Từ kiến thức đến nhân cách
Cái vấn đề đặt ra chung quanh khái niệm người trí thức vốn khá đa dạng. Ở một số nước, người ta nhấn mạnh lương tâm trách nhiệm con người trí thức trước xã hội. Ở một số nước khác, người ta thích bàn đến mối quan hệ giữa tự do và phục vụ, dấn thân và "xây tháp ngà" để làm khoa học. Riêng ở Việt Nam, theo ý chúng tôi, trong nhiều trường hợp, câu chuyện nhân cách vẫn nổi lên rõ rệt hơn cả.
Tạp Chí Tia sáng số ra 01/2000, có đăng bài viết của Bửu Ý nhan đề “Trí thức anh là ai?” Đây là một câu hỏi lớn, cần được nhiều người tham gia bàn bạc. Dưới đây, chúng tôi chỉ xin lưu ý một khía cạnh nhỏ.
Sự nổi trội của giá trị
Ở Hà Nội mấy chục năm trước có những người vốn dòng dõi quý tộc hẳn hoi, song lại thường xấu hổ với dòng dõi của mình hễ ai vô ý nói xa nói gần rằng thời xưa ông tổ họ hoặc gần hơn, cha anh họ đã từng giữ chức nọ, chức kia, họ thường sầm ngay mặt lại, khó chịu như bị xúc phạm. Chỉ khoảng chục năm nay, người ta mới bắt đầu làm ngược lại. Tức là công khai chấp nhận giá trị dòng dõi, thậm chí sẵn sàng khoe khoang là họ nhà mình đã từng có người làm đến thượng thư, tổng đốc...
Đối với hai chữ trí thức cũng có tình trạng tương tự. Hồi trước không ít người , dù hàng ngày lao động trí óc hẳn hoi, song rất ngại khi thấy mình được liệt vào phần tử trí thức. Người ta cứ muốn lẫn đi giữa mọi người bình thường, và sẽ rất vui lòng nếu được gọi chung bằng mấy chữ: cán bộ. Sự hãnh diện được là trí thức chỉ vừa đến trong khoảng một hai chục năm qua (ở đây, tôi chỉ nói trong phạm vi tâm thức dân gian, chứ trong các tài liệu chính thức, hai chữ trí thức được xác định ra sao, lại là chuyện khác!).
Nên hiểu thế nào cho đầy đủ?
Lúc coi thường, lúc xem trọng là vậy, nhưng không phải ngay lập tức người ta đã có cách hiểu đúng với các danh từ được sử dụng.
Từ điển Hoàng Phê ghi: Trí thức là những người "chuyên làm việc lao động trí óc và có tri thức chuyên môn cần thiết cho hoạt động nghề nghiệp của mình”.
Đây cũng là cách giải thích bắt gặp ở nhiều từ điển khác và phù hợp với cách hiểu thông thường của nhiều người. Ở chỗ này, có thể có một sự liên hệ: thường nhiều người chỉ hiểu hai chữ lưu manh và vô nghề nghiệp, là ăn cắp, ăn trộm... Song có lẽ nên nói đầy đủ hơn: lưu manh là cả một lẽ sống tùy tiện, bất chấp chuẩn mực quy tắc đạo lý. Với tâm lý lưu manh, người ta có thể làm bất cứ việc gì miễn là có lợi cho bản thân. Quay trở lại với khái niệm trí thức thì phải nói trí thức chính là đảo ngược trở lại và như vậy, điều quan trọng ở đây không phải là trình độ kiến thức cao (ví dụ: từ đại học trở lên) mà là phẩm cách con người. Một trí thức chân chính luôn luôn bị ràng buộc bởi những điều mà họ tin tưởng. Với họ, cái chân, cái thiện và cả cái mỹ nữa - quan trọng hơn cái lợi. Lẽ tự nhiên dù vẫn là những con người cụ thể có cá tính riêng, song người trí thức không bao giờ là kẻ tham bạo, lừa gạt, lười biếng , hiếu danh, tàn nhẫn... Sự khiêm nhường của họ bắt nguồn từ những hiểu biết sâu xa về mối quan hệ cá nhân và xã hội, họ nhìn những người ít học một cách độ lượng và bằng lòng với phần đóng góp thiết thực của mình trong việc thúc đẩy xã hội tiến tới. Hồi cuối thế kỷ XIX, nhà văn Nga Tsékhov đã nói: trí thức, đó chính là lương tâm của nhân dân.
Kiến thức đã biến thành nhân cách như thế nào và tại sao một số người quá trình này không xảy ra?
Đằng sau một kiến thức cụ thể, thường khi ẩn chứa một nội dung nhân văn nhất định. Một phát minh trong kỹ thuật, một định lý mới tìm ra trong toán lý, hay một quy luật ngày càng được kiểm tra là chính xác trong khoa học xã hội... mang sẵn trong lòng nó một quan niệm về tính hợp lý của đời sống hoặc là tiền đề tốt để cho người ta có thêm ý niệm đầy đủ về cái đẹp, cái thiện. Ở những người lao động trí óc có đời sống tinh thần lành mạnh, quá trình đi sâu vào lĩnh vực chuyên môn mà họ theo đuổi đồng thời cũng là quá trình để bức tranh thế giới trong họ thêm hoàn chỉnh và mỗi ngày một ít, cách sống, cách nghĩ, cách ứng xử với đồng loại ở họ cũng theo đó mà hình thành nên những nền nếp tốt đẹp. Tưởng như kiến thức, bên cạnh vai trò cụ thể trong công việc đã được thăng hoa để tinh lọc lại làm nên nhân cách, và đây mới là chỗ phân biệt giữa "người đọc nhiều biết nhiều” với các trí thức thực thụ.
Nói vậy, vì trong thực tế vẫn tồn tại loại người tuy có tiếng là trình độ kiến thức bậc cao. Song vẫn không phải là trí thức, tệ hơn nữa một số trong họ sống như lưu manh, hay nói đúng hơn vẫn để cho tinh thần lưu manh chi phối cách sống (nịnh trên lừa dưới, bon chen, cầu lợi, ham hưởng thụ, độc ác tàn tệ với đồng nghiệp...)
Tại sao xảy ra tình trạng như vậy? Ở đây có thể có hai giả thiết:
Trường hợp thứ nhất, khá đơn giản: có người nghe rất oai nhung sự thực kiến thức là kiến thức giả, chắp vá nhặt nhạnh, đương sự đã đạt tới bằng cấp qua con đường tà đạo, một số trong họ chẳng qua chỉ là những kẻ lợi khẩu, dễ lòe người chứ thực ra bên trong trống rỗng.
Lại có trường hợp thứ hai, hơi khó lý giải hơn một chút. Ở một số người, kiến thức là thứ thiệt hẳn hoi, họ giỏi giang, họ sâu sắc song nhìn vào cách sống, vẫn không phải trí thức. Tại sao? Trên nguyên tắc, có học hành là có xảy ra sự thẩm thấu của kiến thức vào con người để biến thành nhân cách. Nhưng trong thực tế đấy không phải là quá trình xảy ra đồng đều nhất loạt ai cũng như ai. Chẳng hạn, có những người vì nhiều nguyên nhân khác nhau (do di truyền, do giáo dục, hoặc do những bất hạnh gặp phải lúc nhỏ) mà thói gian manh vụ lợi, sự lừa bịp, lối sống hiện đại chung quanh… đã ăn vào máu, dù có đọc nhiều hiểu biết rộng đến đâu, vẫn cứ đường cũ mà đi, niềm tin cũ mà sống. Cái phần tinh hoa của kiến thức khi gặp một tâm hồn trơ lỳ thoái hóa... thì dừng lại, không đủ sức lay chuyển hạt nhân tính cách đã ổn định bên trong. Loại người này đặc biệt lợi hại. Họ năng động, họ hấp dẫn, họ có khả năng lôi kéo thuyết phục chung quanh. Nói chung là họ làm được nhiều việc. Chỉ hiềm một nỗi, họ chỉ lo đắp điếm cho gia đình, hoặc tạo ra cái tiếng tăm cái uy thế ghê gớm cho bản thân cũng như phục vụ cho những mục đích tầm thường. Còn như bảo rằng họ có ích cho nhân quần xã hội thì vẫn không phải.
Cái vấn đề đặt ra chung quanh khái niệm người trí thúc vốn khá da dạng. Ở một số nước, người ta nhấn mạnh lương tâm trách nhiệm con người trí thức trước xã hội. Ở một số nước khác, người ta thích bàn đến mối quan hệ giữa tự do và phục vụ, dấn thân và "xây tháp ngà" để làm khoa học. Riêng ở Việt Nam, theo ý chúng tôi, trong nhiều trường hợp, câu chuyện nhân cách vân nổi lên rõ rệt hơn cả. Một khi người ta còn chưa trở thành chính cái mẫu người ta muốn theo, thì bàn thêm những việc khác làm gì cho mệt?!
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất Thịnh"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn