Kỳ vọng ở báo chí: Báo chí phải nhìn lại mình
Giáo sư Tương Lai có thể làm chuyên gia trong nhiều lĩnh vực bởi ông là một kho tri thức sống quý giá. Hơn thế, ông là người luôn nóng lòng phản biện trên báo chí trước những vấn đề lớn của xã hội. Và từ đó, góc nhìn của Giáo sư Tương Lai với báo chí cũng là góc nhìn đầy thực tế và mang tính xây dựng cao...
- Thưa giáo sư, ông quan niệm thế nào là một phương tiện truyền thông hiện đại? Báo chí Việt Nam bây giờ tương đối đa dạng. Với một người làm nghiên cứu như ông, nhưng cũng là một người tham gia vào môi trường báo chí với tư cách một chuyên gia. Theo ông, chất lượng thông tin trên báo chí hiện nay như thế nào?
- Chúng ta đang sống trong thời đại bùng nổ thông tin. Chưa bao giờ người làm báo lại có điều kiện "để làm báo" như bây giờ. Bưng bít thông tin đã trở thành ngớ ngẩn, đấy là chưa nói một thông tin bị che giấu sẽ càng khuyến khích người ta tìm đọc. Hơn nữa, theo một cách nói khá thú vị, thế giới chúng ta sống đang trở thành "phẳng" với sự gắn kết toàn cầu của nối mạng Internet! Nhờ đó, không phải đi đường vòng, mà là trực diện, ngay tức thì, trước màn hình của máy tính. Trên mặt phẳng của chiếc màn hình ấy, thế giới hiện ra như một biểu tượng của "thế giới phẳng". Đó là thành tựu kỳ diệu của cuộc cách mạng công nghệ, trước hết là công nghệ thông tin! Phương tiện truyền thông hiện đại nói chung, và báo chí nói riêng, vừa là sản phẩm của nền văn minh, vừa đóng góp quan trọng vào nền văn minh đó.
Đương nhiên, đóng góp như thế nào là còn tùy thuộc vào bản lĩnh, trình độ nhà báo và chất lượng thông tin. Đừng quên rằng đã có sự cảnh báo: "Chúng ta đang chết ngộp trong khối lượng thông tin nhưng lại thiếu thốn tri thức". Vẫn phải lưu ý đến sự cảnh báo đó, tuy nhiên với báo chí của ta hiện nay thì thông tin chưa phải là nhiều đến độ người đọc phải "chết ngộp"! Ngược lại, công chúng vẫn rất cần phải thực hiện quyền được thông tin, nhất là những thông tin liên quan đến vận mệnh đất nước và cuộc sống con người, không chỉ những người ưu thời mẫn thế cần đến mà là nhu cầu bức xúc của mọi công dân quan tâm đến lợi ích của chính mình trong lợi ích chung của toàn xã hội. Còn "thiếu thốn tri thức", những tri thức giúp cho mỗi một con người, đặc biệt là thế hệ trẻ, thì quả đang là đòi hỏi chính đáng của xã hội đối với báo chí của ta. Công chúng đòi hỏi nội dung của những thông tin, những phóng sự, ký sự chuyển tải trên từng trang báo phải là những thông điệp của nhà báo gửi đến công chúng, để qua đó, họ thấy được tờ báo đúng "là tấm gương tinh thần, trong đó nhân dân nhìn thấy bản thân mình" như kỳ vọng của C.Mác.
- Báo chí là một phần tất yếu của đời sống con người hiện đại, dù thích hay không chúng ta cũng vẫn chịu những tác động tích cực hoặc tiêu cực từ nó. Trước mỗi thông tin mới liên quan mật thiết tới đời sống dân sinh, lẽ ra người đọc sẽ ngay lập tức tin vào báo chí thì nay họ bắt đầu kiểm định lại thông tin với nhiều hồ nghi. Phải chăng, niềm tin vào tính chính xác của báo chí đã giảm sút, hay vì bạn đọc bây giờ đã thông minh hơn? Ông có nhận định gì về xu hướng phát triển của báo chí Việt Nam trong thời gian tới? Và ông kỳ vọng gì vào những người làm báo, nhất là những người làm báo trẻ?
- Nếu công chúng "kiểm định lại thông tin và bắt đầu hồ nghi" thì báo chí phải nhìn lại mình chứ không còn phải lôi thôi gì nữa. Victor Hugo, đại văn hào Pháp, khẳng định: "Hãy nhìn vào dân chúng, bạn sẽ thấy chân lý". Tách từng người ra một, thì có người giỏi và người dốt, nhưng khi mọi con người kết lại thành "nhân dân" thì chân lý luôn thuộc về họ. Trong đời sống xã hội, nhân tố hoạt động là những con người có ý thức về hành động hướng tới những mục tiêu không hoàn toàn giống nhau, thậm chí có khi trái ngược nhau. Nếu nhìn theo từng cá nhân riêng lẻ thì mỗi cá thể đó hoạt động theo mục đích của mình với những động cơ rất riêng tư. Nhưng nếu tổng hoà lại, những cá nhân ấy, tất cả muốn gì, thì lại nhận ra rằng, thật ra động cơ của từng cá nhân không có ý nghĩa là bao đối với kết quả cuối cùng, thậm chí có khi ngược lại. Hégel có lý khi cho rằng động cơ của những nhân vật lịch sử, thật ra, không phải là những nguyên nhân cuối cùng của lịch sử. Lịch sử là một sự vận động trong thế tương quan giữa nhiều lực lượng nhằm tìm ra một hợp lực, vạch ra con đường đi của nó. Ngay từ đầu, và cho đến bây giờ, rồi mãi mãi, những hợp lực ấy vẫn do các cá nhân hiện thực tạo ra mà vẫn không phụ thuôc vào cá nhân họ. Sự đồng thuận xã hội càng cao thì hợp lực nói trên càng phát huy sức mạnh của nó. Chẳng thế mà, Napoléon Đệ nhất, người đã từng ngạo mạn tuyên bố "Nhà nước là ta" cũng đã phải nhẫn nhục nói rằng: "Nhà nước là cái gì? Không là cái gì cả, nếu nó không có dư luận". Nhà độc tài thông minh ấy đã hiểu được xét đến cùng, sức mạnh của cái Nhà nước mà ông ta nắm trong tay, là đến từ đâu.
Với thế kỷ XXI, dưới tác động của cuộc cách mạng thông tin và mạng Internet, "ở mọi nơi, các hệ thống thứ bậc đang bị thách thức từ bên dưới và phải tự biến đổi thành các cấu trúc theo chiều ngang và có tính cộng tác hơn" khiến cho nhân dân càng có điều kiện để "thông minh" hơn. Người ta dễ dàng vứt bỏ ngay một tờ báo mà lướt qua những dòng mục chỉ thấy toàn những thứ "biết rồi, khổ lắm, nói mãi" để tự tìm lấy thông tin cho mình. Mạng Internet là một thách thức sống còn với báo chí. Để đứng vững và phát triển, báo chí phải "là cái thế giới ý tưởng không ngừng trào ra từ thực tế hiện thực, lại chảy trở về hiện thực như một dòng thác đầy sinh khí". Chỉ có thể trở thành "dòng thác đấy sinh khí" chứ không là những bản sao lười nhác công văn chỉ thị khi "báo chí sống trong nhân dân và trung thực chia sẻ với nhân dân niềm hy vọng và nỗi lo lắng của họ, tình yêu và lòng căm thù của họ, niềm vui và nỗi buồn của họ" như C.Mác đòi hỏi. Báo chí của ta luôn được tiếp sức từ cuộc sống của nhân dân ta. Mà dòng sông cuộc sống thì tuôn chảy không một phút giây ngừng nghỉ. Ở những đoạn nước xoáy, nơi khúc sông đổ ngoặt thì váng bẩn nổi lên nhiều, song quyết định tốc độ của dòng sông xuôi về biển cả là sức cuộn chảy từ bên dưới. Nương theo địa hình, có lúc ngỡ như sông chảy ngược, song thật ra sông vẫn xuôi về biển. Vả chăng trên đất nước ta đâu đâu cũng có "những dòng sông nối đôi tay liền với biển khơi" (Trịnh Công Sơn)! Mạch sống của dân tộc truyền sinh lực cho nhà báo nếu nhà báo biết chia sẻ "hy vọng và nỗi lo lắng", "tình yêu và lòng căm thù", "niềm vui và nỗi buồn" với nhân dân mình, nhất là các nhà báo trẻ đang sung sức và giàu nghị lực.
- Trên một số diễn đàn online, nhiều người than rằng, báo chí đang né tránh đề cập những vấn đề lớn của đời sống dân sinh. Những diễn đàn cho những người trí thức ngày càng thu hẹp, thay vào đó là những thông tin có phần trung tính và tính phản biện của báo chí không cao. Theo ông đây có phải là sự thật? Và nếu là sự thật thì giáo sư có thấy là chuyện bất thường? Ông có nghĩ rằng, báo chí Việt Nam đang bỏ rơi quá nhiều chất xám của những người làm khoa học, không biết tận dụng những tài năng lớn để phục vụ cho việc phổ cập thông tin cho bạn đọc, mà dường như lại hơi ngần ngại với những trí thức có những tư tưởng mới?
- Phản biện ư? Chuyện này đã "xưa như trái đất" vậy. Báo chí sinh ra là để làm việc đó. Nhưng xin bắt đầu từ khoa học, lĩnh vực mà chúng tôi có chút ít am hiểu, thì khoa học là một chuỗi sai lầm được sửa chữa. Mà sửa chữa được, là nhờ có sự tranh luận nhằm phê phán cái sai và chấp nhận cái đúng, cái sai bị loại bỏ để cho cái đúng được tiếp tục đúng. Song đâu phải chỉ khoa học mới cần đến "phản biện"! Những "sai lầm được sửa chữa" ấy không kiêng dè, loại trừ bất cứ một lĩnh vực nào trong đời sống: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước. Thì đây kia, công cuộc Đổi mới từng tạo ra một bước đột biến, đẩy tới sự phục hưng đất nước chẳng là một minh chứng sống động của "sai lầm được sửa chữa" là gì!
Mọi chủ trương, chính sách, mọi chương trình kế hoạch nếu không thường xuyên bám sát thực tiễn, nương theo sự vận động, biến đổi và phát triển của cuộc sống để kịp thời điều chỉnh, sửa sai thì không thể tránh khỏi những thất bại. Những thông tin phản hồi từ nhiều nguồn, chủ yếu là từ dưới lên, sẽ là tiền đề không thay thế được của sự điều chỉnh, sửa sai ấy. Báo chí với chức năng vốn có của mình sẽ phải đối diện với công việc đầy thách thức này. Cùng với việc chuyển tải những chủ trương đường lối đến với mọi người, những thông điệp từ trên xuống, báo chí thực hiện chức năng chuyển tải những thông tin phản hồi từ dưới lên để góp phần quan trọng vào sự điều chỉnh và sửa sai ấy, đấy chính là báo chí thực hiện chức năng phản biện xã hội của mình. Còn chuyện "diễn đàn cho những người trí thức ngày càng thu hẹp, thay vào đó là những thông tin có phần trung tính".
Cụ Nguyễn Công Trứ từng có một ý rất hay về người trí thức "vũ trụ chi gian giai phận sự", nghĩa là xem việc trong trời đất là phận sự của mình. Xem ra ý tưởng của "kẻ sĩ" Việt Nam thế kỷ XIX đã bắt gặp quan điểm của J.P Sartre, triết gia người Pháp thế kỷ XX: "Trí thức là người làm những việc chẳng ăn nhập gì đến họ(s'occupe de ce qui ne le regarde pas)". Kỹ sư thì không lo xây cầu, thầy thuốc thì không lo khám bệnh, kinh tế gia thì không lo cộng trừ nhân chia với cái thống kê. Tại sao họ lại xớ rớ vào những chuyện không liên quan gì đến họ vậy, tại vì họ cho đó chính là chuyện của họ. Chuyện không phải là của họ mà họ thấy là của họ. Cái thấy đó làm họ trở thành trí thức. Còn quyết liệt hơn nữa, theo C.Mác "trí thức là người nói sự thật, phê bình không nhân nhượng về những gì đang hiện hữu. Không nhân nhượng với nghĩa rằng họ không lùi bước trước kết luận của chính mình, hoặc trước xung đột với quyền lực, bất cứ quyền lực nào".
Chưa dám nhận mình là một trí thức theo yêu cầu của Mác, nhưng đôi lúc tham gia phản biện thì chuyện ấy cũng không nên xem là "bất thường". Thì cụ Nguyễn Du chẳng đã từng răn dạy đó sao: "Chút riêng chọn đá thử vàng/ Biết đâu mà gửi can tràng vào đâu/ Còn như vào trước ra sau/ Ai cho kén chọn vàng thau tại mình". Chỉ xin được thêm một câu rất chi là "quan điểm lập trường" mà cụ Nguyễn Du chưa nói được: có một chỗ tuyệt vời để gửi can tràng của người trí thức: gửi vào nhân dân của mình.
Thì Bác Hồ chẳng đã rành rẽ chỉ ra đó thôi : "Đây là một cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ tốt tươi. Để giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này cần động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân". Nếu như bạn nói, "thực sự, báo chí Việt Nam đang bước vào giai đoạn khó khăn. Đôi khi nói được điều mình muốn nói cũng là cả một quá trình", thì để vượt qua khó khăn đó, những nhà báo, nhất là những người trẻ đang làm báo phải tin vào chính mình, tin vào lý tưởng đẹp đẽ mà mỗi chúng ta đang theo đuổi nhằm "chống lại những gì đã cũ kỹ hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ tốttươi" theo lời dạy của Bác Hồ, báo chí chúng ta sẽ vượt qua được giai đoạn khó khăn đó.
- Xin cảm ơn giáo sư!
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCách đây một thế kỷ, những người khổng lồ
12/05/2009Nguyên NgọcTiền... bạc
25/06/2009Linh Linh