Trước hết, đạo lý!
Thiết kế và thực hiện dần cho nhân dân cả nước một lối sống lành mạnh, tốt đẹp, vui tươi – một lối sống bắt rễ sâu thẳm vào văn hóa truyền thống dân tộc, nhờ đó gia tăng bản lĩnh hội nhập hấp thụ tinh hoa thế giới, là một vấn đề cực kỳ bức thiết và trọng đại mà tiếp cận trước tiên và cơ bản nhất là tiếp cận đạo lý của các thế hệ Việt Nam đã đúc kết và từng trải cho đến hôm nay.
Trong hệ thống luật pháp không hề có đạo luật nào về ăn vụng, ăn tham. Nhưng chỉ cần ăn vụng nửa quả chuối, nửa cái bánh, chỉ ăn tham gắp một lần hai ba miếng thịt, là lập tức bị quở mắng, bị chê cười, bị khinh bỉ, được răn bảo dặn dò "lần sau không được như vậy". Vô số việc tương tự, luật pháp không động đến, ăn cắp vài nghìn, vài chục nghìn đồng, đi nhậu nhẹt mà nói dối đi công tác, học cấp mà tự xưng cử nhân, tiến sĩ. Đánh chửi con cháu vợ chồng cả bố mẹ, học trò vô phép bạc nghĩa với thầy, gièm pha người khác nhằm hạ bệ gạt bỏ họ cho mình bước lên… đều không hề có trát gọi hầu tòa để lĩnh án treo hay giam. Nhưng luân lý, đạo đức, lễ nghĩa... gọi tắt cho gọn là đạo lý, lập tức lên tiếng phán xét, cấm đoán và khuyến cáo sự hành xử mà đạo lý đòi hỏi. Cái khoảng cách, cái phạm vi thái độ và hành động mà luật pháp không dính tới vốn hết sức rộng lớn, tha hồ cho những chuyện xấu xa xảy ra.
Tục ngữ Pháp có câu thực hay: “Tôi mặc sức hành động tùy thích trong chừng mực không động tới cái đầu dùi cui của cảnh sát". Tức không động tới pháp luật. Vậy là tôi cứ ăn vụng, ăn tham, nói dối, ăn cắp vặt, ngủ với nữ nhân viên hoặc với vợ hàng xóm, bạt tai vợ, đá con, chửi bố mẹ, chửi thầy giáo... Ân nhân của tôi từ trần, tôi không đi viếng cho khỏi tốn tiền phúng điếu, luật pháp nào truy tố tôi, nhưng trước mắt đạo lý tôi bị kết án là kẻ vô ân, bạc nghĩa.
Theo văn hóa phương Đông, thai nhi đã được thai giáo nhũng phẩm chất tốt đẹp cho đứa bé sắp chào đời. Bé tí xíu mới thôi nôi cũng đã được người lớn dạy "nào vòng tay, nào cúi đầu, ạ đi con, ạ to lên… ". Con người được bắt đầu dạy dỗ như vậy, và đó là thuộc về đạo lý. Chứ không phải là dạy dỗ về pháp luật. Nói pháp luật chủ yếu là nói trị tội, trị những tội bị xem là tai hại làm hư hỏng hủy hoại tới mức nào đó, quan hệ nào đó giữa người với người trong xã hội. Pháp luật chỉ lên tiếng khi những việc tai hại được quy định là tội đó xảy ra.
Đạo lý, trên cơ sở tổng kết nhũng đúng sai tốt xấu, những cái nên làm và không nên làm của con người trong xã hội con người, trong thiên nhiên vũ trụ mà đề ra những tiêu chuẩn nhân cách nhân phẩm "sống cho ra con người, cho xứng đáng con người", đem dạy bảo huấn luyện con người từ tấm bé, từ khi tội lỗi theo luật định chưa xảy ra. Đạo lý rèn giũa con người có nhân cách nhân phẩm, bao gồm am hiểu luật pháp, tôn trọng pháp luật, có ý thức pháp luật, giúp con người khỏi hoặc khó lạc bước sa lưới pháp luật. Pháp luật bắt nguồn từ và dựa vào đạo lý. Chính vì từ đạo lý chính nghĩa như yêu nước thương nòi, quí trọng tổ tiên quê hương, mà đấu tranh chống pháp luật phi nhân của thực dân. Khi bị pháp luật phi nhân đó bắt bớ tù đày, người chính nghĩa không xem mình sai đạo lý và xem tù đày đó là trường học giũa mài nhân cách nhân phẩm. Có sự xem xét này vì con người có giáo dục, khi nghĩ, khi làm việc gì, thường tâm niệm ý đó, việc đó tốt hay xấu, đúng hay sai, thiện hay ác, nên hay không nên… chứ không phải xem có vi phạm hay không vi phạm điều luật nào, chỉ có kẻ phạm tội mới tính xem sẽ vi phạm điều luật nào.
Theo truyền thống văn hóa dân tộc, ông cha ta khi nghĩ, khi tính làm việc gì thường đắn đo suy tư xem ý đó, việc đó có phù hợp đạo lý không, có làm hại ai không, có tổn thương nhân cách, nhân phẩm không, có ô uế thanh dành gia đình, dòng họ, tổ tiên làng mạc, quê hương, nòi giống không, có thất đức không, tức là có làm tổn thất mất cái âm đức cái tốt đẹp, may mắn lại cho con cháu sau khi mình chết hay không… Nêu là "người có tín ngưỡng, có tôn giáo, thì thường suy nghĩ thêm: có được đàng hoàng vui vẻ xứng đáng gặp lại nhũng vị khuất bóng nơi suối vàng không, có bị xuống địa ngục không. Những điều đó đều có tác dụng răn đe phòng ngừa, mà sức răn đe, phòng ngừa của pháp luật không xa không mạnh bằng đạo lý. Tu thân cho đến khi cái quan định luận là một định đề không hề sứt mẻ giá trị. Tu thân tức là sửa mình bằng đạo lý, chứ không phải tu thân bằng pháp luật. Lợi lộc, hối lộ, tham nhũng, buôn bán ma túy thường làm mờ mắt kẻ kém cỏi vô liêm sỉ chứ không làm mờ mắt những ai thật sự có nhân cách, nhân phẩm nhờ tu thân đạo lý. Thống kê cho thấy phần lớn tội phạm là thất học, xa lạ với tu thân, số có học vấn, bằng cấp mà phạm tội thường thấp kém văn hóa, sống vị kỷ, chơi bời phóng túng, cũng xa lạ với tu thân. Kết quả tu thân là cả một hệ thống ứng xử gần như bản năng. Có văn hóa không phải chỉ nói mồm rằng tôn trọng người già cả mà vẫn ngồi gác chân lên bàn khi có cụ già bước vào phòng. Một cách hầu như bản năng là đứng dậy lễ phép chào hỏi. Người thực sự có văn hóa, ví dụ, thường khiêm tốn, không nghe được những lời nịnh hót, tâng bốc, khen ngợi quá đáng thực sự cảm thấy gai gai da thịt, đỏ mặt, đỏ má, khi phải nghe những lời như vậy. Người có văn hóa thường ứng xử tự nhiên theo cái đúng, cái tốt, tự chế trước cái sai , cái xấu, áy náy xấu hổ khi lỡ làm điều gì không nên làm, ví dụ chỉ lỡ quá nóng giận mà nặng lời với ai đó là buồn rầu bứt rứt có khi đến mất ngủ.
Truyền thống văn hóa dân tộc ta là tu thân, sống theo đạo lý, suy nghĩ và hành động theo đạo lý. Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh, là đạo lý, không phải pháp luật. Khổ công học tập tu dưỡng cho có thực tài thực đức để phục vụ dân tộc nhân quần là đạo lý, không phải pháp luật. Nghèo mà giữ được nhân cách, nhân phẩm, đói cho sạch rách cho thơm, là đạo lý, không phải pháp luật. Đời sống chúng ta còn nghèo: phấn đấu cho khá giả lên là đúng. Nhưng cũng phải thấy rằng ta không thể giàu kịp bằng nước Mỹ, nước Nhật, nước Pháp, nước Thụy Sĩ, nước Thụy Điển. Tuy nhiên, hoàn toàn không phải vì không giàu bằng họ mà ta không thể sống tốt đẹp vui sướng, hạnh phúc. Vấn đề là ở lối sống đạo lý, tạo niềm vui sống cho chính mình và đem lại niềm vui cho mọi người, làm cho thiên nhiên môi trường tươi tốt đẹp đẽ. Đây là vấn đề đạo lý, ví như “tri túc tâm thường lạc" , "đem lại niềm vui cho người khác là tạo niềm vui cho chính mình"… không phải vấn đề pháp luật.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu Đổng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu MaiCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngCon người hiểm độc
01/01/1900Phạm QuỳnhCơ hội thứ tư - toàn cầu hóa
18/04/2004Nguyễn Trần BạtThấy gì qua lối sống sinh viên thời nay?
21/10/2003Trương Hiệu