Thần linh pháp quyền
“Bảy xin hiến pháp ban hành
Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”.
(Hồ Chí Minh)
Pháp quyền về bản chất gắn với “thần linh”. Và người đầu tiên không ngại nói ra điều ấy chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ngoài ra, Chủ tịch Hồ Chí Minh, có lẽ, cũng là người Việt Đầu tiên nói đến pháp quyền. Năm 1919, trong bản yêu sách gửi đến hội nghị Versaille, yêu sách thứ 7 được người đề ra là pháp quyền. Sau này, yêu sách đó được Bác thể hiện thành lời ca: “Bảy xin hiến pháp ban hành. Trăm điều phải có thần linh pháp quyền” (Yêu cầu ca, báo Nhân Dân, ngày 30/1/1977). Điều dễ nhận thấy mà chỉ về “pháp quyền”. Thế thì, cái chúng ta cần là một nền pháp quyền hay là một nhà nước pháp quyền?
Thực ra, thuật ngữ “nhà nước pháp quyền”, có thể, do được dịch từ tiếng nước ngoài nên không thật sáng tỏ về mặt khái niệm. (Thuật ngữ này trong tiếng Nga chắc là “pravavoe goxudarstvo”). Hiện nay, theo nhận thức của đa số người Việt, nhà nước pháp quyền là nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật. So với việc quản lý xã hội bằng mệnh lệnh hành chính, cách hiểu này là một tiến bộ to lớn trong tư duy pháp lý của người Việt. Tuy nhiên, pháp quyền là một cái gì đó vĩ đại và tốt đẹp hơn như thế rất nhiều.
Trong tiếng Anh, không có khái niệm “nhà nước pháp quyền”. Thay vào đó, các nước theo truyền thống Anh – Mỹ chỉ nói đến pháp quyền hay chính xác hơn là nói đến “sự thống trị của pháp luật” (the rule of law) mà thôi. Hai từ “nhà nước” thậm chí không được nhắc tới trong thuật ngữ này. Chính vì vậy, khi dịch khái niệm “nhà nước pháp quyền” của ta sang tiếng Anh, bạn buộc lòng phải biến nó thành một thứ dài lê thê như sau: “nhà nước bị điều chỉnh bởi pháp quyền” (the law governed by the rule ò law) hoặc “nhà nước bị điểu chỉnh bởi pháp luật” (the law governedstate). Trong tiếng pháp khái niệm tương ứng là “nhà nước của pháp luật” (Etat de droit). Chúng ta có thể hiểu: nhà nước không phải là con người, mà là của pháp luật. Sự so sánh các thuật ngữ lòng vòng này cho thấy: tinh thần tối thượng của pháp luật là bản chất của pháp quyền.
Như vậy, về mặt khái niệm, pháp quyền là một phương thức tổ chức xã hội mà trong đó pháp luật giữ vai trò thống trị. Pháp luật đứng trên Nhà nước, trên tất cả các tổ chức kinh tế, chính trị xã hội, các công dân và điều chỉnh tất cả các chủ thể này. Tất cả các chủ thể đều bình đẳng trước pháp luật. Tình trạng một chủ thể chỉ có quyền, còn các chủ thể khác thì chỉ có trách nhiệm là điều không thể xảy ra. Hơn thế nữa, khi có tranh chấp giữa các chủ thể, tòa án bao giờ cũng phải xét xử nhân danh nhà nước thì việc kiện nhà nước sẽ rất khó khăn. Như vậy, nhà nước pháp quyền chỉ nên được hiểu là nhà nước bị điều chỉnh bởi pháp luật, hơn là nhà nước có quyền ban hành pháp luật để quản lý xã hội. Nhân đây, pháp quyền và pháp trị, có lẽ, tương đồng với nhau. Pháp trị đối lập với nhân trị. Nhân trị thì chia thành hai loại; loại độc tài (do một người cai trị) và loại tập thể lãnh đạo (do một tập thể cai trị). Nhân trị không đồng nghĩa với sự xấu xa. Đơn giản, đây chỉ là mô hình tổ chức xã hội có độ rủi ro cao. Lý do là trong hàng ngàn năm, vua Nghiêu, vua Thuấn (những ông vua anh minh và tốt bụng trong truyền thuyết của Trung Quốc) may ra chỉ xuất hiện một lần. Và ngay cả trong trường hợp này, một ông vua anh minh cũng khó có thể anh minh được suốt cả cuộc đời. Thời gian trôi đi, sự anh minh của ngày hôm qua có thể không còn hữu dụng cho ngày hôm nay nữa. Tệ hơn, nò còn có thể làm tê liệt khả năng phản ứng kịp thời trước một thế giới luôn luôn thay đổi. Pháp trị, vì vậy, là mô hình tổ chức xã hội ít rủi ro hơn.
Mọi lý lẽ nói trên về pháp quyền sẽ đi vào ngõ cụt nếu vấn đề sau đây không được lý giải; nhà nước có quyền ban hành pháp luật thì làm sao pháp luật có thể đứng trên nhà nước được? Đây là lúc chúng ta cần tìm lời giải trong khái niệm “thần linh pháp quyền” của Bác. Khái niệm này được làm sáng tỏ trong bản Tuyên ngôn độc lập trứ danh của dân tộc ta. Bác đã mở đầu ánh văn bất hủ này bằng những dòng sau đây: “Tất cả mọi người sinh ra đều bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Như vậy, theo Tuyên ngôn độc lập, các quyền của con người là do tạo hóa ban cho, và những quyền đó là bất khả xâm phạm. Đây là “pháp luật của tạo hóa” (còn được gọi là pháp luật tự nhiên) và là pháp luật cao nhất. Các đạo luật do nhà nước ban hành chỉ là thứ phát. Chúng sẽ bị coi là vô hiệu nều trái với “pháp luật của tạo hóa”. Chính vì vậy, những quyền do tạo hóa ban cho con người bao giờ cũng là phần cầu thành quan trọng nhất của luật hiến pháp. Và các thiết chế bảo hiến được đề ra thực chất là để bảo đảm pháp quyền. Pháp quyền gắn liền với “pháp luật của tạo hóa” là nguyên nhân sâu xa dẫn đến cách gọi “thần linh pháp quyền’. Đây cũng là lý do tại sao tác giả đã khẳng định pháp quyền về bản chất gắn với “thần linh” trong phần đầu của bài viết này.
Đó là điều vô giá mà Chủ Tịch Hồ Chí Minh để lại. Vấn đề là phải biết thắp sáng khối óc của chúng ta bằng tư tưởng của Người. Và sự nghiệm khai sáng nên bắt đầu từ việc nhận thức lại pháp luật là gì, cũng như việc ghi nhận bản Tuyên ngôn độc lập là nguồn quan trọng nhất của Luật hiến pháp Việt Nam.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu MaiHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn