Tìm kiếm danh phận
Với nhận thức khi một giá trị văn hóa nào đó lấn át các giá trị khác thì sẽ không có xã hội hài hòa hạnh phúc, tác giả Nguyễn Văn Trọng, qua bài viết này, muốn thử xem xét một giá trị văn hóa lâu đời của người Việt vốn xuất hiện từ xa xưa do hoàn cảnh lịch sử và vị trí địa-chính trị đặc thù của nước ta: sự tìm kiếm danh phận.
Trước các hiện tượng suy đồi văn hóa trong xã hội nước ta hiện nay, nhiều nhà nghiên cứu cảm thấy hệ thống giá trị văn hóa của ta có vấn đề. Một số người muốn hệ thống lại những thói hư tật xấu của người Việt, phản tư nhìn nhận ra những khuyết tật cố hữu của cộng đồng đặng tìm cách khắc phục chúng. Tuy nhiên cách tiếp cận này khó đem lại kết quả mong muốn, vì khi cái xấu được vạch ra trần trụi thì không ai thấy mình có dính líu đến chúng mà chỉ nhìn thấy chúng ở những người khác. Vả chăng thói hư tật xấu của con người đều mang tính phổ quát, nên có thể thấy chúng biểu hiện ra ở nhiều nền văn hóa khác nhau. Cái xấu chỉ thật sự nguy hiểm khi nó khoác áo một ý tưởng biện minh cho một giá trị văn hóa nhất định. Thế nhưng đối với con người xã hội, giá trị văn hóa không phải duy nhất có một thứ mà là nhiều thứ tốt đẹp khiến người ta phải theo đuổi chúng. Triết học cổ điển phương Tây ngầm giả định rằng những giá trị văn hóa khác nhau không mâu thuẫn với nhau mà hòa hợp với nhau trong một lời giải đáp lý tưởng tổng thể cho xã hội loài người. Triết gia người Anh Isaiah Berlin (1909-1997) trong các công trình nổi tiếng của mình đã chứng minh rằng thực tế không phải như vậy: các giá trị văn hóa có thể không tương thích và xung đột với nhau; khi một giá trị nào đó lấn át các giá trị khác thì sẽ không có xã hội hài hòa hạnh phúc(1).
Với nhận thức như vậy ta thử xem xét một giá trị văn hóa lâu đời của người Việt vốn xuất hiện từ xa xưa do hoàn cảnh lịch sử và vị trí địa-chính trị đặc thù của nước ta: sự tìm kiếm danh phận.
Tìm kiếm danh phận trong quá khứ
Thời kỳ Bắc thuộc nước ta được cai trị như một quận huyện thuộc vùng sâu vùng xa của Trung Hoa. Chính quyền Trung Hoa cử các thái thú đến cai trị. Tình thế ấy khiến những người bản địa cảm thấy bị khinh miệt, bị coi thường bởi các ông quan đến từ phương Bắc, dù trong số những viên thái thú người Hán cũng có những người cai trị tốt được sử sách Việt Nam ca ngợi như Tích Quang, Nhâm Diên triều Hán Quang Vũ. (2) Tình trạng này đã khiến cho Thứ sử Lý Tiến (năm 200) dâng lời tâu lên vua Hán: “Khắp cả thiên hạ đều là bề tôi của vua, thế mà nay làm quan ở triều đình đều là sĩ phu ở Trung Châu cả, chưa từng khuyến khích người ở xa”. Đại Việt sử ký toàn thư (gọi tắt là Toàn thư) nhận xét: “Lời lẽ thiết tha cảm động, lại viện dẫn nhiều bằng chứng.” Toàn thư kể tiếp chuyện Lý Cầm, một túc vệ đài người Việt, rủ 5, 6 người đồng hương, giữa ngày đầu năm các nước triều hội, đến quỳ lạy ở sân điện tâu rằng: “Ơn vua ban không đều”. Hữu ty hỏi vì cớ gì? Cầm nói: “Nam Việt ở xa không được trời che đất chở, cho nên mưa ngọt không xuống, gió mát không đến”. Lời ý khẩn thiết đau đớn. Vua Hán xuống chiếu yên ủi, lấy một người mậu tài nước ta làm Huyện lệnh Hạ Dương, một người hiếu liêm làm Huyện lệnh Lục Hợp (Cầm là người Giao Châu).(3)
Phải trải qua nhiều thế kỷ ý thức tự chủ dân tộc dần dần mới hình thành, được khẳng định trong “tuyên ngôn độc lập” “Nam quốc sơn hà Nam đế cư…” của Lý Thường Kiệt, rồi được phát triển trong “Hịch tướng sĩ” của Trần Hưng Đạo và Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi. Mặc dù vậy, trong động cơ khởi nghĩa của Lê Lợi ta vẫn nghe thấy tiếng gào thét đòi danh phận của một người bị bọn ngoại bang coi thường. Toàn thư ghi lại điều này:
- Vua từng bảo mọi người:
“Ta cất quân đánh giặc, không phải là có lòng ham muốn phú quý, mà chính vì muốn để ngàn năm về sau, người đời biết ta không chịu làm tôi tớ cho bọn giặc tàn ngược.”
…
“Bậc trượng phu sinh ra ở đời phải cứu nạn lớn, lập công to, lưu lại tiếng thơm ngàn năm sau, sao lại chịu hèn nhát để cho người sai khiến?”
Sau khi thành công rồi vị trang chủ vùng núi Lam Sơn - Lê Lợi - cảm thấy không yên tâm với các công thần tài giỏi xuất thân quý tộc như Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo, Nguyễn Trãi. Năm 1427 Lê Lợi đại hội định công ban thưởng cho tướng sĩ. Toàn thư ghi nhận: “Lấy thừa chỉ Nguyễn Trãi làm Quan phục hầu; tư đồ Trần Hãn làm Tả tướng quốc; Khu mật đại sứ Phạm Văn Xảo làm Thái bảo; đều được phong quốc tính.”(5) Năm 1429 Lê Lợi giết Trần Nguyên Hãn. Năm 1431 giết Phạm Văn Xảo. Toàn thư giải thích như sau: “…Thái tổ khi về già có nhiều bệnh, lại thêm Quận vương [Tư Tề] ngông cuồng, bậy bạ, vua thì còn trẻ thơ, mà Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo đều có công lao giúp nước, rất được người đương thời trọng vọng. Nguyên Hãn lại là con cháu nhà Trần và Văn Xảo cũng là người kinh lộ, lo rằng sau này họ có chí khác, nên bên ngoài thì đối xử theo lễ tiết hậu, nhưng trong lòng lại rất ngờ vực hai người…”(6)
Nhưng đối tượng đe dọa vương quyền của nhà vua đâu chỉ có các công thần. Các con của nhà vua đều đăm đăm nhìn vào ngai vàng của vua cha với khát vọng được truyền ngôi. Quận vương Tư Tề bị giáng làm thứ dân. Các cuộc tranh đoạt ngôi vua của các cháu nội Lê Lợi: Bang Cơ, Nghi Dân, Khắc Xương, Tư Thành diễn ra thật khốc liệt.
Có ngoại lệ nào trong lịch sử nước ta hay không? Tôi nghĩ rằng vương triều nhà Trần ở nước ta là một ngoại lệ tích cực. Vương triều Trần đoạt được ngôi vua từ Triều đình nhà Lý đã suy đồi bằng các thủ đoạn vô đạo đức của Trần Thủ Độ theo kiểu mục đích biện minh cho phương tiện. Thế nhưng ông vua khởi đầu của nhà Trần - Trần Thái Tông – lại là một người khá nhân văn, không coi danh phận làm vua là giá trị tuyệt đối. Trước những việc làm thất đức của Thủ Độ, Thái Tông trốn khỏi kinh thành lên núi Yên Tử. Thủ Độ phải dẫn các quan lên Yên Tử ép vua trở về kinh thành. (7) Toàn thư cũng ghi lại một chuyện xảy ra sau khi Thái Tông đã truyền ngôi cho con và trở thành thái thượng hoàng:
Mùa đông, tháng 10, vua cùng anh là Tĩnh quốc Đại vương Quốc Khang cùng vui đùa trước mặt Thượng hoàng lúc bấy giờ mặc áo vải bông trắng. Tĩnh quốc múa điệu của người Hồ, Thượng hoàng cởi áo ban cho Quốc Khang. Vua cũng múa điệu của người Hồ để xin chiếc áo ấy. Quốc Khang nói:”Cái quý nhất là ngôi hoàng đế, hạ thần còn không tranh với chú hai. Nay đức chí tôn ban cho thần vật nhỏ mọn này mà chú hai cũng định cướp lấy chăng?”
Thượng hoàng cả cười nói: “Thế ra mày coi ngôi vua với cái áo xoàng này chẳng hơn kém gì nhau.”(8)
Trong triều Trần không có chuyện anh em tranh ngôi vua mà giết lẫn nhau. Chính vì vậy mà vua Dụ Tông đã ca ngợi Thái Tông khi so sánh ông với vua Đường Thái Tông của Trung Hoa: “...Kiến Thành tru tử Yên Sinh tại/ Miếu hiệu tuy đồng đức bất đồng”.(9) Kiến Thành là anh em với Đường Thái Tông, bị ông này giết vì tranh đoạt ngôi vua. Yên Sinh tức là Trần Liễu - anh em với Thái Tông, nổi loạn chống lại Trần Thái Tông do bị Trần Thủ Độ cướp vợ gả cho Trần Thái Tông, nhưng Trần Thái Tông che chở Trần Liễu không cho Thủ Độ sát hại.
Điểm son này của nhà Trần là do ảnh hưởng của Phật giáo chăng? Tôi không dám cả quyết. Bởi vì Lý Công Uẩn xuất thân từ nhà chùa và được nhiều cao tăng Phật giáo giúp đỡ. Thế nhưng khi Lý Công Uẩn chết, thái tử Phật Mã bị ba người em đem quân vào cung mưu phản. Tướng nhà Lý là Lê Phụng Hiểu phải giết chết một người để dẹp yên. (10)Bản thân Lý Công Uẩn khi lên ngôi hoàng đế đã nhận tôn hiệu dài tới 50 chữ (!) cho oai. Sử gia Ngô Sĩ Liên đã phải thốt lên: “…Bấy giờ bề tôi dâng tôn hiệu đến 50 chữ, thế là không biết kê cứu cổ học mà chỉ biết nịnh vua. Thái Tổ nhận mà không từ, đó là muốn khoe khoang để cho đời sau không ai hơn được. Thế là sai. Sau, tôn Thái Tông cũng đến gần 50 chữ là vì bắt chước ở đây.”(11) Dù sao thì đặc điểm tích cực này của nhà Trần chính là nguyên nhân chủ yếu khiến cho trong giới tinh hoa của thời đó có nhiều nhân vật cao thượng xuất chúng, hơn hẳn những đời sau. Trong tác phẩm “Kiến văn tiểu lục” Lê Quý Đôn có viết một chương “Tài phẩm” đề cập đến chuyện này. Sau khi ca ngợi phẩm cách của 5 người cao sĩ triều nhà Trần (Chu An, Đặng Tảo, Trương Đỗ, Bùi Mộng Hoa, Trần Đình Thâm) Lê Quý Đôn nhận xét:
“Đấy là những người trong trẻo, cứng rắn, cao thượng, thanh liêm, có phong độ như sĩ quân tử đời Tây Hán, thật không phải người thường có thể theo kịp được. Bởi vì nhà Trần đãi ngộ sĩ phu rộng rãi mà không bó buộc, hòa nhã mà có lễ độ, cho nên nhân vật trong một thời có chí khí tự lập, hào hiệp cao siêu, vững vàng vượt ra ngoài thói thường, làm rạng rỡ trong sử sách, trên không hổ với trời, dưới không thẹn với đất. Ôi như thế! Người đời sau còn có thể theo kịp thế nào được! Từ bản triều trở về sau, phong độ ấy dần dần không được nghe thấy nữa.
Tôi thường bàn luận, triều đại Tiền Lê, phong độ sĩ phu đại khái có ba lần biến đổi:
- Hồi Lê sơ, vì sau loạn lạc, nho sĩ thưa thớt. Người đem thân chầu chực trong triều đường như Nguyễn Thiện Tích, Bùi Cầm Hổ, phần nhiều bộc lộ chí khí sáng suốt, có những lời nói quả cảm, còn những người ngao du nơi sông núi như Lý Tử Cấu, Nguyễn Thì Trung, giữ tiết tháo trong trắng, không mơ tưởng đến giàu sang. Đấy là một thời kỳ thay đổi.
- Khoảng giữa niên hiệu Hồng Đức, mở rộng khoa cử, tuyển nhiều nhân tài, sĩ tử tập lối văn bóng bẩy, đục gọt từng câu, mong sao được đỗ để ra làm quan. Nay muốn tìm lấy hạng người khí tiết khảng khái trong thời nay xem ra có phần thưa thớt. Nhưng con đường bổng lộc đã mở ra, thì phương pháp thi cử cũng nghiêm ngặt, người điềm tĩnh được tiến lên, người cầu may bị sàng sảy, cho nên người tại chức ít thói cầu cạnh mà trong nước biết quý danh nghĩa. Đấy là một thời kỳ thay đổi.
- Từ năm Đoan Khánh [Uy mục đế (1505-1509)] trở về sau, lời bàn luận sáng suốt bẵng đi, thói cầu cạnh mỗi ngày mỗi thịnh, người có chức vị ít giữ được phong độ thanh liêm nhún nhường, trong triều không nghe có lời can gián, gặp có việc thì rụt rè cẩu thả, thấy nước nguy thì bán nước để toàn thân, dầu người gọi là bậc danh nho, cũng đều nhận sủng vinh phi nghĩa, rồi nào thơ ca trao đổi, khoe khoang tán tụng lẫn nhau, tập tục sĩ phu thối nát đến thế là cùng, tệ hại biến đổi lần này không thể nào nói cho xiết được.”(12)
Như thế ta có thể kết luận rằng một khi danh phận trở thành giá trị tuyệt đối để mọi người bon chen theo đuổi bất chấp thủ đoạn thì giới tinh hoa cũng tàn lụi và văn hóa phải suy đồi.
Người ta có thể đổ lỗi cho sự độc tôn của Nho giáo, nhất là Tống Nho, đã đoạn tuyệt với căn bản tâm linh của Phật giáo thời Lý Trần. Chắc đó cũng là một nguyên nhân. Nhưng thực ra Nho giáo cũng đòi hỏi ở kẻ sĩ những giá trị đạo đức khe khắt: Phú quý bất năng dâm, Bần tiện bất năng di, Uy vũ bất năng khuất, rồi là tấm lòng lo trước thiên hạ... Có vẻ như giá trị danh phận đã lấn át những giá trị khác. Tất nhiên cũng có những kẻ sĩ chân chính, không đánh đổi các giá trị đạo đức lấy danh phận của triều đình. Ta có một Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm,(13) một La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp(14) đã ứng xử khéo léo tuyệt vời trước các vua chúa đầy bạo lực đang lúc xung đột với nhau dữ dội. Đây là các vị Nho sĩ dấn thân, mong muốn khẳng định danh phận của mình với xã hội, nhưng họ không màng tới cái danh vị của một ông vua nào đó đang đắc thế ban cho họ và như vậy là họ đặt tính mạng mình vào chốn hiểm nguy. Họ tôn thờ các giá trị đạo đức Nho giáo, đặt những giá trị ấy cao hơn các danh vị của triều đình. Nhưng hai ông danh nhân ấy là những ngoại lệ xuất sắc đã thoát chết, những người khác học theo hai ông mà bị chết uổng dưới tay các vua chúa chuyên chế không chịu dung thứ cho nhân cách độc lập của kẻ sĩ, chắc là nhiều hơn. Ta không biết đến họ vì sử sách đâu có ghi chép các trường hợp như thế, mặc dù ít nhất ta cũng biết đến cái chết của Trần Công Xán. Ông này được vua Lê Chiêu Thống và Nguyễn Hữu Chỉnh phái đi trong một đoàn ngoại giao đến Phú Xuân gặp Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ để đòi lại đất Nghệ An. Trần Công Xán giữ được đạo đức “uy vũ bất năng khuất”, nhưng lại bị Nguyễn Huệ giết chết. Sự kiện này được ghi lại trong tác phẩm Hoàng Lê nhất thống chí.(15) Tác phẩm này cũng ghi lại cái chết tự sát cua một nho sĩ khác là Lý Trần Quán. Ông này nhờ học trò của mình giúp chúa Trịnh Đoan nam vương đang chạy trốn quân Tây Sơn, nhưng tên học trò ấy lại nộp chúa Trịnh cho quân Tây Sơn để lĩnh thưởng. Tự thấy mình có trách nhiệm về việc này, Lý Trần Quán đã tự chôn sống mình.(16) Hoàng Lê nhất thống chí cũng cung cấp cho ta một bức tranh thảm hại của kẻ sĩ Bắc Hà sau khi Nguyễn Huệ rút quân về phương nam. Đám quan lại này ngơ ngác không biết nên đến chầu ở cung vua hay đến chầu ở phủ Chúa!
Kể từ khi Lê Thánh Tông thiết lập khuôn mẫu triều đình theo tinh thần Nho giáo của Trung Hoa cho đến khi triều đình nhà Nguyễn để mất nước vào tay thực dân Pháp, trong khoảng thời gian hơn bốn trăm năm ấy, khuôn mẫu tìm kiếm danh phận cho giới tinh hoa Việt Nam hầu như không có gì thay đổi. Bức tranh “tài phẩm” mà Lê Quý Đôn mô tả về cơ bản cũng vẫn là như vậy: một số đông các ông nghè thỏa mãn với danh phận đạt được bằng hư học,“rồi nào thơ ca trao đổi, khoe khoang tán tụng lẫn nhau”. Bên cạnh đó là những sĩ phu có chân tài thực học, luôn luôn phải băn khoăn với câu hỏi về lẽ xuất xử, về chuyện “tùy thời co ruỗi” như lời của Nguyễn Thiếp.
Người ta có thể nói rằng chuyện này quá phổ biến, không phải hiện tượng lạ lùng gì trong các vương triều phong kiến theo kiểu Trung Hoa. Đúng vậy, nhưng những nguyên nhân văn hóa nào tạo ra sự phổ biến ấy? Có thể có nhiều nguyên nhân. Song địa vị tuyệt đối của danh phận trong các giá trị văn hóa mà xã hội đã chấp nhận, hẳn cũng là một trong những nguyên nhân ấy. Các hoạt động văn hóa như cầm kỳ thi họa, các tài nghề thủ công, ngay cả hoạt động kinh doanh làm giàu, tự thân nó chẳng làm cho người tài có được danh phận xã hội. Một thường dân chỉ có thể đạt được danh phận xã hội bằng con đường thi đỗ làm quan. Ngay cả thi trượt cũng vẫn có danh phận khóa sinh và được xã hội tôn trọng hơn “dân bạch đinh”. Triều đình của nhà vua không chỉ nắm quyền lực nhà nước mà còn là người độc quyền ban phát danh phận cho dân chúng. Khi thiếu tiền, triều đình có thể bán danh phận cho những người có tiền. Người bỏ tiền ra mua các phẩm hàm (không có quyền lực kèm theo) không phải chỉ là kẻ chuộng hư danh. Phẩm hàm ấy cho họ một danh phận khiến các chức sắc trong làng không thể đối xử với họ như “dân bạch đinh”. Thân phận “dân bạch đinh” là vô cùng khốn khổ, bất cứ ai cũng có thể bắt nạt họ.
Hồi còn thanh niên đọc truyện “Lều chõng” của nhà văn Ngô Tất Tố tôi luôn thắc mắc về nhân vật cô Ngọc trong truyện. Một cô gái con nhà gia giáo, xinh đẹp, nết na, giỏi công việc. Cuộc hôn ước của cô với anh khóa Long không thành do hai bên gia đình. Sau đó anh khóa Long đỗ ông nghè, võng kiệu đi qua làng. Cô Ngọc dễ thương ấy đã ngất đi vì tiếc cho danh phận vợ ông nghè bị tuột khỏi tay mình. Chuyện thật đáng xấu hổ! Thế nhưng các vị đạo cao đức trọng trong làng và ngay cả người chồng mà cô lấy sau đó là Vân Hạc có vẻ như không thấy đó là chuyện kỳ quái để coi thường cô. Họ đều thông cảm với cô như chuyện thường tình. Vân Hạc cố theo đuổi việc thi cử cũng một phần vì thương vợ, muốn thỏa mãn tâm nguyện ấy của vợ. Chắc đó cũng là thái độ của nhà văn Ngô Tất Tố.(17)
Nhiều người coi chuyện này như thói xấu háo danh của người Việt. Nhưng cũng đã có người phản bác lại rằng danh phận đạt được bằng chính tài sức của mình thì chẳng có gì là xấu. Tôi cũng cho rằng khao khát của con người cá nhân muốn khẳng định danh phận của mình trước xã hội là một nhu cầu nhân bản. Nhưng vì sao trong thực tế lịch sử ở xã hội ta nó lại luôn bộc lộ ra với nhiều nét tiêu cực kèm theo đến thế? Tôi ngờ rằng do nhiều nguyên nhân lịch sử mà giá trị danh phận ở xã hội ta đã bị đẩy lên thành một giá trị tuyệt đối lấn át mọi giá trị văn hóa khác. Ở địa vị tuyệt đối ấy danh phận đã bị méo mó đi, trở thành nỗi ám ảnh của mọi thành viên xã hội.
Cuối thế kỷ mười chín nước ta trở thành thuộc địa của thực dân Pháp với ba chế độ chính trị khác nhau ở ba kỳ. Quá trình đô thị hóa dẫn đến sự xuất hiện văn hóa đô thị cùng với việc tiếp xúc với nền văn hóa Pháp. Có gì mới không trong việc tìm kiếm danh phận của giới tinh hoa?
Như mọi người đều biết trong thời kỳ đô hộ của Pháp đã diễn ra những biến đổi sâu sắc về các giá trị văn hóa truyền thống dưới tác động của những yếu tố mới: sự xuất hiện và phát triển của chữ quốc ngữ thay thế cho chữ nôm, sự xuất hiện và phát triển của báo chí bằng chữ quốc ngữ, sự phá sản của tư tưởng Nho giáo chính thống trước sự công kích của tân học, sự xuất hiện của những nghề nghiệp tự do gắn với sinh hoạt đô thị: nhà báo, nhà văn, nhà xuất bản, họa sĩ, nhạc sĩ… cùng với một số hình thức sơ khai của tổ chức hội đoàn dân sự. Do tình cảnh mất nước nên con đường thi đỗ làm quan đã mất đi tính chính danh. Những người có tài muốn tự khẳng định mình trước xã hội trước hết phải tự tìm cho mình những mục đích sống mới để theo đuổi. Họ phải thuyết phục xã hội về giá trị của những mục đích ấy. Dù họ rất khác nhau: nhà yêu nước hoạt động bí mật, nhà yêu nước vận động cải cách xã hội, nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nghệ sĩ, nhà doanh nghiệp…nhưng họ đều là những người mở đường, những người sáng tạo nên những giá trị mới. Đây là một tình huống tinh thần đặc biệt ở nước ta “có khoảng thời gian tạm thời khi nỗi e sợ đối với sự suy luận phi chính thống mất đi” và “có một nền chuyên chế tinh thần cũ bị xô đổ và chưa có nền chuyên chế mới nào thay thế”.(18) Quyền uy tinh thần của các nhà Nho đã bị xô đổ, nhưng thực dân Pháp chủ yếu vẫn còn đang lo chuyện bình định nên chưa thiết lập được một “cấu trúc thượng tầng” cho chính quyền của họ. Khoảng trống quyền lực tinh thần ấy tạo điều kiện cho những người tài sáng tạo và thiết lập các giá trị văn hóa mới cho cuộc sống đô thị đang hình thành. Tuy nhiên, cũng cần nhận xét rằng những người tài sáng tạo giá trị văn hóa mới vẫn còn ở trong giai đoạn sơ khai tự phát, chưa liên kết được với nhau thành một giới nghề nghiệp để tạo thành một sức mạnh xã hội. Thời kỳ có khoảng trống tinh thần ấy đã chấm dứt cùng với cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945 và cuộc chiến tranh kéo dài sau đó.
mua vé vào Văn Miếu - Quốc Tử Giám để cầu may
trước mùa thi năm nay. Ảnh: Tuổi trẻ
Tìm kiếm danh phận thời hiện đại
Nhìn từ góc độ văn hóa, việc tìm kiếm danh phận ở xã hội ta trong thời kỳ bao cấp không khác với truyền thống lịch sử bao nhiêu, bất chấp những khác biệt rõ rệt giữa ý thức hệ Nho giáo và ý thức hệ xã hội chủ nghĩa: việc ban phát danh phận là thuộc quyền của nhà nước. |
Từ năm 1975 đến nay xã hội ta ở trong tình trạng hòa bình, nhưng những biến động của việc chuyển đổi mô hình từ bao cấp sang kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế đã có những tác động sâu sắc đến đời sống tinh thần của dân chúng cũng như đến việc hình thành các giá trị văn hóa tương thích với cuộc sống đang biến đổi. Trong bài viết này tác giả không định đưa ra những nhận định về các biến đổi ấy vì hai lý do: thứ nhất đó là một chủ đề quá lớn đối với một bài viết ngắn, thứ hai là cần có thêm thời gian để cho những tác động của chúng tới đời sống văn hóa bộc lộ ra đầy đủ. Tác giả chỉ giới hạn trong xem xét một số tác động tới việc tìm kiếm danh phận.
Trước hết là việc hội nhập với thế giới khiến cho trong nhiều năm qua người dân đã có cơ hội đi ra nước ngoài tiếp xúc trực tiếp với các cư dân thuộc các nền văn hóa khác nhau, cũng như đón tiếp hàng triệu khách nước ngoài đến Việt Nam. Việc mở rộng giao lưu quốc tế ấy đã tác động không nhỏ đến thế giới quan của người Việt cũng như việc chọn lựa các giá trị văn hóa của họ. Vì vậy cần đưa ra vài nét về việc tìm kiếm danh phận trong các nền văn hóa lớn khác để đối chiếu. Rất tiếc vì hiểu biết hạn hẹp của mình tôi chỉ đưa ra nhận xét của riêng tôi về việc tìm kiếm danh phận trong nền văn hóa phương Tây mà thôi.
Theo hiểu biết của tôi, trong các xã hội dân chủ phương Tây thời nay quyền lực nhà nước đều chia tách thành các bộ phận khá độc lập với nhau: hành pháp, lập pháp và tư pháp. Với quyền tự do ngôn luận được đảm bảo, các phương tiện truyền thông đã phát triển tạo thành một quyền lực thứ tư nữa. Các hoạt động nghề nghiệp đều được vận hành theo quy định của pháp luật. Những người hoạt động nghề nghiệp đều thuộc một tổ chức nhất định như một cơ quan chính phủ, một doanh nghiệp, một đại học, một bệnh viện… Một tổ chức xã hội đương nhiên hàm ý một tôn ty thứ bậc nào đó cùng với một “luật chơi” nhất định mà những người tham gia tổ chức phải chấp nhận. Từ góc nhìn văn hóa – xã hội, mỗi nghề nghiệp tạo thành một giới xã hội: giới chính khách, giới công chức, giới đại học… Mỗi cá nhân tìm kiếm danh phận trước hết cần đến sự thừa nhận của những người cùng trong một giới nghề nghiệp. Nếu thành tựu của anh ta đủ to lớn, giới truyền thông sẽ khiến anh ta có danh phận xã hội nhất định. Cuộc tranh đua của các cá nhân tìm kiếm danh phận trong mỗi nghề nghiệp đều có sắc thái riêng, đôi khi rất khác nhau. Khốc liệt nhất có lẽ vẫn là cuộc tranh đua giành quyền lực chính trị của giới chính khách. Tuy nhiên, cuộc đấu đá chính trị ở các nước dân chủ chỉ giới hạn trong giới chính trị chiếm một thiểu số trong toàn thể dân chúng. Mặc dù việc tham gia vào giới chính trị luôn mở ngỏ cho mọi người, nhưng đa số người dân lại chọn lựa cho mình những hoạt động nghề nghiệp khác, vì những hoạt động nghề nghiệp khác ấy vẫn thỏa mãn được nhu cầu khẳng định danh phận xã hội của họ. Trong cuộc sống họ luôn phải đụng chạm với chính quyền và những xung đột ấy được giải quyết thông qua pháp luật. Việc tranh đoạt quyền lực chính trị không phải là con đường duy nhất khẳng định danh phận cá nhân. Quyền lực của ngay cả nguyên thủ quốc gia cũng bị giới hạn: một tổng thống không thể dùng uy thế của mình để khiến cho con mình được phong giáo sư ở trường đại học. Trong mỗi hoạt động nghề nghiệp cụ thể cũng chứa đựng cuộc tranh đua giữa các cá nhân để khẳng định danh phận theo những chuẩn mực đặc thù của mỗi nghề nghiệp. Các cuộc tranh đua ấy thường độc lập với giới chính quyền và mỗi cá nhân đều có thể tự do lựa chọn và thay đổi nghề nghiệp của mình. Điều quan trọng là xã hội văn minh hiện đại cung cấp cho con người cá nhân một phổ khá rộng rãi các hoạt động hữu ích để con người tự do lựa chọn theo đuổi cho phù hợp với cá tính của mình. Và một khi các quyền cơ bản của con người đươc pháp luật bảo hộ thì có thể con người cá nhân sẽ đặt câu hỏi cho mình: liệu tôi có nhất thiết phải khẳng định một danh phận nào đấy cho mình trong một giới xã hội nào đó hay không? Liệu tôi có thể lựa chọn cho mình một công việc mà tôi yêu thích và tôi làm việc vì sự yêu thích ấy chứ không để khẳng định một danh phận nào hết cả? Đây lại là một giá trị văn hóa khác mất rồi!
Bức tranh văn hóa-xã hội mô tả ở trên là tình trạng của xã hội văn minh dân chủ ở các nước phương Tây đã phát triển, dẫu trên thực tế vẫn tiếp tục nảy sinh các khó khăn và thách thức đòi hỏi được giải quyết. Xã hội văn minh không phải hình thành được trong một sớm một chiều. Quá trình hình thành của nó được xem như khởi đầu từ thời kỳ Phục hưng dưới tác động của vô số nhân tài hợp thành tầng lớp tinh hoa. Họ là những người sáng tạo, mải mê đi tìm các giá trị chân, thiện, mỹ để khẳng định danh phận của mình trong sự nghiệp rộng lớn của nhân loại, chứ không phải để có được danh phận do các vua chúa hay chính quyền nhà nước nào đó ban phát cho. Thời Khai minh họ cũng xung đột với các vua chúa chuyên chế. Cuộc xung đột ấy đã ảnh hưởng đến tâm trí của dân chúng, tạo ra nhiều biến đổi xã hội dẫn đến sự hình thành xã hội phương Tây ngày nay. Thời hiện đại họ tập hợp nhau trong các nhóm hội nghề nghiệp được hình thành từ những khuôn mẫu phường hội thời trung đại, tự nguyện tuân theo những nguyên tắc hoạt động nghề nghiệp bao gồm cả những giá trị đạo đức bất thành văn. Khi một cá nhân quyết định tham gia vào nhóm hội nghề nghiệp như thế, anh ta sẽ phải tuân thủ theo “luật chơi” của cộng đồng, bất kể động cơ tham gia của anh ta là tìm kiếm danh phận hay khao khát sáng tạo đơn thuần. Chẳng hạn như “luật chơi” bất thành văn của các nhà khoa học là “nghiêm cấm việc khiếu nại trong các vấn đề khoa học lên các lãnh đạo nhà nước hay viện đến sự ủng hộ của quần chúng đông đảo”. (19) Nhưng nghề nghiệp khoa học vẫn tạo cơ hội cho những người tìm kiếm danh phận được thỏa mãn nguyện vọng trong khuôn khổ của các quy tắc nghề nghiệp, thông qua các học hàm, học vị mà cộng đồng khoa học tự đặt ra cho mình.
Qua những gì được trình bày ở trên ta có thể thấy rõ sự khác biệt văn hóa trong tìm kiếm danh phận ở xã hội phương Tây và xã hội truyền thống ở nước ta. Sự khác biệt đó dẫn đến khác biệt về “tài phẩm” của giới tinh hoa. Xã hội chuyên chế kiểu phong kiến Trung Hoa với việc độc quyền ban phát danh phận của Triều đình đã không cung cấp được cho con người cá nhân một phổ rộng rãi các hoạt động hữu ích để anh ta lựa chọn khi muốn khẳng định danh phận cho mình, mà dồn ép mọi người vào con đường độc đạo thi đỗ - ra làm quan. Sự ganh đua khốc liệt trên con đường hẹp ấy dẫn đến thói đố kị và những thủ đoạn triệt hạ lẫn nhau làm tha hóa con người, rồi những hiện tượng nịnh hót triều đình, hối lộ mua danh phận, truy hại người có tài đều từ đó mà ra. Trước cái đám đông ồn ào “thơ ca trao đổi, khoe khoang tán tụng lẫn nhau”, trong lòng chỉ cốt mong sao được thánh thượng để mắt tới, thì việc những người có tư chất thanh cao, có nhân cách độc lập, chọn cho mình một xó riêng để sống một cuộc sống tự tại, ắt cũng là chuyện dễ hiểu.
Nhìn từ góc độ văn hóa việc tìm kiếm danh phận ở xã hội ta trong thời kỳ bao cấp không khác với truyền thống lịch sử bao nhiêu, bất chấp những khác biệt rõ rệt giữa ý thức hệ Nho giáo và ý thức hệ xã hội chủ nghĩa: việc ban phát danh phận là thuộc quyền của nhà nước. Các hội nghề nghiệp như hội nhà văn, hội toán học, hội nhạc sĩ…đều không hình thành tự phát mà do nhà nước lập nên. Các tổ chức nghề nghiệp như bệnh viện, trường học, viện nghiên cứu, đoàn văn công…đều là cơ quan nhà nước, những người làm việc trong các tổ chức ấy đều là viên chức nhà nước được quản lý theo hệ thống “hành chính sự nghiệp”. Các hội đồng xét duyệt học hàm học vị cho các nhà khoa học hay xét duyệt danh hiệu “nghệ sĩ nhân dân”, “nhà giáo nhân dân” đều do nhà nước lập ra. Sự tương đồng ấy khiến cho hành vi tìm kiếm danh phận trong thời kỳ bao cấp rất ít khác biệt với truyền thống lịch sử. Nhà nghiên cứu Trần Đình Hượu đã nhận xét: "Khi cơ chế làm môi trường đó chưa thay đổi căn bản thì con người vẫn tự động thích ứng theo nó, sống theo mẫu người cũ, vẫn nghĩ, vẫn sống theo cách Nho giáo hóa”. (20)
Chuyển sang thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế, các định chế văn hóa thuộc “cấu trúc thượng tầng” cho đến nay (2011) vẫn giữ theo nguyên mẫu thời bao cấp, hầu như không có gì thay đổi. Trong khi đó các thanh niên có học, sống ở các đô thị lớn, đã có nhiều tiếp xúc với văn hóa phương Tây. Những người này tất yếu phải suy nghĩ về những khác biệt văn hóa trong việc tìm kiếm danh phận, đặc biệt là những người trẻ tuổi có tài, du học ở các nước Âu Mỹ trở về. Khác với các nhà Nho có tài trước đây băn khoăn về lẽ xuất xử, về chuyện “tùy thời co ruỗi”, nỗi băn khoăn của họ bây giờ có lẽ là chuyện “đi hay ở lại”. Tôi không có ý khẳng định môi trường văn hóa tìm kiếm danh phận ở phương Tây là tuyệt đối hoàn hảo. Lấy một trường đại học danh tiếng nào đó làm thí dụ: một vị giáo sư thành đạt nào đó đang đứng đầu một bộ môn; thời kỳ sáng tạo đỉnh cao của ông ta đã qua rồi, nhưng ông ta không muốn mất địa vị của mình, ông ta không hào hứng lắm với chuyện tiếp nhận một người trẻ có tài về bộ môn vì sợ anh ta có thể sẽ đoạt chiếc ghế của mình. Thế nhưng nếu ông ta không nhận người tài về bộ môn của mình, ông ta sẽ phải đối mặt với tình thế là thành tích khoa học của bộ môn sẽ kém đi so với các trường danh tiếng khác, ban lãnh đạo nhà trường sẽ không hài lòng với công việc của ông ta. Mặt khác, ông ta trong tư cách là nhà khoa học cần có đồng nghiệp tài giỏi hợp tác để thành công trong nghiên cứu, vì ông ta muốn khẳng định danh phận của mình trong giới chuyên môn. Những nhân tố tích cực ấy có thể giúp ông ta mong muốn tiếp nhận người tài về bộ môn của mình. Nhưng nếu ông ta có thể hối lộ ban lãnh đạo nhà trường để giữ được chiếc ghế của mình như là thứ mong muốn cao nhất, ông ta sẽ không tiếp nhận người tài. Lãnh đạo nhà trường có thể cũng thích nhận hối lộ, nhưng sẽ phải cân nhắc với hậu quả là nhà trường sẽ sa sút uy tín do không thu hút được nhiều nhân tài. Như vậy môi trường tìm kiếm danh phận trong giới khoa học có lành mạnh hay không phụ thuộc nhiều vào tình trạng đạo đức của cả giới, có nghĩa là các thành viên trong giới có xem danh phận hay tiền bạc là những giá trị duy nhất để theo đuổi bằng mọi thủ đoạn hay không. Tình trạng đạo đức của giới khoa học phương Tây không phải lúc nào cũng như nhau. Theo nhận xét của tôi nó đạt đỉnh cao vào thời của A. Einstein, khi mà giới tinh hoa vật lý học có thể nồng nhiệt tiếp nhận công trình của chàng thanh niên vô danh mới 26 tuổi là A. Einstein một cách phóng khoáng bất vụ lợi đến thế. Có thể là do tình trạng khủng hoảng của vật lý học vào lúc đó đã kích thích nhiệt tình nghiên cứu của các nhà vật lý lên đỉnh cao nhất, khiến cho họ dẹp đi mọi ham muốn nhỏ nhen của con người. Thời đại bây giờ e rằng không được như vậy.
Nếu như người trẻ có tài phải băn khoăn với chuyện đi hay ở, thì đối với người bất tài muốn tìm danh phận, cơ hội ở trong nước chưa bao giờ lại rộng mở cho họ đến thế. Cái học Tống nho thời xưa bị các cụ trong phong trào Duy tân chê bai là hư học, nhưng chế độ thi cử thời đó nghiêm khắc thế nào thì ít có ai dám phủ nhận. Thế nhưng hiện nay việc thi cử trong nước thật thê thảm: thi trượt trung học phổ thông trở thành chuyện hi hữu, chức danh giáo sư tiến sĩ cũng xuống giá rất nhiều, có in vào danh thiếp cũng chẳng gây ấn tượng cho ai được nữa. Những người tự cho mình là trí thức cũng như những người được dư luận xã hội xem là trí thức luôn than thở không được sử dụng, bày tỏ mong muốn được lắng nghe, được tham gia phản biện các công trình lớn. Những biểu hiện này nói lên thực trạng nào? Đối với tôi tình trạng này là chuyện khó hiểu vì cũng có thể được diễn giải rằng dân chúng ta nay đã quá giỏi, ai đi học cũng đỗ, rằng nhân tài trong nước quá dư thừa đến nỗi nhiều người không có cơ hội thi thố tài năng, chứ không còn hiếm hoi như thời xưa khiến nhiều ông vua phải xuống chiếu cầu hiền. Khổ một nỗi diễn giải như thế lại mâu thuẫn với tình hình những vụ bê bối xảy ra khắp nơi từ các công sở cho đến các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường học, bệnh viện…
Tình cảnh trớ trêu này phải chăng có nguyên nhân từ nỗi ám ảnh xa xưa về danh phận của cộng đồng người Việt: luôn có mặc cảm bị coi thường, không được thừa nhận. Lòng khao khát muốn khẳng định mình trong con mắt của những người khác dường như vượt quá chừng mực của một nhu cầu văn hóa, lấn át những giá trị đạo đức cơ bản khác về phẩm giá con người, tạo ra những tính cách văn hóa tiêu cực khó bề khắc phục. J.S. Mill đã từng nhận xét về dân tộc có đam mê cai trị người khác mạnh hơn nhiều so với ham muốn độc lập cá nhân, ông gọi đó là dân tộc săn tìm địa vị. Đối với dân tộc như thế “ý tưởng ấp ủ của nền dân chủ chỉ thuần túy là mở cửa mọi công sở cho sự tranh đua của mọi người, thay vì của một ít người”.(21)
---
(1) Isaiah Berlin, Two Concepts of Liberty, in Liberty, Oxford University Press 2002, p 168-217.
(2)Đại việt sử ký toàn thư, NXB KHXH (Hà Nội 1993) (sau đây sẽ gọi tắt là Toàn thư) Tập I, tr.155
(3)Toàn thư, Tập I, tr.161-2.
(4)Toàn thư, Tập II, tr. 240.
(5)Toàn thư, Tập II, tr. 293.
(6) Toàn thư, Tập II, tr. 312.
(7) Toàn thư, Tập II, tr.16.
(8)Toàn thư, Tập II, tr.37.
(9) Toàn thư, Tập II, tr. 41-2.
(10) Toàn thư, Tập I, tr. 248.
(11)Toàn thư, Tập I, tr. 239.
(12)Lê Quý Đôn, Kiến văn tiểu lục, NXB VHTT (2006), tr. 299-300.
(13)Nguyễn Huệ Chi chủ biên, Nguyễn Bỉnh Khiêm, danh nhân văn hóa, NXB VHTT và TT (Hà nội 1991)
(14)Hoàng Xuân Hãn, La Sơn phu tử, NXB Văn học, in theo bản in Minh Tân, 1952.
(15)Ngô gia văn phái, Hoàng Lê nhất thống chí, NXB Văn học, (1996), Tập II, tr. 45-58.
(16) Ngô gia văn phái, Hoàng Lê nhất thống chí, NXB Văn học, (1996),Tập I, tr. 118-122.
(17)Vào những năm 80 của thế kỷ trước trong đợt phong học hàm đầu tiên của nước ta nghe nói cũng có một vị ứng viên nặng ký bị ngất xỉu vì không hội đủ phiếu bầu trong hội đồng chuyên ngành.
(18)J.S. Mill, Bàn về tự do, Nguyễn Văn Trọng dịch, chương II, tr. 87, 88, NXB Tri thức 2005 (in lần thứ ba 2009)
(19)Thomas S Kuhn, The Structure of Scientific Revolutions, The University of Chicago Press, (Chicago and London, 1996) p.168.
(20) Trần Đình Hượu, Đến hiện đại từ truyền thống, (NXB Văn hóa, in lần thứ hai, 1996) tr.10
(21)J.S. Mill, Chính thể đại diện, Nguyễn Văn Trọng và Bùi Văn Nam Sơn dịch, NXB Tri thức 2007, tr.145,146
Nội dung khác
Kế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị Quý