“Tôi và chúng ta”...
Đó là chuyện và kịch xưa, đã cách đây gần 30 năm, nhưng mỗi khi ngẫm lại thấy vẫn còn mang ý nghĩa nhân văn...
Những người thuộc thế hệ 7X trở về trước chắc hẳn đều nhớ và biết đến vở kịch nổi tiếng “Tôi và chúng ta”của nhà viết kịch, nhà thơ tài hoa Lưu Quang Vũ. Vở kịch của ông được sáng tác, dàn dựng nhiều lần và trở nên nổi tiếng ở những năm 80 của thế kỷ trước, bởi nó phản ánh sự đấu tranh giữa sự bảo thủ về tư duy, nhận thức của một số người trong việc hướng tới sự đổi mới của một tập thể trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn của thời kỳ bao cấp.
Cố nghệ sĩ Trần Vân vai Hoàng Việt trong vở “Tôi và chúng ta” của Đoàn kịch Hà Nội. (Ảnh tư liệu)
Có thể nói, “Tôi và chúng ta” của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ đã phê phán trực diện những “cái tôi” cứng nhắc, lạc hậu nhưng đầy mưu mô, ngoan cố trì hoãn sự đổi mới “dám nghĩ, dám làm” của những người thấy được sự trì trệ, kém hiệu quả của một cơ chế không còn phù hợp, cần được thay đổi, cần có nhiều “chúng ta” hơn để hướng tới một phương thức hoạt động mới có hiệu quả, đem lại quyền lợi, hạnh phúc cho mọi người.
Đó là chuyện và kịch xưa, đã cách đây gần 30 năm, nhưng mỗi khi ngẫm lại thấy những “cái tôi” giữa “chúng ta” vẫn còn mang ý nghĩa nhân văn. “Cái tôi” vẫn tồn tại trong không ít người và sự khát khao khẳng định nó của một số ít người trong xã hội tràn ngập thông tin như hiện nay càng nhức nhối, đặc biệt trong giới trẻ.
Với con người, khi còn trẻ thì sự khát khao, mơ ước luôn cháy bỏng. Thế nhưng, nếu những khao khát và mơ ước đó là những cống hiến, dựng xây cho một xã hội lành mạnh, văn minh thì đó là điều đáng quý và trân trọng. Nhưng nếu ngược lại, sự chành chọe mong nổi tiếng bằng sự khẳng định “cái tôi” kệch cỡm, mù quáng, thậm chí không thèm quan tâm đến dư luận, cũng không thèm biết đến hậu quả như sự kiện “bà Tưng”, hay một số người trong giới hoạt động nghệ thuật, và đặc biệt là những thanh niên mặt còn hơi sữa nhưng lại sẵn sàng giết chết mạng người vì mâu thuẫn, cướp giật. Những người đó chắc nghĩ rằng, “cái tôi” đơn giản là làm những gì mà mình thích khi muốn, là thể hiện cá tính khác thường trong một môi trường sống đã quá bình thường.
Tuy nhiên, phê phán “cái tôi” cũng không phải là sự đánh đồng về bản chất. Trong một số lĩnh vực như nghệ thuật, thể thao, có lúc cần một “cái tôi” mạnh mẽ, sáng tạo để làm nên sự khác biệt, góp vào hiệu quả chung của một tập thể. Đó là những lúc “cái tôi” của một số ít người có khả năng, năng khiếu thiên bẩm, được đánh giá đúng giá trị, được coi trọng và được ngợi ca.
Mặc dù vậy, nếu “cái tôi” mà không vì tập thể, vì sự tiến bộ… thì nó sẽ trở nên lạc lõng và đương nhiên sẽ không được cộng đồng và xã hội chấp nhận.
Vở “Tôi và chúng ta” với nhân vật chính có nguyên mẫu là ông Tạ Đình Đề. (Ảnh tư liệu)
Trong những ngày qua, cả nước đều biết đến và cảm động trước những tấm gương quên mình cứu người, nhường sự sống của mình cho người khác từ lời kể của những nạn nhân vụ chìm tàu ở Cần Giờ. Họ cùng đi trên một chuyến tàu định mệnh, cùng làm trong một công ty, cùng là những người bạn đã có một thời gian gắn bó trong cuộc sống và công việc. Như lời họ kể, lúc bình thường thì những tình cảm chỉ là sự quý mến, nhưng khi gặp nạn mới biết đến sự nhường nhịn nhau từng chiếc áo phao cứu hộ, từ một hành động “người khỏe thì che chắn sóng gió cho người yếu, phụ nữ”, rồi nhường cho nhau cả sự sống, mới thấy trân trọng, nghẹn ngào.
Đó là những người lớn. Còn đối với một em học sinh cấp 3 như Nguyễn Văn Nam ở Đô Lương (Nghệ An) hy sinh thân mình để cứu 5 em nhỏ bị đuối nước trên dòng sông Lam, thì hành động dũng cảm của em thực sự là tấm gương sáng để mọi học sinh, thanh niên noi theo.
Bên cạnh những “cái tôi” kệch cỡm, mù quáng thì những tấm gương và hành động tốt đẹp vẫn hiện hữu trong cuộc sống chúng ta. Để có được những hành động đẹp ấy, thì sự giáo dục, nhận thức của mỗi con người là điều cơ bản. Cuộc sống là thứ quý giá nhất không có gì so sánh được. Vậy nếu đem sự sống của mình dâng cho người khác thì những người đó thực sự là những anh hùng bình dị nhất, đáng quý nhất, phải có một tấm lòng hồn hậu, một tâm hồn trong sáng, một nhận thức “mình vì mọi người”, mà để có được nó thì không chỉ có sự quan tâm, giáo dục của nhà trường, xã hội, mà cả trách nhiệm của mỗi một gia đình.
Từ nhận thức đến hành động là cả một quá trình tiếp nhận, sàng lọc, chuyển đổi về cách nghĩ đến cách làm, mà giáo dục và rèn luyện là nhân tố chính, để những “cái tôi” không mãi lạc lõng giữa “chúng ta”.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015Bài học cuộc sống từ "Vua hề Sác-lô"
07/12/2015Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên Cẩn