Tri thức và trí thức
Trong xu hướng tiến hóa của xã hội, vai trò của tri thức và trí thức ngày càng quan trọng hơn. Bài viết thứ hai của Giáo sư Nguyễn Ngọc Lanh trong chủ đề thảo luận "Trí thức Việt Nam" phân tích một số nhận thức về vai trò của tri thức.
>> Xem bài trước:Suy nghĩ về khái niệm trí thức
Tiến hoá xã hội
Thời kỳ mông muội, con người vừa tách khỏi thú vật nên không chịu thua con thú nào về mức sử dụng cơ bắp, do vậy cũng không chịu kém chúng về mức vất vả, nhọc nhằn. Lao động chân tay là độc tôn, được đề cao tuyệt đối. Đứng đầu bộ lạc phải là người nổi trội về sức mạnh cơ bắp. Trong truyện cổ tích, các anh hùng càng phải có sức mạnh cơ bắp – là thứ mọi người ao ước, tôn thờ. Anh hùng cổ tích dẫu có phép thần thì chung qui cũng chỉ để phát huy loại sức mạnh gân cốt này. Đức Thánh Gióng dùng roi sắt quật rồi nhổ cả bụi tre phang vào giặc Ân, còn con ngựa sắt phải... hét ra lửa đốt kẻ thù, thậm chí nó phải... biết bay để mang ngài lên trời! Toàn là sức cơ bắp.
Con người khác con vật là có hai tay, lại được điều khiển bằng bộ não đã phát triển cao, nên bàn tay ngày càng khéo léo. Nhưng điều quan trọng hơn là, nhờ bộ não, con người thu được kinh nghiệm (con vật chưa chịu kém) và tạo ra tri thức (con vật đành thua). Và đây là mới chính là nguyên nhân cốt lõi và vĩnh hằng của tiến bộ xã hội. Mọi nguyên nhân khác, nếu có, chỉ là phụ và tạm. Quá nhấn mạnh những nguyên nhân phụ sẽ gặp rắc rối không chỉ về nhận thức.
Khi một bộ lạc chuyển sang cử một người già đứng đầu thay vì cử một thanh niên cường tráng, thì có thể nói con người đã bắt đầu nhận ra ưu thế của lao động trí óc. Cố nhiên, ban đầu khối tri thức trong xã hội chưa đủ lớn và lớn rất chậm thì kinh nghiệm vẫn tạm thời quan trọng hơn tri thức. Trong xã hội nông nghiệp, điều này tồn tại rất lâu dài, đến nay vẫn thể hiện ở phong tục thờ cúng tổ tiên, trong đó mọi việc lớn trong gia đình đều được trình báo và xin ý kiến “người càng già, càng tốt” – chính là tổ tiên nhiều đời, nên nhiều kinh nghiệm.
Xã hội càng công nghiệp hoá (đồng nghĩa với tăng khối tri thức và giảm giá trị của kinh nghiệm) thì việc vái tổ để “xin ý kiến” sẽ giảm mà chủ yếu để tỏ lòng biết ơn. Do vậy, từ khi xã hội tạo được lớp người “chuyên sản xuất tri thức” thì tốc độ tiến hoá biến đổi về chất: các cuộc cách mạng khoa học - kỹ thuật cứ ngày càng dồn dập.
Nếu khả năng sáng tạo của bộ não là vô hạn thì trí nhớ lại hữu hạn, do vậy trước sau con người cũng phải tạo ra chữ viết để khối tri thức và kinh nghiệm lưu tạm thời trong não (là tài sản cá nhân) được lưu lại lâu dài trong sách vở (thành tài sản chung).
Con người “ngộ” ra rằng tri thức thật quan trọng; do vậy từ khi có chữ, xã hội bắt đầu có trường lớp khiến số người lao động kỹ thuật và trí óc tăng nhanh, đẩy hiệu quả lao động của xã hội còn tăng nhanh hơn nữa. Dường như chúng ta tri ân chưa đủ mức đối với người tạo ra chữ quốc ngữ, thậm chí còn “xét” xem có đáng tri ân hay không.
Trí thức trong liên minh
Hôm nay, ai cũng nhận ra sự khác biệt về chất giữa lao động của nông dân, công nhân và trí thức, nhưng hôm qua thì chưa chắc.
Có thời, chúng ta nêu cao khẩu hiệu “tất cả cho sản xuất” và chia lao động thành hai loại: trực tiếp sản xuất (công nhân, nông dân) và gián tiếp (trí thức, gồm cả văn nghệ sĩ). Để gạt hẳn trí thức về phía “không sản xuất”, chúng ta nhấn mạnh là “sản xuất ra của cải vật chất”. Thế thì nếu có liên minh, trước hết phải là liên minh công – nông, sau đó mới “xét” để xem liệu trí thức đã cải tạo đủ mức để được tham gia hay không.
Bác nông dân dùng cuốc bổ xuống đất thì năng suất rất thấp, nhưng số mồ hôi và calo tiêu thụ lại rất cao; do đó, thu nhập đã thấp lại chủ yếu dùng để ăn, phục hồi sức cơ bắp. Trong khi đó chú công nhân lái máy cày thì năng suất khác hẳn, ít vất vả hơn, mà thu nhập cao hơn (có dành khoản chi cho học tập của bản thân và con cái).
Một câu hỏi ắt được đặt ra: ai dạy anh công nhân cách lái máy cày, ai sáng tạo cái máy cày kia? Thực ra, câu hỏi này đã bị đặt ra rất muộn; và khi có câu trả lời thì chúng ta bắt đầu có khối liên minh công – nông – trí. Nhưng thực chất “liên minh” này là thế nào?
Mọi học sinh Việt Nam đều phải trả lời được: Đó là khối liên minh do công – nông làm nòng cốt, trong đó công nhân là giai cấp lãnh đạo, nông dân là đồng minh tin cậy và lâu dài của công nhân, kết hợp với trí thức. Nếu học sinh nào nói rõ “đây là trí thức XHCN” (ý nói đã được cải tạo) sẽ được thưởng điểm.
Trí thức hoá công nhân
Muốn mọi nông dân cũng sử dụng máy móc (tức là biến họ thành công nhân nông nghiệp, để họ đỡ vất vả) là ý đồ tốt đẹp, nhưng không thể thực hiện bằng kêu gọi, hoặc phát động phong trào thực hiện khẩu hiệu “công nhân hoá nông dân” - vì đó là ảo tưởng. Nó ảo tưởng như thuở nào chúng ta “phát động” nông dân phá bờ ruộng để hàng chục người trong hợp tác xã nông nghiệp có thể cùng cuốc đất trên một thửa đất.
Cách thực hiện ý đồ phải là công nghiệp hoá đất nước ở trình độ cao (mà quá trình này không thể ngắn, không ít gian khổ) chứ không thể bằng khẩu hiệu hay phong trào.
Nền kinh tế tri thức còn cho phép mọi công nhân làm việc như trí thức; ví dụ, dùng máy vi tính để cắt gọt kim loại, điều khiển robot cày ruộng, sản xuất hàng hoá cao cấp... Nhưng có được nền kinh tế tri thức càng không dễ.
Do vậy, từ bao năm nay tôi đã cố mà vẫn không hiểu nổi cái khẩu hiệu ồn ào một thời: “trí thức hoá công nhân” (và cả “công nhân hoá trí thức”) trong khi nền kinh tế nước ta còn dựa vào lao động thủ công là chính!
Anh chị em công nhân nào muốn học tập để thành lao động trí óc thì rất đáng khuyến khích, vì đó là quyền. Nhưng việc đề khẩu hiệu và thực hiện bằng phát động phong trào thì lại khác.
Còn khác hơn nữa, khi đất nước, gia đình và bản thân tốn bao công sức mới đào tạo được một trí thức, thì lại muốn đông đảo trí thức phải “công nhân hoá”.
Các nền văn minh: Vài vấn đề còn thảo luận