Một số quan điểm về tính khách quan, chân thật trên báo chí hiện nay
Về lý thuyết, uy tín và hiệu quả của báo chí phụ thuộc vào tính khách quan, chân thật của những thông tin mà nó đem đến cho công chúng. Một tờ báo đưa tin sai, dù sau đó đính chính, sẽ tự hạ thắp vị trí của mình trong lòng độc giả. Một nhà báo viết sai sự thật, chẳng những vi phạm đạo đức nghề nghiệp mà còn gây tổn hại rất nhiều cho xã hội, sẽ bị xã hội tẩy chay, lên án. Khách quan, chân thật là nguyên tắc hàng đầu của báo chí.
Những thế mạnh nổi bật
Nhà báo Hữu Thọ, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hoá Trung ương, nguyên Tổng biên tập báo Nhân Dân nhận định: Khách quan, chân thật của thông tin bao giờ cũng là vấn đề hết sức cơ bản. Thông tin khách quan nhưng qua “bộ lọc” của người thông tin mang màu sắc chủ quan nên không thể chỉ có khách quan. Tức là bản thân sự thật là khách quan. Ta có tiếp cận nó hay không? Sự thật có nhiều mặt, nhiều chi tiết, ta quan tâm đến mặt nào và thông tin nó theo quan điểm nào? Khi thông tin thành hàng hoá, nó có mối quan hệ giữa khách quan và chủ quan chứ không khách quan thuần túy. Vấn đề là nhà báo khai thác khía cạnh nào của thông tin và thổi vào đấy thông điệp gì? thế có nghĩa là có yếu tố chủ quan.
Sự thật khác chân thật. Cho nên cũng một sự thật diễn ra nhưng bản chất nó là cái gì? Phát hiện bản chất sự thật mới là chân thật. Cũng theo nhà báo Hữu Thọ: Sự thật được thông tin bao gồm cả khách quan và chủ quan. Không có khách quan chủ nghĩa.
Nói về khía cạnh nhạy cảm của báo chí nhà báo Hữu Thọ coi chân thật là vấn đề cơ bản của thông tin và người làm báo nào cũng phải quan tâm. Tuy nhiên, không phải sự thật nào cũng thông tin bởi trách nhiệm của một công dân, người làm báo phải biết đặt sự ổn định của đất nước lên trên. Người làm báo phải biết đặt vấn đề trong tổng thể phát triển bên cạnh rất nhiều sự kiện tốt nữa thì mới thành chân thật, thành bức tranh chân thật. Sự thật có thể nhìn thấy nhưng chúng ta phải suy ngẫm, nghiên cứu tìm ra bản chất sự thật mới là thông tin. Vấn đề này, ông Lê Quốc Trung, Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam đánh giá: Đại bộ phận cơ quan báo chí tôn trọng tính khách quan, chân thật trong thông tin. Các nhà báo đều giữ được “Quy ước tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp của báo chí Việt Nam”. Đảng, Nhà nước, Chính phủ rất quan tâm theo dõi thông tin trên báo chí. Từ những thông tin trên báo chí, tác động đến dư luận, lập tức Chính phủ đã yêu cầu cơ quan, đơn vị phải làm rõ sự việc khi báo chí thông tin. Để có được vị trí và ưu thế như vậy có yếu tố hết sức quan trọng đó là báo chí giữ được tính khách quan, chân thật trong thông tin.
Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Hữu Lượng thì cho rằng: Bất kể cơ quan báo chí nào trong nước và nước ngoài đều phải đảm bảo tính khách quan khi thông tin, đó là tiêu chí hàng đầu của báo chí. Nhưng khách quan, chân thật phải phù hợp với lợi ích quốc gia, của nhân dân. Làm thế nào để thông tin khách quan, chân thật? Điều đó phụ thuộc vào bản lĩnh và trình độ của phóng viên.
Ông Nguyễn Khắc Thuyết, ủy viên Ban biên tập Báo Nhân Dân chia sẻ: “Thông tin chính xác là phản ánh đúng bản chất sự kiện diễn ra được thông tin trung thực, khách quan, không suy diễn, không tô hồng, bôi đen, qua đó giúp bạn đọc nhận biết được các sự kiện diễn ra một cách khách quan, chân thực”.
PGS, TS. Đinh Văn Hường, Trưởng khoa Báo chí - Trường Đại học Quốc gia Hà Nội quan niệm: Khách quan, chân thật là nguyên tắc, cũng là yêu cầu bắt buộc của người làm báo. Tuy nhiên, nguyên tắc tính khách quan, chân thật giữa bản chất lý luận và thực tiễn vẫn có độ chênh nhất định. Về bản chất của nó báo chí phản ánh thông tin sự kiện khách quan, chân thật như vốn có của nó trên thực tế. Tuy nhiên, mỗi sự kiện, hiện tượng lại có bản chất, hiện tượng riêng. Người viết báo cần hiểu đúng về sự kiện này. Nói về sự thật không chỉ có báo chí cách mạng mà báo chí tư bản, báo chí các nước đều đưa sự thật. Nhưng sự thật ở đây bảo vệ lợi ích cho ai? Với ai? Khách quan, chân thật là tính bắt buộc, nguyên tắc của người làm báo. Tuy nhiên, chỉ hiểu sự thật có gì nói đấy chưa hẳn đúng. Có sự thật đưa ra phù hợp, có sự thật lại phản tác dụng...
2. Một số hạn chế cần được khắc phục
“Một bài báo thông tin sai, thiếu chính xác không chỉ đánh mất uy tín của người viết, giảm lòng tin của bạn đọc đối với tờ báo, mà nhiều khi còn gây tác hại không nhỏ đối với đời sống xã hội” (1).
Thông báo kết luận số 162- TB/TW, ngày 1. 12. 2004 của Bộ Chính trị về một số biện pháp tăng cường quản lý báo chí trong tình hình hiện nay đã khẳng định những yếu kém, khuyết điểm: “Một số tờ báo đăng những thông tin sai sự thật, suy diễn thổi phồng, khoét sâu các thiếu sót khuyết điểm, đăng cả những thông tin mật của Đảng và Nhà nước, gây thiệt hại cho sản xuất, kinh doanh; gây khó khăn cho sự chỉ đạo điều hành của Nhà nước; để các thế lực thù địch lợi dụng bôi nhọ, đả kích, chống phá ta. Nlliều trường hợp đưa tin sai, nhưng khi biết là sai vẫn không cải chính, hoặc cải chính không nghiêm túc. Khai thác và sử dụng thông tin của báo chí nước ngoài thiên chọn lọc, trái với quan điểm, đường lối của Đảng và Nhà nước”.
Tại Hội nghị sơ kết hai năm thực hiện Thông báo kết luận số 162 TB/TW của Bộ Chính trị về một số biện pháp tăng cường lãnh đạo, quản lý báo chí trong tình hình hiện nay tại Quảng Ninh, ngày 8.1.2007, ông Lê Quốc Trung, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu đã nhấn mạnh đến những yếu kém làm ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của báo chí: “Đa số các hội viên Hội Nhà báo có phẩm chất đạo đức tốt, đứng vững trong cơ chế thị trường, nhưng cũng còn một số hội viên đã bị tác động tiêu cực của mặt trái cơ chế thị trường, đưa tin không chính xác, thiếu khách quan, chạy theo lợi nhuận báo chí... có người còn xa sút về phẩm chất, vi phạm pháp luật”.
Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông, Đỗ Quý Doãn: thông tin sai sự thật vẫn tiếp tục diễn ra nhưng chậm được khắc phục, thể hiện chủ yếu ở mảng bài viết về các vụ án”.
Thiếu tướng Hữu ước, Tổng Biên tập báo Công an nhân dân cho rằng: “Khi nhìn lại nguyên nhận sai phạm của các báo thấy có phần trách nhiệm của các cơ quan lãnh đạo, quản lý, cụ thể là sự chậm trễ, thiếu tính chủ động trong định hướng thông tin đối với một số vụ việc, ngay cả khi một số tờ báo có dấu hiện quá trớn lợi dụng diễn đàn không có lợi cho sự nghiệp các mạng của Đảng”.
“Phấn đấu cho thông tin chân thật là công việc thường xuyên với người cầm bút. Người viết phải có động cơ trong sáng, kiến thức rộng, phương pháp, có tấm lòng nhân hậu và đạo đức nghề nghiệp. Có thể vì chạy đua “đưa tin nhanh”, dẫn tới thông tin, đánh giá vội vàng, làm sai lạc bản chất sự thật. Tránh hiện tượng vì lợi lộc thân quen, oán thù mà ngòi bút thiên vị, làm sai lạc sự thật thậm chí xuyên tạc sự thật... Chỉ có chân thật - theo đúng nghĩa của nó - người làm báo mới trở thành người tin cậy của bạn đọc, và là người có trách nhiệm với xã hội”.
Việc vi phạm tính khách quan, chân thật trên báo chí còn nhiều nguyên nhân khác như do áp lực về số lượng bài vở, do chế độ lương, nhuận bút chưa đảm bảo cuộc sống. Đặc biệt trong điều kiện “văn hoá phong bì” phát triển, cũng ảnh hưởng tới đạo đức nhà báo. Còn nguyên nhân chủ quan như nhạy cảm chính trị, nghề nghiệp hoặc xu hướng thương mại hoá cũng dẫn đến sai sự thật thông tin.
3. Nguyên tắc hành nghề báo chí
Nguyên tắc hành nghề báo chí từ lâu được coi trọng, đặc biệt trong điều kiện của nền kinh tế thị trường hiện nay. Theo nhà báo Hữu Thọ: Cuộc đời người làm báo suốt đời thu thập thông tin, xử lý thông tin vật chất hoá thành những tác phẩm báo chí. Thông tin nhiều nhưng xử lý bằng cách nào mới là quan trọng. Thâm nhập thực tế, nhà báo phải trang bị lý luận, phương pháp, kiến thức, động cơ. Thiếu những điều kiện đó sẽ không dám khẳng định Cái tốt không dám ủng hộ, cái xấu không dám phê phán.
Khi trao đổi nhà báo Phan Quang đã đề cập đến nguyên tắc hành nghề báo chí hiện nay,
theo ông nhà báo phải nghiên cứu thực tế, kiểm tra thông tin, cân nhắc lật đi lật lại vấn đề trước khi thông tin. Như vậy thông tin mới đạt tới khách quan, chân thật.
Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hoàng Hữu Lượng cho rằng: Nếu nói về nguyên tắc hành nghề báo chí hiện nay, việc vi phạm nguyên tắc do trình độ nghề nghiệp của nhà báo chưa vững chắc. Mỗi thông tin đòi hỏi cả hai yếu tố nghiệp vụ báo chí, chuyên ngành. Một phóng viên viết về chứng khoán phải vừa có nghiệp vụ báo chí vừa có trình độ về chứng khoán.
PGS, TS. Đinh Văn Hường khẳng định: Làm báo trước hết phải đưa sự thật, đưa đúng, nhưng vấn đề đưa sự thật vào thời điểm nào? Lúc nào? Mức độ bao nhiêu tùy thuộc vào ý đồ, bản lĩnh của nhà báo và tòa soạn báo. Đó là nguyên tắc hành nghề. Vì đánh mất nguyên tắc này công chúng không tin báo chí. Một trong những cái tạo niềm tin cho công luận là phải nói thật, nói đúng. Nói đến nguyên tắc hành nghề báo chí là cả một hệ thống từ nguyên tắc tính đảng, tính nhân dân,... nguyên tắc nào cũng quan trọng và móc xích với nhau. Không thể nói nguyên tắc này quan trọng hơn nguyên tắc kia. Báo chí là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống xã hội hiện nay, điều đó càng đúng và có ý nghĩa hơn khi xã hội ngày càng phát triển và để đáp ứng tốt hơn nguyện vọng và nhu cầu của công chúng thì báo chí cần phải hoàn thiện và phản ánh đúng với bản chất của nó. Tính khách quan, chân thật hơn lúc nào hết luôn là nguyên tắc quan trọng để tạo dựng thương hiệu và niềm tin của tờ báo và nhà báo với công chúng.
Khách quan, chân thật của thông tin được coi là uy tín, sự tồn tại của tờ báo và mỗi nhà báo trong lòng độc giả. Điều đó đòi hỏi mỗi tờ báo, nhà báo phải có trách nhiệm phát huy, giữ gìn và tôn trọng tính khách quan, chân thật trên báo chí. Coi đó là cẩm nang quan trọng để tạo niềm tin đối với công chúng báo chí hiện nay. Nguyên nhân vi phạm tính khách quan, chân thật của báo chí hiện nay trước hết thuộc về phóng viên, biên tập. Trong quá trình hành nghề chúng ta phải luôn rút kinh nghiệm để trau dồi bản lĩnh và nâng cao trình độ nghiệp vụ.
Từ những nguyên nhân chủ quan và khách quan, từ những suy nghĩ về nguyên tắc hành nghề báo chí của các nhà báo lão thành, nhà quản lý và khoa học, để tiếp tục nâng cao trình độ chính trị và năng lực thực hành đạo đức nghề nghiệp của các nhà báo để tiến tới mục tiêu thông tin chân thật “đúng, trúng, hay”, phục vụ sự nghiệp đổi mới đất nước trong điều kiện hội nhập và toàn cầu hoá.
(1) Tăng cường lãnh đạo, quản lý tạo điều kiện để báo chí nước ta phát triển mạnh sẽ, vững chắc trong thời gian tới, Nxb Lý luận- Chính trị, Hà Nội.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu Đổng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015Bài học cuộc sống từ "Vua hề Sác-lô"
07/12/2015