Tự do sinh ra con người
Khái niệm tự do gắn với khái niệm con người. Trong suốt chiều dài lịch sử của nhân loại, hai khái niệm này tạo thành một mối quan hệ cực kỳ mật thiết, quan hệ biện chứng và phát triển. Thế nhưng không chỉ khái niệm tự do mà khái niệm con người từ trước đến nay vẫn chưa được nhận thức một cách đầy đủ và chưa được hiểu một cách nhất quán. Tiêu chuẩn về con người ở mỗi một trình độ văn minh, mỗi một trình độ phát triển, mỗi một đặc trưng văn hoá đều được hiểu, được quy định, được chấp nhận một cách rất khác nhau. Mặc dù vậy, nhìn chung, chúng ta vẫn quan niệm một cách giản đơn rằng ngay từ khi một sinh linh thuộc về loài người chào đời là chúng ta đã có một con người, đã hình thành con người. Đây chính là vấn đề con người lớn nhất mà cho đến nay, thế giới vẫn chưa giải quyết được. Hay có thể nói, mâu thuẫn cơ bản mà con người tạo ra cho chính mình là hệ thống tiêu chuẩn liên quan đến việc định nghĩa con người. Vậy trong bối cảnh thế giới ngày nay, chúng ta phải nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
Có nhiều cách lý giải về nguồn gốc hình thành con người, nói đúng hơn là quy luật hình thành các giá trị con người. Tôi cho rằng, con người được sinh ra bởi hai quy luật: quy luật tự nhiên và quy luật xã hội. Quy luật tự nhiên là quy luật sinh học, còn quy luật xã hội là quy luật của tự do. Không phải quy luật tự nhiên sinh ra con người thì đó đã là con người theo đúng nghĩa. Chính tự do sinh ra tất cả các quyền làm người, tự do hoàn thiện con người. Một cách khái quát có thể nói tự do sinh ra con người;con người là kết quả của quá trình hình thành và phát triển liên tục dưới tác động của các yếu tố tự do.
I. Trạng thái tiền con người
Từ xưa đến nay chúng ta vẫn cho rằng con người tự do và bình đẳng ngay từ khi mới sinh ra. Điều này được thể hiện thông qua quan điểm của trường phái Khai sáng và được khẳng định chính thức trong Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước Mỹ (1776): "Sự thật hiển nhiên là mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng, tạo hoá ban cho họ những quyền không ai có thể tước đoạt được, đó là quyền được Sống, quyền Tự do và quyền mưu cầu Hạnh phúc". Lập luận này có nghĩa là bất cứ ai sinh ra đều có những quyền hiển nhiên hay là đã có đầy đủ tự do.
Chúng ta phải thừa nhận rằng tư tưởng của những triết gia ở thế kỷ Khai sáng đã tạo ra hai cuộc cách mạng vĩ đại, đó là cách mạng Mỹ và cách mạng Pháp, làm thay đổi nhân loại trong vòng 200 năm trở lại đây. Nhờ hai cuộc cách mạng này mà loài người đã thức tỉnh về tự do, từ đó, châu Âu và Mỹ đã phát triển nhanh hơn Trung Quốc - một nước vốn có nền văn hoá phát triển từ rất sớm. Nhưng trên thực tế, không phải ai cũng có tự do, hoặc sinh ra là có tự do. Hơn nữa, cách đặt vấn đề cho rằng con người sinh ra đã có tự do được đưa ra trong tình trạng con người không bình đẳng với nhau,người có tự do, người bị chiếm đoạt tự do. Hãy thử quan sát những gì đang diễn ra ở các nhà nước phi dân chủ, nơi tự do của con người đã bị đánh cắp từ trước khi sinh ra. Liệu có thể coi con người ở những quốc gia như vậy đã đạt đến trạng thái phát triển hoàn chỉnh chưa trong khi họ đang sống trong những điều kiện cực kỳ lạc hậu với những giá trị người ngày càng suy thoái? Bên cạnh đó, châu Âu cũng giải thích tự do theo một cách khác, tự do như là quyền của số đông và kết quả là, nhân loại đi đến một loạt các sai lầm trong thế kỷ XX. Mối tương quan giữa hai phạm trù tự do và bình đẳng chỉ ra sự vô lý khi các nhà nước phi dân chủ bàn đến sự bình đẳng, bác ái giữa những con người không tự do với nhà cầm quyền. Trong xu thế toàn cầu hoá hiện nay, khi phát triển trở thành nội dung chính trị quan trọng nhất của con người, khi các vấn đề con người đã thay đổi về bản chất, thì quan điểm này không lý giải được thân phận con người, càng không giải thích được mối quan hệ biện chứng giữa Con người, Tự do và Phát triển. Vì thế, đã đến lúc chúng ta phải nghiên cứu một cách kỹ lưỡng hơn, bản chất hơn về khái niệm tự do.
Tôi cho rằng, con người sinh ra ở trên đời này là do các động lực huyền bí của trời đất, không phải con người sinh ra đã có tự do mà tự do sinh ra con người. Tự do sinh ra con người hiểu theo nghĩa tự do sinh ra tất cả các quyền để làm người. Nếu không có tự do thì chúng ta tồn tại mà chưa phải là con người. Hơn một nửa thế giới hiện nay chưa phải là con người theo đúng nghĩa.
Con người là một khái niệm văn hoá, khái niệm triết học và khái niệm chính trị, con người không phải là khái niệm sinh học thuần tuý. Làm sao có thể gọi những người châu Phi sống với những điều kiện dưới mức tối thiểu là con người được? Làm sao có thể gọi những người bệnh chết vì không được hỗ trợ về thuốc chữa là con người, vì ngay cả quyền được sống họ cũng không có? Thậm chí, ở một số quốc gia giầu có như Ả-rập Xê-út, mặc dù người dân được đảm bảo các nhu cầu về vật chất nhưng họ không có không gian tự do đủ lớn để phát triển toàn diện con người. Rõ ràng, không có tự do, chúng ta sẽ không có những con người theo đúng nghĩa và đi theo chuỗi logic này, chúng ta sẽ nhận ra sự vô lý khi các nhà nước phi dân chủ khi bàn đến sự bình đẳng hay bác ái - những phẩm hạnh thuộc về con người với những sinh vật ở trạng thái tiền con người. Tự do chỉ tồn tại hay con người chỉ có thể sử dụng tự do và phát triển khái niệm tự do khi có sự tương tác, thoả thuận với những con người khác. Điều đó có nghĩa, xã hội phi dân chủ không phải là môi trường để con người sống đúng với tư cách là một con người. Do đó, nếu tiếp tục đánh cắp tự do của con người, các nhà nước phi dân chủ sẽ phải chịu hậu quả tất yếu là sự biến mất của những giá trị người. Sớm hay muộn, những nhà nước phi dân chủ phải nhận ra sự tồn tại bất hợp pháp của mình và con người trong những nhà nước đó phải ý thức được trạng thái tồn tại vô lý của mình.
Tự do sinh ra con người cũng có nghĩa con người là thành quả của tự do. Con người không tự do là con người bị đánh cắp tự do. Tuy nhiên, con người không bao giờ chấp nhận sự tồn tại ở trạng thái đó; họ dần nhận ra rằng, nếu không có tự do thì những giá trị mang chất lượng con người sẽ biến mất vĩnh viễn. Và bởi tự do là khoảng không gian hợp lý duy nhất tạo ra con người nên những khao khát về tự do sẽ khiến con người bùng nổ và con người sẽ đòi lại tự do bằng cách mạng. Đó là những con người, những dân tộc không may mắn và chính vì thế, chúng ta cần phải nhớ rằng, chúng ta không được phép nhân danh bất cứ cái gì để ngụy biện cho sự tồn tại của những nhà nước phi dân chủ. Tự do sinh ra con người, tự do là môi trường sống của con người, không có tự do tức là không có dung môi để từ ấy loài người bơi lội và sống với tư cách con người.
Hiểu như thế, chúng ta sẽ thấy, nếu con người sinh ra ở những xã hội thiếu tự do thì khó có thể trở thành con người theo đúng nghĩa. Chính cách lý giải nguồn sống của con người và trong quá trình đi tìm cách lý giải trạng thái con người đã dẫn tôi đi đến một khái niệm nữa, đó là khái niệm "tiền con người". Tiền con người là trạng thái chưa hoàn chỉnh của một con người, tức là dưới mức con người. Đó là trạng thái con người không tự do. Jean Paul Sartre, triết gia hiện sinh người Pháp thế kỷ XX nhận định: "Chúng ta phải tự do chỉ để được hiện hữu một cách nào đó. Hiện hữu của con người là tự do. Kẻ không có tự do là không phải con người". Rousseau thì nói: "Từ bỏ tự do của mình là từ bỏ phẩm chất con người, từ bỏ quyền làm người và cả nghĩa vụ làm người". Tiền con người chính là trạng thái của người không có tự do, bị tước đoạt quyền làm người và thậm chí không thực hiện nghĩa vụ làm người. Như vậy,tiền con người có thể trở thành con người nếu có tự do. Tự do là chất xúc tác để tiền con người trở thành con người.
Đưa ra khái niệm "tiền con người" chính là mở rộng thang đánh giá chất lượng con người và dịch chuyển các tiêu chuẩn từ gốc của con người lên trạng thái phát triển của con người. Vậy tự do ở đâu trong không gian của những sinh vật tiền con người? Trong trạng thái tiền con người, tự do là tự do ngủ, tự do như những linh hồn vất vưởng, không có bản thể để sống. Chỗ ngồi của tự do đã bị "ngụy tự do" (hay tự do giả tạo) chiếm nên người ta không cảm thấy mất tự do. Vấn đề là ở chỗ con người phải nhận thức được giá trị tự do, vì nhiều khi người có tự do vẫn chưa phải là con người hoàn chỉnh do không thức tỉnh được tự do của mình. Nếu như tiền con người có thể trở thành con người khi có tự do thì ngược lại, con người có thể lùi về trạng thái tiền con người khi con người tha hoá, con người không có tự do. Nếu coi tự do như một thứ tài sản thì con người sẵn lòng chiếm đoạt tự do của người khác. Nhưng nếu coi tự do là nguồn sống của con người thì con người sẽ ứng xử một cách chừng mực và thận trọng hơn với tự do, bởi con người không thể tồn tại khi bị tước đoạt nguồn sống của mình.
Tự do là nguồn sống của con người, cần phải khẳng định điều đó để con người không tự huyễn hoặc mình, không làm mất đi nguồn sống của người khác cũng như của chính mình. Trong tất cả những thái độ của nhà cầm quyền đối với con người thì thái độ chủ yếu là đối với tự do của con người. Nếu bị tước đoạt tự do thì con người không còn là con người nữa, và khi không là con người nữa thì sẽ xảy ra các hoạt động phi con người. Chủ nghĩa khủng bố cũng là một trong những phản ứng phi con người, đấu tranh giai cấp cũng là một phản ứng phi con người, con người tiêu diệt lẫn nhau và cản trở tiến trình phát triển của toàn bộ loài người. Chính vì thế, tôi cho rằng, cần phải định nghĩa lại tự do để mưu cầu một thái độ khoa học đối với tự do, để hạn chế sự tác động một cách vô lối, phi nguyên tắc của con người đối với khái niệm quan trọng nhất của con người là tự do. Máu là nguồn sống của cơ thể con người và nó có ở trong tất cả các bộ phận của con người, nhưng không phải không có những bộ phận trong cơ thể con người thiếu máu. Ở chỗ nào thiếu máu thì ở đó có vấn đề. Tự do vĩ đại và quan trọng là ở chỗ đó. Nếu coi tự do là nguồn sống của con người thì bắt buộc tất cả mọi người, kể cả những người hiểu nhầm cũng phải có thái độ thận trọng đối với tự do.
Tóm lại, có thể nói, cách đặt vấn đề của các bậc tiền bối là tự do trong mối tương quan con người không bình đẳng với nhau. Còn tự do mà tôi muốn nói ở đây gắn với phạm trù bình đẳng, tự do được đặt trong mối quan hệ biện chứng với khái niệm con người. Tự do là con người bình đẳng trong quan hệ giữa con người với nhau. Xuất phát từ việc nghiên cứu tự do như là yếu tố sinh ra con người, tức nghiên cứu từ điểm zero của các giá trị người, chúng ta cần dịch chuyển toàn bộ nghiên cứu đến trạng thái phát triển của con người, tức là nghiên cứu quy luật hình thành giá trị cá nhân và quy luật ấy chính là tự do.
II. Quy luật hình thành giá trị cá nhân
Tự do chính là một trong những qui luật hình thành các giá trị con người. Không có tự do thì không có con người hay con người không có nhân cách toàn diện. Vì chú ý đến mục tiêu bảo vệ con người và các quyền con người, nên lập luận con người sinh ra đã có tự do vô tình coi những phẩm giá cơ bản của con người hình thành trước tự do. Theo quan điểm này, vốn tự do ban đầu của con người có thể trở thành công cụ cho con người phát triển nhưng là ở giai đoạn sau, còn những phẩm giá cơ bản của con người được hình thành từ khi con người mới sinh ra. Như vậy, con người và tự do chỉ là hai đại lượng độc lập, giống như một đứa trẻ sinh ra đã được phát cho một thứ là tự do. Tôi không cho rằng điều đó là đúng.
Sở dĩ tự do là một trong những quy luật hình thành các giá trị cá nhân là vì trước hết, tự do sinh ra tất cả các quyền để làm người. Tự do là mạch không gian chính đáng để tạo ra con người với tất cả các quyền của nó. Tự do là khoảng không gian liên kết những hoạt động kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội của con người nên tự do chính là môi trường sống của con người. Nếu chúng ta tồn tại mà không có chất lượng tự do bên trong, từ suy nghĩ đến hành động, thì chúng ta không phải là con người hoàn chỉnh. Muốn thành con người hoàn chỉnh, mỗi người phải phấn đấu để tự do thấm vào tất cả các trạng thái hoạt động của mình. Từ tự do trong hoạt động kinh tế để tạo cơ sở vật chất cho cuộc sống, người ta nhận ra cần phải tự do trong cả hoạt động chính trị để tìm cho bản thân một môi trường không khí trong lành - nơi con người được công nhận các quyền tự do cá nhân, còn tự do văn hoá là môi trường bảo trợ tinh thần cho quá trình tự do kinh tế và tự do chính trị. Bằng tự do, mỗi con người tự tạo ra giá trị của mình và trong quá trình sống, chúng dần dần được bồi đắp, hoàn thiện. Như vậy, tự do là môi trường hình thành nhân cách, phẩm chất con người chứ không phải nhân cách hay những phẩm chất cơ bản của con người hình thành trước tự do.
Tự do sinh ra tất cả những thuộc tính của con người cho nên, nếu mất tự do thì con người sẽ dần đánh mất đi chính bản thân mình. Vì thế, lịch sử nhân loại thực chất là một cuộc kiếm tìm tự do, kiếm tìm mình. Mỗi con người cần nhận ra nguyên lý tự do sinh ra con ngườiđể tự thức tỉnh về giá trị của tự do và để tự do có thể đến với từng cá nhân trong xã hội. Người ta không thể chờ đợi tự do, mà tự do là linh hồn thoát ra từ những gì bị trì hãm bó buộc, nảy mầm từ sự hối thúc tình yêu tự do bản năng thành hành động kiếm tìm tự do cho mình. Thực chất, con người tìm kiếm tự do là tìm cái không gian hợp lý để có thể phát triển cao nhất những năng lực của mình. Tự do là đặc điểm của thế giới tinh thần đồng thời cũng tạo nên thế giới tinh thần con người, vì thế, cấu trúc tinh thần con người là một cấu trúc mở, nó phong phú đa dạng như thế nào là tùy thuộc vào mức độ tự do, giá trị tự do có trong mỗi người.
Không gian tinh thần hay không gian bên trong con người phản ánh chất lượng con người và cấu tạo nên con người. Tuy nhiên, không chỉ không gian tinh thần mà cả không gian vật chất cũng góp phần cấu tạo con người, cấu tạo nhân cách con người. Không gian vật chất nằm trong những không gian kinh tế, không gian chính trị, không gian văn hóa. Không gian vật chất trở thành không gian tinh thần của mỗi cá nhân khi nó là dung môi trực tiếp tạo nên nhân cách của cá nhân ấy. Chính vì thế, muốn thành người thì không có cách nào khác là con người phải đi tìm kiếm tự do trong những không gian ấy.
█III. Tự do và các quyền con người
Nói đến tự do là nói đến các quyền con người. Đây là những khái niệm rất cơ bản và rất chuyên nghiệp của một xã hội dân chủ. Đó là kết quả của tiến trình thảo luận về quyền con người, về các giá trị con người ở châu Âu từ thế kỷ XV. Có nhiều cách tiếp cận các quyền của con người. Trong các học thuyết pháp lý hiện hành ở các nước phát triển, các quyền con người được phân định rõ ràng và được đảm bảo thực thi trên thực tế. Trong khi ở các nước kém phát triển, các quyền con người dường như chưa được phân định và lý giải rành mạch. Rất nhiều khái niệm bị lẫn lộn, thậm chí một số quyền được nhấn mạnh, một số quyền bị coi nhẹ, một số quyền không được đáp ứng hay không được đảm bảo.
Có thể thấy, từ trước đến nay, các khái niệm về quyền được hiểu một cách hết sức kỹ thuật, và do đó nó trở thành đối tượng nghiên cứu trong các ngành hẹp của khoa học xã hội. Ví dụ, luật học tập trung nghiên cứu cấu trúc các quyền, xã hội học nghiên cứu các quyền con người trong mối quan hệ giữa con người và xã hội… Tuy nhiên, trên thực tế, những nghiên cứu như vậy chỉ có thể kiểm nghiệm và đưa vào áp dụng ở các nước phát triển, nơi có truyền thống về dân chủ, bởi vì ở đó những khái niệm chung nhất, khái quát nhất của cấu trúc các quyền được nhận thức một cách phổ biến. Trong khi lịch sử hình thành và phát triển của các quốc gia châu Á cho thấy chưa bao giờ cấu trúc các quyền được nghiên cứu một cách phổ quát ở khu vực này. Nó không trở thành đối tượng nhận thức và không được tận dụng như là công cụ để giám sát những hoạt động vi phạm các quyền con người. Thậm chí, ở các quốc gia phi dân chủ, xu hướng chính trị hoá các vấn đề con người dẫn đến việc nhấn mạnh các yếu tố cộng đồng, nhà nước, tức là nhấn mạnh chủ quyền, sau đó đến quyền công dân, rồi mới đến nhân quyền. Khi nói đến nhân quyền người ta giải thích rằng nó đã được đề cập trong hai khái niệm kia, và hai khái niệm đó phải có trước nhân quyền.
Trong các quan điểm đấu tranh với hiện tượng vi phạm nhân quyền ở các quốc gia phi dân chủ, các nhà luật học đã định nghĩa rõ những quyền nào là quyền tự nhiên của con người và những quyền nào phụ thuộc vào mức độ phát triển. Những quyền tự nhiên của con người có nghĩa là ở tất cả các nơi, không phụ thuộc trình độ phát triển, tất cả mọi người đều có những quyền tương ứng. Còn những quyền phụ thuộc vào trình độ phát triển thì được chi tiết hoá, cụ thể hoá, ví dụ như những quyền về kinh tế hay một số quyền về văn hoá… Mặc dù vậy, trên phạm vi toàn cầu vẫn chưa thực sự có sự phân định rành mạnh về các quyền con người.
Theo quan điểm của tôi, liên quan đến con người có 3 cấp độ quyền, như người ta đã thừa nhận, đó là nhân quyền, dân quyền và chủ quyền. Tuy nhiên, chúng ta cần phải nhận thức được một cách rõ ràng trật tự hay vị trí của các quyền này trong cuộc sống của mình. Thứ nhất là nhân quyền, đó là quyền của con người, quyền ấy có giá trị phổ quát toàn cầu, ở đâu có con người thì ở đấy có nhân quyền. Tại sao cần phải nhấn mạnh ý nghĩa phổ quát của nhân quyền? Vì khi nói tới nhân quyền, nhiều nước thường đưa vào đó nội dung văn hoá, tức là họ cho rằng nhân quyền ở nước này khác nhân quyền ở nước kia vì nhân quyền là một quyền đặc thù có tính chất địa lý hay có tính chất văn hoá. Rõ ràng đưa yếu tố văn hoá vào để giải thích các vấn đề thuộc về con người là một cách để nguỵ biện, để che đậy một thực tế là khái niệm quyền con người đã bị chính trị hoá. Tôi phản đối cách giải thích và cách hiểu này. Đã là nhân quyền thì quyền ấy phải được hiểu theo những định nghĩa thống nhất toàn cầu. Khi nói đến nhân quyền là nói đến các quyền cá nhân, quyền tự do của mỗi một con người.
Thực tế, có sự khác nhau giữa trạng thái nhân quyền ở quốc gia này và quốc gia kia, nhưng đó không phải là đặc thù văn hoá mà là kết quả của trình độ phát triển. Các điều kiện để tôn trọng quyền con người rất khác nhau ở các quốc gia có mức độ phát triển khác nhau. Điều đó có nghĩa, những điều kiện chính trị khác nhau, những điều kiện kinh tế khác nhau, những điều kiện phát triển khác nhau sẽ tạo ra sự khác biệt giữa trạng thái nhân quyền ở các quốc gia. Và như thế không có nghĩa là người ta có quyền thừa nhận sự khác nhau về quyền con người. Phải chấm dứt trạng thái cho rằng quyền con người là một khái niệm mang đặc điểm văn hoá.
Nhân quyền là các quyền bẩm sinh, quyền hiển nhiên, đấy là quyền của tạo hoá. Quyền của tạo hoá là quyền phổ biến, nó đúng và nó là đòi hỏi cho bất kỳ vùng địa lý nào, bất kỳ thể chế hay quốc gia nào. Ngày 4 tháng 7 năm 1776, Thomas Jefferson đã mở đầu bản Tuyên Ngôn Ðộc lậpcủa Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ bằng sự khẳng định: "Chúng tôi coi những chân lý sau đây là hiển nhiên, rằng tất cả mọi người sinh ra đều bình đẳng, rằng tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc". Có lẽ đây là lần đầu tiên khái niệm quyền con người được chính thức công bố trên văn bản. Bản tuyên ngôn đã khẳng định quyền con người là vốn có và không thể xâm phạm. Nó xuất hiện, tồn tại cùng xã hội loài người; không phải do con người võ đoán hoặc do ý chí áp đặt mà do “tạo hóa” sinh ra. Cần phải lên án và xoá bỏ tất cả mọi âm mưu làm biến dạng các quyền tự nhiên của con người.
Quyền thứ hai là dân quyềnhay quyền công dân, các quyền này quy định hành vi của người dân. Nếu không phân biệt nhân quyền và dân quyền thì rõ ràng chúng ta không biết bảo vệ dân quyền. Mỗi một quốc gia là sự kết hợp có chất lượng lịch sử của các mối tương quan giữa con người, giữa các cá thể với nhau. Điều đó có nghĩa, các quốc gia có sau con người và vì thế dân quyền có sau nhân quyền. Hơn nữa, dân quyền phải được định nghĩa dựa vào trạng thái phát triển chính trị của các quốc gia, hay quyền cơ bản của công dân lệ thuộc chủ yếu vào cấu trúc chính trị của quốc gia. Do đó, dân quyền là sản phẩm mang chất lượng quốc gia còn nhân quyền là sản phẩm tự nhiên của con người.
Hiện nay, ở hầu hết các quốc gia lạc hậu có sự không rành mạch giữa nhân quyền và dân quyền, tức là quyền cơ bản của con người với quyền cơ bản của công dân. Trong hiến pháp của một số nước, nhân quyền được quy kết vào quyền công dân: "các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa và xã hội được tôn trọng thể hiện ở các quyền công dân và được quy định trong Hiến pháp và Luật"… Đó là sự thay thế nhân quyền bằng dân quyền, tức là biến một quyền hiển nhiên của con người thành quyền cho con người. Sự nhập nhằng giữa nhân quyền và dân quyền thường tồn tại ở những nhà nước phi dân chủ, còn ở những nhà nước dân chủ thì sự khác biệt ấy là rõ ràng, ở đó nhân quyền và dân quyền là hoàn toàn khác nhau.
Nhân quyền khi trộn lẫn vào dân quyền thì luôn luôn phải đi qua cái vỏ hình thức của dân quyền. Một nhà nước mà không thực sự là của nhân dân thì nhà nước đó là cấp trên của nhân dân, nhà nước đó xác lập các quyền con người. Khi đó, các quyền đương nhiên, vốn có của con người trở thành các quyền có tính chất ban phát. Nhân quyền phải được luật pháp các nước thừa nhận, tức là nó được thể hiện dưới vỏ quyền công dân, phải nằm trong các bộ luật dưới hình thức các quyền công dân. Thế nhưng trong điều kiện các nhà nước phi dân chủ là nhà nước không được tạo ra bởi nhân dân, không được kiểm soát bởi nhân dân, thì đương nhiên, các quyền con người thông qua dân quyền trở thành quyền được bàn bạc bởi nhà nước. Ở những nơi đó, cả nhà chính trị và người dân không hiểu được giá trị nhân quyền, nên mới có thực tế là bản thân nhân dân cũng tầm thường hóa nhân quyền, cho rằng không cần đến nhân quyền mà chỉ cần dân quyền là đủ. Điều này cũng lý giải tại sao cải cách của những nước đó thất bại, là bởi thông qua cải cách, người ta chỉ tìm cách giải quyết những bài toán nới rộng không gian về dân quyền, tức là nới rộng quan hệ giữa con người và nhà nước mà bỏ qua vấn đề mấu chốt là nhân quyền. Người ta không nhận ra rằng nhân quyền mới là trung tâm của mọi vấn đề.
Quyền thứ ba là chủ quyền. Chủ quyền chính là quyền quốc gia hay quyền sở hữu đất nước, mà người đại diện cho quốc gia là nhà nước. Lâu nay, nhiều quốc gia, đặc biệt là những quốc gia chậm phát triển hay nhấn mạnh vấn đề chủ quyền. Ở những nước này, chủ quyền chỉ được hiểu như là quyền của những người đại diện quốc gia để đối thoại với quốc gia khác mà người ta không biết rằng, chủ quyền chính là quyền của con người làm chủ đất nước, làm chủ quốc gia và tập trung tạo ra chính phủ, tạo ra nhà nước của mình. Đây chính là mấu chốt của mọi vấn đề liên quan đến quyền con người; nói cách khác, chủ quyền là nơi tập hợp tất cả những vấn đề phức tạp về phương diện chính trị của cấu trúc các quyền. Vì thế, nếu không làm rõ khái niệm nhân quyền thì nhân dân không hiểu đúng về chủ quyền, càng không biết đòi hỏi cơ hội để nói về vấn đề chủ quyền.
Trên thực tế, người định nghĩa chủ quyền chính là các chính phủ. Đất đai là sở hữu toàn dân là một cách giải thích chủ quyền; biên giới là một cách giải thích chủ quyền, là khái niệm mang tính chất chủ quyền. Sự tranh chấp về chủ quyền chủ yếu thông qua sự đàm phán của các quốc gia, của các chính phủ. Các chính phủ thường cường điệu mặt đối ngoại của chủ quyền mà quên mất nội dung bên trong, nội dung đối nội của nó. Nội dung đối nội của chủ quyền là quyền sở hữu đất nước, quyền làm chủ đất nước của mỗi một người dân. Và chỉ khi đất nước có ngoại xâm, hay là chỉ trong những trạng thái có chiến tranh xâm lược thì chủ quyền mới được giải thích như quyền đối ngoại. Còn trong điều kiện hoà bình, trong điều kiện các cộng đồng dân tộc thích hoà bình và không có chiến tranh thì nội dung cơ bản của chủ quyền là các quyền đối nội, tức là quyền đối với nhau của các thành viên cấu trúc ra xã hội và cùng chia nhau quyền làm chủ quốc gia mình.
Tuy nhiên, chủ quyền là quyền chính trị, nó được cấu trúc, được hình thành và phát triển bởi chất lượng của hệ thống chính trị. Lịch sử đã chứng minh rằng dân chủ là thể chế hợp lý nhất mà ở đó người dân có toàn quyền đối với đất nước của mình, chủ quyền là công cụ để bảo vệ nhân quyền và dân quyền. Vấn đề cần phải nghiên cứu là, ai là người đại diện cho chủ quyền trong các phát biểu quốc tế, trong các thảo luận quốc tế? Cơ sở pháp lý nào của các chính phủ cho phép họ có quyền nói về chủ quyền? Như vậy, các chính phủ phải là người đại diện chân chính và hợp pháp cho nguyện vọng của người dân và chỉ những người được lựa chọn bởi người dân mới có đầy đủ quyền của người đại diện. Quyền làm chủ của người dân trong chủ quyền là tạo ra chính phủ theo ý muốn và các chính phủ bắt buộc phải đối thoại quốc tế dựa vào đòi hỏi của người dân thông qua việc tạo ra các sinh hoạt quốc hội.
Một cách tổng quát, có thể kết luận, chủ quyền là một khái niệm gồm hai yếu tố, đó là quyền tạo ra chính phủ của người dân, và quyền làm chủ của người dân, tức là quyền tạo ra các trạng thái chính sách, các trạng thái pháp luật. Nói cách khác, chủ quyền của người dân được xác lập tập trung ở các quyền dân chủ đối với hệ thống chính trị. Đây là một kết luận có tính chất lý luận căn bản về tổ chức nhà nước trong một nền chính trị dân chủ.
Chúng ta phải nhận biết các cấp độ quyền con người để thấy được cần phải tôn trọng và bảo vệ con người với đầy đủ các quyền của họ. Tôn trọng và bảo vệ các quyền con người là dấu hiệu của xã hội có những con người tự do hay xã hội dân chủ. Emmanuel Kant (1724 - 1804), người đã từng có đóng góp lớn vào việc nghiên cứu sự vận hành của trái đất, sự tồn tại của Ðại Thiên hà vũ trụ nằm ngoài Thiên hà, cũng chính là nhà bác học rất thích nhắc đi nhắc lại câu ngạn ngữ: "Hãy thực hiện công lý đi, cho dù thế giới có tiêu vong". Có thể hiểu câu ngạn ngữ này là, dù thế giới có tiêu vong đi chăng nữa thì chúng ta vẫn phải tôn trọng công lý, vì sự tôn trọng công lý là dấu hiệu thể hiện chúng ta là con người, mà tôn trọng công lý chính là tôn trọng con người, tôn trọng các quyền con người. Qua câu nói đó, chúng ta thấy được tầm vóc suy nghĩ, sự lạnh lùng, sự tỉnh táo, sự thú vị và bản lĩnh của một nhà hiền triết vĩ đại. Những con người như thế giúp chúng ta nhận thức về bản thân, về nhu cầu phải khám phá, phải đòi hỏi để từ đó trả lời câu hỏi chúng ta là ai, nếu chúng ta là con người thì phải sống đúng nghĩa là người với đầy đủ các quyền con người.
Nguyên lý về quyền con người là nguyên lý mà người ta không thể nhân danh bất kỳ lý do nào để phủ nhận nó được, nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức cạnh tranh của một dân tộc trong quá trình ganh đua toàn cầu. Chân lý tất yếu của quyền con người là sự tự giác của các không gian. Indira Gandhi trước khi làm thủ tướng Ấn Độ viết một luận văn tiến sỹ là Không gian vật chất và tinh thần cần thiết cho một cá nhân để phát triển. Quyền là không gian sáng tạo của con người, không gian tuyệt đối phải được đảm bảo nếu con người muốn phát triển, hay muốn trở thành nhà lãnh đạo chân chính. Do đó, nhiệm vụ của nhà chính trị là biến trí lực của người dân thành lực lượng của đời sống xã hội. Nhà chính trị, nhà lãnh đạo có không gian quyền lực riêng, đó là không gian phối hợp các năng lực của đời sống xã hội mà nhà chính trị quản lý.
IV. Những phẩm hạnh tự do, bình đẳng, bác ái
Về vấn đề quyền con người, có nhiều quan điểm nhưng cách phân chia thành ba cấp độ quyền như vậy xuất phát từ lập luận của tôi: con người là trung tâm của mọi sự phát triển, hơn nữa là để cho con người tự do, con người bình đẳng và con người bác ái. Tất cả các bộ luật đều được xây dựng dựa vào sự tôn trọng ba quyền cơ bản này. Trong tuyên ngôn của Cách mạng Pháp có nói đến tự do, bình đẳng, bác ái như là những khẩu hiệu. Nhưng chúng ta cần phải hiểu, tự do, bình đẳng, bác ái là những phẩm chất thuộc về bản thân con người. Tự do, bình đẳng, bác ái chính là một trong các quyền trung tâm của nhân quyền.
Trước hết, đã là con người thì phải tự do và có khát vọng tự do. Nếu con người không có khát vọng tự do thì tự do sinh ra vô nghĩa. Tự do là đòi hỏi tự nhiên của con người, thuộc về con người, bắt đầu từ con người, và là phẩm chất phổ quát của con người. Bởi tự do sinh ra con người, nếu không tự do thì không phải là con người, nên tự do là phẩm hạnh quan trọng số một của con người.
Thứ hai là, con người phải bình đẳng và phải có khát vọng bình đẳng.Bởi nếu không có khát vọng bình đẳng thì sẽ không có cái vỏ vật chất của khát vọng tự do. Điều kiện đầu tiên và quan trọng nhất của khát vọng tự do là khát vọng bình đẳng. Nói như vậy có vẻ trừu tượng nhưng nếu để ý thì chúng ta sẽ thấy điều này rất rõ trong cuộc sống hàng ngày của mỗi con người. Nếu một người sợ một người, một người không bình đẳng với một người thì ngay lập tức, người đó có cảm giác mất tự do. Và cảm giác mất tự do là cảm giác mất một cách song phương các quan hệ giữa con người này với con người khác.
Đôi lúc người ta cứ nghĩ rằng cảm giác mất tự do của những quốc gia không thiếu dân chủ là cảm giác của cá nhân với nhà nước, nhưng thực ra không phải như vậy. Cái cảm giác không có tự do là cảm giác có thật trong quan hệ song phương giữa một cá nhân với các cá nhân có tư cách đại diện cho nhà nước. Anh không có tự do với ông công an cụ thể nào đó chứ anh không có cảm giác mất tự do với khái niệm công an. Vì thế, tự do là phẩm hạnh số một, là phẩm hạnh đầu tiên, là phẩm hạnh có tính chất tiên đề để hình thành khái niệm con người. Và bình đẳng là đòi hỏi tất yếu cho quan hệ giữa con người với nhau, đó là cảm giác mà con người cần phải có đối với tất cả các quan hệ song phương của họ trong cuộc sống.
Cuối cùng, bác ái là phẩm chất cải thiện môi trường sống của con người. Trong cấu trúc của bác ái có cả sự vị tha; vị tha là phẩm hạnh cần có để con người có thể sống được với nhau. Vươn tới sự bác ái cao quý chính là để hoàn thiện giá trị con người.
Xưa nay, các nhà luật học, các nhà chính trị học nói về tự do, bình đẳng, bác ái như những khẩu hiệu chính trị, chưa bao giờ, chưa ở đâu những khái niệm đó được giải thích như là phẩm hạnh con người. Con người chấp nhận trạng thái ban phát những thứ đó chính là con người không hiểu tự do và không có tự do. Nếu như con người không hưởng ứng khái niệm tự do, không hưởng ứng khái niệm bình đẳng, không hưởng ứng khái niệm bác ái, thì tự do, bình đẳng, bác ái không có chỗ cư trú và không có nội dung gì trong cuộc sống. Bởi vì, chỗ cư trú duy nhất mà khái niệm tự do, bình đẳng, bác ái có thể có trong đời sống chính là con người. Con người là nơi cư trú của những khát vọng về tự do, khát vọng về bình đẳng, khát vọng về bác ái. Cho nên khi con người không trở thành trung tâm của mọi sự chú ý thì tất cả những sự sắp đặt trật tự đều không có ý nghĩa. Do vậy, vấn đề đặt ra không phải là có nhân quyền hay không mà là nhân quyền được tôn trọng và thể hiện như thế nào trong các nền chính trị khác nhau, các nhà nước khác nhau và các trình độ phát triển khác nhau.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu MaiToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan Đăng