Toàn cầu hóa và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam

08:03 SA @ Thứ Tư - 15 Tháng Tám, 2007

Hiện nay, toàn cầu hóa kinh tế là một xu hướng nổi trội và do đó đã trở thành môi trường của các cuộc cạnh tranh gay gắt giữa các nước trên phạm vi toàn thế giới. Tuy thế, giữa các nước và các bộ phận xã hội ở mỗi nước vẫn đang tồn tại sự khác biệt đáng kể về nhận thức cũng như trong hành động trước toàn cầu hóa. Những nước và các nhóm xã hội yếu thế thường bị thua thiệt do tác động từ những mặt trái của toàn cầu hóa và luôn phản đối nó hoặc trong tâm thế thích ứng bị động. Trong khi đó, những nước và những người có sức mạnh chi phối toàn cầu hóa lại coi nó là cơ hội mang lại sự tiến bộ cho mình và ra sức tận dụng những mặt tích cực của nó. Cho dù vậy, toàn cầu hóa vẫn đã và sẽ diễn ra, chi phối dưới hình thức này hay khác, với các mức độ khác nhau đối với tất cả các lĩnh vực kinh tế và xã hội của hầu hết các nước, nếu nhìn về dài hạn.

Trong bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập một số khía cạnh về ảnh hưởng của toàn cầu hóa kinh tế đến quan hệ cạnh tranh.

1. Tác động của toàn cầu hóa kinh tế đến cạnh tranh quốc tế

Do ảnh hưởng của toàn cầu hóa, nền kinh tế thế giới hiện nay đang chuyển thành một hệ thống liên kết ngày càng chặt chẽ thông qua các mạng lưới công nghệ thông tin. Toàn cầu hóa đòi hỏi các quyết định kinh tế, dù được đưa ra ở bất kỳ nơi nào trên thế giới, đều phải tính tới các yếu tố quốc tế. Từ cuối thế kỷ XX trở lại đây, sự chuyển dịch hàng hóa, dịch vụ và các nguồn vốn đầu tư giữa các nước gia tăng ngày càng nhanh, tạo ra sự biến đổi về chất so với trước đây.

Xu thế mới nhất trong sự phát triển của nền kinh tế thế giới và cũng là xu thế cơ bản của cạnh tranh quốc tế ngày nay là một mặt, tất cả các nước đều phải gia tăng thực lực kinh tế của mình và lấy đó làm điểm tựa chính để mở rộng khả năng tham dự vào cuộc cạnh tranh ngày càng quyết liệt trên phạm vi toàn cầu; mặt khác, cuộc cạnh tranh quốc tế lấy thực lực kinh tế làm cốt lõi có xu hướng ngày càng quyết liệt đó cũng khiến cho nền kinh tế thế giới phát triển theo hướng quốc tế hóa và tập đoàn hóa khu vực.

Toàn cầu hóa kinh tế và nhất thể hóa kinh tế khu vực làm gia tăng sự liên kết trực tiếp giữa các doanh nghiệp của các nước, nhưng đồng thời cũng buộc các doanh nghiệp phải trực tiếp cạnh tranh với nhau ngày càng gay gắt. Tuy nhiên, toàn cầu hóa hoàn toàn không phải là "trò chơi" hai bên đều thắng, mà nó thường gây ra hiệu ứng hai mặt. Có những khu vực, những nước và doanh nghiệp giàu lên nhanh chóng nhờ toàn cầu hóa; nhưng có những khu vực, những nước và doanh nghiệp bị thua thiệt hoặc thậm chí bị đẩy ra khỏi dòng chảy sôi động của thương mại và đầu tư quốc tế. Ngày nay, muốn tránh thua thiệt và được hưởng lợi trong cạnh tranh quốc tế, thì vấn đề cốt lõi là phải tăng cường thực lực kinh tế và chủ động hội nhập.

Động lực của toàn cầu hóa chính là lợi ích mà các lực lượng tham dự có thể thu được nhờ vào sự mở rộng thương mại hàng hóa, dịch vụ và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Việc mở rộng này là hoàn toàn phù hợp với công nghệ đang thay đổi, làm giảm chi phí vận tải và thông tin liên lạc quốc tế, tạo điều kiện cho việc khuyếch trương các hoạt động sản xuất và tiếp thị trên khắp thế giới. Song, do khởi điểm mà các nước gia nhập quá trình này rất khác nhau, lợi ích mà họ thu được từ toàn cầu hóa và tự do hóa không thể ngang nhau. Những nước kém phát triển nhất hoặc những nhóm xã hội yếu thế do hạn chế về năng lực cung ứng các nguồn lực, họ không được lợi trong thương mại. Trong lúc nhiều quốc gia thuộc nhóm đang phát triển đã mạnh dạn áp dụng chính sách mở cửa, thu hút FDI và đẩy nhanh thương mại, nhờ đó đã rút ngắn được khoảng cách so với các nước phát triển.

Cho dù đã và sẽ còn những nghi ngại đối với toàn cầu hóa, nhưng không thể phủ nhận và né tránh ảnh hưởng khách quan của nó đối với tất cả các nước. Trong tiến trình toàn cầu hóa, chắc chắn là cạnh tranh quốc tế sẽ ngày càng mạnh mẽ và quyết liệt hơn. Xu hướng này liên quan đến hàng loạt nhân tố, đó là : sự ra đời của thị trường toàn cầu; sự ra đời với tốc độ nhanh chóng của hàng loạt công ty mới giàu tinh thần lập nghiệp và năng lực sáng tạo kinh tế; sự xuất hiện liên tục của những kỹ thuật mới và thị trường mới; sự gia tăng thường xuyên sức ép trên thị trường chứng khoán đối với giá cổ phiếu; sự rút ngắn vòng đời của sản phẩm và sự nhất thể hóa kinh tế có hiệu lực về mặt pháp lý... Ngày nay, bất kỳ chủ thể nào muốn trụ vững và giành thắng lợi trên thị trường khu vực và thế giới, đều phải tính toán đầy đủ các nhân tố đó khi thiết kế và thực hiện chính sách cạnh tranh.

2. Về một số vấn đề liên quan đến ViệtNam

Phát triển đất nước theo đường lối đổi mới, Chính phủ Việt Nam ngày càng nhận thấy rõ hơn sự cần thiết phải tham gia vào quá trình toàn cầu hóa kinh tế và cạnh tranh quốc tế. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001 - 2010 nêu rõ, phải "Chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, tranh thủ mọi thời cơ để phát triển... Trong quá trình chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, chú trọng phát huy lợi thế, nâng cao chất lượng, hiệu quả, không ngừng tăng năng lực cạnh tranh và giảm dần hàng rào bảo hộ". Báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10-2003) Quốc hội khóa XI, cũng thẳng thắn thừa nhận: Tăng trưởng kinh tế trong ba năm vừa qua (2001 - 2003) chủ yếu vẫn theo chiều rộng, tăng về số lượng, nhưng chậm chuyển biến về chất lượng... Nhìn chung, sức cạnh tranh và hiệu quả của doanh nghiệp và nền kinh tế đều thấp. Từ đó nhấn mạnh một trong các giải pháp lớn là "phải tạo bước phát triển mới về kinh tế đối ngoại... Năm 2004 phải có bước đi mạnh mẽ hơn, với quyết tâm cao về chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Đi đôi với việc thực hiện cam kết về lộ trình tham gia Khu vực Mậu dịch tự do Đông Nam Á (AFTA) và phát triển các quan hệ kinh tế song phương, cần đẩy mạnh đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) với phương án thích hợp để sớm trở thành thành viên của tổ chức này".

Như vậy, quyết tâm về mặt chính trị đối với vấn đề tham gia quá trình toàn cầu hóa kinh tế của Việt Nam đã rõ. Nhưng phân tích về thực chất cho thấy Việt Nam vẫn còn nhiều vướng mắc liên quan đến việc tham gia vào quá trình toàn cầu hóa kinh tế.

Một là, những vướng mắc về nhận thức.

Hiện thời, ngay trong giới nghiên cứu và hoạch định chính sách ở cấp chiến lược, vẫn còn nhiều bàn cãi về vấn đề nên hội nhập như thế nào. Gắn liền với câu hỏi lớn này là hàng loạt vấn đề cụ thể vẫn chưa có đáp án mạch lạc: Tốc độ tự do hóa nên như thế nào? Phải chăng cần trì hoãn quá trình tự do hóa để các doanh nghiệp hiện tại có thời gian thực hiện cơ cấu lại và chuẩn bị sẵn sàng cho cạnh tranh quốc tế? Nên hay không nên phân kỳ tự do hóa trên cơ sở căn cứ vào quá trình phát triển các thể chế cần có cho một nền kinh tế thị trường hiện đại? Phương thức hội nhập nên như thế nào: thông qua việc tham gia vào các hiệp định đa phương, khu vực và song phương, thông qua việc đơn phương tự do hóa, hay thông qua việc kết hợp các yếu tố này? Để bổ trợ cho tự do hóa thương mại và đầu tư nhằm tối đa hóa các lợi ích và giảm thiểu các rủi ro thì cần có những biện pháp nào?

Hai là, những vướng mắc trên thực tế thể hiện ở một loạt chỉ tiêu so sánh khả năng cạnh tranh.

Về khả năng cạnh tranh trong xuất khẩu và du lịch (bao gồm kim ngạch xuất khẩu; kim ngạch xuất khẩu tính theo đầu người; tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu tính theo đầu người, thu nhập từ du lịch tính theo đầu người; tổng kim ngạch dịch vụ xuất khẩu).

Về khả năng cạnh tranh đầu tư (liên quan đến các chỉ số: hoàn thành vốn gộp, tổng đầu tư cố định của tư nhân, tăng trưởng tổng đầu tư trong nước, đầu tư nước ngoài thuần-tính theo tổng số và trên đầu người): Tổng đầu tư nội địa của Việt Nam đạt tỷ lệ 25% GDP, tuy có cao hơn mức trung bình của khu vực ASEAN (23 - 24%), nhưng đầu tư nước ngoài (FDI) còn thấp hơn rất nhiều so với nhiều nước trong khu vực, như Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Singapore. Suất đầu tư cho tăng trưởng (hệ số ICOR) của Việt Nam tăng nhanh và ở mức cao.

Về khu vực tài chính (liên quan đến các chỉ số: tiền và tiền tương đương được tính bằng % của GDP; tín dụng trong nước từ khu vực ngân hàng; tín dụng cấp cho khu vực tư nhân; đánh giá mức độ rủi ro trong tín dụng quốc tế ; tổng tiết kiệm trong nước). Tuy nhiên, khu vực tài chính trong nước hiện nay vẫn ở tình trạng kém phát triển, chưa có khả năng cung cấp tín dụng để hỗ trợ cho sự phát triển của khu vực tư nhân. Tín dụng trong nước được khu vực ngân hàng cung cấp còn ở mức thấp; mức độ rủi ro trong tín dụng quốc tế xếp ở mức 79/127 nước.

Về môi trường vĩ mô (bao gồm các chỉ số: lạm phát, thâm hụt ngân sách, tổng thương mại, thuế nhập khẩu, tiền thu từ tư nhân hóa): Phần lớn các chỉ số về chính sách vĩ mô của Việt Nam được đánh giá ở mức trung bình, riêng thuế nhập khẩu vẫn ở mức 26% - mức quá cao so với yêu cầu của WTO (từ 13 đến 15%).

Về quy chế môi trường kinh doanh (bao gồm các chỉ tiêu: số lượng doanh nghiệp mới thành lập, về xử phạt hành chính; chỉ số về nhận thức tham nhũng, chỉ số về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, về xử lý quan liêu của Chính phủ, mức độ hoạt động của kinh tế ngầm, chỉ số về tự do kinh tế) : Theo phân loại của Diễn đàn Kinh tế thế giới, Việt Nam được xếp ở nhóm thấp về thành tích trong quy chế hành chính, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, về sự quan liêu hành chính và mức độ mở cửa của nền kinh tế. Quốc hội khóa XI đã thông qua Luật Doanh nghiệp nhà nước (sửa đổi), nhưng dư luận xã hội cho rằng luật này chưa đáp ứng được các đòi hỏi bức xúc của thực tiễn hiện nay: chưa tăng quyền tự chủ, tự hạch toán kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước, chưa xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản, cơ chế bao cấp, "xin cho" và các đặc quyền đặc lợi khác (khoanh nợ, dãn nợ, xóa nợ, bù lãi suất tiền vay...). Đây chính là những kẽ hở, là nguyên nhân chính dẫn đến tâm lý phổ biến của các doanh nghiệp nhà nước là trông chờ, ỷ lại vào sự trợ giúp của Nhà nước, không muốn vươn lên bằng cạnh tranh lành mạnh. Những hạn chế này cũng là một căn nguyên làm tăng thêm nạn tham nhũng và tiêu cực vốn còn đang rất nghiêm trọng trong nhiều doanh nghiệp nhà nước hiện nay.

Về khả năng cạnh tranh trong khoa học và công nghệ (bao gồm các chỉ tiêu: số lượng tiến bộ công nghệ được ứng dụng, số kỹ sư và nhà khoa học trên một triệu dân, tổng chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển): Theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới, Việt Nam có điểm rất thấp về sự tiến bộ công nghệ. Hoạt động nghiên cứu khoa học - công nghệ vẫn dựa chủ yếu vào ngân sách nhà nước. Chưa phân biệt rõ hoạt động nghiên cứu cơ bản cần được Nhà nước tài trợ với hoạt động nghiên cứu ứng dụng mà sản phẩm nghiên cứu phải trở thành hàng hóa, được tạo nguồn kinh phí từ người sử dụng các sản phẩm đó. Môi trường kinh doanh và sự phát triển ít coi trọng chất lượng và còn mang nhiều yếu tố bao cấp nên chưa tạo được động lực và sức ép buộc mọi doanh nghiệp chăm lo đổi mới công nghệ, tìm đến các cơ sở khoa học, công nghệ.

Về công nghệ thông tin và truyền thông (bao gồm các chỉ tiêu: số máy tính cá nhân trên 1000 người; số thuê bao internet; chi phí gọi điện thoại trong nước và quốc tế; xếp hạng về sự sẵn sàng trong kinh doanh điện tử...): Nếu so với trước đây, tốc độ tăng trưởng công nghệ thông tin của Việt Nam những năm qua là khá nhanh; nhưng so với các nước khu vực ASEAN và nhất là các nước phát triển, Việt Nam vẫn được Diễn đàn Kinh tế thế giới xếp ở mức thấp về công nghệ thông tin và truyền thông, do chưa sẵn sàng để kinh doanh điện tử, ít sử dụng thư điện tử và chi phí bình quân của các cuộc gọi trong nước và quốc tế còn cao...

Về kết cấu hạ tầng (bao gồm các chỉ số như đường đã được lát nhựa hoặc bê-tông hóa trên tổng số đường hiện có; số km2 đường được lát tính bình quân theo đầu người, mật độ điện thoại cố định, mật độ điện thoại di động; tiêu thụ điện năng trên đầu người...): Trong những năm gần đây, Việt Nam đã có những nỗ lực lớn để phát triển kết cấu hạ tầng, nhưng vẫn chỉ được xếp ở mức 76/100 nước, chỉ số về tiêu dùng điện bình quân đầu người/năm mới đạt 391 kWh (trong khi Canada là 17.000 kWh/năm, Mỹ là 14.000 kWh/năm, Trung Quốc là 926 kWh/năm, Hồng Công là 5.700 kWh/năm, Nhật Bản là 8.200 kWh/năm, Malaysia là 2.800 kWh, Thái Lan là 1.600 kWh, Singapore 8.100 kWh, Campuchia 20 kWh).

Về nhân lực (bao gồm chỉ số phát triển con người, tỷ lệ lao động nữ, tỷ lệ mù chữ, tỷ lệ không được vào trung học trong độ tuổi, mức rò rỉ chất xám ra nước ngoài): Trong năm 2003, Việt Nam mới chỉ đạt trình độ trung bình yếu về nhân lực, xếp thứ 3,79/10 - đứng cuối cùng trong 13 nước ở khu vực; đáng lo ngại hơn là trình độ tiếng Anh và trình độ tiếp cận công nghệ cao đều còn ở mức cuối bảng.

3. Để nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam

Theo chúng tôi, nguyên nhân khách quan mang tính bao trùm của tình hình là do Việt Nam hiện nay vẫn chưa ra khỏi giai đoạn khởi động của quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường. Nhưng chủ yếu vẫn là do nguyên nhân chủ quan bắt nguồn trực tiếp từ những khiếm khuyết trong hoạt động quản lý nhà nước: Môi trường đầu tư còn nhiều hạn chế chưa đủ sức hấp dẫn, do chưa đủ quyết tâm chuyển mạnh và đồng bộ sang thể chế kinh tế thị trường. Khung pháp lý hiện có chưa đáp ứng kịp nhu cầu hình thành và phát triển của các thị trường thiết yếu, bộ máy quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương chưa đủ sức kiểm soát và ngăn chặn được các "thị trường ngầm" gây nhiều tiêu cực. Trong việc thiết kế và áp dụng các công cụ điều tiết vĩ mô, nhiều cơ quan nhà nước vẫn thiên về lợi ích cục bộ của chính mình, chưa thực sự coi trọng lợi ích và nhu cầu chính đáng của doanh nghiệp và nhân dân. Tình trạng phân biệt đối xử với các thành phần kinh tế vẫn còn khá phổ biến. Những hình thái biến tướng của bao cấp, bảo hộ và độc quyền kinh doanh đang kìm hãm khả năng phát triển của đất nước, nhưng chưa có biện pháp đủ mạnh để khắc phục. Trong một số lĩnh vực, sự độc quyền của Nhà nước bị các tổng công ty lợi dụng để biến thành đặc quyền riêng, biểu hiện ở giá cả của hầu hết sản phẩm hàng hóa và dịch vụ mang tính độc quyền đều cao hơn giá quốc tế, dẫn đến làm tăng chi phí "đầu vào" của các doanh nghiệp. Trong khi đó, chúng ta chưa xây dựng được khuôn khổ pháp lý bảo đảm cho sự cạnh tranh lành mạnh và bình đẳng. Áp lực của hội nhập kinh tế và cạnh tranh quốc tế ngày càng mạnh, nhưng nhiều địa phương và doanh nghiệp vẫn "đủng đỉnh" để trông đợi vào sự đầu tư và bảo hộ của Nhà nước. Nguồn vốn ngân sách đang khan hiếm và tín dụng ưu đãi bị sử dụng dàn trải, thậm chí vẫn bao cấp tràn lan kéo dài cho nhiều doanh nghiệp nhà nước đang làm ăn không có hiệu quả. Cơ quan quản lý nhà nước các cấp nhìn chung vẫn can thiệp sâu vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, trong khi lại bỏ qua hoặc thực hiện không tốt những chức năng đích thực của mình. Biểu hiện cụ thể là: quy hoạch vừa kém chất lượng vừa thiếu hiệu lực, chưa xây dựng được hệ thống thể chế mang tính đồng bộ và thống nhất phù hợp với yêu cầu khách quan của cơ chế cạnh tranh thị trường trong điều kiện toàn cầu hóa, quản lý và sử dụng tài chính cũng như tài sản công còn rất lãng phí - nhất là đối với đất đai, đầu tư công cộng và mua sắm bằng tiền ngân sách...

Những thiếu sót nêu trên cùng với sự yếu kém về kết cấu hạ tầng kỹ thuật có ảnh hưởng rất tiêu cực đến khả năng tham dự toàn cầu hóa kinh tế và cạnh tranh quốc tế của Việt Nam.

Để tăng cường khả năng cạnh tranh quốc tế của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa đang ngày càng tác động mạnh mẽ cần phối hợp trí tuệ của nhiều nhà khoa học và quản lý ở nhiều cấp, nhiều ngành. Ở đây, chúng tôi chỉ xin nêu một số vấn đề chủ yếu.

Trước hết, cần thống nhất nhận thức ưu thế lớn nhất của nền kinh tế thị trường chính là ở tính cạnh tranh. Nói cách khác, cạnh tranh là linh hồn của nền kinh tế thị trường. Vì thế, thủ tiêu hay hạn chế cạnh tranh tức là triệt phá sức sống của nó. Muốn có kinh tế thị trường theo nghĩa đích thực phải bảo vệ và duy trì cạnh tranh bằng các thể chế cần thiết, đặc biệt là bằng các quy định pháp luật minh bạch, dễ hiểu, dễ làm.

Hai là, nhanh chóng xác lập những điều kiện tiền đề cho chính sách cạnh tranh. Theo đó cần xác định rõ chủ thể thị trường, vạch rõ ranh giới giữa thị trường và Nhà nước; đồng thời, hình thành được hệ thống thị trường đồng bộ và hoàn thiện.

Ba là, có "công nghệ" xây dựng chính sách cạnh tranh theo chuẩn mực hiện đại, phù hợp với đòi hỏi khách quan của nền kinh tế thị trường và thông lệ quốc tế. Theo đó, kết hợp hợp lý và có hiệu quả các biện pháp pháp chế, với kinh tế và biện pháp hành chính cần thiết. Về các biện pháp pháp chế, xác định rõ chủ thể thị trường và đưa ra những quy định thật khách quan và chặt chẽ để bảo đảm các chủ thể đó luôn được đối xử bình đẳng - đó là điều kiện quan trọng hàng đầu để duy trì cạnh tranh một cách công bằng; đồng thời phải chú trọng tăng cường hiệu lực của pháp luật đối với trật tự thị trường, thúc đẩy việc thực hiện Luật Phá sản, sớm xây dựng và ban hành Luật Cạnh tranh và chống độc quyền - làm cho luật này của Việt Nam ăn khớp với các quy tắc thống nhất của khu vực và thế giới. Về các biện pháp kinh tế, cần bảo đảm nguyên tắc không mâu thuẫn với các biện pháp pháp chế, trên cơ sở đó xây dựng những nguyên tắc khách quan trong việc sử dụng các đòn bẩy kinh tế như thuế, giá cả, tín dụng... để thúc đẩy cạnh tranh, đồng thời, tất cả các chính sách khác có liên quan đều phải có tác dụng bảo vệ và khuyến khích cạnh tranh, như chính sách phát triển các ngành, chính sách tài chính, chính sách đầu tư, chính sách thương mại, chính sách việc làm và tiền lương... Về các biện pháp hành chính, cần chú ý đến mối quan hệ giữa nó với các biện pháp pháp chế và các biện pháp kinh tế; trên cơ sở đó, xác định rõ chức năng và quyền hạn của các cơ quan chuyên trách và các chủ thể khác khi họ trực tiếp dùng quyền lực hành chính để can thiệp, giám sát và quản lý các hành vi thị trường của các doanh nghiệp. Các chức năng và quyền hạn đó đều phải được quy định rõ ràng trong luật hành chính và có những điều khoản tương ứng trong Luật Cạnh tranh.

Bốn là, đẩy mạnh nghiên cứu và thực hiện việc quốc tế hóa chính sách cạnh tranh. Việt Nam sớm có các tổ chức chuyên trách xây dựng luật và chính sách cạnh tranh. Trong quá trình này, cần chú trọng tính quốc tế hóa của luật và chính sách cạnh tranh của Việt Nam (chú trọng các đối tác quan trọng như ASEAN, Mỹ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc... và các tổ chức quốc tế lớn như WTO, OECD, UNDP, UNCTAD...), đồng thời, đặc biệt lưu ý đến mối quan hệ giữa chính sách và Luật Cạnh tranh của Việt Nam với cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO...

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Toàn cầu hóa và hội nhập văn hóa

    21/01/2015Đinh Quang TổnToàn cầu hóa là một xu thế không thể cưỡng lại đối với tất cả các quốc gia. Chủ động để hội nhập là một thái độ tích cực, khôn ngoan. Chủ động hội nhập là khẳng định đường hướng có chiến lược, có chiến thuật, có kế hoạch cho tùng bước đi. Chủ động hội nhập sẽ khai thác được nhiều nhất những thuận lợi, những cơ hội để dân tộc có nhiều lợi ích nhất...
  • Toàn cầu hóa và vấn đề quyền lợi dân tộc

    25/06/2014Nguyễn Trần BạtTrong lịch sử phát triển đầy những khúc quanh của nhân loại, chủ nghĩa dân tộc và quyền lợi dân tộc luôn luôn là một trong những vũ khí chính trị hiệu nghiệm cho mục đích tuyên truyền. Điều đó được giải thích không chỉ bởi tầm quan trọng, mà cả tính phức tạp của vấn đề. Và trên thực tế, mặc dù chủ nghĩa dân tộc là một khái niệm, nó thường bị lạm dụng hoặc hiểu nhập nhằng...
  • Cơ hội thứ tư - toàn cầu hóa

    18/04/2004Nguyễn Trần BạtMỗi một dân tộc đều tranh luận với các dân tộc khác về hệ thống giá trị, về định nghĩa con người của mình mà không dịch chuyển đến cái ngưỡng của nó. Từ những năm cuối thế kỷ XX đến nay, trên thế giới xuất hiện một trào lưu mới, một hiện tượng văn hóa mới và rộng lớn, đó là hiện tượng toàn cầu hoá. Hiện tượng này đã phá vỡ từng mảng một sự cát cứ về tinh thần trên toàn thế giới...
  • Tác động của toàn cầu hóa đến truyền thống cần cù, tiết kiệm của dân tộc Việt Nam

    23/12/2010Mai Thị QuýVới bề dày lịch sử hàng ngàn năm, dân tộc Việt Nam đã xây dựng cho mình một hệ thống các giá trị truyền thông, trong đó có đức tính cần cù và tiết kiệm. Trong điều kiện hiện nay, toàn cầu hoá, trước hết là toàn cầu hoá kinh tế, đã và đang tác động mạnh mẽ đến các giá trị đó theo những chiều hướng khác nhau, cả tích cực lẫn tiêu cực...
  • Chủ quyền quốc gia trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế hiện nay

    14/07/2007Nguyễn Tuấn DũngViệc bảo đảm chủ quyền của mỗi quốc gia phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, chịu sự tác động của các nhân tố kinh tế, chính trị, quân sự… Trong phạm vi bài viết này, nêu lên một vài suy nghĩ về chủ quyền quốc gia Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hoá kinh tế hiện nay...
  • Con người, dân tộc và các nền văn hóa: chung sống trong thời đại toàn cầu hóa

    15/06/2007Cuốn sáchlà những suy ngẫm, phần nào có thể gọi là tổng kết mấy chục năm nghiên cứu và giảng dạy các vấn đề này, những suy ngẫm vừa dựa trên một khối lượng kiến thức lịch sử triết học đồ sộ ...
  • Toàn cầu hóa và nguy cơ suy thoái đạo đức, lối sống con người Việt Nam hiện nay

    28/05/2007Nguyễn Thị Thanh HuyềnToàncầu hóalà một xu thế khách quan,có tácđộng mạnh mẽ đến mỗi quốc gia, dân tộc và mỗi cá nhân con người. Sự tácđộng củanó có tính hai mặt: tích cực và tiêu cực. Tác động tiêu cực của toàn cầu hóa dẫn đến nhiều nguycơ mà do nhiều nguyên nhân, dẫn đến nguycơ suy thoáiđạo đức, lối sống của con người Việt Nam...
  • Toàn cầu hóa có giảm được đói nghèo?

    10/05/2007Quan điểm chủ yếu của những người chống toàn cầu hóa là: toàn cầu hóa làm các nước giàu càng giàu hơn và các nước nghèo càng nghèo hơn. Còn những người ủng hộ thì cho rằng toàn cầu hóa sẽ đem lại lợi ích cho các nước nghèo. Nhưng nếu nhìn vào những bằng chứng thực tế, chúng ta sẽ thấy rằng vấn đề này phức tạp hơn khá nhiều.

  • Tác động của toàn cầu hóa đến an ninh các quốc gia và khu vực

    22/03/2007Mạnh Ngọc HùngToàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế có những tác động hết sức sâu sắc đến hầu hết mọi mặt của đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của từng nước và toàn bộ các mối quan hệ quốc tế. Tùy thuộc vào nhận thức và lợi ích mà họ được hướng hoặc mất đi trong quá trình này, những người được lợi thì ủng hộ, những người thua thiệt thì phản đối...
  • Về xu thế chính trị hóa tôn giáo trong quá trình toàn cầu hóa tại Ấn Độ

    21/02/2007Đỗ Thu HàChính trị hoá tôn giáo gồm rất nhiều vấn đề và là một quá trình phức tạp, đang tiếp tục diễn ra tại nhiều nước trên thế giới. Xu thế chính trị hoá tôn giáo cũng đang diễn ra tại Ấn Độ và nổi trội ở hai vấn đề...
  • Trí thức Việt Nam thời toàn cầu hóa: Tư duy, kỳ vọng và trách nhiệm

    01/01/2007Trần Hữu DũngNgười trí thức phải mạnh dạn hướng dẫn và gạn lọc (qua thuyết phục) các trào lưu văn hóa đại chúng. Song, cần nhấn mạnh, sự “hướng dẫn” này phải được vạch ra từ góc nhìn toàn cầu của chính người trí thức. Nó phải xuất phát từ một trình độ lý luận cao, đượm tính nhân bản, tôn trọng dị biệt. Nó không thể là một “phản xạ” có tính giáo điều, hoặc mù quáng bảo lưu những tư duy lỗi thời, không còn thích hợp với thế giới mới...
  • Việt Nam và toàn cầu hóa

    12/12/2006TS. Nguyễn Quang ANhiều người có lý khi cho rằng qúa trình toàn cầu hóa mới bắt đầu ở Việt Nam từ 1986. Nếu như toàn cầu hóa như một qúa trình như trên, ở tầm dài hơn thì cũng có thể hình dung khác đi một chút...
  • Bức tranh toàn cầu hóa

    04/12/2006Đặng Phương KiệtNhững con số được trích dẫn sau đây rút ra từ tác phẩm "Cuộccách mạnggiáo dục" . Một sốliệu có thể không chính xác 100%vì lý do thế giới thay đổi nhanh chóng. Song dẫu sao chúng vẫn được xem là những xu thế phát triển đang làm lay động các nền kinh tếvà các quốcgia trên khắp thế giới...
  • Nhìn nhận về sự tác động của toàn cầu hóa tới đời sống tôn giáo ở nước ta hiện nay

    10/11/2006Vũ Văn HậuNghiên cứu về tácđộng của toàn cầu hóa đến đời sống xãhội, bài viết tập trung làmrõ tácđộng của quá trình toàncầu hoáđối với đời sống xã hội nói chung và đời sống tôn giáo nói riêng, chỉ ra nhữngxu thế chủ yếucủa đời sống tôn giáo hiện nay.Đó là cácxu thế thếtục hoá tôn giáo, hiện đại hoá tôn giáo,đa dạng hoá tôn giáo, sự xuất hiện hiện tượng tôn giáo mới...
  • Những thách thức của toàn cầu hóa

    27/10/2006Nguyễn Trọng ChuẩnToàn cầu hoá được nói đến ở đây trước hết và chủ yếu là toàn cầu hoá kinh tế. "Toàn cầu hoá kinh tế là một xu thế khách quan, lôi cuốn ngày càng nhiều nước tham gia, xu thế này đang bị một số nước phát triển và các tập đoàn kinh tế tư bản xuyên quốc gia chi phối, chứa đựng nhiều mâu thuẫn, vừa có mặt tích cực vừa có mặt tiêu cực, vừa có hợp tác vừa có đấu tranh", vừa tạo ra những cơ hội cho sự phát triển...
  • Toàn cầu hóa

    01/10/2006Bửu ÝToàn cầu hoá là một hiện tượng thời đại toàn cầu không cưỡng lại được. Nhưng không phải chỉ có toàn cầu hoá. Tính đa dạng trên thế giới, thể hiện đặc biệt bằng nhũng đặc trưng văn hoá, thường mang tính phi sản xuất, đi ngược lại những làn sóng doanh thương, hoặc kìm hãm nó. Nhung tính đa dạng ấy nó quan trọng, thiết yếu, không những nói lên những giá trị truyền thống, còn bảo đảm sự trường tồn của quốc gia, mang giá trị nội tại của sinh mệnh quốc gia ấy...
  • Về vai trò của triết học trong giai đoạn toàn cầu hóa hiện nay

    31/08/2006GS. TS. Nguyễn Trọng ChuẩnTrong giai đoạn toàn cầu hoá hiện nay, cái giúpcho con người vượt qua nhữngkhó khăn, thử thách, giải thoátcon người khỏi những tháchđố và vướng mắc củacuộc sống, đáp ứngnhu cầu thường nhật vàlâu dàicủa nhân loại không chỉ là kinh tế,kỹ thuật hiện đại vàcông nghệcao, mà còn là triếthọc. Triếthọc giúpcho con người tìm ra lời giải không chỉ cho những tháchđố muôn thuở, màcòn cho những vấnđề hoàn toàn mớido quá trình toàn cầu hoá đặt ra...
  • Tác động toàn cầu hóa đến đạo đức sinh viên hiện nay

    25/08/2006Võ Minh TuấnToàn cầu hoá là một làn sóng vô cùng mạnh mẽ kéo theo tất cả mọi quốc gia, mọi dân tộc, mọi gia đình và cá nhân vào cuộc. Không một ai, không một quốc gia nào có thể đứng ngoài. SV Việt Nam là một trong những đối tượng chịu ảnh hưởng khá mạnh của xu thế toàn cẩu hóa...
  • Bản sắc và toàn cầu hóa

    22/08/2006GS. Cao Huy ThuầnCái gì là “mới” của thời đại này? Và cái gì là đặc điểm nổi bật của thời đại gọi là “mới”? Chắc ai cũng trả lời: toàn cầu hóa. Hạn chế vấn đề vào lĩnh vực văn hóa, và thu hẹp văn hóa vào một khía cạnh thôi, là "bản sắc", xin nêu ra đây một thử thách khi mà toàn cầu hóa về kinh tế kỹ thuật lôi cuốn theo toàn cầu hóa về văn hóa...
  • Một số thách thức của quá trình toàn cầu hóa đối với Việt Nam hiện nay

    01/08/2006TS. Phạm Văn ĐứcToàn cầuhoá hiện đang là xu thế tất yếu, khách quan, tác động mạnh mẽ tới tất cả các quốcgia, dân tộc, đến đời sống xã hội của cả cộngđồng nhân loại, cũng như cuộc sống của mỗicon người. Toàn cầu hoá không chỉ tạora cho các nước những cơhội, mà cả những thách thức to lớn. Trong cácthách thức đóthì thách thức về văn hoá, về việc giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc, các giá trị truyền thống được coi là một trong những thách thức lớn nhất đối với các nước đang phát triển...
  • Một số “rào cản” cần vượt qua để phát triển đối với các dân tộc Châu Á trong bối cảnh toàn cầu hóa

    31/05/2006TS. Đỗ Lan HiềnCó thể nói, ảnh hưởng của nền văn hoá Khổng giáo, Phật giáo, Lão giáo, Ấn Độ giáo... cùng với những điều kiện xã hội, tự nhiên (sinh thái) khác biệt đã tạo ra những “rào cản" về mặt văn hoá - xã hội đối với các dân tộc Châu Á, khi hội nhập với thế giới. Với những "rào cản" này, các dân tộc Châu Á không dễ dàng tiếp nhận toàn cầu hoá. Do vậy, để có thể vượt qua những "rào cản" này khi hội nhập với thế giới, các dân tộc Châu Á không chỉ cần phải tự tin, vững bước phát triển và mạnh dạn hiện đại hoá, mà còn cần phải biết điều chỉnh cả thái độ lẫn đường lối, chính sách để khai thác tốt những cơ hội mới do toàn cầu hoá hiện nay mang lại...
  • Toàn cầu hóa một số vấn đề triết học đặt ra ở Châu Á - Thái Bình Dương hiện nay

    17/05/2006PGS. TS. Trần Đức CườngToàn cầu hoá là một hiện tượng phức tạp, có tác động sâu rộng đến mọi quốc gia, dân tộc trên thế giới. Trong bối cảnh đó, các nước thuộc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương có thái độ như thế nào đối với vấn đề bản sắc văn hoá dân tộc, phải giải quyết các vấn đề quốc gia dân tộc, chủ quyền dân tộc, tính tự quyết dân tộc, phân tầng xã hội, giá trị người và đời sống con người... như thế nào. Đặc biệt, phải làm gì để chống lại sự huỷ hoại về mặt giá trị của toàn cầu hoá...?
  • Toàn cầu hóa, được và mất

    09/05/2006GS. Văn Như CươngToàn cầu hóa về bản chất là sự mở rộng thị trường ra ngoài biên giới quốc gia, một mong muốn hiển nhiên của những quốc gia có nền kinh tế mạnh hơn, sản xuất được nhiều hàng hóa hơn so với các nước khác. Quy luật muôn đời vẫn là: có thị trướng rộng lớn hơn, có nhiều khách hàng hơn thì lợi nhuận càng cao hơn.
  • Toàn cầu hóa và vận hội của Việt Nam

    28/03/2006Vũ Thành Tự AnhToàn cầu hóa không phải là một hiện tượng gì mới lạ trong lịch sử phát triển của loài người, có mới đi chăng nữa chỉ là ở chỗ làn sóng toàn cầu hóa thời nay xảy ra với tốc độ cao hơn, cường độ mạnh hơn, và phạm vi rộng lớn hơn rất nhiều so với trước đây mà. Và dân tộc ta đã có ý thức chủ động hòa mình vào làn sóng ấy...
  • Mối quan hệ cá nhân - gia đình trong bối cảnh Việt Nam đi vào toàn cầu hóa

    19/07/2005Lê ThiĐi vào hội nhập và toàn cầu hóa, xã hội Việt Nam đang chịu những tác động tích cực và tiêu cực, cả về mặt kinh tế và văn hóa xã hội. Gia đình, tế bào cơ sở của xã hội, tất yếu có những biến động khi xã hội đang thay đổi, có những đổi mới trong quan hệ giữa các thành viên gia đình, giữa cá nhân và gia đình. Vậy cần giữ gìn, phát huy vai trò gia đình như thế nào trong điều kiện mới?
  • Hội nhập quốc tế: Cơ hội và thách thức đối với giá trị truyền thống trong điều kiện toàn cầu hóa

    19/07/2005Nguyễn Trọng ChuẩnQuá trình toàn cầu hóa đang diễn ra hiện nay là hệ quả của sự phát triển vô cùng mạnh mẽ, mang tính chất đột biến của khoa học và công nghệ cao, nhất là công nghệ thông tin. Các phương tiện hiện đại của công nghệ thông tin, trước hết là mạng Internet, mạng viễn thông toàn cầu, cáp quang xuyên đại dương, các mạng kết nối siêu lộ thông tin, … đã tạo ra kết cấu hạ tầng kỹ thuật của toàn cầu hóa.
  • xem toàn bộ