Từ Hệ tư tưởng đến Hệ giá trị
I. Tư tưởng, Hệ tư tưởng và Sự lạc hậu của các hệ tư tưởng
Trước hết cần phải khẳng định rằng tư tưởng, với tư cách là sản phẩm tinh thần của con người, luôn tồn tại. Nó xuất hiện một cách tự nhiên do nhu cầu nhận thức của con người, phục vụ cho sự phát triển. Có thể nói, tư tưởng là một trong những sản phẩm quan trọng nhất của đời sống mà con người hoàn toàn có quyền tự hào, thứ sản phẩm còn cao hơn và tinh xảo hơn mọi thứ sản phẩm công nghiệp hay công nghệ tinh xảo nhất.
Trong cuộc sống có nhiều tư tưởng khác nhau. Các tư tưởng tương tác với nhau, tập hợp lại với nhau một cách tự nhiên thành một chuỗi các nhận thức, được thừa nhận và bị loại bỏ cũng theo quy luật tự nhiên. Là công cụ của nhận thức, tư tưởng thể hiện thông qua các hành vi, cả những hành vi của tư duy lẫn những hành vi bản năng. Tư tưởng được liên tục lựa chọn bởi các cá nhân cụ thể và có vai trò định hướng hành động. Do đó, nhận thức về tư tưởng phải linh hoạt chứ không thể coi nó là những giá trị bất biến.
Nếu tư tưởng là công cụ của nhận thức thì hệ tư tưởng là hệ thống các công cụ ấy. Hệ tư tưởng không phải là sản phẩm riêng của cộng đồng, thậm chí nó cũng không phải là sản phẩm riêng của thời đại, nó là sự tổng hòa những kinh nghiệm sống của nhiều cộng đồng người và của nhiều thời đại.
Việc phổ biến rộng rãi một hệ tư tưởng nào đó bao giờ cũng nhằm hướng dẫn hành vi của cả cộng đồng, góp phần tập trung một cách cao độ và nhất thời các nguồn lực của cộng đồng ấy vì những mục tiêu nhất định, lại những thời điểm nhất định. Tuy nhiên, sử dụng hệ tư tưởng như một công cụ nhận thức toàn dân là một nhiệm vụ quan trọng nhưng cũng hết sức nguy hiểm, nhất là khi việc sử dụng như vậy xảy ra trong thời gian dài. Bởi lẽ, nó có thể đẩy cộng đồng ấy rơi vào tình trạng thụ động, thậm chí là phản động.
Thực tế cho ta thấy chính sự áp đặt và định hướng hành vi theo cách đó đã hạn chế năng lực sáng tạo của con người. Thậm chí, đã đến lúc cần phải lên án tính lỗi thời của hệ tư tưởng như là kết quả của sự bảo thủ hay là tính lười biếng. Việc con người không dám nhận thức chủ động mà vẫn bám giữ các hệ giá trị cũ được xây dựng bởi hệ tư tưởng cũ sẽ tạo ra tính lạc hậu tương đối của hệ tư tưởng đối với sự phát triển của đời sống. Chính hệ tư tưởng, với những yếu tố thuộc về bản chất, đã hạn chế năng lực sáng tạo của con người và do đó, làm mất đi tính đa dạng sinh học của nhận thức.
Trong thế kỷ XX chúng ta đã mắc phải hai sai lầm nghiêm trọng. Sai lầm thứ nhất là tách hệ tư tưởng ra khỏi cuộc sống và biến nó thành một thứ để tôn thờ. Tôn thờ những giá trị tinh thần thì đúng, nhưng tôn thờ những giá trị cụ thể của tinh thần thì lại hoàn toàn sai. Tư tưởng không phải là thứ để tôn thờ mà nó được sinh ra nhằm phục vụ sự phát triển. Do đó, khi tư tưởng không còn thích hợp hay đã trở nên lạc hậu thì chúng ta chỉ nên nhìn nhận nó như một giá trị lịch sử với những công lao thuộc về thời quá khứ mà thôi. Sai lầm thứ hai là tách các giá trị biểu kiến của sự vật ra khỏi giá trị vật lý của nó. Thị trường chứng khoán là một ví dụ điển hình. Thị trường chứng khoán tạo ra một hệ thống các giá trị ảo bên ngoài năng lực thật của nó. Trong lĩnh vực tư tưởng cũng vậy. Những thế lực ở thượng tầng kiến trúc đang tôn thờ một giá trị, trong khi cuộc sống đã và đang đòi hỏi con người phải tìm kiếm những giá trị khác.
Quan điểm của chúng tôi hết sức rõ ràng: hiện nay, hệ tư tưởng không còn tương thích với sự phát triển của thế giới hiện đại nữa, nó chỉ còn là những giá trị lịch sử. Đó là một sự thật, không chỉ ở những quốc gia nghèo đói, mà ở trên phạm vi toàn thế giới, có lẽ chỉ trừ ở chỗ nào mà con người vẫn muốn tiếp tục nô dịch con người. Thế giới đang thay đổi hàng ngày và nó đòi hỏi mỗi người phải có năng lực tư duy độc lập. Không thể chống lại trào lưu tự nhiên ấy và chúng tôi tin rằng một thảm họa sẽ xảy ra nếu chúng ta gắng sức duy trì sự thống trị của những hệ tư tưởng cũ.
II. Sự lên ngôi của Hệ giá trị
1. Đặc điểm của thế giới hiện đại
Như trên đã nói, thay đổi không ngừng là một trong những đặc điểm dễ nhận thấy nhất của thế giới hiện đại. Con người trong thời đại mới buộc phải không ngừng vận động để thích nghi với các thực thể khác. Tốc độ phát triển của thế giới được đó bằng thước đo dựa trên những yếu tố hiện thực của các quốc gia phát triển và do đó, thay đổi để thích nghi là nhiệm vụ vô cùng khó khăn nhưng không thể trốn tránh của các nước đang và kém phát triển. Trong một môi trường vừa hợp tác vừa cạnh tranh sâu sắc, nếu một dân tộc có năng lực cạnh tranh kém sẽ ngày càng ít cơ hội để phát triển. Như vậy, đồng thời với các cơ hội được mở ra, toàn cầu hóa cũng tạo ra mâu thuẫn gay gắt giữa các nước đang phát triển với các nước phát triển trong quá trình mở cửa, hội nhập.
Đa phương hóa quan hệ là đặc điểm cơ bản thứ hai của con người trong thế giới hiện đại. Gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng, người ta nói nhiều đến hội nhập quốc tế trên tất cả các mặt của cuộc sống như là một điều kiện tiên quyết cho phát triển, một xu thế tất yếu mà không một quốc gia nào có thể đứng ngoài. Trong chiến lược phát triển của các quốc gia, đa hương hóa quan hệ là một trong những mục tiêu cơ bản nhất. Toàn cầu hóa làm cho thị trường của mỗi quốc gia được mở rộng ra phạm vi quốc tế, nhờ đó quan hệ mua bán hàng hóa và dịch vụ được tăng lên nhanh chóng. Chưa bao giờ mối quan hệ của các quốc gia được mở rộng như trong bối cảnh hiện nay và sự phát triển của mỗi quốc gia gắn liền với các quốc gia khác vì lợi ích chung của tất cả các bên.
Trình độ dân trí ngày càng cao là đặc điểm cơ bản nữa của thế giới hiện đại. Tốc độ phát triển như vũ bão của khoa học - công nghệ là minh chứng rõ nét nhất cho sự phát triển của tri thức con người. Ngày càng được xã hội hóa, quốc tế hóa và toàn cầu hóa qua đó, vốn tri thức này tác động tới mọi mặt của đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của từng quốc gia. Thông tin, tri thức được phổ biến rộng rãi trên phạm vi toàn thế giới và do đó, gắn kết con người với nhau, kết quả là các quốc gia tác động qua lại lẫn nhau, chịu ảnh hưởng của nhau ngày càng sâu sắc. Hơn nữa, trình độ dân trí ngày càng cao làm cho con người dần dần nhận ra giới hạn của thế giới xung quanh. Họ cũng nhận ra và trực tiếp hay gián tiếp phổ biến những giá trị toàn cầu, trong đó đặc biệt quan trọng là những giá trị cá nhân. Đó chính là động lực của các cuộc cách mạng về tư tưởng.
2. Sự áp đặt tư tưởng và sự hình thành hệ giá trị
Mặc dù có sứ mệnh quan trọng là giúp con người tổ chức các hành vi trong cuộc sống, hệ tư tưởng không phải không có những giới hạn, mà trước hết là những giới hạn về thời gian, về tính thích hợp và đặc biệt là tính phổ biến. Sai lầm cơ bản của chúng ta là không hiểu được những giới hạn ấy. Chúng ta luôn có xu hướng nghĩ hộ người khác, một người nghĩ cho muôn người. Trong cuộc sống, có những vấn đề mang tính sống còn, mang tính chiến lược cần đến những nhận thức cá nhân đặc biệt để vận động và tổ chức mọi người giải quyết. Thế nhưng sẽ hoàn toàn sai lầm nếu biến nhận thức cá nhân thành công cụ chế sẵn để áp đặt cho mọi người. Nếu ai đó tự cho mình có cái quyền sáng tạo ra hệ tư tưởng và dùng quyền lực để phổ biến áp đặt nó cho xã hội, thì về thực chất kẻ đó đã đẩy cả cộng đồng đi theo hướng thụ động và tước đoạt cảm hứng nhận thức của toàn xã hội. Dĩ nhiên, trên thực tế, nhiều quốc gia, nhiều cộng đồng đã có hệ tư tưởng của mình. Nhưng đó không phải là kết quả của một mà nhiều người, của toàn xã hội, kết quả của việc lựa chọn, sự sàng lọc tự nhiên những cái có lý trong tư tưởng của các cá nhân. Nó khác xa với sự áp đặt tư tưởng bằng cách dùng các phương tiện công cộng nhằm gây ra tính không đối xứng về nhận thức của con người. Chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng, áp đặt hệ tư tưởng lên con người và tiêu diệt khả năng tự do nhận thức, tự do tư tưởng, tự do hiểu biết của con người là biến con người thành những kẻ bị nô dịch về tư tưởng.
Chúng tôi đánh giá rất cao luận văn của ông Joseph Stiglitz, người đoạt giải Nobel kinh tế năm 2001 về tính không đối xứng của thông tin. Tuy vậy, chúng tôi cho rằng tính không đối xứng của thông tin không chỉ bắt nguồn từ quá trình nhận thức tự nhiên, mà còn từ sự truyền bá quá nhiều những ý tưởng cá nhân. Chúng tôi không cho rằng bất kỳ một cá nhân hay tổ chức nào được quyền tự đặt ra một hệ tư tưởng. Chúng ta có quyền truyền bá tư tưởng của mình nhưng không được lạm dụng điều này bởi nó sẽ tạo ra tính không đối xứng của thông tin, và càng không được phép biến tình trạng này thành phổ biến. Trái lại, chúng ta cần phải làm cho mọi người hiểu rằng tư tưởng là công cụ để nhận thức, và ngày nay mỗi người đều phải là nhà tư tưởng. Nói đúng hơn, mỗi người phải trở thành nhà tư tưởng của chính mình, của chính hành động của mình, vì lợi ích của mình.
Vậy trong thời đại ngày nay, cái gì sẽ thay thế hệ tư tưởng, khi nó không còn đóng vai trò chủ đạo nữa? Theo chúng tôi, đó là hệ giá trị. Nếu như hệ tư tưởng là tập hợp các tín điều thì hệ giá trị là tập hợp các tiêu chuẩn. Những đòi hỏi của xã hội mới chính là áp lực buộc hệ tư tưởng phải nhường chỗ cho hệ giá trị, với tư cách là tác nhân định hướng tiến bộ và dân chủ hơn. Trái với bản chất giáo điều của hệ tư tưởng, các tiêu chuẩn luôn luôn thay đổi cùng với cuộc sống. Rõ ràng việc thay đổi các tiêu chuẩn dễ dàng hơn nhiều so với thay đổi các tín điều và cái gì dễ thay thế hơn thì nó thích hợp với cuộc sống hơn.
Tóm lại, theo chúng tôi, con người sẽ không bao giờ quay lại các hệ tư tưởng mà sẽ xây dựng một tập hợp các giá trị từ các tiêu chuẩn thông thường của đời sống. Tính phổ biến của các giá trị sẽ tạo nên hệ thống giá trị, và hệ thống giá trị tạo ra sự đồng nhất của các giá trị. Nói cách khác, hệ thống giá trị sẽ là tư tưởng của đời sống hiện đại.
III. Toàn cầu hoá và Sự hình thành hệ giá trị toàn cầu
Không ai có thể phủ nhận được rằng toàn cầu hóa đem đến cho nhân loại, cả những nước phát triển lẫn những nước chậm phát triển, những cơ hội phát triển và cả những thách thức vô cùng to lớn. Ngày nay, tất cả các quốc gia, do quá trình toàn cầu hóa, có mặt trong nhau, chịu ảnh hưởng lẫn nhau. Chính trong quá trình toàn cầu hóa mà thế giới bỗng nhiên nhận thức ra các giá trị chung mà con người cần phải có để chung sống và phát triển. Do đó, toàn cầu hóa đối với lịch sử nhân loại cũng có giá trị như thuyết tương đối của Einstein trong lịch sử khoa học. Toàn cầu hóa càng sâu sắc bao nhiêu thì hệ tư tưởng sẽ càng phải bộc lộ tính khu trú cá nhân của nó. Ở đây, xin lưu ý rằng cần phải phân biệt hệ giá trị với nền văn hóa. Chúng ta đều biết rằng mỗi cộng đồng nhỏ đều có bản sắc riêng với các giá trị văn hóa của mình. Nhưng khái niệm cộng đồng ngày càng mở rộng nên sẽ có những tiêu chí văn hóa khác nhau, những nền văn hóa khác nhau. Con người chứa trong mình nhiều hệ tiêu chuẩn văn hóa khác nhau để điều chỉnh những đối tượng và quan hệ sinh hoạt khác nhau. Cho nên có thể nói rằng không có chuẩn mực văn hóa cho sáu tỷ người, trong khi đó nhân loại vẫn luôn luôn cần và trên thực tế vẫn tồn tại những chuẩn mực chung. Dĩ nhiên, bên cạnh chuẩn mực chung còn có chuẩn mực riêng.
Chuẩn mực riêng để phân biệt người này với người kia, cộng đồng này với cộng đồng kia, còn chuẩn mực chung là thứ để con người chung sống. Trong đời sống hằng ngày, chuẩn mực chung ngày càng cao lớn lên cùng với sự mở rộng của khả năng giao lưu. Hiện nay, các quốc gia đang phát triển mới chỉ đặt ra nhiệm vụ hội nhập về kinh tế mà chưa quan tâm đến việc tạo cho con người năng lực hội nhập về mọi mặt.
Trong bài Toàn cầu hóa về văn hóa chúng tôi đã đề cập đến những tác động khác nhau của toàn cầu hoá. Ở đây chỉ xin nhắc lại rằng toàn cầu hóa về văn hóa đang làm lan truyền trên khắp thế giới những giá trị phổ biến như nhân quyền, dân quyền, dân chủ, tự do... đồng thời cũng làm thay đổi tính chất của các quan hệ xã hội. Khi đó, các dân tộc, các cộng đồng giao lưu với nhau thông qua các hệ giá trị, các quyền lợi và đặc biệt là các tiêu chuẩn văn hóa. Trong quá trình đó, sự phổ biến các giá trị dân chủ là xu thế tất yếu và toàn cầu hóa buộc các dân tộc, các tôn giáo khác nhau phải ngồi lại cùng nhau tìm ra các tiêu chuẩn chung sống của toàn nhân loại.
Kết luận
Như vậy, giá trị của các hệ tư tưởng chỉ có tính chất tương đối, mang tính lịch sử. Tư tưởng và hệ tư tưởng không phải là những giá trị bất biến, càng không phải là những tín điều để tôn thờ, nó đang và sẽ bị thay thế bởi hệ giá trị, là một hệ thống các tiêu chuẩn để quy định, định hướng và tổ chức hành vi của con người trên phạm vi toàn cầu.
Thế giới đang thay đổi từng ngày, từng giờ và toàn cầu hóa đang phổ biến khắp thế giới những thước đo mới, những tiêu chuẩn mới. Những tiêu chuẩn chung đó chính là cơ sở hình thành hệ giá trị toàn cầu hệ giá trị sẽ đóng vai trò chi phối, kiểm soát hoạt động của con người. Vì thế, trong thời đại ngày nay, nhiệm vụ của các chính thể là nắm bắt sự hình thành của hệ giá trị và hướng sự phát triển của đất nước cho phù hợp với hệ giá trị đó.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất Thịnh"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Tôi sợ nhất là cái "văn hoá" phi văn hoá, phản văn hoá
29/04/2018Phan Thắng (thực hiện)Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015