ta thấy điều đó trong tính tham danh vọng: ai ai cũng phải phóng lý lịch công việc (CV) của mình lên, tới mức tìm việc đồng nghĩa với biến mình thành một tờ “CV di động”. Chúng ta thấy điều đó trong tính thích khoe tiền của: suy nghĩ ngày càng phổ biến rằng tài sản là thứ phải bày ra cho thiên hạ thấy bằng mọi giá (ngay cả nếu ta chẳng có tài sản gì). Một lần nữa, chúng ta thấy rõ nhất sự tự phóng chiếu trên mạng xã hội: cố gắng vẽ ra hình ảnh bản thân thành đạt và thỏa mãn bằng cách “trưng chúng ta ra trước mọi người”, những hình ảnh được chăm chút để thể hiện rằng ta năng động, hạnh phúc và đang tận hưởng những thành quả cuộc đời.

Đáp lại vô số tiếng nói đòi hỏi chúng ta phải tự phóng chiếu mình “lớn hơn và tốt hơn” - theo quan điểm của tôi, một người muốn cân bằng cần phải vun đắp cảm nhận về chiều sâu của bản ngã. Thực ra tự quán chiếu về cơ bản chính là như vậy.

Như đã nói, đấy không nhất thiết là một thực hành mang tính thần bí, trừu tượng hay “triết học”. Với những ai gặp khó khăn tâm lý, trị liệu tâm lý là một kiểu tự quán chiếu cùng một người khác. Với những người thích giao thiệp, đấy có thể là những cuộc trò chuyện có ý nghĩa cùng một người quen chia sẻ những mối quan tâm hay ý tưởng của ta. Rồi còn có trải nghiệm với nghệ thuật, như tâm trí được khai mở để đón nhận cái đẹp đơn giản bằng việc đọc một cuốn sách. Một cuốn tiểu thuyết thực sự giàu trí tưởng tượng thường cho chúng ta thấy chiều sâu bản ngã của các nhân vật, và do đó khuyến khích chúng ta vun đắp chiều sâu đấy cho chính mình.

Đống đổ nát ở Oybin (kẻ mộng mơ), tranh của Caspar David Friedrich, khoảng 1835. Ảnh: Wikipedia

Tóm lại, tự quán chiếu có vẻ ảm đạm và cô độc nếu chúng ta nghĩ một chiều, cho rằng đó là thứ chúng ta luôn phải tự làm một mình trong một căn phòng trống. Nhưng nhìn rộng ra, cuộc tìm kiếm đấy hoàn toàn có thể thực hiện cùng những người khác, hoặc cùng những cuốn sách hay tác phẩm nghệ thuật.

Trong bối cảnh Việt Nam

Thế giới hiện đại, bao gồm Việt Nam, là một nơi cực kỳ bận rộn, không có mấy thời gian và không gian cho tự quán chiếu. Không gian công cộng ở Việt Nam đông đúc theo cả hai nghĩa; nhiều người và ồn ào, nhưng còn chật chội vì những thông điệp cắt ngang dòng suy nghĩ, giảm đi năng lực tự nhìn nhận của ta. Lần gần đây nhất bạn bước vào một tiệm cà phê mà không nghe tiếng nhạc ầm ĩ tới mức đập tan mọi suy nghĩ là khi nào?

Chúng ta sống trong một thế giới nhiều yếu tố gây xao nhãng, làm giảm năng lực hồi tưởng, suy ngẫm và trầm tư. Ở các đô thị thì đã luôn là như vậy (như các triết gia đã than phiền từ tận thời Khổng Tử và Socrates!). Nhưng ngày nay còn có thêm các thiết bị công nghệ, vốn ngày càng lấy mất sự chú ý của chúng ta, có thể nói chúng được thiết kế để đập vỡ sự chú ý ra thành nhiều mảnh nhỏ. Do đó, duy trì được không gian tinh thần để tự quán chiếu, hay đơn giản là giữ được sự tập trung, có vẻ ngày càng khó khăn.

Cuối cùng là một trở ngại ít rõ ràng hơn với tự quán chiếu: ranh giới mờ nhạt dần của đời sống xã hội và riêng tư, điều đã diễn ra trên khắp thế giới, bao gồm Việt Nam. Ví dụ rõ ràng nhất là tình trạng công việc ngày càng “theo ta về nhà”. Ngày nay, có những vị sếp trông đợi chúng ta phải hồi đáp về công việc gần như 24/7. Nhưng chính những người lao động thật ra cũng có xu hướng tự mình như vậy. Nhiều nhân viên văn phòng ở Việt Nam có các nhóm chat công việc trên đó họ vẫn trao đổi với đồng nghiệp nhiều giờ đồng hồ mỗi ngày, sau khi ngày làm việc đã kết thúc.

Tất nhiên chúng ta không thể bày biện lại hết mọi thứ đồ đạc phục vụ cho mục đích kinh tế và tồn tại trong thế giới này. Công việc đó nặng nhọc quá. Áp lực tài chính, xã hội và tinh thần ngoài kia với chúng ta là rất lớn. Chúng ta cũng không có lựa chọn sống trong một thế giới khác. Nhưng tôi cho rằng chúng ta vẫn có thể cố gắng tìm đường đi giữa các thái cực nêu ở trên và có thể thử một trong rất nhiều dạng tự quán chiếu phù hợp với mình.

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Đừng sống chỉ vì hạnh phúc: Đi tìm lẽ sống của đời mình

    13/07/2019Lê Hà dịchTrong cuốn sách 'Đi tìm lẽ sống' ông viết trong vòng 9 ngày, kể về những trải nghiệm của mình, Frankl kết luận: sự khác biệt giữa những người sống sót và người bỏ mạng tại đây chỉ phụ thuộc vào một điều: lẽ sống...
  • Danh sơn Yên Tử với phái thiền Trúc Lâm

    20/08/2022Nhà văn Hoàng Quốc HảiTrần Nhân Tông hoàng đế (1279 – 1293) đã sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm - một dòng thiền tông thuần Việt Công bằng mà nói, Thiền phái Trúc Lâm đã dựa hẳn vào dân tộc để phát triển nền đạo...
  • Đọc sách để sống trọn vẹn hơn đời sống con người

    21/12/2018Nguyễn Quốc Vương. Dường như trong thế giới sinh vật, con người là một loài hết sức đặc biệt. Một loài luôn tỏ ra không bằng lòng với hoàn cảnh sống và thực tại của bản thân mình. Bởi thế, con người trong suốt chiều dài lịch sử nhân loại đã luôn mải miết đi tìm câu trả lời cho các vấn đề đang đặt ra cả ở trong thực tế lẫn tâm tưởng...
  • "Sống đơn giản cho đời thanh thản"!

    16/07/2021Mạc Văn TrangThực tế đời sống và suy ngẫm trong những ngày đại dịch, thấy hai vợ chồng sống bằng tiền lương hưu khiêm tốn nhưng cảm thấy thật thanh thản, an vui. Rồi bảo nhau trung thành với triết lý: “Sống đơn giản cho đời thanh thản"! Thành thử có đôi điều muốn chia sẻ với các bạn...
  • Thiền sinh

    07/10/2019Nguyễn Tất Thịnh10 cách Thiền Sinh... quả là gần gũi với từng điều nhỏ, từng nhịp sống bình dị dễ thực hiện, nên có ý chia sẻ cùng mọi người...
  • Sống sao cho giá trị?

    12/09/2015Kim Yến thực hiệnĐây là diễn đàn hàng tuần bàn về giá trị sống của nhân vật được chọn của Báo Sài Gòn Tiếp Thị, đồng thời chia sẻ cách nhận diện những giá trị ảo đang ngày càng xâm thực dữ dội vào môi trường sống...
  • Một cách hiểu các bài kệ Xuân của ba thiền sư thời Lý

    19/02/2015Tạ Quốc TuấnMột điều đáng làm chúng ta chú ý là những bài thơ xuân đầu tiên trong văn học Việt-nam mà hiện nay vẫn còn tồn tại lại là những bài kệ xuân của ba thiền-sư thời nhà Lý (1009-1225) là Chân-không, Mãn-giác và Giác-hải...
  • Lợi ích của Thiền

    30/01/2014Đại tá, nhà nghiên cứu Đỗ Kiên CườngKhi môn đồ của một trong những tôn giáo cổ xưa nhất trên trái đất là Phật giáo Thiền tông muốn đạt tới một trạng thái tinh thần cao hơn, họ thường dùng một kỹ thuật đã có từ hơn 5.000 năm trước để biến đổi các trạng thái của ý thức. Đó là thiền định.
  • xem toàn bộ